Thời sự Thần học - Tháng 09/2008, tr. 72-85
Giuse Hoàng Văn Hoà, O.P.
Ý thức về tầm quan trọng Lời Chúa đối với sứ vụ của các Kitô hữu trong Hội thánh và sự trưởng thành về đời sống đức tin nơi mỗi người, Thượng hội đồng giám mục thế giới mời gọi các Kitô hữu sống Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Hội thánh. Cho nên, giữa lòng thế giới, mỗi người tuỳ theo phận vụ của mình, ai nấy đều hiểu về Lời cách thâm sâu vì “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Nhờ ánh sáng Lời Chúa, được quy chiếu dồi dào trong hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, các Kitô hữu sẽ can đảm sống bằng Lời và loan báo cũng bằng Lời với con tim đầy nhiệt huyết và đầy chất Tin mừng để làm muối cho đời và ánh sáng cho trần gian.
I. Lời cho mọi người
1. Sứ vụ loan báo Lời
Trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ mới với những biến đổi của xã hội, Hội thánh một đàng âu lo về đời sống đức tin của các tín hữu, đàng khác phải chu toàn sứ vụ nuôi dưỡng Lời. Thế nhưng, vì nhu cầu thời đại, Hội thánh không chỉ dừng ở việc nuôi dưỡng Lời mà còn phải phục vụ Lời cho mọi người, mọi thời.
Lịch sử cứu độ cho thấy Hội thánh tồn tại nhờ việc loan báo Tin mừng như lời Chúa Giêsu đã truyền cho Hội thánh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ …” (Mt 28,19). Nói cách khác, Hội thánh muốn duy trì đời sống và sứ vụ của mình thì một mặt Hội thánh phải rao giảng Lời Chúa cho muôn dân; mặt khác phải biết sống điều mình đã rao giảng giữa lòng nhân loại. Tuy nhiên, điều ấy đòi hỏi những nỗ lực và cố gắng của mọi thành phần dân Chúa. Đó là con đường hữu hiệu để Lời được công bố, thậm chí Lời ấy cũng được mang đến cho những người nghèo khổ, những kẻ bất hạnh trong xã hội. Trước đây, dân Israel đã từng thưa với Đức Chúa rằng: “Tất cả những gì Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo” (Xh 24,7), thì hôm nay thành phần dân Chúa trong Hội thánh sẽ nghĩ gì về sứ vụ của mình? Ngay cả khi đi rao giảng, Chúa Giêsu cũng mời gọi những ai theo Người hãy sống tinh thần môn đệ chân chính bằng cách vừa nghe vừa thực hành những gì Người đã giảng dạy (xc. Mt 7,24). Do đó, việc loan báo Lời cho mọi người sẽ trở thành sứ vụ quan yếu hàng đầu của mọi Kitô hữu.
“Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9,16). Ngày nay, câu nói của thánh Phaolô vẫn còn vang vọng trong lòng Hội thánh. Đó không chỉ là một lời mời gọi nhưng trên hết là một ơn gọi phục vụ Tin mừng cho thế giới. Quả thực, như Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Mt 9,37). Thực tế, có nhiều người không bao giờ lắng nghe Tin mừng, và cũng có những kẻ chẳng khi nào đón nhận Lời Chúa. Đôi khi có những người biết lắng nghe Tin mừng nhưng lại quên thực thi Tin mừng. Trước thực trạng nguy kịch này, làm sao Hội thánh có được những thợ gặt lành nghề cho Nước Chúa!
Ngày nay, để thẩm định sứ vụ loan báo Lời, nhất là trong Hội thánh địa phương, người ta dựa vào con số chứng nhân Tin mừng. Vì thế, sứ vụ loan báo Lời hệ tại việc mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các Kitô hữu,[1] nghĩa là mọi người đều có thể tiếp cận và học hỏi Lời Chúa cách dễ dàng.
2. Những khó khăn khi loan báo Lời
Trên đường loan báo Tin mừng, Hội thánh cũng phải đối mặt với những khó khăn về nhiều phương diện. Thực tế cho thấy những khó khăn ấy vẫn tồn tại cho đến hôm nay. Con người thời đại thích chứng tỏ mình hơn là lắng nghe người khác.
Những lý do cản trở việc loan báo Tin mừng tiên vàn thuộc văn hoá thời đại, do chủ nghĩa tương đối và thế tục hoá mang lại. Người ta thích hưởng thụ hơn là tìm kiếm. Người trẻ thích giá trị vật chất hơn giá trị siêu nhiên. Não trạng thế tục hoá hình thành trong họ nhân cách phi đạo đức và bất chấp luân thường đạo lý. Rất ít người trẻ lui tới nhà thờ huống chi học hỏi Lời Chúa. Cho nên việc loan báo Lời sẽ gặp trở ngại về nhân sự. Thứ đến, Hội thánh khó có thể loan báo Tin mừng vì có những vùng hoặc những nơi hoàn toàn thiếu những bản văn Kinh thánh. Giáo dân không có cơ hội để tiếp xúc thì làm sao học hỏi được. Thậm chí, có những địa phương mà Hội thánh không thể đặt chân vì bị cấm chế gay gắt. Hoặc đôi lúc việc dịch thuật và xuất bản Kinh Thánh theo tiếng địa phương còn bị giới hạn, nhất là đối với dân tộc thiểu số. Vì tầm quan trọng của sứ vụ loan báo Lời nên thiết tưởng “Hội thánh như một người mẹ ân cần lo liệu cho các sách Thánh được dịch ra các thứ tiếng cách thích hợp và đúng đắn, đặc biệt dịch từ nguyên bản.”[2] Cuối cùng, Hội thánh có khi bị vấp phải những trở ngại thuộc những bè phái hoặc trào lưu chính thống. Lúc đó, Hội thánh cần hiểu Lời Chúa thấu đáo, đặt niềm tin chắc chắn vào Chúa Thánh Thần để thêm ơn thánh hoá vì “những gì Thiên Chúa mạc khải mà Thánh Kinh chứa đựng và trình bày, đều được viết ra dưới sự linh ứng của Chúa Thánh Thần.”[3] Ngoài ra, nếu được, Kitô hữu “có thể sử dụng những bản dịch được thực hiện chung với cả những anh em ly khai trong trường hợp thuận tiện và được giáo quyền chấp thuận”[4] để cùng nhau loan báo Lời hơn là ngồi phê bình, xung đột hoặc chỉ trích.
3. Giá trị của Lời
Để việc loan báo Tin mừng hiệu quả, Hội thánh trước tiên phải tin tưởng vào giá trị chân lý của Lời vì “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: lời xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của loài người” (Dt 4,12). Sống động vì Thiên Chúa không chỉ tỏ mình cho con người mà còn là “Đấng hằng Sống” (Kh 1,18) và ban những lời có sự sống vĩnh cửu cho những ai lắng nghe và thi hành ý của Người (xc. Ga 6,68). Hữu hiệu vì Lời không chỉ đồng hành với các tổ phụ khi xưa mà nay Lời còn “cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1,14). Từ đó, Lời trở thành tình yêu và nguồn mạch cho sự hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với tha nhân. Sắc bén vì Lời tựa như “ngọn đèn soi cho con bước” và “ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105). Lời được đúc kết trong giới răn “mến Chúa yêu người” như kim chỉ nam hướng dẫn đời sống tâm linh của các Kitô hữu hầu đạt tới sự thánh thiện.
Thứ đến, giá trị của Lời phải mạnh mẽ và tin tưởng được vì có sức biến đổi và cảm hoá lòng người. Lời luôn mang tâm tình mời gọi con người hướng về điều thiện và thay đổi lối sống xấu xa. Nếu trước kia, dân Israel đã từng được nghe: “Hãy trở lại, bỏ con đường tà của các ngươi, hãy tuân giữ các mệnh lệnh và quy tắc của Ta, đúng theo Lề Luật Ta truyền cho cha ông các ngươi, và Ta đã chuyển đến các ngươi nhờ các ngôn sứ tôi trung của Ta” (2V 17,13), thì trong thời sau hết, Lời ấy vẫn được mời gọi: “Anh em hãy hối cải, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Từ đó, nhân danh Đức Giêsu phục sinh, Hội thánh cũng tiếp tục sứ mạng rao giảng Lời, trong đó luôn đề cao việc sám hối và tha thứ (xc. Lc 24,47). Nói cách khác, Hội thánh vốn “tôn kính Thánh Kinh như Thân Thể Chúa”[5] nên dễ đi vào con đường khiêm nhường và hoán cải hầu loan báo Tin mừng phục sinh cách mạnh mẽ và trung thực hơn.
Sau cùng, Lời được mang đến cho tất cả mọi hạng người trong xã hội. Đó chính là tình yêu nghèo khó và khiêm hạ để phục vụ hơn là được phục vụ. Lời Thiên Chúa đã đồng hành với con người từ thuở nguyên sơ cho đến lúc kết thúc cuộc lữ hành dưới thế. Và thậm chí khi trời đất có biến đổi hoặc qua đi, thì Lời Thiên Chúa vẫn bất biến và tồn tại (xc. Mt 24,35). Điều ấy cho thấy giá trị tình yêu của Lời với con người đến nỗi Đức Kitô đã “hoá thành con người để theo đuổi con người đến tận cái chết và qua đó hoà giải công lý và tình yêu.”[6] Theo như đức giáo hoàng Benedicto XVI thì Lời sẽ ở lại trong mỗi người để giúp họ nhận ra rằng: “Chỉ khi tôi phục vụ người anh em tôi, mắt tôi mới mở ra cho tôi thấy những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi và Ngài yêu tôi biết dường nào.”[7]
II. Lời Chúa trong sứ vụ của các Kitô hữu
1. Thừa tác vụ Lời của giám mục
Dưới ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa trong công đồng Vatican II, hiến chế Dei Verbum đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh Kinh đối với giáo sĩ. Họ là những người thay mặt Chúa để nói cho giáo dân biết Lời Chúa. Thực vậy, “thừa tác vụ Lời Chúa – nghĩa là việc rao giảng mục vụ, dạy giáo lý và toàn thể giáo huấn Kitô giáo, trong đó bài giảng phục vụ phải chiếm một chỗ quan trọng – phải được nuôi dưỡng lành mạnh và gia tăng sinh lực cách thánh thiện nhờ lời Thánh Kinh.”[8] Vì thế, trong hàng giáo sĩ, giám mục, linh mục và phó tế, mỗi người sẽ có sứ vụ khác nhau trong việc thi hành Lời Chúa.
Lời Chúa là nguyên lý nguyên khởi của việc canh tân đời sống tu trì, nên tiên vàn giám mục được trao sứ mệnh dạy dỗ muôn
dân và rao giảng Phúc âm. Khi bàn về phận vụ giáo huấn của giám mục, thánh công đồng chung đề cao vai trò này: “Các giám mục là những người ‘gìn giữ giáo lý tông truyền’ có phận sự dạy cách thích hợp cho các tín hữu đã được uỷ thác cho các ngài biết sử dụng đúng đắn sách Thánh, nhất là Tân ước và trước tiên các sách Phúc âm, nhờ các bản dịch, và các bản dịch này phải được kèm theo những lời giải thích cần thiết và đầy đủ, để con cái Giáo hội có thể sử dụng Thánh Kinh cách bảo đảm và ích lợi, cũng như được thấm nhuần tinh thần Thánh Kinh.”[9] Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của giám mục vì giám mục vừa là thính giả đón nhận Lời, vừa là kẻ phục vụ Lời, theo như nhiệm vụ giáo huấn của mình. Chính vì thế, hiến chế Lumen Gentium cũng nhấn mạnh: “Việc rao giảng Phúc âm là một nhiệm vụ trổi vượt trong các nhiệm vụ chính yếu của giám mục.”
Hiện nay, sống trong một thế giới truyền thông, giám mục phải là người uyên thâm về Kinh Thánh. Từ việc hiểu biết Kinh Thánh, giám mục sẽ là người dẫn dường chỉ lối cho giáo dân, ít là họ biết mở và đọc Kinh Thánh. Qua đó, giáo dân sẽ có cơ hội và khả năng để gặp gỡ Chúa Giêsu, vốn là nguồn mạch của sự sống và chỉ có Chúa Giêsu mới có lời ban sự sống đời đời (xc. Ga 6,68). Đức giáo hoàng đương kim đã nhắn nhủ các giám mục thiết tha chu toàn bổn phận rao giảng Lời Chúa, giúp cho giáo dân hiểu Lời Chúa như là của ăn thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn: “Chúng ta phải dựa vào lời cam kết về truyền giáo và đời sống của chúng ta trên đá tảng là Lời Chúa. Vì mục đích này, tôi khuyến khích các Chủ Chăn cố gắng thi hành điều ấy.”[10] Muốn vậy, giám mục phải yêu mến Kinh Thánh như một kho tàng vô giá. Và cách tốt nhất để giúp giám mục say mê nghiên cứu và rao giảng Kinh Thánh chính là con người giám mục, vốn được Lời Chúa hun đúc và hình thành. Cách chung, mục đích thừa tác vụ Lời của giám mục là thực hành Kinh Thánh với sáng kiến của mình, đồng thời xem những sáng kiến ấy như con đường tiến triển của Hội thánh và là nền tảng của lòng sùng kính.[11]
2. Việc Loan báo Tin mừng của linh mục và phó tế
Đối với linh mục và phó tế, hiểu biết và quen thuộc với Lời Chúa là đảm bảo nghĩa vụ quan trọng đầu tiên dưới góc độ Tin mừng hoá. Đó cũng là sứ vụ rao giảng Lời của linh mục và phó tế. Thánh công đồng Vatican II đã nhấn mạnh trong hiến chế Dei Verbum: “Tất cả các giáo sĩ, trước hết là các linh mục của Chúa Kitô và những người có bổn phận phục vụ Lời Chúa, như các phó tế và những người dạy giáo lý, phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ việc chăm đọc và ân cần học hỏi, để khi họ phải truyền đạt kho tàng bao la của Lời Chúa, nhất là trong phụng vụ thánh.”[12] Quả thực, giáo lý của công đồng phù hợp với quy định của giáo luật về thừa tác vụ Lời khi giao phó cho linh mục và phó tế trong vai trò cộng sự viên của giám mục: “Việc loan báo Tin mừng của Thiên Chúa thuộc về riêng các giám mục, với tư cách là cộng sự viên của các giám mục; chủ yếu là các cha sở và linh mục khác đã lãnh nhận việc coi sóc các linh hồn đều buộc phải giữ bổn phận này đối với đoàn dân đã được trao phó cho mình; các phó tế cũng phục vụ dân Chúa bằng thừa tác vụ Lời Chúa trong sự hiệp thông với giám mục và linh mục đoàn của ngài.”[13]
Lịch sử cứu độ cho thấy sức phục vụ mạnh nhất của Lời chính là con người Đức Kitô. Đặc biệt linh mục lại là họa ảnh của Đức Kitô. Nếu trước đây, Đức Kitô rao giảng Tin mừng bằng ánh mắt thiện cảm, bằng con tim trắc ẩn, và bằng cả tấm lòng yêu thương, thì hôm nay linh mục “có nhiệm vụ loan báo cho mọi người Phúc âm của Thiên Chúa, để thi hành mệnh lệnh của Chúa: “Các con hãy đi khắp thế gian rao giảng Phúc âm cho mọi tạo vật” (Mc 16,15).[14] Loan báo Lời Chúa là nhiệm vụ rao giảng hàng đầu của linh mục. Lòng tin của bổn đạo có vững chắc hay không đều khởi đi từ việc xây dựng trên Lời Chúa và được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa. Linh mục vốn thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, nên “linh mục loan báo Lời Thiên Chúa cho mọi người. Nhưng các ngài thực thi thánh vụ mình cách tuyệt hảo nhất là trong thánh lễ hoặc cộng đồng tạ ơn, trong đó các ngài thay thế Chúa Kitô công bố mầu nhiệm của Chúa.”[15] Tuy nhiên, một trong những trở ngại của linh mục hôm nay là làm sao để việc loan báo Tin mừng được áp dụng và thể hiện chân lý ngàn đời của Phúc âm trong cuộc sống. Theo tinh thần của đức giám mục Vũ Duy Thống, trong tuần tĩnh tâm linh mục năm 2002, về hình ảnh ‘người mẫu mục tử’ theo nghĩa chuẩn mực với đàn chiên và mẫu mực cho kẻ thuộc trách nhiệm mô phỏng bước theo thì: “Mục tử tốt lành là mục tử mà trong lời giảng người ta nhìn thấy đời sống và trong đời sống người ta nghe được lời giảng tự nhiên vang ngân.”[16]
Nhờ sống Lời Chúa, linh mục và phó tế dễ dàng kín múc ánh sáng cần thiết để không chạy theo những tâm địa thế giới. Muốn được như thế, linh mục và phó tế phải được giáo dục và đào tạo về mục vụ Lời Chúa. Hơn nữa, trình độ dân trí của con người thời nay ngày càng nâng cao thì nhu cầu đòi hỏi mục vụ Kinh Thánh của những vị hữu trách càng phải uyên bác, và phải được tiếp tục bồi dưỡng thường xuyên về lý thuyết lẫn thực hành, trong những học viện Mục vụ, hội thảo định kỳ, thực tập chuyên biệt, thường huấn hằng năm, ….[17]
3. Trần thế tính của giáo dân
Vì có chỗ đứng đặc biệt trong Hội thánh, cùng kết hợp với trần thế tính nên nhiệm vụ của giáo dân là dấn thân “đem đạo vào đời” dưới ánh sáng Lời Chúa theo cách thức đặc thù của mỗi người. Nhờ phép Rửa, giáo dân chính thức tham dự vào đời sống đức tin của Hội thánh. Và đặc biệt nhờ ân sủng Lời Chúa, họ được mời gọi loan báo Tin mừng trong đời sống thường ngày, giữa gia đình và ngoài xã hội.[18]
Người giáo dân hiện diện ở khắp nơi: trong gia đình, ngoài khu xóm; từ cơ quan, đến công sở; …. Tuy họ sống và làm việc trong nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ vẫn rao giảng và thể hiện chứng nhân Tin mừng giữa lòng nhân loại. Chính tại những nơi ấy mà các thành phần khác trong Hội thánh (giáo sĩ, tu sĩ) khó có thể hiện diện cách đầy đủ. Từ đó, căn tính của người giáo dân càng dễ nhận diện. Họ sống đức tin công giáo ngay thẳng và chân thật. Họ làm việc với lòng quảng đại và bác ái. Họ góp phần thánh hoá chính môi trường họ đang sống. Nhờ đó, giáo dân góp phần làm cho Nước Chúa ngày càng rộng lớn. Nhận ra ý nghĩa cao đẹp về cách sống chứng nhân của người giáo dân, hiến chế Lumen Gentium đã khẳng định: “Giáo dân được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo hội hiện diện và hoạt động trong những nơi và hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo hội sẽ không trở thành muối của thế gian. Như thế, vì những ân huệ đã lãnh nhận, mọi giáo dân vừa là chứng nhân, vừa là dụng cụ sống động cho chính sứ mệnh của Giáo hội “tuỳ theo độ lượng ân sủng Chúa Kitô ban cho” (Ep 4,7).[19]
Bên cạnh việc làm chứng nhân trong môi trường đặc thù, người giáo dân còn loan báo Lời Chúa bằng chính những công việc trần thế. Đó cũng là đặc nét khác biệt với công việc của giáo sĩ. Nếu hàng giáo sĩ thường loan báo Tin mừng bằng việc rao giảng hay giáo huấn, thì ngược lại, giáo dân lại âm thầm bằng những công việc thường ngày trong cuộc sống, giữa gia đình và ngoài xã hội. Trong cuộc sống, giáo dân không còn là thính giả thụ động khi nghe Lời Chúa mà họ trở thành thính giả năng động trong nhiều lĩnh vực mà Lời Chúa có thể được lan toả như: nghiên cứu khoa học, tham gia phụng vụ, huấn giáo, …. Giữa gia đình, cha mẹ có thể hướng dẫn giáo lý cho con cái, ông bà có thể dạy dỗ lịch sử Kinh Thánh và kể lại cuộc đời Chúa Giêsu cho cháu chắt, cũng như cầu nguyện bằng Thánh vịnh và nhất là chuẩn bị cho chúng tham dự sốt sắng phụng vụ ngày Chúa nhật, …. Ngoài xã hội, giáo dân có thể tham gia các hoạt động nhóm hoặc cộng đoàn như cầu nguyện bằng kinh nhật tụng, hoặc học hỏi và chia sẻ Lời Chúa theo tinh thần Lectio Divina, …. Phải chăng việc làm của giáo dân đã trở thành dấu chứng, là phương thế tỏ bày niềm tin giữa cuộc sống nhờ biết nuôi dưỡng Lời Chúa? Do đó, hiến chế Lumen Gentium đã đề cao giá trị cũng như tầm quan trọng của việc sống chứng nhân từ những công việc đặc thù trong gia đình và ngoài xã hội của giáo dân: “Gia đình Kitô giáo lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và lời chứng, gia đình Kitô giáo thuyết phục thế gian về tội lỗi, đồng thời soi sáng cho những ai đang kiếm tìm chân lý.”[20]
Hơn nữa, trong thời đại hôm nay, con người thường thích chứng nhân hơn thầy dạy. Và chứng nhân Tin mừng càng phải thể hiện bằng những hành động và việc làm cụ thể. Chính nhờ Lời Chúa, cuộc sống giữa đời của giáo dân càng được thăng hoa vì họ đã “không ngần ngại nối kết đời sống đức tin với việc tuyên xưng đức tin làm một.”[21]
4. Công việc phục vụ của những người được thánh hiến
Khi bàn về đời sống thiêng liêng của những người được thánh hiến, công đồng Vatican II đã khuyên các tu sĩ luyện tập tinh thần cầu nguyện, nhất là kín múc nơi suối nguồn Lời Chúa đến độ “hằng ngày phải có quyển Thánh Kinh trong tay để học được những ‘kiến thức siêu việt về Chúa Giêsu Kitô’ (Pl 3,8), nhờ đọc và suy gẫm.”[22]
Bởi được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa thường xuyên nên những người được thánh hiến có thể tìm cho mình động lực thiêng liêng trong công việc phục vụ về giáo dục và Tin mừng hoá. Họ sẵn sàng chia sẻ với những người nghèo, người bệnh tật, người bị bỏ rơi, … nhờ Tin mừng của Chúa Giêsu. Vì Lời Chúa được coi là nguồn mạch thiêng liêng và đầu tiên của mọi linh đạo Kitô giáo, nên ngay từ những buổi khai nguyên của các hội dòng hay đan viện, việc suy gẫm sách Thánh Lectio Divina đã được yêu mến và quý trọng. Hơn nữa, việc đọc sách Thánh còn giúp cho các tu sĩ có một đời sống phong phú hơn nhờ Lời Chúa thấm vào con tim và khối óc của mình, cùng với ánh sáng của sự khôn ngoan và ân sủng của Chúa Thánh Thần.[23] Theo cảm nghiệm của thánh Augustino thì “tôi có thể gặp Đức Kitô khi đọc Kinh Thánh” hoặc nói như đức tin của thánh Giêgôriô Cả thì “Lời Chúa lớn lên cùng với người đọc.”
Giữa lòng Hội thánh, người tận hiến giữ một vai trò đặc biệt trong môi trường giáo dục. Họ dễ dàng trở nên chứng tá triệt để, giúp mọi người gặp gỡ Chúa. Chắc hẳn việc lắng nghe Lời Chúa là động lực thôi thúc họ nói về Chúa cho người khác. Vả lại, họ có một lối biện phân cho chính cá nhân và cộng đoàn dưới cái nhìn Tin mừng hoá bằng việc nghiền ngẫm Kinh Thánh hằng ngày. Lịch sử Hội thánh có nhiều gương sáng về việc giáo dục của những người được thánh hiến. Họ đã sống và nên thánh bằng cách dấn thân trong việc dạy dỗ, rèn luyện như mục tiêu của việc giáo dục. Thậm chí có những vị đã chiếm được đức mến trọn hảo trong công tác giáo dục như kim chỉ nam cho đời sống tu trì của mình. Phải chăng đó là một gia sản quý báu cho những nhà giáo dục hiện nay mà những con người tận hiến xưa kia đã từng ấp ủ Lời Chúa để dấn thân cho lý tưởng Kitô giáo. Theo lời nhắn nhủ của thánh Gioan Bosco thì giáo dục phải gắn liền với đức ái: “Làm sao cho những người trẻ không những được yêu thương mà còn cảm nghiệm là họ được yêu thương.”[24] Ngày nay, có rất nhiều cộng đoàn nữ tu với ơn gọi giáo dục, luôn trung thành với đoàn sủng và miệt mài dấn thân trong lãnh vực giáo dục. Nơi trường học của họ, tình yêu dành cho người nghèo đã được quan tâm đặc biệt. Đó là thành công đầu tiên trong sứ vụ của những người được thánh hiến đối với Hội thánh.
Ngoài ra, những người được thánh hiến luôn sử dụng các phương tiện truyền thông để rao giảng Tin mừng, ngay cả con người của họ. Chúng ta luôn thấy những con người này hiện diện ở những vùng sâu, vùng xa. Trang bị sứ vụ loan báo Tin mừng, nhất là những hội dòng mang đặc sủng như thế, những vị hữu trách luôn đào luyện ngôn ngữ đặc thù thuộc phương tiện truyền thông cho tu sĩ của mình để nói về Đức Kitô cho con người ngày nay. Tuỳ theo nhu cầu mục vụ, những người được thánh hiến sẽ hiện diện và đồng hành, rao giảng Lời Chúa bằng cách đầu tư sức lực, nhân sự, phương tiện, … để Lời Chúa được lan toả. Tại những vùng cao nguyên hay dân tộc hiện nay, hình ảnh những người được thánh hiến luôn là những cánh tay nâng đỡ đời sống thiêng liêng của người dân.
Tuy công việc phục vụ của những người được thánh hiến luôn âm thầm và lặng lẽ nhưng đã góp phần hữu ích trong sứ vụ rao giảng Lời Chúa của Hội thánh. Đời sống của họ tái hiện tinh thần Phúc âm cho những ai muốn theo Chúa. Cho nên, đời tu của những người được thánh hiến được Hội thánh tôn trọng vì “các tu sĩ tìm cách tái hiện Phúc âm với tất cả sự sung mãn và mọi yêu sách triệt để” và từ đó “ai càng là tu sĩ, càng phải sống Phúc âm hơn.”[25]
Kết luận
Lời đã đến trần gian để con người được sống và sống dồi dào, sống trong hồng phúc và ân nghĩa của Thiên Chúa (xc. Ga 10,10). Lời Chúa không những là kim chỉ nam dẫn đường cầu nguyện, mà còn là chủ thể của việc cầu nguyện. Điều này minh chứng Kinh Thánh không chỉ chứa đựng mạc khải của Thiên Chúa, nhưng còn là Lời của Chúa nói với chúng ta hôm nay.[26] Điều tâm niệm trên tiên vàn đã được thánh công đồng Vatican II trình bày trong Dei Verbum để khẳng định rằng Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa được viết ra dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần[27] và Lời ấy sẽ nói với con người. Thứ đến, Lời của Thiên Chúa chính là Đức Kitô - “Ngôi Lời của Thiên Chúa” (Ga 1,1), là trung tâm của lịch sử cứu độ, vốn được tiên báo trong Cựu ước và hoàn tất trong Tân ước, nên “toàn bộ Thánh Kinh chỉ là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất ấy là Đức Kitô, vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Đức Kitô và được hoàn tất trong Đức Kitô.”[28]
Vì Lời Chúa cần được loan báo cho mọi người như của ăn nuôi dưỡng linh hồn, nên Hội thánh cần cỗ võ việc loan báo Tin mừng cho thế giới. Các thành phần dân Chúa luôn ý thức trong sứ vụ của mình. Mỗi người tuỳ theo khả năng và phận vụ để Lời Chúa mãi mãi là “đèn” và “ánh sáng” cho muôn dân. Với giáo sĩ, ngoài bổn phận học hỏi Lời Chúa, các vị ấy còn phải đem Lời Chúa đến cho người khác qua việc huấn giáo, giảng dạy, chia sẻ, …. Giám mục luôn là những tấm gương sáng trong việc gìn giữ kho tàng Kinh Thánh. Khi ấy, linh mục và phó tế mới thực sự vừa là cộng tác viên đích thực của giám mục, vừa là những chứng nhân rao giảng Lời Chúa cho giáo dân cách hùng hồn và sống động. Với giáo dân, vốn mang đặc tính trần thế thì tiên vàn bổn phận của họ là làm cho Lời Chúa ở giữa mọi người, nhất là gương sáng giữa gia đình, ngoài xã hội. Chính khi con cái của họ tiếp cận với Kinh Thánh là lúc Thiên Chúa ở giữa gia đình và ở trong họ. Đó là cảm nghiệm của thánh Ambrosio: “Khi con người bắt đầu đọc Kinh Thánh thì Thiên Chúa sẽ dạo chơi với con người trong vườn địa đàng.”[29] Với những người được thánh hiến, đời sống của họ càng làm sáng lên nét đẹp của người được thánh hiến nhờ công việc giáo dục và Tin mừng hoá thế giới, nhất là đối với người nghèo. Thánh công đồng tha thiết mời gọi họ năng đọc Thánh Kinh để “học biết khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô, vì không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô.”[30] Trên hết, các Kitô hữu nên dành thời gian để tiếp xúc với những bản văn Kinh Thánh hoặc sốt sắng trong việc đọc và suy niệm Kinh Thánh như phương thế hữu hiệu giúp mình nên thánh. Ước mong các thành phần dân Chúa trong Hội thánh luôn tâm niệm Lời Chúa là nguồn mạch nuôi dưỡng đời sống và sứ vụ của Hội thánh và chính khi Lời Chúa làm cho Hội thánh sống thế nào thì con cái của Hội thánh cũng phải sống Lời Chúa như vậy.
___________
[1] Xc. Thánh Công đồng chung Vatican II, hiến chế tín lý về mạc khải của Thiên Chúa Dei Verbum (DV), 22.
[2] DV 22.
[3] DV 11.
[4] DV 22.
[5] DV 21.
[6] ĐGH Benedicto XVI, Deus caritas est, 10.
[7] Deus caritas est, 18.
[8] DV 24.
[9] DV 25.
[10] Benedicto XVI, Allocutio In inaguratione operum V Coetus Generalis Episcoporum Americae Latinae et Regionis Caraibicae (13.5.2007), 3: AAS 99 (2007) 450. Trích laïi trong l’ “Intrumentum Laboris” de la XIIeøme Assembleùe geùneùrale ordinaire du Synode des eùveâques sur “ La Parole de Dieu dans la vie de l’EÙglise” aø Rome, Jeudi 12 Juin 2008 (ZENIT.org).
[11] Xc. l’ “Intrumentum Laboris” du Synode de la Parole de Dieu.
[12] DV 25.
[13] Giáo luật, số 757.
[14] Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục Presbyterorum Ordinis, 4.
[15] Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium (LG), 28.
[16] Vũ Duy Thống, Chân dung linh mục, 2002, tr. 62.
[17] Xc. Sắc lệnh về đào tạo linh mục Optatam Totius, 22.
[18] Gioan Phalô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân Chiristifideles Laici, 14.
[19] LG 33.
[20] LG 35.
[21] LG 35.
[22] Sắc lệnh về canh tân thích nghi đời sống dòng tu Perfectae Caritatis, 6.
[23] Xc. Gioan Phaolo II, Tông huấn hậu Thượng hội đồng giám mục về đời thánh hiến Vita consecrata, 94.
[24] Seritti pedagogicie spirituale, Rome, 1987, tr. 294. Xc. Vita consecrata, 96.
[25] Elio Gambari, Religious Life according to Vatican II and the new Code of Canon Law, 1986. Bản dịch Việt ngữ của Ngọc Đính, 2000, Q. II, tr. 52.
[26] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, Tập VII, Roma, 2007, tr. 255.
[27] Xc. DV 7,9,11.
[28] Hugues de Saint Dearen, Nôê 2,8 PL 176. Xc. GLHTCG, 134.
[29] Xc St. Ambrosio, Epist. 49,3 : PL 16, 1154 B. Trích lại trong l’ “Intrumentum Laboris” du Synode de la Parole de Dieu.
[30] DV 25.