Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

LINH ĐẠO GIÁO PHẬN CỦA LINH MỤC hay LINH ĐẠO CỦA LINH MỤC GIÁO PHẬN

Thời sự Thần học - số 57, tháng 8/2012, tr. 69-97

Giuseppe Ferraro, SJ.


Phần I: Những khái niệm và nội dung
  1. Định nghĩa hay mô tả nội dung hạn từ “linh đạo”
  2. Định nghĩa hay mô tả nội dung hạn từ “giáo phận”
  3. Linh đạo giáo phận của linh mục hay linh đạo của linh mục giáo phận - Đôi hàng lịch sử

Phần II: Giáo huấn của kinh Tiền tụng Thánh lễ truyền dầu
  1. Bản văn kinh tiền tụng
  2. Diễn giải kinh tiền tụng

Phần III: Sự “thánh thiện” và “linh đạo” của linh mục
  1. Linh đạo và sự đòi hỏi nên thánh dựa trên bí tích Rửa tội và Thêm sức
  2. Linh đạo và sự đòi hỏi nên thánh dựa trên bí tích Truyền chức
  3. Linh đạo đặc thù của linh mục giáo phận

Phần I: Những khái niệm và nội dung


1. Định nghĩa hay mô tả nội dung hạn từ “linh đạo” [1]


Có hai lý do thúc đẩy tôi tìm hiểu đề tài này. Thứ nhất là ngày nay, hạn từ “linh đạo” (spiritualità) được sử dụng khá nhiều với những nghĩa khác nhau và cần phải xác định từng lần một. Thật vậy có nhiều thứ linh đạo, thường là quy chiếu về các vị thánh lớn, đặc biệt là các vị sáng lập các dòng tu, hoặc quy về các dòng tu ấy, hoặc về các trường phái linh đạo diễn tả các dòng tu ấy.[2] Trong số nhiều linh đạo đa dạng, vấn đề được đặt ra là: có thể tìm ra một linh đạo “giáo phận”, nghĩa là quy về thực thể gọi là “giáo phận” không? Rồi “linh đạo giáo phận” chung lại còn có thể phân chia thành nhiều nhóm thuộc về giáo phận, làm nên giáo phận, trong đó chắc hẳn là có các “linh mục giáo phận”; từ đó ta có thể nói đến đặc trưng của một thứ linh đạo gồm bởi hai đặc tính là “giáo phận” và “linh mục”. Lý do thứ hai là trong số rất nhiều văn kiện Huấn quyền bàn về linh đạo linh mục, tông huấn Hậu thượng hội đồng của đức thánh cha Gioan Phaolô II “Pastores dabo vobis” đã dành hẳn một chương (chương Hai) với tựa đề “Thánh Linh của Chúa ở trên tôi: đời sống tâm linh của linh mục”, và ở ngoài chương này, toàn thể văn kiện đã cung cấp nhiều yếu tố có thể liên kết với linh đạo linh mục, chẳng hạn như: động lực, thực hành, những gợi ý cụ thể cho đời sống hằng ngày.

Chúng tôi đã dùng thuật ngữ “đặc trưng” để bàn về “linh đạo giáo phận của linh mục” hay “linh đạo của linh mục giáo phận”. “Đặc trưng” (specificità) được hiểu như là “Loại” (species) trong luận lý học, như là thành phần của một “Giống” (genus). Xin được giải thích như thế này. Có một linh đạo “giống” hiểu theo nghĩa là chung cho tất cả mọi Kitô hữu, nghĩa là tất cả mọi người đều được mời gọi nên thánh. Ở dưới cái “Giống” chung có nhiều “Loại”, nghĩa là những cách thức khác nhau để sống ơn gọi nên thánh: ơn gọi nên thánh hay linh đạo của các giáo dân thì khác, của các người thuộc hàng phẩm trật thì khác, của những người tận hiến bằng ba lời khuyên Tin Mừng (gồm cả giáo dân lẫn giáo sĩ) thì khác; linh đạo của những đôi vợ chồng, những người làm cha mẹ, những người không lập gia đình thì khác; trong số các nghề nghiệp, ta cũng có thể phân biệt linh đạo của các bác sĩ, các luật sư, các công nhân, các nông dân, vân vân. Tất cả đều có một “Giống” chung là ơn gọi nên thánh dựa trên bí tích Thánh tẩy và Thêm sức; trong “Loại” riêng của những người đã lãnh bí tích Truyền chức linh mục, ta có thể tái phân giữa những linh mục thành viên của một dòng tu và những linh mục thành viên của linh- mục-đoàn (presbyterium) giáo phận. Tông huấn Pastores dabo vobis đã đề cập đến sự phân biệt này khi bàn về linh đạo của linh mục.

Như đã nói, từ “linh đạo” có nhiều nghĩa. Trong Dizionario enciclopedico di Spiritualità (Từ điển bách khoa về Linh đạo) đã mô tả “linh đạo” như thế này: “Hạn từ spiritualità có thể có những nghĩa sau đây: đặc tính của cái gì thiêng liêng (thí dụ Thiên Chúa, các linh hồn, linh hồn, Giáo hội); nó cũng có nghĩa là lòng đạo đức (thí dụ như một thánh nhân hay một người nào đã tiếp xúc với thần linh); nó cũng có nghĩa là môn học về những nguyên tắc và thực hành lòng đạo đức ấy. Theo nghĩa này, nó thường có nghĩa là một học thuyết”[3]. Ngoại trừ nghĩa thứ nhất liên quan đến bản tính hữu thể, các nghĩa còn lại thường dùng trà trộn với nhau.[4]

Người ta còn tìm thấy một cách diễn tả phổ quát như thế này: “Linh đạo là việc thực hiện công trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô nhờ Thánh Linh, ở nơi mỗi người Kitô hữu và trong cộng đoàn Hội thánh là đền thờ của Thánh Linh”.[5] Lối diễn tả này nói lên cốt yếu của linh đạo là khía cạnh Tam vị và nhất là sự hiện diện của Thánh Linh (Spirito), từ đó mà diễn xuất từ ngữ “linh đạo” (spiritualità) trong thần học Kitô giáo. Một tác giả khác, khi bàn về linh mục, đã diễn tả linh đạo hơi dài dòng như sau: “Theo nghĩa Kitô giáo, danh từ linh đạo cũng như tính từ linh thiêng gợi lên ý tưởng về con người được tô điểm nhờ sự hiện diện của Thánh linh của Chúa Cha và Chúa Con. Cuộc sống của người ấy là cuộc sống được kích động nhờ Thánh linh và cảm nghiệm được sự hiện diện đó. Vì thế linh đạo nói lên một cách thức đặc biệt mà mỗi người tín hữu sống tương quan với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, trong ân huệ của Thánh Linh; và tương quan này được sống ở một vị trí cụ thể của cộng đoàn Hội thánh và gia đình nhân loại, nơi họ sinh sống và hoạt động, theo ơn gọi riêng của mình, để quảng bá nước Thiên Chúa và phục vụ tha nhân bằng cách thực hành những tài năng tự nhiên và siêu nhiên của mình. Nói tóm lại, linh đạo vừa ám chỉ cuộc sống Kitô hữu dưới tác động của Thánh Linh, vừa là cảm nghiệm trung thực của con người tâm linh, dù nói chung hoặc xét theo những dạng thức khác nhau, vừa là sự phân tích hoặc mô tả cảm nghiệm sống của người Kitô hữu dưới nhiều hình thức”.[6] Tuy viết về linh mục, nhưng khái niệm về linh đạo được mô tả một cách tổng quát, có thể áp dụng cho mọi thứ linh đạo.

2. Định nghĩa và mô tả hạn từ “giáo phận”


Đã bàn về “linh đạo giáo phận” thì tất nhiên phải mô tả giáo phận là gì.

Hội thánh phổ quát hiện diện và hoạt động trong các Hội thánh địa phương, trong những cộng đoàn cụ thể trong đó những con người liên kết với nhau bằng những mối dây chung về ngôn ngữ, lịch sử, phong tục, truyền thống. Với một cái nhìn phối hợp các Hội thánh địa phương như vậy, ta đừng nên nghĩ rằng Hội thánh phổ quát là một liên minh các Hội thánh địa phương. Không phải, chỉ có một Hội thánh, do bản chất và sứ mạng là công giáo, đã thu nhận những hình dạng khác biệt tùy theo vị trí địa lý văn hóa của mình. Khi viết cho các tín hữu thuộc nhiều cộng đoàn khác nhau, thánh Phaolô ngỏ lời như thế này: “Thân gửi Hội thánh của Thiên Chúa tại Corintô, là những kẻ được thánh hóa trong Đức Kitô Giêsu, được kêu gọi nên thánh cùng với tất cả mọi người khắp nơi kêu cầu danh thánh Chúa Giêsu Kitô của chúng ta” (1Cr 1,2; xc. 2Cr 1,1).[7] Với các tín hữu tại Rôma Người viết: “tất cả các Hội thánh của Đức Kitô chào thăm anh chị em” (Rm 16,16) một lối nói biểu lộ lòng kính trọng đối với Hội thánh tại Rôma. Trong Tân ước, từ “Hội thánh”, lấy lại từ Cựu ước,[8] để ám chỉ cộng đoàn của Đấng Mêsia, đã được áp dụng theo một nghĩa càng ngày càng nới rộng hơn. Lúc đầu nó ám chỉ cộng đoàn mẹ ở Giêrusalem (Cv 8,1; 11,22) rồi đến các Hội thánh ở miền Giuđê (Gl 1,22; 1Tx 2,14; Cv 9,31) và các miền dân ngoại (Cv 13,1; 14,23; 15,41; 16,5; Rm 16,1.4; 1Cr 1,2; Gc 5,14; 3 Ga 9; Kh 1,4; 2,1), các buổi họp của họ (1Cr 11,18; 14,23.34) và những nơi hội họp; sau cùng ám chỉ Hội thánh như là một đơn vị theo thần học: “Anh em hãy canh chừng chính mình và trên đoàn chiên mà Thánh Linh đã anh em làm giám sát để chăn dắt Hội thánh của Thiên Chúa mà Người đã thủ đắc bằng máu của mình” (Cv 20,28), Hội thánh như là một cá vị - là thân thể và hiền thê của Đức Kitô (Cl 1,18; Ep 5,23-32) và là sự sung mãn vũ trụ của Người (Ep 1,23).

Công đồng Vaticanô II, trong đoạn văn viết về quyền thánh hóa của các giám mục, đã viết về Hội thánh địa phương như thế này: 

“Hội thánh Đức Kitô thực sự hiện diện trong mọi cộng đoàn hợp pháp của các tín hữu ở các địa phương. Những cộng đoàn này, gắn bó với các mục tử của mình cũng được gọi là các Hội thánh trong Tân ước. Thực vậy, tại một địa phương nhất định, mỗi cộng đoàn là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Linh và trong sự viên mãn (x. 1Tx 1,5). Tại các cộng đoàn đó, những tín hữu được tụ họp lại nhờ việc rao giảng Tin Mừng Đức Kitô, và mầu nhiệm Bữa tiệc của Chúa được cử hành “để nhờ Thịt và Máu của Chúa, tất cả kết thành huynh đệ và thành một thân thể”. Mỗi lần Giám mục cử hành nhiệm vụ với cộng đoàn tụ họp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và “sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi”. Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay sống tản mát. Và nhờ sức mạnh của Người, Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được kết hợp. Bởi vì “việc tham dự vào Mình và Máu Chúa Kitô không nhắm công hiệu nào khác hơn là biến đổi chúng ta thành Đấng mà chúng ta lãnh nhận”.”[9] 

Khi bàn về sự tăng trưởng đời sống phụng vụ, công đồng viết: “Hội thánh được biểu lộ chính yếu nơi sự tham dự đầy đủ và tích cực của Dân thánh của Chúa vào các buổi cử thành phụng vụ, nhất là vào cùng một Thánh lễ, cùng một kinh nguyện, cùng một bàn thờ do giám mục chủ tọa với các linh mục và các tác viên vây quanh”.[10]

Hội thánh địa phương là nơi mà mầu nhiệm cứu độ thành hiện thực bởi vì tại đó, thân thể của Đức Kitô được liên kết trong hết mọi thành phần, chung quanh giám mục là người thừa kế các thánh tông đồ, nhờ Tin Mừng và bí tích Thánh thể. Nơi đây, tất cả mọi phần tử cho và nhận sự phục vụ hỗ tương của một thân thể duy nhất. Dù những hình thức bên ngoài có thể thay đổi từ này sang nơi khác, nhưng thực tại bên trong của mỗi cộng đoàn vẫn y nguyên, đó là: cũng một đức tin, Lời Chúa và bí tích được cử hành quanh giám mục như nguyên ủy hữu hình của sự hợp nhất.

Để có được một hình ảnh về giáo phận, chúng ta hãy ngắm nhìn Thánh lễ truyền dầu vào thứ năm tuần thánh. Các yếu tố cấu thành thực tại ấy là:

- Dân Thiên Chúa với tất cả các thành phần: những người đã được Rửa tội, đã được Thêm sức, đã lãnh bí tích hôn nhân, đã lãnh chức thánh; tất cả làm nên đoàn dân của Thiên Chúa;

- Hành vi cử hành là Thánh lễ, nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu;

- Trong Thánh Lễ diễn ra việc chúc lành dầu dự tòng, được dùng trong bí tích Thánh tẩy;

- Việc chúc lành dầu bệnh nhân, là chất thể của bí tích Xức dầu bệnh nhân;

- Việc chúc lành dầu Chrisma, được dùng làm chất thể của bí tích Thêm sức, và trong bí tích Truyền chức linh mục và giám mục.

Nơi đây ta thấy sức sung mãn của đời sống Kitô giáo qua việc phân phát những bí tích nổi bật là Thánh lễ, qua việc chuẩn bị chất liệu cho các bí tích khác, qua việc công bố Lời Chúa.

Nơi đây ta thấy sự hợp nhất của Hội thánh nơi đức giám mục - trung tâm của sự hợp nhất, nơi linh mục đoàn, các phó tế, các tín hữu đã kết hôn, các tín hữu đã được Rửa tội và Thêm sức.

Trong cuộc cử hành này, là nguồn mạch cho mọi linh đạo, ta cũng thấy nổi bật đặc tính “giáo phận” qua việc cộng đoàn phục vụ của giáo phận. Công thức tiền tụng lễ truyền dầu có thể coi như tổng hợp của linh đạo ấy.

Linh đạo linh mục bao gồm những nguyên tắc và thực hành của linh mục trong tương quan với Thiên Chúa và với nhân loại. Linh đạo này diễn tả căn cước, nhiệm vụ của linh mục và của linh mục giáo phận trong cuộc sống.[11]

Nếu hiểu linh đạo của mọi thành phần trong Hội thánh là ơn gọi nên thánh trong những hoàn cảnh dị biệt, thì có thể nói được rằng linh đạo của linh mục giáo phận là cách thức thực hiện ơn gọi nên thánh của mình dựa theo hoàn cảnh của mình.

3. Linh đạo giáo phận của linh mục và linh đạo của linh mục giáo phận: Đôi hàng lịch sử


Trước công đồng Vaticanô II, đề tài linh mục giáo phận chỉ mới được phác thảo. Có thể đặt khởi đầu của nó là những bài giảng của đức hồng y Désiré Mercier, tổng giám mục Malines Bruxelles trong những buổi tĩnh tâm dành cho các linh mục của giáo phận.[12] Tuy nhiên ý tưởng về sự thánh thiện và về linh đạo đặc thù cho linh mục giáo phận đã không gây ra sự chú ý và nghiên cứu như là thời gian sau công đồng Vaticanô II. Trước công đồng, người ta biết có sự khác biệt giữa các linh mục giáo phận (trong các ngôn ngữ Âu châu gọi là linh mục “đời” – prêtres séculiers, secular priests) và các linh mục tu sĩ. Nhưng cũng nên biết là vào thời ấy, việc đào tạo tại các chủng viện thường được giao cho một dòng tu, cũng như việc linh hướng hay tĩnh tâm cũng nhờ đến các cha dòng, cho nên nếu có linh mục giáo phận nào ước muốn nên thánh thì sẽ được khuyên là hãy thực hành một vài hành vi đạo đức nào đó (chẳng hạn như: khó nghèo, vâng lời, cầu nguyện); duy có người tu sĩ mới có thể có một kế hoạch nên thánh toàn diện. Có thể so sánh như thế này: các linh mục giáo phận chỉ có thể dâng cho Chúa một vài hoa quả tốt lành, nhưng không thể dâng tất cả cái cây được.[13] Não trạng này vẫn còn tồn tại.[14] Đối với các linh mục tu sĩ, thì điểm nhấn được đặt ở chỗ “tu sĩ”, ra như nguồn mạch nên thánh nằm ở các lời khấn dòng, chứ không do bí tích Truyền chức.

Trước đây, người ta nói đến sự “thánh thiện” hơn là “linh đạo” của linh mục giáo phận. Linh mục giáo phận được gọi nên thánh cũng như bao nhiêu tín hữu khác, do công hiệu của bí tích Rửa tội. Nhưng người ta chưa tìm ra một nét đặc trưng cho ơn gọi nên thánh của linh mục. Đây là điều cần phải truy tầm.

Phần II: Giáo huấn của kinh Tiền tụng Lễ Truyền dầu


Chúng ta đã nhìn thấy Thánh lễ truyền dầu như là sự biểu lộ bí tích của giáo phận, của Giáo hội địa phương. Bây giờ chúng ta hãy lấy kinh tiền tụng của lễ này như là bản văn đạo lý về chức linh mục. Thật vậy, bản văn trưng bày một giáo huấn về chức tư tế của Đức Kitô, về sự thông Truyền chức tư tế ấy cho Hội thánh dưới dạng thức chức tư tế vương giả và dưới dạng thức chức tư tế thừa tác cũng như vạch ra những hướng linh đạo cho người lãnh chức thánh. Từ đó ta có thể tìm thấy linh đạo dành cho linh mục là nền tảng của linh đạo linh mục giáo phận. Bây giờ chúng ta hãy nghiên cứu kinh tiền tụng của Thánh lễ truyền dầu do giám mục cử hành tại nhà thờ chánh tòa, đồng tế với các linh mục vào ngày thứ năm Tuần thánh.[15] Thánh lễ truyền dầu cung cấp một bài huấn giáo hữu hình về tất cả các bí tích: bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức qua việc chúc lành dầu dự tòng cho bí tích Rửa tội, và chúc lành dầu Chrisma cho bí tích Thêm sức và Truyền chức; huấn giáo về bí tích Xức dầu bệnh nhân với việc chúc lành dầu bệnh nhân; bí tích thống hối cũng được gợi lên nơi sự lặp lại việc thống hối của bí tích Rửa tội và chuẩn bị cho bí tích Thánh Thể và cho bí tích Xức dầu; bí tích Hôn phối cũng được biểu tượng nơi sự kết hợp giữa Đức Kitô với Hội thánh trong giao ước Vượt qua; trung tâm và chóp đỉnh của buổi lễ là bí tích Thánh Thể. Việc các linh mục đồng tế với giám mục là dấu chỉ của sự duy nhất của chức tư tế tác vụ với nhiều đẳng cấp. Việc các linh mục lặp lại các lời cam kết làm nổi bật tác vụ tư tế trong Hội thánh. Tất cả những điều vừa nói được gói ghém trong kinh Tiền tụng Thánh lễ: phụng vụ chúc tụng công trình của Chúa Cha nơi chức tư tế của Đức Kitô và Hội thánh; phụng vụ chúc tụng công trình của Đức Kitô thi hành ý định của Chúa Cha; sau cùng phụng vụ mô tả nhiệm vụ của người đã lãnh chức thánh với những nghĩa vụ đi kèm. Trước tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu bản văn, rồi sẽ nêu bật những chủ đề thần học với nền tảng Kinh thánh.

1. Bản văn tiền tụng Thánh lễ truyền dầu


Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và sinh hơn cứu độ cho chúng con

Cha đã nhờ Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong Con Một Cha làm Thượng Tế giao ước mới và vĩnh cửu. Cha đã định liệu cho chức tư tế duy nhất của Người được tồn tại trong Hội thánh.

Người không chỉ ban chức tư tế vương giả cho dân riêng của Cha, mà còn lấy tình huynh đệ tuyển chọn một số người, để họ tham gia thánh vụ của Người nhờ việc đặt tay.

Cha muốn họ nhân danh Người tái diễn hy lễ cứu độ, dọn cho con cái Cha bàn tiệc Vượt qua, lấy tình thương dẫn dắt, lấy lời Cha nuôi dưỡng và dùng các bí tích bồi bổ dân thánh của Cha.

Khi hiến dâng cuộc đời cho Cha để lo cho anh chị em được cứu độ, họ cố gắng nên giống Đức Kitô và kiên trì làm chứng về đức ái và đức tin.

Vì thế, cùng với toàn thể thiên thần và các thánh, chúng con tuyên xưng Cha và hân hoan tung hô rằng: Thánh! Thánh! Thánh![16] 

2. Diễn giải


Các đề tài trong kinh nguyện này là: việc xức dầu tư tế của Đức Kitô, chức tư tế vương giả và chức tư tế thừa tác xét theo các nhiệm vụ và nghĩa vụ tu đức, tức là linh đạo.

A. Mầu nhiệm Tam vị và chức tư tế của Đức Kitô

Lời khẳng định đầu tiên trưng bày mầu nhiệm trung tâm của kế hoạch cứu độ trong đó cả Ba Ngôi Thiên Chúa cùng tác động trong Hội thánh: “Cha đã nhờ Thánh Linh xức dầu tấn phong Con Một của Cha làm Thượng tế giao ước mới và vĩnh cửu, và Cha đã định liệu cho chức tư tế duy nhất của Người được tồn tại trong Hội thánh”. Chúa Cha, nguyên ủy của đời sống thiên linh, đã tác động trong Con Một của mình nhờ Thánh Linh, và nhờ đó Đức Giêsu Kitô được đặt làm Thượng tế của giao ước mới. Tác động của Thánh Linh nơi Đức Giêsu được diễn tả qua biểu tượng của việc xức dầu. Điều này gợi lại việc Thánh Linh ngự xuống trên Người vào lúc chịu phép rửa: “Hồi ấy, Đức Giêsu từ Nadarét miền Galilê đến, và được ông Gioan làm phép rửa dưới sông Giođan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.” (Mc 1,9- 11; Mt 3,16-17; Lc 3,21). Chính Đức Giêsu đã giải thích cuộc biểu lộ thiên linh để khai mạc sứ vụ của mình bằng từ ngữ “xức dầu”; Người áp dụng cho bản thân mình những lời của ngôn sứ: “Thần khí của Chúa ngự xuống trên tôi, vì thế Người đã xức dầu cho tôi” (Lc 4,18; Is 61,1). Vào buổi khởi đầu Hội thánh, thánh Phêrô nhắc đến điều đó trong bài giảng tại nhà ông Corneliô: Thiên Chúa đã xức dầu cho Đức Giêsu Nazaret bằng Thánh Linh và quyền năng” (Cv 10,38). Thư gửi Hípri đã coi việc xức dầu ấy như là tấn phong tư tế khi trưng dẫn thánh vịnh 45: “Thiên Chúa của ngài đã xức dầu cho ngài bằng dầu hoan lạc vượt trổi các đồng liêu” (Hr 1,9; Tv 45,8). Chiều hướng mà thư gửi Hípri mở ra đã được truyền thống các giáo phụ khai triển, và được đón nhận vào các bản văn phụng vụ, trong đó có tiền tụng Thánh lễ truyền dầu. Như thế tác động của Chúa Cha cùng với Thánh Linh nơi Con Một được diễn tả như là một việc xức dầu tấn phong Đức Giêsu làm tư tế. Bản văn một đàng nói đến chức tư tế của Đức Kitô bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, đàng khác cũng nêu bật phẩm giá của nó xét về bản chất, đó là chức tư tế của giao ước mới và vĩnh cửu.

Mầu nhiệm Hội thánh bắt nguồn từ mầu nhiệm tương quan nội tại giữa Ba Ngôi và tương quan của Ba Ngôi với nhân loại. Chúa Cha đã muốn rằng chức tư tế của Đức Kitô được thông truyền cho Hội thánh: “Lạy Cha, Cha đã định liệu để cho chức tư tế duy nhất của Người được tồn tại trong Hội thánh”. Trước hết, lời khẳng định này muốn nói rằng bản tính của Hội thánh là cộng đồng tư tế; kế đến, chúng muốn nói rằng chức tư tế của Hội thánh không thêm gì cho chức tư tế của Đức Kitô, nhưng trở thành dấu hiệu cho Người ở trần gian. Ở đây tất cả công cuộc cứu độ của Đức Kitô được diễn tả dưới khía cạnh tư tế; nhờ Đức Kitô, chức tư tế của Hội thánh cũng là tác động của Chúa Cha qua việc tuôn đổ Thánh Linh. Xét như cộng đồng tư tế, Hội thánh phản chiếu không những bản tính của Đức Kitô Hôn phu và Thủ lãnh của mình, mà còn phản chiếu tất cả mầu nhiệm Thiên Chúa; Hội thánh đến từ Chúa Cha nhờ Chúa Con trong sự xức dầu của Thánh Linh.

Tiền tụng tiếp tục với việc giải thích cách thức mà chức tư tế của Đức Kitô được kéo dài trong Hội thánh: “Người thông ban chức tư tế vương giả cho tất cả đoàn dân được cứu chuộc”.

B. Sự thông đạt chức tư tế của Đức Kitô

a. Chức tư tế vương giả: bí tích Rửa tội và bí tích Thêm sức.

Tác động cứu độ của Đức Kitô trong Hội thánh diễn ra nhờ sự thông đạt chức tư tế duy nhất của Người dưới hai dạng thức. Trước hết, Người thông đạt chức tư tế của mình cho tất cả mọi tín hữu bằng các bí tích Rửa tội và Thêm sức. Hồng ân này được đặt tên là “chức tư tế vương giả” dựa theo bản văn của thánh Phêrô: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người nhờ Đức Giêsu Kitô (...) Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng” (1Pr 2,4-5.9). Với những lời này, Tân ước áp dụng cho Hội thánh điều mà trong Cựu ước đã được nói về dân của Chúa: “Các ngươi đối với Ta sẽ là một vương quốc tư tế” (Xh 19,6). “Các ngươi sẽ được gọi là những tư tế của Chúa, sẽ được gọi là những thừa tác viên của Chúa chúng ta” (Is 61,6) và ý tưởng này lại được gặp thấy trong quyển sách cuối của Kinh thánh là sách Khải huyền: “Đấng đã yêu thương chúng ta và đã giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi nhờ máu của mình và đã làm cho chúng ta trở thành một vương quốc của các tư tế cho Thiên Chúa”. (Kh 1,6). “Người đã đặt chúng ta thành một vương quốc tư tế cho Thiên Chúa và họ sẽ hiển trị” (Kh 5,10). “Họ sẽ là những tư tế của Thiên Chúa và của Đức Kitô và sẽ hiển trị cùng với Người” (Kh 20,6).

Những kẻ tin vào Đức Kitô, được trở nên đồng hình đồng dạng với Người nhờ các bí tích Thánh tẩy và Thêm sức, cũng trở thành những tư tế. Chức tư tế vương giả của toàn thể Hội thánh, được thực thi trong cuộc sống của các tín hữu, hệ ở việc dâng lên Thiên Chúa phụng tự của đời sống. Thánh Phaolô đã khuyến khích việc thi thành chức tư tế này khi viết: “Anh em hãy hiến dâng thân thể mình làm hiến lễ sống động, thánh thiện, đẹp lòng Chúa; đó là phụng tự thiêng liêng của anh em” (Rm 12,1). Việc trao ban chức tư tế trong bí tích Rửa tội được diễn giải qua việc xức dầu trên trán, nhờ đó người tân tòng “được tháp nhập vào Đức Kitô tư tế”. Như vậy tất cả Hội thánh, và mỗi người tín hữu trong đó, là một dân tư tế: họ dâng lên Thiên Chúa phụng tự đích thực của cuộc sống, nhờ trung gian của Đức Kitô Thượng tế và nhờ sinh lực của Thánh Linh.

b. Chức tư tế thừa tác: bí tích Truyền chức thánh

Tất cả Hội thánh, tất cả những người đã nhận lãnh bí tích Rửa tội và Thêm sức, đều thông dự vào chức tư tế phổ quát. Trong số các tín hữu, một vài người được kêu gọi để nhận lãnh một sự thông dự khác vào chức tư tế của Đức Kitô, được trao qua bí tích Truyền chức thánh, theo như lời kinh tiền tụng: “Người còn lấy tình huynh đệ tuyển chọn một số người, để tham gia tác vụ cứu độ của Người nhờ việc đặt tay”. Chúa Giêsu đã tỏ lòng ưu ái đối với họ qua việc tuyển chọn và kêu gọi, và được bày tỏ qua việc trao cho họ tác vụ cứu độ thuộc về Người. Đức Kitô là vị thượng tế đã cứu độ nhân loại bằng hiến lễ của bản thân mình; những tín hữu được chọn sẽ trở thành dấu chỉ của chức tư tế của Đức Kitô ở giữa các anh em mình. Khi nói đến “việc đặt tay”, kinh Tiền tụng bao gồm toàn thể chức tư tế thừa tác được trao qua cử chỉ đặt tay và lời nguyện thánh hiến, với những cấp bậc phục vụ khác nhau.

Hai cách thức thông dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô, vương giả và thừa tác, cho thấy tính chất phong phú của ân huệ mà Thiên Chúa ban cho Hội thánh. Chức tư tế thừa tác được đặt ra để phục vụ chức tư tế vương giả và là bí tích của sự trung gian duy nhất của chức tư tế của Đức Kitô, ngõ hầu tất cả mọi tín hữu và tất cả Hội thánh có khả năng thi hành phụng tự của cuộc đời làm hiến lễ cho Thiên Chúa. Công đồng Vaticanô II đã dạy:

“Chức tư tế phổ quát của các tín hữu và chức tư tế thừa tác của hàng giáo phẩm tuy dù khác biệt theo bản chất chứ không chỉ theo cấp độ, nhưng cả hai đều liên hệ với nhau, bởi vì mỗi bên đều tham dự theo cách thức riêng vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô.”[17]

Kinh Tiền tụng tiếp tục liệt kê những nhiệm vụ của các thừa tác, kèm với những nhân đức tương ứng và lòng bác ái mục tử.

C. Những nhiệm vụ của các tư tế thừa tác

“Cha muốn cho họ nhân danh Người tái diễn hy lễ cứu độ, dọn cho con cái Cha bàn tiệc Vượt qua, lấy tình thương dẫn dắt, lấy lời Cha nuôi dưỡng và dùng các bí tích bồi bổ dân thánh của Cha”.

Bản văn mô tả quyền hành tư tế được trao qua việc đặt tay và kể ra những nhiệm vụ; quyền này tiếp nối quyền hành tư tế của Đức Kitô vị thượng tế của giao ước mới. Các nhiệm vụ của chức tư tế thừa tác là: cử hành Thánh lễ, phục vụ lời Chúa và ban các bí tích. Tác vụ bao hàm khía cạnh phụng tự, rao giảng và chăn dắt trong việc thi hành chức tư tế.

a. Thánh lễ

Nhiệm vụ thứ nhất của các thừa tác liên quan đến Thánh lễ, cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô theo mệnh lệnh của Người: “Các con hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy” (Lc 22,19; 1Cr11,24-25). Việc cử hành Thánh lễ là cuộc tưởng niệm cuộc Tử nạn và Phục sinh của Đức Kitô, hy lễ cứu chuộc chúng ta: bữa tiệc Vượt qua mà Chúa Cha mời gọi chúng ta đến dự và ban cho chúng ta Mình và Máu của Đức Giêsu là Con Chúa làm lương thực; là trung tâm và chóp đỉnh của việc chúc tụng mà con cái Chúa dâng lên Cha trên trời, và của việc thánh hóa mà Chúa Cha ban cho nhân loại. Nhiệm vụ thực hiện hành động này được ủy thác cho các tư tế thừa tác, giám mục và linh mục, với sự trợ giúp của các phó tế. Nhờ các ngài, cộng đồng Kitô hữu có khả năng dâng lên Thiên Chúa hy lễ của Đức Kitô cùng với hy lễ cuộc đời họ, và nhận lãnh bí tích Mình và Máu thánh Người như lương thực nuôi dưỡng đức tin và cuộc sống đạo trên đời: “Thiên Chúa và Chủ tể của chúng ta (...) được công bố là tư tế theo phẩm Menkixêđê (Tv 110,4) đã dâng lên Chúa Cha thân thể và máu của mình dưới hình bánh và rượu và đã trao cũng những dấu chỉ ấy cho các tông đồ để họ nhận lấy, và cũng chính vào lúc ấy Người đã đặt các ông làm tư tế của giao ước mới và truyền lệnh cho họ và những kẻ kế vị trong chức tư tế hãy dâng tiến hy lễ khi nói rằng: “Hãy làm điều này để tưởng nhớ Thầy” (Lc 22,19; 1Cr 11,24). Thực vậy, sau khi đã cử hành lễ Vượt qua mà con cái Israel tiến dâng để tưởng nhớ cuộc ra đi khỏi nướcAi-cập (x. Xh 12), Người đã thiết lập lễ Vượt qua mới, tức là chính bản thân của Người được Hội thánh tiến dâng qua tay các tư tế dưới những dấu hiệu hữu hình, để tưởng nhớ cuộc ra đi của Người từ thế giới này về với Chúa Cha”.[18] “Vị tư tế thừa tác, với quyền thánh chức được trao ban (...) thi hành hy lễ Thánh Thể trong cương vị của Đức Kitô và dâng tiến cho Thiên Chúa nhân danh toàn thể dân thánh”.[19] “Hy tế này được dâng tiến một cách không đổ máu và mang tính bí tích trong Thánh lễ nhờ bàn tay các linh mục và nhân danh toàn thể Hội thánh cho đến ngày Chúa đến. Đây là mục đích và nơi thể hiện trọn hảo của tác vụ các linh mục”.[20] Bởi vì việc cử hành Thánh lễ là hành vi trọng yếu và chóp đỉnh của phụng vụ Hội thánh, và rồi phụng vụ là nguồn mạch và chóp đỉnh của hoạt động Hội thánh, nguồn mạch cho mọi sinh lực của Hội thánh, cho nên các tư tế thừa tác đứng ở trọng tâm và chóp đỉnh của công cuộc cứu độ,[21] nơi hội ngộ kỳ diệu giữa ân sủng, việc phụng thờ Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của con người.

b. Lời Chúa

Cùng với quyền thánh chức cử hành Thánh lễ, các tác viên còn được ủy thác công tác phục vụ Lời Chúa. Thánh lễ và Lời Chúa liên kết chặt chẽ với nhau trong hoạt động của Hội thánh; Hội thánh luôn kính trọng Sách thánh cũng giống như đối với chính Thân thể Đức Kitô, và không bao giờ ngừng nuôi dưỡng mình bằng bánh sự sống tại bàn tiệc Lời Chúa cũng như bàn tiệc Thân thể Chúa, nhất là trong phụng vụ, và trao ban cho các tín hữu”.[22] Vì thế các tác viên Thánh Thể cũng được ủy thác công tác phục vụ lời Chúa. Chúa Giêsu đã trao sứ mạng cho các tông đồ khi phái cử cách long trọng: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao cho Thầy. Vì thế các con hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Thầy” (Mt 28,19). “Các con hãy đi khắp thế giới, hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo” (Mc 16,15). Thánh Phaolô coi việc loan báo Tin Mừng như là một công tác phụng tự: “Thiên Chúa là Đấng tôi phụng tự trong việc loan báo Tin Mừng” (Rm 1,9). “Vì hồng ân mà Chúa đã ban cho tôi được trở nên thừa tác viên của Đức Kitô giữa dân ngoại, bằng cách thi hành chức vụ thánh của Tin Mừng Thiên Chúa ngõ hầu dân ngoại trở thành một hiến lễ tốt đẹp, được Thánh Linh thánh hóa” (Rm 15,15-16).

c. Các bí tích 

Trong đoạn văn chót của Tin Mừng Matthêu, khi ủy thác cho các tông đồ sứ mạng loan báo Tin Mừng thì Chúa Giêsu cũng trao nhiệm vụ Rửa tội: “Các con hãy làm phép rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Linh” (Mt 18,19). Trong chức vụ rửa tội được Chúa Giêsu ủy thác cho các tông đồ và các thừa tác viên của Hội thánh, chúng ta có thể gói ghém tất cả quyền ban tất cả các bí tích; xét vì bí tích Rửa tội là khởi điểm và cổng vào của đời sống bí tích Kitô giáo. Qua quyền ban bí tích, Chúa Giêsu cũng ban ân huệ đặc biệt là Thánh Linh: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Nói xong Người thở trên các ông và nói: Các con hãy lãnh nhận Thánh Linh: các con tha tội cho ai thì tội được tha, các con cầm giữ ai thì tội bị cầm giữ” (Gv 20,21-23). Ân huệ Thánh Linh được biểu lộ ở nơi hơi thở của Chúa Kitô phục sinh được ban không những để tha tội mà còn cho toàn thể sứ vụ các bí tích. Phụng vụ đã cụ thể hóa việc tuôn đổ Thánh Linh bằng cách đặt trong công thức các bí tích lời nhắc nhớ hoặc cầu khẩn Thánh Linh. Như thế sứ mạng loan báo sứ điệp, huấn luyện đức tin và xây dựng Dân Chúa được hoàn tất trong việc cử hành các bí tích, nhờ các tác viên.

Tóm lại những nhiệm vụ được trao cho những ai nhận lãnh chức tư tế thừa tác trong Hội thánh là: cử hành Thánh lễ, rao giảng lời Chúa, ban các bí tích. Bằng cách ấy các tư tế thừa tác là dấu chỉ bí tích của vai trò trung gian tư tế duy nhất của Chúa Giêsu, Đấng thi hành việc phụng tự của các tín hữu dâng lên Thiên Chúa và thi hành việc Thiên Chúa ban ơn thánh hóa xuống trên các con cái Ngài. Trong nghi thức lặp lại các lời hứa trong Thánh lễ truyền dầu, đức giám mục ngỏ lời với các vị đồng tế: 

“Chúng ta phải là những người quản lý trung thành đối với các mầu nhiệm của Thiên Chúa khi rao giảng Lời Chúa, cử hành bí tích Thánh thể và các bí tích khác. Vậy, theo gương Chúa Kitô là thủ lãnh và là mục tử của chúng ta, anh em có muốn thi hành chức vụ của mình một cách nhiệt thành và vô vị lợi không?”[23]

Khi thi hành việc phục vụ Thánh lễ, lời Chúa và các bí tích, các thừa tác viên thực thi lòng bác ái mục tử ở mức cao, đó là yêu mến Chúa vì Chúa và yêu mến tha nhân vì lòng mến Chúa. Khi sống đức ái này, các linh mục phục vụ Thiên Chúa, Đấng đã ban Thánh Linh trong bí tích Truyền chức để biến họ thành những thừa tác viên; họ phục vụ nhân loại qua việc cung cấp những hồng ân cứu độ của Thiên Chúa như là những quản lý tận tụy và trung thành. Đây là phẩm giá cao trọng của những người lãnh chức thánh, bắt nguồn từ việc thông dự vào chức tư tế cao cả và sứ mạng cứu độ của Đức Kitô. Từ đó nảy sinh những hệ luận trong lãnh vực linh đạo, được phác họa vắn tắt trong kinh tiền tụng.

D. Đời sống tâm linh của các vị tư tế thừa tác

Phẩm giá cao quý của các thừa tác viên bao hàm hệ quả là họ phải uốn nắn cuộc sống và hành động sao cho phù hợp với những hành vi thánh thiêng mà họ nhận lãnh trong bí tích Truyền chức. Về điều này kinh Tiền tụng Thánh lễ truyền dầu đã diễn tả ý định của Thiên Chúa đối với cuộc sống của các vị tư tế thừa tác như sau: “Khi hiến dâng cuộc đời cho Cha để lo cho anh chị em được cứu độ, họ cố gắng nên giống Đức Kitô và kiên trì làm chứng về đức ái và đức tin” (Dịch sát nguyên văn: “Cha đã trưng bày cho họ Đức Kitô làm mẫu gương, để khi trao hiến cuộc đời cho Cha và cho anh chị em, họ cố gắng trở nên giống hình ảnh của Con Cha và làm chứng cho lòng trung tín và tình yêu quảng đại.”)

a. Đức Kitô mẫu gương cho các thừa tác viên

Chúa Cha trưng bày Đức Kitô làm gương mẫu cho các tư tế của Hội thánh. Các tư tế phải họa mình theo đó. Đây không phải là việc trở nên đồng hình dạng về bản thể đã được thực hiện trong bí tích (bí tích Rửa tội đối với tất cả mọi tín hữu và bí tích Truyền chức đối với các tư tế) nhưng là việc đi theo Đức Kitô mà mỗi người phải thực hiện qua việc tự tình đáp ứng lại ân sủng. Việc trở nên hòa hợp với gương mẫu Đức Kitô được diễn tả cách cụ thể qua việc trao hiến cuộc sống cho Thiên Chúa và cho anh em. Lòng yêu mến Thiên Chúa và đồng loại được thể hiện cao độ ở nơi Đức Kitô. Chính Người đã nói: “Thầy yêu Chúa Cha và làm điều mà Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14,31). “Không ai có tình yêu nào cao cả hơn là trao hiến mạng sống cho các bạn hữu mình” (Ga 15,13). Người đã đạt đến tột đỉnh của tình yêu với Thiên Chúa và nhân loại nơi cái chết trên thập giá: nơi đây Người đã tỏ bày trong chính bản thân mình tình yêu vô biên của Thiên Chúa, tương quan của Người với Chúa Cha và với nhân loại; Người đã tìm thấy cách diễn đạt tuyệt vời nhất qua việc trao hiến tất cả bản thân. Nơi Đức Giêsu, hy tế, chức tư tế, tình yêu trùng khớp với nhau hoàn toàn. Chúng ta hiểu rằng chức tư tế của Người tiên vàn không phải là một việc phụng tự nhưng là sự dâng hiến cuộc sống. Đức Giêsu đã mạc khải như là “ngôi vị” (persona) một cách sung mãn nhất qua việc hiến dâng chính mình cho Chúa Cha và cho nhân loại. Đời sống tâm linh của các linh mục, hay linh đạo đặc thù của các linh mục, được thể hiện qua việc cố gắng bắt chước mẫu gương tuyệt vời đó. Là dấu chỉ và bí tích của Đức Kitô trung gian tư tế, các linh mục chiếu tỏa ánh sáng khi tìm cách trở nên giống với Người trong cuộc sống tại thế.

b. Chứng tá cho lòng trung tín và tình yêu quảng đại

Việc dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa Cha và cho nhân loại được thể hiện qua việc trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Thượng tế. Nhưng sự trao hiến này không thực hiện chỉ trong một khoảnh khắc, tựa như lễ Truyền chức diễn ra trong khoảnh khắc; nó đòi hỏi sự kiên trì và trung tín. Đức ái chân thực đối với Thiên Chúa và anh em được chứng tỏ nơi sự trung tín trải qua thời gian. Chỉ có chứng tá của lòng trung tín mới làm cho lời nói trở thành đáng tin cậy. Đề tài trung tín trở thành thích hợp với thời buổi hôm nay, khi mà những hoàn cảnh thi hành tác vụ trở nên khó khăn; chính lúc đó mà cần phải để cho ân sủng bí tích tác động liên lỉ, và làm sống lại đặc sủng đã lãnh nhận lúc thụ phong theo lời khuyên của thánh tông đồ: “Tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh” (2Tm 1,6). Chứng tá cho lòng trung thành với việc dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và tha nhân được diễn tả cụ thể qua việc thi hành tác vụ.

Linh mục phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn bằng cách thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, cử hành Thánh lễ, ban các bí tích, đào tạo công đồng tín hữu: qua hoạt động này, linh mục biểu lộ mẫu gương Đức Kitô và họa lại hình ảnh của Người. Nơi người linh mục, không có sự chia rẽ giữa đời sống người tín hữu và đời sống người có chức thành, bởi vì cách thức nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hệ tại việc thi hành những nhiệm vụ được trao phó vào lúc Truyền chức. Việc dâng hiến cuộc sống cho Thiên Chúa và tha nhân hệ tại sự thi hành các tác vụ; nhờ đó lòng bác ái mục tử được thể hiện. Những ý niệm đó, được nhắc tới ở cuối kinh Tiền tụng, cũng đã được diễn tả trong câu hỏi thứ nhất lặp lời lời hứa của các linh mục. Đức giám mục hỏi: “Anh em có muốn ngày càng gắn bó hơn với Chúa Giêsu và cố gắng noi gương Người mà từ bỏ bản thân và trung thành giữ những lời chúng ta đã cam kết không?”[24] Chúng ta nên ghi nhận rằng một đàng phẩm giá của bí tích và các chức vụ linh mục đòi hỏi các ngài phải nên thánh và cung cấp những nguồn lực ân sủng cho tác vụ; đối lại, đời sống thánh thiện của các linh mục làm cho hoạt động tông đồ trở nên khả tín và có hiệu quả. Công đồng Vaticanô II dạy: “Các linh mục được đòi hỏi phải nên hoàn thiện do những hành vi thánh mà họ thực hiện hằng ngày cũng như do toàn thể tác vụ của họ diễn ra trong sự hợp nhất với giám mục và với các linh mục khác. Và rồi đến lượt chính sự thánh thiện của các linh mục cũng góp phần không ít vào việc thi hành tác vụ được hiệu quả”.[25]

Kinh Tiền tụng Thánh lễ truyền dầu là một công thức súc tích về những hình ảnh Kinh thánh và đạo lý thần học về chức tư tế, và được đặt trong bối cảnh của việc chúc lành dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu chrisma. Đạo lý này đưa chúng ta trở về nguồn gốc chức tư tế của Đức Kitô và của Hội thánh nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Tam vị.

Chúa Cha cùng với Thánh Linh đã đặt Con Một của Ngài làm tư tế; từ chức tư tế duy nhất và thượng phẩm ấy mà bắt nguồn bản chất tư tế của toàn thể Hội thánh trong cơ cấu hợp nhất hữu cơ của dân Thiên Chúa. Thực vậy, giữa lòng đoàn dân tư tế, một vài tín hữu được Chúa tuyển chọn do ơn gọi đặc biệt, nhờ bí tích Truyền chức thánh, để trở nên những thừa tác viên chức tư tế của Đức Kitô. Họ trở nên dấu chỉ hữu hiệu của sự trung gian tư tế duy nhất của Người trong cộng đoàn. Nhờ hoạt động đặc hữu trong lãnh vực phụng vụ cử hành Thánh lễ và các bí tích, trong lãnh vực lời Chúa và trong lãnh vực mục vụ đào tạo các tín hữu, họ phụng sự Thiên Chúa khi chúc tụng Ngài trong phụng vụ, và phục vu đoàn dân tư tế bằng cách giúp cho các tín hữu có thể thi hành chức tư tế vương giả của mình, đó là phụng tự của đòi sống và của thần khí.

Kinh tiền tụng này giúp cho việc suy niệm, giảng dạy về mối tương quan quân bình giữa chức tư tế phổ quát và thừa tác trong việc phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Phần III: Sự thánh thiện và linh đạo của linh mục


[Trong phần này, tác giả tóm lại chương ba của tông huấn Pastores dabo vobis bàn về linh đạo linh mục, được xem như thứ chú giải đạo lý cho kinh tiền tụng lễ truyền dầu. Vì nội dung hầu như lặp lại những điều đã nói trên đây, cho nên chúng tôi chỉ lướt qua]

Trước hết, văn kiện này nói đến ơn gọi nên thánh của linh mục do ơn gọi nên thánh chung cho tất cả các tín hữu dựa theo bí tích Rửa tội và Thêm sức (số 19). Kế đến, tông thư bước sang ơn gọi nên thánh đặc thù của linh mục dựa theo bí tích Truyền chức (số 20). Đề tài này được khai triển trong các số kế tiếp, đào sâu các khía cạnh của linh đạo linh mục: linh mục được gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô trong cương vị là thủ lãnh, mục tử, hôn phu của Hội thánh, với đặc trưng là lòng bác ái mục tử (số 22). Cốt yếu của lòng bác ái mục tử là sự trao hiến bản thân cho Hội thánh theo gương Đức Kitô. Đức ái của linh mục hướng đến Chúa Giêsu; lòng yêu mến Chúa thúc đẩy yêu mến và phục Hội thánh (số 23). Tình yêu được thể hiện qua sứ vụ và việc thi hành các tác vụ (số 24): giảng dạy, cử hành Thánh lễ và các bí tích, điều khiển cộng đoàn. Điều quan trọng là linh mục cần ý thức vai trò của mình là thừa tác viên của Đức Kitô khi thi hành các chức vụ này (số 25-26). Lòng bác ái mục tử được hỗ trợ cách đắc lực nhờ việc thục hành các lời khuyên Tin Mừng vâng lời, khiết tịnh, thanh bần (số 27-29).

Sau khi đã bàn đến linh đạo của linh mục nói chung, tông huấn bước sang linh đạo của các linh mục giáo phận nói riêng (số 31-32). Đặc trưng của linh mục giáo phận là sự gắn bó với một Giáo hội địa phương qua việc nhập tịch vào giáo phận. Đây không phải là một yếu tố thuần túy pháp định liên quan đến việc tổ chức Giáo hội, nhưng nó còn chứa đựng một giá trị tâm linh nữa. Việc gia nhập một giáo phận có nghĩa là sống tương quan với giám mục trong cùng một linh-mục-đoàn, chia sẻ mối quan tâm của ngài đối với giáo hội, sự dấn thấn cho việc chăm sóc một đoàn dân Thiên Chúa trong những điều kiện lịch sử và môi trường cụ thể. Vì thế một yếu tố đặc biệt của linh đạo linh mục giáo phận là sự dấn thân cho một giáo hội địa phương, bởi vì yếu tố này mang theo nhiều ý nghĩa, nhiều tiêu chuẩn phân định và hành động. Nói cách khác, linh đạo của linh mục quy chiếu về Đức Kitô thủ lãnh, mục tử, phu quân của Hội thánh; linh đạo của linh mục giáo phận lại còn thêm sự quy chiếu về giám mục và linh-mục-đoàn trong việc xây dựng Giáo hội địa phương. Tuy nhiên, linh mục không được bỏ quên chiều hướng truyền giáo mở rộng đến Giáo hội toàn cầu, nằm trong bản chất của chức tư tế thừa tác.

Dù sao cũng cần ghi nhận rằng đối với linh mục, sắc lệnh Presbyterorum Ordinis (số 18), bộ giáo luật (điều 276 §2, 1°) đã đặt việc tận tụy với công tác mục tử ở hàng đầu trong các phương tiện nên thánh.
______________

Chú thích :


1. Trích từ La spiritualità diocesana : il cammino nello spirito della Chiesa particolare : seminario di studio, Atti / a cura di Erio Castellucci. Elledici 2004, p. 487-514. (Phần thứ ba chỉ tóm tắt). Chú thích của người dịch. Một vài thuật ngữ trong tiếng Việt không hoàn toàn đồng nghĩa với các từ trong nguyên bản. Cách riêng, khó lòng nhận thấy sự liên hệ giữa các từ “linh đạo” - “đời sống tâm linh” – “Thánh Linh” (hay Thánh Thần), đang khi mà trong ngôn ngữ Âu châu thì sự móc nối khá rõ rệt giữa spirituality – spiritual life – Spirit. Spirituality (Pháp spiritualité) là một danh từ trừu tượng, ám chỉ cái gì là “linh thiêng, thiêng liêng, thuộc về tinh thần: spirit, esprit), và có thể dịch sang tiếng Việt là “linh đạo”, “đường thiêng liêng”, “tâm linh”, “tinh thần”. Ngoài ra, trong tiếng Việt các linh mục “giáo phận” trước đây gọi là linh mục “triều”: hai từ ngữ này tương đương với “diocesan priests” và “secular priests”; “secular” đối lại với “religious” (tương tự như giữa “đời” và “đạo”, còn “triều” thì không đối với cái gì hết!

2. Xc. M. DUPUY, Spiritualité, II. La notion de Spiritualité, in: Dictionnaire de Spiritualité, Tome XIV, pp. 1160-1173.

3. A MATANIC, Spiritualità, in Dizionario enciclopedico di spiritualità/3, a cura di E. Ancilli e del Pontificio Istituto di Spiritualità del Teresianum, Città nuova Editrice, Roma 1992, p. 2383.

4. Lịch sử từ ngữ “spiritualitas” từ lúc khởi đầu Kitô giáo đến nay đã được phác họa bởi: A. SOLIGNAC, Spiritualité, I. Le mot et l'histoire, in: Dictionnaire de Spiritualité, Tome XIV, pp. 1142-1160; Xc. H. U. von BALTHASAR, Spiritus Creator, Einsiedeln 1967, pp 247-250. C. A. BERNARD, Traité de théologie spirituelle, Paris 1986, pp. 51-64. L. BOUYER, Introduction à la vie spirituelle. Précis de théologie ascétique et mystique, Paris Tournai 1960.

5. A. SOLIGNAC, Spiritualité, a.c., pp. 1153-1154.

6. A. FAVALE, Presbitero (Spiritualità del), in Dizionario enciclopedico di spiritualità / 3, a cura di E. Ancilli e del Pontificio Istituto di Spiritualità del Teresianum, Città nuova Editrice, Roma 1992, p. 2010.

7. Thuật ngữ này xuất hiện thường xuyên nơi thánh Phaolô; cf. 1Cr 10,32; 11,16.22; 15,9; 2Cr 1,1; Gl 1,13; 1 Tx 2,14; 1 Tm 3,5. 15; Cv 20,28.

8. Ý nghĩa của từ này trong Cựu ước được dùng trong diễn từ của thánh Stêphanô khi nói đến ông Môsê: “Ở trong đại hội (ecclesia) ông là người trung gian giữa thiên sứ ... và cha ông chúng ta” (Cv 7,38). Danh từ “ecclesia” có nghĩa là sự triệu tập, hội họp.

9. Vatican II, Hiến chế tín lý về Hội thánh “Lumen Gentium” số 26.

10. Vatican II, Hiến chế về phụng vụ “Sacrosanctum concilium” số 43.

11. Về lịch sử linh đạo linh mục, xem bài viết của các tác giả P. LAMARCHE, A. SOLIGNAC, J. ESQUEDA BIFET, M. VIDAL, Presbyterat, Dictionnaire de Spiritualité Tome XII, pp. 2069-2106. Chúng tôi không muốn bàn về lịch sử ấy ở đây.

12. Xc. D. J. MERCIER, La vie intérieure. Appel aux âmes sacerdotales, Retraite prêchée à ses Prêtres, Bruxelles Paris 1919.

13. Lập luận này được hồng y Mercier trưng dẫn trong một cuộc tĩnh tâm; xc. D. J. MERCIER, La vie intérieure. Appel aux ames sacerdotales, Retraite prêchée à ses Prêtres, Bruxelles Paris 1919, p 162.

14. Một tác giả gần đây vẫn còn viết rằng đời sống tu sĩ là một hàng ngũ thánh thiện vì họa lại nếp sống của Chúa Giêsu qua ba lời khuyên Tin Mừng, còn chức linh mục chỉ là một thứ hoạt động, một tác vụ (A. FAVALE, Presbitero (Spiritualità del), in Dizionario enciclopedico di spiritualità/3, a cura di E. Ancilli e del Pontificio Istituto di Spiritualità del Teresianum, Città nuova Editrice, Roma 1992p2026-2027). Xem ra tác giả không nghĩ rằng các tác vụ cũng là nguồn nên thánh.

15. Sách Lễ Rôma viết như sau: “Thánh lễ này, do đức giám mục chủ tế cùng với linh mục đoàn của ngài đồng tế, bày tỏ sự hiệp thông giữa giám mục và linh mục đoàn. Vì thế, trong mức độ có thể, tất cả mọi linh mục nên tham dự. Để nói lên sự hiệp nhất của linh mục đoàn trong giáo phận, nên có các linh mục đại diện cho các địa phương của giáo phận về đồng tế với đức giám mục. Trong bài giảng, đức giám mục nhắn nhủ các linh mục trung thành với nhiệm vụ mình, và ngài kêu gọi họ công khai lặp lại những lời hứa khi lãnh nhận chức linh mục”.

16. Bản dịch lấy từ Sách Lễ Rôma, Ủy ban Phụng tự trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam, 1992, trang 252-253, với vài thay đổi cho sát bản văn, thí dụ “tư tế” thay vì “linh mục”.

17. Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Hội thánh “Lumen Gentium” số 10.

18. Công đồng Trentô, khóa XXII, đạo lý về hy tế Thánh lễ, chương 1.

19. Vaticanô II, Hiến chế tín lý về Hội thánh “Lumen Gentium” số 10.

20. Vaticanô II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục “Presbyterorum Ordinis” số 2.

21. Vaticanô II, Hiến chế tín lý về phụng vụ “Sacrosanctum Concilium” số 10.

22. Vaticanô II, Hiến chế tín lý về mạc khải “Dei Verbum” số 21.

23. Sách Lễ Rôma (1992) trang 251. X. Vaticanô II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục “Presbyterorum Ordinis” số 12.

24. Sách Lễ Rôma (1992) trang 251.

25. Vaticanô II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống các linh mục “Presbyterorum Ordinis” số 12.