Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

KITÔ HỌC VÀ HỘI NHẬP VĂN HÓA

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 125-141

Aylward Shorter
_____ Chuyển ngữ : K’Bao

NGÔI LỜI VĨNH CỬU GIỮA LÒNG VĂN HÓA

Trước đây ta đã biết đến Thư gửi Diognetus như khai mào cho thế hệ minh giáo hậu bán thế kỷ thứ II. Nhà minh giáo thời danh nhất chính là thánh Justin tử đạo, chết năm 165. Justin là một văn gia viết rất tản mạn, sinh tại Samaria và từng theo học triết học của nhóm khắc kỷ, nhóm Pythagore và Platon trước khi trở lại với Kitô giáo. Có thể nói rằng, ngay cả khi đã là kitô hữu tại Roma, ngài vẫn còn mang nét đặc trưng của một bậc thầy triết học. Một trong những đóng góp đặc biệt của Justin cho tư tưởng Kitô giáo là ý tưởng về ‘Logos Mầm giống’.

Trước đây, khi nói đến những dữ kiện Kinh thánh, chúng ta đã làm quen với những tiền đề Thánh kinh về khái niệm Logos. Tuy nhiên, trong triết học Hy lạp, cũng có điều tương ứng, đặc biệt là nơi phái người khắc kỷ, ở đó Logos được trình bày như lời sáng tạo hay lý trí của Thiên Chúa, là do lai lý tính nơi Vũ trụ (Cosmos). Justin dạy rằng toàn thể Logos đã mang lấy vẻ cụ thể nơi Đức Kitô và trở nên con người trong việc Nhập thể. Trước biến cố quyết liệt đó, dân tộc của mỗi nền văn hóa đều có thể lượm lặt được những yếu tố của chân lý vì họ có được ‘những mầm giống của Ngôi Lời’ đã có một sức sống mới trong Giáo hội, vì công đồng Vatican II đã dùng lại nó để nối kết với khái niệm hội nhập văn hóa (=HNVH)[1].

Justin dạy rằng Logos Mầm Giống hay Lời mang lấy hạt giống đã được trồng mỗi nền văn hóa nhân loại, vì mọi sự đều được sáng tạo nhờ Người và với Người. Plato đã miêu tả cách thức Demiurge bửa ‘hồn’ của vũ trụ và ráp đặt hai nửa đó lên nhau theo hình cây thập tự hoặc theo chữ Hy lạp chi. Đối với Justin, đây là một lối diễn tả khác về căn tính của Logos, ‘thứ quyền năng tiếp liền bên Thượng Đế vô song, (quyền năng đó) đã được đặt theo hình chữ thập nơi vũ trụ’ sau này chúng ta sẽ thấy các nhà minh giáo đã bàn kỹ lưỡng về triết học ngoại giáo đối với ‘những hạt giống của Lời’ như thế nào. Giờ đây, cùng với Justin chúng ta xem xét khái niệm của ngài về Logos Mầm Giống. Tất nhiên không có vấn đề duy văn hóa nơi Justin, không có ý định làm phép rửa cho toàn bộ triết học ngoại giáo. Đức Kitô là tiêu chuẩn chân lý trọn vẹn nhất.
Chúng ta được dạy rằng Đức Kitô là Người Con Một của Thiên Chúa, và trước đây chúng tôi cũng giải thích rằng Người là Lời (lý trí) mà toàn thể nhân loại được chia sẻ vào đấy, và tất cả những ai sống theo lý trí đều là Kitô hữu, mặc dù họ bị xếp vào hạng vô thần. Chẳng hạn: nơi các người Hy lạp có Abraham, Ananias, Azarias, và Misael, và Elias và nhiều người khác nữa[2].
Tôi tuyên xưng rằng tôi đã cầu nguyện và cố gắng hết sức để có thể chứng tỏ thế nào là một kitô hữu: không phải vì lẽ những lời dạy của Plato là những lời dạy trái ngược với những lời dạy của Đức Kitô, nhưng bởi vì chúng không hoàn toàn đồng nhất với những lời dạy của Người: cũng như trường hợp các đạo lý của những nhóm khác, những người khắc kỷ, các thi sĩ và các tác giả khác cũng vậy. Vì những người trong lúc chia sẻ với Logos phong nhiêu thần thiên; đang khi đó những ai đi ngược lại với những người trên về những vấn đề quan trọng hơn thì chắc chắn không nắm bắt được sự khôn ngoan giấu ẩn và tri thức không thể phi bác. Do đó, bất cứ điều gì đã được nói lên một cách đúng đắn bởi bất cứ người nào, thì đều thuộc về kitô hữu chúng ta: vì bên cạnh Thiên Chúa, chúng ta thờ phượng và yêu mến Logos vốn xuất phát từ Thiên Chúa khôn tả; vì chúng ta mà Người đã làm người, đã chia sẻ những đau khổ của chúng ta, để chữa lành chúng ta. Vì tất cả mọi văn gia đều có thể nhìn ra thực tại một cách còn tăm tối, nhờ hạt giống Logos tiềm ẩn nơi họ. Vì có được mầm giống của một điều và mô phỏng nó tùy theo khả năng của một người là một chuyện khác; còn chính điều đó nếu được chia sẻ và được mô phỏng vì chính ân điển của nó thì lại khác xa đấy[3].
Justin thường tự nhận là một triết gia và cố tập trung vào chân lý thuần lý của Kitô giáo. Tuy nhiên, quan niệm của ngài về Ngôi Lời được ghép vào mang lấy hạt giống, lại rất sâu sắc về mặt thần học. Logos là tác nhân của Thiên Chúa trong việc tạo dựng, cũng hiện hữu trong thể thức vãi gieo. Những hạt giống của Ngôi Lời nơi tư tưởng loài người giúp cho những ai không phải là kitô hữu ‘nhìn ra thực tại một cách mịt mờ’. Chân Lý Thần Thiêng đã ăn rễ nơi các nhà truyền thống của họ, nhưng chưa được nhận biết đầy đủ.

Quan niệm của Justin về Logos đã được các nhà thần học hồi giữa thế kỷ XX nhắc đến rất nhiều, sau suốt 16 thế kỷ phải đương đầu trước thực tại đa nguyên văn hóa. Nó đem lại một hình ảnh phù hợp cho mối tương quan giữa những gì ngoài Kitô giáo với Kitô giáo, một hình ảnh lạc quan có thể đem lại một lợi điểm tích cực từ cuộc gặp gỡ năng động giữa các niềm tin. Những hạt giống báo trước việc lớn lên, phát triển, tiến hóa sáng tạo. Mối tương tác của các truyền thống tôn giáo trong lịch sử như những thực tại sống đã là nền tảng cho mạc khải tiến triển và cho tăng trưởng trong Chân Lý[4].

Quan sát Logos gieo hạt khắp thế giới đang hoạt động và nhận diện những “hạt giống của Lời” không phải là một công việc dễ dàng. Đặc biệt, Justin đã thành thạo về những tương đồng bề mặt chưa được nhận ra giữa ngoại giáo và Kitô giáo. Như ta từng biết, mỗi hệ thống tôn giáo đều có ma trận biểu tượng của mình. Charles Davis đã đi xa hơn cho rằng có một ‘trung tâm’ của cơ cấu[5] biểu tượng đó. Chân Lý của Thiên Chúa ngự ở trung tâm này và đạt đến tầm mức viên mãn Chân Lý trong việc Ngôi Lời nhập thể được các Kitô hữu tuyên xưng. Ngôi Lời không được nhận biết đầy đủ qua một tiến trình đối thoại thuần túy về ngôn ngữ. Những hạt giống đi đến trưởng thành qua kinh nghiệm thấm nhập liên văn hóa và sau cùng là HNVH. Mặc dù tiến trình HNVH có thể được kích thích bởi các nhà thần học và các chuyên viên khác trong những lãnh vực khác của đời sống Kitô hữu, những hạt giống của Lời chỉ có thể được xác minh rõ ràng post factum. Hầu hết những thần học gia nào nghiêm chỉnh nghiên cứu về một nền thần học ‘được HNVH’ đều vận dụng nhiều kiểu mẫu tư tưởng và thái độ của cộng đoàn mà họ đại diện.

Mặc dù HNVH là một trong những đầu đề thần học hấp dẫn của các nước thuộc Thế Giới Thứ Ba, đặc biệt là Phi Châu, và mặc dù hầu hết các nhà thần học Phi Châu đều dấn thân vào một tiến trình HNVH một cách ý thức, rất ít người có thể thanh lọc được một nền thần học nào về HNVH. Điều này khá gây ngạc nhiên trong viễn tượng nhấn mạnh Kitô học nơi các nhà thần học Phi Châu. Một trường hợp ngoại lệ là Efoé-Julien Pénoukou miền Benin, người đã mặc nhiên công nhận một mối liên kết mạnh mẽ giữa Kitô học và HNVH, mối liên kết được khởi hứng bởi quan niệm của thánh Justin về Logos mang lấy hạt giống[6].

Đối với Pénoukou, HNVH là vấn đề nghiêm chỉnh duy nhất của Giáo Hội Phi Châu. Đây không phải là thỏa hiệp với ngoại giáo, như một số người Công giáo sùng đạo nhưng lại tha hóa về mặt văn hóa đã giả thiết một cách sai lầm. Không hề là một hình thức ‘apartheid về thần học’, đây là một hạn từ rất màu sắc của Pénoukou đối với chủ trương duy văn hóa. Phân biệt chủng tộc là từ khước yêu thương những người khác trong dáng vẻ khác biệt của họ, và đó không phải là Kitô giáo. Tình yêu phổ quát phải thừa nhận và trân trọng những khác biệt về văn hóa. Sống đức tin đòi hỏi việc HNVH và thừa nhận các dân tộc khác cũng có quyền lợi trước một đức tin đã được HNVH. Pénoukou coi HNVH như hậu quả trực tiếp của giới răn lớn.
Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 37, 39).
Đức Kitô Đấng mặc lấy xác phàm, là Ngôi Lời mà nơi Người mọi sự được tạo thành. Điều này có nghĩa rằng Người ở trung tâm mọi văn hóa nhân loại, Người liên quan đến bất cứ điều gì là thực là tốt nơi những nền văn hóa đó và Người khiến cho chúng trở thành phương tiện chuyển tải ơn cứu độ. Đức Kitô đã hiện diện ở những truyền thống tôn giáo ngoài Kitô giáo trước khi Tin mừng được công bố cách minh nhiên. Việc Nhập Thể của Đức Kitô tiến xa hơn và là bước chung cuộc tiến vào mối liên đới giữa Đức Kitô với văn hóa nhân loại. Do đó, mặc dù Pénoukou đã minh nhiên coi việc HNVH như một vấn đề niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã sinh ra, đã chịu chết và sống lại vì chúng ta, thì nền tảng cho cuộc đối thoại giữa Tin mừng và văn hóa lại đã bén rễ sâu nơi chính bản tính nhân loại được tạo thành.

Do đó mà các nền văn hóa ngoài Kitô giáo của Phi Châu đều không đi ngược với Kitô giáo. Chúng không lỗi thời qua việc Nhập Thể hay qua việc loan báo Tin mừng về Đức Kitô. Các nền văn hóa phải mở cửa cho Tin mừng và Tin mừng cũng phải mở cửa cho các nền văn hóa Phi Châu. Đức Kitô nhập thể đã đem lại cho tất cả ý nghĩa đầy đủ hơn qua cuộc sinh ra, sống, chết và phục sinh xét như một con người và một thành viên của một nền văn hóa nhân loại. Phi Châu vẫn cứ là Phi Châu, bất chấp việc lục địa này được Phúc Âm Hóa. Tuy nhiên, dù mịt mờ hay tăm tối, cuộc đối thoại giữa Logos vĩnh cửu của Thiên Chúa với các nền văn hóa nhân loại đã được xúc tiến kể từ khi tạo thành vũ trụ.

Bất chấp sự nhấn mạnh của Pénoukou về Logos đã có từ trước, ông vẫn đặt nặng việc hoán cải vốn phải đi theo việc loan báo Tin mừng. Các truyền thống nhân loại phải quay về với Đức Kitô. Chúng không phải là một thứ gì tuyệt đối, nhưng chính Thiên Chúa ở nơi Đức Kitô mới là tuyệt đối. Lý do cho thấy các sự kiện văn hóa phải được chất vấn trong ánh sáng lời kêu gọi yêu thương của Thiên Chúa và cây thập tự của Đức Kitô, đó chính là vì cuộc thoại mặc nhiên giữa Logos và văn hóa đã được tiếp nối rõ ràng sau cuộc Nhập Thể. Đó chỉ là cùng một tiến trình mà thôi, được tăng cường qua biến cố Đức Kitô. Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể Logos luôn luôn thách đố các truyền thống văn hóa nhân loại. Sau cuộc Nhập Thể, cuộc thách đố đã trở nên một thách đố quyết liệt. Giờ đây, hơn bao giờ hết, Thiên Chúa không đứng về phía cái chết hoặc với sự dữ trong bất cứ truyền thống văn hóa nào. Biến cố Kitô là một tiếng kèn kêu gọi nền văn hóa phải trung thực với chính mình và phải biến chuyển một cách sáng tạo về “viên mãn” (pleroma).

Pénoukou thừa nhận rằng luôn luôn phải có chỗ để tranh luận về nội dung hiện nay của trung tâm sứ điệp Kitô giáo, vì việc HNVH liên quan đến lối sống cụ thể hiện nay. Có ba vấn đề phải đặt ra: chúng ta làm thế nào để phân biệt đâu là Kitô giáo hoặc không Kitô giáo nơi truyền thống Phi Châu? Phải chăng một quan niệm của Âu Châu về thế giới là cần thiết như một kiểu mẫu cho Phi Châu? Là Kitô hữu, làm thế nào để chúng ta có thể cổ động những truyền thống Phi Châu? Tất cả những vấn đề trên sẽ được giải đáp đó đây. Điểm lưu ý cho chúng ta lúc này về nhà thần học này, đó là cách thức mà trong đó quan niệm của thánh Justin về Logos Mầm Giống được hồi sinh và được áp dụng cho tiến trình Phúc Âm Hóa tại Phi Châu và cho tương lai phục hồi Kitô giáo nơi nền văn hóa Phi Châu.

LOGIC CỦA VIỆC NHẬP THỂ

Nếu nền thần học đương đại có phục hồi ý niệm về Logos gieo vãi thế gian (a world-seeding Logos), và do đó đã thúc đẩy cuộc đối thoại giữa Lời và văn hóa đến tận cuộc tạo dựng, thì nó cũng dùng đến nhiệm cuộc Nhập Thể như một kiểu mẫu cho HNVH. Trong ví dụ trên, chúng ta thấy làm thế nào việc Nhập Thể lại phù hợp với mô hình đặt trọng tâm vào Logos hiện hữu từ trước. Trong thần học của Công Đồng Vatican II, chúng ta cũng thấy Nhập Thể được coi như điểm khởi hành cho lối am tường về HNVH[7]. Quả vậy, đây là một trong những nhận định sáng tạo nhất của Công Đồng. Trong các tư liệu Công Đồng, kiểu mẫu nhập thể không chỉ đồng hiện hữu với ý tưởng ‘những mầm giống của Lời’, nhưng còn với quan niệm về ‘thích nghi’ mà không vượt lên trên mức độ thích nghi văn hóa hoặc ngay mức độ một ý tưởng về Giáo Hội một hỗn hợp nguyên khối văn hóa. Sẽ có lúc chúng ta xem xét những tư liệu Công Đồng cách chi tiết, còn lúc này chỉ cần ghi nhận rằng kiểu mẫu nhập thể nắm một vai trò quan trọng trong việc khai triển khái niệm HNVH và – ít nhất về mặt lý thuyết – trong việc từ khước thích nghi. Tưởng cũng nên nhắc lại những lời của các Giám mục Phi Châu và Madagascar vào Thượng Hội Đồng 1974:
Các Giám mục Phi Châu và Madagascar coi như hoàn toàn lỗi thời cái gọi là thần học mệnh danh thích nghi. Thay vào đó, họ chấp nhận thần học nhập thể[8].
Đường lối áp dụng lần đầu tiên tính loại suy Nhập Thể gợi lên rằng nó phục vụ cho điều gọi là một ‘nền Kitô học từ trên cao’. Mục tiêu của HNVH được so sánh với Người Con của Thiên Chúa mang lấy xác phàm và đón nhận văn hóa nhân loại như một đồng hành cần thiết cho bản tính nhân loại của mình. Nói khác đi, mô hình là một kiểu gia nhập văn hóa của Đức Kitô, việc giáo dục của nền văn hóa của Người trong tư cách một người Do thái thế kỷ thứ I miền Galile. Có nhiều giá trị tích cực trong lối so sánh như vậy. Trước hết, như ta đã thấy, chủ đề chính của HNVH là chính Đức Giêsu, là Đức Kitô mà Tin mừng làm chứng. Qua cuộc đối thoại với văn hóa, Đức Giêsu đã hội nhập nhiều truyền thống kế tục nhau. Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến, Đức Kitô nơi các chi thể của mình thì cũng chính là ‘người Phi Châu’ (chẳng hạn). Người chấp nhận các nền văn hóa nhân loại và tự diễn tả chính mình qua các nền văn hóa đó. Người cũng sống theo lối sống của các nền văn hóa đó.

Thứ hai, tính loại suy cho thấy Đức Kitô cần đến các nền văn hóa để có thể mở rộng Tin mừng Nước Trời của Người và chia sẻ cuộc sống của mình với nhân loại. Có thể có tác vụ không cụ thể đối với Đức Giêsu nếu như Người không chấp nhận các khái niệm văn hóa, các biểu tượng và động thái của những kẻ nghe Người. Mối liên đới của Người về văn hóa với cộng đoàn ở Palestin vào thời của Người, đó là điều kiện cần thiết để có thể liên lạc với họ. Đối với Giáo Hội ở mọi nơi mọi thời thì vấn đề cũng như thế HNVH là một nhu cầu để tiếp tục sứ vụ của Đức Kitô.

Thứ ba, việc giáo dục văn hóa của Đức Kitô trần thế, việc Người chấp nhận nền văn hóa con người chuyên biệt, đã đưa Người vào toàn vẹn tiến trình lịch sử của việc thông giao giữa các nền văn hóa. Điều này là sáng tỏ ở nơi Tâ Ước, như ta sẽ thấy. Dẫu sao như đã ghi nhận, các nền văn hóa không đứng riêng biệt, chúng tương tác như thể đó là chuyện đương nhiên. Qua việc chấp nhận căn tính văn hóa nhất định, Đức Kitô đã chấp nhận những đường lối mà nền văn hóa ảnh hưởng đến, và chịu ảnh hưởng bởi những nền văn hóa khác. Thái độ riêng của Người đối với các nền văn hóa nói chung và đối với văn hóa nhóm thiểu số Samaria và những người Roma thống trị về mặt văn hóa nói riêng sẽ được xét đến sau này. Ở đây chỉ cần nói rằng Đức Giêsu chấp nhận tiến trình liên văn hóa như một kết quả việc Người tham gia văn hóa, và điều này là một tiền đề đủ để cho Giáo Hội tiếp tục sứ vụ của Người.

Việc Nhập Thể có một thứ logic riêng của mình. Một khi mầu nhiệm của Ngôi Lời làm người được nắm bắt, thì những ý nghĩa coi như vô tận. Mỗi thực tại văn hóa đều có danh giá và được chuyển đổi. Một giá trị mới thì áp đặt trên bất cứ những gì là thực và tốt trong những truyền thống nhân loại. Việc cử hành mầu nhiệm Nhập Thể tại các nước Thế giới Thứ Ba, theo tôi, nhắm đến việc nhấn mạnh HNVH – mà trong thực tế đó là lễ hội HNVH. Những mục đồng Maasai của Kenya và Tanzania kể câu chuyện làm thế nào họ tìm gặp lãnh đạo tiên tri đầu tiên hay là Laibon. Trước đây họ không có lãnh đạo. Rồi một ngày kia một trong số những chiến binh của họ thấy một đứa trẻ xa lạ đứng một mình trong bụi rậm. Họ hỏi xem em có muốn chăng và em đó trả lời rằng mình muốn được nhận vào một trong những bộ lạc của Maasai. Các chiến binh đã đưa con trẻ về trại của mình và một trong số họ đã nhận em làm con nuôi. Đứa trẻ bắt đầu nói tiên tri và làm những phép lạ và theo dòng thời gian đã trở nên thủ lĩnh hàng đầu của người Maasai. Câu chuyện dễ thương đã được nhiều dân tộc của Đông Phi sáng tác theo những hình thức khác nhau, và nó có thể là đầu mối để cho người Phi Châu hiểu được biến cố Giáng Sinh. Nơi Đức Kitô, Phi Châu đã đón nhận một đứa trẻ huyền diệu, được trời sai xuống và khiến cho người trở thành phần tử của gia đình. Kết quả là những phép lạ về ân sủng xảy ra và một lãnh tụ mới đã được tìm thấy.

Bất chấp tính cách khích động của nó, tính loại suy của Nhập Thể có những bất cân bằng trầm trọng nếu như bị giới hạn nơi việc gia nhập văn hóa của Đức Giêsu, và những bất cân đối này có thể dựa trên sự kiện là thuật ngữ về nhập thể đã được thế chỗ rộng rãi bởi ngữ vựng xã hội học là HNVH. Dù thuật ngữ có vẻ buồn nản và không trữ tình. ‘HNVH’, hơn là ‘nhập thể’, ngày nay đang là thuật ngữ được các nhà thần học ưa chuộng hơn.

Trước hết, nếu khái niệm Nhập Thể bị giới hạn vào việc giáo dục văn hóa của Đức Kitô dưới thế, khi áp dụng loại suy cho tiến trình Phúc Âm Hóa thì người ta có ấn tượng rằng điều này tương xứng với việc Tin mừng lần đầu tiên đi vào văn hóa. Việc hiểu biết hội nhập văn hóa như một cuộc đối thoại đang diễn ra giữa Tin mừng và văn hóa bị lờ đi hơn kém. Đây là một khiếm khuyết nghiêm trọng có thể được vượt qua nếu khái niệm về Nhập Thể được mở rộng để bao gồm toàn vẹn mầu nhiệm Kitô giáo, đời sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô và hiệu quả những điều đó cho nhân loại. Đối với một số nhà thần học, công bằng mà nói, người ta phải ghi nhận rằng từ ngữ ‘nhập thể’ đôi khi được dùng như tóm tắt mầu nhiệm Đức Kitô mà việc Nhập Thể đã khai mào.

Thứ hai, và bất chấp những gì đã nói ở trên về những hàm ý liên văn hóa của việc Nhập Thể, trong thực tế tính loại suy đã khuyến khích lối nhìn một chiều về HNVH. Sở dĩ có như vậy, vì đó là một nền Kitô học ‘từ trên cao’. Kiểu mẫu chủ yếu là kiểu mẫu Logos vĩnh cửu, một hữu thể thần thiêng đã có từ trước, nay mặc lấy xác phàm. Dĩ nhiên không thể nào một trí tuệ con người có thể hiểu được một hữu thể đã có từ trước là như thế nào, vì chúng ta chỉ gặp được Người Con của Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, vốn như thế. Người ta sẽ bị cám dỗ ngay bởi tính loại suy để cho rằng HNVH trong những thuật ngữ về một yếu tính lạ lùng được đưa vào một nền văn hóa nhân loại cụ thể. Như chúng ta từng, không có thế giới của những yếu tính. Sứ điệp Kitô giáo – chính Đức Kitô – đã được chuyển từ văn hóa sang văn hóa, lịch sử sang lịch sử. Nói theo ví dụ hình ảnh điện, đó là tia lửa điện xẹt lên khi bật lên công tắc thích nghi văn hóa. Do đó, hiểu như vậy thì việc Đức Kitô gia nhập văn hóa là một biến cố độc nhất và không thể lặp lại được. Ngày nay, trong tiến trình HNVH, không có sự thụ thai đồng trinh, cũng chẳng có chuyện ‘từ trời xuống thế’. Một khi đã khai mở, việc Nhập Thể còn tiếp tục trên mặt đất này để lần lượt tuyển chọn các nền văn hóa qua những tiến trình lịch sử thông thường và qua sự thông giao nơi nhân loại.

Thứ ba, kiểu mẫu – nhập thể có thể khuyến khích người ta chịu thua cơn cám dỗ của thái độ duy văn hóa. Trong khi tập trung vào việc Đức Giêsu gia nhập văn hóa, việc Người đón nhận và đồng hóa ra sao trước một nền văn hóa chuyên biệt, chúng ta có thể quên không tìm hiểu cách thức mà chính Người thách đố nền văn hóa mà Người đón nhận. Chúng ta bị thấm nhập biết bao bởi khái niệm Người Con Thiên Chúa đến học đòi cách sống của con người, đến độ chúng ta lờ đi việc Người chống cự lại truyền thống đó của con người, và việc Người đề nghị việc nhìn lại triệt để con đường mà những người đồng thời với Người vẫn hiểu. Như vậy nếu chỉ xét đến sự hòa hợp giữa Đức Kitô và văn hóa thì chưa đủ. Cũng còn phải xét đến sự thách đố của Người như ‘một kẻ xa lạ’.

Tất cả những khiếm khuyết trên trong kiểu mẫu - nhập thể được sửa chữa khi có một lối tiếp cận đầy đủ hơn đối với mầu nhiệm Ngôi Lời làm người. Quả vậy, đây là điểm phê bình thần học chính yếu của thần học cần phải có về việc loại suy giữa Nhập Thể và HNVH. Người ta không thể chỉ dùng nguyên khía cạnh – Đức Kitô – biến cố để soi sáng cuộc đối thoại giữa Tin mừng và văn hóa. Toàn bộ mầu nhiệm Đức Kitô, cuộc thương khó cái chết và phục sinh, phải được áp dụng cách loại suy cho tiến trình HNVH. Chỉ khi nào đạt được điều đó thì mới đạt tới lối hiểu Kitô giáo về HNVH. Cần phải nhấn mạnh việc chuyển tiếp từ Nhập Thể đến Mầu Nhiệm Phục Sinh.

THÁCH ĐỐ CỦA MẦU NHIỆM PHỤC SINH

Ta sẽ có được một hình ảnh về tiến trình HNVH rõ ràng hơn và sâu sắc hơn khi ta sử dụng Mầu Nhiệm Phục Sinh như một loại suy chứ không phải chỉ việc Nhập Thể mà thôi. Mầu Nhiệm Phục Sinh thì không tách rời khỏi việc Nhập Thể, vì Phục Sinh là mục tiêu của Nhập Thể. Việc Nhập Thể diễn ra là để cho nhân loại có thể được cứu độ và có thể nhận biết được Chân Lý[9]. Công cuộc cứu độ loài người được hoàn thành chủ yếu qua Mầu Nhiệm Phục Sinh, cái chết cứu chuộc của Đức Kitô và sự sống lại lên trời vinh hiển như Đức Chúa. Đức Giêsu đã chết, như mọi con người đều phải chết, nhưng việc Người Phục Sinh lại khiến Người có một hình thức hiện hữu hoàn toàn mới lạ. Các môn đệ cảm nghiệm Đức Kitô Phục Sinh như hoàn toàn khác biệt và lại vô cùng thân mật và lại gần gũi với họ trong đức tin.

Việc Phục Sinh khiến cho Đức Kitô vượt trên những giới hạn thể lý của đời sống trần thế bị trói buộc bởi thời gian, không gian và, dĩ nhiên, bởi văn hóa. Những tiếp xúc liên văn hóa của Đức Kitô trần thế nhất định phải bị giới hạn. Sau buổi Phục Sinh, Đức Kitô tức khắc thuộc về mọi nền văn hóa. Phục Sinh khiến cho Người có thể minh nhiên đồng hóa với các nền văn hóa của mỗi thời, mỗi nơi qua việc công bố Tin mừng cho mọi dân nước. Phục Sinh khiến cho có thể đưa Chúa Thánh Thần đến với các dân của mọi nền văn hóa và điều này có thể biểu trưng hữu hiệu qua những gì xảy ra hôm lễ Ngũ Tuần, khi dân chúng thuộc nhiều ngôn ngữ khác nhau đã nghe và hiểu được một ngôn ngữ của đức tin duy nhất. Như vậy, Mầu Nhiệm Phục Sinh, liên kết mật thiết với chính tiến trình HNVH. Sở dĩ như thế là vì nhờ sự Phục Sinh mà chúng ta trở thành các chi thể của Đức Kitô, và Đức Kitô, nơi các chi thể của Người, có thể trở thành người Phi Châu, người Ấn Độ, người Mỹ…vv

Gạt qua một bên mối tương quan nhân quả giữa Mầu Nhiệm Phục Sinh và việc HNVH, thì còn vấn đề xa hơn, đó là phải sử dụng Mầu Nhiệm Phục Sinh như một loại suy cho HNVH. Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Liệu có thể nói rằng một nền văn hóa chết và lại phục sinh khi nó gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh? Việc loan báo Tin mừng, loan báo Đức Kitô Phục Sinh là Đức Chúa của hoàn vũ, nhất thiết là một thách đố cho truyền thống nhân loại. Chúng ta đã từng ghi nhận rằng các nền văn hóa không luôn luôn trung thành với những soi sáng tốt nhất và thực nhất. Tin mừng mời gọi các dân tộc đánh giá lại những nền văn hóa của mình trong ánh sáng của những giá trị mới triệt để – những giá trị đưa tư tưởng con người hoàn toàn đảo ngược. Những nền văn hóa cần được Phúc Âm Hóa và cần phải làm cuộc metanoia hay hoán cải ở mức độ sâu xa nhất. Chúng ta cần phải ‘chết’ cho tất cả những gì không xứng đáng với nhân loại trong các truyền thống, tất cả những gì là hiệu quả của tội lỗi lầm lạc xã hội chất chồng. Nếu các cơ cấu của nhân loại có thể bị hư đi vì tội lỗi, thì các nền văn hóa của con người cũng có thể lạc lối như vậy. Các nền văn hóa có thể là tội lụy hoặc phá hoại. Chúng có thể là ‘những nền văn hóa sự chết’ hơn là văn hóa sự sống[10].

Như vậy, hiển nhiên là các nền văn hóa được Đức Kitô kêu gọi để ‘chết đi’ cho tất cả những gì chống lại với sự thiện tối hậu của nhân loại. Chúng ta cần được thanh tẩy và được khuất phục trước bằng chứng của thập giá, vì Thập Giá, như Newman nhắc cho chúng ta, đã đặt một giá trị mới trên mọi hành vi, mọi biến cố, mọi ngôn từ hoặc tư tưởng[11]. Chỉ trong ánh sáng của ‘đạo lý thập giá’ thì người ta mới có thể nhận ra giá trị thực sự của văn hóa nhân loại. Đối diện trước thử thách của Đấng đã chết và đã sống lại, các nền văn hóa được kêu gọi chết đi để có thể phục sinh cho một huy hoàng lớn lao hơn.

Đức Kitô Phục Sinh đã được những kẻ theo Người cảm nghiệm như một thực tại mới triệt để, một tạo thành mới, mặc dù những câu chuyện về việc Chúa hiện ra luôn luôn nhấn mạnh đến tính cách liên tiếp với Đức Kitô trần thế, với tính cách thân thế của Người, qua việc ‘bẻ bánh’ đặc biệt của Người. Cũng chính là một Đức Kitô, nhưng đã biến đổi triệt để. Các môn đệ cũng có thể mang gánh sự cách biệt thể lý với Người cùng với sự vui mừng và nhìn nhận sự hiện diện tiếp tục của Người trong những cộng đoàn qua Chúa Thánh Thần. Sau cùng, họ được củng cố để vượt qua những giới hạn cộng đoàn và văn hóa của họ để loan báo kerygma về Đấng Kitô Phục Sinh là Đức Chúa.

Tương tự như Mầu Nhiệm Phục Sinh, nền văn hóa nào đi vào cuộc đối thoại xây dựng với Đức Kitô đều được biến chuyển triệt để. Thông qua Chúa Thánh Thần, Đức Kitô Phục Sinh được cảm nhận như một ngôi vị hiện diện trong khung cảnh xã hội – văn hóa. Thông điệp phổ quát của Đức Kitô Phục Sinh làm rõ nét yếu tố được chia sẻ nơi cảm nghiệm nhân loại và dễ dàng có được sự trao đổi giữa các nền văn hóa. Nghe theo kerygma là một lời mời gọi gửi đến một nền văn hóa phải vượt trên những giới hạn của mình.

Mặt khác, có một liên tục thực sự với nền văn hóa tiền – Kitô giáo. Sau khi được Phúc Âm Hóa, một nền văn hóa xét về căn tính vẫn là cùng một nền văn hóa trước đó. Dẫu sao, nó vẫn có thể dễ nhận biết hơn, chính xác hơn. Những giá trị và những soi sáng tích cực của nó càng trở nên sáng tỏ hơn và hấp dẫn hơn, đó là kết quả của tiến trình ý nghĩa. Do đó, mầu nhiệm phục sinh được coi như một loại suy thỏa đáng hơn cho việc HNVH, xét từ mọi quan điểm. Nó lưu ý đến tính liên lạc và đổi mới cũng như mọi khía cạnh của tính liên văn hóa.

Tuy nhiên, việc sử dụng Mầu Nhiệm Phục Sinh theo lối loại suy như vậy không được phép khuyến khích một quan điểm tĩnh về HNVH. Đức Kitô Phục Sinh ‘nay đang sống và không còn chết nữa’. Ở nơi Người, cuộc tranh chấp đã giải quyết xong và giờ đây thì vinh quang của Người là vĩnh cửu, bất biến. Đây không phải là trường hợp của nền văn hóa được Phúc Âm Hóa. Sau khi Đức Kitô được tuyên bố và được công khai là Đức Chúa, cuộc chiến đấu để trung thành với mạc khải đó vẫn còn tiếp tục. Một nền văn hóa từng được Kitô hóa có thể chẳng còn lưu ý gì đến Giáo Hội, và lịch sử thì đầy những gương xấu. Cái chết và sự phục sinh của một nền văn hóa dưới ảnh hưởng của Thánh Linh Đức Kitô còn chưa ngã ngũ, trừ ra lúc cùng tận lịch sử. Cuộc đối thoại giữa văn hóa và Đức Kitô Phục Sinh là một tiến trình không ngơi nghỉ. Ngay cả ở nơi mà một nền văn hóa vẫn luôn luôn trung thành với ý muốn của Đức Kitô, thì nó chỉ có thể làm được điều đó qua một cuộc đổi mới không ngừng. Sở dĩ có như vậy là vì chính văn hóa không phải là một hiện tượng tĩnh. Nó luôn luôn khai triển và đổi thay, vì nó tác động cũng như phản ứng trong mối thông giao giữa các nền văn hóa. Đức Kitô phục sinh chấp nhận tính đa phức về căn tính văn hóa khi các thành viên của những nền văn hóa đó qua đức tin và phép rửa trở thành chi thể của Người. Đây là ngoại trương văn hóa của Đức Kitô phục sinh trải qua thời gian và không gian, nhưng điều này còn tùy thuộc vào sự cộng tác của các chi thể đó. Qua đức tin và lòng trung thành của họ, thì ngoại trương văn hóa đứng vững hay ngã đổ. Đối với ngoại trương lịch sử và địa dư lớn lao hơn, thì điều đó tùy thuộc vào những nỗ lực sáng tạo của các Kitô hữu trong việc vượt trên những giới hạn của tôn giáo riêng mình và đem xác tín cũng như dấn thân của mình để gây ảnh hưởng trên đời sống xã hội và văn hóa. Sau cùng, nó còn tùy thuộc vào tính cách liên tục của việc truyền giáo và đưa kerygma của Đức Kitô Phục Sinh từ văn hóa đến văn hóa và từ lịch sử đến lịch sử.

Trên đây chúng ta đã xét đến ý tưởng của thánh Justin cho rằng Logos Mầm Giống thế giới, ngay từ lúc tạo dựng, đã cấy vào nơi nhiều truyền thống văn hóa nhân loại những mầm mống của một Chân Lý mà sau này được mạc khải trọn vẹn nơi việc Nhập Thể. Chúng ta cũng đã nhận xét HNVH từ chính quan điểm Nhập Thể: sự kiện Đức Kitô, qua việc Nhập Thể, tuân theo tiến trình học tập nơi mỗi nền văn hóa, múc kín những điều phong phú của truyền thống đó và làm cho chúng được cao thượng hơn. Ta phải nói gì về Mầu Nhiệm Phục Sinh trong tương quan với những giá trị tích cực từng hiện diện nơi các nền văn hóa trước khi có việc loan báo kerygma?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta có thể nhờ đến một đoạn văn đặc biệt trong Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay của Công Đồng Vatican II. Các Nghị Phụ đã nói đến ơn gọi của chúng ta là những người cộng sự (partners) trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, và các ngài đã phải nói thế này:
Người Kitô hữu chắc chắn cần thiết và có bổn phận chiến đấu chống sự dữ dầu phải trải qua nhiều gian nan cũng như phải chết nữa. Nhưng vì được dự phần vào Mầu Nhiệm Phục Sinh, được đồng hóa với cái chết của Chúa Kitô, được mạnh mẽ nhờ đức cậy, họ tiến lên đón nhận ngày sống lại.
Điều nói trên không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn. Thực vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào Mầu Nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi[12].
Như vậy, chúng ta phải đương đầu với xác tín của Công Đồng rằng ngay những con người không minh nhiên chấp nhận Đức Kitô đều cũng là những người cộng sự trong Mầu Nhiệm Phục Sinh, được kêu gọi chết đi và sống lại, và làm điều này ở mức độ văn hóa cũng như mức độ cá nhân. Cần phải nói rằng Thiên Chúa không cứu độ con người trong sự đối nghịch với nền văn hóa của họ. Văn hóa là một phần của họ và do đó họ được cứu độ xuyên qua văn hóa, chứ không phải bất chấp văn hóa. Điều này có nghĩa rằng Đức Kitô Phục Sinh đã tác động nơi những nền văn hóa ngoài – Kitô giáo, dù là theo một đường lối tiềm ẩn.

Điều này lại nảy sinh vấn đề về cách thức diễn tiến. J.B. Metz đã nêu lên vấn nạn là một quan điểm như vậy loại bỏ những người không phải Kitô hữu ra ngoài lịch sử ơn cứu độ Kitô giáo và việc thực hành của Giáo Hội[13]. Cách nào đó họ bị tách khỏi ký ức lịch sử của Đức Kitô, và Metz thắc mắc làm thế nào những người không phải Kitô hữu có thể được Mầu Nhiệm Phục Sinh ảnh hưởng đến xét như một biến cố lịch sử trước khi biến cố ấy diễn ra hoặc trước khi họ ý thức được mối liên quan đó. Câu trả lời của Kari Rahner trước lời phê bình này là nhắm đến một ký ức hữu hiệu về Mầu Nhiệm Phục Sinh có tác dụng tiến tới hoặc hồi lui[14]. Ký ức này đã hoạt động nơi những người ngoài Kitô giáo như một khả thể tiên thiên về cảm nghiệm lịch sử. Những tiên liệu (anticipations) như vậy Mầu Nhiệm Phục Sinh có thể được coi như mang một hình thức lịch sử và là thành phần của một thực hành biểu lộ lịch sử hay mạc khải. Nhìn như vậy, chúng là thành phần trong ‘tiền sử’của Đức Kitô Phục Sinh.

Viễn tượng này làm nảy sinh vấn đề khác về sự quan phòng cho những tiên liệu lịch sử ấy trong mối tương quan với sự lớn lên và phát triển của Giáo Hội. Những tiên liệu ngoài Kitô giáo như vậy về Đức Kitô có thể bị giới hạn và mặc nhiên thôi, nhưng chúng vẫn mang tính Kitô giáo cách nghịch thường, tùy theo mức độ chúng phù hợp với chân lý về Đức Kitô và tùy theo mức độ quyền năng của Đức Kitô Phục Sinh có tác dụng cứu độ trên chúng. Do đó, chúng không bị khai trừ khi diễn ra tiến trình Phúc Âm Hóa. Trái lại, chúng được coi là ‘những đồng minh’ quan trọng của Đức Kitô Phục Sinh trong cuộc đối thoại của Người với văn hóa. Hơn nữa, dường như chúng đem lại những soi sáng và những áp dụng liên quan đến sứ điệp Kitô giáo và khiến cho lối hiểu Kitô giáo về thế giới được lớn lên và tiến bộ.

Trên đây chúng ta đã xét HNVH về mặt Kitô học, từ những quan điểm Tạo Dựng, Nhập Thể và Mầu Nhiệm Phục Sinh. Tất cả những lối tiếp cận đó đều có những lợi điểm riêng và những thiếu sót riêng. Nên không thể tập trung vào một thứ và bãi bỏ những thứ khác. Cũng không thể cho rằng những nẻo đường thần học khác nhau như vậy khi đi vào vấn đề lại có thể mâu thuẫn hoặc loại trừ lẫn nhau. Bản tính chúng không phải vậy, vì chúng là những lối tiếp cận từng phần cho cùng một vấn đề, tức là cuộc đối thoại giữa Đức Kitô với nhiều nền văn hóa khác nhau. Như vậy, chúng bổ túc nhau chứ không phải mâu thuẫn nhau.

Aylward Shorter,
Toward a Theology of Inculturation, 
Part Two : Theology of Inculturation
6. Christology and Inculturation
(Orbis Books, 1999)
[1] Ad Gentes 11,22. 
[2] Justin, Apologia, I. 44, tr. Bettenson 1956, p.83. 
[3] Justin, Apologia, II. 13, tr. Bettenson 1956, pp. 87-8. 
[4] Cf. Shorter 1983, p. 238. 
[5] Davis 1970, p. 103. 
[6] Pénoukou 1984. 
[7] Ad Gentes, 22. 
[8] AFER, Vol 17, No. I, 1975, p.58. 
[9] 1 Tm 2,4. 
[10] Diễn văn của John Paul II về Năm Thánh của Giới Trẻ, 1984, L’Osservatore Romano (Engl) 17. 
[11] Newman 1868, Vol. 6, pp. 84-5. 
[12] Gaudium et Spes 22. 
[13] Metz 1980, p. 158ff. 
[14] Rahner 1981, pp. 47-9.