Thời sự Thần học – Số 22, tháng 12/2000, tr. 48-56
Phương Bắc
viết theo Thomas Barrosse, Le Verbe s’est fait chair
"Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể
và đã cư ngụ giữa chúng tôi."
Đối với nhiều người, đây có lẽ là những lời thân tình nhất của toàn bộ Tân Ước, ngoại trừ những lời cầu nguyện trong Kinh Lạy Cha. Câu Tin Mừng trên đã diễn tả đạo lý nền tảng của Kitô giáo về vấn đề nhập thể. Đức Kitô vừa có bản tính nhân loại vừa có bản tính Thiên Chúa – Trong Đức Kitô. Ngôi Hai đã làm người.
Những lời lẽ của thánh Gioan chứa đựng chân lý này. Nhưng nhiều năm sau khi Tin Mừng thánh Gioan ra đời, những hạn từ “ngôi vị” và “thiên tính” mới được dùng để diễn tả đạo lý trên. “Lời” không chỉ tượng trưng với “Ngôi Hai Thiên Chúa” cũng như “nhục thể” không tương đương với “nhân tính”. Các lời của Tin Mừng thì giàu ý nghĩa hơn các định nghĩa thần học. “Ngôi Hai đã mặc lấy bản tính nhân loại”. Để đánh giá đúng mức sự phong phú của ý nghĩa đó, chúng ta hãy tìm hiểu mỗi lời thánh Gioan dùng có ý nghĩa gì đối với Người và đối với các Kitô hữu của thế kỷ thứ nhất mà Người viết cho họ.
LỜI SÁNG TẠO
Trước hết câu này chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi liên kết mật thiết với Cựu Ước. Đối với chúng ta ngày nay, lời (nói) chỉ là một âm vang suông hay là một biểu tượng được diễn tả thành văn mà chúng ta gán cho một ý nghĩa nào đó. Nhưng đối với những người thời Cựu Ước, Lời là một thực tại năng động, đặc biệt khi đó là lời hứa hoặc là lời để dọa. Có lẽ chúng ta có thể đánh giá được thái độ đó khi so sánh với sự sợ hãi tự nhiên mà nhiều người ngày nay cảm thấy được lúc họ nghe người khác nói về một tai nạn xảy ra ngay trước khi họ bắt đầu lên đường. Dù đó chỉ là nói về tai nạn có thể gây ra tai nạn khác.
Những đoạn văn Cựu Ước khác sẽ làm tỏ vấn đề này. Vì mù lòa, Israel đã lầm lẫn Giacob với con trưởng là Esau, nên chúc lành cho Esau. Lời đó không thể trừu lại được. St 27, 33 kể lại ông đã hối tiếc với con trưởng: “Ta đã chúc lành cho nó, dù sao thì nó sẽ được chúc lành”. Một khi Thiên Chúa đã hứa thì lời hứa đó sẽ hoàn tất ý định một cách hữu hiệu. Trong Is 55, 10-11, Thiên Chúa nhấn mạnh:
“Vì cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đó có bánh ăn, thì lời của Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không về lại với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó”.
Đối với chúng ta, lời của một người bộc lộ ý định của họ. Nhưng đối với dân Cựu Ước, nhờ lời của mình, con người tự bộc lộ chính mình. Dĩ nhiên chúng ta có thể nhìn xa hơn nữa. Lời của con người có thể nói lên sự học thức hay ngu dốt, đức hạnh hay tội lỗi của họ. Chúng ta có thể hiểu Ben-Sirach khi ông than rằng:”Qua miệng lưỡi mình, người có tội bị gài bẫy” (Sir 20,12). Do Lời, Thiên Chúa cũng bộc lộ chính mình.
Trong Cựu Ước, chúng ta gặp Lời Chúa ngay trang đầu của Sáng Thế Kỷ: “Thiên Chúa phán: “Hãy có ánh sáng!” và đã có ánh sáng”. (1,3) Lời Chúa là một thực tại sống động và linh nghiệm. Nó làm cho mọi sự hiện hữu. Nó cũng mạc khải ít điều về Thiên Chúa. Lời sáng tạo làm cho mọi sự hiện hữu thật tuyệt diệu, oai phong và đẹp đẽ biết bao. Bằng lời nói, Thiên Chúa biểu lộ sự vĩ đại, khôn ngoan và tốt đẹp của Người. Thật vậy, Người đã thông ban phần nào phẩm tính thần linh cho tạo vật mà Người đã tạo dựng nên. Người ta có thể nhận thấy điều gì đó của Thiên Chúa nơi tạo vật.
Tác giả sách Khôn Ngoan đã ngạc nhiên khi thấy dân ngoại tôn thờ các tạo vật, và không nhìn nhận “Chúa Tể của chúng, còn tốt đẹp hơn gấp mấy. Quả thế, đi từ sự hùng vĩ và xinh đẹp của tạo vật người ta luận ra được ý niệm về Đấng Hóa Công” (Kn 13, 3-5).
Tự Ngôn của Tin Mừng thứ tư (Ga 1,1-18) ghi nhận một hiện tượng đáng buồn tương tự. Lời sáng tạo của Thiên Chúa, sự tự bộc lộ đầu tiên của Thiên Chúa “đã đến trong thế gian”. Thật ra, “thế gian đã nhờ Người mà có, mà thế gian đã không nhận biết Người” – đã không chấp nhận hoặc hiểu biết – Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải chính mình (Ga 1,3.10). Thỉnh thoảng, Tin Mừng thứ tư cũng dùng hạn từ “thế gian” để chỉ dân ngoại Rôma đương thời; dân đã đóng đinh Chúa Giêsu và đã bách hại Hội Thánh. Nhưng dân ngoại Rôma đại diện cho toàn khối dân ngoại thờ ngẫu tượng, đã khước từ sự mạc khải của Thiên Chúa. Nhân loại đã không chấp nhận, thậm chí còn khai trừ sự thông đạt đầu tiên của Thiên Chúa.
LỜI NGÔN SỨ
Cựu Ước không chỉ nói về Lời sáng tạo của Thiên Chúa, nhưng còn nói về các lời khác của Thiên Chúa – Lời được các Ngôn sứ nói và được viết trong sách Luật Môsê. Các Ngôn sứ đã hành động như phát ngôn viên của Yahvê; họ tuyên sấm nhân danh Người và nói rằng: đó là “những lời của Yahvê”. Những sấm ngôn này thường là những lời đe dọa hay những lời hứa mà nếu coi thường người ta sẽ bị phạt. Điều Yahvê đe dọa hay hứa hẹn sẽ được thực hiện. Nhờ lời Ngôn sứ linh nghiệm của mình, Thiên Chúa kiểm soát mọi vận mệnh các quốc gia và tự mạc khải chính mình như một Thiên Chúa siêu việt của lịch sử. Điều mà Người đe dọa là hình phạt cho kẻ dữ, điều Người hứa hẹn là phần thưởng cho người lành. Nhờ lời Ngôn sứ của mình, Người biểu lộ chính mình như Thiên Chúa công chính và nhân lành.
Luật Mô sê đã phát họa một cách sống. Nó bao gồm huấn lệnh của Thiên Chúa để “theo đường lối Người” và vui hướng sự thân mật của Người. Tóm lại, nó bao gồm chỉ thị của Yahvê để sống gần Người và nên giống Người. Đó là Lời linh nghiệm:”nếu các ngươi giữ lệnh truyền của Ta, các ngươi sẽ được sống” (Lev 18,5). Đó là lời mạc khải biểu lộ phần nào đời sống nội tại của Thiên Chúa thông ban cho nhân loại – thật ra, chỉ cho những ai giữ Lời của Người.
Việc Thiên Chúa tự mạc khải trong giai đoạn hai cũng gặp sự khước từ như trong giai đoạn đầu. Tự ngôn của Tin Mừng thứ tư nêu lên: Ngôi Lời của Thiên Chúa đã đến trong “nhà của Người”. Lời Ngôn sứ và được viết ra của Thiên Chúa đã đến với dân đặc tuyển. Như vậy, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho họ cách trọn vẹn hơn khi Người mạc khải cho thế gian nói chung bằng Lời Sáng tạo. Nhưng “nhà của Người” đã không chấp nhận sự tự mạc khải này (Ga 1,11). “Dân Do thái” như Tin Mừng thứ tư thường dùng để chỉ các chức sắc Do thái giáo thế kỷ thứ nhất, đã chính thức khước từ và kết án Đức Kitô. Thực sự họ đã không hiểu hoặc không hết lòng phục tùng sự mạc khải của Thiên Chúa qua Mô sê và các Ngôn sứ. Đức Giêsu đã nói về họ trong Ga 5, 46-47: “Nếu các ngươi không tin những điều ông đã viết thì làm thế nào các ngươi tin được lời Ta?”
HÌNH ẢNH THIÊN CHÚA VÔ HÌNH
Như thế, sự tự biểu lộ sau cùng và trọn vẹn của Thiên Chúa là: Ngôi Lời hóa thành nhục thể. “Nhục thể” theo nghĩa Kinh Thánh thường dùng, không có nghĩa thông thường như chúng ta vẫn hiểu. Thường thường nó đối nghịch với”Thần trí”, thần trí không có nghĩa là “vô vật chất” hay “vô thể lý” nhưng hơn nữa nó là một sức mạnh huyền nhiệm, không thể kiểm soát được. Trong Cựu Ước, Gió, một cơn phẫn nộ bất ngờ, thúc đẩy các Ngôn sứ tuyên sấm tất cả điều thuộc “thần trí” (theo nghĩa chữ). Thật ra, chính Thiên Chúa uy quyền và siêu việt là “thần trí”. Đối nghịch với Người, Con Người là “xác thịt”, một tạo vật yếu đuối, hay chết. Nói rằng Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể tức là xác nhận:”Sự tự mạc khải của Thiên Chúa uy quyền mặc lấy hình hài nhân loại yếu đuối”.
Gherard Manley Hopkins trong bài thơ mang tựa đề “Đức Trinh nữ, hơi thở của chúng ta” đã viết: Như bầu khí trái đất đã làm dịu bớt ánh sáng chói lòa của mặt trời, khúc xạ, phân tán và thích ứng ánh sáng đó để chúng ta có thể nhìn thấy thế nào thì Đức Maria cũng giữ một vai trò tương tự trong việc mang lại cho chúng ta một Thiên Chúa siêu việt đã mặc lấy hình hài nhân loại như vậy. Nhờ đó, Người có thể cư ngụ giữa chúng ta.
Qua Mẹ, chúng ta nhìn thấy Chúa
Dịu dàng hơn nhưng chẳng giảm sút chi,
Đôi tay mẹ trao ban nguồn ánh sáng
Để mắt này soi tỏ lối đường đi.
Chúng ta dễ dàng hiểu sự tự mạc khải của Thiên Chúa hơn nhờ việc Người mặc lấy hình hài nhân loại. Như vậy, trong Đức Giêsu, Người Con duy nhất, Thiên Chúa đã mạc khải chính mình cho nhân loại. Thánh Phaolô gọi Đức Kitô “là hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Col 1,15). Trong Tin Mừng thánh Gioan (14,9) Đức Giêsu nói về chính mình, “kẻ nhìn thấy Thầy là nhìn thấy Chúa Cha”. Những lối diễn tả như thế, trước đây không bao giờ được dùng để nói về sự tự biểu lộ của Thiên Chúa, dùng trong lời sáng tạo hoặc lời thành văn. Chỉ trong Đức Giêsu, con người mới có thể hiểu Thiên Chúa một cách đầy đủ.
“Cư ngụ giữa chúng ta” hay đúng hơn là “cắm lều giữa chúng ta”. Rõ ràng đó là lối diễn tả mang âm hưởng Cựu Ước. Suốt những ngày Israel rong ruổi trong sa mạc, Thiên Chúa đã đồng hành giữa dân tộc lang thang của Người trong một cái lều, hoặc nhà tạm chứa Hòm Bia Giao Ước. Sau này, khi Salomon dời Hòm Bia Giao Ước vào đền thờ thì Thiên Chúa, Đấng bảo trợ dân mới hiện diện trong đền thờ Jêrusalem. Các Rabbi đã coi sự hiện diện của Thiên Chúa như là Shekinah (nghĩa chữ là cư ngụ), nhưng những người Do thái nói tiếng Hylạp lại nói đến “sự cắm lều của Thiên Chúa” (tiếng Hylạp là Skene) giữa dân Người. Khi người Babylon phá hủy thành Jêrusalem, thì sự hiện diện của Thiên Chúa rời bỏ đền thờ, nhưng Ngôn sứ Ezêkiel đã trấn an dân tộc của ông rằng: sau này, Thiên Chúa sẽ thiết lập giao ước với Israel và sẽ cư ngụ giữa họ. Đức Chúa Jawêh phán thế này:
“Này chính Ta sẽ lấy con cái Israel từ giữa các dân tộc chúng đã đi tới. Ta sẽ qui tụ chúng lại từ bốn phương và đưa chúng về đất của chúng… Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an; đó sẽ là giao ước vĩnh cửu đối với chúng, Ta sẽ định cư chúng, cho chúng sinh sôi nảy nở ra nhiều và đặt thánh điện của Ta ở giữa chúng cho đến muôn đời. Nhà của Ta sẽ ở giữa chúng; Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta” (Ed 37,21. 26-27).
Dường như thánh Gioan muốn ám chỉ “Nhà tạm của Ta sẽ ở nơi chúng” là “Ngôi Lời hóa thành nhục thể đang ở giữa chúng ta”. Như thế, Người trình bày Đức Giêsu như là sự hiện diện mới mẻ và chung cục của Thiên Chúa giữa nhân loại đã được Ezêkiel loan báo.
VINH QUANG THIÊN CHÚA
Thánh Gioan tiếp tục nói theo ngôn ngữ Cựu Ước:”Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người”. Các tác giả Cựu Ước thường dùng chữ Glory (vinh quang) để chỉ sự biểu lộ hữu hình của Thiên Chúa, Đấng giải thoát. Trong thánh vịnh 29 nói đến, khi Thiên Chúa mang cho nhân loại những hạt mưa mang lại sức sống, thì tinh binh bầu trời đồng kính sợ thốt lên lời ngợi khen “vinh quang Thiên Chúa”. Theo xuất hành 24, 15-15, mây phủ cả núi, vinh quang Jawêh đậu xuống trên núi Sinai, khi Thiên Chúa đến ký giao ước với Israel. Theo Xh 40, 34-35 và I Ký Sự 8, 10-11, đám mây dầy đặc đã đậu trên trướng tao phùng và trên đền thờ: “vinh quang Jawêh lấp đầy nhà Jawêh” Jawêh đã xuống để cư ngụ giữa nhân loại, thì trong Người, chúng ta tin rằng chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.
Tin Mừng thứ tư thường nói về “vinh quang” của Đức Giêsu. Tại tiệc cưới Cana chẳng hạn, khi biến nước thành rượu, Người đã “tỏ vinh quang của Người ra” (Ga 2,11). Nhưng trên hết, trong cuộc tử nạn và phục sinh, “vinh quang của Người” tỏ hiện rõ ràng nhất. Thật ra, thánh Gioan đã gọi biến cố này trong cuộc đời Đức Giêsu một cách đơn giản là “giờ đã đến, Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Con người đáp trả sự biểu lộ vinh quang bằng lòng tin. Tại Cana, Người đã tỏ vinh quang của Người và các môn đệ Người đã tin vào Người (Ga 2,11). Nhưng trên hết, trong cuộc tử nạn và phục sinh, “vinh quang của Người” tỏ hiện rõ ràng nhất. Thật ra, thánh Gioan đã gọi biến cố này trong cuộc đời Đức Giêsu một cách đơn giản là “giờ đã đến, Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23).
Con người đáp trả sự biểu lộ vinh quang bằng lòng tin. Tại Cana, Người đã tỏ vinh quang của Người và các môn đệ Người đã tin vào Người (Ga 2,11). Nhưng nhất là, sau này khi Người Phục sinh vinh hiển, các môn đệ nhớ lại lời Người và đã tin (Ga, 22). Tin, đối với thánh Gioan, nghĩa là nhận biết chính Con Người Đức Giêsu Kitô. Người ta có thể nhận biết Người chỉ trong mức độ Người làm cho họ biết – tức là trong mức độ Người tự biểu lộ vinh quang của mình. Nhưng Người vừa là một mạc khải duy nhất của Thiên Chúa vừa là mạc khải đời sống kín nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì vậy, “vinh quang” mà Người biểu lộ và vượt quá điều con người có thể nhận biết là vinh quang duy nhất:”Vinh quang mà Người có như Người Con duy nhất từ Cha”.
Các Tông đồ, những đấng đã sống với Đức Giêsu qua suốt cuộc đời hoạt động công khai của Người và đã thấy Người sau khi Người sống lại đã “chiêm ngưỡng” vinh quang này. Họ đã nghe Đức Giêsu nói về Thiên Chúa như Cha mình trong suốt cuộc đời hoạt động. Như Tin Mừng thứ tư thuật lại, họ chứng kiến Người làm các dấu lạ, những dấu chỉ biểu tượng cho thấy Người có quyền năng mà chỉ có Người Con duy nhất có: ban bánh nuôi dưỡng đời sống vĩnh cửu trong Gioan đoạn 6; mở mắt cho người mù từ thuở mới sinh trong Ga 9; làm cho người chết chỗi dậy vào thời đại tương lai trong Ga 11. Họ đã thấy Người sau khi Người chiến thắng tử thần, tràn đầy Thánh Linh Thiên Chúa và có thể ban phát Thánh Linh cho những ai Người chọn (Ga 20,22). Nhưng khi đã tin vào Con Một Thiên Chúa, họ đã làm thế nào để đáp trả sự biểu lộ “vinh quang duy nhất mà chỉ Con Một có từ Cha?” Thánh Thomas đã nói lên niềm tin của tất cả các tông đồ: “Lạy Chúa tôi, Lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga 20,28). Cũng vậy, tất cả chúng ta đã đọc thấy chứng từ của thánh Gioan: “tin rằng Đức Giêsu là Đức Kitô, Con Thiên Chúa và bởi tin, chúng ta được sống nhờ danh Người” (20,31).
ĐẦY ÂN NGHĨA VÀ SỰ THẬT
Thánh Gioan đã kết thúc bài mô tả vắn tắt về vấn đề nhập thể bằng cách trình bày Ngôi Lời hóa thành nhục thể như là “Đầy ân nghĩa và chân lý”. Chung chung các nhà chú giải cũng nhất trí rằng ở đây Người đã dừng lại các tư tưởng Cựu Ước. Trong Cựu Ước, hai ưu phẩm lớn nhất của Thiên Chúa Giao ước là: trung thành và khả tín. Những người Do thái nói tiếng Hy Lạp thích nói đến: “lòng nhân hậu và chân lý” của Người hơn, hay như một trong những tác phẩm Cựu Ước được viết để sau này đã nói đến “ân nghĩa và lòng nhân hậu” của Người. Trong những thế kỷ sau cùng của thời kỳ tiền Kitô giáo. Do thái giáo đã ý thức sâu xa về tính cách nhưng không của Giao Ước Thiên Chúa ký kết với dân Người. Hơn bao giờ hết, vì họ hiểu rõ ràng như thế, nên họ có khuynh hướng ít nhấn mạnh đến sự trung thành với giao ước của Thiên Chúa cho bằng nhấn mạnh đến lòng nhân hậu, hay ân nghĩa của Người. Dầu sao, trong Tin Mừng thánh Gioan, “chân lý” ám chỉ “chương trình của Thiên Chúa” chương trình mà Đức Giêsu, Cha Người và Thánh Linh đã nhắm đến và theo chương trình đó, Đức Giêsu đã đến cứu vớt những ai chấp nhận Người.
Khi thánh Gioan viết rằng: “Ngôi Lời hóa thành nhục thể thì tràn đầy ân nghĩa và chân lý”, thì Người muốn nói rằng các ưu phẩm của Thiên Chúa, Thiên Chúa của Moisê được nhận thấy nơi Đức Giêsu. Chỉ một ít câu sau đó (Ga 1,7), Người giải thích rằng trong khi Luật, thành văn của Thiên Chúa được ban qua Moisê thì ân nghĩa và chân lý nhờ Đức Giêsu Kitô mà có. Chúng ta có thể cảm nghiệm được Lời hứa và sự trung thành của Thiên Chúa, ân huệ của Thiên Chúa, và thực tại của Thiên Chúa nhờ Người.
Như thế, “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và đã cư ngụ giữa chúng ta”, tức là sự tự mạc khải của Thiên Chúa tối cao đã mặc lấy hình hài nhân loại trong Đức Giêsu, trong Người, chúng ta được Thiên Chúa thông ban trọn vẹn và viên mãn chính mình cho nhân loại. Chúng tôi chiêm ngưỡng vinh quang của Người, vinh quang mà Người có như “Con Một yêu quí phát xuất từ Cha”. Các tông đồ, qua chứng từ của lòng tin, đã làm chứng sự biểu lộ đời sống kín nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Người đầy “ân nghĩa và chân lý” vì các ưu phẩm của Thiên Chúa Israel mặc lấy hình hài nhân loại trong Người. Nhờ đức tin, chúng ta chấp nhận Đức Giêsu qua những gì Người đã biểu lộ nơi chính mình. Chúng ta chấp nhận Người không chỉ bằng lý trí nhưng bằng cả sự qui phục hết mình đối với Người như Thiên Chúa làm Người để thông ban quyền làm con của Người. Thánh Gioan đã viết: “Đối với những ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa – cho ai tin kính danh Người” (Ga 1,12).