Thời sự Thần học - Số 43, tháng 03/2006, tr. 02-108
_Tsth_
Lời dẫn : Đây là một bài viết không mang tính nghiên cứu vĩ mô hay vi mô gì cả. Thời sự Thần học, số 43 xin giới thiệu cùng độc giả một lá thư (đã chỉnh sửa đôi chút) của một chủ nhà trọ giá rẻ cho công nhân đã gởi cho một tu sĩ trẻ. Đó là những bộc bạch rất chân tình của một người hàng ngày tiếp xúc với những người “công dân hạng hai” vất vả trong các khu nhà cấp bốn, đối nghịch với hình ảnh các khu công nghiệp bề thế, nơi họ làm việc… Lời tựa do Thời sự Thần học đặt.__________
Kính thăm Cao huynh!
Lâu quá rồi không thấy tin tức gì của Cao huynh, tôi vẫn luôn cầu mong sao cho mọi chuyện đều xuôi xắn với anh. Cầu chúc mọi điều tốt đẹp và nhớ cầu nguyện cho nhau luôn kiên định trong chọn lựa. Chắc anh vẫn vui và còn tha thiết với thân phận con người ? Mấy tháng qua chắc anh cũng đã tìm ra một điều gì khả dĩ hơn ?
Còn tôi, chiều nay ngồi một mình, chợt thấy lòng nao nao. Một ngày nghỉ, có thời gian nhìn lại những khoảng không gian quanh mình, nhìn những vật thể quanh mình,… mới thấy cuộc sống này thật quá chộn rộn. Vạn vật tới lui như không mỏi. Chỉ đơn giản như bầy chim nhạn thiên di biển Bắc đang dang cánh kia thôi, mỗi năm cũng phải di trú một lần. Chúng vượt qua hành trình mà các nhà khoa học đã ước lượng khoảng 35.000 km. Người ta giả định mỗi cá thể trong chúng sống được 27 năm. Nghĩa là chúng có 27 lần di trú trong đời. Chắc chắn có rất nhiều bất trắc, rủi ro cho chúng trong suốt hành trình đằng đẵng ấy. Chia sẻ với anh một chút vẩn vơ như thế, bởi trong lòng tôi đang có một cuộc so sánh. Tôi nhớ tới những người đang tha phương cầu thực. Những người di dân. Họ là những người đến từ những vùng cát trắng, những vùng “chó ăn đá gà ăn sỏi”, cày lên sỏi đá, những vùng vùi vã trong những cơn giông bão, lũ lụt thường xuyên,… họ đổ dồn về đây, thành phố Hồ Chí Minh nhỏ bé này.
Thật chẳng vui chút nào, khi ngày xuân lại đem những chuyện buồn ra nói. Nhưng có một thực tế là xã hội lại đang lấy sự thu hút nhân công ấy làm lẽ vui, lẽ tự hào vì các ngành nghề công nghiệp đang ngày càng phát triển. Nhà máy có to thì mới cần lượng người đông dường ấy. Chỉ tôi thấy buồn vì trong đám đông ấy đã, đang và sẽ còn có những người khóc lên nấc nghẹn nhưng cũng chẳng mấy ai quan tâm, nhìn nhận như đã thấy trong vẻ hào nhoáng của những cuộc chuyển vận con người ào ạt tập trung về nơi các khu công nghiệp với hi vọng kiếm được việc gì đó khả dĩ, ổn định hơn. Nước mắt và mồ hôi của những người di dân đang đổ xuống nhưng lại chìm khuất đi sau những khu nhà trọ. Hình như với cả Chúa Xuân cũng thế, bà cũng đã quên mất họ!
Cạnh phòng tôi là một chị quê Thanh Hóa. 38 tuổi. Bán vé số. Lý lịch trích ngang vẻn vẹn thế thôi. Tôi quen chị cách đây 3 năm, khi chị còn độc thân và trọ chung với gia đình người anh trai. Cuộc sống của chị khó khăn đã đành, tình cảm của chị lại càng tối tăm hơn. Ở tuổi 35, chị cần một người đàn ông để gọi là chồng. Và rồi chị cũng có chồng. Chẳng tốn tiền cưới hỏi gì hết ráo. Anh chạy xe ôm, đã qua một đời vợ. Chị rước anh về ở chung tại căn phòng người anh từng thuê. Anh chị đã đi chỗ khác. 23 Tết Con Chó vừa rồi, chị sinh con đầu lòng. Sinh mổ. Con phải nằm lồng kính. Cả hai mẹ con đều yếu. Đó là kết cục của chuỗi ngày tằn tiện, dè sẻn tích góp tiền bạc để có cái mà xài trong khi ở cữ. Về phòng trọ được vài ngày, chị đã lồng găng tay cao su vào tay mà giặt đồ, phơi phóng áo quần. Bước đi dệnh dạng vì vết mổ chưa lành, chị cũng ráng lê la làm việc. Chị phải làm vì chồng chị còn phải dành thời gian để kiếm tiền trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Chị ăn cơm với tất cả những gì có thể ăn được mà chẳng cần so kè chuyện kiêng cữ. Tình cảnh của chị làm tôi thấy ái ngại vì nhớ tới những gì diễn ra tại nhà mình. Khi các chị tôi sinh, mọi người bắt sản phụ nằm giường đốt than, phải kiêng nước, kiêng làm. Muốn gì thì nhờ người này người nọ làm giúp. Trong tôi cũng hiện lên hình ảnh của những người có chút tiền của. Họ nghĩ mình phải thế này thế nọ cho xứng vị thế của kẻ có tiền. Họ sắm sia thứ này thứ nọ để làm cho mình đẹp hơn. Họ nghĩ mọi người cần họ làm đẹp như thế. Lan man, tôi quên không nói là chồng của chị Thanh Hóa nọ đã bỏ chạy xe ôm từ dạo xăng dầu lên giá để chuyển qua bán vé số. Chắc ăn hơn. Bữa mùng 2 Tết anh không đi bán vé số mà tạt đâu đó nhậu. Tối đó tôi nghe tiếng con họ khóc thét lên trong tiếng la bai bải của chị, và cả tiếng quát tháo của chồng chị. Chạy vội qua, tôi thấy chị đang ôm mang tai trái vì vừa bị anh thượng cẳng không thương tiếc. Chồng chị nồng mùi rượu. Thấy mà cám cảnh. Đây sẽ chẳng phải lần duy nhất. Nó sẽ còn lặp lại nếu gia đình con con ấy cứ loay hoay trong cảnh thiếu trước hụt sau…
Thương chị quá vất vả vì cuộc sống, lấy chồng cũng chẳng sướng hơn. Đôi khi tôi cũng tìm cách giúp chị, khi với bịch muối, túi bột ngọt hoặc ít trái cây. Vài lần tôi cũng hào phóng mua vài tờ vé số, cũng để cầu may cho mình. Chỉ bấy nhiêu thôi mà chị đã rất quí tôi, tin tưởng tôi. Với chị, tôi thật giàu. Ngày Tết, gặp nhau, tặng nhau nụ cười, mời vài miếng bánh, tôi hiểu thế cũng là đủ cho chị, cho tôi…
Cao huynh quí mến,
Có những con người khốn khó thật thế đấy ! Những căn phòng be bé gia đình tôi cho thuê đều là những nơi chứa những con người và những câu chuyện bi đát tương tự. Tết rồi, cảnh tủi thân, thẫn thờ của các bạn công nhân đã làm tôi buồn lây. Họ không có cơ hội về quê. Tiền chắt chiu được, họ còn dành gởi về nhà với bao nhiêu nhu cầu tiêu xài. Tiếc một chuyến đi về, họ sợ sẽ làm tiêu tốn một khoản lớn.
Anh còn nhớ chị B. không? Chị gái 30 tuổi mà vẫn xinh xinh như gái đôi mươi ấy ? Chị đã đành dứt áo về Biên Hòa với hi vọng kiếm được việc khác rồi. Câu chuyện của chị thật buồn vô cùng. Anh chồng nông dân của chị đâu có biết chị đã phải vật vã thế nào khi bị tay công an phường quấy rối. Anh ta cũng chẳng thể nào thông cảm được nỗi niềm của người đàn bà đang còn hơ hớ ra thế mà phải cặm cụi sống một mình, chống đỡ với sự cô đơn, những cơn stress trong công việc,… thế đâu. Thậm chí, anh ta cũng chẳng biết lí do thật trong việc ra đi của chị. Tiếng là vợ chồng nhưng anh chẳng khi nào héo lánh lên này thăm vợ. Anh còn bận rộn với 2 đứa con ở nhà, với đám ruộng nhiễm phèn lơ thơ lúa. Hậu quả nơi phố thị, sau những lần chị bị dụ dỗ, là thằng bé H., đã được dì Sáu – chủ nhà trọ cạnh nhà tôi, cưu mang. Chị phải ra đi để tránh sự vô trách nhiệm của tay công an nọ (hắn chối không nhận đứa bé), cũng là để tìm lấy phương kế sinh sống khác khả dĩ hơn. Tôi đã góp lời cùng mọi người, muốn chị trở về quê với chồng và 2 đứa con dưới đó, nhưng chị không nghe. Có thể chồng chị không biết gì về chuyện của chị đã xảy ra trên này, nhưng vấn đề là chị không muốn phải quay về và mỗi ngày phải đối diện với anh chồng vô tư với những chiếu nhậu…
Dông dài những phận đời với anh như thế, tôi muốn cùng anh chia sẻ một chút cảm thông trong tình con người. Họ chẳng thể ngẩng đầu dễ dàng trong cuộc mưu sinh. Chúng tôi chỉ kịp đồng cảm với nhau trong sự nghèo. Với tư thế chủ nhà trọ, tôi có thể giúp họ được chút gì đó mỗi khi có sự cố, nhưng cũng không dám công khai. Quanh tôi có quá nhiều người nghèo. Mà người cùng tận quá thì lại dễ sinh ghen ghét, đố kị. Tôi sợ mình sẽ không còn đủ khả năng chia sẻ nếu mọi người, trong mọi hoàn cảnh, tìm tới tôi như một cái phao. Anh thấy đấy, đồng cảm và san sẻ cũng không dễ dàng gì. Nhất là khi quanh mình có quá nhiều nhu cầu.
Nhắc tới chuyện của họ, trong một chút cảm thông với những khổ ải của người tha phương cầu thực, tôi cũng rất thông cảm với những người phải chạy tới lui để tìm cách cải thiện đời sống của người di dân. Tôi đã thấy xã hội vào cuộc. Các tổ chức phi chính phủ cũng vào cuộc. Các tổ chức thanh niên, phụ nữ, … cũng vào cuộc. Họ đã tới lui trong những khu nhà trọ, tổ chức chương trình này nọ hầu mong vực dậy mức tiến bộ chung trong sinh hoạt, trong cách nghĩ. Chỉ buồn là họ dần đi vào bế tắc cả thôi. Đã có nhiều chương trình được đưa ra thử nghiệm nhằm nâng cao mức sống của họ, cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng chẳng có chương trình nào thành công và kéo dài được. Họ quá ngây thơ khi áp dụng những cách ứng phó từ những mô hình, thí điểm có tí tiếng vang trong phong trào hành động vì người di dân từ nơi các nước phương Tây, nơi các nước phát triển. Với người di dân, trong tư thế không muốn gắn kết lâu dài với công việc của mình, làm sao có thể ổn định được họ ? Đời sống của họ bấp bênh trong những đồng lương, luôn là thử việc. Qua mùa Tết vừa rồi, nhiều người trong số những ai dám bóp bụng mua vé về quê, đã không trở lại. Họ sẵn sàng rời bỏ công việc khi thấy mệt mỏi quá sức.
Cho nên, tạo phong trào sinh hoạt cộng đồng cho họ, cũng chỉ là cách “mua vui cũng được một vài trống canh”. Họ không thấy lợi ích trực tiếp, như chuyện cơm áo gạo tiền, thì bỏ ngang. Trong khi đó các phong trào ở ta, cái gì cũng phải kêu gọi đóng góp. Họ thà ở nhà, kiếm chiếc tivi nội địa ngồi coi hết giờ rảnh còn hơn. Ngay như tổ chức bảo vệ quyền lợi trực tiếp của họ nơi nhà máy là các công đoàn, cũng bị đặt trong cái nhìn không mấy thiện cảm kia mà. Khi các ông chủ người nước ngoài xúc phạm nhân phẩm, danh dự,… của người công nhân, những người bảo vệ ấy lại còn dùng những lời cay nghiệt mà la ó té tát vào kẻ thấp cổ bé họng kia mà…
Cõi tạm. Đó chính là từ ngữ diễn tả tâm tình của họ về những gì mình đang dấn thân vào. Họ có thể chê chán đủ điều về đời sống của mình, về công việc của mình; nhưng họ chỉ có thể tiếp tục sự buồn tẻ ấy để còn giữ được vài trăm ngàn tằn tiện gởi về quê cho những người thân. Họ biết làm gì khác để có thể kiếm mối thu nhập khả dĩ hơn ? Rời công việc hiện tại, có nghĩa là họ sẽ lại vất vưởng không lương để tiếp tục ghi danh học đâu đó một khóa ngắn hạn đào tạo những gì sơ đẳng nhất cho một công việc buồn tẻ mới. Thì thôi. Yên phận vậy ….
Ấy là những bóng mờ chập chờn trên những người di cư hiện tại của chúng ta. Thực ra, còn có những chồng chéo khác đang treo lơ lửng trên họ nữa cơ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Những tương quan, tình cảm, khát vọng,… là nỗi ám ảnh những người trẻ. Anh từng nghe “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc” rồi chứ? Tâm tình thật của người di dân trẻ đấy. Môi trường nửa tỉnh nửa quê nơi các khu công nghiệp đẩy đưa họ thành ra chới với trong việc định hướng con người nhân bản. Các phòng trọ ăm ắp công nhân nữ. Họ cũng không có thời gian, điều kiện để se sua quần là áo lượt. Chị em ai cũng na ná nhau như những đàn gà công nghiệp. Tuổi cập kê đi qua vùn vụt trong các dịp tăng ca. Họ thèm được yêu, được vỗ về. Những cuộc tình chóng vánh diễn ra hà rầm. Hậu quả là gì thì anh cũng mường tượng được rồi đấy.
Cao huynh quí mến,
Tôi còn có thể nói nhiều hơn những câu chuyện nãy giờ đã chia sẻ với anh. Nhưng nói nhiều cũng chỉ làm cho anh thấy tình hình bi đát thêm thôi. Anh đã từng lê la với chúng tôi, qua từng con hẻm, vào thăm nhiều nhà trọ. Anh đã thấy được tình trạng buồn tẻ ở đó. Anh đã chia sẻ với những khốn khó ấy. Đó là điều đáng quí mà các bạn công nhân, những anh thợ tự do đã được nhận. Tiếc là thời gian ấy không kéo dài. Anh cũng lại phải về với chuyện cá nhân của anh. Họ cũng phải tiếp tục lo lắng cho ngày mai làm gì, ăn gì. Tình trạng vẫn cứ bế tắc như thế thôi. Tôi còn lo rằng nó sẽ tiếp tục theo chiều hướng nhiễu nhương hơn thôi.
Cái nhìn của tôi có vẻ yếm thế, bi quan. Bởi người ta vẫn đang sống hà rầm. Những chuyến xe đò vẫn tiếp tục đưa những người ngơ ngác về đây chung cảnh. Tình hình còn được đẩy xa hơn. Tôi chấp nhận mình là kẻ “lo bò trắng răng” thế này, cũng chỉ để chia sẻ với anh một chút lo lắng về thời cuộc. Người ta nói “thói quen xấu nhất là lo lắng”, nhưng không lo lắng sao được khi có những gương mặt không thể rạng rỡ trước mùa xuân. Họ đón ngày mới bằng tiếng thở dài. Đón năm mới bằng vất vả và tủi nhục. Tôi mong anh hiểu. Dẫu sao anh cũng là một người đã có sự đồng cảm với những người di dân, như tôi…
Kính chúc anh luôn được an mạnh và ấp ủ những dự án cho cộng đồng. Thời gian và công sức học tập, tìm hiểu có lẽ sẽ làm cho anh tìm ra phương cách hành động cho muôn người được vui với cuộc sống này hơn ….
Mến thăm !
Nguyễn Bảo