Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

CHÚA LÀ CHA ! CHÚA LÀ MẸ ! (phần 3)

Thời sự Thần học - Số 37, tháng 09/2004, tr. 5-67

KHẢO LUẬN GỒM 5 PHẦN :

Dom Pierre Miquel 
_______ chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Nghị, O.P.

PHẦN III : NGƯỜI CHA HAY NGƯỜI CON ?


"Giêsu kẻ thoán ngôi Đức Chúa" 
(Ernst Bloch, Le Principe espérance, Gallimard, 1982, p. 1497.)

"Trong Đức Kitô, thần tính trở thành con". 
(J.-L. Marion, L'idole et la distance, Grasset, 1977, p. 144.)

"Nhân danh Cha"

Sigmund Freud đã nhiều lần quả quyết rằng trong Kitô giáo, Người Con đã thay thế Người Cha. 

"Do thái giáo từng là tôn giáo của Người Cha, còn Kitô giáo trở thành tôn giáo của Người Con. Thiên Chúa ngày xưa, Thiên Chúa - Cha, đã chuyển sang bình diện thứ hai, Đức Kitô, Con của Người, đã thế chỗ" (Freud, Moise et le monothéisme, 1948, p. 134; Totem et Tabou, Payot, 1965, p. 177).

Tuy nhiên, các nhà chú giải đã đếm được trong Tân ước 11 lần và trong Cựu ước 170 lần, Thiên Chúa được gọi là "Cha".

Đức Kitô dạy các môn đệ kêu cầu "Lạy Cha chúng con" và đối với người Kitô hữu, tước hiệu Cha vẫn luôn là danh Thiên Chúa.

Người ta ghi nhận rằng "Đức Giêsu không rao giảng phụ tính của Thiên Chúa cho đám đông. Trong lời giảng của Người, phụ tính của Thiên Chúa không phải là một điểm thần học chung chung. Đức Giêsu chỉ nói về Thiên Chúa với tư cách là Cha cho các Tông đồ của Người, hết sức riêng tư" (A-M. Hunter, Introduction à la Théologie du Nouveau Testament, Le Cerf, 1968, p. 36-37).

Các Giáo phụ đã nhận thấy rằng: mạc khải căn bản của Đức Kitô là về phụ tính của Thiên Chúa.

Thánh Athanasiô đã viết: "Nói về một người rằng người ấy là kiến trúc sư, thì vẫn còn là đứng ở phạm vi bên ngoài những công trình của người ấy mà thôi và không ám chỉ gì đến người con của nhà kiến trúc. Chính vì người con này, anh em gọi người ấy là cha; và vì những công trình của người ấy, anh em gọi người ấy là nhà sáng tạo. Người ấy chính là Thiên Chúa. Như thế, thật là đúng đắn biết bao khi chúng ta biểu thị Thiên Chúa nhờ Con của Người và gọi Người là Cha, cũng như khi chúng ta biểu thị Thiên Chúa nhờ các công trình của Người và gọi người là Đấng Bất Khả Thụ Sinh" (thánh Athanasiô, De Decretis Nicaenae Synodis, PG, 25/472 A et 473 A).

Thánh Syrillô Alexandria viết: "Gọi là ‘Thiên Chúa’ điều đó chỉ biểu thị quyền bá chủ muôn loài muôn vật mà thôi. Còn gọi là "Cha" lại đụng chạm đến một đặc tính thâm sâu và riêng tư, bởi vì điều đó muốn nói rằng: Thiên Chúa là Đấng Tác Sinh. Như vậy, một cách nào đó, Cha là danh hiệu đích thực nhất của Thiên Chúa, danh hiệu tuyệt hảo của Người" (thánh Syrillô Alexandria, In Ioannem XI, 7, PG, 74, 500 B).

"Bởi vì công trình tạo dựng được thực hiện sau khi đã sinh hạ Người Con, như thế trước hết, đặc tính của Thiên Chúa là Cha và sau đó là Thiên Chúa" (ibid, Thesaurus 5, PG, 75).

Cha Régnon đã tóm lược rất tài tình tư tưởng của các Giáo phụ khi ngài viết: 

"Xét trên bình diện yếu tính và vĩnh cửu, Thiên Chúa là Cha... Yếu tính của Thiên Chúa là Cha cũng như bản tính của Người là Thiên Chúa. Quan niệm Thiên Chúa là Thiên Chúa trước khi quan niệm Người là Cha là một khuyết điểm của lý trí chúng ta. Quan niệm này - phải là quan niệm đầu tiên trong tất cả mọi quan niệm, và vì vị thế hữu thể học đích thực của Người - là quan niệm về một người Cha" (De Régnon, Études sur la Trinité, t. III, p. 276).

"Cha của Thầy và của anh em" (Ga 20,17)


"Cha của Thầy cũng là Cha của anh em". Đức Giêsu đã sử dụng công thức này nhằm nêu bật sự khác biệt trong tương giao giữa ngôi Con với Cha và mối tương giao giữa những người Con với Cha "không ai biết rõ Người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mạc khải cho" (Mt 11,27).

Cách nói "Cha Thầy" (Mt 7,21), trên miệng Đức Giêsu, không phải là một yêu sách đòi được đồng bản tính, cũng chẳng phải là cách xưng hô đạo hiếu, nhưng là một lời khẳng định về mối tương giao đặc biệt thâm sâu và có tính cách hỗ tương mà những lời khẳng định khác của Người nhấn mạnh: Đức Giêsu đã gọi Thiên Chúa là Cha trước cả khi cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi gọi Đức Giêsu là "Người Con".

"Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha" (Ga 10,38).

"Xin cho tất cả nên một, như Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta" (Ga 17,21).

"Tôi và Chúa Cha là một" (Ga 10,30)


Duy chỉ mình Đức Giêsu mới gọi Thiên Chúa là "Cha Tôi" và người Kitô hữu chỉ có thể gọi Thiên Chúa là "Cha" trong mối dây thông hiệp với anh em mình.

J. Ratzinger đã ghi nhận điều này như sau: 

"Một người duy nhất có quyền gọi Thiên Chúa là "Cha": đó chính là Đức Giêsu Kitô, Người Con Duy Nhất, còn tất cả mọi người khác phải gọi là "Cha chúng ta". Bởi vì Thiên Chúa chỉ là Cha đối với chúng ta khi chúng ta nhập cuộc vào cộng đoàn các con cái của Người. Người là Cha đối với "tôi" chỉ vì tôi ở trong cái "chúng tôi" của các con cái Người" (J. Ratzinger, Frères dans le Christ, Le Cerf, 1962, p. 66).

Klossowsky cũng ghi nhận: 

"Người ta chỉ có thể sống tình huynh đệ nhân loại khi người ta dựa trên địa vị làm con Thiên Chúa" (Klossowsky, "Qui est mon prochain?", Esprit, déc. 1938, p. 413).

Phụ tử và nghĩa tử đồng thời


Ngôi Cha không hiện hữu trước Ngôi Con: có một sự đồng thời giữa Cha và Con. Không có Ngôi Con, Ngôi Cha không phải là Ngôi Cha.

Cha Régnon đã nhận xét về mầu nhiệm Ngôi Con trong cung lòng Ba Ngôi như sau: "Những danh hiệu về Ngôi Cha phần lớn là tiêu cực, vì nó chỉ một điều gì đó ở "bên kia hay vượt quá" mà tri thức nhân loại không thể nhận thức được. Chỉ một danh hiệu duy nhất: đó là danh hiệu Cha, nhưng danh hiệu này lại nói lên một tương quan. Cha của Người Con. Lý trí của chúng ta phải dựa vào chính Ngôi Con để suy tư về Ngôi Cha" (De Régnon, Études sur la Trinité, t. III, P. 367).

"Ai gọi ‘Cha’ là gọi "Cha của một người Con",
ai gọi ‘Con’ là gọi "Con của một người Cha".
Là ‘Con’ nghĩa là có một người Cha,
là ‘Cha’ nghĩa là có một người Con.

"Nơi những người nam, tư cách làm cha là một điều gì đó được thêm vào, bởi vì trước khi trở thành người cha, anh ta đã là một ngôi vị nhân loại. Nhưng nơi Thiên Chúa, toàn thể tư cách Ngôi Cha nằm ở trong địa vị là Cha của Người" (De Régnon, I, p. 68).

Gần đây một nhà phân tâm học đã nhấn mạnh đến tính hỗ tương của hai hạn từ cha - con trong gia đình nhân loại. Tộc hệ được căn cứ trên "đạo làm con". Theo ý kiến của tôi, cha mẹ đón nhận tất cả từ nơi con cái của họ cũng như con cái của họ đón nhận tất cả từ nơi cha mẹ chúng.

"Người con trai kiến tạo người cha (Filius ante patrem), người con gái kiến tạo người mẹ (Filia ante matrem). Ngoài ra, người con trai tham gia cách đặc biệt vào việc tái tạo lại Tâm Hồn của người mẹ (Filius ante animum matris), cũng như người con gái tham gia vào việc tái tạo lại Tâm Hồn của người cha (Filia ante animam patris).

Tôi những tưởng rằng đã đến lúc chúng ta cần phải ý thức về tính song phương trong mối tương quan giữa cha mẹ - con cái. Không thể giản lược, coi con cái chỉ là hoa trái của Cha và Mẹ, như người ta vẫn nói. Đây là vấn đề về chuyện con gà mái và quả trứng" (Pierre Solité, La Femme éternelle, Seghers, 1980, p. 390, note).

Thánh Athanasiô đã quả quyết mạnh mẽ rằng, một đằng Ngôi Cha đã không bao giờ là Ngôi Con, và Ngôi Con sẽ không bao giờ là Ngôi Cha, đàng khác Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần đồng vĩnh cửu với Ngôi Cha. 

Trong thần tính, duy chỉ Ngôi Cha tuyệt đối là Cha và Ngôi Con tuyệt đối là Con, và nơi hai ngôi vị này đặc tính của Cha luôn tồn tại trong Chúa Cha, đặc tính của Con luôn tồn tại trong Chúa Con. 

"Quả vậy, hễ ai hỏi tại sao Ngôi Con lại không sinh hạ một người con, thì người ấy cũng sẽ hỏi tại sao Ngôi Cha lại không có người cha của mình. Hai vấn nạn này đều phi lý và bất chính như nhau. Thực vậy, Ngôi Cha vẫn muôn thuở là Cha và không bao giờ là Con thế nào, thì Ngôi Con vẫn luôn luôn là Con và không bao giờ là Cha" (thánh Athanasiô, Contra arianos, oratio I, 21-22, PG, 26, 56 C - 57 A).

Đối với những ai phủ nhận tính vĩnh cửu của Ngôi Con, thánh Athanasiô nói: "Họ cứ hoang tưởng đến độ nghĩ rằng đã có một thời Thiên Chúa vô tri và vô cảm" (thánh Athanasiô, Contra arianos, oratio II, 32, PG, 26/ 216).

Phụ tử và nghĩa tử nhìn nhận nhau


Địa vị làm Cha của Thiên Chúa theo hình thức sinh học trong Tân ước không còn đậm đặc như trong Cựu ước nữa. Thiên Chúa nhân lành hẳn nhiên vẫn là tác giả của sự sống, những mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với Thiên Chúa là một sự nhìn nhận hỗ tương: "Đức tin vào một Thiên Chúa-Cha không dựa trên sự kiện có tính "vật chất" về sự sinh sản và về người con, nhưng dựa trên việc cùng nhận biết nhau" (J. Pohier, Au Nom du Père, Le Cerf, 1972, p. 130).

Theo hình ảnh của Thiên Chúa


Khi không có một mối tương quan theo hình thức sinh học giữa Thiên Chúa và con người, thì cần phải nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa đã sáng tạo con người theo hình ảnh Người, giống như Người.

H-M. Féret cho rằng: "Để sử dụng hợp lý hạn từ Cha, ngoài mối tương quan phụ thuộc hàm chứa trong hạn từ Đấng Tạo Hóa, thì giữa Thiên Chúa và con người cần phải có một mối tương quan giống nhau nào đó (St 1,27), một cộng đoàn được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), thuộc dòng giống Thiên Chúa (Cv 17,28)" (H-M Féret, Connaissance biblique de Dieu, Le Cerf, 1955, p. 192).

Mọi tình phụ tử của nhân loại đều biểu lộ tình phụ tử của Thiên Chúa.

Trong Tin mừng, Đức Kitô dặn các môn đệ của Người: 

"Anh em đừng gọi ai dưới đất này là Cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời" (Mt 23,9).

Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu Êphêxô: "Tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời dưới đất" (Ep 3,14-15).

Hugues de Saint-Victor cũng viết: 

"Địa vị làm cha của con người là bí tích và là hình ảnh địa vị làm Cha của Thiên Chúa" (Hugues de Saint-Victor, Institutiones in Decalogum, PL, 176, 12D). 

Thiên Chúa là Tình Yêu


Nói rằng Thiên Chúa là Cha cũng tương đương với nói rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Ngay cả khi Mạc khải về Thiên Chúa-Tình Yêu đến sau mạc khải Thiên Chúa-Cha: "Thiên Chúa của chúng ta không phải là một "thần-thợ chế tạo", nhưng Người là "Thiên Chúa-Cha", một vị Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng đây là tình yêu bác ái nhờ đó người ta có thể dâng hiến chính mình, chứ không phải là một tình yêu dục vọng vì nó người ta chiếm hữu" (Laberthonnière, Esquisse d'une philosophie personnaliste, Vrin, 1942, p. 548, note 3).

Con người đã linh cảm rõ ràng có một mối thâm giao nhiệm mầu giữa tình yêu và thần tính, như thể chính Thiên Chúa đã thần hoá tình yêu.

Tuy nhiên, cần biết chính Thiên Chúa đã mạc khải cho con người hiểu rằng không phải tình yêu là một vị thần, nhưng chính Thiên Chúa là Tình Yêu.