Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

THUẬT NGỮ KITÔ GIÁO TRONG HỘI NHẬP VĂN HÓA

Thời sự Thần học – Số 21, tháng 09/2000, tr. 71-88

Aylward Shorter
_____ Chuyển ngữ : K’Bao

NỘI DUNG CHÍNH CỦA HỘI NHẬP VĂN HÓA

Cũng như mọi tôn giáo khác, niềm tin Kitô giáo chỉ được diễn tả và sống thực qua một nền văn hóa con người. Giống như các tôn giáo toàn cầu khác, niềm tin này có thể đến được với nhiều nền văn hóa. Quả thực, nhãn hiệu Công giáo hàm chứa ý định đến với mọi nền văn hóa, không chút ngoại lệ, và điều này tạo nên nhiều tiến trình hội nhập văn hóa khác nhau. Trước đây, hội nhập văn hóa (HNVH) được định nghĩa là mở ra cuộc đối thoại giữa đức tin với một hay nhiều nền văn hóa. Về điểm này, chúng ta đã thảo luận về những hàm ý và những bối cảnh văn hóa trong cuộc đối thoại này, và chúng ta đã phân tích nó nhờ khoa học xã hội và khoa học văn hóa. 

Giờ đây chúng ta cần khảo sát một thuật ngữ HNVH khác, vẫn thường gọi là nội dung chính. Chúng ta cũng cần xét đến một số những giả thiết thần học về một Giáo hội đa văn hóa. Một Giáo hội được tạo nên bởi nhiều nền văn hóa đòi hỏi những mấu nối định chế, và làm nảy sinh vấn đề quan yếu, là hình thức văn hóa mà những mấu nối đó gây nên.

Cho đến giờ, chúng ta đã nói đến việc HNVH của đức tin hay cuộc đối thoại giữa đức tin này với các nền văn hóa. Đức tin, theo ý nghĩa là một truyền thống tôn giáo hay thuộc về tôn giáo – như được đối chiếu với nhân đức đối thần – là một khái niệm rộng rãi và không được xác định, và từ ngữ đã được lựa chọn hữu ý, còn để lửng một thảo luận đầy đủ hơn về nội dung chính của HNVH. Một thuật ngữ thường được sử dụng, đó là sứ điệp. Vì vậy, HNVH được coi là một cuộc đối thoại giữua sứ điệp Kitô giáo với một nền văn hóa nhân loại. Ta đã thấy sứ điệp này không hiện hữu độc lập khỏi văn hóa. Hơn nữa, từ sứ điệp lại kèm theo mối nguy hiểm là chỉ nghĩ đến một loại những mệnh đề đạo lý hoặc các tín điều. Edward Schillebeeckx đã viết rằng Kito giáo khôn phải là tôn giáo về một cuốn sách, nhưng là về một nhân vật, và có một ý nghĩa đích thực, đến độ có thể nói rằng sứ điệp Kitô giáo là chính Đức Kitô, người là chủ đề của sứ điệp này. Dĩ nhiên, những mệnh đề tư tưởng có thể và nên được diễn dịch từ biến cố – Đức Kitô, nhưng Kitô giáo không thể bị giới hạn vào định thức thần học hay giáo lý mà thôi. Những ý niệm như vậy là một thành phần quan yếu cho việc huấn giáo, nhưng đức tin và đời sống Kitô giáo không thể được giản lược nguyên vào chuyện lý trí chấp nhận những chân lý được phát biểu. Mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa đâu cần phải đợi hình thành nơi chúng ta những ý niệm về Người. Chúng ta khẳng định sự hiện hữu của Người khi chúng ta là chính mình và sử dụng những tài năng của mình. Hành vi đức tin phải được diễn ra với lòng cảm phục va kính sợ, với mối nguy hiểm và dấn thân cá nhân, chứ không phải với những bằng chứng lý lẽ. Qùa tặng tình yêu Thiên Chúa nơi đức Giêsu Kitô mạc khải Người là ai, và Người đồi hỏi gì nơi chúng ta. Đức tin khôn ghcỉ đơn giản là chuyện coi một sứ điệp là thật, nhưng là sống trong Chân Lý. Trí thức đến từ đức tin chính là “con mắt của tình yêu”. Nó là thành phần cho lời đáp đầy yêu thương của chúng ta trước Thiên Chúa trong Đức Kitô hằng mạc khải chính Người cho chúng ta nơi cảm nghiệm của ta.

Một khuynh hướng khác là nói đến “Tin mừng” như một thuật ngữ của Kitô giáo về HNVH – cuộc đối thoại giữa Tin mừng với văn hóa. Ta cũng cần phải thừa nhận hạn chế của kiểu nói này. Tin mừng là “Những Tin Tốt” về Đức Kitô. Hơn nữa, chính Đức Kitô cũng có thể được miêu tả chính Người là Tin mừng. Từ ngữ “Tin mừng” cũng được dùng để nói về toàn bộ nếp sống Kitô giáo, việc thực hành lời Đức Kitô, sống phù hợp voiứ những giá trị Tin mừng của Người. Điều này không thể diễn ra bên ngoài những hình thức văn hóa. Mặc dù Giáo hội là dụng cụ ưu tuyển cho Tin mừng, chúng ta thường không nói đến việc Giáo hội cũng được HNVH “Giáo hội” là nói về những cá nhân cũng hiện hữu như một dân nhờ lời giảng Tin mừng, và làm chứng cho Tin mừng. Những cá nhân này được Phúc âm hóa, đến lượt họ lại trở thành những người loan báo Tin mừng. Nói về Tin mừng, là nói về một cuộc chạm trán với con người Đức Kitô đầy sức biến đổi.

Một câu nói khác được dùng trong những mệnh đề chính thức về HNVH, đó là nói đến “ăn cốt Tin mừng”. Theo lối dùng này, căn cốt Tin mừng được chuyển sang một hình thức văn hó khác qua việc HNVH. Nếu “căn cốt” được hiểu như một chuỗi những mệnh đề tư tưởng, thì thật khó để miêu tả đâu là điều căn cốt trong Tin mừng. Chỉ mình Đức Kitô mới là điều căn cốt tột cùng. Dẫu sao, Tin mừng cũng không hiện hữu “theo căn cốt”. Như Gasperis đã trình bày hữu ý, trong việc hội nhập văn hóa, chúng ta không biến chuyển cách huyền nhiệm từ một thế giới căn cốt sang một thế giới thực tế của lịch sử và văn hóa. Đây là sai lầm của lập trường kinh điển. Tin mừng được “nắm bắt” hơn là được “dạy”, qua chứng từ của những con người đã sống các giá trị Tin mừng ngay trong một nền văn hóa.

Ngoài ra, câu nói “căn cốt Tin mừng” có thể qui về đặc điểm đích thực và có thể thừa nhận ở bất cứ nơi đâu người ta quan sát thấy Tin mừng đang hoạt động. Yêu thương, hy sinh, tha thứ, từ bỏ, khó nghèo tinh thần, vv... là những giá trị Tin mừng có thể được nhận ra, đã được thực hành trong một bói cảnh văn hóa mà người ta có thể quan sát và chấp nhận. Nhất thiết đó phải là những gí trị ngôi vị hoặc liên ngôi vị, được học hỏi từ mẫu gương của đức Giêsu Kitô. Do đó, chúng là thứ yếu đối với con nguời Đức Kitô mà người tín hữu cảm nghiệm một việc cư ngụ hỗ tương với Người trong đức tin, đức cậy và đức mến.

Kết quả sau cùng của việc Phúc âm hóa – loan báo Tin mừng đức Giêsu Kitô – là làm cho con người được Phuc âm hóa có thể nhận ra sự hiện diện của đức Giêsu Kitô trong cuộc sống của mình, cá nhân cũng như tập thể. Qua việc Phúc âm hóa, và như vậy là qua việc đi vào truyền thống đức tin từ ngọn nguồn, cảm nghiệm thực tế về Tin mừng và những cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, người được Phúc âm hóa có thể có được cuộc gặp gỡ biến chuyển với Đức Chúa chịu đóng đinh và Phục sinh. Chính cuộc gặp gỡ này làm nảy sinh hành vi tưởng tượng và sáng tạo mà ta gọi là hành vi đức tin.

Con người Đức Kitô – Đức Kitô của đức tin – được nắm bắt theo lối tưởng tượng. Điều này vó nghĩa rằng những khái niệm liên quan đến đức Kitô được lồng trong những biểu tượng hàng đầu của Tin mừng, thì đối với người tín hữu đã trở nên đáng tin qua trí tưởng tượng. Vì những khái niệm trên cơ bản đã chạm đến cấp độ sâu thẳm nhất của văn hóa – đó là ý nghĩa, nên chúng khởi xướng một phản ứng dây chuyền, một kiểu “bùng nổ nguyên tử trong văn hóa” làm đảo lộn những kiểu mẫu mới từ những “tiểu tiết” biểu tượng xưa và nay.

Có thể thành thực để nói rằng điều được HNVH là chính đức Giêsu Kitô. Người chính là nội dung chính cho việc HNVH, là thuật ngữ của Kitô giáo trong phương trìn – HNVH. Chính Người đã đi vào cuộc đối thoại với văn hóa nhân loại. HNVH là một bước đi xa hơn và mang tính quyết định mà nhờ đó đức Giêsu Kitô đi vào mối tương quan sinh động với một truyền thống văn hóa. Trứớc khi có việc Phúc âm hóa – HNVH, mối tương quan này còn ẩn kín và, xét theo quan điểm con người, còn bị hạn chế trong tầm nhìn. Sau đó nó trở nên mối tương quan rõ ràng, và đòi hỏi một viễn tượng mới mẻ và ý thức trong đời sống riêng tư của người Kitô hữu. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cho thấy ngià ưa thích việc cá nhân đích thân tiếp cận việc HNVH. Tại diễn đàn Phi Châu diễn ra tại Nairobi năm 1980, ngài đã nói: “Nơi các bạn, chính Đức Kitô trở thành người Phi Châu”. Và Đức giáo hoàng đã nhắc lại cảm thức này trong những chuyến công du mục vụ đến các nước và các lục địa khác, thích nghi nó với các cử tọa và các nền văn hóa khác nhau.

Lối tiếp cận này đã làm nổi bật được tính chất liên – ngôi vị và liên chủ thể của HNVH. Đó là một cuộc gặp gỡ liên ngôi vị với những kết quả cá nhân và liên ngôi vị. Đó là một cuộc gặp gỡ biến đổi, làm chuyển hóa tư tưởng và hành vi của một xã hội. Hình ảnh Đức Kitô, Đấng được cảm nghiệm như đang hiện diện trong đời sống xã hội của người tín hữu, nằm ở trung tâm mọi hình ảnh Kitô giáo vốn tiêu biểu cho biết bao ý nghĩa. Qua việc Phúc âm hóa, những hình ảnh này tiếp xúc được với một bộ khung ý nghĩa đang sẵn có nơi nền văn hóa. Như vậy, nền văn hóa đó có được những ý nghĩa mới mẻ. Trong hệ thống văn hóa được canh tân đó, hình ảnh của Đức Kitô nắm vai trò trọng yếu.

Khả năng HNVH của Kitô giáo được chứng tỏ bằng kinh nghiệm thực tế. Hiệu quả chuẩn mực cho một việc Phúc âm hóa thành công, đó là Kitô giáo trở nên “thân quen” trong nền văn hóa được Phúc âm hóc. Nó trở nên “quen thuộc” – là thành phần trong thói quen của một dân tộc. Ý nghĩa và những động lực đã được biến đổi từ một nền văn hóa được Kitô hóa rồi sang một nền văn hóa đang trong tiến trình Kitô hóa, và ngược lại. Mỗi thứ đều thực hiện việc giải thích lại mà không đánh mất căn tính của mình. Như trước đây chúng ta đã nhấn mạnh, đó không phải là một tiến trình hoàn toàn ý thức, đó cũng không phải là công việc của những cá nhân “thành thạo” biệt lập khỏi cộng đoàn của mình. Đúng ra, nó phải là một tiến trình mang tính cộng đoàn hết sức. Trong việc HNVH, cá nhân nhà thần học, linh mục hoặc chuyên gia, phải đóng vai trò ngôn sứ trong cộng đoàn. Như E. J. Pénoukou lưu ý, trong một giáo phận, vị giám mục là một công cụ đặc biệt cho việc HNVH. Ngài và các nhà lãnh đạo khác của giáo phận pahỉ lắng nghe dân Chúa, giải thích và thanh lọc lối hiểu của giáo dân về Đức Kitô, và giúp cho họ ngày càng sáng tạo hơn trong việc diễn tả và sống đức tin của mình.

Qua HNVH, đức Giêsu Kitô tiếp nhận thêm những hình thức mới và những lối tiếp cận mới để đem sứ vụ cứu độ của mình cho toàn thế giới, và Tin mừng có thêm được một ngôn ngữ văn hóa mới, còn Giáo hội nhờ đó mà thêm phong phú. Mọi khu vực của đời sống Kitô hữu đều chịu ảnh hưởng. Thần học được định thức lại. Việc huấn giáo làm sáng tỏ cuộc đối thoại giữa đức Kitô với nền văn hóa địa phương. Phụng vụ đem đến cho đức tin của dân Chúa lối biểu lộ văn hóa, và những cơ cấu cộng đoàn địa phương và tác vụ đã được sáng tạo ở cấp độ đặc thù. Những cơ cấu phổ quát và phẩm trật của Giáo hội không bị phế bỏ, nhưng, vì chúng tác động là để phục vụ cho cộng đoàn Kitô hữu, nên chức năng của những cơ cấu đó có thêm được những trách nhiệm mới trong việc đối thoại với văn hóa. Những công tác đó giúp làm sáng tỏ sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn, Ngài cùng sắp đặt những hồng ân sáng tạo và hướng dẫn cộng đoàn để hiểu và sống mầu nhiệm Chúa Kitô.

Đức Kitô là Chân lý, là Đường và là Sự Sống. Chân lý này là tuyệt đối và phổ quát, và những phẩm chất này đòi hỏi việc HNVH. Nếu Đức Kitô – Chân lý này chiếm hữu chúng ta đến độ, mọi nơi mọi lúc, Người là hình ảnh Thiên Chúa chẳng ai thấy được và chẳng hề đổi thay, thì Người phải đến được với bất cứ lối biểu thị văn hóa nào. Người không thể áp đặt một tính đồng bộ văn hóa, ví chắc chắn thất bại trong việc thông giao ý nghĩa. Phúc âm hóa không thuần túy là chuyện nói năng hoặc thứ ngôn ngữ mã, được học thuộc lòng. Phúc âm hóa đòi một lời đáp thực sự của đức tin và xác tín vào Chân lý nơi Đức Kitô, và điều này đòi hỏi việc HNVH.

VĂN HÓA VÀ DI SẢN KITÔ GIÁO

HNVH, không gì khác hơn là việc Phúc âm hóa sâu sắc một dân tộc trong nền văn hóa của họ, tiên vàn xảy đến qua tiến trình thích nghi văn hóa, việc tương tác giữa một nền văn hóa đang đối thoại với Đức Kitô và một nền văn hóa chưa vào cuộc đối thoại. Tương tác này sinh hiệu quả cho cả hai nền văn hóa trong cuộc (liên văn hóa), và những điều trên bao hàm việc hoán đổi những yếu tố văn hóa. Việc du nhập những yếu tố văn hóa đó chưa bao giờ là quá quắt đến độ tha hóa dân tộc khỏi nền văn hóa riêng của họ. Hơn nữa, nó không nhất thiết gây nên một thứ – văn hóa nhóm Kitô giáo. Hiển nhiên là trong pha đầu tiên của việc Phúc âm hóa những yếu tố văn hóa ngoại lai trôi theo một hướng, từ nền văn hóa của các nhà thừa sai sang nền văn hóa những con người theo đạo, tuy nhiên pha này không kéo dài vô lối. Một khi các thừa sai dần dần giác ngộ về mặt văn hóa, và cố gắng trình bày ngôi vị Đức Kitô và giáo huấn của Người bằng những thuật ngữ của nền văn hóa mới, thì các vị bắt đầu cảm nhận những soi minh mới cho niềm tin Kitô giáo của mình. Dần dần những lưu chuyển và gần gũi vụng về của những nỗ lực tiên khởi sẽ được thay thế bằng những hình ảnh mới và những nối hết mới về ý tưởng. Một số những yếu tố văn hóa du nhập sẽ lu mờ đi và được thay thế bằng những yếu tố bản xứ. Khi việc Phúc âm hóa bắt đầu được trao vào tay những Kitô hữu bản xứ, thì khi đó tiến trình sẽ nhanh dần lên, và toàn bộ hệ thống văn hóa khởi sự nảy sinh từ bên trong. Đến đậy bắt đầu việc HNVH đúng nghĩa, nhưng mọi sự còn tùy thuộc vào yếu tố quyết định này là trong những yếu tố văn hóa du nhập, những thứ nào là căn cốt và những thú nào không căn cốt.

Có thể cho rằng Giáo hội đã trở nên bất động trong pha thích nghi văn hóa. Đã có nhiều nhà lãnh đạo trong Giáo hội cũng như nhiều tín hữu tự mãn với tình cảnh đó. Vào thời điểm này thì Giáo hội chính thức mới chịu từ bỏ giấc mơ văn hóa Kitô giáo toàn cầu được gần nửa thế kỷ mà thôi. Một nền văn hóa toàn cầu là một ảo tượng, nhưng một văn hóa nhóm Kitô giáo toàn cầu thì không hề là ảo tượng. Thực tại của Giáo hội Công giáo Roma ngày nay có thể là thực tại của một nền văn hóa nhóm phổ quát hiện diện khắp nơi như một hệ thống ngầm trong nhiều nền văn hóa của nhân loại. Một hoàn cảnh như vậy dường như chẳng dính bén tới quyền con người trong việc tự ấn định về mặt văn hóa, cũng như những yêu cầu cho một việc Phúc âm hóa hữu hiệu. Vậy thì đâu là đóng góp văn hóa của khối Kitô giáo?

Không dễ trả lời cho câu hỏi này. Kitô giáo là một tôn giáo lịch sử và cần phải có di sản văn hóa riêng của mình. Kinh nghiệm nguyên thủy của Kitô giáo là được diều kiện hóa về mặt văn hóa, và ngay từ ban đầu lịch sử Giáo hội, cuộc đối thoại giữa Đức Kitô của lòng tin với những nền văn hóa nhân loại đã khởi sự. Việc HNVH chủ yếu là một hiện tượng lịch sử và lịch sử của Giáo hội là lịch sử của việc HNVH. Những thúc bách hiện nay của HNVH không thể không bị ảnh hưởng bởi những biến chuyển văn hóa xưa của Tin mừng. Vì là hậu quả của tiến trình này, nên một di sản văn hóa cũng đã được dựng xây.

Di sản này chứa đựng hai nguồn mạch quan trọng. Nguồn mạch thứ nhất là chính Đức Giêsu Kitô, và nguồn mạch thứ hai là Giáo hội trình bày và sống lời cũng như gương sáng của Người. Trong trường hợp Kitô giaó, lịch sử phải đuợc khẳng định mạnh mẽ như cơ bản và nền tảng cho đức tin. Kitô giáo là một tôn giáo lịch sử với một truyền thống lịch sử. Điều này không chỉ có nghĩa là đức Giêsu sống trên trần gian chính là nền tảng cho Đức Kitô của đức tin, nhưng còn có nghĩa là, với những biến cố, Người và các môn đệ của Người để lại một đường hướng ý nghĩa mà trong đó việc giải thích bởi cộng đoàn Kitô hữu phải diễn ra, và phải được tăng trưởng qua nhiều thế hệ và văn hóa. Nảy sinh từ khởi điểm này có nhiều thái độ trong phạm vi luân lý, nghi thức và tổ chức. Cho dù có thể có một sự tranh luận giữa các thần học gia cũng như chuyện không thể nào giản lược chính xác, người Kitô hữu vẫn đồng ý rằng có một số yếu tố nhất định không thể giản lược trong truyền thống này, những yếu tố vốn được điều kiện hóa bởi những nền văn hóa Kinh thánh và tiếp sau đó. Cuộc tranh luận về “chất liệu” bí tích của phép Thánh Thể chẳng hạn, là một điều không thể giản lược Bánh và Rượu, xé như đồ ăn thức uống phổ thông của người Palestine hồi thế kỷ thứ I, đã mang hàm ý văn hóa. Nếu chúng được thay thế nơi những nền văn hóa khác, ở đó những hình thức đồ ăn thức uống lại không được biết đến vì là những chất liệu không quen thuộc và không thường được dùng, thì khi đó có thể thắc mắc, người ta có thể đi xa đến đâu trước khi tính cách biểu tượng và thực tại trở thành không còn giá trị, và mối liên kết với Đức Kitô lịch sử đã bị hủy hoại. Trong vòng tám năm, các giám mục của hai giáo phận ở miền bắc Cameroun và Chad chấp nhận rằng bánh bằng bột hạt kê và bia chế từ kê có thể thay thế cho bánh bột mì không có men và rượu từ trái nho. Việc thử nghiệm đã bị chấm dứt với việc Vatican ban hành vào năm 1980 Bản Hướng Dẫn Inaestimabile Donum (không nhất thiết đó phải là một quyết định chung cuộc). Bất chấp giá trị của những luận cứ bênh vực cho sự thể nghiệm như vậy là thế nào, nội dung của sự thay đổi vẫn cần phải chấp nhận có mối liên hệ về biểu tượng với nghi thức mà Đức Kitô đã thiết lập. Phép thánh thể không thể bị giản lược vào những hoàn cảnh văn hóa của một bữa ăn hàng ngày.

Ngôn ngữ của Đức Kitô được Giáo hội nghiền gẫm, suy tư về chúng và áp dụng chúng cho những thực tại của nhiều thời điểm khác biệt nhau, những soi mình mới mẻ, những lối hiểu và những ý nghĩa thêm vào đó hẳn đã được tiếp thu. Những điều này được diễn tả trong những tín điều, trong hình tượng của linh đạo và nghi thức, và trong những dáng vẻ bên ngoài của những động thái và tổ chức. Theo cách này thì đạo lý và việc thực hành của Giáo hội đã phái triển. Những lối diễn tả như vậy phù hợp với một bối cảnh văn hóa cụ thể và cần phải hiểu trong bối cảnh đó. Chúng có những chiều kích văn hóa. Chúng ta đã nói rằng lịch sử của Giáo hội là một lịch sử HNVH. Do đó sự vay mượn liên văn hóa là một bộ mặt của lịch sử này. Không thể tránh khỏi chuyện một di sản văn hóa nhất định lại được xây dựng trong đời sống Giáo hội, vì có một sự tích tụ những ý nghĩa và hình ảnh vốn nảy sinh từ sự biến cách do các nguồn mạch văn hóa và ngày nay vẫn còn hữu dụng cho chúng ta trong thể thức quyền sơ của chúng. Mặt khác, một số trong những thứ đó có thể bị thờ ơ hoặc bị xóa bỏ. Những thứ khác có thể cần được định thức lại. Dẫu sao trong bất cứ lúc nào của lịch sử Giáo hội, vẫn có một luồng những tư tưởng, những hình ảnh và động thái như vậy.

Luồng tư tưởng này hay di sản này, tuy theo ta muốn gọi, không được lầm lẫn với chính Thánh truyền. Thánh truyền liên quan đến chân lý về Đức Giêsu. Đây là di chúc về chân lý vốn được duy trì trong hình thức bất thành văn và trong những bản văn được thần hứng của Kinh thánh, và đó cũng là nội dung chính của cuộc đối thoại với văn hóa, như ta đã thấy. Thánh truyền này gây nên tiến bộ trong Giáo hội và có một “sự tăng trưởng việc soi mình vào những thực tại” đã từng xảy ra. Di sản mà chún ta đang đề cập liên quan đến những hình thức văn hóa đã được những thời điểm đó dùng đến. Ý nghĩa của những tín điều chính hiệu không thể mâu thuẫn hoặc xáo bỏ, nhưng điều đó chỉ có thể được hiểu trong một bối cảnh văn hóa và có thể cần đến những định thức tiếp tục để có thể cho dân chúng thuộc một nền văn hóa khác sử dụng được.

Di sản văn hóa của Giáo hội là một hiện tượng thay đổi và biến cách. Nó không chỉ bao hàm việc định thức tín lý vốn được điều kiện hóa về mặt văn hóa, nhung nó còn bao hàm những hình thức sùng mộ, những truyền thống thiêng liêng, những trường phái nghệ thuật phụng vụ và cả những chuyện nhỏ nhặt như những mẫu áo ở trong Giáo hội. Chiếc mũ Biretta của các linh mục đã biến mất với sự xuất hiện của cuốn sách lễ Roma mới. Sách chỉ dẫn chung của năm 1969 không liệt chiếc mũ đó vào số những thứ trong trang phục cần phải mang và chẳng mấy ai luyến tiếc khi bỏ đi. Đang khi các linh mục vui lòng chấp nhận việc xóa bỏ những chiếc nón Biretta. thì các Giám mục và Hồng y vẫn cương quyết giữ những thứ chuyên biệt mang màu sắc của mình. Đó là chiếc nón Biretta màu tím vẫn còn là một thành phần trong y phụccủa Giám mục đoàn, đièu đó có nghĩa rằng cái đang đội trên đầu mang tính hàn lâm của thế kỷ XVI tại Âu châu chính là biểu tượng bên ngoài của hàng giáo phẩm Công giáo. Nếu một sự biện minh như vậy lại là quá tải theo quan điểm văn hóa địa phương, thì sự việc có thể được vứt bỏ mà không phải luyến tiếc. Cũng có thể họa lên những tương tự với các tiểu tiết khác của việc thích nghi văn hóa như là những mái tóc giả của các quan tỏa trong các thuộc địa cũ của nước Anh hay những áo choàng tốt nghiệp đại học theo truyền thống Anglo – Saxon.

Những yếu tố khác trong di sản văn hóa của Giáo hội thì quan trọng hơn, nhưng không phải tất cả đều không thể giản lược trong hướng tạo nên một biểu tượng cần thiết và một mấu nối tư tưởng với Đức Kitô. Trong phạm vi những điều đạo đức bình dân chẳng hạn như là sùng mộ Thánh Tâm, việc các địa phương tôn kính các thánh, Kinh mân côi hoặc Đàng Thánh Gía, tất cả đã được đánh dấu bởi những thời kỳ lịch sử hoặc những bối cảnh văn hóa. Chúng có thể được giới thiệu chính thức bởi phẩm trật cao cấp nhất, và trong một số trường hợp còn giới thiệu cho toàn thể Giáo hội. Nhưng sau cùng chúng chỉ được sử dụng khi chúng trở nên một thành phần của văn hóa đương đại và sinh động. Tính cách phổ biến của lòng sùng mộ theo kiểu các tu sĩ Phanxicô thể kỷ XIII, đi Đàng Thánh Gía, nơi xứ Phi châu nhiệt đới hôm nay có thể là tốt, bởi vì nó tương tự với những truyền thống văn hóa Phi châu liên can đến nghi thức khóc thương và an táng.

Cũng có thể nói như vậy về những định thức đạo lý, mặc dầu khía cạnh này của di sản văn hóa thì chỉ trực tiếp liên can đến thiểu số những Kitô hữu, họ là những nhà thần học chuyên nghiệp hoặc những chuyên gia về giáo lý. Nếu một nhà thần học Phi châu ưa thích xây dựng nền Kitô học của mình trên khái niệm về Đức Kitô như một tỏ tiên hay một nhà chữa bệnh, chứ không lưu ý tới Đức Kitô là Vua thì điều đó không thay đổi chân lý về đức Giêsu. Nhưng điều đó có thể giúp nhân loại hiểu xa hơn về chân lý đó.

Lịch sử của Giáo hội thì ngẫu nhiên mang nặng tính văn hóa Âu châu. Điều này có nghĩa rằng di sản của Giáo hội mang nặng tính cách văn hóa. Nếu tiến trình liên văn hóa thực sự được chấp nhận trong Giáo hội, thì khi đó sẽ có một sự trao đổi cân bằng hơn về các yéu tố văn hóa. Có lẽ chúng ta có thể bắt đầu quan sát được một vài dấu hiệu cảu sự trao đổi này. Không chỉ Phi châu hoặc Ấn Độ mới phải tôn vinh Đức Mẹ Lộ Đức hay Đức Mẹ Czestochowa. Âu châu và Mỹ châu cũng phải bắt đầu lưu ý đến việc có những vũ điệu trong phụng vụ hoặc tính cách khổ chế của Yoga Kitô giáo. Có lẽ chúng ta được chứng kiến sự đột phá của nền văn hóa nhóm Công giáo và việc thay đổi nó bởi một toàn bộ văn hóa uyển chuyển hơn. Trong một di sản như vậy, một số yếu tố văn hóa cón được giữ lại. Đến cuối một chu kỳ, có thể có những yếu tố bị mất đi mà không tài nào thu hồi lại được, rồi đến cuối một vòng khác có thể lại tìm những yếu tố xưa đã mất lại trở nên hữu dụng.

Một văn hóa nhóm phổ quát hiển nhiên là cản trở cho việc HNVH đích thực, vì nó có nghĩa rằng những người Công giáo xa cách khỏi nền văn hóa của mình. Điều đó cũng có nghĩa rằng không có một tính cách bổ túc thực sự giữa các Giáo hội địa phương. Văn hóa nhóm phổ quát của Giáo hội thì nặng màu của nguồn gốc Tây phương. Tuy nhiên, tính Công giáo đòi hỏi một sự hiệp thông thực sự về đức tin, huấn giáo và thờ phượng vốn nối kết các Giáo hội địa phương thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, và việc hiệp thông này cần được cấu trúc rõ ràng. Sau này chúng ta sẽ xét đến những hàm ý văn hóa của việc hiệp thông phổ quát và những đòi hỏi về việc các Giáo hội bổ túc cho nhau.

VĂN HÓA VÀ HIỆP THÔNG TRONG GIÁO HỘI TOÀN CẦU

Phần lớn những gì chúng ta gọi là di sản văn hóa của Giáo hội khi không phải là điều căn cốt, và có thể bị bãi bỏ ngay khi tính hữu dụng của nó không còn nữa. Nói khác đi, nó tạo nên mối nguy hiểm cho việc HNVH thực sự. Tuy nhiên, tính thống nhất Công giáo lại lệ thuộc vào sự hiện diện của một dạng thức hữu hình vốn dễ bị ảnh hưởng bởi những điều kiện văn hóa. Ta cần ghi nhận rằng ở đây chúng ta vượt qua việc thuần túy chia sẻ những yếu tố văn hóa trong một di sản chung. Chúng ta xét đến điều gì quan yếu hơn với đời sống của Giáo hội và cách thức hoạt động (modus operandi) trong thế giới. Chúng ta không nói về một pha Phúc Âm Hóa lịch sử đặc thù, nhưng là nói về những cơ cấu bền vững ấn định tính tương tác giữa những thể thức HNVH khác nhau mà đức tin Kitô giáo đã đón nhận. Do đó, việc tranh luận đi vào lãnh vực Giáo hội học.

Một trong những soi sáng quan trọng nhất của Công đồng Vatican II, đó là xác định thực tại ưu tiên của Giáo hội nơi những Giáo hội địa phương. Nói về các Giáo hội địa phương, các Nghị phụ Công đồng tuyên bố: “Chính nơi những Giáo hội này và nhờ những Giáo hội này thì Giáo hội Công giáo duy nhất mới hiện hữu. Giáo hội Công giáo không phải là một kiểu tổ hợp đa quốc gia với những chi nhánh ở tại địa phương. Đó là một sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương. Những Giáo hội địa phương này chính là Giáo hội trong mức độ chúng mở ra và trong mức độ chúng có hiệp thông với những Giáo hội khác. Chúng là Giáo hội Công giáo ngay ở nơi địa phương mình. Tính cách mở rộng và hiệp thông đó là căn cốt cho căn tính Giáo hội của chúng, vì như Leonardo Bòl giải thích, mặc dù toàn thể mầu nhiệm cứu độ được chất chứa nơi Giáo hội địa phương và đó cũng là “Giáo hội toàn thể”. Giữa việc hiệp thông này nơi các Giáo hội thì Giáo hội Roma và Giám mục của Giáo hội này, Đức giáo hoàng, hành quyền điều khiển sự thống nhất. Điều này không có nghĩa rằng Giáo hội địa phương Roma trở nên phổ quát và một tính đồng bộ văn hóa được Roma áp dặt trên những Giáo hội khác. Nhưng nó có nghĩa rằng vị kế nhiệm Phêrô được hưởng quyền ưu tiên hữu hiệu trên tất cả mọi Giáo hội, hữu hiệu bởi vì đó là tính ưu thắng về quyền tài phán cũng như về danh dự.

Công đồng Vatican II còn có những soi sáng quan trọng về mặt Giáo hội học. Một trong những điểm đó là về tính đồng trách nhiệm giữa các Giáo hội địa phương để mưu ích cho Giáo hội toàn thể, và tính đồng trách nhiệm được hành xử chủ yếu nơi các Hội đồng Giám mục và các Hiệp hội Giám mục miền nhưng cũng còn ở những lãnh vực cao hơn và thấp hơn của Thượng Hội đồng Giám mục và các Hiệp hội Linh mục và những hội đông mục vụ nơi các giáo phận. Đó cũng là điều nhấn mạnh về cái gọi là “những miền văn hóa xã hội lớn” và về nhuẽng nhóm người nói chung. Sau cùng một bài học chúng ta lảy ra từ Lumen Gentium và từ Gaudium et Spes đó là sứ vụ của Giáo hội không được tập trung cào những cơ cấu của nó, vào việc tự bám rễ ở nơi các nền văn hóa nhân loại, nhưng tập trung trên thế giới mà Giáo hội chính là bí tích cho nó và trên sự phát triển toàn bộ nhân loại.

Những ý tưởng cổ xưa coi Giáo hội như “một xã hội hoàn hảo và vô song” nay không còn nắm vai trò chủ yếu trong các văn bản công đồng, mặc dù được miêu tả như có cơ cấu trong phẩm trật, nó cũng được gọi là một “huyền nhiệm” và một “hiệp thông”, điều sau này là một trong những ý tưởng chủ chốt của Vatican II. Điều này mở ra khả năng tiến triển về một Giáo hội bình đẳng hơn, với một sự bổ túc về các chức năng và ân điển nhiều hơn nữa. Một Giáo hội theo kiểu đó sẽ đáp ứng được những nhu cầu của những xứ sở mới được giải phóng thuộc thế giới thứ ba.

Trong các cơ chế hiệp thông, cần có sự tôn trọng dành cho các định chế tôn giáo và truyền giáo. Những điều trên chia sẻ không những nếp sống của Giáo hội, nhưng còn trong sứ vụ của Giáo hội đến với thế giới. Những định chế tôn giáo và truyền giáo trong nhiều đường lối là một tiểu vũ trụ của Giáo hội xét như một toàn thể, và tính chất liên văn hóa của chúng đã sản sinh và củng cố những vấn đề và những thuận lợi của Giáo hội toàn thể.

Không một người nào ở một cấp độ nào trong Giáo hội lại toàn tâm toàn ý chấp nhận những soi sáng mới cảu Vatican II. Tạm gác một bên số ít người muốn trọn hói loại bỏ Công đồng, cũng có những con người giải thích Công đồng theo như ý mình, và cũng có những con người muốn đẽo gọt những soi sáng mới của Công đồng. Cũng có vấn đè chuyển những soi sáng đó vào các thực hành mục vụ, và điều này làm nảy sinh vấn nạn về những qui luật phổ quát và đặc biệt. Bộ Giáo Luật năm 1983. Hiển nhiên những soi sáng mục vụ của Cồng đồng không thể được chuyển trọn gói sang những thuật ngữ pháp lý và tuy rằng có thể trong bộ luật mới mang tính chất mục vụ đấy, điều đó lại khiến cho những bản văn Công đồng bị giới hạn. Một ví dụ điển hình là khoản Giáo Luật 449 khi nói về việc thiết lập các Hội đồng Giám Mục.

Tuy nhiên, còn có một vấn nạn nền tảng hơn nữa trước việc thực hiện một bộ luật chung trong sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương làm nên Giáo hội Công giáo. Có vấn nạn rằng Bộ Giáo Luật, xét về mặt văn hóa thì mang tính Tây phương, rằng toàn thể tinh thần của bộ luật lại phản ánh những nguồn gốc của mình nơi những nền văn hóa cổ La Mã, và tự thân là không thể diễn tả được những mối quan tâm của các nền văn hóa ngoài Tây phương. Mặc dầu Cồn đồng Vatican II đã không mở rộng đầy đủ trước những vấn đề đó, thì ít nhất Công đồng cũng đã khuyến khích rộng rãi hơn về nội dung vấn đề.

Sự chỉ trích từ các nước Thế Giới Thứ Ba lại được tiếp nối sau khi có Bộ Luật 1983. Gạt sang một bên việc áp đặt một tính đồng bộ về phụng vụ Roma, một đường hướng bắt nguồn từ lối tiếp cận không tương xứng mấy cho việc HNVH của hiến chế Công đồng về phụng vụ (và điều này sẽ được bàn luận thêm ở những phần sau), nói chung người ta có cảm giác rằng Bộ Luật không phù hợp với các nền văn hóa ngoài Tây phương. Đặc biệt là trường hợp luật lệ hôn nhân. Steven Bwana lập luận rằng Bộ Luật mới đã không đếm xỉa gì đến những thực tại quan trọng của Phi châu, chẳng hạn như tính chất tập thể của hôn nhân và tính song hành giữa Giáo hội và những nghi lễ thông tục. Bộ Luật đã nhấn mạnh tới ý niệm Tây phương coi gia đình là hạt nhân. Bwana còn lượng định xa hơn rằng Bộ Luật là không thể cứu vãn được nếu cư như thế, và ông nêu lên ý tưởng của Hội Nghị Chuyên Đề các Giám mục Phi châu và Madagascar là cần có một Bộ Giáo Luật Phi châu. Điều này nảy sinh từ thần học Phi châu, giống như Bộ Luật mới nảy sinh từ thần học Tây phương.

Luật lệ có nhiều lối sử dụng tích cực, chẳng hạn trong số đó có việc bảo vệ các cá nhân và cộng đoàn và bảo đảm quyền lợi cho họ. Mặc dù bản Giáo Luật mới có lẽ không hy vọng lâu bền cho bằng Bộ Luật 1917 và bất cứ một Bộ Luật mới nào cũng đều ngắn hạn như vậy thì dẫu sao cũng cần một luật chung. Tuy nhiên, trừ phi bộ luật như vậy được bổ túc bởi những luật địa phương, còn thì khó để thấy được làm thế nào lại có thể hình thành một Giáo hội thực sự đa văn hóa được. Việc HNVH trong lãnh vực phụng vụ là một thăm dò tương đối đơn giản, mặc dù nó không được đưa vào thực hành trọn vẹn, so sánh với việc HNVH trong những lãnh vực như việc cưới xin, đời sống gia đình hay việc thực hành chữa bệnh hay các phương thuốc. Một bộ luật Giáo hội phổ quát không thể nào hy vọng đối xử công bằng cho nhiều thực tại khác biệt trên toàn thế giới.

Bộ Giáo Luật có thể là một mức độ nghiêm trọng nhất trong xu thế văn hóa giữa các cơ cấu hiệp thông trong Giáo hội phổ quát. Nó nhất thiết phải là lối biểu hiện pháp lý về tính đồng bộ và tính ưu thắng của nền văn hóa Tây phương. Tuy nhiên, cũng có những cơ cấu hiệp thông khác chịu ảnh hưởng bởi những xu thế văn hóa. Một trong những điều đó là phái đoàn ngoại giao Vatican năm 1974 bị các Giám mục Phi châu phê bình là có tinh thần quốc gia cực đoan và mất đi tính cách phổ quát. Một lãnh vực khác cungc bị phê bình, đó là việc thi hành tác vụ của thánh Phêrô. Ở đâu mà Giáo hội địa phương được ưu tiên,. thì những cuộc du hành mục vụ của Giáo hoàng có thể ủng hộ các nền văn hóa. Tuy nhiên, trong các nước Thế Giới Thứ Ba luôn luôn có mối nguy hiểm là du nhập từ bên ngoài những chương trình ngị sự xa lạ. J. B. Metz đã viết:

Bất chấp những cuộc du hành toàn cầu của Giáo hoàng, những ý hướng, những khởi hứng và những hứa hẹn được trình bày bởi những Giáo hội nghèo thuộc Thế Giới Thứ Ba vẫn ngày càng bị tách khỏi chương trình nghị sự của Giáo hội phổ quát.

Dĩ nhiên tại Roma những cuộc hành trình được coi như để giúp củng cố tính thống nhất về đức tin vốn trói buộc các Giáo hội địa phương, nhưng phải chăng điều đó luôn luôn mang lại kết quả như vậy? Giáo hoàng đã được đánh gía cao và đã được chào đón nồng nhiệt như nhân vật biểu tượng của tính thống nhất Công giáo, nhưng ngay cả đặc sủng của Giáo hoàng Gioan Phaolô II và tài năng kỳ diệu về ngôn ngữ của Ngài cũng không thể cư xử bình đẳng trước những khác biệt văn hóa mà Ngài gặp thấy. Luôn luôn có mối nguy hiểm là xét theo một quan điểm HNVH, những cuộc du hành của Giáo hoàng lại không sinh kết quả.

Do đó, có thể thấy rằng xu hướng văn hóa trong các cơ cấu hiệp thông của Giáo hội thì củng cố cho hiện tượng một nền văn hóa nhóm phổ quát (sub – culture), và khuyến khích tính cách song hành văn hóa nơi các Giáo hội địa phương. Khi người ta nhớ lại rằng xu thế văn hóa này được hỗ trợ bởi tất cả mọi tài nguyên của một nền kỹ thuật thống trị và mọi uy lực của tiến trình hiện đại hóa bắt nguồn từ Tây phương, thì chính lúc đó nó lại trở thành một trở lực lớn cho việc HNVH.

Xác định khó khăn của vấn đề thì dễ hơn việc tìm ra một giải pháp... Ví dụ, người ta dễ dàng nói rằng những cơ cấu thống nhất của Giáo hội cần phản ánh tính khác biệt văn hóa của nó hoặc cho rằng những trung tâm quyền lực của Giáo hội cần mang tính đa văn hóa trong dáng vẻ, trong những phương pháp và những gì liên quan. Còn đưa ý tưởng trên vào thực hành thì nhất định phải có thời gian. Nó cũng còn tùy thuộc vào quyết tâm đoạn tuyệt với Giáo hội đơn văn hóa cổ xưa. Đau là những dấu hiệu cho thấy một sự đoạn tuyệt như vậy là khả thi? Đây là câu hỏi mà chúng ta sẽ cố trả lời sau này. Trong chương trình HNVH, Giáo hội phải đương đầu với nhiều trở ngại ghê ghớm, và trong bầu khí “chủ trương phục hồi” hay “muốn ổn định thêo một hướng giật lùi” đang xảy ra trong Giáo hội, thì thái độ bi quan là có thể hiểu được.

Aylward Shorter,
Toward a Theology of Inculturation, 
Part One: Inculturation: Its Natrure and Function, 
5. The Christian Term of Inculturation
(Orbis Books, 1999)