Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

TRÌNH BÀY LỜI CHÚA CHO NGƯỜI VIỆT NAM HÔM NAY

Thời sự Thần học - Tháng 9/2008, tr. 47-56

Giuse Mai Văn Điệp, O.P


Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XII, theo dự kiến sẽ nhóm họp tại Rôma từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 năm 2008 với chủ đề: “Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội”. Với chủ đề ấy, các vị chủ chăn muốn cùng toàn thể con cái Giáo hội khám phá lại sức sống của Lời Chúa trong hành trình đức tin của người Kitô hữu. Bởi lẽ, Lời Chúa hay Kinh Thánh “đã và đang được xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và đã được ghi chép một lần cho muôn đời”[1]. Trong ý hướng đó, mọi thành phần dân Chúa được mời gọi hãy siêng năng học hỏi và đọc Thánh Kinh, vì Lời Thiên Chúa “sống động và linh nghiệm”[2], cũng như “có khả năng xây dựng và ban gia tài cho mọi người đã được thánh hiến”[3]. Lại nữa, trong thế giới hôm nay, con người ra như “ngại đối diện” với Lời Chúa, không muốn để Lời Chúa “cắt tỉa” những tham - sân - si của cuộc đời, nên việc khám phá lại Lời Thiên Chúa như là “sức sống và sứ mạng” của Giáo hội là việc cần làm.

Có một thực tế, chí ít là với người Công giáo Việt Nam, đó là có sự lầm lẫn trong khi tiếp nhận Lời Chúa. Hơn nữa, điều này không chỉ dừng lại nơi người tín hữu, nhưng còn xuất hiện cả nơi người trình bày và rao giảng Lời Chúa. Có chăng những người công bố và chia sẻ Lời Chúa luôn đặt ra những bắt buộc cho người nghe: “Ông bà phải thế này, các bạn phải thế kia…”? Có thật là Lời Chúa quá khô khan, để rồi khi cầm Sách Thánh lên là “buồn ngủ” ngay không? Những câu hỏi như trên dường như là có thật khi người ta muốn “luân lý hóa” Lời Chúa trong cách trình bày, hoặc khi người ta coi Sách Thánh như một quyển sách về nguồn gốc vũ trụ vạn vật. Một số khác thì đón nhận Lời Chúa theo “não trạng thực dụng”, nghĩa là họ mong muốn được một mối lợi nào đó theo kiểu con người khi nghe Lời Chúa. Như thế, trả lời cho những câu hỏi này, thiết tưởng khi trình bày Lời Chúa, điều cần làm là giúp người tín hữu nhận ra rằng: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ”[4]. Và khi đó, họ nhận ra Lời Chúa là Lời tình yêu. Để từ đây, mỗi người tự nguyện sống với Lời như một kết ước bền vững muôn đời.

1. NHỮNG LẦM LẪN KHI ĐỐI DIỆN VỚI LỜI CHÚA

1.1. Đón nhận Lời Chúa theo “lối thực dụng”

Não trạng thực dụng trong đời sống ngày nay mang nhiều sắc thái khác nhau, mà điều này cũng phản ánh rõ nét trong những lệnh lạc về đời sống đức tin của người Kitô hữu như: tinh thần vụ lợi, thái độ nệ luật, lối sống dễ dãi… Để rồi khi đón nhận Lời Chúa, não trạng này cũng khiến một số người tỏ thái độ theo kiểu “thưa Thầy, theo Thầy thì chúng con được gì?”[5]. Có lẽ đây là não trạng được con người thời đại coi là bình thường. Người ta dễ dàng đặt điều kiện với Lời Thiên Chúa, thậm chí là so sánh Lời Thiên Chúa với những giá trị vật chất. Với những người này khi đứng trước chọn lựa giữa Lời Chúa và những lợi nhuận vật chất, thì họ ưu tiên cho điều thứ hai. Không ít tín hữu cảm thấy mất thời gian khi nghe Lời Chúa hoặc nghe giảng giải về Tin mừng. Chẳng vậy mà ngày nay chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những người tìm đến nơi nào có Thánh Lễ nhanh nhất để tham dự theo lối “giữ đạo gốc”. 

Một chiều hướng khác là có những người đón nhận Lời Chúa với mục đích cho bản thân họ được hưởng phước Thiên đàng mai sau. Họ không nhận thấy giá trị đích thực của Lời Chúa là mời gọi họ sống trong tình yêu với Thiên Chúa và với tha nhân. Chính thái độ này làm cho đời sống đạo ngày một tục hóa, xa rời Thiên Chúa và xa lạ với con người thời đại. Xét một cách nào đó, đây thật sự là điều tệ hại, vì “đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế, tức là xao lãng bổn phận với tha nhân và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa”[6]. Thái độ đón nhận Lời Chúa với não trạng thực dụng như thế, thay vì “được” điều gì đó thì người ta lại “mất” tất cả. Làm thế nào để người Kitô hữu gặp gỡ được chính Chúa trong khi đón nhận Lời của Ngài và được biến đổi, chứ không phải chỉ xoay sở hoặc thu góp những công phúc cho bản thân là câu hỏi được đặt ra cho tất cả mọi người.

1.2. Luân lý hóa Lời Chúa

Đây là điều thường xảy ra nơi những người có trách nhiệm chia sẻ Lời Chúa trên bục giảng. Tình trạng này tưởng như chỉ xảy ra cách đây nhiều năm trước, trong bối cảnh mà các vị linh mục như một người “có quyền phán quyết” nhiều sự. Thực tế ngày nay, chúng ta vẫn bắt gặp đó đây lối giảng “phải thế này, phải thế kia…” rất tiêu cực trong mục vụ sống đạo của không ít vị linh mục. Chúng ta có thể đưa Lời Chúa vào trong đời sống thường nhật của mỗi người, nhưng thay vì giúp người tín hữu “nhận ra sứ điệp Lời Chúa như một lời công bố Tin mừng, công bố việc Chúa làm, thì người ta lại chỉ rút tỉa những đòi hỏi con người phải làm; thay vì mở lòng để đón nhận sức sống và tình yêu của Chúa, thì người ta chỉ chú ý đến quyết tâm của con người. Không nhận ra tính chất mục vụ của các mầu nhiệm cứu độ, người linh mục chỉ lượm lặt những bài học, triển khai theo lối so sánh hoặc tinh thần hiếu kính để nhấn mạnh tới đòi hỏi luân lý đối với người Kitô hữu”[7]. Không chỉ dừng lại ở việc biến bài giảng thành giáo huấn luân lý và kỷ luật, nhưng nhiều khi lời giảng của linh mục còn có khuynh hướng lôi kéo người giáo dân ra khỏi cuộc sống thật, để đưa họ vào khuôn khổ quản trị theo ý riêng mình.

Hậu quả của việc “luân lý hóa” Lời Chúa trong lời giảng của các vị có trách nhiệm rao truyền Tin mừng là gì? Đó chính là biến Công giáo thành một thứ đạo nặng nề, với quá nhiều cái “phải” thực thi trong đời sống đức tin, không còn diễn tả được nét đẹp và ý nghĩa tích cực của Kitô giáo. Nếu Lời Chúa chỉ dừng lại ở bài học luân lý thuần túy, thì vô hình chung, Kitô giáo cũng chỉ là một thứ đạo dạy “ăn ngay ở lành”. Trong khi Lời Chúa không phải là sự thách đố những nỗ lực luân lý của con người. Đạo Chúa cũng không thể nào là con đường khó khăn mà chỉ những người được giáo dục hoàn hảo hoặc tuân giữ lề luật tốt mới có thể đi theo. Ngược lại, Lời Chúa trong toàn bộ Kinh thánh diễn tả ơn Cứu độ của Thiên Chúa dành cho con người trải dài trong lịch sử của một dân tộc còn nhiều sai lỗi, thất tín và bất trung. Như thế, áp dụng Lời Chúa vào đời sống thường ngày của người Kitô hữu là làm nổi bật nét đặc trưng của Tin mừng cứu độ với cách thức “cùng với Chúa Giêsu để đi con đường hoàn thiện như Cha trên trời”.

1.3. Đọc Kinh Thánh như sách khoa học về việc tạo dựng vạn vật

Trong quá khứ cũng như trong hiện tại, người Kitô hữu Việt Nam sống trong bầu khí của học đường xã hội chủ nghĩa theo tư tưởng Mác xít vô thần, nên có không ít người khi học về thuyết tiến hóa, với những “hướng dẫn cực đoan”, để rồi “hiểu” sai về Kinh thánh. Có hai thái độ sai lầm khi tiếp nhận Lời Chúa trong môi trường giáo dục này. Một đàng, nhiều người muốn tìm thấy chìa khóa giải thích hết mọi vấn đề của cuộc sống trong Kinh thánh: gặp chuyện gì khó khăn, cứ giở Kinh thánh ra là sẽ tìm thấy câu giải đáp! Họ thật sự thất vọng, vì sứ điệp Lời Chúa “nhằm đáp lại những khao khát thâm sâu nhất của con người muốn hiểu biết chân lý, muốn biết đâu là hạnh phúc thật”[8], chứ không trả lời những đòi hỏi theo lối “bói Kiều” như thế. Đàng khác, một số người bị chao đảo hoặc mất đức tin vì Kinh Thánh hoàn toàn không đúng với những gì khoa học thực nghiệm ngày nay đã chứng minh được. Họ đâu biết rằng, Kinh Thánh không phải là sách trình bày một cách cụ thể và chi tiết về nguồn gốc vũ trụ vạn vật theo ngôn ngữ của nhà toán học hay vật lý học, nhưng chỉ là thuật lại các biến cố mang ý nghĩa dạy đức tin.

Quả vậy, một khi đã tin thì việc thuật lại các biến cố sẽ có một ý nghĩa đặc biệt với con người hôm nay. Chúng ta đọc Kinh Thánh trong niềm tin là chúng ta khám phá lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua từng biến cố được viết lại. Chẳng hạn khi trình thuật về công cuộc sáng tạo, thì “rõ ràng không là một phóng sự trực tiếp, cũng không phải là bài học dạy về lịch sử hay địa lý, nhưng chỉ là suy tư của các bậc hiền nhân Do thái về các vấn đề lớn của loài người”[9]. Như thế, điều chủ yếu khi đọc Kinh Thánh là ý nghĩa tôn giáo mà dân Israel cảm thấy trong lịch sử dân tộc của họ. Vậy Thánh Kinh có thực không? Câu trả lời là có thực, nhưng thể văn hay cách thuật lại biến cố không đúng, không hợp tâm lý của con người thời nay, vì Kinh Thánh đã được viết ra từ nhiều ngàn năm trước, và ở nơi một dân tộc cụ thể. Kinh thánh dạy đức tin, và nơi đó, người tín hữu đọc được bao điều kỳ diệu Chúa đã làm cho con người, cụ thể qua một dân tộc, qua các tổ phụ và các ngôn sứ. Nhưng hơn thế nữa, đọc “Kinh Thánh phải giúp ta đọc lại đời sống mình với con mắt của người Kitô hữu. Và như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa vẫn nói với con người hôm nay như đã từng phán với các tiên tri, cũng như Ngài luôn hành động, và đời ta sẽ bừng sáng lên những điều kỳ diệu”[10]. 

Tóm lại, nếu ai nghĩ rằng Kinh Thánh là sách dạy cho biết về quá trình tạo thành vũ trụ vạn vật là người ấy đang “lấn sân” qua lãnh vực khoa học, và họ sẽ phải thất vọng. Nhưng nếu bằng đức tin, chúng ta sẽ đọc được ơn cứu độ của Thiên Chúa qua dòng lịch sử, và ta càng thêm yêu mến Kinh Thánh hơn.

2. TRÌNH BÀY LỜI CHÚA CHO NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM HÔM NAY

Sứ điệp Lời Chúa mãi mãi vẫn thế, nhưng cách trình bày thì sẽ thay đổi tùy vào thời đại và tùy vào các nền văn hóa khác nhau. Vậy trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, Lời Chúa sẽ được trình bày như thế nào? Dưới đây chỉ là một vài suy nghĩ cá nhân xin được nêu lên, mong được đóng góp vào một “rừng cách thức” trình bày Lời Chúa của các vị tiền bối trước đây.

2.1. Lời Chúa - Lời ngỏ cùng con người

Trong cuộc sống, ta được đón nhận lời ngỏ từ người khác thật nhiều: giới thiệu một quyển sách, tác giả cũng ngỏ ý cùng đôc giả; bắt đầu một buổi tiệc, chủ nhà cũng ngỏ lời cùng khách tham dự… Khi ngỏ lời, chủ nhân mong muốn người khác đón nhận những gì mình sắp trình bày. Và khi được ngỏ, thái độ đáp trả của người đón nhận khởi đi từ sự tự nguyện, không ép buộc. Với người trẻ, lời ngỏ để khởi đầu cho một mối tình thì thật đẹp, và được chấp nhận thì hạnh phúc biết bao.

Đón nhận Lời Chúa như một lời ngỏ, chắc chắn ta sẽ không cảm thấy bị “bó buộc” như một thứ “luật lệ”. Bởi, Lời Chúa là lời của Đấng “đã ngỏ với loài người như với bạn hữu và liên lạc với họ để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Ngài”[11]. Thân tình hơn nữa, ta có thể nói, Lời Chúa là lời của Cha trên trời ưu ái dành cho con cái mình. Cha ngỏ lời và mong mỗi người con đáp trả trong từng hoàn cảnh cụ thể của cuộc đời. Cha trên trời muốn để cho con cái đón nhận Lời với sự tự do, vì “sự đáp lời của con người đối với Thiên Chúa phải có tính tự nguyện, bởi vậy không ai bị cưỡng bách lãnh nhận đức tin trái ý mình”[12]. Thật thế, Lời Chúa không ràng buộc con người, nhưng là lối mở để con người bước gần đến cùng Thiên Chúa. Nói khác đi, bằng cách nào đó phải làm cho “lối vào Kinh Thánh trở nên rộng mở cho các Kitô hữu”[13], để họ vui đón nhận Lời Kinh Thánh ấy. 

Ngày nay, Lời ngỏ của Cha trên trời vẫn còn đó. Với người đón nhận Lời Chúa, chúng ta đã đón nhận Lời ngỏ của Chúa như thế nào? Chúng ta có thiết tha với Lời ngỏ ấy không? Làm thế nào để Lời ngỏ của Chúa trở nên lời tình yêu trong cuộc sống? Với người trình bày Lời, chúng ta đã giới thiệu cho người tín hữu nhận ra sứ điệp Lời Chúa như một lời ngỏ, để mỗi người tự mở lòng ra đón nhận và đáp trả lại không?

2.2. Lời Chúa - Lời tình yêu trao ban

Lời tình yêu đích thực phải là lời trao ban chứ không chiếm hữu. Thiên Chúa đã bộc lộ điều đó khi “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sự sống muôn đời”[14]. Đức Giêsu chính là Lời Tình Yêu đích thực được trao ban cho con người. Ngài yêu thương con người bằng tình bạn hữu và “... đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”[15]. Đón nhận Lời Tình Yêu, mỗi người cũng được mời gọi dám sống hết mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

Nói về Lời Tình Yêu, Thánh Gioan tông đồ khẳng định : “Tình yêu cốt ở điều này : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và đã cử Con của Người đến hy sinh làm của lễ đền tội cho chúng ta”[16]. Không phải Lời Tình Yêu đã yêu thương cho đến chết là hết chuyện, mà Lời đó vẫn còn tiếp diễn và kết liên mọi người: “Không gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô”[17]. Lời Tình Yêu luôn vang vọng, thúc giục chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”[18]. Quả nhiên khi đối diện với tình yêu cao cả này, con người không biết phải diễn tả như thế nào, nên tác giả Thánh vịnh đã phải thốt lên: “Kỳ diệu thay tri thức siêu phàm, quá cao vời con làm sao vươn tới”[19]. 

Ngày nay trong đời sống người Kitô hữu, được đón nhận Lời Tình Yêu, chúng ta có dùng lời nói để khích lệ, ủi an, cảm thông, chia sẻ, vui với người vui, khóc với người khóc chưa? Với từng người, chúng ta có dám sống Lời Tình Yêu và chia sẻ Lời ấy cho người khác không? Một cách nào đó, các bạn trẻ hôm nay ngỏ lời yêu với nhau thật dễ dàng, nhưng lời tình yêu ấy có bắt nguồn từ chính Đấng là Tình Yêu hay không? Chỉ khi sống trọn vẹn với Lời Tình Yêu của Thiên Chúa, ta mới có thể kết ước và sống trung thành với Lời ấy mà thôi.

2.3. Lời Chúa - Lời giao ước muôn đời

Lịch sử Kitô giáo là lịch sử của giao ước. Trong đó, Thiên Chúa luôn đi bước trước trong việc ký kết với con người. Kể từ sau biến cố sa ngã của ông bà Nguyên tổ, Thiên Chúa luôn chứng tỏ Ngài là Chủ Thể muốn hàn gắn những đổ vỡ do Nguyên tổ gây ra, nên có thể coi bản Giao ước chính là sáng kiến phát xuất từ Thiên Chúa. Sáng kiến ấy luôn thể hiện chiều kích ân sủng được ban tặng nhưng không. Qua sáng kiến ấy, Thiên Chúa mời gọi con người đến với Ngài bằng việc móc nối niềm tin của họ với Ngài. 

Ngày nay, nhân loại đang sống trong một thế giới của sự thất tín và bất trung. Hôn nhân đổ vỡ, li dị khắp nơi là một minh chứng; gian lận trong kinh tế, hàng giả, đồ giả tràn ngập là minh chứng khác. Chúng ta có vượt qua được “thảm cảnh” này chăng? Đâu là con đường để con người chọn lựa trong cuộc sống có nhiều phức tạp như hiện nay? Với người Công giáo, có cách thức nào để sống tín trung với người, với đời trong hành trình trần thế không?

Trở về với Lịch sử Cứu độ, chúng ta dễ thấy, Thiên Chúa đã nhiều lần giao ước với loài người: qua một dân tộc cụ thể và với chính mỗi người. Ngày nay, lắng nghe Lời Chúa là chúng ta đang sống lại giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước ấy được đặt trong lòng mỗi người, thúc đẩy và mời gọi từng người hãy kiên trung với Lời Hằng Sống. Chối bỏ hoặc không đón nhận Lời Chúa là chúng ta đang tự ý huỷ bỏ giao ước với Chúa và đang xa rời tình yêu của Ngài. Lời Giao Ước được trọn vẹn khi Thiên Chúa sai chính Con mình đến trần gian. Nơi Ngôi Lời, Thiên Chúa đã thiết lập Giao Ước của Người cách vĩnh viễn. Con Thiên Chúa là Lời Giao Ước tối hậu của Chúa Cha nói với nhân loại: “Đây là Lời Giao Ước mới và vĩnh viễn, sẽ không bao giờ mai một...”[20]. 

Tóm lại, Thiên Chúa luôn trung tín, thực hiện lời hứa: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước muôn đời; Ta sẽ không bỏ chúng nữa, sẽ tiếp tục theo dõi và không ngừng thi ân giáng phúc cho chúng”[21]. Chỉ có con người quên đi lời hứa ban đầu của Thiên Chúa, và phạm tội thất tín bất trung với Người. Với Lời giao ước, Thiên Chúa luôn trung tín, đã giữ lời hứa và yêu thương con người như lời Thánh vịnh: “Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời”[22]. 

TẠM KẾT

Dẫu biết rằng Lời Chúa vẫn mãi tồn tại và không thay đổi, nhưng khi Lời Chúa được gieo vào từng nền văn hóa, từng thời đại khác nhau, thì cách trình bày Lời Hằng Sống ấy phải được thích ứng trong từng hoàn cảnh cho phù hợp. Đó là cách hội nhập Tin mừng mà Giáo hội đang rất quan tâm. Với chủ đề “Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội”, Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XII cũng không nằm ngoài ý hướng đó, vì “nhằm cổ võ một cách thực hành giải thích đúng đắn Kinh Thánh, bằng cách định hướng rõ ràng tiến trình cần thiết hầu làm công việc Phúc âm hóa và hội nhập văn hóa”. 

Chúng ta đã và sẽ còn cố gắng hơn nữa trong việc trình bày Lời Chúa cho con người thời đại, đặc biệt cho cộng đoàn Kitô hữu tại Việt Nam. Có thể chúng ta có nhiều cách thức giảng giải Lời Chúa trong từng môi trường cụ thể và cho từng thành phần tín hữu khác nhau. Thế nhưng, điểm mấu chốt vẫn là giúp cho mọi Kitô hữu nhận ra sứ điệp ơn cứu độ của Thiên Chúa. Bao lâu Lời Chúa còn bị “diễn giải” theo lối nghĩ riêng của một cá nhân nào đó, thì bấy lâu Lời Chúa vẫn không được đón nhận như lời có sức biến đổi và cứu độ con người. 

Tóm lại, con người đương thời cho thấy bằng nhiều cách là họ rất cần lắng nghe Lời Chúa và nói với Ngài. Các Kitô hữu cảm thấy một khát vọng nồng nhiệt là được đón nhận Lời Thiên Chúa như nguồn mạch sự sống và ơn ban cho con người gặp Chúa. Bởi họ tin rằng, Lời Chúa là chắc chắn tối hậu, mà chính Thiên Chúa là tình yêu, muốn ban cho con người trong mọi thời đại, và làm cho họ trở nên những chứng tá cho Lời Hằng Sống ấy. Vì thế, việc còn lại là của những người có trách nhiệm giảng giải và trình bày Lời Chúa (Giáo sĩ, tu sĩ, giáo lý viên). Lời Chúa có được trình bày như lời sự sống, để người tín hữu “được sống và sống dồi dào”[23] không? Đó vẫn là câu hỏi cần thiết để mọi người suy nghĩ và trả lời!
______
[1] Công đồng Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, số 21. 
[2] Xc. Dt 4,12 
[3] Xc. Cv 20,32 
[4] Công đồng Vat II, Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, số 21. 
[5] Xc Mt 19,27. 
[6] Công đồng Vat II, Hiến chế mục vụ, 43a. 
[7] Lm. Nguyễn Trọng Viễn O.P, Những căn bệnh trầm kha trong đời sống đức tin Công giáo tại việt Nam, Phương Đông, tr 90. 
[8] Phan Tấn Thành, Thần học nhập môn, Học viện Đa Minh, tr 47. 
[9] Etienne Charpentier, Du lịch Thánh kinh, Le Cerf, tr 53. 
[10] Sđd, tr 13. 
[11] Công đồng Vat II, Dei Verbum, 2. 
[12] GLHTCG, số 160. 
[13] Công đồng Vat II, Dei Verbum, 22. 
[14] Xc. Ga 3,16. 
[15] Xc. Ga 15,13. 
[16] Xc. 1Ga 4,10. 
[17] Xc. Rm 9,39. 
[18] Xc. Ga 15,12. 
[19] Tv 39,6. 
[20] GLHTCG Số 66. 
[21] Gr 32,40. 
[22] Tv 146,6. 
[23] Ga 10,10.