Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

MẦU NHIỆM TỰ HỦY CỦA THIÊN CHÚA ĐỂ BAN ƠN CỨU ĐỘ

Thời sự Thần Học – Số 38, tháng 12/2004, tr. 20-29

Trần Huy, O.P.


Trong mầu nhiệm cứu độ, Đức Kitô tự ý từ bỏ quyền hưởng những đặc ân của một Thiên Chúa nhưng chấp nhận hoá ra không, mặc lấy thân phận thấp hèn[1], và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người[2]. Thật vậy, Kinh Thánh đã diễn tả ý nghĩa của từ ‘Kenosis’ Tự Huỷ, bằng sự vâng phục, khiêm tốn và trung tín của Đức Kitô đối với ý muốn của Thiên Chúa. Đức Kitô biểu lộ sự Tự Hủy của Người trong chính sự vâng phục, để trở thành Đấng Cứu Độ. Vì ý muốn của Chúa Cha là cứu độ loài người, mà đường lối của sự Tự Hủy là vâng phục ý muốn của Chúa Cha, nên sự Tự Hủy của Chúa Kitô là để cứu độ loài người.

Khi cử hành Thánh thể , chúng ta cử hành lễ hy sinh của Chúa Kitô, vốn ẩn giấu những chiều sâu của việc Nhập thể và tâm điểm của cứu chuộc. Nơi đó Đức Kitô lại xuống trần và tái diễn việc hiến dâng của Người, lập lại hành vi cứu thế và trao ban sự sống của Người cho con người bằng chính Mình và Máu Người. Vì thế, có thể nói mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm Tự Huỷ thâu tóm toàn bộ lịch sử cứu độ, vì trong đó dự định cơ bản của Thiên Chúa là kết hợp mọi người trong tình yêu, và ban cho họ tham dự chính sự sống của Ngài.

1. Tự Huỷ của Ngôi Lời Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể


Sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người, không xóa bỏ công trình tạo dựng của Người. Thiên Chúa đã ban cho con người một lời hứa để hy vọng sống[3]. Từ lời hứa ấy, Thiên Chúa bắt đầu chuẩn bị tạo lập một cuộc hiệp thông mới. Cuộc hiệp thông này được chuẩn bị từng bước qua các tổ phụ và các tiên tri. Nhưng bước đầu cuộc hiệp thông vẫn mang tính đơn phương, gây cho con người một nỗi sợ hãi, con người không dám xưng danh Thiên Chúa[4]. Khi tới hồi viên mãn, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã được sai xuống ở với nhân loại, hòa mình vào đời sống của họ. Người đã tỏ lộ cho nhân loại biết Thiên Chúa là Cha nhân từ, và Người đã đưa con người vào hiệp thông trong tình thân mật hơn với Thiên Chúa, bằng Thánh Thần của Người. Nhân loại có thể kêu lên “Abba”[5].

Như vậy, có thể nói mầu nhiệm Nhập Thể là sự hiện diện Tự Huỷ của Ngôi Lời. Sự Tự Hủy này không chỉ đơn thuần là việc Chúa Kitô trút bỏ vinh quang của một vị Thiên Chúa, để đảm nhận thân phận con người với tất cả những yếu hèn, đau khổ; nhưng ngay trong chính thân phận ấy và "bên kia" những gì liên quan đến thân phận ấy, quyền năng cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Người.

Thật vậy, mầu nhiệm Nhập Thể diễn tả mầu nhiệm Tự Huỷ của Đức Kitô, là mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Kitô trên trần gian trong thân phận con người. Trong thân phận con người, Đức Kitô từ bỏ vinh quang và danh dự của một vị Thiên Chúa, điều này không có nghĩa là Người từ bỏ chỉ để làm một cuộc "du ngoạn" trên trần thế, hay như kiểu một vị vua vi hành đi giám sát thực tế. Cuộc Nhập Thể Tự Huỷ của Người nhắm đến việc cứu độ loài người, biểu lộ mầu nhiệm Thiên Chúa, biểu lộ và thực hiện tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người. Do đó, mầu nhiệm Tự Huỷ - Nhập Thể không chỉ gồm những chiều kích thuộc thân phận người phàm, nhưng ngay trong chính thân phận ấy Đức Kitô mạc khải cho biết tất cả sự viên mãn của thiên tính hiện diện cách cụ thể nơi Người[6]. Nhân tính của Người trên trần gian như là "bí tích", nghĩa là như một dấu chỉ, công cụ cho thiên tính và ơn cứu độ Người mang lại cho loài người[7]. Vì thế, khi hướng đến mầu nhiệm Nhập Thể cũng là hướng đến sự hiện diện Tự Huỷ của Ngôi Lời Thiên Chúa, hướng đến sự hiện diện của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là Con người, và cũng hướng đến mầu nhiệm cuộc đời của Đức Kitô.

Có thể nói, trong cuộc nhập thể của Đức Kitô, nhân loại được đón nhận ơn cứu độ; vì nhờ cuộc nhập thể của Đức Kitô, Thiên Chúa thực sự ở với loài người và loài người được ở với Thiên Chúa[8]. Do đó, cuộc nhập thể của Đức Kitô thực hiện ơn cứu độ cho nhân loại; vì Người là Con Thiên Chúa đã làm người, liên đới với loài người sa ngã, hiệp nhất họ lại với nhau và với Thiên Chúa nhờ Chúa Thánh Thần, để họ được kết hiệp với Người trong cuộc Vượt Qua. Nếu nhìn mầu nhiệm Nhập Thể theo nghĩa là toàn bộ đời sống của Đức Kitô cho đến lúc Người được tôn vinh, thì mầu nhiệm Nhập Thể là mầu nhiệm cứu độ.Thiên Chúa đã đến với con người trước để hiến thân cho con người: động tác đi lên của con người được nâng đỡ bởi động tác đi xuống của Thiên Chúa với con người. Người chấp nhận con người ,vì Người đã dựng nên con người có tự do; khi kẻ phụ bạc ấy là con người từ khước Người, không chấp nhận lệ thuộc vào Người, thì Người vẫn không từ bỏ con người, mà Người thiết lập một dân tộc, trong dân tộc đó Con Một của Người đã sinh ra; và cho dẫu Người biết Con Một Người sẽ bị sát tế trên Thập giá, nhưng Người vẫn ban cho con người, vì Người muốn Tự Huỷ để loài người được ơn cứu độ[9].

2. Hy tế Thập Giá, hy tế Tự Huỷ


Danh từ Sacrificium được ghép bởi chữ sacrum và facere nghĩa là linh thánh hóa, tức là tách biệt một nơi chốn, một đồ vật, một súc vật hoặc một nhân vật nào đó ra, không dùng vào việc trần tục, mà dùng vào những việc linh thiêng, thần thánh[10]. Theo nghĩa thần học Thánh Kinh, hạn từ hy tế để chỉ việc dâng hiến Thiên Chúa một lễ vật, bằng cách biến đổi hoặc thiêu huỷ vật ấy cách nào đó, để nhìn nhận chủ quyền tối cao của Thiên Chúa và sự thần phục của con người[11]. Thánh Phaolô nói: "Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt"[12]. Như thế, hy tế của Đức Kitô là hành động tình yêu của Người đối với Thiên Chúa và đối với loài người, trong đó, Người tự hiến mình làm Hy lễ dâng lên Chúa Cha để cứu độ muôn người. Hành vi Tự Huỷ đó được diễn tả trong bữa Tiệc ly hay như trên Thập giá. Thánh Éphrem viết: “Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã sát tế chính mình; còn trên thập giá, người ta sát tế Ngài”. Trong Hy tế đo, Đức Kitô không những là Thượng Tế, mà còn là của lễ hy sinh.

Hy tế Tiệc ly được coi như là một hy tế đầy đủ. Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu loan báo việc Người chịu chết: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình”[13]; và cũng chính trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã giải thích ý nghĩa của cái chết mà Người sắp đón nhận, một cái chết vì anh em, một cuộc đổ máu vì muôn người, một cái chết để mọi người được tha tội. Còn Hy tế Thập giá tự nó đã là một hy tế đầy đủ rồi. Bởi lẽ, trong hy tế Thập giá, lễ vật được dâng lên không có một nghi thức hay công thức nào, nhưng việc dâng hiến ấy lại được biểu lộ rõ ràng trong lời kêu lớn tiếng của Đức Kitô: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”[14]. Như vậy, việc sát tế trên Thập giá -tự bên trong- không phải chỉ là ý muốn của kẻ khác, nhưng là Đức Kitô, Đấng Cứu Thế tự sát tế khi hiến trao mạng sống mình: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự hy sinh mạng sống mình”[15].

Thực vậy, cái chết trên Thập giá đã có ngay trong bữa Tiệc ly. Lễ hy sinh đã khởi sự trong bữa Tiệc ly và hoàn tất trên Thập giá. Vì thế, lễ hy sinh trên Thập giá và trong bữa Tiệc ly chỉ là một. Lễ vật không đẫm máu trong phòng Tiệc ly nhưng trở thành lễ phẩm đẫm máu được thực hiện trên Núi Sọ. Do đó, Tiệc ly và Thập giá là hai sự kiện liên kết chặt chẽ với nhau đến độ chỉ là một thực tại duy nhất. Khi Đức Giêsu Kitô phục sinh hiện ra với các môn đệ, Người giải thích cái chết của Người nằm trong chương trình của Thiên Chúa, đã được các ngôn sứ tiên báo từ lâu theo như lời Kinh Thánh; hay như đã được ngôn sứ Isaia loan báo qua hình ảnh về “Người tôi tớ đau khổ”[16]. Từ đó, các môn đệ hiểu được cái chết của Thầy mình mang lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại; một cái chết “để chuộc tội cho muôn dân”[17]. Và khi Đức Giêsu về trời, các môn đệ tụ họp nhau để ôn lại những gì Thầy mình đã dạy, lập lại cử chỉ bẻ bánh để tưởng nhớ đến Thầy và đồng tâm nhất trí chuyên chăm cầu nguyện, đồng thời chia sẻ cho nhau những của cải vật chất và mong chờ Thầy mình sẽ đến lần nữa[18].

Quả thật, hy tế Thập giá là một hy tế đem lại ơn cứu độ cho loài người. Cái chết của Chúa Kitô thật là hy tế cứu độ. Hy tế đó được diễn ra trong toàn bộ Cuộc Đời, mà Cuộc Đời đó luôn được sống trong tâm tình vâng phục và yêu mến đối với Thiên Chúa. Có thể nói, đó là một hy lễ hiện sinh, vì “Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó Chúa Kitô, chiên Vượt Qua của chúng ta chịu hiến tế, thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện”[19]. Thiên Chúa muốn một hy lễ như thế vì hạnh phúc của con người.

3. Nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô Tự Huỷ để ban ơn cứu độ


Đức Kitô Tự Huỷ để hiện diện giữa loài người qua việc nhập thể. Người cử hành hy tế Thập giá trên bàn thờ , để thông ban ơn cứu độ. Do đó, hy tế Thánh Thể biểu lộ sự Tự Huỷ thẳm sâu nhất của Đức Kitô; Người dâng mình cho Chúa Cha để được đi sâu vào thế giới loài người, trao ban chính mình cho họ để họ được sống và sống dồi dào sự sống của Người.

Khi lập Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô đã xác định sự hiện diện của Người trong Bí tích Thánh Thể là sự hiện diện với tư cách là Đấng dâng mình làm lễ vật hy tế. Trong tư cách đó, sự hiện diện của Người cũng là sự hiện diện của Đấng là Ngôi Lời Nhập thể. Vì thế, trong hy tế Thánh Thể, Người Tự Huỷ trong chính sự hiện diện của Người và Tự Huỷ trong việc Người dâng hiến chính mình. Nói đúng hơn, để hiện tại hóa hy tế cứu độ, Ngôi Lời Nhập thể đã Tự Huỷ để hiện diện, để dâng hiến chính mình trong hy tế Thánh Thể. Do đó, Con Thiên Chúa làm người đã chọn con đường Tự Huỷ để loại trừ quyền lực của tội lỗi. Đó là đường lối theo lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa để cứu độ loài người[20]; vì "Thiên Chúa sai Con mình đến mang thân xác giống thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta, Thiên Chúa đã lên án tội trong thân xác Con mình"[21]. Chính trong đường lối Tự Huỷ đó, Đức Kitô biểu lộ Người là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa[22], Người đã tái tạo lại thế giới qua việc nhập thể, Người đã lấy chính Mình và Máu Người để nuôi dưỡng con cái mình.

Mặt khác, trong lệnh truyền “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, từ “nhớ” ở đây là từ liên kết tưởng nhớ việc làm và lời của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, đồng thời hiện tại hóa Giao Ước mà Chúa đã thiết lập bằng chính Máu Người. Khi gọi Máu Người là Máu Giao Ước, Đức Kitô cho thấy chỉ có một Giao Ước duy nhất, Giao Ước đã thể hiện trong chính Người và đã thể hiện qua giao ước núi Sọ để cứu chuộc nhân loại. Như thế, Thánh thể vừa là Giao ước vừa là Hy tế. Giao ước này tuy kế thừa truyền thống Cựu Ước nhưng hoàn toàn mới mẻ, đặc thù cho Tân Ước. Sự kế thừa truyền thống Cựu Ước này cũng mang tính tưởng niệm, vì Chúa Giêsu đọc lời truyền phép: “Này là máu Thầy, máu giao ước”. Đức Giêsu nhắc đến giao ước Sinai, được ký giữa Thiên Chúa và con người qua trung gian là Môsê. Chúa Giêsu muốn loài người, khi cử hành Thánh Thể thì tưởng nhớ đến Giao Ước mà Người đã thiết lập. Hơn nữa, Máu chiên bò là lễ hy tế trong Cựu ước đã được thay thế bằng cái chết thập giá của Đức Giêsu, một cái chết do Tình yêu và Sự vâng phục trọn vẹn. Điều này rất quan trọng , đến nỗi Thánh Phaolô đã nhắc đến trong trình thuật về việc thiết lập bí tích Thánh Thể: “Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này, anh em loan truyền sự chết của Chúa”[23]. Lời loan báo này cho thấy, không những chúng ta tưởng niệm một sự kiện qúa khứ, nhưng còn tham dự vào hành động cứu độ của Thiên Chúa. Chính nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô mà thế giới này được cứu độ, cho nên khi cử hành Thánh lễ, Hội Thánh sống lại cuộc Vượt Qua của Đức Kitô như sự kiện giải phóng dứt khoát của nhân loại.

Giáo Lý Hội Thánh dạy rằng: Thánh lễ là một hy tế vì hiện tại hóa hy tế Thập giá, vì tưởng niệm và ban phát hiệu quả của hy tế này[24]. Cần hiểu rằng Thánh lễ hiện tại hóa hy tế Thập giá có nghĩa là Thánh lễ hiện tại hóa hy tế đó cách mầu nhiệm trong nghi lễ, đúng hơn, là hiện tại hóa hy tế Thập giá cách bí tích. Thư gửi tín hữu Do thái nói rằng Đức Kitô đã cử hành hy tế một lần là đủ đem lại cho chúng ta ơn tha tội và ơn cứu độ[25]. Về phương diện lịch sử, không thể lặp lại hy tế của Đức Kitô; hy tế ấy đã hoàn toàn tuyệt đối đầy đủ và hữu hiệu. Do đó, Thánh Lễ tái diễn hy tế Thập giá của Đức Kitô trên bình diện bí tích. Thật vậy, trong Thánh lễ, hy tế Thập giá hiện diện như một nguồn mạch vô tận của ơn cứu độ. Mỗi Thánh lễ được cử hành là bằng chứng cho thấy ơn cứu độ đầy tràn cho loài người mọi thời và mọi nơi.

Như thế, cuộc nhập thể của Đức Kitô đã là biến cố cứu độ, và đã hướng đến đỉnh cao của biến cố cứu độ là hy tế Thập giá được thực hiện nhờ sự Tự Huỷ của Người. Do đó, Bí tích Thánh Thể được Đức Kitô thiết lập để hiện tại hóa mầu nhiệm cứu độ của Người, dù cử hành hy tế Thập giá thì cũng bao gồm cả mầu nhiệm Nhập Thể, vì trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật đang hiện diện để ban ơn cứu độ. Vậy, trong hy tế Thánh Thể, Đức Kitô cũng không ngừng biểu lộ sự Tự Huỷ của Người: Người Tự Huỷ để tái diễn công cuộc cứu độ và để trao ban ơn cứu độ cho mỗi ngườivà cho toàn nhân loại.

Tạm kết


Ngôi Lời Thiên Chúa, đã Tự Hủy để nhập thể làm người. Trong cuộc đời trần thế, Người luôn Tự Hủy để sống hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì công cuộc cứu độ loài người, Người đã Tự Hủy sống vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên thập giá. Đó là sự Tự Hủy để dâng hiến chính mình vì yêu mến Chúa Cha và vì yêu thương loài người. Cho nên, khi tham dự thánh lễ, chúng ta cử hành một nghi lễ nối kết giữa hiện tại với tương lai, giữa cá nhân với mọi người trong việc cử hành, giữa những người còn sống với những người đã chết. Chính vì thế, khi cử hành thánh lễ, cần hiểu ý nghĩa và ân sủng mà thánh lễ mang lại, để có thể kín múc một cách trọn vẹn những ân sủng, những hiệu quả đó hầu mang lại ích lợi cho chính mình và những người xung quanh. Quả thật, khi thật sự sống mầu nhiệm Tự Hủy, người tín hữu sẽ hiệp thông với nhau để xây dựng Hội thánh; vì chính khi đó, họ thực sự thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô, họ loan truyền Người đã nhập thể, chịu chết và tuyên xưng Người đã sống lại cho tới ngày Người lại đến trong vinh quang.
___________________
[1] Xc. Pl 2, 6 - 7.
[2] Mc 10, 45.
[3] Xc. St 3, 15.
[4] Xc. St 19,16-19; 20,18-19; 32, 31; 33,20.
[5] Xc. Gl 4,4-6.
[6] Xc. Cl 2, 9.
[7] Xc. SGLCG số 515.
[8] Xc. Mt 1, 23.
[9] Xc. Ga 3,16-17.
[10] Xc. John A.Hardon, Từ điển Công giáo phổ thông, trang 229.
[11] Xc. Điển ngữ Thần Học Thánh Kinh, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X, Đà lạt, trang 270 – 279.
[12] Ep 5, 2.
[13] Lc 22, 15.
[14] Lc 23, 46.
[15] Ga 10,18.
[16] Xc. Is 53.
[17] Mc 10,45
[18] Cv 2,42.
[19] LG số 3.
[20] Xc.1Cr 2, 35.
[21] Rm 8, 3.
[22] Xc. 1Cr 2, 24.
[23] 1Cr 11, 26
[24] Xc. GHTCG, số 1366.
[25] Xc. Dt 9, 12. 26. 28; 10, 10.