Thời sự Thần học – số 37, tháng 09/2004, tr. 68-88
Byung Mu Ahn là giáo sư Tân ước và là một nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc. Ông là nhân vật tiên phong khai mở Thần học Tiện dân Hàn Quốc (Korean minjung theology). Ông đã thành lập một vài tạp chí giảng giải những sắc thái của thần học minjung (tiện dân) và giải thích Thánh Kinh trong vài nhật báo quốc tế. Khởi đi từ thực tại của những minjung trong Tin mừng Marcô, ông nghiên cứu sâu xa thành phần ochlos (đám đông) trong Tin Mừng đối chiếu với minjung thực tại, từ đó ông xây dựng những bài viết thần học hết sức phong phú. Giêsu và Minjung là một trong những bài viết của ông thuộc thể loại Thần học Tiện dân. Xin giới thiệu cùng độc giả [Minjung là những người nghèo, xin được dịch là tiện dân] ____Biên dịch: Jac. Vũ Thế Hanh O.P.
_Byung Mu Ahn_
Đức Giêsu đội triều thiên vàng là vở kịch nổi tiếng của thi sĩ Hàn Quốc, Kim Chi Ha. Vở kịch này diễn tả Giáo hội Công giáo, nơi đúc nên pho tượng Đức Giêsu bằng xi-măng. Đầu pho tượng Đức Giêsu đội một triều thiên bằng vàng. Dưới chân pho tượng, vài gã ăn mày đang nằm. Chuyện diễn ra vào một sáng sớm mùa đông buốt giá.
Thời gian chầm chậm trôi, trước tiên một linh mục bụng phệ và sau đó, một người đàn ông rất béo trong điệu bộ một ông chủ đi ngang qua nơi những gã ăn mày đang vật vưỡng. Những gã ăn mày luôn mồm nài xin bố thí, nhưng họ chỉ được đáp lại bằng ánh mắt và thái độ khinh khi dè bỉu. Cuối cùng, một cảnh sát xuất hiện. Thay vì giúp đỡ, viên cảnh sát tìm mọi cách xua họ khỏi nơi họ đang nằm và đòi tiền hối lộ nếu như họ không cuốn gói đi nơi khác.
Sau khi mọi người đã đi khỏi, một gã ăn mày bắt đầu rên rỉ : “Tôi chưa bao giờ có một gia đình, cũng chẳng bao giờ có được một phần mộ khi đã sức cùng lực kiệt. Tôi bị bỏ rơi giữa mùa đông giá lạnh này, bị bỏ rơi giữa một cái lạnh không cùng, trong một cái hố đen ngòm ghê rợn. Tôi không còn chịu đựng nổi thời khắc thảm khốc thế này… thời khắc không thể nào chịu đựng được. Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Nhưng tôi biết đi đâu, tôi biết đến chốn nào. Ôi ! nơi nào, chốn nào ?” Khi gã đang rên rĩ với chính mình một cách quá tuyệt vọng, mắt gã nhoè lệ, gã ngước mắt lên và nhìn thấy pho tượng Đức Giêsu bằng xi-măng. Ngay lập tức, một ý định mơ hồ loé lên trong tâm trí gã. Khi đã định thần lại, liếc nhìn pho tượng với ánh mắt phê phán, gã càu nhàu trong tâm trí : “Đức Giêsu này hẳn sẽ là một đấng cứu độ thật tuyệt đối với những người có của ăn của để, có nhà cao cửa rộng và một gia đình ấm êm. Nhưng Người có thể làm được gì đối với một thằng ăn mày như tôi ?” Và sau đó, gã nói oang oang : “Ôi ! trên trái đất này làm sao Đức Giêsu có thể nói, nếu không có miệng ? Cục xi-măng kia làm sao có thể nói ? Thậm chí nếu còn sống, ông cũng không thể mở cặp môi bằng khối xi-măng kia. Có mối tương quan nào giữa khối xi-măng và tôi ? Ôi, hãy lắng nghe nào ! Người ta chọn xi-măng, hoặc bê tông, hoặc đồng thau hoặc vàng để đúc nên một pho tượng Đức Giêsu, quá vững chãi ra như đã kéo dài suốt 1000 hoặc 10.000 năm”.
Kêu gào khản cổ, gã ăn mày ngập tràn đau đớn, gã bật khóc. Ngay lúc đó, gã cảm thấy một cái gì đó ươn ướt tựa hồ những giọt sương rơi xuống trên đầu gã. Trời đang mưa ? Không ! Khi ngước lên, gã nhận ra pho tượng Đức Giêsu đang khóc và nhỏ lệ. Những giọt nước mắt rơi xuống trên người gã. “Một điềm lạ gì chăng ! Thật thế, những giọt nước mắt từ pho tượng đang tuôn trào ! Chưa bao giờ tôi tưởng tượng ra một cảnh tượng như thế. Có thể pho tượng xi-măng này được chế tạo bằng một chất liệu lạ chăng ?”
Gã dán mắt vào Đức Giêsu, chỉ khi đó, gã mới nhận ra đầu Đức Giêsu đội một triều thiên bằng vàng. Gã chạm vào và vuốt ve triều thiên. Khi nhận thấy triều thiên thực sự bằng vàng, một ý nghĩ loé lên trong tâm trí gã rằng nếu bán triều thiên ấy, gã sẽ có cái để ăn và có những thứ để gã tiếp tục sống. Với một sức thu hút không thể kiềm chế, gã nhấc chiếc triều thiên bằng vàng ra khỏi đầu Đức Giêsu.
Ngay lúc đó, gã nghe thấy một giọng nói : “Làm ơn giữ chiếc triều thiên ấy ! Suốt thời gian dài đằng đẵng qua, Thầy bị giam hãm trong pho tượng bằng xi-măng này, Thầy những ước muốn nói với những người nghèo giống như con và chia sẻ nỗi cơ cực của con. Thầy những nóng lòng mong đợi ngày này đến, ngày Thầy sẽ được giải thoát khi một lần nữa Thầy lại thắp lên ngọn lửa như ánh nến và đem ánh sáng soi chiếu vào nỗi thống khổ của con. Rồi cuối cùng, con đã đến và làm cho Thầy có thể mở miệng. Chính con đã cứu Thầy”. Đó là những lời thốt ra từ miệng Đức Giêsu đội triều thiên bằng vàng.
“Ai đã giam Đức Giêsu vào tù rạc ?” Gã ăn mày giật mình, hoảng hốt hỏi. “Họ là ai vậy ?” Pho tượng Đức Giêsu trả lời : “Họ tựa như những người Pharisêu, họ muốn tách Thầy khỏi những người nghèo để sở hữu Thầy riêng cho họ”. Gã ăn mày lại hỏi : “Ôi Thiên Chúa, làm cách nào để Người được giải thoát, để Người lại được sống và ở với chúng con ?” Đức Giêsu trả lời : “Thầy không thể dùng sức mạnh của Thầy hầu giải thoát mình khỏi tình trạng như thế. Nếu con không giải thoát cho Thầy, Thầy sẽ không bao giờ có được tự do. Chỉ những người giống như con, nghĩa là những người nghèo, những người đau khổ, những người bị ngược đãi, những người có lòng tốt mới có thể làm được điều đó. Con đã mở miệng Thầy ! Ngay lúc con gỡ chiếc triều thiên bằng vàng ra khỏi đầu Thầy, miệng thầy đã nói được. Chính con là người đã giải thoát Thầy ! Bây giờ hãy đến gần Thầy, hãy đến rất gần đây ! Giống như con đã làm cho Thầy nói được, lúc này con có thể làm cho thân thể Thầy được tự do. Hãy tháo xi-măng ra khỏi thân thể của Thầy. Cũng tháo gỡ chiếc triều thiên bằng vàng nữa. Vì đầu của Thầy, một vòng gai đã là quá đủ. Thầy không cần vàng. Con cần vàng hơn. Hãy giữ vàng và chia sẻ cho bè bạn của con”. Nhưng chính khoảnh khắc ấy, vị linh mục bụng phệ, ông chủ mập ú và viên cảnh sát lại xuất hiện trên sân khấu. Ngay lập tức, họ giựt phăng chiếc triều thiên bằng vàng khỏi tay gã ăn mày và đội lên đầu pho tượng Đức Giêsu. Gã ăn xin bị viên cách sát bắt, bị buộc tội ăn cắp, bị mang đến đồn cảnh sát. Và Đức Giêsu, được làm bằng xi-măng, trở lại tình trạng cũ : một pho tượng cứng ngắc, vô hồn, câm điếc, không gì khác hơn là một khối xi-măng câm điếc.
Kim Chi Ha là một thi sĩ Kitô giáo. Tuy nhiên, ông không phải là một người được gọi là có lòng tin say mê (enthusiastic). Ông không thể quy phục những giáo huấn của Giáo hội, vì ông không chỉ nhận ra rằng có một lỗ hổng quá lớn giữa những bài giáo huấn với những thực tại ông sống bên trong, nhưng ông còn nhận thấy cái gọi là giáo lý (doctrines) lại là thứ rào chắn ngăn cản tầm mắt chúng ta khỏi những thực tại thật sự.
Chất liệu làm cho Đức Giêsu trở lại với tình trạng xi-măng chính là Kitô học do Giáo hội xây lên. Chiếc triều thiên bằng vàng trên đầu Đức Giêsu là tư tưởng nghiên cứu do Giáo hội tạo nên. Những tư tưởng đó tập trung vào Đức Giêsu hầu biến Người thành vật chống đỡ cho cơ cấu Giáo hội. Ngày nay, Giáo hội Hàn Quốc tự hào với lễ mừng kỷ niệm thứ 200 của Công giáo và lần thứ 100 của Giáo hội Tin Lành. Thế nhưng trên thực tế, cả hai Giáo Hội chỉ giới thiệu khuôn mặt hoá đá của Đức Giêsu được hình thành từ giáo lý tại châu Âu được hình thành trong suốt thời gian dài lịch sử châu Âu. Do đó, Đức Giêsu, Đấng muốn chia sẻ nỗi thống khổ và sự đau thương của những Minjung (người nghèo, tiện dân) trên mảnh đất này đã bị cầm tù từ lâu trong pho tượng xi-măng họ đã tạo nên.
Tuy nhiên, lời kêu gào của những Minjung, những người gào thét rên la dưới chế độ độc tài chuyên chính trong suốt thập niên 1970 đã gỡ chiếc triều thiên bằng vàng khỏi đầu Đức Giêsu. Như thế, lần đầu tiên, chúng ta đến gần để nghe giọng Người nói, chứng kiến những giọt lệ của Người. Như thế có ý muốn nói rằng chúng ta đã cảm nghiệm Đức Giêsu, Đấng bị giam hãm trong xi-măng. Đức Giêsu hoá thạch chỉ có thể được giải phóng nhờ những Minjung. Nhưng bây giờ, Giáo hội, giống như vị linh mục, ông chủ béo phệ và viên cảnh sát đang cố công đặt lại chiếc triều thiên bằng vàng lên đầu Đức Giêsu. Để có thể nhận biết sự hiện hữu và những thực tại của những Minjung trong Tin mừng, những thần học gia chúng ta giật thót người khi nhìn thấy những Minjung trong Tin mừng rất giống với những gì chúng ta đang cảm nhận trong hoàn cảnh của chúng ta. Dưới cặp mắt của chúng ta, Đức Giêsu được nhìn qua lăng kính Kitô học truyền thống là Đức Giêsu bị cầm giam trong khối xi-măng. Giải thoát hoặc cứu Đức Giêsu khỏi tình trạng tù rạc là nhiệm vụ cấp bách vài học giả Thánh Kinh của chúng đã nhận thấy và thừa nhận. Nhưng trọng trách này không thể hoàn trọn được nếu chỉ dừng lại ở việc phân tích Kinh Thánh uyên thâm. Trọng trách này cần phải có sự trợ giúp của những người Minjung nữa.
ĐỨC GIÊSU KERYGMA VÀ ĐỨC GIÊSU LỊCH SỬ
Những học giả Tin mừng Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng ưu tiên Đức Kitô Kerygma so với Đức Giêsu lịch sử. Họ nhấn mạnh Đức Giêsu Kerygma đã xây dựng nền móng những Tin mừng. Thậm chí dựa vào lời hứa này, các học giả Tin mừng Tây Phương còn cho đó là một thái độ hoài nghi hầu muốn vượt qua cả Kerygma, do đó, họ khóa con đường đến với Đức Giêsu lịch sử. Một vài chống đối quan niệm này, nghĩa là đặt nền trên Đức Giêsu lịch sử, chỉ mới quanh quẩn ở sự gợi mở chút chút tầm trọng của Đức Giêsu lịch sử. Sự thật thì Đức Kitô Kerygma chi phối toàn bộ Tân ước. Đức Kitô Kerygma là trọng tâm của Kitô học và giáo lý cứu độ. Dù Kitô học và giáo lý cứu độ bao hàm cả sự hiện hữu của Đức Giêsu lịch sử, nhưng Đức Giêsu lịch sử chỉ là một bóng mờ. Nói cách khác, Kitô học giam hãm một Đức Giêsu sống động vào trong khối xi-măng. Thật ra thì Đức Giêsu lịch sử ẩn hiện trong hầu hết các sách Tin mừng, ngoại trừ các thư của thánh Phaolô.
Nếu đọc các thư Phaolô, chúng ta nhận ra ngay, khi trình bày có hệ thống Kitô học của mình, thánh Phaolô không đề cập đến Đức Giêsu lịch sử. Thánh nhân hầu như không mảy may quan tâm đến Đức Giêsu lịch sử (2Cr 5,16). Trong Kitô học của thánh nhân, Đức Giêsu đã sống ở Palestine dường như không tồn tại, chỉ có Đức Kitô, chủ thể của việc lạy thờ tôn kính tồn tại thôi. Đức Giêsu đó không thể nói và không thể di chuyển dưới sức nặng của triều thiên bằng vàng – Người là Đức Kitô của Kerygma. Thật ra Đức Giêsu đó cũng nói đến cái chết trên thập tự, nhưng trên thực tế lại phủ định tính lịch sử của sự kiện, dù rằng biến cố thập tự là một thực tại hoàn toàn mang tính lịch sử. Chúng ta cũng có thể nói điều tương tự như thế về sự kiện lịch sử của sự phục sinh của Đức Giêsu, Kerygma cũng phủ định tính lịch sử của sự kiện này. Chúng ta đâu biết rằng hiện tượng của việc phủ định lịch sử tính khởi đi từ 1Cr 15,3-8 và Pl 2,6-11, ví như bài thánh ca Kitô đã được cộng đoàn tiên khởi sử dụng trước thời thánh Phaolô. Rõ ràng đó là những tuyên tín về sự đau khổ và phục sinh của Đức Kitô. Như vậy, nội dung thực sự mang tính lịch sử đã bị loại bỏ từ lâu. Như vậy, những sự kiện lịch sử “khi nào, ở đâu, do ai, thế nào và tại sao” của Đức Giêsu đã thể hiện hoàn toàn bị che đậy trong Kerygma. Kitô học Kerygma đó đã thể hiện như một ý tưởng để bảo vệ Giáo hội, nhưng cái giá phải trả là làm Đức Giêsu im lặng. Ai là người hình thành nên Đức Kitô Kerygma ? Đó là những vị lãnh đạo Giáo hội tiên khởi. Trong nỗ lực biện hộ để bảo vệ Giáo hội, các vị đã ráng sức trình bày hệ thống Kerygma. Nhưng nỗ lực đó chỉ đạt được kết quả trong khái niệm trừu tượng của một Đức Giêsu sự kiện.
Tuy nhiên, bên cạnh Kerygma, cũng có những câu chuyện về Đức Giêsu được lưu truyền. Trong những câu chuyện đó, Đức Giêsu hoàn toàn khác với Đức Kitô Kerygma. Người không phải là Đức Giêsu đội triều thiên bằng vàng lãnh đạo, nhưng là một Đức Giêsu muốn liên đới với con người, sử dụng ngôn ngữ của con người và chia sẻ niềm vui cũng như nỗi khốn cùng của họ. Tác giả Tin mừng Marcô đã đưa cho chúng ta những câu chuyện Đức Giêsu như vậy. Nhưng ngay cả trong Tin mừng Marcô, Đức Kitô Kerygma vẫn được trình bày như là một tiền đề. Tuy nhiên, tác giả không có ý che đậy, giấu giếm khuôn mặt Đức Giêsu sống động trước khi Người trở thành Kitô.
Thánh Marcô miêu tả một Đức Giêsu sống động – Đức Giêsu trở lại Galilê ngay khi Người nghe tin Gioan Baotixita bị bắt giam, Đức Giêsu bị họ hàng đoạn tuyệt, Đức Giêsu sống với những người nghèo khó, bệnh tật và nữ giới, Người chữa lành họ, nuôi sống họ và bảo vệ họ, cùng họ chống lại tầng lớp lãnh đạo là những làm khổ họ, áp bức họ và xa lánh họ; Đức Giêsu cuối cùng đã bị bàn tay của những nhà cầm quyền giết chết.
Rõ ràng những yếu tố Đức Kitô không phải Kerygma đang chiếm ưu thế hơn trong những câu chuyện Đức Giêsu như thế. Vậy thì ai là những người lưu truyền những câu chuyện này ? Có lẽ họ là những người không thuộc tầng lớp những người hình thành nên Kerygma. Theo thiển ý của tôi, họ là những Minjung, những người đã lưu truyền những câu chuyện về Đức Giêsu. Hẳn rằng họ là những người lưu truyền những câu chuyện về dữ kiện Đức Giêsu phải liên tục chấp hành luật lệ Rôma. Đức Giêsu là nạn nhân của bạo lực chính trị, và do tình huống đó, những câu chuyện về sự kiện Đức Giêsu không thể được lưu truyền công khai, nhưng phải được truyền cho nhau cách bí mật trong hình thức “rỉ tai”. Những câu chuyện này bị Kerygma che khuất mãi tới thời gian tác giả Tin mừng Marcô đảm nhận và lưu truyền những chuyện rỉ tai của những người Minjung vào trong bản viết tay. Chúng ta mang ơn tác giả Tin mừng Marcô đã soạn thảo, lưu giữ và truyền bá cho chúng ta dung mạo Đức Giêsu sống động. Nếu không như thế, những câu chuyện đó đã mất đi vĩnh viễn.
Đức Giêsu bị giam hãm trong khối xi-măng và không thể mở miệng vì sức nặng của chiếc triều thiên bằng vàng đã được những Minjung giải thoát. Được giải thoát khỏi chiếc triều thiên nặng chịch và khỏi sự tù đày trong khối xi-măng, Đức Giêsu nói và hoạt động giữa chúng ta.
ĐỨC GIÊSU VÀ MINJUNG
Hầu hết chúng ta đã bị nhốt trong nhãn giới Kitô học Kerygma, khi đọc Tin mừng Nhất Lãm, chúng ta quen tập trung vào Đức Giêsu là Đấng Kitô là trọng tâm của Tin mừng. Bằng lối nhìn như thế, chúng ta đồng nhất Đức Giêsu với Đức Kitô. Tuy nhiên, khi đọc đi đọc lại Tin mừng với thái độ chất vấn, chúng ta sẽ nhận ra những dung mạo Đức Giêsu hoàn toàn khác và mới lạ.
Trước tiên, chúng ta sẽ nhận ra Đức Giêsu hoạt động không ngừng. Không giống như Đức Kitô Kerygma, Đức Giêsu không mau chóng chiếm giữ vị thế bất di bất dịch trong Giáo Hội. Ngược lại, Đức Giêsu là Đấng lãnh đạo bằng những cách thức tuyệt mực vô song, nhưng hành động một cách tự do không bị trói buộc vào bất kỳ quy tắc tôn giáo nào. Dung mạo của Đức Giêsu hoàn toàn khác với những dung mạo như Con Thiên Chúa, Đấng Mêsia, Đấng Có Từ Trước Đời Đời, Đấng Kitô quyền năng ngồi trên ngai, và Đức Kitô sẽ trở lại Phán xét vào ngày chung cuộc…
Thứ hai, Đức Giêsu sống liên đới với những Minjung.
Người không biểu lộ mình là một nhân vật cao quý, trọng vọng, nhưng ngược lại, Người ăn uống với những Minjung, đôi lúc Người xin họ trợ giúp hoặc ngược lại, Người đón nhận những thỉnh cầu của họ. Như thế, chúng ta có thể nói : “Nơi nào có Đức Giêsu, nơi đó có Minjung. Và nơi nào có Minjung, nơi đó có Đức Giêsu”.
Từ đầu, Tin mừng Marcô đã diễn tả đám đông vây quanh Đức Giêsu và đám đông vô danh đó luôn luôn đồng hành với Người. Bằng cách này, tác giả Marcô lôi cuốn tâm trí chúng ta chú ý đến đám đông vô danh kia và cuối cùng tác giả làm vỡ lẽ đám đông kia thực tế chính là ochlos. Và sau đó, Tin mừng tiếp tục tường thuật Đức Giêsu bị đám đông vây quanh và sống cùng với thành phần ochlos này trong cả cuộc đời của Người.
Hạn từ ochlos xuất hiện 38 lần trong Tin mừng Marcô, 49 lần trong Tin mừng Matthêu và 41 lần trong Tin mừng Luca. Bây giờ, chúng ta đặt câu hỏi thế này : Tại sao các tác giả Tin mừng thích sử dụng hạn từ này khi diễn tả đặc tính của đám đông những người sống cùng với Đức Giêsu ? Bản Bảy Mươi sử dụng hạn từ laos – nghĩa là những người của Tin mừng – thay vì hạn từ ochlos khi tường thuật đám đông này. Thánh Marcô cũng biết hạn từ laos nhưng ngài chỉ sử dụng hai lần và chỉ khi chú thích. Vì thế, chứng tỏ thánh Marcô sử dụng hạn từ ochlos cách có chủ tâm để diễn tả đặc tính của đám đông những người vây quanh Đức Giêsu, vì thánh nhân nhận ra rằng đặc tính của những ochlos hoàn toàn phù hợp với đám đông vây quanh Đức Giêsu.
Theo các Tin mừng, đám đông ochlos liên đới và chia sẻ với những hành động của Đức Giêsu. Điều này được diễn tả trong những câu chuyện hoá bánh ra nhiều. Cụ thể như câu chuyện hoá bánh ra nhiều trong Tin mừng Marcô, số người vây quanh Đức Giêsu lên đến 5.000 người (6,44). Tuy nhiên, con số này được xem là con số biểu tượng để diễn tả đám đông ochlos tụ tập quanh Đức Giêsu lên đến con số rất lớn. Đám đông vô danh này mang một sức mạnh tiềm ẩn. Thánh Marcô diễn tả những người ochlos rất chi tiết.
Trước tiên, đó là những người bệnh. Theo trình thuật của Marcô : có người đàn ông bị thần ô uế nhập (1,21tt.34), một người cùi (1,40tt), một người đàn ông bị bại liệt (2,1tt), một người cánh tay bất toại (3,1tt)… Và trong những câu chuyện chữa lành tiếp theo, thánh Marcô diễn tả những người bệnh này giữ một vị thế quan trọng giữa những người ochlos vây quanh Đức Giêsu. Đặc biệt, khi thường xuyên ám chỉ đến nhiều người bị thần ô uế ám, thánh nhân diễn tả Đức Giêsu là một “thầy trừ quỉ”, là người giải phóng con người khỏi thế lực của quỷ ma.
Thứ đến là những người thu thuế và tội lỗi. Họ là những người cụ thể diễn tả đặc tính của những Minjung. Ví dụ, khởi đầu Tin mừng Marcô, chúng ta gặp thấy câu chuyện Đức Giêsu gọi Lêvi. Lời lẽ câu chuyện này đáng để chúng ta quan tâm : “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông : ‘Anh hãy theo tôi !’ Ông đứng dậy đi theo Người. Người dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng ăn với Đức Giêsu và các môn đệ, vì họ đông đảo và đã đi theo Người” (Mc 2,14,15).
Cũng có một trình thuật song song thuộc nguồn Q (Mt 11,19; Lc 15,1). Khi thánh Matthêu ám chỉ đến những người thu thuế và hạng đĩ điếm bên cạnh nhau (Mt 21,31), thánh nhân muốn nhấn mạnh rằng, ngài đặc biệt quan tâm đến những người thu thuế là những thành phần Minjung của Đức Giêsu. Ở đây, rõ ràng những người Minjung là những người bị xã hội xa lánh.
Những người thu thuế, người tội lỗi, hạng đĩ điếm là những người thuộc tầng lớp bị xã hội xa lánh. Đặc điểm thứ ba, những người Minjung của Đức Giêsu là những người nghèo. Hoi ptòchoi là ngôn ngữ chỉ những người nghèo theo nghĩa vật chất. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể suy nghĩ về Đức Giêsu mà không cân nhắc kỹ lưỡng “đặc nét khó nghèo”.
Một sự kiện nổi tiếng rất đặc biệt trong Tin mừng Luca đó là những lời Đức Giêsu nói về những người nghèo được đền bù, những người nghèo được xác định đối nghịch với những người giàu. Điểm thứ tư chúng ta quan tâm đó là sự xuất hiện của nữ giới. Trong các Tin mừng, nữ giới xuất hiện chỗ này chỗ khác là những người bệnh tật, nghèo hèn, tuy nhiên, điểm quan trọng hơn cả họ được xem như là những người đồng hành với Đức Kitô trong cuộc khổ nạn cho tới khi Người trút hơi thở cuối cùng và trở thành những chứng nhân ngôi mộ trống. Điều này cho chúng ta thấy vị thế quan trọng của nữ giới giữa những người Minjung theo Đức Giêsu.
Vấn nạn chúng ta đang đặt ra ở đây là sự liên lạc giữa Kitô học là mối tương quan giữa Đức Giêsu và những ochlos.
Kitô học truyền thống đã kiên định giải thích vai trò của Đức Giêsu theo khung ý định của Thiên Chúa. Theo lối giải thích như thế, Đức Giêsu là Đấng Mêsia thật sự, Người vâng theo và hoàn trọn ý muốn của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, chúng ta rất dễ tìm thấy ý tưởng như vậy trong những Tin mừng. Chẳng hạn như trong cuộc khổ nạn, Đức Giêsu đau đớn tại vườn Cây Dầu và lời kêu cầu trên thập giá đã diễn tả dung mạo Đức Giêsu như thế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tìm thấy truyền thống khác, truyền thống diễn tả dung mạo một Đức Giêsu hoàn toàn khác, Đức Giêsu đồng cảm với những lời kêu cầu và những ước muốn nơi những người Minjung đau khổ. Những câu chuyện chữa lành thể hiện rõ nét Đức Giêsu như vậy. Đức Giêsu chữa lành những con người bệnh tật không được diễn tả theo lối Người hoàn thành một chương trình được hoạch định trước. Đức Giêsu không bao giờ tình nguyện tìm kiếm những người bệnh, cũng chẳng bao giờ Người chữa trị họ theo một chương trình định trước. Ngược lại, những lời khẩn cầu luôn bật lên trước từ môi miệng miệng những người Minjung. Và kế đó, hành động chữa lành của Đức Giêsu diễn ra như Người thực thi theo ý muốn của những người bệnh tật. Nói cách khác, chính người bệnh khởi xướng và sau đó là hành động chữa lành diễn ra. Sức mạnh chữa lành của Đức Giêsu, sức mạnh có mối liên hệ linh hoạt đối với nỗi đau của những Minjung, diễn ra chỉ khi sức mạnh đó gặp được ý muốn của người Minjung. Xuất phát từ khía cạnh này, thánh Marcô tường thuật rõ mồn một rằng Đức Giêsu không thể làm phép lạ nào ở quê hương của Người vì họ không tin vào Người (6,5).
Đức Giêsu sẻ chia mối tương quan sống động với những người bệnh tật, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi và nữ giới. Người thay mặt những Minjung nói với Thiên Chúa. Người là phát ngôn viên của họ.
Để phân biệt quan điểm này với Kitô học truyền thống, chúng ta lấy dụ ngôn người Samaritanô tốt lành trong Tin mừng Luca làm thí dụ điển hình. Quan điểm truyền thống vẫn quen xem người Samaritanô tốt lành là nhân vật trung tâm của trình thuật. Có lẽ không cần do dự, chúng ta đồng ý ngay với quan niệm trên. Tuy nhiên, khi quan sát tỉ mỉ, chúng ta có thể có cái nhìn hoàn toàn khác : khuôn mặt trung tâm của dụ ngôn này không phải là người Samaritanô tốt lành, nhưng là nạn nhân của bọn cướp. Hành động của người Samaritanô tốt lành là sự đáp trả lời kêu cầu của con người đáng thương. Thế nhưng, vị tư tế và thầy Lêvi đã đối diện với tiếng rên la kêu cứu, họ đã không mở lòng nhưng ngoảnh mặt làm ngơ. Con người mở lòng với tiếng rên la kêu cứu lại là người Samaritanô tốt lành. Do đó, để giải thích đúng đắn Đức Giêsu là Đấng Kitô, chúng ta phải dành cho ochlos trong những Tin mừng tình trân trọng quý mến thích đáng về mối tương quan của họ với Đức Giêsu. Đức Giêsu này không phải là Đức Kitô, Đấng bên cạnh Thiên Chúa đang đối diện với con người, nhưng là Đức Kitô Đấng ở bên cạnh con người đối diện với Thiên Chúa. Như vậy, trong trường hợp này, con người không phải là một hữu thể trừu tượng nhưng là Minjung cụ thể, đó là những con người đau khổ, con người đang ngấp ngoái như nạn nhân của bọn cướp trong dụ ngôn trên. Hơn nữa, Đức Giêsu, Đấng làm một với Minjung, đối diện với Thiên Chúa từ hoàn cảnh cụ thể của những Minjung, NGƯỜI LÀ ĐỨC KITÔ. Người tự đồng hoá với Minjung. Người hiện hữu không gì khác ngoài những Minjung (x. Mc 2,17).
Lúc này chúng ta có thể xem Đức Giêsu là Kitô, Đấng cứu độ nhân loại ? Như thế, ơn cứu độ không phải là một sản phẩm được chế tạo sẵn từ trời trao cho con người để con người sở hữu. Ngược lại, ơn cứu độ là thứ Đức Giêsu thể hiện trong hành động cụ thể, bằng việc lắng nghe và đáp trả tiếng kêu cầu của những Minjung.
Chúng ta có thể tìm thấy lối hiểu ơn cứu độ như thế trong Tin mừng Luca khi Đức Giêsu nói đến sự khó nghèo hay những người nghèo. Tôi có cảm tưởng lối hiểu những Minjung của Luca là việc nhấn mạnh vai trò những người nghèo. Một mặt, Luca phác hoạ nổi bật bức tranh người nghèo, và mặt khác loại trừ sự phê phán gắt gao những người giàu. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa thánh Luca đề cao vai trò tầng lớp đấu tranh mà những người cộng sản đang biện hộ. Chúng ta nhận thấy rằng trong mọi đời và mọi thời, khán giả của Đức Giêsu chiếm chiếm phần lớn là những người nghèo, mặc dù sứ điệp của Đức Giêsu liên quan đến người giàu cũng như kẻ nghèo. Điều này muốn nói rằng mục đích loan giảng của Đức Giêsu không giản đơn là lên án người giàu và loan truyền lời chúc phúc cho người nghèo, nhưng là công bố một “điều nghịch lý” (paradox) – đó là cách thức để cứu độ người giàu chỉ có thể tìm thấy qua những người nghèo, như sự kiện Đức Giêsu đồng nhất với người nghèo (Mt 8,20; Lc9,58), và hơn nữa, chúng ta có thể gặp thấy Người nơi những người nghèo. Thánh Luca nhấn mạnh điểm này.
Đây chính là khía cạnh giúp chúng ta hiểu được mối tương quan giữa Đức Giêsu và Minjung. Điều này cũng có nghĩa chúng ta không hiểu Đức Giêsu như là một “cá thể” các học giả Phương Tây đã trình bày. Thật vậy, chúng ta sẽ hiểu Đức Giêsu của những Tin mừng xa hơn như là một cá thể “chung”. Tôi muốn nói rằng chúng ta phải hiểu Đức Giêsu như chính là một Minjung. Tin mừng Marcô thuật lại, Đức Giêsu rảo mắt nhìn những ochlos đang ngồi xung quanh Ngài, Ngài nói : “Đây là mẹ tôi và là anh em tôi !” (Mc 3,31tt). Rõ ràng tác giả diễn tả Đức Giêsu là thành phần của Minjung. Theo quan điểm này, ý nghĩa lịch sử cuộc khổ nạn cũng xuất hiện hoàn toàn khác. Xin đưa ra một vài gợi ý :
NỖI ĐAU KHỔ CỦA ĐỨC GIÊSU, TRUNG TÂM ĐIỂM CỦA KITÔ HỌC
1. Thập tự của Đức Giêsu là một sự kiện hoàn toàn mang tính lịch sử. Thế nhưng theo Kerygma thì sự kiện này trở thành sự kiện phi lịch sư. Thập tự trở thành một biểu tượng tôn giáo. Thập tự là biểu tượng của sự phụng thờ. Những người giữ ưu thế đối với Đức Kitô-Kerygma chỉ chú tâm đến ý nghĩa của thập tự. Quan điểm cứu độ học cũng mang cùng một điểm nhấn như vậy. Ngay cả trong thư thứ nhất thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Côrintô (15,3tt), chúng ta cũng nhận thấy sự kiện thập tự mang ý nghĩa hoàn trọn ý muốn Thiên Chúa (theo Kinh Thánh), hoặc trong hạn từ của việc tự hiến cho tội lỗi của nhân loại. Chúng ta bị ngấm nhiễm hai ý tưởng chủ đạo trong Kitô học này của thánh Phaolô. Rất có thể Kitô học như thế đã dẫn chúng ta thấm nhuần thứ giáo lý nhằm bênh vực quyền hạn của Giáo hội. Trong những bài viết của thánh Phaolô chẳng hạn, chúng ta dễ dàng tìm thấy những thành ngữ như “Đức Giêsu chết vì tội lỗi của chúng ta”. Vượt qua ý nghĩa của thành ngữ đó, chúng ta nhận thấy thánh Phaolô không đơn thuần nói đến cái chết của Đức Giêsu, nhưng còn diễn tả cái chết trên thập tự. Nhưng nếu thập tự là phương tiện cho cuộc hành hình, thế thì thập tự không phải là biểu tượng cho sự chết, nhưng thập tự thể hiện một bằng chứng của sự giết chết hay một trường hợp sát nhân. Do đó, để nhấn mạnh thập tự, thay vì kể lại cái chết của Đức Giêsu, nên trình bày bằng chứng sự kiện lịch sử như đã diễn ra. Thế thì tại sao thánh Phaolô chẳng mảy may đề cập tới những câu hỏi lịch sử : sự kiện đó đã diễn ra khi nào, ở đâu, bởi ai và thế nào ? Hẳn chúng ta sẽ nói rằng hoàn cảnh xã hội trong thời đại của thánh nhân đã khiến thánh nhân làm như thế. Điều đáng tiếc là cho tới bây giờ, Kitô học truyền thống của Giáo hội vẫn trình bày cái chết của Đức Giêsu theo quan niệm như vậy.
Luther quan niệm sự kiện đau khổ của Đức Giêsu là Tin mừng tông toà (toà thánh - apotolisches Evangelium). Chính vì thế, Tin mừng đó chỉ đơn thuần sản sinh ra tiêu chuẩn xây dựng giáo lý của thập tự. Do đó, thập tự trở thành cột trụ của học thuyết Kitô học Kerygma. Và như thế, biến cố thập tự mất đi mối tương quan với thực tại đau khổ trong cuộc sống hôm nay. Bởi làm mất đi mối tương quan với khổ đau con người nên thập tự đã thống trị ngai vàng của Giáo hội. Nói cách khác, thập giá Đức Giêsu đã bị biến thành xi-măng. Thập giá hóa thạch này không còn liên kết với con người đau khổ nữa, nhưng chỉ phục vụ như là một học thuyết để cật vấn và xét xử những tội nhân.
2. Mác-cô diễn tả lịch sử cuộc khổ hình như thế nào ?
Trước tiên, chúng ta phải có thái độ trân trọng những sự kiện Kerygma-Kitô trong lịch sử mà Marcô diễn tả cuộc khổ hình của Đức Giêsu như là một chặng đường cần thiết phải vượt qua hầu “hoàn trọn thánh ý Thiên Chúa”. Lời cầu nguyện trong vườn Gethsemane, cuộc xét sử Đức Giêsu và lời cuối cùng trên thập tự – tất cả đều được diễn tả ra như Thiên Chúa, chứ không phải những nhà cầm quyền Rô-ma, không phải những bậc vị vọng Dothái, đã đặt Đức Giêsu vào cái chết. Dĩ nhiên, những sự kiện đó chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ Tin mừng.
Bultmann cho rằng lịch sử cuộc khổ hình của Đức Giêsu được hình thành trên cơ sở của cái gọi những loan báo cuộc Thương Khó. Giả thiết này cho thấy lập trường của Bultmann chủ trương nghiêng chiều hướng của Kerygma về sự kiện Đức Giêsu. Tuy nhiên, ý kiến này không tán thành những sự kiện liên hệ với hai quan niệm sau :
Thứ nhất, lời loan báo nói rằng Đức Giêsu sẽ bị các bậc kỳ lão, tư tế và luật sĩ loại trừ và giết chết. Thế nhưng, lịch sử cuộc Thương Khó thuật lại rằng không chỉ tầng lớp lãnh đạo Dothái nhưng còn cả những nhà cầm quyền Rôma hành xử Người. Như thế, do một thực tại cứng ngắc mà Ngài đã bị giết như là một tù nhân chính trị do những nhà cầm quyền Rôma. Hơn nữa, cả đám đông dân chúng trong thành Giêrusalem và thậm chí cả các môn đệ của Người cũng đã quay lưng lại với Người.
Thứ hai, điều quan trọng nhất thể hiện ở đây là không mảy may có một lời ám chỉ về sự phục sinh trực tiếp ở bất cứ chỗ nào trong những trình thuật (lịch sử) cuộc Thương Khó, trong khi đó những lời loan giảng về cuộc Thương Khó tiên báo trước rằng sau ba ngày Người sẽ trỗi dậy là lời tiên báo chủ đạo. Lịch sử cuộc Thương Khó bày tỏ một thực tại lồ lộ về một bóng đêm dày đặc dưới sự thống trị của một thế lực bất chính. Và ngay cả Thiên Chúa dường như đã ngoảnh mặt và không can thiệp vào sự kiện hành hình Đức Giêsu. Trên thực tế, thực tại khắc nghiệt ở đây chính là sự vắng bóng Thiên Chúa.
Bên cạnh đó, lịch sử cuộc Khổ Nạn không chứa đựng bất kỳ một mảy may về hơi hướng của một “siêu nhân”. Đức Giêsu được diễn tả là một người yếu đuối, một con người có những giới hạn sinh lý như bất kỳ ai khác, giống như những Minjung bất lực ngày nay, Người bị thế lực sự dữ mạnh mẽ của thế giới giết hại cách thảm khốc. Lịch sử cuộc Khổ Nạn hiển nhiên không ngụ ý bào chữa cho tội lỗi của con người (nếu nhìn vào bối cảnh của Tiệc Ly, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó). Ngược lại, lịch sử cuộc Khổ Nạn – qua trình thuật cuộc hành hình Đức Giêsu – phơi bày sự đồi bại và tội lỗi của những người có tội.
3. Để đi tới kết luận, chúng ta phải liên hệ với câu hỏi lịch sử về nỗi thống khổ của Đức Giêsu đã diễn ra như thế nào. Trên tất cả, tôi thích nhấn mạnh sự tiên báo rằng lịch sử cuộc Khổ Nạn được đặt nền trên những dữ kiện lịch sử. Không có sự nhận biết về thực tại lịch sử, chúng ta không thể hình dung ra khuôn mặt của Đức Giêsu Galilê, Người đã bị ngược đãi và cuối cùng bị giết chết trên thập tự. Điều này không có nghĩa rằng tôi phủ nhận sự kiện suy tư thần học đã có những nỗ lực trong những tư liệu nghiên cứu lịch sử cuộc Khổ Nạn. Nói đúng hơn, thần học Kerygma không phải là sự kiện có trước, nhưng những ánh mắt chứng nhân đau đớn và nhỏ lệ trước sự kiện khổ giá của Đức Giêsu là cái có trước. Chính khuôn mặt Đức Giêsu này, một khuôn mặt đau khổ thuần tuý nhân loại xé rách Kitô học Kerygma ra từng mảnh vụn. Thế thì ai đã quan tâm đến một Đức Giêsu nhân loại và yếu nhược này, và ai đã chuyển trao những sự kiện Đức Giêsu bị thế lực cầm quyền giết một cách trơ vơ trên thập tự như thế ?
Nếu những người lưu truyền là những thành viên thuộc giới lãnh đạo trong Giáo hội, những người đã muốn bảo tồn học thuyết Keryma – “Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người là Đấng Cựu Độ chinh phục thế giới này” – thì lịch sử cuộc Thương Khó không bao giờ có thể được diễn tả trong cách thức như đã diễn ra. Hẳn rằng những trình thuật như thế phải được lưu truyền từ những người mà cuộc sống của họ tràn ngập đau khổ và khốn đốn, thậm chí họ không thể ngừng lại để suy nghĩ về phẩm trật của Giáo hội, giáo lý của Giáo hội và những gì đại loại như thế. Họ không thể nỗ lực để có được những chú tâm biện hộ lý giải. Hơn nữa, chúng ta có thể kết luận không phải là tầng lớp lãnh đạo của Giáo hội đã loan truyền lịch sử cuộc Thương Khó, nhưng là những người đau khổ, yếu đuối và vô danh, họ là Minjung. Họ đã nhận thấy hoàn cảnh đời sống của chính họ trùng khớp với câu chuyện khổ đau của Đức Giêsu. Hơn nữa, họ nói, họ kể câu chuyện Đức Giêsu không như câu chuyện của Người, nhưng là câu chuyện của chính họ. Và khi họ than khóc cái chết của Đức Giêsu, cùng lúc đó, họ than khóc cái chết của chính họ. Bằng cách đó, họ phơi bày sức mạnh của sự bất chính và ác quỷ, đồng thời họ chống cự lại nó.
Tác giả Tin mừng Marcô dường như đã theo đuổi hai mục tiêu khi ông trình bày thành văn bản sự chứng thực của Minjung : một mặt ông trình bày Kitô học Kerygma, một mặt với những thái độ hoà giải, ông cố gắng hoà hợp bằng chứng của những Minjung với Kitô học Kerygma.
Với những khía cạnh khác biệt như thế, chúng ta có thể nhận thấy rằng chính Minjung của Đức Giêsu là những người mở ra con đường giải thoát Đức Giêsu, Đấng vẫn bị cầm tù trong ximăng của giáo điều, và làm cho Người trở lại trong chính vị thế mà những Minjung hôm nay đang sống.
Jesus and People Minjung, trong tập Asian Faces of Jesus,
Ed. R. S. Sugirtharajah, Orbis Books, 1997.