Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

CHÚA LÀ CHA ! CHÚA LÀ MẸ ! (phần 5)

Thời sự Thần học - Số 37, tháng 09/2004, tr. 5-67

KHẢO LUẬN GỒM 5 PHẦN :

Dom Pierre Miquel 

_______ chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Nghị, O.P.

PHẦN NĂM : THẦN HỌC HAY KITÔ HỌC ?


Một Thiên Chúa không có Đức Kitô hay một Đức Kitô không có Thiên Chúa


Người ta có thể nêu lên hai khuynh hướng liên quan đến Thiên Chúa và Đức Kitô. Khuynh hướng thứ nhất coi việc Nhập Thể là không thể tương hợp với siêu việt tính của Thiên Chúa, khuynh hướng này cũng từ chối việc nhìn nhận Con Thiên Chúa trong Đức Kitô.
Khuynh hướng thứ hai cho rằng sau cái chết của Thiên Chúa, Đức Kitô là con người lý tưởng và đã trở thành khuôn mẫu cho nhân loại.

Cả hai khuynh hướng trên đều đưa đến việc hiểu sai thần tính của Đức Kitô.

"Than ôi! Chúng ta hiếm khi là những hữu thể toàn diện và lạc thuyết - lựa chọn từ bỏ - lại thường là phận của chúng ta. 

Chúng ta đi tới chỗ tuyên bố rằng: 

"Đức Kitô, vâng tôi nhận, Thiên Chúa, không", bởi vì chúng ta đã được giải phóng khỏi ngẫu tượng trừu tượng này, hay là: 

"Thiên Chúa, vâng tôi nhận, Đức Kitô, không", bởi vì nói một con người là Thiên Chúa nghĩa là để tay lên trên Đấng vốn mãi không thể nắm bắt được (...)

"Nhưng khi chúng ta biến Thiên Chúa trở thành một ngẫu tượng, thì Đức Kitô đến tiêu diệt ngẫu tượng này; và khi chúng ta có nguy cơ biến Đức Giêsu trở thành một ngẫu tượng, thì Thiên Chúa đến để tiêu diệt ngẫu tượng đó" (Pierre-Jean Labarrière, "Dieu sans Christ et Dieu du Christ", dans Christus 98, 1978, p. 148).

"Một số người ra sức duy trì một niềm tin nào đó vào Đức Giêsu bằng cách hy sinh niềm tin vào Thiên Chúa: đối với họ, Đức Giêsu có lẽ là một nhà mạc khải, nhưng không phải là mạc khải về Thiên Chúa mà là mạc khải về con người. Người không phải là Đường đưa dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa, nhưng Người là một bậc tôn sư của nhân loại. Người là Đấng dạy chúng ta biết sống cho ra con người, dạy chúng ta biết giải phóng và sáng tạo định mệnh con người của chúng ta. Người dạy chúng ta biết đánh mất chính mình và biết tái sinh nơi tha nhân và, đối với họ, Người là khuôn mẫu của một cuộc hiện sinh tự do và vị tha. Nhưng dung mạo lịch sử của Đức Giêsu lại không chịu việc cắt xén này. Người đã xuất hiện giữa người đồng thời với Người như một người của Thiên Chúa, một con người của cầu nguyện và là một bậc thầy về cầu nguyện, một con người luôn có những mối tương giao thật thâm sâu với Thiên Chúa đến độ Người gọi Thiên Chúa là "Abba", Cha, một con người tuyên bố sứ điệp giải phóng những người khác trong tư thế là một người đứng về phía Thiên Chúa, một con người xưng mình là người được Thiên Chúa phái đến, và toàn thể lý do hiện hữu của Người là loan báo Lời Thiên Chúa. Và chính vì lý do này mà những người tin vào Người đã gọi Người là "Ngôi Lời Thiên Chúa". Chắc chắn điều đó không ngăn cản Người cũng là tôn sư và là kiểu mẫu cho chúng ta về đàng nhân loại. Nhưng nếu Người đã xuất hiện như một Con Người phổ quát, Đấng đã trở thành anh em của mọi người, Đấng mà trong bất cứ người nào cũng có thể nhận thấy mình là người, đó chính là vì mối tương quan đặc biệt với Đấng dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là "Cha của chúng con", và chính trong nguồn mạch tình yêu của Cha Người, Người đã kín múc được sức mạnh hầu có thể yêu thương mọi anh em của Người cho đến cùng. Như thế, chúng ta không thể giam hãm khuôn mặt của Đức Kitô trong những giới hạn của một kiểu mẫu nhân loại nào đó. Thánh Phaolô đã từng thấy "vinh quang của Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt của Đức Kitô" (2Cr 4,6). Một số thần học gia về cái chết của Thiên Chúa đã thử thực hiện việc giản lược này và họ đã thực hiện theo hai hình thức: hoặc là "cắt xén" ngôn ngữ mạc khải của Đức Giêsu như thế nào đó để cho ngôn ngữ này chỉ nhắm liên hệ đến con người và không còn liên hệ đến Thiên Chúa nữa, và ngôn ngữ mạc khải của Đức Giêsu chỉ có ý nghĩa trong một viễn tượng quy nhân mà thôi. Hoặc là họ thấy trong mạc khải của Đức Giêsu một mạc khải trái khoáy, mạc khải này dạy chúng ta rằng Thiên Chúa đã biến mất, Người đã giải phóng chúng ta khỏi sự hiện diện chèn ép của Người, Người mời gọi chúng ta qua Đức Giêsu để không còn cần đến Ngài nữa.

"Ngược lại, một số người khác lại cố gắng duy trì niềm tin vào Thiên Chúa bằng cách hy sinh niềm tin vào Đức Kitô. Họ nghĩ rằng một người sống trong nền văn hóa của chúng ta có thể tin rằng Thiên Chúa hiện hữu, Người là Ý Nghĩa tuyệt đối và vô hạn của tất cả những gì đang hiện hữu và đang tới, nhưng người ấy không thể chấp nhận việc giam hãm chân lý phổ quát và tuyệt đối cũng như tính toàn thể của Ý Nghĩa vào trong tính đặc thù của một cá nhân và của một thời khắc lịch sử. Khi từ chối nhìn nhận Đức Giêsu là người mạc khải đến từ Thiên Chúa, là con đường độc nhất dẫn đưa nhân loại đến cùng Thiên Chúa, người ta có thể vẫn còn coi Người là kiểu mẫu cho việc tìm kiếm Thiên Chúa. Nhưng khi đó, Người ta sẽ bỏ đi phần trọng yếu nhất của mạc khải Dothái - Kitô giáo, một mạc khải không chỉ dạy tin vào Thiên Chúa, nhưng còn loan báo và hứa hẹn bảo đảm một cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người ngay trong chính lịch sử của chúng ta kể từ thời Ápraham, và mạc khải cũng quả quyết rằng cuộc gặp gỡ này đã diễn ra trong ngôi vị và biến cố Đức Giêsu Kitô" (Joseph Moingt, La révélation de Dieu dans la mort du Christ).

Đàng khác, cần phải ghi nhận rằng lộ trình tâm linh thì khác nhau: 
* Có những người trước hết tin vào Thiên Chúa, rồi sau đó họ khám phá ra Đức Kitô.
* Những người khác trước hết lại tin vào Đức Kitô, Đấng đưa dẫn họ tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Kitô học từ trên xuống và Kitô học từ dưới lên


Theo một số người, Đức Kitô là Ngôi Lời nhập thể đã từ nơi Chúa Cha "xuống" thế; theo một số người khác, con người Giêsu đã được Ngôi Lời đảm nhận.

Hai thái độ này có thể đã được phân biệt ngay từ trong Cựu ước.

"Tiền hữu và Nhập thể: 

"Ta có thể qui những chuẩn bị của Cựu ước cho biến cố Thiên Chúa đến ở giữa loài người vào trong hai chiều hướng lớn: 

* Chiều hướng thứ nhất, chiều hướng từ dưới lên nhằm trình bày những sứ giả nhân loại từ từ được siêu phàm hóa (trở nên những nhân vật siêu phàm), và thấy mình được tán dương vào hàng ngũ thần thiêng. 
* Chiều hướng thứ hai, chiều hướng từ trên xuống nhằm trình bày những sứ giả thần linh dần dần được ngôi vị hóa và bước vào trong đời sống của con người.

"Một đàng, đây là những nhân vật có nguồn gốc và tầm vóc nhân loại, nhưng trong chương trình cứu độ, họ đón nhận một vai trò đại diện tập thể và cùng với sự tiến triển của mạc khải, họ được nâng bằng một sự siêu việt siêu phàm: đó là Đấng Mêsia, con vua Đavít, Người Tôi Trung đau khổ...

"Nhưng có một chiều hướng khác do mạc khải Cựu ước vạch ra dẫn tới Thiên Chúa Đấng cứu độ: đó là mạc khải về những thuộc tính thần linh, chính các thuộc tính thần linh này cũng được sai đi và lần này thì các thuộc tính được nhân hóa: 

* đó là Lời
* đó là Thần khí
* đó là Đức Khôn ngoan

"Vấn đề cực kỳ khó khăn phức tạp này đã được se kết thật là hài hoà tuyệt vời trong ngôi vị Đức Giêsu Kitô" (P. Benoit, "Préexistence et Incarnation", dans Revue biblique 77, 1970, p. 10-11).

Hai khuynh hướng này đã được xác định vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Trường phái Antiôkhia khởi đi từ nhân tính của Đức Kitô lịch sử và dựa vào các Tin mừng nhất lãm. Còn trường phái Alexandria khởi đi từ Ngôi Lời nhập thể tiền hữu và, có tính siêu hình hơn, dựa vào sách Tin mừng thứ tư.

"Theo quan điểm của những người theo trường phái Antiôkhia và Nestôriô, nhập thể được quan niệm là sự cư ngụ của Con Thiên Chúa trong một con người...

Theo quan điểm của những người theo trường phái Alexandria và trường phái Nestôriô (nhất tính thuyết: Đức Kitô chỉ có bản tính Thiên Chúa), nhập thể được quan niệm là một tình trạng thần hiển của Thiên Chúa Ngôi Lời trong xác phàm" (J. Moingt, L'homme qui venait de Dieu, Le Cerf, 1993, p. 211 ).

Cả hai "trường phái" này tồn tại hơn kém suốt dòng lịch sử của Giáo Hội.

H. Kung đã nhắc lại hai trường phái này trong nền thần học Đức quốc vào thế kỷ XIX: 

"Sau một Kitô học chủ yếu là suy lý - "từ trên cao xuống" - đặc biệt nhấn mạnh đến thần tính của Đức Giêsu (và đạt đến đỉnh cao trong quan niệm của Hêgel), người ta phải tiến tới một Kitô học lịch sử nhấn mạnh đến nhân tính của Đức Giêsu - "từ dưới lên" - khởi đi từ tác phẩm "Cuộc đời Chúa Giêsu" của tác giả Strauss" (Hans Kung, Être chrétien, Le Seuil, 1978, p. 522).

Nếu Đức Kitô chỉ là một con người, cho dù cao cả tới đâu, thì Người cũng chỉ là một khuôn mẫu, chứ không phải là một Đấng Cứu Độ.

Nếu Đức Kitô chỉ là Thiên Chúa, thì Người chỉ là kẻ làm tăng thêm gấp đôi của Chúa Cha.

Khoa hình ảnh icône cũng cho thấy hai khía cạnh này: thầy rabbi dịu hiền người Galilê thì khác với Đấng toàn năng (Pantokrator) của Byzantin.

Nhưng theo các Giáo phụ, phải quả quyết rằng: Đức Kitô không được "thần hóa" bởi Thiên Chúa Cha, cũng không phải bởi cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. 

Qui Thiên Chúa hay qui Kitô


Một số thần học gia mới đây đã đề xuất một kiểu so sánh vay mượn từ thiên văn học.

Thiên văn học của Ptôlêmê lấy trái đất làm trung tâm của vũ trụ: các hành tinh (và mặt trời) xoay xung quanh trái đất.

Thiên văn học của Copernic lấy mặt trời làm trung tâm của thái dương hệ; trái đất không còn là trung tâm của vũ trụ nữa.

Theo thần học Kitô giáo, Đức Kitô được đặt ở trung tâm của các tôn giáo; tất cả đều quay xung quanh Người. Theo cách nói của Karl Rahner, có vô số các "Kitô hữu vô danh".

Từ nay trở đi, chính Thiên Chúa là Đấng được người ta đặt ở trung tâm của các tôn giáo: tất cả đều qui chiếu vào Người.

Tuy nhiên, một trong các tôn giáo này có tính ưu việt hơn: đó là tôn giáo trong đó đã diễn ra mầu nhiệm Nhập Thể mạc khải, và Thần Khí "đang làm việc" trong tất cả các tôn giáo.

Cũng cần ghi nhận rằng: 

"Qui Kitô luận, nếu được hiểu chính xác, thì không thể bị coi là mâu thuẫn với qui thần luận: trái lại, qui Kitô luận giả thiết và đòi qui thần luận. (J. Dupuis, Vers une théologie chrétienne du pluralisme religieux, Le Cerf, 1997, p. 311).

THẦN HỌC VÀ CÁC LIÊN TỪ

Đức Giêsu từ Chúa Cha mà đến và trở về cùng Chúa Cha

Các nhà chú giải đã có lý khi nhấn mạnh sự nghèo nàn về cú pháp trong sách Tin mừng thứ tư, có nhiều câu thường chỉ được giản lược vào một chủ từ, một động từ và một túc từ. Nhưng bù lại, tác giả - như một bậc thầy về mặt văn phạm - đã sử dụng rất đa dạng các liên từ Hy-lạp để xác định những mối tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con.

Đức Giêsu là Đấng đang đến

* Từ Thiên Chúa (ek): "Đức Giêsu bảo họ: "Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi" (Ga 8,42).

"Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Bây giờ, Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha" (Ga 16,28). 

* Từ phía Thiên Chúa (apô): "Ông (Nicôđêmô) đến gặp Đức Giêsu ban đêm. Ông nói với Người: "Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy đã làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy" (Ga 3,2 ).

"Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa" (Ga 13,3).

* Từ nơi Thiên Chúa (para): "Trong nhóm Biệt phái, người thì nói: "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo: "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?" Thế là họ đâm ra chia rẽ" (Ga 9,16).

"Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin Thầy từ Chúa Cha mà đến" (Ga 16,27 ).

Đức Giêsu là Đấng về cùng Chúa Cha (eis)


"Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người tỏ cho chúng ta biết" (Ga 1,18).
"Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa" (Ga 1,1).
"Đức Giêsu biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa" (Ga 13,3).
"Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ còn ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha. Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta" (Ga 17,11). 

Đức Giêsu đang ở cùng Chúa Cha (meta)

"Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy" (Ga 3,2).

Đức Giêsu ở trong Chúa Cha: "Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình" (Ga 14,10).

" Xin cho tất cả nên một như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con" (Ga 7,21).

Chỉ trích dẫn các đoạn văn cũng giúp ta có thể hình thành một nền thần học Gioan: 
1. Chúa Con từ Chúa Cha mà đến (ek), như trẻ sơ sinh từ lòng mẹ mà ra.
2. Chúa Con trở về cùng Chúa Cha: Người hướng về Chúa Cha (eis) không phải trong một thái độ tĩnh, nhưng bằng tất cả sức năng động của ngôi vị Người. Cuộc trở về ngự bên hữu Chúa Cha kể từ biến cố Thăng Thiên hoặc ngay từ chiều thứ sáu Tuần Thánh) chỉ là sự viên toàn của một chuyển động tình yêu đã đưa Người đến gần con người, mà vẫn không làm cho Người xa cách Thiên Chúa.

3. Chúa Con không bao giờ tách lìa khỏi Chúa Cha: Chúa Con không thể hiện hữu nếu không có Chúa Cha và Chúa Cha sẽ không còn là Chúa Cha giả như Chúa Con không hiện hữu. Do đó mà có hai liên từ nhấn mạnh đến sự hiện diện hỗ tương hoặc sự cư ngụ trong nhau (en) giữa Ngôi Cha và Ngôi Con. 

Như vậy, sách Tin mừng thứ tư trình bày cho chúng ta phần trọng yếu của mạc khải liên hệ đến mối tương quan giữa Ngôi Con với Ngôi Cha.

Vinh danh Chúa Cha nhờ Chúa Con trong Chúa Thánh Thần


Chúng ta cần phải nại đến các Giáo phụ, đặc biệt là thánh Basiliô, hầu có thể khai triển suy tư thần học về các mối tương quan giữa Thần Khí với Chúa Cha và Chúa Con. 

Luật cầu nguyện (lex orandi) biểu đạt luật đức tin (lex credendi). So với vinh tụng ca (Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần) nhấn mạnh sự bình đẳng giữa các ngôi vị Thiên Chúa, đối lại phái Ariô và phái bác bỏ thiên tính của Chúa Thánh Thần (Pneumatômaques), cần chú ý đến vinh tụng ca có tính "chức năng" hơn. Đó là: "Vinh danh Chúa Cha, nhờ Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần" vì nó biểu đạt một cấu trúc cho thấy sự duy nhất của Thiên Chúa, nhưng với điều kiện là phải xác định rõ rằng: Chúa Con không phải vì là Đấng Trung Gian cho nên thấp kém hơn Chúa Cha; và Chúa Thánh Thần không phải vì là "Cảnh vực thần linh" cho nên vô ngã.

Chúa Thánh Thần phát sinh bởi Chúa Cha nhờ Chúa Con


Mối tương quan giữa Chúa Thánh Thần với Chúa Cha và Chúa Con là một trong những điểm gây chia rẽ giữa Đông phương với Tây phương. Thêm vào kinh Tin Kính của Công đồng Nixêa chữ "Filioque" (và Chúa Con), thời đã khiến cho người Hy-lạp cho những người La-tinh là những người rơi vào lạc thuyết. Những người Hy-lạp giải thích như sau: Chúa Thánh Thần phát xuất từ hai nguyên ủy là Chúa Cha và Chúa Con, trong khi bất kỳ hồng ân viên toàn và đặc biệt là Thánh Thần, nếu có được trao ban qua trung gian Chúa Con, thì cũng chỉ có một nguồn mạch duy nhất: đó là Chúa Cha.

Tuy nhiên, Chúa Con không hề xa lạ với việc sai phái Thần Khí (Ga 16,7), cũng như Thần Khí không xa lạ với biến cố thành thai của Chúa Con (Lc 1,35).

KẾT LUẬN


"Ta nói Thiên Chúa là vô biên bởi lẽ Người không ở trong một điều gì khác, nhưng mọi hữu thể lại được chứa đựng trong Người. Người ở bên ngoài mọi nơi chốn, bởi vì không gì có thể giam hãm Người được. Người đã có đó trước mọi thời gian, vì chính nhờ Người mà thời gian hiện hữu. Dòng lịch sử cứ diễn tiến và Thiên Chúa vẫn có đó, luôn luôn... Bao con số muốn biểu đạt Thiên Chúa, bao từ ngữ muốn xác định Người có lẽ bạn vẫn thấy thiếu, nhưng chẳng có gì thiếu nơi hiện hữu của Thiên Chúa. Cứ làm cho tri thức của bạn trở nên sắc bén, cứ luyện tập tinh thần của bạn: bạn cũng chẳng nắm chẳng hiểu được Thiên Chúa (...)

"Bởi vì đó là chân lý của mầu nhiệm Thiên Chúa, trong Chúa Cha, danh xưng của một bản tính không thể hiểu được. Thiên Chúa là Đấng người ta không thể thấy được, Đấng Khôn tả, Đấng Vô biên. Lời lẽ hùng hồn nhất chỉ có thể là yên lặng và trí tuệ nào muốn thấu hiểu mầu nhiệm này phải thấy mình hoàn toàn ngu dốt và phải nhận ra mình nhỏ bé hẹp hòi. Vị Thiên Chúa đây là Cha, nhưng không phải như những người trong nhân loại làm người cha. Người là Đấng Bất Khả Thụ Sinh, Đấng Hằng Hữu, Người là Đấng luôn luôn hiện hữu và hiện hữu đến muôn thuở muôn đời. Duy chỉ Chúa Con nhận biết Người, vì sách Tin mừng Mátthêu nói cho chúng ta hay: "không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và những kẻ người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27). Tri thức của Cha và Con là nhận biết nhau, hiểu biết của Cha về Con và của Con về Cha là một hiểu biết hoàn hảo. Và vì không ai biết rõ Chúa Cha trừ Chúa Con, cho nên chúng ta chỉ có thể biết rõ Chúa Cha nhờ những gì Chúa Con - chứng nhân trung thành duy nhất - đã dạy chúng ta.

"Nhưng những điều về Chúa Cha như thế, tôi thích nghĩ hơn là nói. Bởi vì tôi cảm thấy rõ rằng dường như bất cứ ngôn từ nào cũng đều bất lực không thể diễn tả được điều Người là. Chúng ta quan niệm Người là Đấng ta không thể thấy được, khôn dò khôn thấu, bất tử. Chúng ta nói điều đó nhằm tôn vinh Người, nhằm đem lại một ý nghĩa và một xác định rõ ràng cho tư tưởng của chúng ta. Nhưng ngôn từ nhân loại của chúng ta phải phủ phục bái quỳ trước bản tính Thiên Chúa và không thể biểu đạt minh bạch thực tại thần linh được...

"Như vậy, tri thức hoàn hảo về Thiên Chúa hệ tại nhận biết rằng Thiên Chúa hiện hữu, Người không thể không được biết, nhưng Người lại là Đấng hoàn toàn không thể diễn đạt được, không thể tả ra được. Chúng ta cần phải tin vào Người, tìm cách nhận biết Người, tôn thờ Người". (Saint Hilaire, Sur la Trinité, II, 6-7, trad. Meslin, Ed. Ouvrières, p. 50-51).