Thứ Ba, 29 tháng 11, 2016

CHÚA LÀ CHA ! CHÚA LÀ MẸ ! (phần 4)

Thời sự Thần học - Số 37, tháng 09/2004, tr. 5-67

KHẢO LUẬN GỒM 5 PHẦN :

Dom Pierre Miquel

_______ chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Nghị, O.P.


PHẦN IV : CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CHA


Chính khái niệm phụ tử không xuất phát từ một kinh nghiệm khả giác nào đó, lịch sử tôn giáo đã xác nhận điều này:
"Đức tin vào Thiên Chúa là Cha có nghĩa là nhận biết một Đấng Khác, siêu việt trên vạn hữu, nhờ Đấng ấy, chúng ta được hiện hữu và được đưa vào trong một cộng đoàn vượt quá trật tự nhân loại" (Louis Beirnaert, La "Morale sans Péché" du Docteur A. Hesnard dans les Études, janvier 1955, p. 45).
"Không phải chính Thiên Chúa là biểu tượng vĩ đại của người cha, nhưng chính con người là một người Cha "bị thiếu hụt", nghĩa là một người cha chẳng bao giờ thành cha nếu không có một người Cha, bởi vì anh ta được danh hiệu cha chỉ do từ một tình Phụ Tử duy nhất" (Ep 3,14) (Manaranche, Dieu vivant et vrai, Le Seuil, 1972, p. 58).
Về phần mình, Jacques Madaule đã xác định rõ: con người không trở nên người trưởng thành do bởi người cha của hắn chết, nhưng anh ta là người trưởng thành khi anh ta nhận ra những giới hạn của cha mình và thôi không thần hoá ông nữa. 
"Cần lưu ý rằng việc đồng hoá người cha với Thiên Chúa chỉ chính xác một phần nào thôi (...). Dường như các triết gia vô thần đã bị một sự giống nhau, tương đồng làm cho sai lạc. 
"Khi đồng hoá Thiên Chúa với một người cha tưởng tượng mà nhân loại đã đưa ra nhằm điều hướng những bước chân đầu tiên của họ, thì đối với họ, cái chết của người cha chính là hậu quả đương nhiên của tuổi trưởng thành" (Jacques Madaule dans le numéro spécial de l'Anneau d'Or sur "le père", 9-10, 1946, p. 38).
"Dẫu người cha không phải là một người tầm thường, đáng thương, nhưng cũng chẳng lâu ông sẽ thấy giới hạn về hiểu biết cũng như các khả năng của mình, và người con vốn kính trọng ông nhất, một ngày nào đó cũng buộc phải nhìn nhận rằng cha mình không phải là một vị thần, nhưng là một con người. Đây quả là một ngày khủng khiếp đối với cả hai người, ngày mà người ta muốn đến càng chậm càng tốt. Khi người con khám phá ra những giới hạn nơi người cha của mình, đó chính là lúc người con nghiệm thấy mình là một con người" (Jacques Madaule, ibid, p. 36).
A. Vergote cũng viết:
"Ta có thể nói về việc phụ hóa Thiên Chúa (biến Thiên Chúa trở thành người cha), hơn là thần hóa người cha" (A. Vergote, Psychologie religieuse, Dessart, Bruxelles, 1966, p. 296).
Mối nguy hiểm của việc trình bày Thiên Chúa là một người cha đó là: hoán vị quá đơn giản người cha nhân loại, từ đó có hai "linh đạo" (!) sai lầm: 

- Nếu người cha nhân loại của ta là một con người yếu đuối, nhu nhược, không có tư cách, không vĩ đại, thì ý tưởng, hay đúng hơn hình ảnh của ta, về Thiên Chúa sẽ sai ngay từ khởi đầu.

- Nếu người cha nhân loại của ta là một con người thích bạo lực, bốc đồng, hung dữ, bất nhẫn, thì ý tưởng, hay đúng hơn hình ảnh của ta, về Thiên Chúa cũng sẽ sai ngay từ đầu.

Những mối tương giao phụ-tử và tử-phụ là một hình ảnh thường là méo mó về những mối tương giao giữa Ngôi Cha và Ngôi Con.

Nói chung, mối tương giao giữa người cha trần thế với người con trần thế thường có: 

* sự đối lập về ý chí và
* không tương hợp về ý chí.

Tuy nhiên, người cha là cha đối với người con và người con là con đối với người cha (như trong trường hợp giữa Ngôi Cha và Ngôi Con), cùng một trật là chủ thể của vinh quang, của niềm vui, của niềm hãnh diện.

"Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người" (Mt 17,5).

Phụ tính của Thiên Chúa không phải là sự phóng chiếu được lý tưởng hóa về người cha trần thế của chúng ta bằng cách trang trí thêm các phẩm tính và quên đi những yếu điểm của người cha này. Phụ tính của Thiên Chúa cũng không phải là sự sáng tạo vô thức của những người nam người nữ đã bị thiếu thốn tình yêu của người cha (những người mồ côi), và người Cha trên trời là sản phẩm thay thế cho người cha trần gian họ thiếu.

Nói rằng Thiên Chúa là Cha chúng ta chính là nhìn nhận rằng chúng ta mắc nợ Người sự sống: sự sống tự nhiên và sự sống siêu nhiên. Nói rằng chính Người đã sáng tạo, đã sinh ra chúng ta, đó là chúng ta nhìn nhận Người vừa là cha vừa là mẹ, Người là tác giả làm nên chúng ta.

Vai trò kép của người Cha: sửa dạy và an ủi

Sigmund Freud nhận thấy nơi người cha hai chức năng: chức năng trấn áp và chức năng an ủi, đây cũng là hai chức năng của Thiên Chúa.
"Chính vì mãi yếu đuối mong manh như một đứa trẻ nên con người vẫn luôn luôn bị dày vò bởi hoài niệm về người cha. Nếu bất cứ cảnh khốn cùng nào cũng là nỗi hoài niệm về người cha, thì bất kỳ niềm an ủi nào cũng lại là lặp lại của người cha" (d'après Freud, L'avenir d'une illusion, PUF, 1971, p. 245-246).
Hai bản văn, một của Charles Péguy, một của cha Foucauld sẽ minh họa thái độ kép này: 
"Khi tôi đang đi trên đường và giả như cha tôi gọi tôi để bắt tôi trở về nhà, tôi sẽ không sợ cha tôi" (Hauviette, dans "Le Mystère de la Charité de Jeanne d'Arc" de Péguy, NRF, p. 44).
"Lạy Cha, con xin phó thác đời con trong tay Cha. Lạy Cha, con dâng mình con cho Cha, con tin tưởng nơi Cha, Lạy Cha, xin hãy làm cho con tất cả những gì làm Cha vui thỏa. Cha làm cho con điều gì con cũng xin tạ ơn Cha, tạ ơn về mọi sự, con sẵn sàng tất cả, con xin đón nhận tất cả, con tạ ơn Cha về tất cả, miễn là thánh ý Cha được thể hiện nơi con. Lạy Cha, con không ước muốn điều gì khác, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha. Lạy Thiên Chúa, con xin hiến dâng linh hồn con trong tay Ngài với tất cả tình yêu của trái tim con, bởi vì con yêu Ngài. Và đối với con, đây là một nhu cầu của tình yêu dâng hiến chính mình con, phó thác chính mình con trong tay Ngài vô giới hạn. Con xin phó dâng chính mình con trong tay Cha với niềm tin tưởng vô biên" "Charles de Foucauld, Méditations sur l'Évangile" dans Écrits spirituels, de Gigord, 1927, p. 29).

Thiên Chúa-Cha: phóng chiếu hay bù trừ của người cha trần thế?

"Phân tâm học đã giúp chúng ta nhận ra mối liên hệ sâu xa giữa phức cảm về người cha với niềm tin vào Thiên Chúa. Phân tâm học đã cho chúng ta thấy rằng: trên bình diện tâm lý học, Thiên Chúa ngôi vị không là gì khác hơn là người cha đã được biến hình đổi dạng." (Freud, Un souvenir d'enfance de Léonard de Vinci, Gallimard, 1987, p. 212.)
Tâm lý học chiều sâu quan niệm Thiên Chúa như thể là phóng ảnh của một người cha nhân loại: người cha uy quyền thành Thiên Chúa uy quyền; hoặc như là một sự bù trừ: người cha yếu đuối thành Thiên Chúa hùng lực.

Sigmund Freud đã khai triển kiểu giải thích này về phụ tính của Thiên Chúa trong tác phẩm L'avenir d'une illusion. Ông viết như sau: 
"Một em bé đang lớn lên, khi nó nhận thấy rằng nó cứ phải là một em bé mãi, không thể thiếu sự bảo vệ chở che để chống lại những quyền lực tối cao và vô danh, khi đó em khoác cho các quyền lực này những nét mặt của người cha. Em tạo cho mình các thần thánh mà em rất sợ, em cố gắng làm đẹp lòng các thần nhưng em gán cho các thần nhiệm vụ bảo vệ chở che em. Như thế, hoài niệm của em bé về người cha của mình trùng với nhu cầu cần được bảo vệ mà em cảm thấy vì sự yếu đuối của con người" (Freud, L'avenir d'une illusion, p. 64).
Beirnaert và Manaranche đã chứng minh sự không chính xác trong cách giải thích giản lược này: 
"Có lẽ người ta lầm khi tin rằng: khái niệm về người Cha trên trời phát sinh từ một phóng chiếu nào đó trên bình diện tôn giáo của hình ảnh người cha trần tục.
"Một cuộc nghiên cứu gần đây về hình ảnh Cha nơi các thiếu nữ, chứng minh rằng hình ảnh Thiên Chúa, đối với ba phần tư các cô được hỏi, trùng với hình ảnh người cha, nhưng đối với một phần tư còn lại, hình ảnh Thiên Chúa là một sự bù trừ đối với người cha mà cô cảm thấy bất túc" (Yorick Spiegel dans Concilium 163, 1981, p. 16).
Một cuộc nghiên cứu về hình ảnh Thiên Chúa trong một nhóm các chủng sinh đã cho thấy ở nơi họ đó là một sức mạnh thâm sâu hơn là một quyền lực bên ngoài.
"Cách chung, nhưng là chính yếu, khi chúng tôi đối sánh các chủng sinh với các nhóm sinh viên giáo dân, chúng tôi nhận thấy rằng: các chủng sinh - khi họ nói hay viết về Thiên Chúa - thường dành ưu tiên cho một hệ thống ngữ nghĩa học tương hợp với hình ảnh biểu tượng về người Mẹ hơn là về người Cha. Đặc biệt, họ gán cho Thiên Chúa những phẩm tính như "lòng âu yếm", "tình thân mật", "người luôn hy vọng đợi chờ", "người mà sống bên cạnh, người ta cảm thấy như ở nhà mình". Trước hết, đấy là những phẩm tính thuộc về phạm vi mẫu tính. Đàng khác, các chủng sinh lại rất ít nhấn mạnh đến một số nét biểu lộ đặc biệt diện mạo của người Cha. Thế nên, đối với họ, Thiên Chúa không phải chỉ ít được gán cho những nét như "người xét xử" và "uy quyền", mà còn ít có những nét mang tính "chuẩn mực" và "người ban lề luật". Thiên Chúa cũng ít còn mang khuôn mặt của "người duy trì trật tự", "người lãnh đạo". Thế có nghĩa là, khi nói về Thiên Chúa, các chủng sinh thường nhấn mạnh đặc biệt đến những gì nói lên thái độ quan tâm, yêu thương và thân tình của Thiên Chúa. Họ rất ít nói về Thiên Chúa với tính cách là Đấng quy chiếu vào Lề Luật với những yêu sách cụ thể nhắm đến một tương lai cần phải xây dựng. Họ nhìn nhận sự hoạt động năng động của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình, nhưng họ thích trình bày hoạt động này như một sức mạnh thúc đẩy họ từ bên trong hơn là một quyền lực bên ngoài thực sự phân biệt với chính họ" (Alfred Vannesse, "Représentation de Dieu et structure psychique", Lumen Vitae, volume XXXII, 1977, n. 3, Langage religieux et relation à la Mère, p. 307).

Người Cha theo cái nhìn của người nam và của người nữ


Một người nam không quan niệm Thiên Chúa-Cha như một người nữ, bởi vì mối tương giao giữa một người con trai với cha của anh thì khác mối tương giao của người con gái với cha của cô.

Thiên Chúa là Cha hay là Ông Nội ?
"Khi chúng ta nói rằng Thiên Chúa là Cha, chúng ta thường có chiều hướng chỉ nghĩ rằng Ngài là ông nội". 
Huxley
"Linh đạo trẻ thơ là một cuộc sáng tạo không ngừng, trong khi sự ấu trĩ là bao giờ cũng chỉ biết lặp đi lặp lại những phản ứng của quá khứ...
"Để một người trưởng thành có thể thực sự cảm thấy mình hiện diện như một trẻ thơ trước Thiên Chúa, tiên vàn người đó phải có khả năng hành động với tư cách là một con người trong tương quan với những người khác" (L. Beirnaert, dans La Vie spirituelle, oct. 1951; "Enfance et Maturité spirituelle").
"Người ta đã làm méo mó quan niệm về Phụ tính được áp dụng cho Thiên Chúa, người ta làm cho Người hoá ra tầm thường; từ Thiên Chúa-Tình Yêu, người ta biến Người trở thành một Thiên Chúa-Bố...
Phụ tính, đó là Tình Yêu, được đẩy tới sự hoàn thiện của chính mình" (Auguste Valensin, Textes et documents inédits, Aubier, 1961, p.409-410 ).
Nơi thánh Têrêxa Lisieux, ý tưởng về Thiên Chúa là Cha không được thành hình từ người cha của thánh nữ, ý tưởng linh đạo trẻ thơ cũng không được hình thành khởi đi từ những hình ảnh của tuổi thơ, nhưng nó chỉ được sử dụng để diễn tả mà thôi (x. A. Combes, Sainte Thérèse de Lisieux et sa mission, Éditions Universitaires, 1954, p. 218-219).
"Kinh nghiệm cho thấy rằng khái niệm về linh đạo người cha luôn luôn là hàm hồ và thường là khô khan nghèo nàn đối với người cha cũng như đối với người con gái hoặc con trai thiêng liêng" (G. Paradis, "La Chasteté", dans Vie Consacrée, 1968, 6, p. 364).
Khi đó phụ tính của Thiên Chúa chỉ là một nơi ẩn náu "quá ư là con người" cho tình cảm bất an của chúng ta.

Hẳn nhiên chúng ta là "con cái của Thiên Chúa", nhưng đối với chúng ta, vấn đề không phải là sống trong tình trạng ấu trĩ về đàng thiêng liêng, tinh thần. Tuổi tâm linh, tinh thần của chúng ta phải tương ứng theo một mức độ nào đó với tuổi thể lý của chúng ta (cũng như các bí tích ăn nhịp với những giai đoạn trong cuộc sống con người chúng ta vậy).

Chúng ta đã được tạo thành để trở nên những con người trưởng thành về tinh thần.

Con đường bé nhỏ của linh đạo trẻ thơ không phải là con đường của một thứ ấu trĩ. Lời của Chúa: "Nếu anh em không nên giống những trẻ nhỏ, thì anh em không được vào Nước Trời" không được hiểu như một lời khuyên dành cho con nít. 

Thánh Phaolô và thánh Phêrô cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vượt qua giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi ấu thơ đến tuổi trưởng thành: 
"Khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành ngươì lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con" (1Cr 13,11).
"Như trẻ sơ sinh, anh em hãy khao khát sữa tinh tuyền là Lời Chúa, nhờ đó anh em sẽ lớn lên để hưởng ơn cứu độ" (1 Pr 2,2).

Tâm tình lệ thuộc


Phái Tin lành tự do thường cho tình cảm phụ thuộc là nguồn gốc của ý tưởng về Thiên Chúa-Cha.

Harnack đã cho rằng tình cảm phụ thuộc là điểm căn cốt của mạc khải Tân ước. Sabatier và Goguel, khi nhận ra những giới hạn của Schleiermacher, thì chính họ cũng thấy tình cảm phụ thuộc là nguồn cội của quan niệm về phụ tính của Thiên Chúa:
"Tình cảm phụ thuộc của chúng ta cung cấp một nền tảng thực nghiệm và bền vững cho ý tưởng về Thiên Chúa... Trước mọi suy tư và xác định của lý trí... Người ta có thể thiết lập một phương trình như thế này: tình cảm phụ thuộc của chúng ta là tình cảm về sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa trong chúng ta" (A. Sabatier, Esquisse d'une philosophie de la religion, 9e éd, livre I, chap. I, 2, p. 20).
"Schleimacher có thể đã giản lược ít nhiều các vấn đề khi ông định tính tình cảm tôn giáo qua ý thức về một tình trạng phụ thuộc tuyệt đối. Tuy nhiên qua đó, ông đã làm sáng tỏ một trong những yếu tố cấu thành căn cơ nhất của tôn giáo" (Maurice Goguel, "Témoignage d'un Historien", dans Protestantisme francais, Plon, 1945, p. 327).
"Bố đấy!" Đối với một đứa trẻ, người cha trước hết là một sự hiện diện. Đứa trẻ không biết "bố để làm gì", nhưng nhưng nó đoán được vai trò và tầm quan trọng của ông là đem lại sự an toàn cho nó" (Roger Pons dans le numéro spécial de L'Anneau d'Or 9-10, 1946, p. 25).
Georges Morel đã phê bình kiểu giải thích về phụ tính của Thiên Chúa như một tình cảm phụ thuộc bẩm sinh này: 
"Định nghĩa con người cơ bản là một hữu thể phụ thuộc vào Thiên Chúa, dù họ có ý thức hay không, thì cũng là biến Thiên Chúa trở thành cái gì tương đối" (G. Morel, L'Autre, Aubier, 1977, p. 122).
Tuy nhiên, phải nhận rằng: tất cả mọi mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa, thay vì tương đối hóa Thiên Chúa, có thể chỉ giúp cho đạt được sự hiệp thông.

Khao khát được làm cha của riêng mình

"Đặt tên cho mình, đó là sinh ra mình, khởi đầu với cái tên mà người khác đặt cho. Như thế vào năm 21 tuổi, tôi là Pierre Emmanuel ở giữa thế giới. Tự nay trở đi, cha tôi, đó chính là tôi" (Pierre Emmanuel cité par Jean Hamburger dans son Discours de réception à l'Académie francaise, Le Monde, 19-20 janvier 1986.
Khi phê bình lý thuyết về "cái chết của người cha", Claude Bruaire đã nhận thấy trong Thiên Chúa-Cha, một Thiên Chúa không nguồn gốc, "một người cha không có cha", Đấng hằng hữu (Platon, Phèdre, 245 d).

Nhưng khuynh hướng này rất nguy hiểm, bởi vì không nguồn gốc, theo Eschine, cũng có nghĩa là "một cái gì đó không có lý do hiện hữu" (86,1) và, theo Sophocle, là "một cái gì không hiện hữu" (Tro 743), còn Isocrate thì cho là "một cái gì không thể hiện hữu" (397a).
"Tôn giáo có lẽ chịu thua thuyết nhân hình đầy sức mê hoặc khi thay thế người Cha vào chỗ Đấng tuyệt đối. Bị ám ảnh ngay từ bẩm sinh bởi người cha của mình, trong phức cảm ham muốn và thù hận, ý thức phóng chiếu một cách đầy hoang tưởng nhân vật Cha - Người đã ám ảnh ý thức - lên cái bóng của Thiên Chúa. Người ta thúc giục các tín hữu thanh lọc đức tin của mình bằng cách loại trừ phụ tính của Thiên Chúa! Tuy nhiên, chúng ta dễ hiểu tại sao việc thanh lọc đức tin này chỉ có thể đưa đến thuyết vô thần mà thôi. Không tương hợp với sự sinh sản của nhân loại, phụ tính là một quan niệm đơn nghĩa triệt tiêu toàn bộ những phụ tính của chúng ta. Bởi vì phụ tính có nghĩa chính xác là Cha, nghĩa là một người cha không cha. Đây là một điều mà người con trai không bao giờ có thể là như vậy, hoàn toàn đơn giản, bởi vì trước hết anh ta là một người con, bởi vì anh ta không phải là Cội Nguồn tối hậu, sáng tạo một khởi nguyên không có bắt đầu" (Claude Bruaire, La raison politique, Fayard, 1974, p. 261).
Mình là cội nguồn của chính mình, không mắc nợ người khác cuộc hiện hữu, đối kháng cha mình, là một cám dỗ của bất kỳ chú thiếu niên nào. Cha Sagne đã chẩn đoán tài tình căn bệnh ảo tưởng nguyên thủy này: 
"Bằng chứng và biểu hiệu cho tính cách hữu hạn của tôi, đó chính là tôi lãnh nhận nguồn gốc của mình từ một người khác tôi, nhờ một ân ban vẫn luôn được ẩn giấu và không thể đạt tới được, một ân ban mà tôi không thể làm chủ được đến độ tôi chỉ có thể lãnh hội được nhờ đức tin và lời của một người khác. Tôi không biết cội nguồn của mình, tôi không có quyền đối với nguồn gốc của tôi, bởi vì tôi không phải là cội nguồn của tôi. Tắt một lời, tôi không phải là cha của tôi".
Phức cảm Oedipe, không chỉ là chuyện sở hữu người mẹ, nhưng còn triệt để hơn nữa đó là một ước muốn hoang đường muốn trong bà và cùng với bà tham gia vào một hành vi tính dục đầu tiên và nguyên thủy để từ đó đưa đến việc thụ thai chúng ta. Đây là một cám dỗ muốn mình là cội nguồn của chính mình, mình là người cha của chính mình, đồng thời muốn phục hồi sự duy nhất nguyên thủy mà sự sinh hạ đã cắt đi khỏi ta, vì chúng ta không được sinh ra từ một ngôi vị độc nhất, nhưng là từ hai ngôi vị (cha-mẹ), trong đó giới tính đã khắc ghi một dấu ấn không thể xóa nhòa được về sự khác biệt và một sự rạn nứt của sự chết" (Jean-Claude Sagne, "De l'illusion au symbole, La reconnaissance du père", Lumière et Vie 104, p. 50-51).
Tuy nhiên, J. N. Bezancon đã ghi nhận rằng: "Là con, đó là một điều gì khác hơn là giấc mơ trẻ thơ muốn được đồng hóa với cha mình hoặc muốn thay thế cha mình.

"Là cha, đó là một điều gì khác hơn là muốn được "tái tạo chính mình" (J. N. Bezancon, Le Christ de Dieu, DDB, 1979, p. 153).

Mặt khác, đối với con người, nhìn nhận Thiên Chúa là Cha nghĩa là đón nhận một tình yêu mà con người không phải là kẻ có sáng kiến đi trước: 
"Nếu Thiên Chúa được gặp gỡ trong tư thế là Đấng Hôn Phu, thì Người cũng được nhìn nhận là Cha của chúng ta: Kinh Thánh đã sử dụng cả hai biểu tượng.
Vậy Thiên Chúa không phải chỉ là Tình Yêu mà ta lựa chọn, nhưng Người còn là Tình Yêu mà ta không lựa chọn, một Tình Yêu mà ta cảm thấy mình được chìm ngập trong đó. 
Là vị Hôn Phu, Thiên Chúa tự giới thiệu, trong lịch sử, như là một người đi đến gặp gỡ người vợ yêu dấu và trao tặng nàng lòng âu yếm của mình... Nhưng Người cũng là Đấng Sáng Tạo từ nơi Người xuất phát không ngừng sự bất tất triệt để của tôi: "Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt, chính là Đấng đã tác thành ngươi" (Is 54,5).
"Khi đó, tôi hiểu rằng: tình yêu được gặp gỡ là tình yêu nguyên thủy và lịch sử đời tôi xác minh con người của tôi" (p.162) (André Manaranche, Je crois en Jésus-Christ aujourd'hui, Le Seuil, 1968, p.87 et p. 162).
Thánh Grêgôriô Nyssê đã từng phân biệt việc sinh ra về mặt tâm linh với việc sinh ra về mặt sinh học: 
"Các hữu thể khác khi sinh ra phải mắc nợ hiện hữu từ cha mẹ chúng, trong khi sự sinh ra về mặt tâm linh phụ thuộc vào sự tự do của người sinh hạ... Duy chỉ có hình thức sinh sản này là có quyền chọn cái gì mình muốn là và là cái mình lựa chọn" (thánh Grêgôriô Nyssê, Discours catéchétique, PG 45, 97 C-D).

Cái Chết của Thiên Chúa và Cái Chết của Người Cha


Đáng chú ý là cái Chết của Thiên Chúa do một số thần học gia phát biểu trùng hợp với cái Chết của người Cha do các nhà tâm bệnh học công bố.

Cái Chết của Thượng Đế mà Nietzsche đã tiên báo là cái chết của một Thượng Đế do tay người phàm làm ra nhằm kiếm chác từ nơi Người sự thành công, vinh hoa phú quý và tình yêu, tức là ước muốn tham dự vào những đặc quyền của Người như sự hiện diện khắp nơi, tính bất tử và ngay cả việc được đồng hóa với Ngài.

Mới đây, J. Pohier đã phân tích thái độ này một cách thật thích đáng: 
"Chúa Cha là một ảo ảnh bởi vì Người là sự hóa thân của một khát vọng muốn được trở thành toàn năng. 
"Muốn là Thiên Chúa, đối với người không phải là Thiên Chúa, là một trong những ảo tưởng triệt để nhất của khát vọng" (J. Pohier, Au Nom du Père, 1972, Cerf, p. 36).
"Đối với con người, tội là tự coi mình là một cái gì đó không phải là mình, nghĩa là coi mình là Thiên Chúa. Nhưng ta cũng có thể nói rất đúng rằng tội coi Thiên Chúa là cái Người không là: Người không phải là Đấng tước đoạt hoặc ngăn cản con người trở nên Thiên Chúa" (ibid, 135).
Cái chết của người Cha là nhằm lật đổ ông, nhằm chiếm lấy những đặc quyền của ông, nhằm thay thế chỗ của ông, loại trừ ông, để mình trở thành mình mà không cần phụ thuộc vào ông. Ước mơ của người niên thiếu chỉ có thể thoát ra khỏi ảo tưởng của mình một khi bỏ đi khát vọng này: 
"Từ chối người cha, đó là từ chối đối tượng mà ước vọng tạo ra nhằm che giấu vực thẳm của mình" (ibid, 42).