Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

CÁC THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

Thời sự Thần học - số 54, tháng 11/2011, tr. 65-89

Sau công đồng Vaticanô II, chúng ta thấy xuất hiện một cơ quan mới của Huấn quyền các giám mục, đó là “Thượng Hội đồng Giám mục”. Gọi là mới bởi vì trước đó, người ta chỉ biết đến các “Công đồng” và “Giáo hoàng”.

Trong bài này, chúng tôi xin trình bày sơ lược lịch sử và bản chất của các Thượng Hội đồng Giám mục, kế đó chúng ta sẽ lược qua các văn kiện của cơ quan này.______ Tsth

I. Khái niệm


A. Từ ngữ


Trong tiếng Việt, “Thượng Hội đồng Giám mục” (viết tắt: THĐGM) là một thuật ngữ mới, dùng để dịch danh xưng Synodus episcoporum. Xin đưa ra vài nhận xét liên quan đến từ ngữ:

1. “Thượng Hội đồng Giám mục” dễ gây cảm tưởng rằng đây là một cơ quan ở trên các “Hội đồng Giám mục”. Sự thực không phải như vậy: tuy rằng các thành viên tham dự THĐGM là do các Hội đồng Giám mục bầu ra, nhưng THĐ không phải là một cấp trên của các Hội đồng Giám mục.

2. Trong nguyên ngữ Latinh, THĐGM không móc nối với các Hội đồng Giám mục (Conferentia episcoporum) cho bằng với các công đồng. Thực vậy, trong các văn kiện của Vaticanô II, công đồng tự giới thiệu như là “Sacrosanctum concilium” (mở đầu Hiến chế về Phụng vụ) hay “Sacra et Oecumenica Synodus” (mở đầu Sắc lệnh về các Giáo Hội Đông phương, Sắc lệnh về Đại kết) hoặc “Sacrosancta Synodus” (mở đầu Sắc lệnh về việc Canh tân đời tu). Nói cách khác, synodus và concilium đồng nghĩa với nhau: một bên là từ ngữ gốc Hy-lạp (synodos, ghép bởi “syn” có nghĩa là cùng chung, và “hodos” là đường đi), bên kia là gốc La-tinh (concilium ghép bởi “cum”: cùng với; “calo”: gọi)[1]. Cả hai từ ngữ đều nói lên việc liên kết, hội nhau để bàn thảo: đây là một đặc tính của Hội thánh, được biểu lộ cách riêng nơi các ban lãnh đạo. Sách Tông đồ công vụ còn để lại tấm gương của các thánh tông đồ tụ họp với nhau khi phải chọn lựa người kế vị ông Giuđa (Cv 1,15) hoặc khi phải quyết định về việc bó buộc các dân ngoại phải giữ luật Moisen hay không (Cv 15,6). Đó là nguồn gốc của các buổi hội họp của các giám mục thuộc một giáo tỉnh, một vùng, một nước, hoặc toàn thể hàng giám mục thế giới. Các buổi họp ấy có khi mang tên là synodus có khi mang tên là concilium. Chỉ cần ôn lại lịch sử của Giáo hội Việt Nam thì đủ rõ: trong thế kỷ XX, các cuộc họp của các giám mục miền Bắc năm 1900 (Kẻ sặt) và năm 1912 (Kẻ sở) được gọi là synodus, còn cuộc họp toàn cõi Đông dương tại Hà nội năm 1934 được gọi là concilium. Các sách tiếng Việt đều dịch các cuộc họp đó là “công đồng”.

B. Nguồn gốc

Chúng ta không thể dài dòng ở đây để bàn về lịch sử các cuộc hội họp các giám mục, hoặc những cấp độ concilium (hoàn vũ, toàn quốc, giáo tỉnh) và các hình thức synodos bên truyền thống Giáo hội Đông phương; chúng ta hãy đi thẳng vào nguồn gốc của thể chế THĐGM hiện hành.

Công đồng Vaticanô II đã tái khám phá tính cách tập đoàn (collegialitas) của hàng giám mục. Vào hồi nguyên thuỷ, Giáo hội được điều khiển bởi tập đoàn các tông đồ với thánh Phêrô là thủ lãnh, sang các thời đại kế tiếp, Giáo hội cũng được điều khiển bởi tập đoàn các giám mục (kế nhiệm các thánh tông đồ) với giám mục Rôma làm thủ lãnh (kế vị thánh Phêrô). Nhưng làm cách nào để tập đoàn các giám mục có thể tham gia việc điều khiển Giáo hội? Việc tổ chức công đồng hoàn vũ quy tụ gần ba ngàn giám mục là chuyện không đơn giản. Trong bối cảnh đó, nảy ra đề nghị thiết lập một cơ quan đại diện tập đoàn Giám mục để góp ý cho Đức Thánh Cha về việc điều hành Giáo hội[2].

Để đáp lại nguyện vọng đó, đức thánh cha Phaolô VI, qua tự sắc Apostolica sollicitudo ngày 15/9/1965 (nghĩa là vào lúc khai mạc khóa chót của công đồng) đã thiết lập Thượng hội đồng Giám mục (Synodus episcoporum). Đây không phải là một “tiểu công đồng” (mini-concilium) hoặc là một “quốc hội” gồm đại biểu của hàng giám mục với vai trò lập pháp. THĐGM là một thể chế mang một hình thái độc đáo, diễn tả sự cộng tác của tập đoàn các giám mục với Đức Thánh Cha qua việc thông tin và góp ý. Như vậy là một cơ quan tư vấn chứ không quyết nghị. THĐ là một thể chế bền vững, nhưng không có tính cách thường trực (khác với giáo triều Rôma): các khóa họp chỉ kéo dài một thời gian rồi kết thúc, và thành phần các đại biểu của khóa tiếp sẽ thay đổi.

C. Thành phần

Theo giáo luật, khi họp công đồng hoàn vũ, tất cả các giám mục (dù chỉ là hiệu toà) đều có nghĩa vụ và quyền lợi tham dự (đ.339); nhưng khi họp THĐ thì chỉ có đại biểu các giám mục tham dự, được lựa chọn tùy theo đặc tính của khóa họp: thường lệ, ngoại thường, đặc biệt (đ.346).

- Nói chung, trong một khóa họp thường le, các nghị phụ gồm các đại biểu của các Hội đồng giám mục (mỗi Hội đồng bầu ra từ một cho đến bốn đại biểu tùy theo tỉ lệ các thành viên). Trong một khóa họp ngoại thường thì duy chỉ Chủ tịch Hội đồng giám mục tham dự. Cách thức bầu đại biểu cho các khóa họp đặc biệt thay đổi tuỳ theo nội dung đề tài.

q- Ngoài các thành viên đại biểu các Hội đồng giám mục, còn có các vị lãnh đạo các Giáo hội Đông phương (Thượng phụ, Tổng giám mục trưởng) và cơ quan giáo triều, và các đại biểu của Hiệp Hội các bề trên tổng quyền Rôma. Thêm vào đó là các quan sát viên, chuyên viên của Đức Thánh Cha chỉ định.

D. Tổ chức

Bộ máy tổ chức THĐ được kiện toàn dần nhờ kinh nghiệm thời gian. Có một vài nhân viên thường trực lo việc hành chánh, dưới sự điều hành của Tổng thư ký Văn phòng THĐ. Bên cạnh đó là một Hội đồng “thường vụ” (gồm 12 vị do các nghị phụ bầu ra và 3 vị do Đức Thánh Cha chỉ định) giúp đỡ Tổng thư ký trong việc theo dõi sự thực thi những quyết nghị của khóa họp và chuẩn bị khóa họp lần tới.

Chúng ta có thể mô tả diễn tiến của một khóa họp THĐ qua các giai đoạn như sau: chuẩn bị, diễn tiến, kết thúc.

1/ Chuẩn bị

- Đề tài do Đức Thánh Cha chỉ định, sau khi tham khảo ý kiến của các giám mục (thường là các nghị phụ vào những ngày cuối của khóa họp thường lệ).

- Văn phòng Tổng thư ký soạn thảo bản Lineamenta (sơ thảo) gửi đến các giám mục và các cơ quan Tòa Thánh, để xin góp ý kiến.

- Sau khi đã nhận những câu trả lời, Văn phòng soạn Instrumentum laboris (Tài liệu làm việc), dùng làm bản văn nền tảng cho các cuộc trao đổi tại khóa họp.

2/ Diễn tiến

Đừng kể những nghi lễ phụng vụ, các cuộc thảo luận diễn ra qua ba chặng:

- Chặng Một. Sau khi nghe vị Thuyết trình viên tóm lược những ý chính của Tài liệu, lần lượt các nghị phụ lên diễn đàn phát biểu quan điểm của mình tại các phiên họp khoáng đại. Đây là cơ hội để trao đổi thông tin và kinh nghiệm giữa các Giáo hội rải rác khắp năm châu.

- Chặng Hai. Thuyết trình viên đúc kết những ý tưởng chính của các bài phát biểu, và đặt ra một số câu hỏi để các nghị phụ trao đổi trong các nhóm (circuli minores), được phân phối theo các ngôn ngữ chính. Sau đó, ý kiến của mỗi nhóm được trình bày cho phiên họp khoáng đại, cùng với những bình luận.

- Chặng Ba. Các nghị phụ trở về làm việc tại nhóm và soạn những “kiến nghị” (propositiones). Thuyết trình viên sẽ đúc kết các kiến nghị của các nhóm thành một danh sách chung, để cho các nhóm đưa ra những nhận xét hoặc tu chính. Sau cùng, các nghị phụ sẽ trở lại phiên họp khoáng đại để biểu quyết danh sách các kiến nghị.

Kể từ khóa họp thứ ba (1974), các nghị phụ không biểu quyết văn kiện kết thúc, nhưng trao các kiến nghị lên Đức Thánh Cha để dựa vào đó ngài soạn thảo một tông huấn “hậu thượng hội đồng”. Tuy nhiên, trước khi kết thúc khóa họp, các nghị phụ sẽ gửi một sứ điệp (nuntius: message) cho Dân Chúa.

3/ Kết thúc

Sau khi bế mạc khóa họp, Hội đồng thường vụ (gồm 15 vị: 12 do các nghị phụ bầu ra và 3 cho Đức Thánh Cha chỉ định) sẽ họp với Văn phòng Tổng thư ký để nhận định về các kết quả các phiên họp, và góp ý cho việc soạn thảo văn kiện hậu thượng hội đồng, đồng thời cũng chuẩn bị đề tài cho khóa họp lần tới. Nhiệm vụ của Hội đồng thường vụ chấm dứt vào ngày khai mạc khóa họp kế tiếp.

II. Tóm tắt các khóa họp thường lệ và ngoại thường của THĐGM

Khóa họp đầu tiên của THĐGM được triệu tập vào năm 1967, nghĩa là hai năm sau khi bế mạc công đồng. Từ đó đến nay, đã diễn ra 24 khóa họp THĐGM, trong đó có 12 khóa họp thường lệ và 2 khóa họp ngoại thường (1969 và 1985); phần còn lại là các khóa họp đặc biệt dành cho châu Âu (2), châu Phi (2), châu Á, châu Mỹ, châu Đại dương, miền Trung Đông, nước Hà lan, nước Liban.

Chúng ta hãy nhìn lại các khóa họp ấy, dựa theo thứ tự thời gian[3].

1. Khóa họp thường lệ lần thứ I

Thời gian: 29/9-29/10/1967. Số Nghị phụ: 197.

Đề tài: Việc duy trì và củng cố đức tin Công giáo

Các nghị phụ đã nghiên cứu sự bành trướng của chủ nghĩa vô thần, cuộc khủng hoảng đức tin, những tư tưởng thần học lệch lạc. Đề nghị thiết lập một uỷ ban quốc tế các nhà thần học để hỗ trợ cho Bộ Giáo lý đức tin, cũng như để thảo luận về những lối tiếp cận khác nhau trong việc nghiên cứu thần học. Vì lý do đó, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập Uỷ Ban Thần học quốc tế. THĐGM cũng yêu cầu duyệt lại Bộ giáo luật 1917, nhằm mang tính cách mục vụ hơn, và đáp ứng những đòi hỏi mới. Công tác này được khởi sự dưới thời đức Phaolô VI và kết thúc với việc ban hành bộ giáo luật năm 1983, dưới thời đức Gioan Phaolô II.

THĐGM cũng đề nghị lên Đức Thánh Cha vài vấn đề mang tính mục vụ: các giám mục cần kiểm tra các chủng viện trong lãnh thổ của mình; việc duyệt lại thủ tục trong các đôi hôn nhân hỗn hợp; việc duyệt lại Sách Lễ Rôma. 

2. Khoá họp ngoại thường lần thứ I

Thời gian: 11-28/10/1969. Số các nghị phụ: 146

Đề tài: Sự hợp tác giữa Toà Thánh và các Hội đồng Giám mục.

Đại hội tìm hiểu những phương cách để diễn tả tính tập đoàn của các giám mục cùng với Đức Thánh Cha, dựa trên đạo lý của công đồng Vaticanô II.

THĐ đã đưa ra những đề nghị về việc tham gia của các giám mục trong việc điều hành Giáo hội hoàn vũ, cũng như mối tương quan giữa các Hội đồng Giám mục với Toà Thánh và với mỗi Giám mục. Ba điều được Đức Thánh Cha chấp thuận và ban hành ngay: 1/ Các khóa THĐ sẽ nhóm họp đều đặn 2 năm một lần (tuy nhiên về sau này, đã được sửa đổi thành “3 hoặc 4 năm”). 2/ Giữa hai khóa họp, Văn phòng Tổng thư ký có nhiệm vụ phối hợp và tổ chức các công việc. 3/ Các giám mục được phép đề nghị đề tài cho các khóa họp tới.

Giữa khóa họp II và khoá họp III, một Hội đồng Tổng thư ký được thiết lập gồm 12 giám mục được bầu và 3 giám mục được Đức Thánh Cha chỉ định. Hội đồng đã nhóm họp lần đầu tiên từ ngày 12 đến 15 tháng 5, để liên lạc với các Hội đồng Giám mục và ấn định chủ đề cho khóa họp sắp đến.

Về sau, các thành viên của Hội đồng Tổng thư ký được bầu vào những ngày cuối của khóa họp thường lệ, để chuẩn bị cho khoá họp kế tiếp.

3. Khoá họp thường lệ lần thứ II

Thời gian: 30/9 đến 6/11/1971 (đây là khóa họp dài nhất). Số nghị phụ: 210.

Đề tài: Chức tư tế thừa tác và công lý trên thế giới.

Trong các cuộc thảo luận, các nghị phụ đã khâm phục sự tận tâm của các linh mục trong tác vụ Lời Chúa và các bí tích, cũng như công tác mục vụ. Đồng thời các nghị phụ cũng đề cập đến những khó khăn mà các linh mục gặp phải trong khi thi hành chức vụ.

Ngoài ra, khóa họp này cũng đề cập đến vấn đề công lý và nhận thấy sự cần thiết phải phân tích các biến cố quốc tế hay địa phương dưới ánh sáng Tin Mừng. Các giám mục đã đề ra một chương trình tám điểm hướng tới hoạt động trên bình diện quốc tế, và đề nghị các Giáo hội ở cấp địa phương hãy quan tâm đến việc giáo dục và hợp tác đại kết trong lãnh vực công bình.

Khóa họp bế mạc với việc ban hành hai văn kiện De sacerdotio ministeriali (đôi khi cũng được trích dẫn với hai chữ đầu tiên Ultimis temporibus) và De iustitia in mundo (bắt đầu bằng các lời Convenientes ex universo mundo). Cũng theo lời đề nghị của THĐ, đức Phaolô VI thiết lập Ủy ban “Công lý và Hòa bình” (sau này được đổi tên thành Hội đồng Tòa thánh về Công lý và Hòa bình).

4. Khóa họp thường lệ lần thứ III

Thời gian: 27/9 - 26 /10/1974. Số nghị phụ: 209.

Đề tài: Việc loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

Trong khóa họp này, các giám mục một lần nữa nêu bật rằng truyền giáo là đặc tính cốt yếu của Hội thánh, và mỗi tín hữu có nghĩa vụ làm chứng cho Đức Kitô trên khắp thế giới. Gắn liền với đề tài loan báo Tin Mừng, THĐ cũng bàn đến sự giải phóng con người, bởi vì công tác truyền giáo nhắm đến giải thoát con người - cá nhân hay xã hội - khỏi mọi sự dữ.

Khi kết thúc khóa họp, các giám mục không biểu quyết văn kiện nào, nhưng chỉ gửi các kiến nghị lên Đức Thánh Cha, mở đầu cho các “tông huấn” đúc kết thành quả của THĐ. Tông huấn “Evangelii nuntiandi” được ban hành ngày 8/12/1975.

5. Khóa họp thường lệ lần thứ IV

Thời gian: 30/9 - 29/10/1977. Số nghị phụ: 204.

Đề tài: Việc huấn giáo vào thời đại hôm nay

Các nghị phụ đã bàn về việc huấn giáo trong thời buổi hôm nay, đặc biệt là cho các thiếu nhi và thanh niên. THĐ đã trình lên Đức Thánh Cha 35 kiến nghị và hơn 900 ý kiến liên quan đến đề tài. Các kiến nghị được phân ra 6 lãnh vực: sự quan trọng của sự canh tân việc huấn giáo; bản chất của việc huấn giáo đúng nghĩa; những tác nhân của việc huấn giáo; sự cần thiết của việc huấn giáo liên tục; các phương thế huấn giáo; vài nhận định về huấn giáo.

Vào lúc bế mạc khóa họp, các giám mục đã gửi một tuyên ngôn mang danh là “Sứ điệp gửi Dân Chúa”, tóm lược đề tài bàn thảo.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành tông huấn hậu thượng hội đồng Catechesi tradendae ngày 17/10/1979 (như vậy là hai năm sau khi bế mạc. Nên biết là khoảng thời gian ấy, đức Phaolô VI băng hà, và đức Gioan Phaolô II lên kế vị).

6. Khóa họp đặc biệt cho Hà-Lan

Thời gian: 14-31/1/1980. Số nghị phụ: 19.

Đề tài: Tình hình mục vụ tại Hà-Lan

Cho đến nay, các khóa họp Thượng hội đồng, dưới hình thức thường lệ hay ngoại thường, đều bàn về những vấn đề liên quan đến toàn thể Giáo hội. Tuy nhiên, THĐ cũng có thể triệu tập để bàn về tình hình của Giáo hội tại một quốc gia hay tại một miền. Khóa họp lần này dành cho những vấn đề của Giáo hội tại Hà-Lan, và nghiên cứu đề tài “hiệp thông” trong Giáo hội, với những hệ luận thực hành, ở cấp địa phương cũng như ở cấp hoàn vũ, đặc biệt là vai trò của Giám mục trong cương vị là Thầy dạy của đức tin và Mục tử.

Khoá họp kết thúc với việc đề ra các biểu quyết liên quan đến các linh mục, các tu sĩ, việc tham gia của các giáo dân vào sứ mạng của Giáo hội, các bí tích đặc biệt là Thánh Thể và Thống hối, phụng vụ, huấn giáo, đại kết.

7. Khóa họp thường lệ lần thứ V

Thời gian: 26/9 - 25/10/1980. Số nghị phụ: 216.

Đề tài: Gia đình Kitô hữu

Các nghị phụ tái khẳng định đạo lý của Giáo hội về hôn nhân bất khả ly cũng như nội dung của thông điệp Humanae vitae của đức Phaolô VI (1968). Vào lúc bế mạc, THĐ đã biểu quyết các kiến nghị đệ lên Đức Thánh Cha, trong đó yêu cầu soạn thảo một bản tuyên ngôn về các quyền lợi của gia đình.

Đức Gioan Phaolô II đã ban hành tông huấn Familiaris consortio ngày 22/11/1981[4], và “Hiến chương các quyền lợi của gia đình” ngày 22/11/1983.

8. Khóa họp thường lệ lần thứ VI

Thời gian: 29/9 - 29/10/ 1983. Số nghị phụ: 221.

Đề tài: Việc thống hối và hòa giải trong sứ mạng Giáo hội

Việc chọn lựa đề tài trùng hợp với Năm thánh ngoại lệ mừng kỷ niệm 1950 năm biến cố cứu chuộc nhân loại nhờ cái chết của Chúa Kitô (năm 33). Các nghị phụ đã trình bày việc áp dụng những hoa quả của cuộc cứu chuộc vào đời sống con người và xã hội. Giáo hội có sứ mạng làm bí tích của ơn hòa giải và dấu chỉ của lòng từ bi của Thiên Chúa đối với tội nhân.

Các kiến nghị của Thượng hội đồng được đúc kết trong tông huấn “hậu thượng hội đồng” (lần đầu tiên xuất hiện thuật ngữ này) Reconciliatio et paenitentia do đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 2/12/1984.

9. Khóa họp ngoại thường lần II

Thời gian: 24/11 - 8/12/1985. Số nghị phụ: 165.

Đề tài: Kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II

Khóa họp ngoại thường được triệu tập nhân dịp kỷ niệm hai mươi năm bế mạc công đồng và lượng định về việc thực thi các văn kiện. Vào lúc bế mạc, ngoài sứ điệp gửi Dân Chúa như thường lệ, THĐ còn biểu quyết một bản tường trình chung kết (Relatio finalis), được công bố vào chính ngày bế mạc, với tựa đề tóm gọn bốn hiến chế của công đồng: “Giáo hội, trong Lời của Chúa, cử hành các mầu nhiệm của Chúa Kitô nhằm ơn cứu độ của thế giới”.

Ngoài ra, Đức Gioan Phaolô II cũng đón nhận một đề nghị của THĐ là soạn thảo một quyển sách Giáo lý chung, sẽ được hoàn tất vào năm 1992. THĐ cũng yêu cầu xét lại quy chế pháp lý của các Hội đồng giám mục cũng như thẩm quyền của cơ quan này trong lãnh vực đạo lý. Điều này được đức thánh cha thực hiện qua tự sắc Apostolos suos bàn về bản chất thần học và pháp lý của các Hội đồng giám mục (ban hành ngày 21/5/1998).

10. Khóa họp thường lệ lần thứ VII

Thời gian: 1-30/10/1987. Số nghị phụ: 232.

Đề tài: Ơn gọi và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội và thế giới.

Qua việc suy nghĩ về căn tính (= ơn gọi) và hoạt động (= sứ vụ) của người tín hữu giáo dân trong Hội thánh hiệp thông, các giám mục đã khẳng định vai trò của các giáo dân là thông dự vào ơn gọi nên thánh của tất cả các Kitô hữu và làm chứng cho Tin Mừng ở giữa trần thế.

Một số giáo dân đã được mời tham dự khóa họp này như quan sát viên và đôi khi cũng được mời lên diễn đàn. Hai giáo dân (một nam một nữ) được chỉ định làm phụ tá cho Tổng thư ký.

Tài liệu của khóa họp, kèm theo 54 kiến nghị, được dùng để soạn thảo tông huấn hậu thượng hội đồng Christifideles laici (ban hành 30/12/1988).

11. Khóa họp thường lệ lần thứ VIII

Thời gian: 30/9 - 28/10/1990. Số nghị phụ: 238.

Đề tài: Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện tại

Khóa họp thường lệ lần thứ II (1971) đã bàn về tác vụ linh mục, chú trọng đến khía cạnh thần học. Khóa họp lần này bàn đế khía cạnh mục vụ, đặc biệt là việc đào tạo các linh mục, trước và sau khi lãnh chức thánh.

Trước khi kết thúc, THĐ đã biểu quyết 41 kiến nghị trình lên đức thánh cha. Trong phiên họp ngày 28/10, Đức Cha Emiliô Eid giới thiệu cho các nghị phụ Bộ Giáo luật của các Giáo hội Đông phương vừa được ban hành trước đó mười ngày (18/10/1990).

Kết quả của khóa họp được đúc kết ở tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores dabo vobis (ban hành 25/3/1992).

12. Khóa họp đặc biệt dành cho Châu Âu

Thời gian: 28/11 - 14/12/1991. Số nghị phụ: 137.

Đề tài: Chứng nhân cho Chúa Kitô, Đấng giải phóng chúng ta.

Ngày 22/11/1990, nhân chuyến viếng thăm mộ thánh Mêtôđiô tại Velehrad, đức thánh cha ngỏ ý triệu tập một THĐGM để suy nghĩ về tình hình của Châu Âu sau những cuộc biến đổi chính trị, và vai trò của Giáo hội trong việc tái thiết đại lục.

Vì tính cách vừa đặc biệt vừa cấp bách của khóa họp, nên phải thay đổi vài khoản của nội quy. Thay vì các thủ tục chuẩn bị, các nghị phụ nhận được một kim chỉ nam để suy tư (Itinerarium) và tóm lược các câu giải đáp (Summarium). Ngoài các nghị phụ, một số đại diện của các Giáo hội Chính Thống và Tin lành cũng được mời tham dự với danh nghĩa “đại biểu anh em” (Delegati Fraterni).

Khóa họp bế mạc với việc công bố một Tuyên ngôn, trong đó các nghị phụ trình bày một chương trình cho việc truyền giảng Tin Mừng tại châu Âu, và kêu gọi tình liên đới giữa các công dân trên toàn cõi lục địa.

13. Khóa họp đặc biệt cho châu Phi

Thời gian: 10/4 - 8/5/1994. Số nghị phụ: 242.

Đề tài: Giáo hội tại châu Phi và sứ mạng loan báo Tin Mừng hướng đến năm 2000: Các con sẽ là những chứng nhân của Thầy (Cv 1,8).

Đang khi việc chuẩn bị khóa họp cho châu Âu diễn ra cách vội vã, thì thời gian chuẩn bị khóa họp cho châu Phi khá lâu dài. Ngày 6/1/1989, đức thánh cha loan báo ý định triệu tập một khóa đặc biệt THĐ dành cho châu Phi. Tiếp đó, một uỷ ban tiền chuẩn bị được thành lập, gồm bởi các thành phần của hàng giám mục toàn thể lục địa. Đến tháng 6, một Hội đồng văn phòng Tổng thư ký được thành lập để chuẩn bị cho khóa họp. Mãi đến tháng 7 năm 1990, thì mới phát hành Lược đồ dùng làm cơ sở cho các buổi hội thảo và cầu nguyện. Tài liệu làm việc được công bố vào tháng 2 năm 1993, nhân cuộc viếng thăm Uganda của đức Gioan Phaolô II.

Các cuộc thảo luận của các nghị phụ xoay quanh năm mục: 1) Loan báo Tin Mừng. 2) Hội nhập văn hóa. 3) Đối thoại. 4) Công lý và hòa bình. 5) Phương tiện truyền thông xã hội.

Thánh lễ khai mạc và bế mạc khóa họp đã được cử hành với nhiều sắc thái văn hóa cổ truyền (âm nhạc, vũ điệu).

Kết quả của khóa họp là tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Africa, được ký ngày 14/9/1995, và được công bố vào các dịp viếng thăm Phi châu của đức Gioan Phaolô II sang các nước Cameroun, Nam Phi, Kenya từ 14 đến 20 tháng 9 năm 1995.

14. Khóa họp thường lệ lần thứ IX

Thời gian: 2 - 29/10/1994. Số nghị phụ: 245.

Đề tài: Đời sống thánh hiến và sứ mạng trong Giáo hội và thế giới.

Chủ đề được Đức Gioan Phaolô II công bố ngày 30/9/1991, được các chuyên viên cho là chuyện đương nhiên, sau những khóa họp trước đây về các giáo dân và linh mục. Một số lớn nghị phụ là các giám mục thuộc các dòng tu. Ngoài ra nhiều đại biểu của các hội dòng, tu hội, tu đoàn tham dự với tư cách là dự thính viên hay chuyên viên.

Các thành quả của khóa họp được đúc kết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Vita consecrata (25/3/1996).

15. Khóa họp đặc biệt về nước Liban

Thời gian: 26/11 - 14/12/1995. Số nghị phụ: 69.

Đề tài: Chúa Kitô là niềm hy vọng của chúng ta: nhờ Thần khí của Người, chúng ta được đổi mới, liên đới làm chứng cho tình yêu của Người.

Do những nhu cầu đặc biệt của nước Liban, bị tàn phá sau nhiều năm chiến tranh, ngày 6/6/1991, đức Gioan Phaolô II đã bày tỏ ý định triệu tập một khóa họp đặc biệt. Một Hội đồng chuẩn bị được thành lập vào tháng giêng năm 1992, và soạn một bản lược đồ được công bố ngày 13/3/1993. Các câu trả lời cho những điều gợi ý được đón nhận vào Tài liệu làm việc xuất bản ngày 1/11/1994.

Tông thư hậu thượng đồng mang tựa đề “Một niềm hy vọng mới cho nước Liban” được Đức Thánh Cha ban hành tại thủ đô Beyrouth ngày 10/5/1997 nhân chuyến viếng thăm quốc gia này.

16. Khóa họp đặc biệt cho Châu Mỹ

Thời gian: 16/11 - 12/12/1997. Số nghị phụ: 233.

Đề tài: Cuộc gặp gỡ Chúa Kitô sống động, con đường cho cuộc hoán cải, hiệp thông và liên đới cho Châu Mỹ.

Trong tông thư Tertio millennio ineunte, đức Gioan Phaolô II bày tỏ ước muốn tổ chức các THĐGM cấp lục địa, tiếp theo các khóa họp dành cho châu Âu (1991) và châu Phi (1994), nhằm chuẩn bị đón tiếp biến cố trọng đại của năm 2000. Theo chiều hướng ấy, THĐ châu Mỹ được triệu tập, và một Hội đồng tiền THĐ được thành lập vào ngày 12/6/1995 để chuẩn bị. Lược đồ được công bố ngày 3/9/1996; tiếp đó là Tài liệu làm việc ngày 10/9/1997.

Trong khóa họp, các nghị phụ đã tìm hiểu tương quan giữa Tin Mừng với văn hoá, và những tư tưởng căn bản như là: hoán cải, hiệp thông, liên đới để đáp lại những thách đố của thời đại.

Tông thư hậu thượng hội đồng Ecclesia in America được đức thánh cha ký và ban hành ngày 23/1/1999 tại đền thánh kính Đức Mẹ ở Guadalupe (Mexico).

17. Khóa họp đặc biệt dành cho Châu Á

Thời gian: 19/4 - 14/5/1998. Số nghị phụ: 191.

Đề tài: Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu thế; sứ mạng yêu thương và phục vụ của Người tại Châu Á “... ngõ hầu họ được sống và sống sung mãn” (Ga 10,10).

Như đã nói trên, khóa họp này nằm trong chương trình chuẩn bị cho năm 2000. Tiến trình chuẩn bị như sau: thành lập Hội đồng Tiền-THĐ gồm các Hồng y và Giám mục (10/9/1995), để chuẩn bị Lược đồ (công bố ngày 3/9/1996) và Tài liệu làm việc (công bố ngày 13/2/1998).

Một mối quan tâm đặc biệt của các nghị phụ là làm thế nào trình bày Chúa Kitô như là Đấng Cứu thế duy nhất tại một lục địa với nhiều tôn giáo lớn nhất hoàn cầu.

Kết quả của các cuộc thảo luận được đúc kết trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Asia, được đức thánh cha ký và công bố ngày 6/11/1999 tại nhà thờ Thánh Tâm ở New Delhi.

18. Khóa họp đặc biệt dành cho Châu Đại Dương

Thời gian: 22/11 - 12/12/1998. Số nghị phụ: 117.

Đề tài: Chúa Giêsu Kitô: đi theo đường của Người, công bố sự thật của Người, sống sự sống của Người: một tiếng gọi cho nhân dân châu Đại dương.

Đây là khóa họp lục địa thứ ba nhằm chuẩn bị năm 2000. Một Hội đồng tiền THĐ được thành lập ngày 7/6/1996 để thu thập các dữ kiện và soạn thảo các tài liệu.

Một đặc trưng của khóa họp này là tất cả các giám mục trong vùng đều được mời tham dự THĐ, xét vì con số không đông đảo gì.

Các vấn đề được gợi lên để thảo luận là: việc đem Tin Mừng vào văn hóa, mối quan tâm đến việc huấn giáo và huấn luyện, mục vụ dành cho giới trẻ, những di dân và các tộc bản địa.

Kết quả của khóa họp được thâu nhận trong tông huấn hậu thượng hội đồng Ecclesia in Oceania, được ban hành ngày 22/11/2001 và được gửi đến tất cả các giáo phận trong vùng bằng đường internet. Đây là lần đầu tiên Tòa Thánh sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại để công bố một văn kiện.

19. Khóa họp đặc biệt dành cho Châu Âu lần thứ II

Thời gian: 1-23/10/1999. Số nghị phụ:117.

Đề tài: Chúa Giêsu sống động trong Hội thánh của Người, nguồn mạch hy vọng cho châu Âu.

Đây là khóa họp đặc biệt cuối cùng dành cho một châu lục trong chương trình chuẩn bị năm 2000. Mặc dầu đã có một khóa họp dành cho châu Âu vào năm 1991, nhưng tình hình xã hội và văn hóa mới, tiếp theo sự sụp đổ của các chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu đã đặt ra nhiều thách đố mục vụ, khiến cho việc triệu tập một THĐ lần thứ II trở nên cần thiết.

Một Hội đồng tiền chuẩn bị được thành lập, và với sự cộng tác của các chuyên gian, đã phát hành Bản Lược đồ (mùa xuân 1998), Tài liệu làm việc (21/6/1999).

Tông huấn hậu Thượng hội đồng Ecclesia in Europa được ban hành ngày 28/6/2003.

20. Khóa họp thường lệ lần thứ X

Thời gian: 30/9 - 27/10/2001. Số nghị phụ: 247.

Đề tài: Giám mục, người phục vụ Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô cho niềm hy vọng của thế giới.

Lược đồ được phát hành ngày 16/6/1998 và gửi đến tất cả các giám mục để tham khảo ý kiến. Tài liệu làm việc được phát hành ngày 1/6/2001.

Trong các phiên họp, các nghị phụ đã bàn về nhiệm vụ của 
các giám mục vào lúc bắt đầu thiên niên kỷ thứ ba. Tông huấn hậu thượng hội đồng Pastores gregis được ban hành ngày 16/10/2002[5], trùng với kỷ niệm 25 năm đức Gioan Phaolô II đắc cử Giáo hoàng.

21. Khóa họp thường lệ lần thứ XI

Thời gian: 2-23/10/2005. Số nghị phụ: 258

Đề tài: Bí tích Thánh Thể nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ mạng Giáo hội.

Đề tài khóa họp được công bố ngày 29/11/2003, sau khi đã tham khảo các Hội đồng giám mục. Khóa họp này được chuẩn bị với “Năm Thánh Thể” khai mạc với Đại Hội Thánh Thể tại Guadalajara (10-17/10/2004) và kết thúc vào ngày bế mạc THĐ (23/10/2005)[6].

Đức Gioan Phaolô II băng hà ngày 2/4/2005. Sau khi đắc cử Giáo hoàng, đức Bênêđictô XVI quyết định tiếp tục khóa họp như đã dự định. Ngài cũng sửa đổi điều lệ của khóa họp: 3 tuần thay vì 4 tuần như trước. Ngoài ra còn có những buổi trao đổi tự do vào ban chiều. Bên lề khóa họp lần này, một lễ nghi được tổ chức để kỷ niệm 40 năm thành lập định chế Thượng hội đồng giám mục. 

Tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum caritatis được ban hành ngày 22/2/2007.

22. Khóa họp thường lệ lần thứ XII

Thời gian: 5-26/10/2008. Số nghị phụ: 253.

Đề tài: Lời Chúa trong cuộc sống và sứ mạng của Hội thánh

Đề tài này có liên hệ với khóa họp lần trước, xét vì Thánh Lễ gồm có hai phần: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.

Lược đồ được trình bày với báo chí ngày 27/4/2007, còn Tài liệu làm việc được phát hành ngày 11/5/2008.

Khóa họp diễn ra trong Năm kỷ niệm thánh Phaolô (28/6/2008-29/6/2009), vì thế lễ nghi khai mạc đã diễn ra tại đền thờ thánh Phaolô ngoại thành. Một đặc trưng của khóa họp lần này là một Rabbi được mời phát biểu tại phòng họp, và đức Bartholomeo I Thượng phụ Chính thống Constantinopolis đã giảng cho các nghị phụ trong một buổi Kinh chiều tại nhà nguyện Sixtina.

Những kết quả của khóa họp này được giới thiệu trong tông thư Verbum Domini (30/9/2010).

23. Khóa họp đặc biệt về châu Phi lần thứ II

Thời gian: 4-25/10/2009. Số nghị phụ: 224.

Đề tài: Giáo hội tại châu Phi phục vụ sự hoà giải, công lý và hòa bình. “Các con là muối đất ... các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,13.14)

Đáp lại lời yêu cầu của các giám mục châu Phi, đức Gioan Phaolô II tuyên bố triệu tập khóa họp THĐ lần thứ hai bàn về châu Phi (13/11/2004). Vị kế nhiệm xác nhận quyết định đó (22/6/2005). Thành phần của Hội đồng lo việc chuẩn bị phần lớn là những thành viên của Hội đồng Văn phòng Tổng thư ký đã được các nghị phụ bầu ra lần trước để theo dõi việc thực thi các quyết nghị của văn kiện hậu thượng hội đồng.

Lược đồ được gửi đến các giám mục ngày 27/6/2006 và Đức thánh cha đã đích thân trao Tài liệu làm việc cho các chủ tịch Hội đồng giám mục vào ngày 19/3/2009, nhân chuyến viếng thăm các nước Cameroun và Angola.

Tông huấn hậu thượng hội đồng dự định sẽ được công bố vào tháng 11 năm 2011 nhân chuyến viếng thăm nước Benin.

24. Khóa họp đặc biệt về Trung Đông

Thời gian: 10/10 - 24/10/2010. Số nghị phụ: 185

Đề tài: Giáo hội Công giáo tại Trung Đông: hiệp thông và chứng ta.

Thuật ngữ “Trung Đông” bao gồm, không kể Giêrusalem và lãnh thổ Palestine, 16 quốc gia: Arab Saudit, Bahrein, Chypre, Ai-cập, Các Emirat Arab thống nhất, Giorđani, Iran, Irak, Koweit, Liban, Oman, Qatar, Syria, Thổ-nhĩ-kỳ, Yemen. Trên một dải đất rộng 7 180 912 cây số vuông, với dân số là 356.174.000 người, các tín đồ Công giáo là 5.707.000 người (1,6%), còn nếu cộng thêm với các Giáo hội khác thì được 20.000.000 người (5,62%). Một đặc trưng của các Giáo hội ở vùng này là bộ mặt đa dạng, với sự hiện diện của nhiều nghi điển khác nhau: đừng kể lễ điển latinh, còn có các nghi điển: copte, syriac, melkit, maronit, chalđê, armêni; đó là chưa nói đến 14 Giáo hội thuộc Chính thống và Tin lành.

Tình hình chính trị bất ổn trong vùng đã khiến cho nhiều tín hữu phải rời bỏ quê hương để tị nạn sang khác vùng khác. Tuy nhiên THĐ muốn nhằm đến khía cạnh mục vụ, hơn là khía cạnh chính trị. Hai khía cạnh được nêu bật: hiệp thông nội bộ giữa các giáo hội nghi điển với nhau; làm chứng tá cho Chúa Kitô tại vùng quê hương của Người. Được mời phát biểu trong THĐ là một rabbi Do thái, một đại diện cho Hồi giáo Sunnit và một đại diện cho Hồi giáo Schit.

Đây là khóa họp ngắn nhất bởi vì chỉ kéo dài 14 ngày.

25. Khóa họp thường lệ lần thứ XIII

Dự kiến: thời gian từ 7-28/10/2012

Đề tài: Việc loan truyền Tin Mừng mới mẻ nhằm thông truyền đức tin Kitô giáo.

Đề tài được ĐTC Bênêđictô XVI loan báo trong Thánh lễ bế mạc khóa họp dành riêng cho miền Trung đông (22/10/2010). Lược đồ chuẩn bị được phát hành vào ngày 2/2/2011.

Kết luận

Chúng ta có thể đưa ra nhiều nhận định khi ôn lại lịch sử của các THĐGM, chẳng hạn như dưới khía cạnh pháp lý (cách thức tham gia của tập đoàn giám mục vào việc điều hành Giáo hội: tương quan giữa THĐGM và giáo triều Rôma), khía cạnh xã hội học (việc thực thi các quyết nghị của THĐ); ở đây chúng tôi chỉ muốn giới hạn vào phạm vi thần học, nghĩa là ghi nhận sự tiến triển thần học từ công đồng Vaticanô II đến nay.

Các văn kiện của các THĐGM mang hình thức “tông huấn hậu thượng hội đồng”, do Đức Thánh Cha ký. Trên nguyên tắc, đây là một văn kiện của Giáo hoàng, nhưng xét về nội dung, thì đây là một văn kiện của THĐGM bởi vì đúc kết nhiều kiến nghị của các nghị phụ, kết quả của nhiều buổi cầu nguyện, nghiên cứu, trao đổi.

Các văn kiện này đào sâu thêm nhiều khía cạnh mà công đồng đã phác thảo, và đôi khi chưa được công đồng đề cập đến, liên quan đến những yếu tố căn bản của Kitô giáo cũng như về Giáo hội.

1/ Những yếu tố căn bản Kitô giáo

- Lời Chúa: Verbum Domini bổ túc cho hiến chế Dei Verbum

- Thánh Thể: Sacramentum caritatis. Vaticanô II không có văn kiện nào dành riêng cho Thánh Thể.

2/ Giáo Hội

- Khóa họp 1985 đã trình bày một tổng hợp thần học về Giáo Hội, được nhìn dưới ba chiều kích: “mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ”.

- Giám mục: Pastores gregis bổ túc cho sắc lệnh Christus Dominus.

- Linh mục: Ultimis temporibus (THĐ 1971) bổ túc cho sắc lệnh Presbyterorum Ordinis của công đồng. Pastores dabo vobis (1992) bổ túc cho sắc lệnh Optatam totius.

- Tu sĩ: Vita consecrata bổ túc cho sắc lệnh Perfectae caritatis.

- Giáo dân: Christifideles laici bổ túc cho sắc lệnh Apostolicam actuositatem.

- Hôn nhân gia đình: Familiaris consortio khai triển đề tài được bàn ở phần II chương Một của hiến chế Gaudium et spes.

3/ Mục vụ

- Truyền giáo: Evangelii nuntiandi bổ túc cho sắc lệnh Ad gentes.

- Huấn giáo: Catechesi tradendae. Vaticanô II không có văn kiện dành riêng cho đề tài này.

- Hoà giải và thống hối: Reconciliatio et paenitentia. Vaticanô II không có văn kiện nào dành riêng cho đề tài này.

- Công lý: Iustitia in mondo. Vaticanô II không có văn kiện nào dành riêng cho đề tài này.

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghiên cứu những lãnh vực khác nhau của hoạt động mục vụ của Giáo Hội ở những lục địa: châu Á, châu Âu, châu Đại dương, châu Mỹ, châu Phi khi nghiên cứu các văn kiện của các khóa họp đặc biệt.

Ước mong rằng chúng ta sẽ có bộ sưu tập các văn kiện của các THĐGM bằng tiếng Việt để học hỏi, giống như bộ sưu tập các văn kiện của công đồng Vaticanô II.
__________

1. Nên lưu ý là concilium thì khác consilium. Tiếng Pháp có hai từ khác biệt (concile / conseil), nhưng tiếng Anh chỉ có một từ council. 

2. Ai là người đầu tiên đã gợi lên ý kiến này? Có người nói rằng đề nghị đã nảy ra ngay từ những bản góp ý trong giai đoạn chuẩn bị công đồng, chẳng hạn như của đức cha Silvio Oddi, sứ thần Tòa thánh tại Ai-cập (5/11/1959). Tuy nhiên, vấn đề này không quan trọng lắm trong khuôn khổ bài này. 

3. Nguồn: http://www.vatican.va/roman_curia/synod/index_it.htm 

4. Trước đó, vào ngày 13/5/1981, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố thiết lập Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, và Học viện Cao đẳng về Hôn nhân và gia đình tại đại học Latêranô. 

5. Ngày 22/2/2004, Bộ Giám mục phát hành cuốn Cẩm nang tác vụ mục tử của các giám mục Apostolos suos, cũng tương tự như trước đây vào ngày 31/3/1994 Bộ Giáo sĩ phát hành Cẩm nang tác vụ về đời sống và tác vụ linh mục Vives ecclesiae, tiếp theo tông huấn Pastores dabo vobis. 

6. Liên quan đến bí tích Thánh Thể, đức thánh cha Gioan Phaolô II đã viết thông điệp Ecclesia de Eucharistia (16/4/2003) và tông thư Mane nobiscum Domine (7/10/2004).