KHẢO LUẬN GỒM 5 PHẦN :
Dom Pierre Miquel
_______ chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Nghị, O.P.
PHẦN II : CHA HAY CHỒNG ?
"Người tôi yêu thuộc trọn về tôi
và tôi trọn vẹn thuộc về chàng"
(Dc 2,16)
Thiên Chúa - Người Chồng đã dần dần thay thế Thiên Chúa - Người Cha, hay cùng tồn tại song song.
Mối tương quan giữa đứa trẻ với cha nó thì khác mối tương quan giữa người vợ với người chồng.
Người ta không thể chọn cho mình người cha, nhưng người ta chọn cho mình người chồng.
Những gì đúng thực trên bình diện những mối tương giao nhân loại thì cũng đúng thực trên bình diện những mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa: Thiên Chúa đã khởi xướng công cuộc sáng tạo và chính trong Người, con người không ngừng được "sống, chuyển động và hiện hữu".
Nhưng trong những gì liên hệ đến mối tương giao thuộc hôn nhân, con người luôn luôn được tự do đón nhận hay từ khước tình yêu. Dụ ngôn về người vợ bất trung đã được trình bày trong nhiều văn phẩm Cựu ước. Dụ ngôn người con hoang đàng trong Tân ước được thêm vào nhưng không thay thế dụ ngôn người vợ bất trung.
Các nhà thần bí Kitô giáo khi muốn diễn tả kinh nghiệm của mình thì thường thường cảm hứng từ hình ảnh loại suy về cuộc hôn nhân của nhân loại hơn là từ tín điều về việc Thiên Chúa nhận làm nghĩa tử.
Vấn đề không phải là coi Thiên Chúa như một sự thay thế vị trí của người chồng trần gian đối với những ai thích thú cần một nhu cầu tình yêu vợ chồng, như các trinh nữ hoặc những người phụ nữ đã lập gia đình nhưng không được thỏa mãn, những bà vợ đã ly dị hoặc những bà góa không ai an ủi được.
Khi đó, phân tâm học sẽ có đủ điều kiện thuận lợi để phát hiện nguồn gốc của tình cảm này là một tình trạng không được thỏa mãn về mặt tình dục, một tình trạng "chuyển di", "thăng hoa" của chủ nghĩa tình dục.
Đàng khác, một tình trạng không được thỏa mãn như vậy trên bình diện trần thế có thể trùng hợp với việc đào sâu thực sự quan niệm về Thiên Chúa và cũng trùng hợp với tiến trình tăng trưởng tâm linh.
Nói rằng Thiên Chúa là chàng rể của linh hồn chúng ta, đó là nhận ra nơi Người nguyên lý của sự phong phú tâm linh của chúng ta. Nếu không có mầm sống thần linh mà Người đã đặt để trong linh hồn chúng ta nhờ ân sủng, thì chúng ta vẫn chỉ là những kẻ son sẻ, cằn cỗi mà thôi, chỉ nhờ Thiên Chúa chúng ta mới sinh hoa kết trái phong phú được.
"Chúng ta đã được tái sinh do hạt giống bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi" (1Pr 1,23).
"Khi người ta trách chủ nghĩa thần bí vì đã diễn tả theo một hình thức đam mê yêu đương, nhưng người ta quên rằng: chính tình yêu đã khởi đầu bằng việc bắt chước thần bí học và đã vay mượn từ thần bí học lòng nhiệt thành, hăng hái và trạng thái xuất thần". (Bergson, Les deux sources de la morale et de la religion, PUF,1970).
CỰU ƯỚC: ĐỨC CHÚA LÀ HÔN PHU CỦA ISRAEL
Mạc khải Do thái - Kitô giáo là tôn giáo duy nhất mà trong đó Thiên Chúa không có nữ thần cấp thấp, nhưng Người được nhìn nhận là hôn phu của Israel và rồi của toàn thể nhân loại.
Con người thụ tạo tương giao với Thiên Chúa trong tư cách là một người vợ, một người vợ mà Người bảo vệ và yêu thương, nhưng người vợ này khi thì qui phục, khi thì bất trung với Người.
Chủ đề giao ước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, dẫn đạo trong thần học của Israel: khởi từ Sinai cho đến các ngôn sứ cuối cùng, Thiên Chúa được diễn tả như là Đức Hôn Phu của dân tộc mà Người đã tuyển chọn.
Ngôn sứ Hô-sê: Người chồng bị phụ tình
"Hãy đưa mẹ các ngươi ra tòa, đưa nó ra tòa đi!
Vì nó không phải là vợ của Ta,
và Ta không phải là chồng của nó.
Những vật đĩ thõa trên mặt nó,
và những dấu ngoại tình trên ngực,
nó đều phải vứt bỏ"
(Hs 2,4).
" Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu,
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi
trong công minh và chính trực,
trong ân tình và xót thương.
Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành,
và nguơi sẽ được biết Đức Chúa"
(Hs 2,21- 22).
Ngôn sứ Isaia: Người vợ bất trung
"Đức Chúa phán thế này: Đâu là tờ ly hôn mà Ta đã viết để rẫy mẹ các ngươi, hoặc trong số chủ nợ của Ta, Ta đã bán đứt các ngươi cho ai nào ?
Này đây: chính vì lầm lỗi của các ngươi mà các ngươi đã bị đem đi bán, chính bởi tội lỗi của các ngươi mà mẹ các ngươi đã bị rẫy" (Is 50,1).
"Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất. Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. " Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành ?", Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp.
Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.
Ta cũng sẽ làm như thời Nô-ê: lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm dọa ngươi đâu.
Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy" (Is 54,5-10).
" Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang" (Is 61,10).
"Chẳng ai còn réo tên ngươi: "Đồ bị ruồng bỏ!"
Xứ sở ngươi hết bị tiếng là "Phận bạc duyên đơn."
Nhưng ngươi được gọi: "Ai khanh lòng Ta hỡi!"
Xứ sở ngươi nức tiếng là "Duyên thắm chỉ hồng."
Vì ngươi sẽ được Đức Chúa đem lòng sủng ái,
và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi.
Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,
Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về.
Như cô dâu là niềm vui cho chú rể,
ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ"
(Is 62,4-5).
Ngôn sứ Giêrêmia: Cô gái điếm được tha thứ
"Đức Chúa phán thế này: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng" (Gr 2,2).
Đức Chúa đã phán với tôi những lời như sau:
"Nếu một người đuổi vợ và bà này bỏ đi, làm vợ một người khác, thử hỏi: người chồng cũ có trở lại với bà ta nữa không ?
Vậy, phải chăng đất kia đã chẳng hoàn toàn ra ô uế ?
Và ngươi, ngươi đã đàng điếm với bao nhiêu tình nhân, lại còn mong trở về với Ta nữa! Sấm ngôn của Đức Chúa.
Ngước mắt lên các đồi trọc mà xem có nơi nào ngươi đã chẳng trao thân cho người khác!
Ngươi ngồi đợi chúng bên vệ đường như tên A-rập ngồi rình trong sa mạc. Ngươi đã làm cho xứ sở ra ô uế vì những chuyện đàng điếm và gian ác của ngươi. Cho nên đến mùa, không có mưa, cuối mùa, mưa cũng chẳng thấy.
Và ngươi cứ mặt dạn mày dày như con đĩ, mà chẳng biết xấu hổ là gì. Từ bây giờ, ngươi lại không xưng hô với Ta như vậy sao:
"Ngài là thân phụ của con, là lang quân của con thuở thanh xuân ấy ?" Lẽ nào Ngài giận đến muôn đời, lẽ nào Ngài chấp nê mãi mãi ?
Nói vậy rồi, ngươi tiếp tục làm điều gian ác, vì ngươi vốn lì lợm" (Gr 3,1-5).
"Đức Chúa phán với tôi dưới thời vua Giôsigiahu: Điều Israel phản bội đã làm, ngươi có thấy không? Nó đi khắp các núi cao, đến dưới mọi lùm cây rậm mà đàng điếm. Ta tự bảo: "Làm tất cả những chuyện đó rồi, nó sẽ trở về với Ta", nhưng nó đâu trở về. Và con em bất tín bất trung của nó là Giuđa đã thấy như vậy. Nó đã thấy: cũng vì tất cả những vụ ngoại tình mà Ta đã trao giấy ly hôn cho con chị là Israel phản bội và đuổi đi. Thế mà con em bất tín bất trung của nó là Giuđa cũng chẳng sợ, cứ tiếp tục đàng điếm.
Nó đàng điếm trơ trẽn như vậy, nên đã làm cho xứ sở ra ô uế; nó đã ngoại tình với loài gỗ đá. Đến thế rồi mà Giuđa, con em bất tín bất trung của nó, vẫn cứ giả dối, chưa hết lòng trở về với Ta, - sấm ngôn của Đức Chúa.
Rồi Đức Chúa phán với tôi: Israel phản bội, nhưng vẫn còn công chính so với Giuđa bất tín bất trung. Hãy đi, hô lên cho miền Bắc nghe những lời này:
Trở về đi, hỡi Israel phản bội - sấm ngôn của Đức Chúa!
Ta sẽ không nghiêm nét mặt với các ngươi nữa, vì Ta giàu lòng xót thương - sấm ngôn của Đức Chúa - và Ta không giận dữ mãi đâu.
Có điều là tội ngươi, ngươi phải biết: ngươi đã xúc phạm đến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, khi lang bạt khắp các nẻo đường tìm kiếm ngoại kiều dưới mọi lùm cây rậm; còn tiếng Ta gọi, các ngươi chẳng thèm nghe - sấm ngôn của Đức Chúa" (Gr 3,6-13).
Ngôn sứ Êdêkien: Thiếu nữ bị bỏ rơi
Tất cả lịch sử của dân Israel đã được thuật lại một cách biểu tượng trong Ed 16-23.
Diễm ca: Đôi tình nhân
Những vần thơ tuyệt diệu trong sách Diễm ca là khúc tình ca tuyệt hảo diễn tả tình yêu giữa Đức Chúa với Israel.
TÂN ƯỚC: ĐỨC KITÔ LÀ LANG QUÂN CỦA HỘI THÁNH
Sang Tân ước, chủ đề Giao ước đã biến chuyển: Thiên Chúa không còn là Lang quân của Israel nữa, nhưng chính Đức Kitô là Lang quân của dân Israel mới: đó là Hội thánh.
Chủ đề này bao hàm hai giai đoạn: giới thiệu Tân Nương và cuộc trở lại của Lang Quân.
Giới thiệu Tân Nương
"Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Kitô như thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.
Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; như vậy, Người thánh hóa và thanh tẩy Hội thánh bằng nước và Lời hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu thương vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có lời chép rằng: chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội thánh" (Ep 5,22-33).
"Thật thế, vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết" (2 Cr 11,2).
"Đức Giêsu trả lời: 'Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó'" (Mc 2,19-20).
"Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn" (Ga 3,29).
Cuộc trở lại của Tân Lang
Trong dụ ngôn năm trinh nữ khôn ngoan và năm trinh nữ khờ dại:
"Nửa đêm, có tiếng la lên: 'Chú rể kia rồi, ra đón đi'" (Mt 25,6).
"Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng. Nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền". Vải gai đây chỉ những việc lành của dân thánh, thiên thần bảo tôi: "Hãy viết: hạnh phúc thay kẻ được mời đến dự tiệc cưới Con Chiên!" Người lại bảo tôi: "Đó là những lời chân thật của chính Thiên Chúa" (Kh 19,7-9).
"Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang" (Kh 21,2).
"Bấy giờ, trong số bảy thiên thần mang bảy chén đầy bảy tai ương cuối cùng, một vị đến bảo tôi: "Lại đây, tôi sẽ chỉ cho ông thấy Tân Nương, Hiền Thê của Con Chiên" (Kh 21,9).
"Thần Khí và Tân Nương nói: "Xin Ngài ngự đến!" Ai nghe, hãy nói: "Xin Ngài ngự đến!" Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền" (Kh 22,17).
Chính Đức Kitô là Người khởi xướng việc tuyển chọn: "không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em" (Ga 15,16) như Thiên Chúa đã tuyển chọn trong Cựu ước.
TRƯỚC NHAN THIÊN CHÚA, CON NGƯỜI LÀ NỮ GIỚI
"Tất cả mọi tâm hồn là nữ giới trước Thần Khí" (L. Massignon cité par Yvonne Chauffin dans Mémorial Massignon, Dar El Salam - Le Caire, 1963, p. 53).
Trong mối tương giao giữa Thiên Chúa với con người, theo quan niệm về giao ước của Cựu ước hay theo thần bí học trong truyền thống Kitô giáo, chính Thiên Chúa nắm giữ vai trò nam nhân.
Khi thống kê, người ta có thể quả quyết rằng: các phụ nữ thường sùng kính nhân tính của Đức Kitô - Tân Lang hơn (thánh Gertrude, thánh Têrêsa Avila, thánh Margarita Maria Alacoque), trong khi nam giới thường sùng mộ Đức Maria hơn (thánh Bênađô, thánh Louis Gonzaga, thánh Louis Maria Grignon de Montfort).
Tuy nhiên, Đức Maria lại hiện ra với chính những người nữ, tại phố Bac (1830) tại Salette (1846), tại Lộ Đức (1858).
Một nhà thần bí, một nhà phân tâm học, một sử gia chuyên về các cách nghĩ, một nhà luân lý, một nhà thần học, một nhà nhân chủng học, đã có một phân tích đồng quy trong việc giải thích thái độ của con người trước mặt Thiên Chúa.
"Nếu một con người luôn luôn trinh tiết, thì người ấy không thể sinh hoa kết trái được. Để có khả năng sinh hoa kết trái, người ấy cần phải trở thành một người phụ nữ. "Phụ nữ" là một từ ngữ cao trọng nhất ta có thể gán cho linh hồn, quý trọng hơn cả từ trinh khiết.
Con người hãy tiếp đón Thiên Chúa vào lòng mình, điều này tốt thật, chính trong cuộc tiếp đón này, người ấy trở nên trinh tiết. Nhưng ước gì Thiên Chúa trở nên cội nguồn sự phong nhiêu trong linh hồn của người ấy, điều này tốt hơn, bởi vì sự phong nhiêu của ân ban là cách nhìn nhận duy nhất đối với ân ban và khi đó tinh thần trở nên nữ tính trong việc nhìn nhận, để đến lượt mình, việc nhìn nhận này sinh hạ Đức Giêsu trở lại trong cung lòng Cha của Thiên Chúa" (tôn sư Eckhart, Sermon 2, Seuil, 1974, t. I, P. 52).
"Tôi không nghĩ rằng các thần học gia sẽ phản đối tôi nếu tôi đề xướng lên rằng: tất cả mọi người nam đều là nữ trong tương giao với Thiên Chúa. Con người ấy không còn là kẻ chủ động như khi anh ta sống trong xã hội, trong thế giới chức nghiệp, trong thế giới tình cảm. Chính Thiên Chúa hoạt động trong anh và anh phải để cho Thiên Chúa hoạt động trong chính con người mình" (Maryse Choisy, Le Chrétien devant la psychanalyse, Téqui, 1955, p. 130).
"Thần bí tự căn bản mang nữ tính.
"Thiên Chúa là Cha, Mẹ, Hôn Phu, Trẻ Thơ, nhưng một vai trò còn thiếu đối với Thiên Chúa trong vô số những biểu tượng: đó là vai trò Hôn Thê.
"Không một vai trò nào của nam giới có đủ khả năng diễn tả trọn vẹn Thiên Chúa trước Thiên Chúa.
"Chính vì đó, các nhà thần bí nam giới phải trở nên những người nữ (đề tài linh hồn - hiền thê) hoặc trở nên những trẻ thơ.
"Đối với những người nữ, việc kết hợp với Thiên Chúa không làm cho giới tính của họ thành vô ích. Trong thần bí, họ tiến triển với niềm hạnh hạnh phúc hơn hẳn người nam, với tính cách là những nữ tử, hôn thê, người mẹ" (Jean - Noel Vuarnet, Extases féminines, Arthaud, 1980, p. 7 & 14).
Xavier Thévenot ghi nhận tính loại suy giữa kinh nghiệm tôn giáo và kinh nghiệm yêu đương: trong cả hai trường hợp đều có ý thức về sự gần gũi, bổ túc và khác biệt.
"Kinh nghiệm về Thiên Chúa và kinh nghiệm giới tính, mỗi một trong hai đều đưa đến biện chứng về một Người Khác, về một Đồng Nhất hoặc còn dẫn đến Siêu Việt và Nội Tại.
"Kinh nghiệm thần bí cũng như kinh nghiệm giới tính là một kinh nghiệm vừa cảm thấy sự gần gũi vừa đồng thời cảm thấy sự xa lạ về một Người Khác" (Xavier Thévenot, Homosexualités et morale chrétienne, Le Cerf, 1985, p. 200, note 17).
Phủ nhận sự khác biệt về giới tính, đó cũng chính là phủ nhận sự khác biệt giữa con người với Thiên Chúa:
"Đồng tính luyến ái là tình trạng không nhận thức đầy đủ và hiện sinh về sự khác biệt của giới tính có liên hệ với tình trạng không nhận thức được tha tính của Thiên Chúa... Người nam đồng tính luyến ái cảm thấy sợ hãi và khinh bỉ đối với người nữ: trong vô thức, anh khước từ thái độ nữ tính trong tương giao đối với Thiên Chúa.
"Còn người nữ đồng tính luyến ái lại là người không cần đến chồng cũng như nhân loại (hôn thê) không cần đến Thiên Chúa (hôn phu)” [theo Rm 1] (ibid, p. 209-211).
Urs von Balthasar nhắc lại:
"Giáo hội và linh hồn chỉ có thể đón nhận được hạt giống của Lời và của chân lý tâm linh với một tâm hồn rộng mở và với thái độ sẵn sàng hoàn toàn của người nữ, không sừng sộ gắt gỏng, không cứng cỏi, không tính phản ứng theo kiểu người nam, nhưng đúng hơn là dâng hiến chính mình trong bóng tối, đón nhận trong bóng tối, chịu đựng trong bóng tối, và không tìm kiếm những gì mà mình có thể đón nhận nhưng không phải trong thái độ này" (Urs von Balthasar, Théologie de l'Histoire, Plon, 1955, p. 116).
Trong các cộng đồng theo các tín ngưỡng thờ thần Vôđu của dân tộc Bênin, người khai tâm được gọi là "hôn thê của thần linh": cảm thức ngoại giáo của hữu thể nhân linh ở trong thái độ nữ tính trước hữu thể thần linh.
"Người khai tâm trong phụng tự Vôđu được gọi cách biểu tượng là "người vợ của thần Vôđu" (Abbé Mellon Djivoh, dans la revue Pentecôte d'Afrique n.7, 3-1992, p. 52; x. L. V. Thomas et René Lumeau, La terre africaine et ses religions, L'Harmattan, 1975, 2 éd. 1992, p. 175).