Thời sự Thần học, Số 73 (tháng 08/2016), tr. 130-182
Dàn bài
I. Thách đố mấu chốt
II. Giáo hội đề nghị một câu trả lời: Via pulchritudinis
II.1. Chấp nhận thách đố;
II.2. Làm thế nào via pulchritudinis có thể là một câu trả lời của Giáo hội?
II.3. Via pulchritudinis, Đường dẫn tới Chân Lý và Sự Thiện
III. Những con đường của cái đẹp
III.1. Cái đẹp của công trình tạo dựng: A. Thán phục trước cái đẹp của công trình tạo dựng; B. Từ sáng tạo đến tái tạo; C. Công trình sáng tạo, được hưởng dụng hoặc để tôn thờ
Đề nghị mục vụ
III.2. Cái đẹp của nghệ thuật: A. Cái đẹp được khơi lên bởi đức tin; B. Học đón nhận cái đẹp của nghệ thuật; C. Nghệ thuật thánh, công cụ rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý
Đề nghị mục vụ
III.3. Cái đẹp của Chúa Kitô, mô mẫu và nguyên mẫu của sự thánh thiện Kitô giáo: A. Trên đường hướng tới cái đẹp của Chúa Kitô; B. Cái đẹp rạng ngời của Chúa Kitô và sự phản chiếu trong sự thánh thiện Kitô giáo; C. Cái đẹp của phụng vụ
Đề nghị mục vụ
_________Văn kiện của Hội Đồng Giáo hoàng đặc trách về Văn hóa, được đăng trên website http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/cultr/documents/rc_pc_cultr_doc_06121999_documents_it.html. Bản dịch Việt ngữ của tu sĩ Trần Công Thượng, O.P.
DẪN NHẬP
Chủ đề Hội nghị khoáng đại năm 2006 của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa phù hợp với sứ vụ của Hội đồng là giúp Giáo hội chuyển trao đức tin vào Chúa Kitô qua một đường hướng mục vụ nhằm trả lời cho những thách đố của văn hóa thời đại, nhất là hiện tượng dửng dưng tôn giáo và vô tín ngưỡng (Tự sắc Inde a Pontificatus). Bằng những chương trình và đề nghị cụ thể, Hội đồng muốn giúp các vị mục tử, qua via Pulchritudinis như con đường loan báo Tin Mừng và đối thoại với những người không tin, hầu dẫn họ tới Chúa Kitô, Đấng là “đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).
I. Thách đố mấu chốt
Hội nghị khoáng đại năm 2002, với chủ đề “Thông truyền đức tin tại trung tâm các nền văn hóa, vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ mới”[1] và Hội nghị khoáng đại năm 2004 với chủ đề “Đức tin Kitô giáo ở bình minh thiên niên kỷ thứ ba và thách đố của hiện tượng vô tín ngưỡng và dửng dưng tôn giáo”[2], đã nhấn mạnh đến một nhiệt tâm tông đồ mới của Giáo hội, để truyền bá Tin Mừng cho các nền văn hóa qua sự hội nhập văn hóa hữu hiệu của Tin Mừng.
Văn hóa mang dấu vết một lối nhìn vật chất và vô thần, đặc trưng của các xã hội thế tục hóa, khơi lên sự xa rời tôn giáo, và đôi khi kết án tôn giáo, đặc biệt là Kitô giáo, với một trào lưu bài trừ Công giáo[3]. Nhiều người sống dường như Thiên Chúa không hiện hữu (Etsi Deus non daretur), như thể sự hiện diện và lời Người không có bất kỳ ảnh hưởng nào tới đời sống con người và xã hội. Họ cảm thấy khó khẳng định rõ ràng họ thuộc về tôn giáo nào: tôn giáo hoàn toàn thuộc phạm vi đời sống riêng tư. Bởi đó, kinh nghiệm tôn giáo thường bị tách rời khỏi sự thuộc rõ ràng vào một thể chế giáo hội nào: Một số người tin mà không thuộc về, trong khi đó, những người khác thuộc về nhưng không thể hiện dấu hiệu hữu hình cho thấy niềm tin của mình.
Hiện tượng “tôn giáo mới” và các “phong trào tâm linh mới” đang lan tràn trên khắp thế giới, nổi lên như một thách đố lớn cho cuộc Tân Phúc Âm hóa: Các hiện tượng này muốn đưa ra câu trả lời cho các nhu cầu tâm linh, tình cảm và tâm lý của con người đương thời, tốt hơn Giáo hội – hoặc nói chung, tốt hơn các hình thức tôn giáo truyền thống. Qua lối thực hành hỗn hợp và bí truyền, các hiện tượng ấy động chạm tới tình cảm của con người trong một động thái cộng đồng tôn giáo giả tạo, thường bóp nghẹt, hoặc tước đi quyền tự do và nhân phẩm của họ [4].
Tại một số quốc gia truyền thống Kitô giáo, các tín hữu hành đạo không còn bao gồm phần lớn dân cư, như trong quá khứ cho tới gần đây, nhưng họ vẫn có một sức mạnh sống động, có khả năng làm chứng với sự phân định và lòng can đảm, ở giữa một nền văn hóa tân-ngoại-giáo (neo-paganisme). Các dấu chỉ rõ ràng của niềm hy vọng như thế có thể nhận thấy qua những ngày đại hội giới trẻ thế giới, những cuộc tập họp lớn trong các Đại hội Thánh Thể và tại các Đền Đức Mẹ, việc gia tăng các trung tâm trợ giúp và đề nghị nghỉ ngơi thinh lặng trong các nhà tĩnh tâm đan viện, việc tái khám phá các con đường hành hương cổ xưa, sự xuất hiện rất nhiều phong trào đạo đức mới ảnh hưởng tới giới trẻ và người trưởng thành, và sự đổ dồn của dân chúng về Rôma dịp an táng Đức Gioan Phaolô II và bầu cử Đức Bênêđictô XVI. Đức thánh cha (Bênêđictô XVI) đã bày tỏ trong bài giảng lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của ngài: “Đây là kinh nghiệm tuyệt vời của những ngày này. Trong suốt những ngày đau buồn này về bệnh tật và cái chết của Đức Giáo hoàng [Gioan Phaolô II], thì đó lại trở thành chứng tá cho chúng ta cách tuyệt vời rằng Giáo hội đang sống, và Giáo hội trẻ trung. Giáo hội ôm lấy bên trong mình tương lai của thế giới và do đó Giáo hội tỏ cho chúng ta thấy con đường hướng về tương lai. Giáo hội đang sống và chúng ta đều đang thấy điều đó: Chúng ta đang kinh nghiệm niềm vui mà Đấng Phục Sinh đã hứa cho những ai theo Người.”[5]
II. Giáo hội đề nghị một câu trả lời: Via pulchritudinis
II.1. Chấp nhận thách đố
Trước những thách đố của lịch sử, xã hội, văn hóa và tôn giáo được nêu lên trong hai Hội nghị khoáng đại gần đây, khía cạnh mục vụ nào của Giáo hội cần phải lưu tâm trong cuộc đối thoại tông đồ với con người thời đại chúng ta, nhất là những người vô tín ngưỡng và dửng dưng tôn giáo?
Giáo hội chu toàn sứ vụ dẫn dắt con người tới Chúa Kitô, Đấng Cứu độ, bằng việc chia sẻ Lời Thiên Chúa và hồng ân các bí tích của ân sủng. Để có thể gần gũi với con người, nhờ lối tiếp cận mục vụ văn hóa thích hợp, dưới ánh sáng của Chúa Kitô được chiêm niệm trong mầu nhiệm Nhập Thể (x. GS, số 22), Giáo hội khảo sát “các dấu chỉ thời đại”, và tìm thấy ở đó những chỉ dẫn quý giá nhằm thiết lập “những cây cầu”, giúp gặp gỡ Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô qua con đường tình bạn trong một cuộc đối thoại chân lý.
Trong viễn cảnh này, via pulchritudinis dường như là một con đường ưu việt để tiếp xúc với nhiều người đang cảm thấy khó khăn khi đón nhận giáo huấn, nhất là giáo huấn về luân lý, của Giáo hội.
Trong những thập niên gần đây, chân lý thường bị lèo lái bởi các hệ tư tưởng; sự thiện bị “tạt ngang”, biến thành một hành vi xã hội đơn thuần, như thể lòng yêu mến tha nhân không cần kín múc sức mạnh nơi tình yêu Thiên Chúa. Thuyết duy-tương-đối tìm thấy một trong những cách thể hiện mạnh mẽ nhất trong chủ trương “ba phải”, gây khó khăn cho cuộc đối thoại thực sự, nghiêm túc và hữu lý.
Con đường của cái đẹp, khởi đi từ kinh nghiệm rất đơn giản là cuộc gặp gỡ với cái đẹp, nảy sinh sự ngạc nhiên, có thể mở ra con đường gặp gỡ Thiên Chúa, và hướng lòng trí tới cuộc gặp gỡ Đức Kitô, Cái đẹp của sự Thánh thiện nhập thể, được Thiên Chúa tặng ban cho con người ngõ hầu họ được cứu độ. Con đường đó mời gọi các Âu-tinh mới trong thời đại chúng ta, những người không ngừng tìm kiếm tình yêu, chân lý và cái đẹp, hãy vươn lên từ cái đẹp hữu hình tới Cái Đẹp vĩnh cửu, và với lòng nhiệt thành, khám phá ra Thiên Chúa, Đấng Thánh, Tác Giả của mọi cái đẹp.
Không phải tất cả mọi nền văn hóa đều mở rộng như nhau đến Đấng Siêu Việt và đón nhận mạc khải Kitô giáo. Cũng vậy, không phải mọi cách diễn tả về cái đẹp – hoặc tưởng là đẹp - đều giúp cho việc đón nhận sứ điệp của Chúa Kitô và trực giác về cái đẹp thần linh của Người. Các nền văn hóa, xét như lối diễn tả nghệ thuật và sự thể hiện thẩm mỹ, mang dấu vết tội lỗi, đồng thời có thể lôi cuốn và giam hãm sự chú ý, làm cho nó đóng khung trong chính mình, và khơi lên những hình thức tôn thờ ngẫu tượng mới. Chúng ta đã chẳng thường xuyên đối diện với những hiện tượng suy đồi thực sự, nơi nghệ thuật và văn hóa bị băng hoại tới mức gây tổn thương cho nhân phẩm con người đó sao? Cái đẹp không thể bị giảm thiểu vào một thỏa mãn giác quan: điều này ngăn cản người ta có được sự hiểu biết đầy đủ về tính phổ quát, giá trị cao cả, và sự siêu việt của cái đẹp. Nhận thức về cái đẹp đỏi hỏi một sự giáo dục, bởi vì cái đẹp chỉ xác thực trong mối liên hệ với chân lý – vả lại, cái đẹp sẽ phản chiếu cái gì, nếu không phải là chân lý? Và đồng thời, cái đẹp là “sự biểu lộ hữu hình của sự thiện, cũng như sự thiện là điều kiện siêu hình của cái đẹp”[6]. Max Jacob tự hỏi: “Cái đẹp chẳng phải là con đường chắc chắn để đạt đến sự thiện sao?” Tuy dù tất cả mọi người đều có thể đạt tới, nhưng con đường của cái đẹp không tránh khỏi những nhập nhằng và hiểm trở. Tuỳ thuộc vào điều kiện của mỗi người, con đường này có thể bị giảm thiểu thành một thứ thẩm mỹ phù du, trở nên công cụ phục vụ cho những thời trang hấp dẫn của xã hội tiêu thụ. Vì thế rất cần huấn luyện để phân định giữa uti và frui, nghĩa là một mối liên hệ giữa thực tại và con người chỉ dựa trên chức năng (uti), và một mối liên hệ xác thực và đáng tin cậy (frui), được bén rễ chắc chắn trong cái đẹp của tình yêu ban tặng, theo thánh Âutinh, trong tác phẩm De catechizandis rudibus (Lib. I, 4.7, 26): “Nulla est enim maior ad amorem invitatio quam praevenire amando – Không có lời mời gọi hướng tới tình yêu nào lớn hơn tình yêu đi bước trước.”
Vì thế, cũng cần phải xác định via pulchritudinis là gì, và hệ tại cái gì: Cái đẹp nào giúp chuyển trao đức tin bằng khả năng tiếp xúc với lòng người, khả năng diễn tả mầu nhiệm Thiên Chúa và con người, và khả năng thể hiện như một “cây cầu” xác thực, một không gian tự do để đồng hành với những con người trong thời đại chúng ta – những người đã biết hoặc đang học nhìn nhận cái đẹp – và giúp họ gặp gỡ cái đẹp của Tin Mừng Chúa Kitô mà Giáo hội có sứ vụ loan báo cho mọi người thành tâm thiện chí.
II.2. Làm thế nào để via pulchritudinis có thể là câu trả lời của Giáo hội cho những thách đố của thời đại chúng ta?
Đức Gioan Phaolô II, người không ngừng tìm hiểu các dấu chỉ thời đại, đã cho thấy con đường này trong Thông điệp Fides et ratio: “Đang khi tôi không ngừng kêu gào sự khẩn trương của việc loan báo Tin Mừng cách mới mẻ, tôi tha thiết kêu mời các triết gia đào sâu những chiều kích của điều chân, thiện, mỹ mà lời Thiên Chúa dẫn tới. Điều đó sẽ trở thành khẩn thiết hơn nếu người ta lưu ý đến những thách đố, mà thiên niên mới hình như sẽ tung ra, những thách đố sẽ liên hệ cách đặc biệt đến những miền và những nền văn hoá thuộc truyền thống Kitô giáo cố cựu. Mối bận tâm này cũng phải được coi như phần đóng góp nền tảng và độc đáo trên con đường loan báo Tin Mừng cách mới mẻ.”[7]
Lời mời gọi này gửi tới các triết gia có thể làm nhiều người ngạc nhiên, nhưng via pulchritudinis chẳng phải là via veritatis mà qua đó con người dấn bước khám phá bonitas của Thiên Chúa tình yêu, nguồn gốc mọi cái đẹp, chân lý và sự thiện hảo đấy ư? Cái đẹp, cũng như chân lý và sự thiện, dẫn chúng ta tới Thiên Chúa, Chân Lý đệ nhất, Sự Thiện tối cao, và là chính Cái Đẹp. Nhưng cái đẹp nói mạnh hơn chân lý và sự thiện. Nói rằng một hữu thể đẹp thì không chỉ là nhận ra nó có thể hiểu được, và vì thế nó đáng mến; mà đồng thời, khi chúng ta đã nhận thức cái đẹp, thì nó thu hút chúng ta, lôi cuốn chúng ta bằng tia sáng có khả năng khơi lên sự ngạc nhiên. Cái đẹp biểu lộ một khả năng thu hút nào đó; hơn thế nữa, nó bộc lộ chính thực tại dưới sự hoàn hảo về hình thái. Cái đẹp là sự biểu lộ của thực tại. Cái đẹp thể hiện cái thực tại bằng cách biểu lộ ánh sáng bên trong của nó. Theo thánh Tôma Aquinô, đây là một trong ba điều kiện của cái đẹp. Trong khảo luận về Ba Ngôi trong Tổng luận thần học, thánh nhân bàn về các thuộc tính riêng của mỗi ngôi vị thần linh và nối kết cái đẹp với Ngôi Con: “Pulchritudo habet similitudinem cum propriis Filii - Cái đẹp thể hiện sự tương đồng với những gì thuộc về Chúa Con.” Và thánh nhân vạch ra ba điều kiện của cái đẹp, để áp dụng cho Chúa Kitô: tính toàn vẹn hoặc hoàn hảo – integritas sive perfectio – sự cân xứng hoặc hài hòa – proportio sive consonantia – và sự sáng sủa rõ ràng – claritas (Ia, qu.39, art.8). Nếu sự thiện diễn tả điều đáng ao ước, cái đẹp diễn tả vẻ lộng lẫy và ánh sáng của sự hoàn hảo mà nó thể hiện.[8]
Via pulchritudinis là một con đường mục vụ, không thể bị giảm thiểu thành một lối tiếp cận triết học. Nhưng cái nhìn của nhà siêu hình có thể giúp chúng ta hiểu tại sao cái đẹp là con đường tuyệt vời dẫn tới Thiên Chúa. Khi cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, cái đẹp khơi lên nơi chúng ta ước muốn hưởng bình an của sự chiêm niệm, không chỉ vì duy Thiên Chúa có thể lấp đầy trí lòng chúng ta, mà còn bởi Người có nơi chính mình sự hoàn hảo của Hữu thể, nguồn ánh sáng hài hòa và bất tận. Để đạt tới sự hoàn hảo đó, chúng ta cần thực hiện bước chuyển “từ hiện tượng tới nền tảng”. Đó cũng là lời mời gọi của vị giáo hoàng triết gia: “Dù ở nơi đâu, con người luôn nhận thấy một lời mời gọi hướng tới tuyệt đối, hướng tới siêu việt, con người được ban cho khả năng thoáng thấy chiều kích siêu hình của thực tại: trong chân lý, trong cái đẹp, trong các giá trị luân lý, trong người khác, trong chính mình và trong Thiên Chúa. Một thách đố lớn đối với chúng ta khi kết thúc thiên niên kỷ này là biết thực hiện bước chuyển ‘từ hiện tượng tới nền tảng’, vừa cần thiết vừa cấp bách. Không thể chỉ dừng lại ở kinh nghiệm: ngay cả khi kinh nghiệm diễn tả và thể hiện nội tâm và đời sống tinh thần của con người, thì việc suy tư lý thuyết cũng cần đạt tới bản thể tinh thần và nền tảng do việc suy tư đặt ra. Và ngài thêm: “Một tư tưởng triết học khước từ sự rộng mở mang tính siêu hình, về căn bản, sẽ không thích hợp để thực hiện chức năng làm trung gian trong sự nhận biết Mạc khải.”[9]
Bước chuyển “từ hiện tượng đến nền tảng” không xảy đến cách tự động đối với những ai không quen vượt qua từ hữu hình tới vô hình, bởi vì một thói quen nào đó hướng tới điều xấu, sở thích sai lạc, sự thô bỉ, được thúc đẩy bởi công chúng cũng như một số “nghệ sĩ điên rồ”, nâng giá trị cho những điều nhơ nhớp và xấu xa, với mục đích gây tai tiếng. Ngay cả những bông hoa sự dữ cũng đầy quyến rũ. Baudelaire tự hỏi: “Ôi cái đẹp, ngươi đến từ trời cao hay chui lên từ vực thẳm?” Và Dimitri Karamazov thổ lộ với anh trai Aliocha: “Cái đẹp là điều gì đó thật kinh khủng. Nó là cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Satan, và chiến trường là trái tim của tôi.” Nếu cái đẹp là hình ảnh Thiên Chúa sáng tạo, thì nó cũng là con cháu của Ađam và Eva, như thế nó cũng mang dấu vết tội lỗi. Con người thường có nguy cơ bị mắc bẫy của cái đẹp là chiếm lấy cho chính mình - hình ảnh trở nên thần tượng, phương tiện nhấn chìm mục đích, chân lý bị giam hãm, cạm bẫy nhiều người mắc phải, vì thiếu sự huấn luyện tương xứng về cảm giác, và thiếu giáo dục thích đáng về cái đẹp.
Đi trên via pulchritudinis bao hàm việc dấn thân giáo dục giới trẻ về cái đẹp, giúp họ phát triển tinh thần phê bình khi đối diện với văn hóa truyền thông, huấn luyện giác quan và tính nết của họ nhằm giúp họ phát triển và dẫn họ tới sự trưởng thành thực sự. “Văn hóa hào nhoáng” chẳng phải là đặc trưng của những người sợ cảm thấy bị thúc đẩy phải chuyển biến sâu sắc đó sao? Sau thời gian dài từ chối “đam mê” này, thánh Âu-tinh biểu lộ sự biến đổi sâu sắc của linh hồn được khơi lên nhờ cuộc gặp gỡ với cái đẹp của Thiên Chúa. Trong cuốn Tự Thuật, ông đau buồn và cay đắng nhớ lại thời gian và cơ hội bị đánh mất, và trong những trang đáng nhớ này, ông sống lại hành trình khó khăn khi tìm lại chân lý và Thiên Chúa. Nhờ một sự soi sáng, ông tìm lại được Thiên Chúa, và nắm bắt Ngài như “chính Chân Lý” (X, 24), nguồn vui thuần khiết và hạnh phúc đích thực. “Con yêu Ngài quá muộn màng, ôi Cái đẹp vừa cổ kính vừa tân kỳ, con yêu Ngài quá muộn! Nhưng Ngài ở trong con, mà con lại ở bên ngoài con! Và, con tìm kiếm Ngài ở bên ngoài con; con lao mình vào sự xấu xa, vào sự quyến rũ của thụ tạo…Ngài đã gọi con, và tiếng Ngài phá vỡ tật điếc lác của con; Ngài đã chiếu sáng, và ánh sáng Ngài xua đuổi tật mù lòa của con; Ngài làm lan tỏa hương thơm, và con đã ngửi; con đã ước ao Ngài; con thưởng thức Ngài mà vẫn còn đói khát; Ngài chạm đến con, và con bừng cháy vì bình an Ngài ban”[10]. Kinh nghiệm về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa của cái đẹp này là một sự kiện được sống trong toàn thể con người, và không chỉ trong giác quan. Và đây là lời thú nhận từ tác phẩm De musica (6,13,38): “Num possumus amare nisi pulchra ? – Chúng ta có thể yêu mến điều gì nếu không phải là cái đẹp ?”
II.3. Via pulchritudinis, con đường dẫn đến tới Chân Lý và Sự Thiện
Khi đề nghị bộ môn mỹ học thần học (esthetica theologica), Hans Urs von Balthazar tìm cách mở ra những chân trời tư tưởng nhằm suy tư và chiêm ngắm cái đẹp của Thiên Chúa, cái đẹp nơi mầu nhiệm Thiên Chúa, và cái đẹp của Chúa Kitô – nơi Người, Thiên Chúa mạc khải chính mình. Trong dẫn nhập vào tập thứ nhất tác phẩm chính, Vinh quang và Thập giá, thần học gia này đã trưng dẫn từ ngữ “cái đẹp” như là “từ ngữ đầu tiên đối với chúng ta”, và ông giải thích tầm quan trọng của nó do mối liên hệ với sự thiện, vốn “cũng bị mất sức thu hút”, và nơi “những bằng chứng của chân lý mất đặc tính thuyết phục”.
“Từ ngữ mà chúng ta dùng để bắt đầu, đó là Cái đẹp; đối với chúng ta, cái đẹp sẽ là từ ngữ đầu tiên. Cái đẹp, đó là cơ may cuối cùng, nơi mà lý trí lý luận dám tiếp cận, bởi vì nhờ ánh sáng mờ ảo, cái đẹp chỉ bao quanh khuôn mặt kép – chân lý và sự thiện, và mối liên hệ bền chặt giữa chúng. Cái đẹp không vụ lợi, nhờ đó thế giới cổ xưa không thể hiểu mình; nhưng cái đẹp là từ mà thế giới vụ lợi hôm nay không nhận ra, hay hiểu sai, vì đã gạt bỏ nó do sự tham lam và u sầu ảm đạm. Cái đẹp, ngay cả tôn giáo không còn yêu mến và chọn lựa, đã bị lột đi như chiếc mặt nạ che mặt, lộ ra những đặc điểm có nguy cơ làm cho con người không thể hiểu được…
Người bĩu môi khi nghe đến tên nó như nó là đồ trang sức hão huyền của một quá khứ bình dị - dù thừa nhận hoặc không – thì không thể cầu nguyện, và chẳng mấy chốc sẽ không thể yêu mến nữa.
Trong một thế giới không có cái đẹp – dù người ta không thể nói đến từ này, và luôn có trên môi miệng khi lạm dụng nó – trong một thế giới có lẽ không thiếu cái đẹp, nhưng không có khả năng nhận ra nó, chú ý đến nó, thì sự thiện cũng mất đi sức hút, sự hiển nhiên “phải được thể hiện”…Trong một thế giới không tin vào khả năng khẳng định cái đẹp, thì các bằng chứng của chân lý mất đi đặc tính thuyết phục”.[11]
Cũng vậy, cùng với những mối quan tâm khác, Aleksandr I. Soljenitsyne ghi nhận, với giọng tiên tri, trong diễn văn nhận giải Nobel văn chương: “Bộ ba cổ xưa này – chân lý, sự thiện và cái đẹp – không chỉ là một công thức lỗi thời nhằm phô trương, theo như cảm tưởng vào thời trai trẻ duy vật. Nếu, như các nhà thông thái nói, chóp đỉnh của ba cây này hợp lại, trong khi các chồi chân lý và sự thiện, phát triển quá sớm và không được bảo vệ, bị đè bẹp xé nát, và không thể trưởng thành, thì có thể các chồi xa lạ, bất ngờ của cái đẹp mọc lên và phát triển tại chính nơi ấy, và theo cách đó, chính những chồi này thực hiện công việc của cả ba.”[12]
Như vậy, không phải là chúng ta khước từ không còn đặt Chân lý và Sự thiện ở trung tâm Tin Mừng nữa, nhưng chúng ta muốn đi theo một con đường ưu việt giúp cho Chân lý và Sự thiện chạm đến lòng người và văn hóa[13]. Thế giới rất cần điều này, như Đức Phaolô VI nhấn mạnh trong sứ điệp cảm động gửi các nghệ sĩ ngày 8 tháng Mười Hai năm 1965, dịp kết thúc Công đồng Vaticanô II: “Thế giới chúng ta sống ngày nay đang cần đến cái đẹp để khỏi chìm đắm vào thất vọng. Cái đẹp, cũng như sự thật, mang lại niềm vui cho tâm hồn con người, và là hoa trái quý giá không tàn úa với thời gian, nhưng nối kết các thế hệ lại và làm cho họ hiệp thông với nhau trong sự thán phục.”[14]
Được chiêm ngắm với linh hồn thanh khiết, cái đẹp trực tiếp nói với tâm hồn, và nâng tâm hồn từ ngạc nhiên đến thán phục, từ ngưỡng mộ đến biết ơn, từ hạnh phúc đến chiêm niệm. Nhờ đó, cái đẹp tạo ra vùng đất màu mỡ cho việc lắng nghe và đối thoại, bởi vì cái đẹp giúp chiếm lấy toàn thể con người, tinh thần và con tim, trí tuệ và lý trí, khả năng sáng tạo và tưởng tượng. Bởi lẽ, cái đẹp khó có thể làm người ta dửng dưng: nó khơi lên những cảm xúc, nó tạo ra động lực cho sự biến đổi sâu sắc bên trong làm phát sinh niềm vui, tình cảm tròn đầy, ước muốn tham dự cách tự do vào chính cái đẹp này, để tự chiếm dụng khi nội tại hóa và tích hợp cái đẹp trong sự hiện hữu cụ thể của nó.
Con đường của cái đẹp đáp lại ước muốn sâu kín về hạnh phúc hiện diện trong cung lòng mọi người. Nó mở ra những chân trời vô tận, thôi thúc con người ra khỏi chính mình, khỏi đường xưa lối cũ, khỏi giây phút ngắn ngủi đang qua đi, để mở lòng với Siêu Việt và Mầu Nhiệm, và như mục đích tối hậu về ước muốn hạnh phúc và quê hương hoàn hảo, ao ước Cái Đẹp nguyên thủy là chính Thiên Chúa, Đấng tạo thành mọi cái đẹp. Nhiều nghị phụ đã nhắc tới điều này tại Thượng Hội Đồng Giám mục về Bí tích Thánh Thể tháng Mười năm 2005. Với ước muốn hạnh phúc từ sâu thẳm, con người không thể tránh khỏi cuộc chiến với sự dữ, đau khổ và chết chóc. Và chính các nền văn hóa đôi khi cũng phải đối diện với các hiện tượng tương tự như các vết thương, có thể dẫn tới diệt vong. Con đường của cái đẹp giúp mở ra với ánh sáng chân lý, và chiếu sáng thân phận con người khi giúp con người hiểu được ý nghĩa của mầu nhiệm đau khổ. Theo cách như thế, nó giúp chữa lành các vết thương này.
III. Các con đường của cái đẹp
Ba lĩnh vực cung cấp cho chúng ta tựa như những con đường ưu việt của via pulchritudinis để đối thoại với các nền văn hóa hiện đại: III.1. Cái đẹp của công trình tạo dựng; III.2. Cái đẹp của nghệ thuật; III.3. Cái đẹp của Chúa Kitô, mô mẫu và nguyên mẫu của sự thánh thiện Kitô giáo
Cái Đẹp của Thiên Chúa, được mạc khải bởi Cái Đẹp đặc biệt nơi Con Một của Người, là nguồn gốc và cứu cánh của mọi loài thụ tạo. Nếu có thể khởi đi từ cấp độ căn bản nhất, sau đó đi lên, theo tính năng động được ghi trong Thánh Kinh, từ cái đẹp hữu hình của tự nhiên tới Cái Đẹp của Đấng Tạo hóa, phản chiếu cách độc nhất trên khuôn mặt của Chúa Kitô, Thân Mẫu Người và các thánh. Đối với người Kitô hữu, “tạo dựng” không tách rời “tái tạo”, vì nếu Thiên Chúa thấy công trình sáu ngày của Người là tốt đẹp (x. St 1), thì tội lỗi, cùng với sự xáo trộn đã đưa sự dữ và sự chết xấu xa vào, mà Đức Kitô Phục Sinh là Đấng chiến thắng. Phụng vụ Vượt Qua hát rằng: “Ôi tội hồng phúc, tội đã cho chúng tôi Đấng Cứu Chuộc cao sang”. Ân sủng tuôn trào khắp thế giới từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ, thanh tẩy và dẫn tới cái đẹp khác hoàn toàn với thế giới đã được cứu độ đang rên siết đợi chờ giờ biến đổi cuối cùng.
III.1. Cái đẹp của công trình tạo dựng
Kinh Thánh nhấn mạnh giá trị biểu tượng về cái đẹp của thế giới bao quanh chúng ta, phản chiếu cái đẹp hữu hình của Đấng Sáng Tạo vô hình: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Nếu chúng say mê những cái đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Đấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn cái đẹp (Kn 13,1.3). Luôn có một vực thẳm giữa cái đẹp khôn tả của Thiên Chúa và những vết tích của Người nơi công trình tạo dựng, và thánh ký đã xác định giới hạn của cuộc “biện chứng đi lên” này (dialettica ascendente): “Từ các thọ tạo hùng vĩ và đẹp đẽ [bằng cách loại suy] ta nhận ra Đấng tạo thành (Kn 13,5). Vì thế, cần phải vượt qua những hình thái hữu hình của các vật tự nhiên để đi lên tác giả vô hình, “Đấng hoàn toàn khác biệt”, Đấng chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Tôi tin một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”.
A. Thán phục trước cái đẹp của công trình tạo dựng.
“Thiên nhiên là một đền thờ nơi đó các cột trụ sống động đôi khi phát ra những lời tối nghĩa…” Các nhà thơ, như Baudelaire, đặc biệt nhạy cảm với cái đẹp của công trình tạo dựng và với ngôn ngữ nhiệm mầu của nó. Cũng thế, trong Bài ca thiêng liêng, thánh Gioan Thánh giá mời các thụ tạo tuyên xưng:
“Đổ muôn vàn ân sủng
Người vội vã đi qua những lùm cây.
Người đi qua, và nhìn chúng,
bằng dáng vẻ duy nhất của Người,
Người mặc cho chúng cái đẹp.”
Và nhà thơ người Anh G. M. Hopkins viết: “Thế giới thấm nhuần vẻ huy hoàng của Thiên Chúa”. Chiêm ngắm cảnh mặt trời lặn, những đỉnh núi phủ đẩy tuyết dưới sao trời, những cánh đồng đầy hoa đắm mình trong ánh sáng, muôn vàn cây cối và đủ loại động vật, … tạo nên bức tranh đầy cảm xúc mời gọi chúng ta “đọc từ bên trong – intus-legere”, để vượt qua cái hữu hình đạt đến cái vô hình, và đưa ra câu trả lời hữu lý cho vấn nạn không thể trốn tránh: “Nghệ nhân này là ai, mà từ nguyên thủy đã có trí tưởng tượng quá mạnh mẽ về cái đẹp và sự hùng vĩ, sự phong phú các hữu thể trên trời dưới đất như thế?”
Hai ngàn năm trước, Plato đã nói: “Cái đẹp, là sự thống nhất trong đa dạng, đưa chúng ta tới ngưỡng cửa của thực tại cao cả là Sự Thiện”, tức là Thiên Chúa. Và Aristote khẳng định rằng “trong tất cả mọi sự nơi thiên nhiên, có một điều gì đó huyền diệu”. Thật vậy, việc nghiên cứu thiên nhiên và vũ trụ giữ một vai trò thiết yếu trong triết học, từ thời Hy lạp cổ đại. Cũng vậy, trong thần học, vũ trụ luận tạo nên một yếu tố nền tảng để hiểu biết công trình của Thiên Chúa và hành động của Người trong lịch sử. Cách nhìn của Pseudo-Denys Aréopagite, thường xuyên lặp lại trong thần học và huyền bí Kitô giáo, và vũ trụ luận Aristote được thánh Tôma lấy lại, giới thiệu trong “các bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa”. Emmanuel Kant nhận thấy cái đẹp của công trình tạo dựng và khả năng khơi dậy sự thán phục của nó trong tác phẩm Phê bình lý trí thuần túy: “Hai điều lấp đầy tâm hồn bằng sự ngưỡng mộ và tôn kính luôn mới mẻ và tăng dần, đến mức việc suy tư gắn bó và tập trung vào: Đó là bầu trời đầy sao phía trên tôi và luật luân lý trong tôi”.
Chiêm ngắm cái đẹp của công trình tạo dựng khơi lên bình an nội tâm và kích thích cảm giác hài hòa và ước muốn một cuộc sống tươi đẹp. Nơi những con người có tôn giáo, sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ được biến đổi thành thái độ nội tâm thiêng liêng: Thờ lạy, ca ngợi, tạ ơn Tác giả của mọi cái đẹp. Thánh vịnh gia kêu lên: “Ngắm tầng trời tay Chúa sáng tạo, muôn trăng sao Chúa đã an bài, thì con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân: Nào chiên bò đủ loại, nào thú vật ngoài đồng, nào chim trời cá biển, mọi loài ngang dọc khắp trùng dương. Lạy Đức Chúa là Chúa chúng con, lẫy lừng thay danh Chúa trên khắp cả địa cầu!” (Tv 8,4-7.10). Truyền thống Phan Sinh, với thánh Bônaventura và Gioan Scot Erigène[15], gán cho công trình thụ tạo một chiều kích “bí tích”, nghĩa là nó mang nơi mình các dấu vết về nguồn gốc của nó. Theo cách này, thiên nhiên được xem như một bức họa phóng dụ, và mỗi thực tại thiên nhiên được xem như biểu trưng cho Tác giả của nó.
B. Từ tạo dựng đến tái tạo.
Giữa các loài thụ tạo, có một loài giống Thiên Chúa cách nào đó, đó là con người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Người” (St 1,27). Nhờ linh hồn thiêng liêng, con người mang nơi mình một “hạt giống bất tử không thể giản lược vào vật chất mà thôi” (GS, 18). Nhưng hình ảnh đã bị biến thái bởi tội nguyên tổ, nọc độc làm cho ý chí con người khó hướng về sự thiện, và do đó che khuất trí tuệ và làm hoen ố giác quan. Cái đẹp của linh hồn, vì đói khát chân lý và nhiệt tâm hướng về sự thiện đáng mến, mất đi sự rực rỡ và có thể trở nên xấu xa, độc ác. Một đứa trẻ chứng kiến một hành động xấu xa thì chẳng bộc phát: “Điều đó không đẹp” đấy ư ? Và như vậy, điều xấu xí – và cả sự thiện – xuất hiện trong lĩnh vực luân lý và lan dội trên con người, chủ thể của nó. Với tội lỗi, con người đánh mất cái đẹp nguyên thủy và thấy mình trần truồng, cảm thấy xấu hổ. Đấng Cứu Thế đến tái tạo con người trong cái đẹp đầu tiên của nó, và hơn thế, còn mặc cho nó cái đẹp mới: Cái đẹp kỳ diệu của thụ tạo đã được nâng lên hàng con cái Thiên Chúa, sự biến đổi dành cho linh hồn được cứu chuộc và được nâng cao nhờ ân sủng, và sự rực rỡ nơi mọi phần của thân thể được mời gọi phục sinh với Chúa Kitô (Ep 2,6).
Nếu Đức Kitô, Ađam mới, “giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi cao quý của mình” (GS 22), thì cách nhìn Kitô giáo về cái đẹp của công trình tạo dựng đạt tới đỉnh điểm trong sự mới mẻ tràn ngập của cuộc tái tạo: Đức Kitô, Đấng phản chiếu hoàn hảo vinh quang Chúa Cha, đã truyền thông cho con người sự sung mãn của Ân sủng. Người làm cho con người “nên ân sủng”, nghĩa là xinh đẹp và dễ mến đối với Thiên Chúa. Cuộc nhập thể là tiêu điểm, là viễn cảnh xác đáng nơi đó cái đẹp nhận lấy ý nghĩa tối hậu: “Là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình (Cl 1,15), chính Đức Kitô là con người hoàn hảo đã tái tạo nơi con cháu Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Vì trong Người, bản tính nhân loại đã được tiếp nhận chứ không bị tiêu diệt, nên trong chúng ta, bản tính ấy cũng được nâng cao, đạt tới phẩm giá siêu việt. Thật vậy, khi nhập thể, Con Thiên Chúa cách nào đó đã liên kết với tất cả mọi người” (GS 22). Phần sau, chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này, tức là cái đẹp của sự thánh thiện xuất phát từ con người được trở nên đồng hình với Đức Kitô, dưới hơi thở của Thánh Linh, là một trong những bằng chứng đẹp nhất, có thể lay động những người thờ ơ nhất, và làm cho họ cảm nhận Thiên Chúa đã đi ngang qua cuộc sống của con người.
Bằng hành động tạ ơn liên tục, người Kitô hữu ca tụng Chúa Kitô, Đấng đã ban lại cho họ sự sống, và làm cho họ được biến đổi nhờ ân sủng vinh quang Người trao tặng. Đôi mắt khao khát cái đẹp được thu hút bởi Ađam mới, Đấng là hình ảnh chân thực của Chúa Cha vĩnh cửu, “là sự phản ánh vinh quang” và “hình ảnh của bản thể Chúa Cha” (Dt 1,3). Với những ai “có lòng trong sạch”, mà Người hứa cho được nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện, bây giờ Đức Kitô đã ban cho họ được nhận thấy ánh vinh quang ngay giữa đêm tối đức tin.
C. Công trình tạo dựng, được hưởng dụng hay để tôn thờ.
Tuy nhiên, nhiều người chỉ thấy thiên nhiên và vũ trụ trong tính vật chất hữu hình của nó, tức là một vũ trụ câm không có định mệnh nào khác hơn là phục tùng những quy luật vật lý lạnh lùng, bất biến, không gợi lên bất kỳ cái đẹp nào khác, phương chi Đấng Tạo Hóa. Trong một nền văn hóa nơi mà chủ nghĩa khoa học áp đặt những giới hạn về phương pháp quan sát giá trị trong lĩnh vực khoa học chính xác, đến nỗi tạo nên một quy tắc độc nhất cho mọi sự hiểu biết, thì vũ trụ bị biến thành một bể chứa khổng lồ, nơi con người kín múc cho tới khi cạn kiệt, theo nhu cầu ngày càng tăng quá mức của mình.
Sách Khôn ngoan cảnh báo chống lại lối nhìn thiển cận như thế, đó cũng là điều mà thánh Phaolô tố giác là một “tội kiêu ngạo và tự phụ” (Rm 1,20-23). Dù sao, các thụ tạo không hề câm lặng: Các hiện tượng thiên nhiên bất thường, đôi khi bi thảm, được ghi nhận trong những năm gần đây, các thảm họa sinh thái không ngừng tăng lên, khơi dậy một cách hiểu mới về tự nhiên, về quy luật và sự hài hòa của nó. Ngày càng rõ ràng cho những con người trong thời đại chúng ta là, thiên nhiên không thể và không nên được khai thác mà không có sự tôn trọng.
Nhưng vấn đề không phải là làm cho thiên nhiên trở thành cái gì đó tuyệt đối hay một thần tượng, như nơi một số nhóm tân ngoại giáo: giá trị của thiên nhiên không bao giờ có thể đặt lên trên phẩm giá con người, vốn được mời gọi trở thành người canh giữ thiên nhiên.
Đề nghị mục vụ
Việc đặc biệt chú ý đến thiên nhiên giúp khám phá ở đó tấm gương phản chiếu cái đẹp Thiên Chúa. Vì thế, cần chú ý hơn nữa đến công trình tạo dựng và cái đẹp của nó, cả trong việc huấn luyện nhân bản cũng như Kitô giáo, tránh nguy cơ giới hạn việc giáo dục này thành một khoa sinh thái học cực đoan, hoặc thậm chí thành lối nhìn phiếm thần. Một số phong trào – Hướng đạo, Công giáo tiến hành cho trẻ em - cố gắng giáo dục cách quan sát thiên nhiên và nhạy cảm với việc bảo vệ thiên nhiên. Họ giúp giới trẻ khám phá kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa, bằng cách khơi dậy những tìm cảm gắn liền với sự thán phục, thờ lạy và tạ ơn. Vì thế, cần phải chú ý thực hành chiều kích kép trong việc lắng nghe:
- Lắng nghe công trình tạo dựng kể về vinh quang Thiên Chúa (Tv 18,2).
- Lắng nghe Thiên Chúa phán với chúng ta qua công trình tạo dựng của Người, và làm cho chính Người có thể nhận biết bởi lý trí con người, theo giáo huấn của Công đồng Vatican I (Dei Filius Ch.2, can.1).
Việc huấn giáo, với cố gắng huấn luyện thanh thiếu niên, giúp phát triển khoa sư phạm về việc quan sát cái đẹp thiên nhiên và những thái độ nhân bản liên hệ: thinh lặng, lắng nghe, ngưỡng mộ, nội tâm hóa, kiên nhẫn chờ đợi, khám phá sự hài hòa, tôn trọng sự cân bằng thiên nhiên, ý nghĩa của việc trao tặng, thờ lạy và chiêm niệm.
Việc giảng dạy một triết lý đích thực về thiên nhiên và thần học về tạo dựng xứng đáng là một lực đẩy mới trong nền văn hóa trong đó cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin đặc biệt quan trọng: các nhà trí thức cần có một mức độ hiểu biết tối thiểu về tri-thức-luận, và các nhà khoa học nhiều khi không biết những điều lợi ích lớn lao từ kho tàng khôn ngoan Kitô giáo[16]. Các thành kiến của não trạng duy khoa học (scientismo) và duy tín (fideismo) vẫn còn hiện diện nơi tâm thức chung, và vì thế thật quan trọng để khơi lên ở mọi cấp độ - trong các cơ sở giáo dục Công giáo, các nhà huấn luyện, các đại học, các trung tâm văn hóa Công giáo…- những cơ hội gặp gỡ và đối thoại giữa những nhà khoa học và những người có tín ngưỡng[17]. Trong khung cảnh đó, ngày dành cho các nhà khoa học, được cử hành trong Năm thánh 2000, đã khơi lên những sáng kiến mới về văn hóa, với mục đích canh tân cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin. Giữa các sáng kiến này, dự án STOQ [Science, Theology and Ontological Quest] được Hội đồng Giáo hoàng về văn hóa thúc đẩy với sự hợp tác của nhiều Đại học Giáo hoàng, đã giúp nhiều sinh viên đi vào con đường dẫn tới việc quan sát mang tính trí tuệ, đồng thời dẫn tới kinh nghiệm của con người trong nhận thức về Đấng Tạo Hóa, khi sử dụng những gì tốt nhất do khoa học hiện đại mang lại, dưới ánh sáng của lý trí ngay thẳng, cùng với sự khôn ngoan và sự hướng dẫn của các chuyên gia. Mặt khác, mỗi ngành nghiên cứu – triết học, thần học, khoa học xã hội và nhân văn, tâm lý học – có thể giúp vén mở cái đẹp của Thiên Chúa và của công trình tạo dựng.
Các hoạt động nhằm bảo vệ thiên nhiên, nơi cư ngụ tự nhiên, được tổ chức bởi các cộng đồng Kitô hữu, hoặc các gia đình tôn giáo, theo gương thánh Phanxicô, người “đã chiêm ngắm Đấng Tuyệt Mỹ trong mọi cái đẹp”[18], gây tiếng vang nào đó, và giúp phát triển một lối nhìn ít “thần tượng” hơn về thiên nhiên. Thư mục vụ của các giám mục bang Queensland, Australia mang tựa đề rất gợi hình: “Các bãi biển hãy vui lên! Thư mục vụ viết trên Rạn San hô lớn” [Let the Many Coastlands Be Glad ! A Pastoral Letter on the Great Barrier Reef] là một ví dụ như thế. Trong nền văn hóa hiện thời, thật quan trọng để nhân rộng các sáng kiến nhằm chuyển trao ý nghĩa về giá trị đích thực của thiên nhiên, của cái đẹp, sức mạnh biểu tượng, và khả năng giúp tái khám phá công trình tạo dựng của Thiên Chúa nơi thiên nhiên.
III.2. Cái đẹp của nghệ thuật
Nếu thiên nhiên và vũ trụ, là những điều diễn tả cái đẹp của Đấng Tạo Hóa, có thể dẫn chúng ta tới ngưỡng cửa của sự thinh lặng trong chiêm niệm, thì sự sáng tạo nghệ thuật có một khả năng riêng để gợi lên những khía cạnh khôn tả về mầu nhiệm Thiên Chúa. Công trình nghệ thuật không phải là “cái đẹp”, nhưng nó là sự diễn tả cái đẹp; tuy mỗi nghệ thuật đều gắn liền với một nền văn hóa, nhưng từ bản chất, nghệ thuật có đặc tính phổ quát. Cái đẹp nghệ thuật gợi lên tình cảm nội tại, trong thinh lặng, khơi dậy lòng yêu thích và dẫn tới việc “ra khỏi mình”, tức là xuất thần, nơi con người thấy mình được đưa ra khỏi thế giới khả giác bởi cảm giác mạnh mẽ đã được chứng nghiệm.
Đối với ai có lòng tin, cái đẹp vượt lên trên thẩm mỹ, và cái đẹp tìm thấy nguyên mẫu nơi Thiên Chúa. Chiêm ngắm Đức Kitô trong mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc là nguồn sống động, nhờ đó các nghệ sĩ Kitô giáo kín múc cảm hứng để nói về mầu nhiệm Thiên Chúa và mầu nhiệm con người được cứu độ trong Đức Giêsu Kitô. Mọi công trình nghệ thuật Kitô giáo đều có ý nghĩa: tự bản chất, nó là một “biểu tượng”, nghĩa là một thực tại hướng đến một thực tại cao hơn, giúp chúng ta tiến lên trên con đường cho thấy ý nghĩa, nguồn gốc và cứu cánh của hành trình dương thế chúng ta. Cái đẹp nghệ thuật được đặc trưng bởi khả năng thúc đẩy bước chuyển bên trong từ “cho mình” tới “hơn chính mình”. Bước chuyển này đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng chính là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14,6), và “Sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13).
A. Cái đẹp được khơi lên bởi đức tin.
Các công trình nghệ thuật Kitô giáo, làm thành một phần quan trọng trong di sản nghệ thuật và văn hóa loài người, là đối tượng hâm mộ của rất nhiều du khách, dù có niềm tin hay không, theo thuyết bất khả tri hay thờ ơ tôn giáo. Hiện tượng này không ngừng tăng lên và ảnh hưởng tới mọi thành phần dân chúng, không phân biệt văn hóa và tôn giáo. Văn hóa, theo nghĩa “di sản tinh thần” được “dân chủ hóa’ cách mạnh mẽ: Qua sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật công nghệ, các công trình nghệ thuật đến gần dân chúng hơn. Bây giờ, bộ máy điện nhỏ bé có thể chứa toàn bộ công trình của Mozart hay của Bach, và chiếc đĩa video có thể chứa hàng nghìn hình ảnh từ thư viện Vatican.
Cuộc nhập thể của Con Thiên Chúa là nền tảng cho tượng ảnh Kitô giáo. Là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình”, Đức Kitô, Đấng ngự nơi cung lòng Chúa Cha, đã làm cho chúng ta nhận biết Người. Vì vậy, các thế hệ Kitô hữu nối tiếp nhau cẩn thận gìn giữ các ký ức, không chỉ là những lời nói và hành động, mà cả hình ảnh dung nhan thánh của Người nữa. Tình yêu Chúa Cứu Thế thúc giục các tín hữu diễn tả đức tin của họ bằng nghệ thuật. Trong Tông thư Duodecinum Saeculum ngày 4 tháng Mười Hai năm 1987, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tại sao đạo lý của Công đồng Nicea đã nuôi dưỡng nghệ thuật của Giáo hội, cả ở phương Tây và phương Đông, đó là vì đạo lý ấy đã gợi hứng cho các công trình tuyệt vời về cái đẹp và chiều sâu. Đức giáo hoàng nhắc lại điều cốt yếu: “Người tín hữu hôm nay cũng như hôm qua có thể phải được trợ giúp trong cầu nguyện và đời sống thiêng liêng bằng cách chiêm ngắm các công trình diễn tả mầu nhiệm, và không bao giờ che khuất”, “nghệ thuật vị nghệ thuật chỉ đề cập đến tác giả, không thiết lập được mối tương quan với thế giới thần linh, thì không có chỗ trong quan niệm về ảnh tượng Kitô giáo”, và “nghệ thuật thánh phải có khuynh hướng trình bày cho chúng ta một tổng hợp thị giác về mọi chiều kích của đức tin chúng ta”. Như thế, “nghệ thuật của Giáo hội phải nhằm nói ngôn ngữ của cuộc nhập thể, với các yếu tố vật chất, trình bày Đấng đã “đoái thương cư ngụ nơi vật chất và thực hiện việc cứu độ chúng ta ngang qua vật chất”[19].
Khuôn mặt Chúa Kitô nơi cái đẹp riêng biệt của Người, các cảnh trong Tin Mừng, các sự kiện lớn mang tính tiên tri trong Cựu Ước, đồi Golgotha, Đức Trinh Nữ với Hài Nhi, Đức Mẹ Sầu bi, đã tạo nên nguồn cảm hứng phong phú cho các nghệ sĩ Kitô giáo suốt nhiều thế kỷ. Với trí tưởng tượng phi thường, các nghệ sĩ này cố gắng, qua việc nghiên cứu liên tục và không ngừng canh tân, giới thiệu cái đẹp của Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Kitô, và làm cho cái đẹp đó trở nên gần gũi, hữu hình và hầu như có thể động chạm. Cách nào đó, các nghệ sĩ mở rộng Mạc khải bằng cách làm cho Mạc khải có hình dạng, màu sắc và âm thanh. Khi chỉ ra cái đẹp của Thiên Chúa, các nghệ sĩ cũng cho thấy, đối với nhân loại, Người là sự thiện hảo, chân lý tối hậu của cuộc sống con người. Cái đẹp Kitô giáo có một chân lý lớn hơn lòng người, chân lý ấy vượt quá ngôn ngữ nhân loại, và chỉ ra Sự Thiện của con người, điều duy nhất cần thiết.
Các Hồng y không cảm thấy cái đẹp đáng sợ khi chiêm ngắm bức tranh Cuộc phán xét cuối cùng của Michel Ange, tại nhà nguyện Sixtine, trong cuộc bầu chọn tân giáo hoàng sao? Phải chăng các nhà thờ chính tòa và các nhà thờ ở phương Đông cũng như phương Tây đã không đạt tới đỉnh điểm huy hoàng khi phụng vụ tràn đầy cái đẹp được cử hành tại đó, lúc dân chúng tập họp? Các đan viện không trở nên chỗ nương náu an bình khi vang lên những giai điệu bất biến, mà qua các thế kỷ, vẫn tiếp tục chức năng ca ngợi, cầu xin và tạ ơn sao? Biết bao người cả nam lẫn nữ, mọi lứa tuổi và mọi nền văn hóa, đã cảm nghiệm một cảm xúc sâu xa, và mở lòng với Thiên Chúa, khi chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Kitô trên Thánh giá, tựa như thánh Phanxicô Assisi, khi lắng nghe Bài Thương Khó hay Kinh Te Deum, khi quỳ gối trước bức họa hoặc một bức icôn.
Đức Gioan Phaolô II, trong thư gửi các nghệ sĩ, đã kêu gọi một cách thể hiện mới về cái đẹp, một cuộc đối thoại mới về đức tin và văn hóa giữa Giáo hội và nghệ thuật, khi nhấn mạnh nhu cầu hỗ tương, và sự phong nhiêu của giao ước ngàn năm giữa Giáo hội và nghệ thuật, từ đó nảy lên “việc tạo dựng trong vẻ đẹp”, là điều Platon đã nói trong tác phẩm Bàn tiệc[20].
Nếu môi trường văn hóa mạnh mẽ đặt điều kiện cho các nghệ sĩ, thì câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào để trở thành những người bảo vệ cái đẹp theo nguyện ước của von Balthasar, trong nền văn hóa nghệ thuật ngày nay, nơi mà sự quyến rũ tính dục lan tràn khắp nơi làm phì đại bản năng, gây ô nhiễm trí tưởng tượng, và ức chế khả năng tâm linh? Thực tế, cứu cái đẹp, đó chẳng phải là cứu con người sao? Đó chẳng phải là vai trò của Giáo hội, “chuyên gia về nhân loại”, hay sao?
B. Học đón nhận cái đẹp nghệ thuật.
Các công trình nghệ thuật do cảm hứng đức tin Kitô giáo – tranh và khảm, ảnh và kính ghép màu, điêu khắc và kiến trúc, đồ ngà và đồ bạc, các tác phẩm thơ văn, âm nhạc và kịch nghệ, điện ảnh và múa nhảy…- có một tiềm năng lớn lao, luôn thức thời, không bị thời gian làm thay đổi. Theo cách thức trực quan và lý thú, chúng giúp truyền thông kinh nghiệm đức tin, cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa trong Đức Kitô, nơi Người mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và căn tính thâm sâu của con người được tỏ lộ.
Khi ngỏ lời với các nghệ sĩ trong nhà nguyện Sixtine vào ngày 7 tháng Năm năm 1964, Đức Phaolô VI đã kết án “cuộc ly dị” giữa nghệ thuật và sự thánh thiêng, vốn là đặc trưng của thế kỷ XX, và ngài nhận ra rằng ngày nay, nhiều người vẫn gặp khó khăn để trình bày các chủ đề Kitô giáo bởi vì thiếu huấn luyện và kinh nghiệm đức tin Kitô giáo[21]. Một số nhà thờ xấu xí, trang trí tồi tệ, không thích hợp để cử hành phụng vụ chính là hậu quả của cuộc ly dị này – tức là một rách nát cần phải được chữa trị cho lành. Điều quan trọng là cần khắc phục sự thiếu hiểu biết tràn lan trong lĩnh vực văn hóa tôn giáo để giúp tất cả mọi người mở ra với via pulchritudinis[22]. Để có thể lắng nghe và thấu hiểu trọn vẹn, công trình nghệ thuật Kitô giáo cần được đọc dưới ánh sáng Kinh Thánh và các bản văn nền tảng của Truyền thống đề cập đến kinh nghiệm đức tin. Nếu muốn diễn tả cái đẹp, thì cần phải học ngôn ngữ riêng của nó, khơi lên lòng ngưỡng mộ, tình cảm và sự hoán cải. Nếu có một ngôn ngữ của cái đẹp, thì ngôn ngữ của các tác phẩm Kitô giáo không chỉ chuyển tải thông điệp của nghệ sĩ, nhưng là chuyển tải chân lý của mầu nhiệm Thiên Chúa được suy niệm bởi một con người đọc lại cho chúng ta, không để làm vinh danh mình, nhưng để tôn vinh Đấng là nguồn chân lý. Thiếu hiểu biết Kinh Thánh làm hạn chế khả năng hiểu biết nghệ thuật Kitô giáo.
Hơn nữa, một nỗ lực chung cần phải được thực hiện để vượt qua khó khăn do một bầu khí văn hóa gây ra bởi sự phê bình nghệ thuật chịu ảnh hưởng lớn từ các ý thức hệ duy vật: chỉ nhấn mạnh khía cạnh hình thức thẩm mỹ của các công trình, chứ không quan tâm đến nội dung gợi lên cái đẹp. Các ý thức hệ như thế làm cằn cỗi nghệ thuật, làm khô cạn nguồn đem lại sức sống cho đời sống tâm linh, chỉ giới hạn đời sống này vào trong thế giới cảm xúc.
C. Nghệ thuật thánh, công cụ loan báo Tin Mừng và dạy giáo lý.
Tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II đã gọi di sản nghệ thuật lấy cảm hứng từ đức tin là “công cụ huấn giáo tuyệt vời”, là nền tảng để “loan báo sứ điệp phổ quát về cái đẹp và sự thiện” (Thông điệp gửi các giám mục Toscane, 11 tháng Ba năm 1991). Với cung giọng như thế, đức hồng y Ratzinger, với tư cách chủ tịch ủy ban đặc biệt chuẩn bị Toát lược Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, đã giải thích lý do đưa các hình ảnh vào tác phẩm này: “Hình ảnh cũng là lời rao giảng Tin Mừng. Thời nào cũng vậy, các nghệ sĩ trình bày các sự kiện quan trọng của mầu nhiệm cứu độ, giới thiệu các mầu nhiệm ấy với vẻ huy hoàng về màu sắc và sự hoàn hảo về cái đẹp, để các tín hữu chiêm ngắm và ngưỡng mộ. Đó là dấu hiệu cho thấy, hơn bao giờ hết, ngày hôm nay, trong nền văn minh hình ảnh, hình ảnh thánh có thể diễn tả nhiều điều hơn lời nói, bởi tính năng động của nó trong việc truyền thông và truyền tải sứ điệp Tin Mừng hiệu quả hơn” [23].
Hồng y Christoph Schönborn, trong bài báo tựa đề Hình ảnh Ngôi Lời Nhập Thể, đăng trên L’Osservatore romano trong dịp công bố Tông thư Duodecimum Saeculum của Đức Gioan Phaolô II, đã đặt vấn đề về sự hồi sinh mối quan tâm về thần học và tâm linh từ icôn Đông phương: “Trong một thế giới ngập tràn hình ảnh, với đủ các loại, bạo lực, khiêu dâm, kinh tế, hình ảnh chướng mắt hoặc quyến rũ, thì chẳng phải là cơn đói khát ngày càng tăng về hình ảnh tinh tuyền, thánh thiêng, hình ảnh gợi lên lòng trắc ẩn, niềm vui, và nâng tâm hồn lên tới tình yêu Thiên Chúa, giúp chúng ta cảm nhận cái đẹp thực sự, cái đẹp của Thiên Chúa, và của công trình tạo dựng sao? Đói khát hình ảnh “từ trời cao”, hình ảnh nói với chúng ta về thế giới của Thiên Chúa, ghi lại cho chúng ta cảm hứng không chỉ đến từ chỗ nông cạn trong tiềm thức, từ ước muốn dồn nén hay chưa thỏa mãn của chúng ta, nhưng là cảm hứng nhận được từ “trời cao”, trong khi lắng nghe và đón nhận những gì Thiên Chúa nói và ban cho con người.”[24] Đó là lý do tại sao tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Hướng tới một lối tiếp cận mục vụ nền văn hóa, ước mong rằng “trong văn hóa chúng ta được ghi dấu bởi vô vàn hình ảnh thường là đê tiện và tàn bạo, phát hành hàng ngày trên truyền hình, phim ảnh và băng hình”, thì một “giao ước hiệu quả giữa Tin Mừng và nghệ thuật” được khuyến khích cho “sự thể hiện mới của cái đẹp, sinh ra từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, Thiên Chúa làm người, và từ việc suy niệm các mầu nhiệm của Người, từ sự phản chiếu các mầu nhiệm ấy trong đời sống của Đức Trinh Nữ Maria và các thánh” (số 36).
Khả năng truyền thông mạnh mẽ của nghệ thuật thánh cho phép nó vượt qua những rào cản, bộ lọc định kiến, để đi vào lòng người nam cũng như nữ ở các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau, đồng thời làm cho họ nhận ra tính phổ quát nơi sứ điệp của Chúa Kitô và Tin Mừng. Thế nên, khi một tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ đức tin được đưa tới công chúng trong chức năng tôn giáo của nó, thì tác phẩm ấy được thể hiện như một “via”, một “con đường loan báo Tin Mừng và đối thoại”, con đường đem lại hương vị cho chính đức tin, cũng như cho di sản sống động của Kitô giáo. Những hướng dẫn đầy kinh nghiệm, như Emile Berthoud trong tác phẩm đồ sộ 500 trang với nhiều hình minh họa, 2000 năm nghệ thuật Kitô giáo[25], giúp trình bày cho con người thời đại chúng ta mối quan tâm liên tục của Giáo hội từ 2000 năm nay, đem từng người tới gần Thiên Chúa của cái đẹp, bằng hình ảnh, một số bất toàn, nhưng gợi hình, đồng thời chuyển tải sứ điệp Tin Mừng của Chúa Kitô bằng phương tiện nghệ thuật đầy hiệu lực và lối diễn tả nghệ thuật hài hòa với các nền văn hóa, từ những nơi đầu tiên tập hợp các tín hữu đến các nhà thờ chính tòa, từ nghệ thuật Byzantin đến nghệ thuật Rôma, từ nghệ thuật Gothique đến Phục hưng, từ nghệ thuật Baroque đến nghệ thuật hiện đại.
Để đọc các tác phẩm nghệ thuật Kitô giáo, lớn cũng như nhỏ, âm nhạc cũng như nghệ thuật, và đặt lại chúng trong bối cảnh của chúng, đồng thời đào sâu mối liên hệ sống động cùng với đời sống Giáo hội, nhất là phụng vụ, thì cần phải để chúng “lên tiếng” trở lại, giúp chúng chuyển tải sứ điệp đã truyền cảm hứng cho việc sáng tạo nên chúng. Via pulchritudinis, khi mượn con đường nghệ thuật, đã dẫn tới veritas của đức tin, chính là Đức Kitô, “nhờ cuộc nhập thể, đã trở nên hình ảnh Thiên Chúa vô hình”. Đức Gioan Phaolô II không ngần ngại chia sẻ “niềm xác tín rằng, cách nào đó hình ảnh là một bí tích: Thật vậy, từ cách tương tự với những gì diễn ra trong các bí tích, hình ảnh hiện tại hóa mầu nhiệm Nhập thể trong khía cạnh này hay khía cạnh khác”[26]. Michel Quenot làm chứng về điều này: “Đôi mắt nhìn vào hình ảnh thánh và con tim tự vấn. Thật vậy, sự sung mãn của các thực tại đặc biệt này gợi lên sự tò mò: Ai làm ra chân lý nơi một khuôn mặt? Ánh sáng chiếu tỏa trên khuôn mặt ấy đến từ đâu? Các thực tại đầy bình an, đầy hiệp nhất sâu xa, đầy năng lực và rạng rỡ đó thỏa cơn khát từ nguồn sống nào?”[27]
Các tác phẩm nghệ thuật Kitô giáo trình bày cho người tin một đề tài suy tư và sự giúp đỡ để bước vào chiêm niệm trong cầu nguyện sốt sắng, qua việc dạy giáo lý cũng như đọc lại lịch sử cứu độ. Các tác phẩm lớn lấy cảm hứng từ đức tin thật sự là “Kinh Thánh của người nghèo”, “những bậc thang Giacóp” nâng tâm hồn lên tới Tác Giả của mọi cái đẹp, và cùng Người, đi tới mầu nhiệm Thiên Chúa và những ai đang sống trong phúc kiến Thiên Chúa. Thánh Irênê đã tuyên xưng: “Vita hominis, visio Dei – sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa”[28]. Đó là những con đường ưu việt của một kinh nghiệm đức tin xác thực. Kết luận luận án tiến sĩ tuyệt vời của mình với chủ đề Hình ảnh Chúa Kitô – nền thần học phát triển giữa công đồng Nicea I và Nicea II (325 – 787), hồng y tương lai Christoph Schönborn đã lấy chiêm niệm làm tiêu chí sâu sắc của nghệ thuật thánh: “Trong suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội là tâm điểm rực rỡ về cái đẹp, là mối liên kết sự sáng tạo của con người đã được biến đổi. Giáo hội sẽ phủ nhận chính mình nếu, từ sâu thẳm ơn gọi, Giáo hội không khát khao thể hiện cái đẹp mà Giáo hôi đã được ban tặng dồi dào. Trong thời đại chúng ta, sự ngưỡng mộ gợi lên nghệ thuật ảnh tượng, tức là cái đẹp thanh khiết và đã được thanh luyện, lại chẳng trở thành khát vọng cái đẹp mà Dostoïevski đã nói rằng cái đẹp sẽ cứu độ thế giới sao? Một nghệ thuật như thế có thể được nuôi dưỡng từ nguồn nào nếu không phải là từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô? Đó không phải là tiêu chuẩn sâu sắc duy nhất để chúng ta có thể trao tặng ngày hôm nay những điều tạo nên nghệ thuật đặc thù Kitô giáo sao? Tiêu chuẩn này không thể là một quy tắc diễn tả nghệ thuật, cũng không phải là việc lựa chọn chủ đề nào đó, nhưng là một cái nhìn đã được biến đổi nhờ sự chiêm ngắm lâu dài và kiên nhẫn Dung Nhan Thánh của Đức Kitô Chúa chúng ta.”[29]
Đề nghị mục vụ
Thư gửi các nghệ sĩ của Đức Gioan Phaolô II, một tài liệu tham khảo cơ bản về vấn đề này, đã tìm được một tiếng vang lớn trong tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa - Hướng tới một cách tiếp cận mục vụ về văn hóa[30]. Các Hội đồng Giám mục có thể sử dụng hai tài liệu này làm cơ sở cho các sáng kiến cụ thể[31].
Cần phải thông qua việc giáo dục thích hợp để học ngôn ngữ của cái đẹp và để hình thành khả năng nắm bắt thông điệp của nghệ thuật Kitô giáo: cái gì làm cho các tác phẩm trở thành đẹp, và nhất là cái gì thúc đẩy một gặp gỡ với mầu nhiệm Chúa Kitô. Trong lĩnh vực này, nhận thức đang phát triển, với sự hồi sinh những nghiên cứu quan trọng về nghệ thuật thánh trong Kitô giáo, bây giờ được những người có trách nhiệm huấn luyện Kitô giáo nhận biết tốt hơn. Như vậy, các khóa huấn luyện được nhân lên trong các trường Đại học Công giáo, như tại Khoa Lịch sử Giáo hội và Di sản Văn hóa của Đại học Giáo hoàng Grêgôriana, Viện nghệ thuật thánh và Âm nhạc Phụng vụ của Học viện Công giáo Paris, và Đại học Công giáo Lisbon. Các tạp chí Kitô giáo đề cập ngày càng nhiều về chủ đề này, chẳng hạn như Arte Cristiana của giáo phận Milan, Humanitas của Santiago. Các bảo tàng Giáo phận tăng lên, được xem như các trung tâm văn hóa Công giáo thực sự. Các ấn phẩm gần đây đi theo pulchritudinis và giúp người đọc hiểu ngôn ngữ nghệ thuật với việc suy niệm tâm linh[32]. Tuy nhiên, trước lối diễn giải mang tính ý thức hệ và vô thần phổ biến khắp nơi, thì dường như đặc biệt cần thực hiện công việc quan trọng là tái lập lý thuyết giáo huấn về nghệ thuật thánh khởi đi từ một lối nhìn Kitô giáo đích thực.
Cũng cần tạo điều kiện nhằm đổi mới việc sáng tạo nghệ thuật trong cộng đồng Kitô giáo, và để điều này tạo nên mối liên hệ cá nhân với các nghệ sĩ và giúp họ hiểu điều gì làm cho một tác phẩm nghệ thuật đích thực mang tính tôn giáo và xứng đáng là “nghệ thuật thánh”. Trong khi nhiều việc đã được thực hiện trong những thập kỷ gần đây tại nhiều giáo phận, thì vẫn còn nhiều việc phải làm để nâng cao giá trị các di sản văn hóa và nghệ thuật phong phú nhất của Giáo hội, được nảy sinh bởi đức tin Kitô giáo, và sử dụng di sản ấy như công cụ loan báo Tin Mừng, dạy giáo lý và đối thoại. Nếu không đủ điều kiện để thiết lập bảo tàng, thì cần phải làm sao để di sản này có thể diễn tả nội dung thông điệp của mình. Một nền phụng vụ đích thực đẹp giúp thấu hiểu ngôn ngữ đức tin đặc biệt này, tạo ra các biểu tượng và gợi lên mầu nhiệm được cử hành.
Một số sáng kiến đã chứng tỏ giá trị và đáng được quan tâm đặc biệt:
– Đối thoại với các nghệ sĩ, họa sĩ, điêu khắc gia, kiến trúc sư nhà thờ, nhà phục chế, nhạc sĩ, nhà thơ, nhà viết kịch, … để nuôi dưỡng trí tưởng tượng của họ với các nguồn mạch đức tin và, đồng thời vẫn bắt rễ sâu trong các nền văn hóa khác nhau, để khuyến khích các mối liên hệ mới giữa ước muốn của Giáo hội và việc sáng tác của các nghệ sĩ. Một số nghệ sĩ, dù không hiểu biết phụng vụ, nhưng được lựa chọn để xây dựng các thánh đường, thực sự là một thảm kịch đang phổ biến khắp nơi.
– Huấn luyện về cái đẹp của mầu nhiệm Kitô giáo được thể hiện trong nghệ thuật thánh, nhân dịp khánh thành một thánh đường mới, một tác phẩm nghệ thuật, một buổi hòa nhạc, một cử hành phụng vụ đặc biệt.
– Tổ chức các sự kiện văn hóa và nghệ thuật - triển lãm, các cuộc thi có giải thưởng, các buổi hòa nhạc, hội nghị, lễ hội, … - để làm tăng giá trị di sản to lớn của Giáo hội và sứ điệp của các di sản ấy, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo mới, đặc biệt là trong lĩnh vực nghệ thuật và thánh ca phụng vụ.
– Các ấn phẩm địa phương theo hình thức tài liệu quảng cáo du lịch, các trang web hoặc các tạp chí đặc biệt về di sản, với mối quan tâm về mặt sư phạm để làm nổi bật linh hồn, cảm hứng và thông điệp của các tác phẩm, phân tích khoa học nhằm giúp hiểu biết sâu sắc về tác phẩm.
– Nâng cao nhận thức của nhân viên mục vụ, giáo lý viên và giáo viên tôn giáo, cũng như các chủng sinh và giáo sĩ, qua các khóa huấn luyện, hội thảo, hội nghị chuyên đề, hướng dẫn du lịch. Các bảo tàng giáo phận và các trung tâm văn hóa Công giáo có thể đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt bằng cách giải thích các tác phẩm nghệ thuật địa phương và khu vực, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các tác phẩm ấy trong việc dạy giáo lý.
– Huấn luyện các hướng dẫn viên về tính đặc thù của nghệ thuật lấy cảm hứng từ Kitô giáo, lập các nhóm chuyên biệt để phát triển các công trình và các trung tâm văn hóa, chia sẻ những mục tiêu giống nhau.
– Nghiên cứu và đào sâu vấn đề đặt ra trong các trường học và các đại học, ở cấp cao học, chuyên đề, phòng thí nghiệm,… Đề xuất trao học bổng hoặc trợ giúp thích đáng nhằm thúc đẩy việc giáo dục. Phát triển ở cấp độ khu vực và quốc gia, các Học viện Thánh nhạc, Phụng vụ, Khảo cổ học,… đồng thời thiết lập các thư viện chuyên ngành trong lĩnh vực này.
III.3. Cái đẹp của Chúa Kitô, mô mẫu và nguyên mẫu của sự thánh thiện Kitô giáo
Nếu cái đẹp của công trình sáng tạo, theo thánh Âutinh, là một “confessio” (tuyên xưng) và mời gọi chiêm ngắm cái đẹp trong nguồn của thụ tạo, nghĩa là “Đấng dựng nên trời và đất, muôn vật hữu hình và vô hình”, và nếu cái đẹp của các công trình nghệ thuật hé mở đôi chút cái vẻ đẹp trong hình bóng của nó, là Chúa Con, Đấng mặc lấy xác phàm, “vô song tuyệt mỹ giữa con cái loài người,” thì có một con đường căn bản thứ ba - quan trọng nhất - dẫn đến việc khám phá cái đẹp trong ảnh tượng thánh, công trình của Thần Khí định hình Giáo hội theo hình ảnh của Đức Kitô, mô mẫu của sự hoàn hảo: Đó là, đối với người đã được rửa tội, cái đẹp nhân chứng từ một đời sống được biến đổi trong ân sủng, và đối với Giáo hội, cái đẹp của phụng vụ giúp chúng ta kinh nghiệm Thiên Chúa, hằng sống giữa dân Người, lôi kéo tới Người những kẻ để Người đón vào vòng tay đầy niềm vui và tình yêu.
Ecclesia de caritate (Hội thánh tình yêu) làm chứng cho cái đẹp của Chúa Kitô. Giáo hội tỏ ra như Hiền thê của Chúa Kitô, trở nên xinh đẹp nhờ Chúa của mình khi thực hiện hành vi bác ái và lựa chọn ưu tiên, cam kết dấn thân cho công lý và xây dựng ngôi nhà chung vĩ đại, nơi mọi thụ tạo được mời gọi đến cư ngụ, nhất là những người nghèo: họ cũng có quyền hưởng cái đẹp. Đồng thời, nhân chứng của cái đẹp này, nhờ bác ái và dấn thân cho công lý và hòa bình, loan báo niềm hy vọng không dối lừa. Việc giới thiệu cho những người nam cũng như nữ ngày nay cái đẹp chân thật, làm cho Giáo hội luôn chú ý loan báo, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, cái đẹp cứu độ và được nghiệm thấy nơi mà sự vĩnh hằng cắm lều trong thời gian; đó là trao tặng lý do để sống và niềm hy vọng cho những người không có, hoặc có nguy cơ bị mất. Là chứng nhân cho ý nghĩa tối hậu của cuộc sống, là chất men của niềm tin ở trung tâm lịch sử nhân loại, Giáo hội dường như là dân mang cái đẹp cứu độ, bởi Giáo hội cảm nhận trong thời gian những gì xảy ra vào thời sau hết, tức là một điều gì đó xinh đẹp được Thiên Chúa, Đấng thực hiện mọi sự trong mọi người, hứa ban khi mãn thời gian. Niềm hy vọng, tức là việc nếm trước tương lai trong thế giới được cứu độ mà Chúa Con chịu đóng đinh và phục sinh đã hứa, là lời công bố cái đẹp. Thế giới đặc biệt cần đến điều này.
A. Trên đường hướng đến cái đẹp của Chúa Kitô.
Cái đẹp đặc biệt của Chúa Kitô, như là mô mẫu của một “cuộc sống thực sự tươi đẹp”, phản chiếu trong sự thánh thiện của cuộc sống được biến đổi nhờ ân sủng. Chẳng may, nhiều người hiểu Kitô giáo như là việc tuân phục các điều răn, cấm đoán và hạn chế tự do cá nhân. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhắc lại trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Vatican vào ngày 14 tháng Tám năm 2005, trước khi đến Cologne gặp gỡ những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ họp cho Ngày Giới trẻ Thế giới. Ngài nói: “Ngược lại, tôi muốn họ hiểu rằng, được nâng đỡ bởi một Tình Yêu lớn lao và một mặc khải như thế, đó không phải là một gánh nặng, nhưng đem lại những đôi cánh, và thật đẹp khi là Kitô hữu. Kinh nghiệm này đến từ sự phong phú... Niềm vui trở thành Kitô hữu: Điều đó thật đẹp, và cũng chính đáng để tin.” E. Bianchi vọng lại những lời này khi ông cổ vũ “biết loan báo sự khác biệt Kitô giáo” như là một câu trả lời thực sự cho sự thờ ơ: “Hoặc là Kitô giáo là philokalia, tình yêu cái đẹp, via pulchritudinis, con đường của cái đẹp, hoặc chẳng là gì cả! Và nếu Kitô giáo là con đường của cái đẹp, thì nó phải thu hút những người khác trên con đường này dẫn đến đời sống mạnh hơn cái chết, nó sẽ là một chuỗi Tin Mừng cho những người nam và người nữ của thời đại chúng ta.”[33] Từ cái đẹp nội tâm và cảm xúc sâu đậm được khơi lên bởi cuộc gặp gỡ với Bản thân Cái Đẹp – theo kinh nghiệm của thánh Âutinh – nảy sinh khả năng đề xuất các sự kiện của cái đẹp trong chiều kích cuộc sống và kinh nghiệm đức tin.
Công việc mục vụ của Giáo hội, để dẫn đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, tìm thấy nơi sự thể hiện của cái đẹp phương tiện đánh thức các tâm hồn với khám phá này. Trong thư gửi các nghệ sĩ, Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến tính phong nhiêu trong sự mới mẻ cuộc Nhập Thể: “Thật vậy, khi làm người, Con Thiên Chúa đưa vào lịch sử loài người tất cả sự phong phú Tin Mừng về chân lý và sự thiện, và trong sự phong phú ấy, Người cũng tiết lộ một chiều kích mới của cái đẹp: Sứ điệp Tin Mừng thực hiện trọn vẹn điều đó” (số 5). Cái đẹp này, hoàn toàn đặc biệt và độc đáo, của “Con Người”, được mặc khải trên khuôn mặt của “Mục Tử xinh đẹp”, cũng như trên khuôn mặt của Đức Kitô biến hình trên núi Tabor, đồng thời, trên Đấng bị mất hoàn toàn cái đẹp thân xác khi bị treo trên thập giá: Con Người đau khổ. Đúng thế, người Kitô hữu nhìn thấy nơi Người Tôi Tớ đau khổ bị biến dạng, bị tước tất cả cái đẹp bên ngoài, sự biểu hiện tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy sự xấu xa của tội lỗi để nâng chúng ta lên, vượt qua các giác quan, tới cái đẹp thần thiêng, đẹp hơn mọi cái đẹp khác và không bao giờ thay đổi. Đối với những người muốn chiêm ngưỡng, thì tượng Chịu nạn với khuôn mặt bị biến dạng lại chứa đựng cái đẹp mầu nhiệm của Thiên Chúa. Đây là Cái Đẹp được thể hiện trong đau khổ, trong hy sinh mà không đòi đáp trả. Đây là Cái Đẹp của tình yêu, tình yêu mạnh hơn sự dữ và cái chết.
B. Cái đẹp rực rỡ của Chúa Kitô và sự phản chiếu nơi sự thánh thiện Kitô giáo.
Chúa Giêsu Kitô thể hiện hoàn hảo vinh quang Chúa Cha. Người là “Đấng vô song tuyệt mỹ giữa con cái loài người”, vì Người đầy tràn ân sủng, nhờ đó Thiên Chúa giải thoát con người khỏi tội lỗi, kéo con người ra khỏi sự dữ và phục hồi sự trong trắng nguyên thủy cho con người. Nhiều người cả nam lẫn nữ, mọi nơi và mọi thời, đã để mình bị chiếm lấy, và hiến mình cho cái đẹp ấy. Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI diễn tả tại lễ phong thánh đầu tiên trong triều đại giáo hoàng của ngài, cũng là thánh lễ bế mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Thánh Thể: “Thánh nhân là người bị cuốn hút bởi cái đẹp của Thiên Chúa, bởi chân lý hoàn hảo của Người, đến nỗi nhờ đó mà dần dần biến đổi. Vì cái đẹp và chân lý này, vị thánh sẵn sàng từ bỏ tất cả, ngay cả chính mình” (23 tháng 10, 2005).
Nếu sự thánh thiện Kitô giáo đồng hình với cái đẹp của Chúa Con, thì việc thụ thai Vô Nhiễm là minh họa hoàn hảo nhất cho “công trình của cái đẹp” này. Đức Trinh Nữ Maria và các thánh là sự phản chiếu rực rỡ và nhân chứng hấp dẫn cho cái đẹp đặc biệt của Chúa Kitô, cái đẹp của tình yêu vô biên của Thiên Chúa, Đấng hiến mình và tỏ lộ cho con người. Các ngài phản chiếu, mỗi vị theo cách riêng, như các lăng kính pha lê, các cạnh của viên kim cương, các đường nét của cầu vồng, ánh sáng và cái đẹp nguyên thủy của Thiên Chúa tình yêu. Đấng Vô Nhiễm, “cái đẹp toàn mỹ” của bài Diễm Ca, nói như tổng lãnh thiên thần vào buổi sáng ngày Truyền tin, là Đấng “đầy ân sủng.” Qua tiếng fiat, bà Evà mới mở ra, không hề giữ lại, toàn bộ cuộc đời mình cho hoạt động của Thánh Thần Thiên Chúa, và nhờ đó Mẹ để cho nhân loại đã được sáng tạo cung cấp thịt máu cho Thiên Chúa vô hạn, với cái đẹp khôn tả. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm mở ra những chân trời từ thân phận loài người chúng ta tới niềm hy vọng đức tin: Cái đẹp mà chúng ta được mời gọi hướng tới trong sự sáng tạo được đổi mới nhờ ân sủng, được báo trước nơi Mẹ Thiên Chúa, “hoa trái đầu tiên của ơn cứu chuộc và dấu chỉ rực rỡ của nhân loại được đổi mới”, vào ngày Mẹ Lên Trời. Đức Maria, người báo trước và thực hiện cái đẹp viên mãn này, cái đẹp mà tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ chúng ta, làm cho chúng ta hiểu cùng với Divo Barsotti: “Về cơ bản, cái đẹp, đó là vinh quang Thiên Chúa phản chiếu trong công trình tạo dựng, là Thiên Chúa đang sống nơi con người: Đó là sự thánh thiện”[34]. Do đó, sự thánh thiện của con người là việc tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa, bởi đó, là sự tham dự vào cái đẹp của Thiên Chúa: Sự thánh thiện này tiếp nhận trọn vẹn trong trái tim và tinh thần, chiếu sáng và hướng dẫn đời sống và các hành động hàng ngày của con người.
Cái đẹp chứng nhân của người Kitô hữu diễn tả cái đẹp của Kitô giáo, và làm cho cái đẹp ấy được thể hiện. “Làm thế nào chúng ta có thể trở nên đáng tin khi loan báo một ‘tin tốt lành’, nếu cuộc sống của chúng ta không thể hiện ‘cái đẹp’ ?” Từ cuộc gặp gỡ của đức tin với Đức Kitô, trong tính năng động bên trong được nâng đỡ bởi ân sủng, nảy sinh sự thánh thiện của các môn đệ và khả năng làm cho cuộc sống chung của họ cũng như của người thân cận, nên “tốt đẹp.” Đây không phải là cái đẹp bề ngoài và hời hợt, nhưng là cái đẹp nội tâm được vẽ nên dưới hoạt động của Chúa Thánh Thần. Cái đẹp ấy tỏa sáng trước mắt con người: không ai có thể trốn tránh cái đẹp ấy, vốn là phần thiết yếu của hữu thể mình.
Đây là lời kêu gọi của Đức Gioan Phaolô II dành cho những người được thánh hiến trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng - Vita Consecrata: “Ở cuối Tông huấn này, tôi tin tưởng ngỏ lời cách riêng với những người nam nữ tận hiến: Các con hãy sống trọn cuộc hiến dâng cho Thiên Chúa, để cho thế giới này đừng mất đi một tia sáng chiếu ngời cái đẹp của Thiên Chúa trên đường đời của nhân loại. Những Kitô hữu, chìm ngập trong những bận rộn và lo âu của thế gian này nhưng vẫn được mời gọi nên thánh, đang cần thấy được nơi các con những trái tim thanh khiết đang “nhìn thấy” Thiên Chúa trong đức tin, những con người ngoan ngoãn để Thánh Thần hướng dẫn, vui vẻ tiến bước, trung thành với đặc sủng của ơn gọi và sứ mạng của mình”. (số 109)
Bất cứ nơi nào đức ái tỏa sáng, ở đó cái đẹp cứu độ được thể hiện, Chúa Cha được tôn vinh, và sự hiệp nhất của các môn đệ Chúa chúng ta được củng cố.
Pavel Florenskij, một người Nga hát về cái đẹp, chịu tử đạo ở thế kỷ XX, đã chú giải một đoạn Tin Mừng Mátthêu (5,16): “Hành vi tốt” của bạn thực sự không có nghĩa là ‘hành vi tốt’ theo nghĩa bác ái và luân lý: tà kala érga có nghĩa là ‘hành vi đẹp’, là biểu hiện rực rỡ và hài hòa của nhân cách tinh thần – nhất là, một khuôn mặt tươi sáng, xinh đẹp từ cái đẹp làm cho ‘ánh sáng nội tâm’ của con người tỏa lan ra bên ngoài. Đó là khi, được thuyết phục bởi ánh sáng quyến rũ này, con người tôn vinh Chúa Cha trên trời, cũng như hình ảnh của Người chiếu tỏa trên trái đất”[35]. Vì vậy, trong sức mạnh của ơn thánh được Chúa Kitô phục sinh ban tặng, đời sống Kitô hữu được mời gọi trở nên sự kiện của cái đẹp có khả năng khơi dậy lòng ngưỡng mộ, sự suy tư và lòng hoán cải. Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và các môn đệ Người, nhất là với Đức Maria và các thánh, các chứng nhân, trong mọi hoàn cảnh, luôn có thể trở thành sự kiện của cái đẹp, một khoảnh khắc vui tươi, một khám phá ra chiều kích mới trong cuộc sống, và một lời cổ võ lên đường về Quê hương Thiên quốc để hưởng kiến “Sự thật toàn vẹn”, cái đẹp của Tình yêu Thiên Chúa: Cái đẹp là ánh huy hoàng chân lý và nở hoa Tình Yêu. Thánh Âutinh viết trong tác phẩm Thành Đô Thiên Chúa: “Ở đó, chúng ta sẽ thấy, chúng ta sẽ yêu và chúng ta sẽ ca ngợi không cùng.”
C. Cái đẹp của phụng vụ
Cái đẹp của tình yêu của Chúa Kitô mỗi ngày đến gặp chúng ta, không chỉ qua gương mẫu các thánh, mà còn trong phụng vụ thánh, đặc biệt trong cử hành Thánh Thể, nơi Mầu Nhiệm trở thành hiện tại và soi sáng ý nghĩa và cái đẹp của cuộc sống chúng ta. Đây là phương tiện đặc biệt, nhờ đó Chúa chúng ta, Đấng đã chết và đã sống lại, chia sẻ sự sống của Người cho chúng ta, nối kết chúng ta với Thân Mình Người như chi thể sống động, và làm cho chúng ta trở thành người tham dự vào cái đẹp của Người.
Florenskij mô tả cái đẹp của phụng vụ, biểu tượng của các biểu tượng trên thế giới, như là điều cho phép sự chuyển biến của thời gian và không gian “trong đền thờ thánh thiêng, mầu nhiệm, rực sáng với cái đẹp từ trời cao.” Trong bài báo được trích dẫn ở trên[36], cha Schönborn chỉ ra ba chức năng của hình ảnh thánh trong đời sống Giáo hội, mà không thể thiếu trong nghệ thuật Kitô giáo và do đó, trong phụng vụ: Hình ảnh thánh là “dấu hiệu tưởng niệm”: Giáo hội không thể sống mà không nhớ lại những gì Chúa đã làm và đã nói; “dấu hiệu minh chứng”: Các dấu hiệu không chỉ tưởng niệm sự kiện trong quá khứ, nhưng còn chỉ ra sự hiện diện của ơn cứu độ; và “dấu hiệu tiên lượng”, khi giới thiệu cho chúng ta Chúa Kitô và các thánh, nghệ thuật Kitô giáo hướng cái nhìn của chúng ta về tương lai, tới mục tiêu tối hậu của chúng ta, đó là Chúa Kitô trong vinh quang Chúa Cha. Thập giá và phục sinh không thể tách rời: Nghệ thuật Kitô giáo sẽ thiếu đi một khía cạnh thiết yếu nếu không cho nếm trước vinh quang tương lai.
Trong một buổi thuyết trình tại Đại hội Thánh Thể quốc gia Italia lần thứ XXIII, Đức Hồng y Ratzinger, trong phần giới thiệu, đã trích dẫn truyền thuyết xa xưa về nguồn gốc của Kitô giáo ở Nga: Hoàng tử Vladimir Kiev đã quyết định gia nhập Giáo hội Chính thống Constantinople sau khi nghe các sứ giả mà ông đã gửi đến Constantinople, nơi họ đã tham dự một buổi cử hành phụng vụ long trọng tại vương cung thánh đường thánh Sophia. Họ nói với hoàng tử: “Chúng tôi không biết là mình ở trên trời hay dưới đất nữa... Chúng tôi làm chứng rằng: Thiên Chúa đã lập nơi cư ngụ ở giữa con người”. Và vị Hồng y thần học gia rút ra từ câu chuyện này chân lý căn bản sau: “Quả thật, chắc chắn rằng nội lực của phụng vụ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc lan tỏa Kitô giáo... Điều thuyết phục các sứ giả của hoàng tử Nga rằng đức tin được cử hành trong phụng vụ Chính thống là chân thật, không phải là một luận chứng về loại hình truyền giáo mà các yếu tố đã được xuất hiện cho những người lắng nghe, thuyết phục hơn những yếu tố của các tôn giáo khác. Điều gây ấn tượng cho họ, đó là mầu nhiệm, một mầu nhiệm đặt ra cho lý trí sức mạnh của chân lý, chính vì mầu nhiệm ấy vượt quá bất kỳ cuộc tranh luận nào”[37]. Làm sao mà không nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật ảnh tượng icôn, di sản tuyệt vời của Kitô giáo Đông phương, thậm chí ngày nay vẫn giúp cảm nghiệm một điều gì về phụng vụ của Giáo hội chưa phân chia: Ngôn ngữ rất phong phú và sâu sắc bắt nguồn từ kinh nghiệm của các Giáo hội chưa phân chia, từ hầm mộ Rôma đến ảnh khảm của Rôma, Ravenna cũng như Byzantium.
Đối với người tín hữu, cái đẹp vượt trên thẩm mỹ. Cái đẹp giúp vượt qua từ chỗ “cho bản thân” tới “lớn hơn chính mình”. Phụng vụ chỉ đẹp, và vì thế chỉ chân thật, khi “không vụ lợi”, không vì bất kỳ lý do nào khác hơn ca tụng Thiên Chúa cho Người, nhờ Người, với Người và trong Người. Phụng vụ chính là “bất vụ lợi”, vì là việc “đứng trước Thiên Chúa và nhìn lên Người, Đấng chiếu tỏa ánh sáng thần linh trên những gì đang diễn ra.” Chính trong sự đơn giản mộc mạc này mà phụng vụ mang tính truyền giáo, nghĩa là có khả năng làm chứng cho những người quan sát, có thể nắm bắt thực tại vô hình mà phụng vụ trình bày trong tính năng động của nó.
Nhà soạn kịch thơ Paul Claudel, người Pháp, chứng tỏ nội lực của phụng vụ trong lời chứng về sự hoán cải của mình khi hát kinh Magnificat giờ Kinh Chiều lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Đức Bà Paris: “Lúc đó xảy ra sự kiện chi phối cuộc đời của tôi. Trong một khoảnh khắc, trái tim tôi đã xúc động và tôi đã tin. Tôi đã tin, với một sức mạnh gắn bó, với một sự nhấc bổng con người tôi, với một xác tín mạnh mẽ, với một sự chắc chắn không còn chút nghi ngờ, đến nỗi sau đó, không cuốn sách nào, không lập luận nào, không hoàn cảnh nào của một cuộc sống éo le có thể lay chuyển đức tin của tôi, thậm chí có thể động chạm đến đức tin ấy”[38].
Cái đẹp của phụng vụ, một khoảnh khắc thiết yếu trong kinh nghiệm đức tin và hành trình tiến đến đức tin trưởng thành, không thể được giảm thiểu vào cái đẹp duy hình thức mà thôi. Trước tiên, đó là cái đẹp sâu sắc của cuộc gặp gỡ với mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại qua trung gian Con của Người, “Đấng vô song tuyệt mỹ giữa con cái loài người” (Tv 45, 2), Đấng không ngừng đổi mới hiến lễ tình yêu của mình cho chúng ta. Phụng vụ diễn tả cái đẹp của mối hiệp thông với Chúa và với anh em của chúng ta, là cái đẹp hài hòa, được thể hiện nơi những cử chỉ, biểu tượng, lời nói, hình ảnh và giai điệu động chạm vào tâm trí, đồng thời khơi dậy lòng thán phục và ước muốn gặp Chúa phục sinh, Đấng là “Cửa dẫn vào cái đẹp.”
Điều làm nên cái đẹp của phụng vụ, không phải là sự phối hợp hoàn hảo của các cử chỉ và thái độ, sự sắp đặt tuyệt vời của cung giọng, hay sự hài hòa của ca đoàn, nhưng đó là nguồn cảm hứng từ cái nhìn nội tâm được chia sẻ bởi tất cả những người thực hiện hành động thánh thiêng. Nguồn chung này có thể tuôn trào trong mức độ khi mà người cử hành tan biến, xóa nhòa cách nào đó để trở nên trong suốt với ánh sáng ngài muốn để phản chiếu. Cái đẹp của phụng vụ không là gì khác hơn là sự phản chiếu kín đáo và khiêm tốn cái đẹp của Thiên Chúa. Cái đẹp đó có những đòi hỏi, trước tiên là sự khiêm tốn của người tín hữu. “Này con đây, lạy Chúa, con xin đến thực thi ý Ngài.” Phụng vụ không bao giờ là phụng vụ của một người, hoặc một cộng đoàn: Đó là phụng vụ của Giáo hội, Thân Thể Chúa Kitô toàn thể, và do đó phụng vụ là phụng vụ của Chúa Kitô Thượng Tế, Đấng không ngừng hướng về Chúa Cha, dâng lên Người khuôn mặt đang cầu xin của các anh em mình.
Sự hời hợt, và đôi khi tầm thường hay lơ là khi cử hành phụng vụ, không chỉ không giúp người tín hữu thăng tiến trong hành trình đức tin, nhưng nhất là gây thiệt hại cho những người tham dự các cử hành Kitô giáo và đặc biệt là Thánh lễ Chúa nhật. Trong những thập kỷ gần đây, một số người đã nhấn mạnh quá mức đến chiều kích sư phạm và ý muốn làm cho phụng vụ dễ hiểu ngay cả cho những người quan sát bên ngoài, đồng thời hạ thấp chức năng thứ nhất của phụng vụ: là đưa dẫn toàn bộ con người chúng ta vào trong mầu nhiệm hoàn toàn vượt trên chúng ta. Urs von Balthasar giúp chúng ta hiểu thêm điều này trong suy tư của ông về “nghịch lý không hòa tan” của mầu nhiệm cái đẹp. Ông nói: “Như thường lệ, điều được thể hiện trong sự biểu hiện của nó lại không được thể hiện... Trong bề mặt hữu hình của sự biểu hiện này, chúng ta cảm nhận chiều sâu không được thể hiện, và đó là điều duy nhất mang đến cho hiện tượng của cái đẹp đặc tính quyến rũ và chinh phục, đồng thời đó cũng là điều duy nhất đảm bảo chân lý và sự thiện hảo của nó”[39]. Cử hành đức tin trong hoạt động cứu độ của Thiên Chúa nơi Con Một Người là Đức Giêsu, đó là điều làm cho phụng vụ mang tính truyền giáo. Về cơ bản, phụng vụ quy hướng về Thiên Chúa, phụng vụ đẹp khi để cho mọi cái đẹp của mầu nhiệm tình yêu và hiệp thông được biểu lộ[40]. Phụng vụ đẹp khi làm “đẹp lòng Thiên Chúa” và dẫn chúng ta vào trong niềm vui thần linh.
Đề nghị mục vụ
Cần phải trình bày sứ điệp của Chúa Kitô trong tất cả cái đẹp của sứ điệp ấy, khả thu hút tâm trí và trái tim bởi mối liên hệ tình yêu. Đồng thời, các Kitô hữu được mời gọi sống và làm chứng cho cái đẹp của sự hiệp thông trong một thế giới thường được ghi dấu bằng bất hòa và tan vỡ. Cần phải chuyển thành “sự kiện của cái đẹp” tất cả mọi cử chỉ bác ái hàng ngày và mọi hoạt động mục vụ thông thường của các giáo hội địa phương. Cái đẹp mang tính cứu độ của Chúa Kitô cần được trình bày theo một cách mới để được chấp nhận và chiêm ngắm không chỉ bởi mỗi tín hữu, mà còn bởi những người tuyên bố mình không quan tâm hoặc thờ ơ. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của các mục tử và giáo lý viên để, khi gắn kết cái đẹp cần diễn tả với tính chặt chẽ của lối trình bày, bài giảng và lời dạy của họ dẫn thính giả đến cái đẹp của Chúa Kitô. Các Kitô hữu được kêu gọi để làm chứng cho niềm vui, vì biết rằng mình được Thiên Chúa yêu thương, và cái đẹp của một cuộc sống được biến đổi bởi tình yêu đến từ trên cao.
Khi kết thúc Năm Đại Thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II gửi đến toàn thể Giáo hội Tông thư Novo Millennio Ineunte, trong đó ngài mời gọi bắt đầu lại từ Chúa Kitô và học cách chiêm ngưỡng khuôn mặt của Người. Trong việc chiêm ngưỡng này, nảy sinh ước muốn, nhu cầu và sự cần thiết tái khám phá ý nghĩa đích thực của mầu nhiệm và phụng vụ Kitô giáo, trong đó cuộc gặp gỡ với Chúa, Đấng đã chết và phục sinh, được thể hiện cách cụ thể[41].
Để đáp lại lời mời gọi này, nhiều giám mục đã gửi thư mục vụ cho giáo phận của mình về cái đẹp cứu độ và ý nghĩa của việc cử hành phụng vụ, khi nhấn mạnh cái đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, vào Chúa nhật, ngày được thánh hiến cho Chúa, và là thời gian tạm nghỉ trong nhịp độ cuồng nhiệt của xã hội chúng ta[42]. Hơn nữa, trong những thập kỷ gần đây, và nhất là khởi đi từ huấn từ của Đức Phaolô VI tại Hội nghị Quốc tế về Thánh Mẫu học lần thứ bảy vào ngày 16 tháng Năm năm 1975, via pulchritudinis đã có mặt khắp nơi trong Thánh Mẫu học, với những kết quả tích cực và đầy hứa hẹn[43].
Điều quan trọng là trình bày, bằng một thứ ngôn ngữ có thể nói cho con người hợp với thời đại chúng ta, bằng cách sử dụng phương tiện thích hợp nhất, chứng tá quý giá được thể hiện nơi Mẹ Thiên Chúa, các vị tử đạo và các thánh, là những người, bằng cách thức đặc biệt ‘hấp dẫn’, đã bước theo Chúa Kitô. Nhiều điều đã được thực hiện trong chương trình giáo lý, để giúp khám phá đời sống phi thường của các thánh. Rõ ràng như chúng ta thấy ngày nay, các thánh có một sự lôi cuốn đích thực cho những người trẻ, - như thánh Phanxicô Assisi và José de Anchieta, Juan Diego và Têrêxa Hài Đồng Giêsu, Rôsa Lima và Bakhita, và Kisito và Maria Gôretti, Cha Kolbe và Mẹ Têrêsa,... thông qua truyện tranh, kịch nghệ, các ấn phẩm, phim ảnh, nhạc độc tấu và nhạc kịch kể lại cuộc đời các ngài. Gương mẫu của các ngài nhắc nhở rằng: mỗi Kitô hữu là một người lữ hành đích thực trên con đường của cái đẹp, chân lý, sự thiện, đang tiến về Giêrusalem trên trời, nơi chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng cái đẹp của Thiên Chúa, trong tương quan tình yêu mãnh liệt, “diện đối diện”. “Ở đó, chúng ta sẽ nghỉ ngơi và sẽ thấy; chúng ta sẽ thấy và sẽ yêu; chúng ta sẽ yêu và sẽ ca ngợi. Đó là những gì sẽ đến vào thời cuối cùng, và không bao giờ kết thúc”[44]
Việc huấn luyện phù hợp sẽ giúp các tín hữu thăng tiến trong ý nghĩa của lời cầu nguyện tôn thờ và khen ngợi, để trong chân lý, họ tham dự phụng vụ đã được sống trong sự viên mãn của cái đẹp dẫn vào mầu nhiệm đức tin. Đồng thời khi tái huấn luyện các tín hữu biết ngạc nhiên trước công trình Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống chúng ta, thì cần trả lại cho phụng vụ cái “lộng lẫy” đích thực, sự trang trọng và cái đẹp thật sự, bằng việc tái khám phá ý nghĩa xác thực của mầu nhiệm Kitô giáo, và huấn luyện các tín hữu sao cho họ có khả năng đi vào ý nghĩa và cái đẹp của mầu nhiệm được cử hành, và sống mầu nhiệm ấy cách đúng đắn.
Phụng vụ không phải là một facere (hành động) của con người, nhưng là opus Dei (công việc của Thiên Chúa). Điều quan trọng là phải giúp các tín hữu hiểu được rằng hành vi thờ phượng không phải là kết quả của “hoạt động” - “sản phẩm”, “công trạng”, “lợi lộc” - nhưng là diễn tả một mầu nhiệm, một thực tại mà không thể được hiểu đầy đủ, nhưng đòi hỏi phải được đón nhận, hơn là lý luận. Đây là một hành động hoàn toàn tách rời khỏi mối quan tâm về hiệu quả. Thái độ của người tín hữu trong phụng vụ được đặc trưng bởi khả năng tiếp nhận, là điều kiện để thăng tiến đời sống thiêng liêng. Thái độ này không còn tự động trong một nền văn hóa nơi mà chủ nghĩa duy lý chi phối, có xu hướng dập tắt ngay cả những tình cảm sâu kín nhất.
Việc khuyến khích sáng tạo nghệ thuật nhằm hồi sinh một nghệ thuật thánh có thể đồng hành và hỗ trợ việc cử hành các mầu nhiệm đức tin, có khả năng đem lại cái đẹp biểu cảm cho các công trình thờ phượng và vật dụng phụng vụ, không phải không cần thiết. Như thế, phụng vụ chắc chắn sẽ thân thiện, nhưng nhất là có thể truyền thông ý nghĩa đích thực của phụng vụ Kitô giáo, đồng thời thúc đẩy sự tham gia trọn vẹn của các tín hữu vào các mầu nhiệm, theo mong muốn được bày tỏ nhiều lần bởi các nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục về Bí tích Thánh Thể, do tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II triệu tập, và Đức Bênêđictô XVI chủ tọa vào mùa thu năm 2005.
Chắc chắn, các thánh đường phải đẹp về mặt thẩm mỹ, được trang trí, phụng vụ được kèm theo các bài thánh ca hay và các bản nhạc giá trị, các cử hành xứng đáng và việc giảng thuyết được chuẩn bị, nhưng rốt cuộc, đó không phải là via pulchritudinis có khả năng dẫn đến Thiên Chúa, mà chỉ là những điều kiện thuận lợi cho ân sủng của Thiên Chúa hoạt động. Do đó, cần giáo dục các tín hữu để họ không chỉ chú ý đến chiều kích thẩm mỹ, cho dù hấp dẫn đi nữa, vài giúp họ hiểu rằng phụng vụ là hành động của Thiên Chúa, không bị chi phối bởi bầu khí, hoàn cảnh, hoặc ngay cả nghi thức, vì phụng vụ là mầu nhiệm đức tin được cử hành trong Giáo hội.
Kết luận
Việc giới thiệu via pulchritudinis như con đường rao giảng Tin Mừng và đối thoại khởi đi câu hỏi ám ảnh, đôi khi tiềm ẩn, nhưng luôn hiện diện trong tâm hồn con người: “Cái đẹp là gì?” để dẫn mọi người thiện chí, mà ân sủng hoạt động cách vô hình nơi họ, thành “người hoàn hảo”, là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15)[45].
Câu hỏi này bắt nguồn từ lúc khởi đầu thời gian, như thể con người tìm kiếm trong tuyệt vọng thế giới của cái đẹp đã rời khỏi tầm tay con người, từ khi nguyên tổ sa ngã. Cái đẹp trải qua dòng lịch sử dưới nhiều hình thức và vô số công trình của cái đẹp trong mọi nền văn minh không làm dịu cơn khát ấy.
Tổng trấn Philatô hỏi Đức Kitô câu hỏi về chân lý. Đức Kitô không trả lời, hay đúng hơn, câu trả lời của Người là sự im lặng: Chân lý này không được nói lên, nhưng có thể đạt tới mà không cần lời lẽ, trong nơi sâu thẳm nhất của con người. Đức Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.” Bây giờ, Người im lặng. Chút nữa thôi, Người sẽ chỉ ra con đường, đường chân lý, dẫn đến Thập giá, mầu nhiệm của sự khôn ngoan. Tổng trấn Philatô không hiểu, nhưng thật mầu nhiệm, ông tự đưa ra đáp án cho câu hỏi của ông: “Chân lý là gì?” Trước dân chúng, ông kêu lên: “Này là người”. Chính Đức Kitô là chân lý.
Nếu cái đẹp là ánh rạng ngời chân lý, thì câu hỏi của chúng ta tương tự câu hỏi của Philatô, và câu trả lời cũng tương tự: Đó là, chính Chúa Giêsu là Cái Đẹp. Người thể hiện từ núi Tabor tới Thập giá, để soi sáng mầu nhiệm con người, đã bị biến dạng bởi tội lỗi, nhưng được thanh tẩy và tái tạo nhờ Tình yêu cứu chuộc. Đức Giêsu không phải là một con đường giữa các con đường khác, một chân lý giữa các chân lý khác, một cái đẹp giữa những cái đẹp khác. Người là con đường sống động dẫn tới chân lý sống động, chân lý mang lại sự sống. Là Cái Đẹp tối cao, Ánh rạng ngời Chân lý, Đức Giêsu là nguồn của mọi cái đẹp bởi vì, là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Người là sự biểu lộ của Chúa Cha: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9).
Chóp đỉnh, nguyên mẫu của mọi cái đẹp thể hiện trên khuôn mặt của Con Người bị đóng đinh trên thập giá đầy đau thương, mặc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa, trong lòng thương xót Người dành cho thụ tạo, phục hồi cái đẹp bị mất do tội nguyên tổ. “Cái đẹp sẽ cứu thế giới” vì cái đẹp này là Đức Kitô, cái đẹp duy nhất thách thức sự dữ, và chiến thắng sự chết. Bằng tình yêu, “Đấng vô song tuyệt mỹ giữa con cái loài người” đã trở thành “con người đau khổ”, “chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn” (Is 53, 2), và Người đã trả lại cho con người, và từng người, trong cái đẹp trọn vẹn, nhân phẩm và sự cao cả thật sự. Trong Đức Kitô, và chỉ trong Người, via Crucis (đường thánh giá) của chúng ta được biến đổi trong via Crucis của Người, thành via lucis (đường ánh sáng) và via pulchritudinis.
Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba tìm lại cái đẹp này trong cuộc gặp gỡ với Chúa của mình và cùng Người, trong cuộc đối thoại tình yêu với con người nam cũng như nữ trong thời đại chúng ta. Tại tâm điểm của các nền văn hóa, để trả lời cho những lo lắng, niềm vui và hy vọng của con người, Giáo hội vẫn tiếp tục tuyên xưng cùng với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI: “Nếu chúng ta để cho Đức Kitô bước vào cuộc đời chúng ta, thì chúng ta sẽ không mất gì, không một điều gì, tuyệt đối không một điều gì làm cho cuộc sống được tự do, đẹp đẽ và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn này mà các cánh cửa của cuộc sống mở rộng. Chỉ trong tình bạn này mà tiềm năng lớn lao của thân phận con người được thực sự tỏ lộ. Chỉ trong tình bạn này mà chúng ta thực sự kinh nghiệm được cái đẹp và sự giải thoát.”[46]
----------------------
[1] X. Cultures et foi, Cité du Vatican, n° 2, 2002.
[2] Xem tài liệu “Où est-il ton Dieu?”, được xuất bản trong các ngôn ngữ khác nhau: P. Poupard - Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Où est-il ton Dieu ? La foi chrétienne au défi de l’indifférence religieuse, Salvator, Paris 2004; Fede cristiana, non credenza e indifferenza religiosa, trong “Religioni e sette nel mondo”, số 26, 2003-2004; Where Is Your God ? Responding to the Challenge of Unbelief and Religious Indifference Today - Dónde está tu Dios ? La fe cristiana ante la increencia religiosa, Chicago 2004 ; Dónde está tu Dios ? La fe cristiana ante la increencia religiosa, Valencia 2005 ; Gdje je tvoj Bog? Kršćanska vjera pred izazovom vjerske ravnodušnosti, Sarajevo 2005.
[3] Xem R. Remond, Le Christianisme en accusation, Paris 2000 ; Le nouvel antichristianisme, ibid., 2005.
[4] Ngoài các văn bản của Hội nghị khoáng đại 2004, xem Tài liệu Jésus-Christ, le porteur d’eau vive. Une réflexion chrétienne sur le “Nouvel Âge”, Cité du Vatican 2003 ; Gesù Cristo portatore dell’acqua viva. Una riflessione cristiana sul “New Age”; Jesus Christ the Bearer of the Water of Life. A Christian Reflection on the “New Age”; Jesucristo portador del agua de la vida. Una reflexión cristiana sobre la “Nueva Era”; Jesus Christus der Spender lebendigen Wassers. Überlegungen zu New Age aus christlicher Sicht.
[5] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Bài giảng trong Thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng ngày 24 tháng Tư năm 2005, La Documentation Catholique, CII (2005) 545-549.
[6] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thư gửi các Nghệ sĩ, ngày 04 tháng 4 Năm 1999, số 3.
[7] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio, ngày14 tháng 9 năm 1998, số 103.
[8] Về sự suy tư triết học về cái đẹp và hoạt động nghệ thuật, xem: M.-D. PHILIPPE, L’activité artistique. Philosophie du faire, 2 vol., Paris 1969-1970, với một thư mục quan trọng. Với suy tư thần học, xem B. FORTE, La porta della Bellezza. Per un’estetica teologica, Brescia 1999 ; Inquietudini della trascendenza, chương 3: “La Bellezza”, Brescia 2005, trang 45-55, và La bellezza di Dio. Scriti e discorsi 2004-2005, Edizioni San Paolo, 2006.
[9] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô Ii, Thông điệp Fides et ratio, op. cit., số 83.
[10] Thánh Âutinh, Tự thuật, X, 27.
[11] H. Urs Von Balthasar, La Gloire et la Croix. Les aspects esthétiques de la Révélation, I – Apparition, Coll. Théologie 61, Aubier, 1965, trang 16-17.
[12] Diễn văn nhận giải Nobel, trong Œuvres, t. IX, YMCA Press, Vermont-Paris 1981, trang 9.
[13] D. M. Turoldo, “Bellezza” trong Nuovo Dizionario di Mariologia, Ed. Paoline, 1985, trang 222-223
[14] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã lấy lại khẳng định quan trọng này trong Thư gửi các nghệ sĩ, số 11.
[15] X. Joannes Scot Erigena, De Divisione Naturae 1.3, và thánh Bonaventura, Collationes in Hexaemeron II, 27.
[16] X. Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, Pour une pastorale de la culture, Téqui, 1999, số 35.
[17] X. The Human Search for Truth: Philosophy, Science, Theology. International Conference on Science and Faith. The Vatican 23-25 may 2000, Saint Joseph’s University Press, Philadelphia, USA, 2002; tr. it. L’uomo alla ricerca della verità. Filosofia, scienza, teologia: prospettive per il terzo millennio. Conferenza internazionale su scienza e fede – Città del Vaticano, 23-25 maggio 2000, Vita e Pensiero, Milano 2005.
[18] Thánh Bonaventura, Legenda Maior, IX.
[19] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông thư Duodecimum Saeculum, 04 tháng Mười Hai năm 1987, Chương IV. Nghệ thuật Kitô giáo đích thực, số 10-11.
[20] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thư gửi các Nghệ sĩ, số 12-13.
[21] X. Associazione Arte E Spiritualità, Sulla via della Bellezza. Paolo VI e gli Artisti, Quaderno n.3, Brescia 2003, trang 71-76.
[22] X. D. PONNAU trong Forme et sens. Colloque de formation à la dimension religieuse du patrimoine culturel, Ecole du Louvre, Paris, 1997, trang 20.
[23] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo - Tóm lược. Phần Dẫn nhập, Bayard Cerf, Fleurus-Mame, 2005, trang 21.
[24] L'Osservatore Romano, ấn bản tiếng Pháp, số 15, 12 tháng Tư năm 1988, trang 13.
[25] E. Berthoud, 2000 ans d’art chrétien, CLD, 1998.
[26] Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Thư gửi các Nghệ sĩ, op. cit., số 12 và 8.
[27] M. Quenot, Du Dieu-homme à l’homme-Dieu. De l’icône du Christ à l’icône des saints, Cerf, 2004, với 150 hình ảnh minh họa.
[28] Thánh Irénée, Adversus Hæreses, IV, 20, 7.
[29] C. Schonborn, L’icône du Christ. Fondements théologiques élaborés entre le Ie et le IIème Concile de Nicée (325-787), Editions Universitaires, Fribourg, Suisse, 1976. Cũng xem Paul Evdokimov, L’art de l’icône. Théologie de la beauté, Paris, 1970.
[30] X. Thư luân lưu của Ủy ban Giáo hoàng về di sản sản văn hóa của Giáo hội, La formation aux biens culturels dans les séminaires, 15 tháng Mười năm 1992.
[31] Lưu ý mục vụ của Hội đồng Giám mục vùng Tuscany: La vita si è fatta visibile. La comunicazione della fede attraverso l’Arte ngày 23 tháng Hai năm 1997, và của Văn phòng Quốc gia về Di sản văn hóa của Giáo hội của Hội đồng Giám mục Ý: Spirito Creatore, ngày 30 tháng Mười Một năm 1997.
[32] X. G. Riva, Nell'Arte lo stupore di una Presenza, San Paolo, Milano, 2004.
[33] E. Bianchi Perché e come evangelizzare di fronte all’indifferentismo, in “Vita e pensiero“ 2, 2005, trang 92-93.
[34] D. Barsotti, Il mistero cristiano nell'anno liturgico, Cinisello Balsamo 2004, trang 70.
[35] P. Florensky, Les portes royales. Essai sur l’icône, Milan 1999, 50.
[36] Xem chú thích 27.
[37] Hồng y J. Ratzinger, Eucharistie et mission, dans Liturgie et Mission, Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Phụng vụ, Paris, 2002, số 13-16.
[38] X. P. Claudel, Ma conversion, trong Contacts et circonstances, Gallimard, 1940, trang 11 sq ; trích lại trong Ecclesia, Lectures chrétiennes, Paris, số 1, tháng Tư năm 1949, trang 53-58.
[39] H. Urs Von Balthasar, La Gloire et la Croix, op.cit., trang 373.
[40] X. T. Verdon, Vedere il mistero. Il genio artistico della liturgia cattolica, Mondatori 2003.
[41] Xem thêm - Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục, Ecclesia in Europa, 28 tháng Sáu năm 2003, số 66-73; và Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, ngày 17 tháng Tư năm 2003; Tông thư Mane Nobiscum, ngày 17 tháng Mười năm 2004.
[42] Xem chẳng hạn: C. M. Martini, Quelle beauté sauvera le monde? Thư Mục vụ 1999-2000, Milan năm 1999; B. Forte, Pourquoi aller à la messe le dimanche. L’Eucharistie et la beauté de Dieu, Cinisello Balsamo 2004 ; G.VECERRICA, Diamo forma alla bellezza della vita cristiana, Lettera pastorale, Fabriano 2006.
[43] X. Viện Giáo hoàng Quốc tế về Đức Maria, La mère du Seigneur. Mémoire, présence, espoir, Cité du Vatican, 2000, trang 40-42.
[44] Thánh ÂUTINH, Thành đô Thiên Chúa, XXII, 30, 5.
[45] Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, số 22.
[46] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Bài giảng Thánh lễ khai mạc triều đại Giáo hoàng, ngày 24 tháng Tư năm 2005, Documentation catho CII (2005) 545-549.