Thứ Ba, 3 tháng 1, 2017

VIỆC NHẬP THỂ VÀ SỰ TỰ DO CỦA THIÊN CHÚA

Thời sự Thần học – Tháng 12/2008, tr. 112-121

Giuse Hoàng Văn Hoà, O.P.

Người ta muốn tìm cho biết lý do của việc Con Thiên Chúa làm người? Có lẽ câu trả lời không hải chỉ là câu trả lời cho biết. Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triển khai một cách sâu sắc khi khẳng định rằng: “Đức Giêsu chính là sự tinh khôi vượt xa mọi sự chờ đợi của loài người và từ đời này sang đời kia, Ngài vẫn cứ như thế. Thế nên, sự nhập thể của Con Thiên Chúa và sự cứu độ mà Ngài đã hoàn thành qua cái chết và sự sống lại của mình đúng là tiêu chuẩn cho ta dựa vào để đánh giá mọi sự việc và mọi nỗ lực nhằm làm cho cuộc sống trở nên nhân bản hơn” (Incarnationis Mysterium, số 1).

Sau khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ rơi nhân loại, trái lại Người đã hứa ban một Đấng Cứu Thế. Với sự quan phòng đặc biệt và đầy tình thương xót, Thiên Chúa đã nhóm lên trong lòng con người niềm khát vọng ơn cứu độ. Mối tương quan giữa nhập thể và cứu độ đặt nền trên tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Thật vậy, “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Tất cả những công trình ngoại xuất của Thiên Chúa đều hàm chứa những điều hoàn hảo qua việc thông ban chính mình. Thế mà nhập thể là sự thông ban chính mình trọn vẹn nhất, trong đó “Thiên Chúa thông ban chính bản thể của mình cho thụ tạo, và đưa thụ tạo kết hợp với mình trong sự duy nhất về ngôi vị.”[1] Như vậy, Ngôi Lời nhập thể là trọng tâm của chương trình cứu độ, quy hướng về phần rỗi của nhân loại đến độ “lịch sử của chúng ta hiện nay cũng như tương lai của nhân loại đều nhờ Ngài mà trở nên sáng tỏ. Ngài là Đấng Hằng Sống, Đấng Hiện Có, Đã Có và Đang Đến.”[2]

Thế nhưng, khi chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể, nhiều khi con người tự hỏi liệu việc Thiên Chúa nhập thể có là điều cần thiết tuyệt đối cho nhân loại hay không? Thiên Chúa là Đấng quyền năng, tại sao Người không dùng phương thế cứu chuộc khác mà lại sai Con Một của mình nhập thể giữa lòng nhân loại? Truyền thống thần học cho thấy mầu nhiệm nhập thể không chỉ dừng lại ở chỗ đáp ứng những đòi hỏi của con người mà còn chứng tỏ tình yêu vô biên của Thiên Chúa. 

I. Nhập thể - sự biểu lộ tình thương của Thiên Chúa 

Tước bỏ chính mình

Nhập thể, xét về phía Thiên Chúa, tiên vàn cho thấy một Thiên Chúa đã tước bỏ chính mình, trở nên người phàm và sống giữa nhân loại: “Đức Giêsu Kitô, bản thân vốn là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân tôi đòi, trở nên giống phàm nhân; xuất hiện dưới hình dạng phàm nhân. Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi phải chết, mà chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). 

Từ địa vị Thiên Chúa, Ngôi Lời đã mặc lấy bản tính con người và sống kiếp nô lệ. Thiên Chúa vinh quang giờ đây ở cùng nhân loại trong thân phận một con người như muôn vàn người khác, chia sẻ và gánh lấy tất cả những yếu đuối của kiếp người, ngoại trừ tội lỗi. Hơn nữa, Người còn đón nhận cái chết nhục nhã trên thập giá để cứu độ nhân loại. Đây có thể coi là một bài thánh thi của Giáo hội thời tiên khởi trong đó thánh Phaolô diễn tả nhập thể như sự từ bỏ chính mình của Thiên Chúa. Từ bỏ chính mình hệ tại việc trở nên người trần, vừa gánh lấy lịch sử nhân loại, vừa vâng phục đến chết vì loài người.

Việc tước bỏ chính mình nơi Đức Kitô Giêsu rất phù hợp với sự hoàn hảo, vốn gắn liền với bản tính thần linh của Ngôi Lời: “Điều gì thuộc về chính bản tính của mỗi vật thì phù hợp với vật ấy […]. Bản tính của Thiên Chúa là sự thiện hảo. Do vậy, tất cả những gì thuộc về lý tính của sự thiện thì phù hợp với Thiên Chúa. Vậy mà đặc tính của sự thiện là thông ban chính mình cho vật khác […]. Do đó, điều phù hợp với sự thiện tối cao đó là thông ban mình cho thụ tạo theo cách thức trổi vượt nhất.”[3]

Tình yêu nhưng không

Nhập thể là dấu chỉ tuyệt hảo biểu lộ tình thương của Thiên Chúa đối với con người, một tình yêu nhưng không mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Quả thực, ý định cứu độ của Thiên Chúa trước tiên là quy tụ vạn vật nơi trời cao cũng như cõi dương thế về một mối là Đức Kitô khi thời gian tới hồi viên mãn (xc. Ep 1,10). Từ đó, nhân loại có thể nhận ra ý định cứu độ chính là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa đối với con người nhằm giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi cũng như sự chết. 

Sự lỗi phạm đến Thiên Chúa, con người tự sức mình không thể đền bù tương xứng nếu Thiên Chúa không ra tay trước. Vì thế, nhằm cứu thoát con người khỏi vòng tội luỵ, hoặc Thiên Chúa xoá bỏ sự đền bù mà con người phải đền, hoặc Thiên Chúa thực hiện sự đền bù đó bằng cách khác. Thế nhưng, sự cứu chuộc vẫn luôn tuỳ thuộc tình thương của Thiên Chúa. Trước thực trạng yếu đuối và bất toàn của con người, Thiên Chúa đã dành cho con người một tình yêu vô biên. Và Thiên Chúa đã tặng ban Con Một của Người để cứu độ muôn dân. Nói như tư tưởng của thánh Augustinô thì việc Thiên Chúa nhập thể là vì tình thương, bởi lẽ ngay khi con người còn thù nghịch cùng Thiên Chúa thì Người vẫn nhập thể để sẵn sàng chịu chết cho nhân loại. (De Catech. 4,7; R 1103). Như vậy, nhập thể, một đàng Ngôi Lời từ bỏ chính mình trong hoạch định của Thiên Chúa; đàng khác chính Thiên Chúa biểu lộ tình yêu cao cả vô biên, đáp ứng niềm ngong ngóng đợi chờ Đấng Cứu Thế của nhân loại. 

II. Nhập thể - xứng hợp với Ngôi Lời

Mầu nhiệm ngôi hiệp nơi Đức Kitô 

Khi tới thời gian viên mãn, Ngôi Lời đã thực hiện công việc nhập thể. Tác giả thư Hípri đã xác quyết: “… Vào những ngày sau hết này, Thiên Chúa đã phán với chúng ta qua một Người Con” (Hr 1,2). Khi nhập thể, Ngôi Lời chấm dứt quá khứ đen tối của nhân loại và khởi đầu thời kỳ cứu độ. Lịch sử cứu độ bước sang trang mới.

Đức tin của Giáo hội dạy rằng, mầu nhiệm nhập thể cốt yếu hệ ở sự kết hợp giữa bản tính nhân loại và bản tính Thiên Chúa trong cùng một Ngôi vị nơi Chúa Kitô. Theo chứng từ của các sách Tin mừng, giữa đêm đông giá lạnh, Ngôi Lời đã hạ sinh trong cảnh nghèo hèn. Tại sao Ngôi Lời lại phải mặc lấy xác phàm để trở nên giống như chúng ta? Nói như thánh Irênê thì: “Vì một tình yêu bao la, Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở nên như chúng ta để chúng ta được nên hoàn thiện như Người” (Adv. Haer., 5 proef.; R 248). Thế nên, Ngôi Lời nhập thể đã mang lấy thân phận tội luỵ của ta và trở nên Con Chiên đền tội thay cho nhân loại. Qua cuộc khổ nạn, Con Thiên Chúa đã tự hiến tế và cứu chuộc chúng ta. 

Vì thế, giáo phụ Tertulianô đã tự vấn: “Tại sao Đức Kitô đã mặc lấy con người? Chính là để cứu con người: phục hồi cái gì đã hư mất.” (De Carne Christi, 14). Như vậy, chủ đích của việc nhập thể hay việc Ngôi Lời mặc lấy xác phàm chính là để cứu độ nhân loại, giải thoát nhân loại khỏi sự chết và trả lại cho con người sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Lý do xứng hợp 

Việc nhập thể của Ngôi Lời được nhìn nhận như sự đặc cử hữu hình của Chúa Con. Chúa Cha vì yêu thương nhân loại nên đã phái chính Con Một của Người đến trần gian này. Kinh Thánh nói rõ: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Chúa Con được sai đến không phải làm theo ý riêng của mình, nhưng là thực thi thánh ý của Chúa Cha. Chính Chúa Con khẳng định: “Tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai phái tôi” (Ga 6,38). 

Vì thế, khi nghiên cứu thần học nhập thể, người ta thường đưa ra nhiều lý do cho thấy việc nhập thể xứng hợp với Ngôi Lời.[4] Thứ nhất, Ngôi Lời là Đấng mà nhờ Người muôn vật được tác thành (xc. Ga 1,3). Do đó, một đàng Ngôi Lời đến để phục hồi lại bản tính vốn bị hư hỏng bởi tội con người là điều thích hợp; đàng khác, Ngôi Lời vốn là sự thượng trí của Thiên Chúa nên càng thích hợp hơn trong việc sửa chữa những sai lầm mà con người vấp phạm. Thứ hai, Ngôi Lời là hình ảnh chiếu giãi vinh quang và phản ánh trung thực bản thể của Chúa Cha (xc. Hr 1,3). Như thế, sẽ là điều thích hợp khi Ngôi Lời nhập thể phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi con người vốn đã bị biến dạng và méo mó do tội gây nên. Thứ ba, Ngôi Lời là Con Chúa Cha theo bản tính, đồng thời có cùng bản thể với Chúa Cha. Và khi con người được cứu độ nhờ Ngôi Lời nhập thể thì con người chính thức lãnh nhận ơn nghĩa tử của Thiên Chúa, tức là trở thành anh em của Chúa Kitô và được đồng thừa kế với Người. Ơn này giúp con người sống tương quan với Thiên Chúa và thông phần vào sự sống của Đức Kitô Giêsu (xc. Gl 4,5). 

Về sau, thánh Tôma Aquinô cũng tiếp nối ý tưởng đó khi lập luận rằng: “Quả là thích đáng việc con người đạt được sự tương tự với vị thế con Thiên Chúa theo cách thông dự nhờ vào Đấng là người Con theo bản tính, như thánh Tông đồ đã viết: những ai mà Người vẫn biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ được nên đồng dạng với hình ảnh Con của Người.”[5]

III. Nhập thể - cần thiết nhưng không tuyệt đối

Nhập thể là cần thiết

Vì tất cả nhân loại đều đắm chìm trong tội lỗi nên không ai trong họ có thể đứng ra giải thoát loài người khỏi ách nô lệ của tội. Trái lại, duy một mình Thiên Chúa, Đấng bị tội lỗi xúc phạm, mới có quyền năng cứu chuộc con người khỏi hư vong. 

Thánh Phaolô dạy rằng: “Mọi người đã phạm tội và bị mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân sủng Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 3,23). Theo thánh nhân, dù là Do thái hay lương dân, tất cả đều bị ràng buộc bởi tội. Họ chỉ trở nên công chính nếu được ban tặng tình yêu nhưng không của Thiên Chúa qua công trình cứu chuộc của Ngôi Lời nhập thể. Tình yêu của Thiên Chúa có thể tái lập trật tự siêu nhiên mà con người đã đánh mất hoặc tội lỗi đã huỷ hoại. 

Ngoài ra, giáo lý của các thánh giáo phụ cũng diễn tả cách minh nhiên về tính thiết thực của việc nhập thể.[6] Thánh Irênê tuyên bố: “Chính Thiên Chúa là Đấng cứu thoát họ vì họ không thể cứu thoát” (Adv. Haer. 3,21,2). Thánh Grêgôriô Nyssa đã khẳng định: “Bản tính nhân loại không thể được cứu thoát khỏi sự chết, nếu Thiên Chúa không ban sự cứu thoát cho chính họ” (Adv. Apoll., 51). Hoặc nói như thánh Augustinô thì “dân Do thái đã có thể bán mình và trở nên nô lệ tội lỗi, nhưng họ không thể chuộc mình cho khỏi tội lỗi” (In Ps 129,12). 

Hơn nữa, công đồng Trentô trình bày thật rõ ràng: “Mỗi người phải nhìn nhận và tuyên xưng rằng, vì tất cả mọi người không còn trong trắng do Adong đã lỗi bổn phận, đã trở nên nhơ nhớp như lời thánh tông đồ nói là ‘những đứa con của giận dữ tự bản tính’ chiếu theo sự trần thuật về tội nguyên tổ, họ là những người nô lệ tội lỗi, lệ thuộc ma quỷ và sự chết đến nỗi không những người ngoại giáo nhờ những sức lực tự nhiên, mà cả người Do thái nhờ luật Môsê, cũng không thể giải thoát mình hay gỡ mình khỏi tình trạng đó” (D 793). 

Trong khi đó, cứu độ là giải thoát con người khỏi vòng tội luỵ và phục hồi tình trạng ân sủng mà con người đánh mất do phạm tội. Ân sủng đó vốn mang tính nhưng không mà con người không thể chiếm được bằng sức tự nhiên của mình. Nhờ ân sủng, ngay từ đầu con người trở nên nghĩa thiết với Thiên Chúa. Ngược lại, khi mất ân sủng, con người hoá thành thù địch của Thiên Chúa. Không có phương cách nào của nhân loại có thể tái lập tình nghĩa thâm sâu với Thiên Chúa nếu không kể đến lòng nhân từ của Người, bởi lẽ tội lỗi như là hành động của một thụ tạo thì hữu hạn, nhưng xét về mặt xúc phạm đến Thiên Chúa vô hạn thì nó vô hạn, đòi buộc phải có sự đền bù có giá trị vô hạn. Một sự đền bù có giá trị như thế, một con người bình thường không thể nào thực hiện được.[7]

Quả thực, con người trong tình trạng sa đoạ thì không ai có thể cứu được mình, trừ khi Thiên Chúa ra tay can thiệp. Thánh Tôma Aquinô đã vận dụng những lý lẽ sau để chứng tỏ việc nhập thể cần thiết cho con người: “Lẽ thứ nhất, bởi vì dường như đức công bình đòi hỏi rằng ai phạm tội thì người ấy phải bồi hoàn; do vậy đòi phải có một người thuộc cùng một bản tính đã hư hỏng vì tội, đứng ra để bồi hoàn cho tất cả bản tính ấy. Lẽ thứ hai, để làm tăng thêm phẩm giá của con người, sẽ là điều thích đáng nếu kẻ chiến thắng tên quỷ dữ là một người thuộc cùng một dòng giống với kẻ đã bị hắn đánh bại. Lẽ thứ ba, theo cách này thì quyền năng Thiên Chúa càng được biểu lộ cách tỏ tường hơn, vì Người đã nhận lấy một bản tính đầy tội luỵ và yếu hèn, đồng thời nâng nó lên đến một phẩm giá và đức hạnh trổi vượt đến thế.”[8] Tuy nhiên, dù việc nhập thể của Ngôi Lời là cách thế hoàn hảo và cần thiết cho con người nhưng không phải là điều tuyệt đối vì Thiên Chúa có thể cứu chuộc con người bằng những phương thế khác.

Phải chăng nhập thể là điều cần thiết tuyệt đối?

Khi đề cập đến mục đích của việc nhập thể, thánh Anselmô tự hỏi: “Cur Deus Homo?” Khi đưa ra câu trả lời, thánh nhân quan niệm nhập thể là điều xứng hợp và tuyệt đối cần vì: “Cần phải trả lại danh dự đã mất hay buộc phải phạt, bởi vì nếu không thì Chúa sẽ không công bằng với chính mình hay bất lực đối với cả hai việc trên.” Trong khi đó, thánh Athanasiô quả quyết: “Chúa có thể phán một lời là giải quyết được số phận của ta.” Còn thánh Auguntinô thì dõng dạc trả lời cho những người ngớ ngẩn hỏi rằng: “Chúa khôn ngoan không thể dùng cách khác mà cứu loài người, ngoại trừ cách mặc xác rồi chịu mọi thứ đau khổ như thế ư? Xin thưa rằng hoàn toàn có thể.”[9] Về sau, thần học kinh viện, với khuôn mặt tiêu biểu là thánh Tôma Aquinô, cũng cho rằng Thiên Chúa toàn năng, Ngài có thể cứu loài người khỏi tội bằng nhiều cách thức khác nhau mà không cần đến việc nhập thể của Ngôi Lời, thậm chí Thiên Chúa có thể tha bổng mọi tội nợ cách vô điều kiện.[10]

Thực vậy, Thiên Chúa toàn năng, Người có thể làm mọi sự, nếu tự nó không mâu thuẫn hoặc trái ngược hữu thể của Chúa. Khi nói việc nhập thể tuy cần nhưng không cần tuyệt đối để cứu độ thì cũng hàm ý rằng Thiên Chúa có thể sử dụng những phương thức khác hầu cứu thoát con người.[11] Thứ nhất, Thiên Chúa có thể tha thứ cách nhưng không vì điều đó không đối nghịch với lòng nhân từ của Chúa. Vả lại, Chúa cũng không mâu thuẫn với chính mình khi không đòi trả lẽ công bằng, vì nơi Chúa công bằng cũng chính là tình thương. Thứ hai, việc nhập thể không cần tuyệt đối, bởi lẽ nếu không có việc nhập thể, thì Thiên Chúa có thể bằng lòng về một việc đền tội khác nơi con người cách tương đối hoặc thuộc loại đền bồi không cân xứng. Sở dĩ việc đền tạ tội lỗi được coi là xứng hợp vì dựa trên lòng nhân từ của Thiên Chúa. 

Nhìn chung, Thiên Chúa có nhiều cách để cứu độ nhân loại. Thế nhưng, nhập thể vẫn là cách xứng hợp và cần thiết với con người. Việc Ngôi Lời nhập thể cho thấy sự công bằng tuyệt đối minh nhiên. Xét vì tội phạm đến Chúa thì kẻ đền tạ hay lập công cân xứng hoàn toàn nhất chỉ có Thiên Chúa. Bởi lẽ con người không hội đủ điều kiện tất yếu này. Nhưng Thiên Chúa, xét theo bản tính Thiên Chúa, thì không thể lập công hay đền tội. Do đó, để có sự công bằng tuyệt đối thì Thiên Chúa cần nhập thể để Người có thể lập công hoặc đền tội không phải như là Thiên Chúa, nhưng như là một con người có bản tính Thiên Chúa.[12]

Sự cộng tác của con người trong việc cứu độ

Nhập thể, xét trong chiều kích cứu độ, đã nâng cao phẩm giá con người. Việc con người trở nên bất tử không thể đạt được từ nỗ lực của bản thân nhưng là nhờ công cuộc nhập thể của Chúa Kitô. Chính thánh Irênê và thánh Athanasiô có cùng tư tưởng ấy: “Thiên Chúa trở nên con người ngõ hầu con người trở nên Thiên Chúa” (Adversus haereses III, 19,1 và De Incarnatione Verbi, 54).

Dù đã ban Con Một để cứu chuộc nhân loại nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của con người. Thiên Chúa muốn con người cộng tác vào chương trình cứu độ của Người. Người mời gọi con người tự nguyện tham gia vào việc cứu độ chính mình. Khi ấy, công trạng của tội nhân được công chính hoá sẽ có giá trị hơn nhờ nỗ lực của bản thân kết hợp với ân sủng của Thiên Chúa. Bởi lẽ, không ai trong chúng ta có thể giải thoát và kiện toàn chính mình mà không cần Thiên Chúa. Do đó, đứng trước mầu nhiệm nhập thể, nhân loại cần biết khiêm tốn nhìn nhận tình thương cao cả của Thiên Chúa như thánh Ambrôsiô đã từng ca tụng: “Chỉ vì Chúa đã nhiệt tâm lo phần rỗi bạn mà hầu như Người đã liều ban Con Một Người để cứu bạn” (Epist. ad Diognetum, 7-9). Có như thế, con người mới dễ dàng cộng tác vào công cuộc cứu độ cho chính mình nhờ ân sủng Thiên Chúa. Nói theo tư tưởng và tinh thần của thánh Augustinô thì “Thiên Chúa tạo dựng bạn mà không cần tới bạn, nhưng Thiên Chúa sẽ không cứu bạn nếu bạn không cộng tác” (Sermo 169: De Verbis apostolis Pauli (Phil. 3,3-16) contra Pelagianos, cap.11, n.13, PL 38, col. 923).

Kết luận

Tóm lại, mầu nhiệm nhập thể luôn là sự biểu tỏ tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa có nhiều cách để giải thoát con người khỏi vòng tội lỗi. Thế nhưng, khi thấy trước sự sa ngã của con người, Thiên Chúa đã hoạch định cho Con Một của Người đến trần gian mặc lấy xác phàm để cứu độ nhân loại. Việc Thiên Chúa nhập thể là điều thích đáng vì chỉ mình Đấng Thần Nhân mới đủ khả năng đền tội thay cho chúng nhân một cách dư tràn. Hơn nữa, con người vốn là hình ảnh của Thiên Chúa nên việc Ngôi Lời nhập thể, vừa mang bản tính Thiên Chúa vừa mang bản tính loài người chính là để giúp con người phục hồi địa vị làm con Thiên Chúa. Nói theo tư tưởng của thánh Phaolô thì “cũng như vì sự sa ngã của một người duy nhất mà mọi người đi tới án phạt, thì cũng thế, nhờ hành vi công chính của một người duy nhất, mà mọi người đạt tới sự công chính, nghĩa là được sống” (Rm 5,18). Con người chẳng có công trạng gì cho đáng được ơn cứu độ, bởi đó sự nhập thể là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban tặng con người, dẫu con người có quay lưng bội ước. Ý tưởng này, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã triển khai một cách sâu sắc khi khẳng định rằng: “Đức Giêsu chính là sự tinh khôi vượt xa mọi sự chờ đợi của loài người và từ đời này sang đời kia, Ngài vẫn cứ như thế. Thế nên, sự nhập thể của Con Thiên Chúa và sự cứu độ mà Ngài đã hoàn thành qua cái chết và sự sống lại của mình đúng là tiêu chuẩn cho ta dựa vào để đánh giá mọi sự việc và mọi nỗ lực nhằm làm cho cuộc sống trở nên nhân bản hơn.”[13]
_______
[1] Xc. Fernando Ocáriz, Lucas F. Mateo Seco, José Antonio Riestra, Il mistero di Cristo, Roma, 2000. Bản dịch của Lâm Văn Sỹ, TTHV Đaminh, 2006, tr. 67. 
[2] Gioan Phaolô II, Tông sắc Incarnationis Mysterium, số 1. 
[3] ST III, q. 1, a. 1. Trích lại của Fernando Ocáriz, Sđd., tr. 67. 
[4] Xc. Fernando Ocáriz, Sđd., tr. 69. 
[5] ST III. q. 3, a. 8. Trích lại của Fernando Ocáriz, Sđd., tr. 69. 
[6] Xc. A. Drexel, Ngôi Lời nhập thể cứu chuộc, Không rõ dịch giả, 1970, tr. 8-9. 
[7] Xc. ST III, q. 1, a. 2. Trích lại của Ludwig Ott, Kitô học, Bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Văn Trinh, ĐCV Thánh Giuse, 2001, tr. 105. 
[8] ST III, q. 4, a. 6. Trích lại của Fernando Ocáriz, Sđd., tr. 71. 
[9] Xc. PL. 54, 353. 
[10] Xc. ST III, q. 1, a. 2. 
[11] Ngôi lời nhập thể, một vấn đề hiện tại, Không rõ tác giả, tr. 17-18. 
[12] Ngôi lời nhập thể, một vấn đề hiện tại, Sđd., tr. 19. 
[13] Incarnationis Mysterium, số 1.