Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2016

NGÔI LỜI MẠC KHẢI

Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 33-47

Phương Bắc 
viết theo Joachim JERÉMIAS, Revélation dans Le Verbe

Hình thức văn chương của Ga 1,1-18

Xét như lời mở đầu một cuốn sách, thì Tự ngôn trong Tin mừng thứ tư là một trường hợp đặc biệt. Trong Kinh thánh Tân ước, trừ 21 thư, thì 5 văn phẩm còn lại có hai hình thức mở đầu khác nhau.

Hình thức thứ nhất có trong Kh 1,1: 
“Mạc khải của Đức Giêsu Kitô, mạc khải mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ ra cho các tôi tớ Người biết những việc sắp phải xảy đến. Người đã sai thiên thần của Người đến báo cho ông Gioan là tôi tớ của Người biết mạc khải đó”.
Đây cũng là câu tóm tắt nội dung sách Khải huyền.

Lời dẫn vào Tin Mừng Luca cũng vậy, nó cho biết những sưu tập có trước, những nguồn (văn liệu) chủ yếu và tính cách đặc thù của tác phẩm. Và Luca đã đặt lời tựa cho tác phẩm thứ hai, sách Công vụ, bằng lời tóm tắt tác phẩm thứ nhất.

Hình thức thứ hai có trong Matthêu: 
“Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con cháu vua Đavít, con cháu tổ phụ Abraham”.
Và Máccô 1,1 (xin được dịch): 
“Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã khởi đầu công bố Tin Mừng thế này”.
Trong Matthêu và Maccô, đó là lời mở đầu cho chương thứ nhất, nhằm dẫn vào toàn bộ văn phẩm.

Như vậy, cách chung, một cuốn sách được mở đầu hoặc bằng lời phi lộ cho toàn bộ tác phẩm, hoặc bằng lời mở đầu của chương thứ nhất. 

Tin mừng Gioan lại khác hẳn. Tác giả đã đưa ra một lời mở đầu đầy bí ẩn: 
“Lúc khởi đầu, vẫn có Ngôi Lời”.
Để hiểu được tính cách độc đáo này, chúng ta cần phải phân tích hình thức văn chương của Ga 1, 1-18. Có ba nhân xét:

Nhận xét I: Rút từ cấu trúc câu văn (phrase)

Tự ngôn được viết dựa trên tính cách song đối (parallélisme), tức là sự kết hợp các chi câu theo vần điệu đối đáp nhau. Cấu trúc này rất quen thuộc với chúng ta qua các thánh vịnh.

Như thế, Ga 1, 1-18 là một đoạn văn (xuôi), có tính thơ phú. Tự ngôn hiện có, là một bài ca có bố cục chặt chẽ, một bài thơ tôn giáo của những thời đầu trong Kitô giáo, một ca vịnh, một thánh thi về Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời.

Thánh thi này có 4 phần: 
Phần I (1-5): Ngôi Lời của Thiên Chúa.
Phần II (6-8): Nhân chứng.
Phần III (9-13): Số phận của Ngôi Lời trong thế giới.
Phần IV (14-18): Lời tuyên tín của cộng đoàn Kitô hữu.
Thông thường có ba hình thức song đối: song đối đồng nghĩa (câu sau láy lại nội dung câu trước) và song đối phụ nghĩa (câu sau thêm một ý tưởng mới cho câu trước). Nhưng chúng ta lại gặp trong Tự ngôn của Tin mừng Gioan một hình thức song đối khác hẳn và rất ít gặp: song đối tiến cấp (lên thang: parallélisme en marches d’escalier): mỗi câu dùng một từ của câu trước để đi lên.

Mc 9,37: một thí dụ điển hình:
“Ai đón tiếp một em nhỏ như em này
Vì danh Thầy
là tiếp đón chính Thầy;
Và ai tiếp đón Thầy
thì không phải là tiếp đón Thầy
Nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”.
Trong Tự ngôn, hình thức song đối này có nơi: 1,4tt và 12.14.16 (bỏ qua c.15):
“Ở nơi Người, thì đó là sự sống,
và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.
Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối,
và bóng tối đã không triệt được sự sáng”.
“Và chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người,
Vinh quang mà Chúa Cha ban cho
Người là Con Một đầy tràn ân nghĩa và chân lý

Từ nguồn sung mãn của Người,
tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.
Song đối tiến cấp này là hình thức văn chương chính trong Tự ngôn. Nhưng trong một số câu, tính cách này không thật hoàn chỉnh. Chúng ta có thể thấy ở c.14-16. “Tràn đầy ân nghĩa” được lặp lại ở c.16, bỏ qua c.15; trong 12b và 13 cũng thế. Từ nhận xét trên, chúng ta đi đến một nhận xét khác. Đang khi những chỗ song đối tiến cấp khác nhau do từ vựng của Tin mừng thứ bốn, thì những chỗ xen vào vừa làm mất tính tiến cấp, vừa không đúng với ngôn ngữ của Tin mừng Gioan (cc 6-8; 12b-13; 17-18). Như thế, rõ ràng trong Tự ngôn Gioan, có vết tích của một hình thức nguyên thủy và những giải thích của tác giả Tin mừng.

Như trong Pl 2, 6-11, có những câu trích dẫn từ một thánh thi về Đức Kitô có trước thánh Phaolô, rồi Phaolô dặm vào đó những lời giải thích. Bultmann cho rằng Tự ngôn nguyên thủy phát xuất từ nhóm môn đồ Gioan Tẩy giả. Nhưng ngay Lc 1 cũng bác bỏ được lập trường này: các môn đệ Gioan Tẩy giả đã nói rõ về những dấu lạ trong ngày sinh của Gioan, nhưng tiền hữu của chúng không thuộc về Gioan.

Vậy Tự ngôn nguyên thủy phải có nguồn gốc Kitô giáo. Đây là một thánh thi ca tụng Đức Kitô như Thiên Chúa (Christo quasi Deo) trong phụng vụ Tạ ơn hằng ngày.

Nhận xét II:

Đi xa hơn, thánh thi ca ngợi Lời (Logos) là một trong những thánh thi trong Tân ước. Cũng như mọi giáo đoàn thừa sai (églises missionnai) và cộng đoàn sống động, Giáo hội tiên khởi đã là một Giáo hội (nơi ấy người ta) ca hát. Sự thăng trầm của cuộc sống mới, sự tác động của một năng lực thiêng liêng vẫn luôn được những bài hát, những thánh thi và kinh ca ngợi diễn tả. Các ca vịnh nở trên môi mọi người:
“Ước gì Lời Đức Kitô ngự giữa anh em, thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ, khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần khí linh hứng” (Cl 3,16; Xc Ep 5,19).
Kinh nguyện của Giáo hội sơ khai là sự hoan lạc liên lỉ, tức sự hài hòa giữa thờ lạy và chúc tụng.

Trong những thánh thi diễn tả sự hoan lạc này, chúng ta thấy có nhiều đề tài đặc biệt. Không phải ngẫu nhiên mà trong Khải huyền lại có nhiều thánh thi và thánh ca chúc tụng như thế. Những đề tài chính là: ca ngợi Thiên Chúa, Quân Vương vĩnh cửu Con Chiên và hoạt động của ân nghĩa để giải thoát ta. Giáo hội thử thách luôn hướng về tương lai và dù vẫn ở giữa những nghịch cảnh, Giáo hội cũng báo trước sự hoàn tất cánh chung trong những thánh thi này.

Cựu cứu độ cánh chung được báo trước trong hai thánh thi ở chương I Tin mừng Luca: Magnificat và Benedictus. Bên cạnh đó, Rm 11,33tt ca ngợi những đường lối khôn dò của Thiên Chúa; còn 1 Cr 13 lại đề cao đức Ái… cũng có những ca vịnh khác tán dương Đức Kitô: Pl 2, 6-11; Cl 1, 15-20; 1 Tm 3,16; 2 Tm 2,11-13.

Trong các thánh thi vừa nêu, cơ sở gần nhất của Ga 1,1-18 là Pl 2, 6-11. Hai thánh thi này khác các thánh thi khác trong Tân ước không chỉ do hai bài ca này đều nói về Đức Kitô và đều cùng câu Christo quasi Deo của Pline (Xc Pl 2,6; Ga 1,1) nhưng vì cả hai đã trình bày, đã thuật lại và rao giảng lịch sử Đức Kitô. Chúng là những “Heilsgeschichte in Hymnenform” (Lịch sử cứu độ trong hình thức ca vịnh). Đây là một thể văn lấy từ Cựu ước. Trong thể văn này, lịch sử cứu độ được ca hát dưới hình thức những thánh vịnh, nó giống như các thánh vịnh ca ngợi đường lối Thiên Chúa hướng dẫn Dân Người qua dòng lịch sử, chẳng hạn Tv 78.

Xin đơn cử hai thí dụ trong thế kỷ II, được rút từ những môi trường khác biệt và đôi khi đối nghịch nhau, chúng cho thấy sự phổ biến và phát triển của thể văn này. Thí dụ I, đó là đề tài thứ hai của kinh Tin kính. Kinh Tin kính qua hình thức bài thánh thi ca ngợi, tuyên xưng lịch sử Đức Giêsu Kitô cho tới ngày Người tái lâm. Thí dụ II, đó là một thánh thi của nhóm Naassien (Gnosticisme) được Hyppolyte trình bày trong “Re utation des toutes les hérésies”. Thánh thi này trước hết nêu lên 3 nguyên khởi nền tảng cho mọi hiện hữu là: L’Esprit Premier-né; Le Premier-Né; L’Âme; rồi đưa ra một truyện có tính bi kịch, theo đó, linh hồn như con hoẵng nhát sợ, bị thần chết rượt đuổi. Con hoẵng cảm thấy mình bất lực, không thể kiếm đường thoát khỏi mê cung nên đã cầu xin Đức Giêsu giải thoát mình…

Chúng ta hiện có một thánh thi Kitô học, nó khởi từ những nguồn gốc sơ khai liên quan đến Đức Kitô tiền hữu và cuộc khổ nạn của Người. Ở đây, chúng ta gặp một Heilsgeschichte in Hymnenform. Tuy nhiên, thánh ca của nhóm Nassien, Pl 2, Ga 1, kinh Tin kính, thuộc về những thế giới khác nhau: Kitô giáo Duy tri và Tin mừng. Thế giới quan duy tri cho rằng cái xấu nhất chính là sự chết; còn Tin mừng thì cho đó là Tội; mặt khác, đối với duy tri thuyết, con đường cứu độ hệ tại tri thức được mạc khải (connaissance révélée) còn đối với Tin mừng, đó là biết mình được tha thứ tội lỗi.

Nhận xét III:

Trong thành thị của Gioan có sự gián đoạn. Ba đoạn đầu (cc 1-13) ở ngôi thứ ba; nhưng đoạn cuối (cc 14-18) khởi đầu bằng câu: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” rồi chuyển ngay sang ngôi thứ nhất: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người… chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác…” Như thế, thánh thi này chấm dứt với sự tuyên tín cá nhân và lên đến tột điểm nơi hoạt động của ân nghĩa, nơi sự ca ngợi và thờ lạy. Chắc chắn ba đoạn đầu không làm nên bản chất một thánh vịnh thực thụ, nhưng nhằm trình bày sự tuyên xưng niềm tin ở đoạn cuối. Ba đoạn đầu chỉ là một khai mở, một chuẩn bị cho lời tuyên xưng. Tự bản chất, Ga 1, 1-18 không phải là một đoạn tín lý, cung cấp cho ta những suy niệm Kitô học về sự tiền hữu của Đức Kitô, việc Người tham gia sáng tạo thế giới và sự nhập thể… Nhưng đây chính là sự tán dương (bằng một thánh ca) của cộng đoàn tín hữu về hồng ân khôn tả của Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, nơi Người, vinh quang của Thiên Chúa được mạc khải.

Tại sao tác giả Tin mừng thứ tư đã xếp ngay đầu tác phẩm bản thánh ca chúc tụng Đức Giêsu Kitô? Phải chăng đây là bản lược tóm Tin mừng? Nếu là bản tóm lược, chắc chắn phải nói rõ ràng tới cuộc khổ nạn và phục sinh.

Câu trả lời được tìm thấy trong văn mạch.

Sau câu 1,19 mới đến câu truyện Gioan tẩy giả. Như thế, Tự ngôn phần nào giống Tin mừng thời thơ ấu ở Matthêu và Luca. Tác giả Tin mừng thứ tư không tường thuật việc Đức Giêsu sinh ra nhưng thay thế bằng ca vịnh về Lời. Cộng đoàn tín hữu khi không thỏa mãn với trình thuật văn xuôi về việc nhập thể, đã cất lên ca vịnh thờ lạy và ngợi khen: chúng tôi thấy Người và đã nhận ra sự hiện diện của Người: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người”.

Do đó, đoạn đầu Tin mừng thứ tư có vẻ lạ lùng là vì: Gioan khởi đầu sách của mình bằng giọng ca tán tụng (ton d’exaltation). Có lẽ vì muốn nhấn mạnh rằng lời mở đầu này không phù hợp với khuôn mẫu thường gặp ở đầu một quyển sách nên tác giả khởi đầu với một thánh thi về Lời (Logos).

SỰ LIÊN LẬP Ý TƯỞNG

Đoạn đầu:1, 1-5:

Ở đây, Lời (Logos) được trình bày bằng 3 cách:

a. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời”.

Thánh thi đã khởi đầu với chủ ý hồi tưởng đến câu đầu tiên trong Kinh thánh. “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Nhưng tiếng “Khởi đầu” giữa Tự ngôn và sách Sáng thế không đồng nghĩa với nhau. Ở Tự ngôn “Khởi đầu” không biểu thị sự sáng tạo. Nói khác: Lúc “Khởi đầu” trong Ga 1,1 không mang ý niệm thời gian, nhưng là sự định giá về mặt chất lượng (appréciation qualitative) tương đương với “La sphère de Dieu” (Cảnh giới Thiên Chúa), (Ngôi) Lời có nguồn gốc trong vĩnh cửu, và bất cứ ai có tương quan với Ngôi Lời cũng đều có tương quan với chính Thiên Chúa.

b. Ngôi Lời còn được trình bày như Đấng Trung gian trong sáng tạo: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành”. Ý nghĩa của câu nói mang tính chất thần học này là gì? Câu 10 cho ta câu trả lời: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người”.

Theo đó, thế gian đã được tạo dựng nhờ có sự cộng tác của (Ngôi) Lời và quyền của Đức Giêsu Kitô đồng nghĩa với quyền toàn năng trên mọi vật. Như thế, câu “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành” (3), có thể dịch là: Ngôi Lời có quyền trên mọi người – từng người – dù họ có nhận biết Người hay không.

Sau cùng, Ngôi Lời được trình bày như Ánh sáng cho mọi người. Ý nghĩa Lời là ánh sáng cho muôn người thường bị cắt nghĩa sai: đã có thời người ta hiểu là Lời ban cho mọi người ánh sáng bên trong ánh sáng của lý trí và lương tâm. Nhưng ở đây, chắc chắn không có ý nghĩa đó, vì ngay sau câu “Bóng tối đã không diệt được ánh sáng” cho thấy điều đó, nên ánh sáng ấy không thuộc về thế giới này. Phải nói rằng Ánh sáng đây là ánh sáng của một cuộc sáng tạo mới, ánh sáng cánh chung với sức mạnh gấp đôi và lạ lùng: làm cho những người không thấy được thấy và làm cho những ai đang thấy trở nên đui mù (Ga 9,39). Ánh sáng cứu độ này chiếu soi trong bóng tối, nhưng vô vọng. “Bóng tối đã không diệt được ánh sáng” vì người ta thích bóng tối hơn sự sáng.

Đoạn hai:1, 6-8

Trước khi tiếp tục bài thánh ca, tác giả Tin mừng xem vào một đoạn văn ngắn về việc Thiên Chúa đã loan báo. Ngôi Lời đến qua vị Ngôn sứ được gọi là Gioan. Vị Tẩy giả này được trọng kính như chứng nhân Thiên Chúa sai đến làm chứng cho Đức Kitô, nhưng vai trò của Gioan không được đánh giá cao ở câu 8: “Ông không phải là sự sáng”. Đối với tác giả, lời tuyên bố này rất quan trọng, nên ông đã lặp lại ở câu 1,5 (cũng ở trong một đoạn văn dặm thêm khác): vị Tẩy giả làm chứng cho Đức Kitô như là Người trổi vượt hơn mình, vì Người từ vĩnh cửu mà đến. Giáo hội Tiểu á cuối thế kỷ I cũng theo lý ấy mà có lập trường chống lại việc quá đề cao Gioan Tẩy giả. Sách Công vụ chương 19, cũng cho thấy có sự cạnh tranh giữa môn đồ của Giaon Tẩy giả và Giáo hội. Tuy nhiên, có lẽ tác giả cũng là người đã từng coi Gioan như là Ánh sáng cho đến khi gặp được Đức Giêsu.

Đoạn ba:1, 9-13

Bài thánh ca lại tiếp tục khi nói về số phận của Ngôi Lời trong thế giới: “Ngôi Lời là Ánh sáng thật. Ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (9). Hiểu cho đúng điển ngữ “Sáng soi mọi người” là điều quan trọng, người ta thường cắt nghĩa câu này là “sáng soi trong lòng mọi người”. Đây là ý nghĩa mang tính cách Platon về ánh sáng nội tâm được san sẻ cho mọi người và mâu thuẫn với câu 5 và 7tt. “Sáng soi” đúng hơn, có nghĩa là “phóng dọi ánh sáng trên” hay “mạc khải”. Có thể, Ga 1,9 mới hợp với câu giải thích ở 3, 19-21. Như vậy “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” là nói về Ánh sáng cánh chung rạng sáng trong bóng tối, ánh sáng có quyền năng để mạc khải cho mọi người. Ánh sáng này với sức sáng soi không thể thay thế được đã phơi bày tình trạng của nhân loại trước mặt Thiên Chúa. Quyền mạc khải của (Ngôi) Lời là lý do để thế gian “không nhận biết Người” (c.10). Thế gian đã không nhận biết Người (theo nghĩa nhận biết của Cựu ước) không phải vì Người bị che giấu, nhưng vì thế gian đã khước từ và đã không tùng phục Người. Người vẫn là một khách lạ ở xứ sở Người (c.11). Ngay khi Người ở giữa “người nhà”, Israel, thì mọi cánh cửa vẫn khép kín.

Đó là số phận của Ngôi Lời trong thế giới.

Tuy nhiên, vẫn có một số người đón nhận Người. Và Người đã ban cho họ một hồng ân siêu vời: “Còn những ai đón nhận Người, thì Người cho họ quyền làm con Thiên Chúa” (c.12). Tác giả Tin mừng giải thích điều “trở nên con Thiên Chúa” trong một câu dặm thêm hàm ẩn một ý nghĩa nền tảng trong thần học Gioan; thuyết Nhị nguyên: Dualisme. Tin mừng thứ tư vẫn thường đề cập đế hai sự sống, hai khả năng hiện hữu: sự sống thấp hèn và sự sống cao siêu; xác thịt là tinh thần; sự sống tự nhiên và sự sống do tái sinh; quyền làm con người trần và quyền làm con Thiên Chúa. Tính cách Nhị nguyên này được dùng ở câu 13 để làm sáng tỏ hồng ân của (Ngôi) Lời: “Trở nên con Thiên Chúa”. Sự sinh sản tự nhiên dù vẫn tốt thật, nhưng nó không giúp con người nhìn ngắm được chính Thiên Chúa như Người Là. Chỉ có một phương thế duy nhất để đến với Thiên Chúa: Sự Tái sinh chỉ có một Đấng có thể ban ơn tái sinh: Ngôi Lời.

Đoạn bốn 1,14-18

Bài ca về (Ngôi) Lời đạt đến cao điểm với sự tuyên xưng của cộng đoàn tín hữu. Đoạn này bắt đầu bằng câu: “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (c.14). Trong thời đại hiện nay, chúng ta không thể mường tượng được vì sao câu này đã trở thành một cớ vấp phạm và là sự phạm thượng đối với những người cùng thời Gioan.

Phạm thượng(chair) tượng trưng cho con người đối nghịch với Thiên Chúa. Vì con người thì mỏng dòn và hay chết. Xác phàm là điển ngữ biểu thị sự khinh miệt nhất đối với cuộc hiện sinh của con người. Nói “Lời vĩnh cửu đã thành xác phàm” chính là nói rằng Người hiện hữu trong sự thấp hèn nhất.

Thứ đến, câu “và Ngôi Lời cư ngụ giữa chúng ta” dường như cũng khá chướng tai. Vì “cư ngụ” (demeurer), “cắm lều” (dresser sa tente) là một ẩn ngữ Kinh thánh, diễn tả sự hiện diện của Thiên Chúa (xc Kh 7,15; 21,3; Mc 9,5; Lc 16,19);”Người cư ngụ giữa chúng ta” tức là chính Thiên Chúa hiện diện trong xác thịt, trong hèn hạ. Vấn đề được đặt ra là: làm thế nào Thiên Chúa lại hiện diện trong một con người đã từng cảm thấy đói, thấy khát, cũng biết sợ, biết hãi và cuối cùng đã chết như một tên tử tội?

Câu trả lời là một tuyên tín gồm hai mệnh đề:

Mệnh đề I: “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người”.

Bản văn Hy lạp dùng động từ (theasthai) mang một ý nghĩa đặc thù. Còn động từ thường được dùng để nói về “nhìn thấy” (horan) trong Tin mừng thứ tư mang ý nghĩa là sự nhìn ngắm thực sự bằng mắt phàm (physiques). Nhưng ngược với Horen, theasthai có thể ghi lại một sự nhìn ngắm thâm sâu vào bên dưới một ngoại diện. Vậy “chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” nên hiểu là: chúng tôi đã thấy xác thể, sự hèn hạ mình đến nhục nhã, sự đau khổ sâu xa nhất trên thập giá, mà đàng sau tấm màn xác thịt và khiêm hạ ấy, chúng tôi nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang Thiên Chúa có nghĩa gì? Câu trả lời được gặp thấy trong câu: “đầy tràn ân nghĩa và sự thật”, đây là ngôn ngữ của Giao ước trong đạo cữ. “Ân nghĩa và sự thật” tóm tắt điều các tín hữu đã kinh nghiệm trong giao ước. “Yahvê, Yahvê Thiên Chúa chạnh thương, huệ ái, bao dung và đầy ân nghĩa, tín thành” (Xh 34,6): “Tôi không xứng với tất cả những ơn lộc và lòng tín nghĩa Người đã thi thố trên tôi tớ” (St 32,11). Trong giao ước cũ, người tín hữu có một kinh nghiệm lưỡng diện: Họ nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, còn mình thì bất xứng; và “sự thật” (tức sự trung tín) của Thiên Chúa, sự vững bền trong lòng thương xót. Như thế, rõ ràng vinh quang trở thành khả giác nơi Đức Giêsu. Những ai thuộc về Người sẽ gặp thấy nơi Đức Giêsu Kitô sự trung tín không chuyển lay của Thiên Chúa. Và từ tất cả những gì Đức Giêsu đã nói, đã làm, đều luôn biểu lộ: “Ân nghĩa và sự thật”, tức lòng thương xót muôn đời của Thiên Chúa.

Mệnh đề II: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”.

Nhưng chứng nhân của cộng đoàn vượt lên trên lời tuyên xưng”chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người… đầy ân nghĩa và sự thật” để nhằm đến lời tuyên bố: “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (c.16). Chúng ta không chỉ nhìn thấy vinh quang muôn đời của Thiên Chúa, nhưng còn lãnh nhận vinh quang ấy nữa. Điển ngữ “ơn này ơn khác” biểu thị một sự tiến triển bất tận, một sự gia tăng về cường độ. Từ giếng không hề vơi cạn, chúng ta nhận được từ Thiên Chúa ơn tiếp ơn, ơn sẽ nhận lớn lao hơn ơn đã nhận. Các Tông đồ đã có kinh nghiệm về Đức Giêsu như thế. Đấy cũng là câu trả lời của cộng đoàn tín hữu cho vấn nạn: Thiên Chúa hằng hữu đã cư ngụ giữa chúng ta, nơi Con Người Đức Giêsu. Câu trả lời là: đang khi bày tỏ vinh quang của mình, tức sự thường hằng của lòng thương xót và ân nghĩa của Thiên Chúa, thì chúng tôi đã thấy và đã nhận được vinh quang của Người.

Đến đây, trình thuật về Lời đã dứt, nhưng tự ngôn chưa hết. Thay vì kết luận, tác giả thêm vào hai phản đề ở cuối bài thánh ca hầu làm rõ hơn ý nghĩa mạc khải Đức Giêsu đã thực hiện.

Sự mạc khải này trước tiên được trình bày đối lập với mạc khải của Cựu ước:”lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê; còn ân nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (c.17). Thuở xưa, Thiên Chúa đã ban cho loài người một ân sủng lớn lao: Lề luật, tức ý muốn cực thánh của Người. Nhưng đấy chỉ là mạc khải sơ khởi. Giờ đây, nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thực sự mạc khải trọn vẹn ân sủng muôn đời của Người. Ở bên trên Lề luật còn có Ân sủng.

Phản đề II còn đi xa hơn. Phản đề này đặt mạc khải nhờ (Chúa) con đối nghịch không những với Cựu ước mà còn với mọi nỗ lực của con người tìm kiếm Thiên Chúa. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một, Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (c.18). Thiên Chúa vô hình nên chẳng ai thấy Chúa bao giờ; cũng không ai đủ sức để thấy Người. Người nào nhìn thấy Chúa sẽ phải chết, vì Thiên Chúa là Đấng Thánh, còn chúng ta hết thảy đều uế nhơ tội lỗi. Chỉ có Người Con đồng bản tính với Người đã thấy Người và chính Người đã tỏ ra cho biết. Trong Người Con ấy, Đấng vô hình đã trở nên hữu hình: “Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha” (14,9).

Câu 18 đã nói lên đặc tính phổ quát và tuyệt đối của niềm tin Kitô giáo.

Ý NGHĨA ĐIỀU DIỄN TẢ ĐỨC GIÊSU NHƯ LỜI

Sau khi đã hiểu Tự ngôn là một ca vịnh, bây giờ chúng ta đi đến vấn đề chính: việc diễn tả Đức Giêsu như “Lời” có ý nghĩa gì? Trong tất cả những tước hiệu được gán cho Đức Kitô ở Tin mừng, đây là tước hiệu lạ lùng nhất: chúng ta chỉ gặp tước hiệu này trong các văn phẩm của Gioan (Ga 1,1; 1 Ga 1,1; Kh 19,13).

Về nguồn gốc tước hiệu:

Người ta (và có thời chính tôi) thường cho rằng tước hiệu này có nguồn gốc từ duy tri thuyết (Gnosticisme). Nhưng khi nghiên cứu về các nguồn, người ta đã thấy rằng Bossuet đã hoàn toàn có lý khi ông cho rằng: quan niệm về Lời có một vai trò rất giới hạn nơi những người duy tri. Khi xuất hiện trong phái duy tri sơ khai – như trường phái Valentin – thì nó đã được sử dụng ở chương I của Tin mừng Gioan rồi. Như vậy không thể tìm tiền-lịch-sử (préhistoire) của tước hiệu Lời trong địa giới duy tri thuyết, nhưng phải tìm trong môi trường đạo Do thái – Hy lạp (Judaisme Hellélistique). Ở đây, Lời được gắn liền với sự mạc khải của Thiên Chúa. Trong môi trường văn hóa Do – Hy này, chúng ta lấy Philon làm điển hình. Tuy nhiên, quan niệm Lời của Philon chỉ là cái bình mục nát chứa đựng những ý tưởng của Cựu ước, của Platon và của những nhà khắc kỷ. Quan niệm ấy rất khó có thể tương hợp với quan niệm Lời của Tự ngôn. Vả lại, quan niệm Lời được nhân hóa như một phương thức mạc khải của Thiên Chúa lại vượt ra ngoài quan niệm của Philon. Quan niệm này được tìm thấy trong bản LXX.

Trong phần mô tả cuộc thần hiện ở sách Ngôn sứ Habacuc 3,5, bản Hipri viết “tôn nhan” (debher = peste) “tiến bước trước nhan Thiên Chúa”. Debher, theo nguyên ngữ vì không có nguyên âm nên được viết tương tự như Dabaar (Logos = Verbe), còn bản LXX lại dịch Debher thành Dabhar: “Trước nhan Thiên Chúa, Lời tiến bước” (Hab 3,5). Thêm vào đó, quan điểm xem như Lời vị Tiên phong của Thiên Chúa cũng được thấy trong sách Khôn ngoan 18,15tt; ở đây, Lời của Chúa được mô tả như một “chiến sĩ dũng mãnh (tàn nhẫn) mang gươm sắc bén từ ngai vương giả phóng xuống đất”. Điều này trực tiếp gợi lại cho ta Kh 19,11 tt; ở đó, Đức Kitô được mô tả như vị anh hùng tiến đến trên lưng con ngựa bạch với gươm sắc bén trong miệng và Người được gọi là “Lời Thiên Chúa” (19,13). Như vậy, có thể tước hiệu “Lời Thiên Chúa” đã giúp các tín hữu thời đầu biểu thị vị Cứu chúa sắp đến. Trong thế kỷ thứ II, tước hiệu này dường như vừa được áp dụng cho vị Chúa Tể vũ hoàn (1 Ga 1,1tt), vừa được gắn cho Đức Kitô tiền hữu (Ga 1,1tt; 1 Ga 1,1). Nếu thực thế thì Tự ngôn có lẽ đã phản ánh lại một tình trạng đã có trước về việc sử dụng tước hiệu này trong Giáo hội.

Đối với thời đại chúng ta hôm nay, những vấn đề về nguồn gốc và sự tiến triển của tước hiệu Lời không gây nhiều chú ý, nhưng điều làm cho chúng ta lưu tâm đến là một vấn đề đặc thù hơn, đó là: ý nghĩa của tước hiệu “Lời” đối với những người đương thời của tác giả Tin mừng thứ tư. Điều đó đã được Giám mục thành Antiochia nói đến. Vào quãng năm 120, tức 20-30 năm sau khi Tin mừng Gioan hình thành, các tín hữu ở Antiochia đã bị bách hại. Vị Giám mục bị bắt và bị kết án làm mồi cho thú dữ. Trong khi bị dẫn đi qua Tiểu Á như tù nhân, các Giáo hội địa phương cử những sứ giả tới chào thăm Người. Ignace, đó là tên vị Giám mục này, trao cho họ những lá thư gửi các Giáo hội ấy. Những bức thư này là những bằng chứng hùng hồn cho niềm tin Kitô giáo. Nhờ những bức thư đó, thánh Ignace đã khích lệ các Giáo hội bền vững trong niềm tin; Người nài xin họ đừng cố công giải thoát hay ngăn cản mình tiến ra pháp trường, trước miệng những thú dữ, với lời ca tụng Chúa chịu đóng đinh và đã phục sinh. Trong thư gửi giáo đoàn Magnésie, thánh Ignace có nói về Đức Kitô như Lời của Thiên Chúa “Ngôi Lời của Thiên Chúa, Người thoát ra khỏi sự im lặng” (8,2).

Thánh Ignace giả thiết rằng Thiên Chúa thinh lặng trước khi sai phái Đức Giêsu đến. Sự thinh lặng của Thiên Chúa là ý niệm lấy từ Do thái giáo với việc Do thái giáo giải thích St 1,3: “Và Thiên Chúa đã nói: ‘Hãy có ánh sáng!’” Trước khi Thiên Chúa nói, có cái gì không? Các Rabbits hỏi, và họ trả lời: có sự thinh lặng của Thiên Chúa (Xc IV Edras 6,39; Syr. Bar. 3,7). Sự thinh lặng có trước sự mạc khải của Thiên Chúa trong công cuộc sáng tạo, cũng có trước sự mạc khải cơn lôi đình của Thiên Chúa chống lại Pharaon (Kh 18,14tt) và sự thinh lặng sẽ tái hiện trước khi có cuộc sáng tạo mới (IV Edras 7,30; Syr. Bar. 3,7; Kh 8,1).

Trong văn hóa Hy lạp, “thinh lặng” đã trở thành biểu tượng cao nhất về Thiên Chúa. Họ có cả một lời cầu nguyện với Đấng-Thinh-Lặng. Sách “Liturgie de Mithra” (tk IV) có viết: “Nhà thần bí, trên đường về trời bị những thần dữ và cưu thù hay các tinh tú đe dọa, hãy đặt ngón tay lên miệng và cầu xin Đấng-Thinh-Lặng trợ giúp mình bằng lời nguyện:
“Lạy Đấng-Thinh-Lặng,
Đấng-Thinh-Lặng,
Đấng-Thinh-Lặng
biểu tượng của Thiên Chúa vĩnh cửu và bất tử –
Xin nâng đỡ tôi dưới đôi cánh của Người
Hỡi Đấng-Thinh-Lặng”
(Mithras Liturgie 6,21)
Lời nguyện cảm động thay: Thiên Chúa là sự thinh lặng. Người hoàn toàn ở cách xa và chẳng hề lên tiếng. Người là một Thiên Chúa giấu ẩn. Trước sự thinh lặng bất khả xâm phạm ấy, con người chỉ còn biết giang tay và kêu lên: “Xin nâng đỡ tôi dưới đôi cánh của Người, hỡi Đấng-Thinh-Lặng”.

Chính trong thế giới quan xem sự thinh lặng của Thiên Chúa như dấu hiệu về uy quyền không thể diễn tả được của Người (xc. Ignace, thư gửi giáo đoàn Êphêsô 19,1; Philipphê 1,1), sứ điệp của Giáo hội Kitô giáo vang lên: Thiên Chúa không còn thinh lặng nữa – Người (nói) lên tiếng.

Chắc chắn Thiên Chúa đã từng hành động. Người đã mạc khải quyền năng muôn đời qua việc sáng tạo, Người đã tỏ cho chúng ta biết thánh ý Người. Người đã phái đến các Ngôn sứ, những sứ giả của Người. Nhưng dù thế, Thiên Chúa vẫn còn đầy bí nhiệm, bất khả độc đáo, bất khả thấu suốt, bất khả chiêm ngưỡng, bị ẩn giấu đàng sau những khổ não và lo âu, đàng sau một bức màn.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không ẩn giấu. Đã có lúc Người xé toang bức màn che phủ. Đột nhiên Người đã nói cách rõ ràng minh bạch. Người đã nói nơi Con Người Đức Giêsu Nagiaret, nhất là trên thập giá.

Vì thế, lời tuyên xưng đầy vui mừng của bản thánh ca chúc tụng Đức Kitô ở đầu Tin mừng thứ tư phải vang đến những người mới nghe Gioan lần đầu tiên lời này: Thiên Chúa không còn thinh lặng nữa. Người đã lên tiếng, Đức Giêsu Nagiaret là lời của Người.

Nhờ (Ngôi) Lời, Thiên Chúa đã phá vỡ sự thinh lặng của Người rồi vậy.