Thứ Hai, 5 tháng 12, 2016

THẦN HỌC NHẬP THỂ THEO THÁNH GIOAN

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 13-18

Phương Tây
viết theo R.E. Brown, Incarnation in Theology of St. John

Vì “nhập thể” theo nghĩa chữ là “đi vào hay trở thành nhục thể”, nên khi nói về nhập thể theo thánh Gioan, tự nhiên chúng ta nghĩ tới “Ga 1,14” “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể”. Điều đó có ý nghĩa gì?

SỰ KIỆN NHẬP THỂ

Sự kiện nhập thể có tầm mức rất quan trọng trong các tác phẩm của Gioan (tức là Tin mừng và các thư của Người). Chúng ta nhận thấy thư 1 Gioan đặc biệt nhấn mạnh đến sự kiện Đức Giêsu Kitô đến trong xác phàm. Có lẽ những lạc giáo thời sơ khai cũng nhấn mạnh đến những điểm như thế. Phái Docetisme chủ trương rằng: nhân tính của Đức Kitô chỉ là bề ngoài, là ảo ảnh, qua đó Thiên Chúa giao tiếp với con người. Cerinthus cho rằng Đức Kitô, Đấng thiêng liêng đã ngự xuống trên Đức Giêsu, một con người bình thường lúc Người chịu phép rửa tại sông Giođan, và ở lại với Đức Giêsu cho tới trước cuộc khởi nạn. Ông ta phân cách Đức Giêsu và Đức Kitô làm hai, và cho rằng Đức Kitô đã không từng chịu đau khổ hay đổ máu. Chống lại những những phủ nhận như thế về việc nhập thể, thư 1 Ga 4,2-3 đã quả quyết: “Phàm thần khí nào nhận biết Đức Giêsu Kitô đã đến trong xác phàm là thuộc về Thiên Chúa”, và 1 Ga 5,6 nhấn mạnh rằng: Đức Giêsu Kitô đã đến nhờ nước và máu, không chỉ với nước mà thôi – nghĩa là Đức Giêsu là Đấng Kitô không chỉ vào lúc Người lãnh nhận phép rửa (nước), nhưng trong suốt cuộc đời và qua cuộc tử nạn của Người (máu). Điều đó bảo đảm cho thực tại Ngôi Lời nhập thể dường như chi phối nhiều đoạn Tin mừng, chẳng hạn Tin mừng Ga 6,51 cũng nhấn mạnh đến Thịt và Máu của Con Người. Nhất là Gioan 19,34-35 long trọng chứng thực rằng máu cũng như nước chảy ra từ cạnh sườn Người có lẽ nhằm chống lại lý thuyết của bè rối Docetisme.

Khi các bản văn của Gioan nhấn mạnh đến thần linh của Đức Giêsu (có lẽ xác thực hơn các bản văn khác của Tân ước) thì đồng thời, cũng nhấn mạnh đến nhân tính đích thực của Chúa Giêsu.

NHỮNG HÀM ẨN TRONG VIỆC NHẬP THỂ 

Là một thần học gia lớn, thánh Gioan không thể không tuyên bố về sự kiện nhập thể; mục đích của Người không phải là hộ giáo. Đúng hơn, chủ yếu Người muốn giải thích rõ ràng cho các độc giả kitô hữu sự kiện này đối với họ có ý nghĩa gì. Nếu đặc biệt lưu ý đến Ga 20,31, chúng ta sẽ thấy Người viết cho những người đã tin vào Đức Giêsu Kitô (để anh em tin…) và nếu chấp nhận niên biểu vẫn thường dùng cho bản văn cuối cùng của Tân ước (những năm cuối thế kỷ I sau CGS), thì chúng ta nhận thấy tác phẩm này gởi tới cộng đoàn đã có niềm tin từ lâu.

Về nhiều mặt, các vấn đề của những kitô hữu này có lẽ không xa lạ gì với chúng ta. Họ đã lãnh nhận phép Rửa và Thánh Thể, hai nguồn ân sủng chính yếu. Nhưng điều đó có liên hệ gì với Đức Giêsu, Đấng rao giảng tại miền Galilê? Thực ra, lời rao giảng cổ xưa nhất của Giáo hội được trân trọng lưu giữ trong các Tin mừng Nhất lãm nói với chúng ta rằng: Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ làm phép Rửa nhân danh Thiên Chúa và tưởng nhớ cái chết của Người qua phép Thánh Thể. Tại sao thế? Chính Tin mừng Gioan sẽ trả lời câu hỏi đó. Mặc dù Gioan không thuật lại lệnh truyền làm phép Rửa và lập Thánh Thể trong bữa Tiệc ly, nhưng Người nhận thấy rằng có hai bí tích này và tìm cách chứng tỏ rằng chúng bắt nguồn từ sứ vụ của Đức Giêsu và trong việc nhập thể.

Sự kiện Ngôi Lời hóa thành nhục thể còn có ý nghĩa sâu xa hơn là việc mặc lấy bản tính nhân loại. Nghĩa là trong mọi cách thế cư xử với nhân loại, Con Thiên Chúa sẽ hành động như một con người và hành xử qua những công việc của thân xác.

Ngày nay, trong một vài lãnh vực, người ta có khuynh hướng coi những cuộc tranh luận nảy lửa của các thế kỷ Kitô giáo ban đầu về Ngôi Vị và bản tính của Chúa Giêsu là hoàn toàn khó hiểu. Nhưng những cuộc tranh luận này cho thấy rằng tự nhiên các kitô hữu đã coi vấn đề quan trọng làm sao và không chấp nhận sự lờ mờ về thần tính và nhân tính đích thực của Chúa Giêsu. Gần đây, để đối phó với những cuộc tự do công kích, các tín hữu Chính thống giáo đã nhấn mạnh đến khía cạnh Đức Giêsu không kém Thiên Chúa chút nào, điều này có nguy cơ làm lu mờ khía cạnh Người là một con người hoàn toàn ngoại trừ tội lỗi. Cả ngày nay nữa, cuộc tranh luận thần học về những giới hạn của kiến thức nhân loại nơi Đức Kitô chứng tỏ rằng các thần học gia đã không khai thác đủ những gì bao hàm trong nhân tính Đức Kitô.

Trước các thính giả kitô hữu của mình, thánh Gioan đã trình bày nhân tính đó cách rõ ràng khi cho thấy Đức Kitô vẫn tiếp tục hành động trong Giáo hội Người qua bí tích Rửa tội và bí tích Thánh thể. Như vậy, Đức Kitô chỉ tiếp tục điều Người đã làm khi còn tại thế suốt thời gian thi hành sứ vụ. Nếu Chúa Con đã tự trời xuống thế suốt thời gian để nâng con người lên (3, 13-16), thì Người cũng hành động như vậy qua những gì thuộc về trần gian này. Khi nói với người đàn bà Samaria (4, 13-14), Đức Giêsu nhấn mạnh đến nước là nguồn sống cho con người. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa đã tạo thành con người bằng cách thở hơi vào con người và ban cho họ Thần Khí hay hơi thở của Người (St 2,7). Giờ đây, qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thở hơi Thánh Thần của Người trên con người (20,22) và tác sinh họ từ trên cao (3,3). Nhưng Người đã không hành động như thế cách vô hình và không thể cảm thấy được. Đức Giêsu, Đấng đã dùng nước tự nhiên để rửa con người và thông ban Thần Khí của Người cho họ. Đoạn 3,5 nói đến sự tái sinh từ trên cao nhờ nước cũng như nhờ Thần Khí. Thật ra, Thần Khí đã không được thông ban (nếu đi sát bản văn Hylạp 7,39. Thần Khí không phải là một thực tại đối lập với con người) cho tới khi Đức Giêsu được nâng cao trên thập giá, và Nước cùng Máu chảy ra từ cạnh sườn Người và đó là lúc (19,30) Người trao ban Thần khí.

Lại nữa, qua vật chất như bánh và rượu mà Đức Giêsu đã ban cho con người lương thực đời sống vĩnh cửu. Đức Giêsu nhấn mạnh Thịt và Máu Người thật là của ăn và của uống (6.56) và con người không thể có sự sống nếu không nhờ chúng (6,54). Chúng là những lương thực còn đích thực hơn là bánh và cá Người đã hóa nhiều.

Vì vậy, khi nói rằng Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, thánh Gioan còn muốn nói điều gì sâu xa hơn sự kiện nhập thể. Toàn thể sứ điệp của Thiên Chúa trong ý nghĩa trọn vẹn nhất của chữ “Lời”, đã tự giới hạn không thể hiểu được trong lãnh vực nhục thể, thánh Gioan đã chứng minh điều đó bằng cách nhấn mạnh: Đức Giêsu đã thông ban một ân huệ lớn nhất của Người, đó là chính cuộc sống mình xuyên qua những gì thuộc về thế giới này. Bí tích Rửa tội và Thánh thể, máu huyết của sự hiện hữu Kitô giáo trong Giáo hội chỉ là lời giải thích những điều được bao hàm trong việc nhập thể.

ÁP DỤNG THẦN HỌC

Như D. Bonhoeffer, một thần học gia Tin lành đã nhận định, ngày nay, một trong những thất bại lớn nhất tôn giáo phải chịu là chỉ chấp nhận vai trò bên lề cuộc hiện sinh nhân loại. “Người ta không thể tìm thấy những nhà vô thần bên lề cuộc sống” (nguyên bản: hố cá nhân) là một châm ngôn biểu trưng một thế giới quan cho rằng chỉ nguy hiểm, đau khổ, nhu cầu và sự chết mới gợi lên sự hiện diện của Thiên Chúa. Và theo một khía cạnh nào đó, tôn giáo mặc nhiên chấp nhận như thế khi công khai tuyên bố mục đích của mình là cứu rỗi linh hồn như thể đó là mục tiêu duy nhất duy nhất của mình. Giáo lý đã không dạy chúng ta rằng lý do hiện hữu của nhân loại là biết, yêu và phục vụ Thiên Chúa ngay ở trần gian này và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Người ở đời sau sao?

Phải, ở đời này! Tôn giáo phải có tính trần gian, xét theo ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ ngữ “Thiên Chúa đã yêu trần gian đến nỗi đã ban chính Con Một của mình cho nó” (3,16; 1 Ga 4,9) và Đức Giêsu đã không bao giờ quên rằng Người đến như ánh sáng soi trần gian (8, 12). Dù chúng ta có nhấn mạnh đến mục đích sứ vụ của Người là loan báo Vương quốc đến trong thời gian (theo Tin mừng nhất lãm) hay ban sự sống cho nhân loại (theo Gioan), thì đó cũng chỉ là sứ mạng đến với trần gian, ít khi Người nói đến thiên đàng và hỏa ngục, nếu có thì chỉ là khái quát. Sự quan tâm của Người là biết, yêu, và phục vụ Thiên Chúa trong cuộc sống này – điều đó chúng ta có thể làm được. Người để cho Chúa Cha định đoạt phần thưởng mai hậu. Chúa Con nhập thể để dạy cho con người biết cách sống ở đời này và không nhất thiết để tỏ lộ những bí nhiệm đời sau.

Khi nói về thế gian không tin vào mình (7,7), Đức Giêsu tỏ ra rất nghiêm khắc. Nhưng Người cố gắng dùng tình yêu để đánh động nó (14,31). Mục đích của Người là cứu vớt thế gian (3,17; 12,47) – một mục đích đặc biệt đến nỗi Người đã được gọi là Đấng Cứu thế (4,42; 1 Ga 4,14). Đó là lý do Người tìm cách lật đổ đầu mục thế gian (12,31; 14,30) và Người tuyên bố nó như sở hữu của mình. Các môn đệ mà Đức Giêsu sai đi không thuộc về thế gian này như thể họ là sở hữu của thế gian này (17, 14-16) nhưng công việc của họ là tiếp tục đến với thế gian của Đức Giêsu (17,23). Đức tin của họ sẽ vượt thắng cả thế gian (1 Ga 5,4).

Như thế, nhập thể có nghĩa là Giáo hội, thân thể Đức Kitô gắn bó với trần gian này như Thầy mình đã làm. Một khi Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể thì không thể chấp nhận một thứ tôn giáo thần thiêng hoặc một thứ tôn giáo chỉ nhằm đến viễn ảnh thế giới mai hậu. Không ai có thể tìm thấy Đức Kitô ngoài trần gian; cũng như không ai có thể tìm thấy trần gian đích thực ngoài Đức Kitô, vì việc nhập thể đã biến đổi bản chất trần gian. Thực tại trần gian, như Bonhoeffer nhận định, bao gồm cả Thiên Chúa, Đấng đã tỏ hiện nơi Đức Kitô. Ngày nay, có lẽ hơn bất cứ lúc nào, kể từ lúc “nhập thể”, Giáo hội phải chiến đấu để chứng minh vị thế của Đức Kitô trong trần gian này. Giáo hội phải làm cho trần gian nhận biết rằng đó là trần gian của Đức Kitô. Nếu Giáo hội là nơi Đức Giêsu thống trị trên trần gian, thì Giáo hội không thể quay lưng lại vớ trần gian này. Và thực sự Giáo hội chỉ có một cách thế để bảo vệ vị thế của mình trên trần gian này là không đứng bên lề cuộc sống, nhưng là bảo đảm vị thế của Đức Kitô trong mọi cuộc sống và trong toàn thế giới.

Vì thế, chúng ta không thể an phận vơi việc chỉ cứu rỗi phần linh hồn. Cuộc sống này xét như là cuộc hiện sinh của con người quan trọng đến nỗi không thể mô tả nó chỉ như là một “tai họa”. Nếu không thực sự như thế thì Ngôi Lời đã không trở thành nhục thể và Thiên Chúa đã không yêu thương thế gian. Cứu rỗi phần linh hồn là một sự chuyển tiếp từ đời sống phong phú dựa trên việc tiếp nhận Thiên Chúa qua Đức Giêsu và phục vụ nhân danh Người. Thế giới đời sau không tạo nên một sự từ khước thế giới đời này, nhưng là một sự tiếp nối đời sống kitô hữu được khởi sự ngay tại dưới trần gian này. Đó là lý do tại sao thánh Gioan khẳng định rằng kẻ tin thì đã có sự sống đời đời và đã ngang qua sự chết mà vào sự sống (5,24). Sự cứu rỗi phần linh hồn không thể được xem như một phần thưởng an ủi đưa ra để nhử những người không có khả năng đương đầu với những đòi hỏi của cuộc sống trần gian này. Chính vì cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau có sự liên tục mà thánh Gioan có thể nhấn mạnh đến khía cạnh phán xét ở đây và ngay bây giờ (3, 18-19). Con người phải ngợi khen Thiên Chúa ngay ở đời này cũng như đời sau. Thánh ý Thiên Chúa phải được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Trong tâm thần học nhập thể theo thánh Gioan chứa đựng một bài học rất quan trọng cho Giáo hội ở mọi thời đại. Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến trong Nước và Máu là Đấng đảm nhận thân phận con người để biến đổi và cứu độ trần gian thế nào, thì Giáo Hội cũng phải theo gương Đấng sáng tạo mình như vậy.