Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2016

CHÚA LÀ CHA ! CHÚA LÀ MẸ ! (phần 1)

Thời sự Thần học - Số 37, tháng 09/2004, tr. 5-67

KHẢO LUẬN GỒM 5 PHẦN :


Dom Pierre Miquel 

_______ chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Nghị, O.P.

Trong các tôn giáo, bên cạnh một Thần là Cha thường có một Nữ thần là Mẹ. 

Trong mạc khải Kinh Thánh, Thiên Chúa vừa là Cha lại vừa là Mẹ. Thiên Chúa thường được gọi là Vị Hôn Phu hơn là Thân Phụ. Hiền thê của Thiên Chúa chính là Israel; Hiền thê của Đức Kitô chính là Hội thánh. 

Chúa Con không thay thế cho Chúa Cha, nhưng trái lại luôn qui hướng về Chúa Cha. Như thế không cần phải chọn lựa một trong hai hoặc qui thiên luận hoặc qui Kitô luận. 

Cái chết của người cha do một số nhà tâm lý học nêu lên là cách diễn tả cuộc khủng hoảng của tuổi thành niên trên bình diện đức tin cũng như trên bình diện những mối tương quan gia đình. 

Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của bụi gai, cũng chẳng phải là Thiên Chúa của núi non, như trong folklore, bởi vì Đấng sáng tạo tỏ mình qua công trình sáng tạo mà không đồng hoá với công trình sáng tạo. Người cũng không hề là "Hữu Thể xét như hữu thể" của các triết gia. Người xác định mình không phải bằng chính mình nhưng bằng mối tương quan với những kẻ tôn thờ Người : Người là Thiên Chúa của ông Ápraham, ông Ixaác và ông Giacóp và Người hứa với ông Môsê là Người "ở với ông" (Xh 3,1-15) 

DẪN NHẬP


Thần linh tối hậu là nam hay là nữ ? Không quả quyết được. Điều này chứng tỏ rằng Thiên Chúa vượt lên trên bình diện giới tính nhân loại, và nơi Người vừa có uy quyền của một người Cha vừa có lòng trìu mến của một người Mẹ. 

Giao ước giữa Thiên Chúa với Israel đã đánh dấu một giai đoạn mới : Từ nay, Thiên Chúa ít mang diện mạo của một người Cha (người cha mà người ta không có quyền chọn lựa) cho bằng Người đã trở thành Vị Hôn Phu, và Israel được mời gọi tự do dấn thân trung thành với Người. 

Phải chăng Kitô giáo đã thay thế tôn giáo của người Cha bằng tôn giáo của người Con như người ta đang chủ trương? Thực ra, giả như ta có chứng minh được một tình trạng "lạm phát Kitô học" nào đó, thì chính Đức Kitô lại luôn luôn quy hướng về Chúa Cha. Cho nên đúng hơn phải nói là tiếp nối chứ không phải là thay thế. 

"Cái chết của Thượng Đế" được Nietzche tiên báo và được Robinson, Van Buren hoạ theo, đã xảy ra đồng thời với lời tuyên bố của các nhà Tâm lý học chiều sâu về "cái chết của người cha". Nhưng ở cả hai bên, cuộc khủng hoảng này chỉ là một giai đoạn của tuổi thiếu niên cần phải vượt qua : con người chỉ có thể nên trưởng thành đích thực khi người ấy nhận ra rằng mình chẳng phải là nguyên ủy của chính mình. 

PHẦN I : CHA HAY MẸ?

"Thiên Chúa không là nam cũng không là nữ.
Người là Thiên Chúa. Người còn siêu việt hơn cả tình phụ tử và mẫu tử của con người".
(Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 239)
Trong phần lớn các tôn giáo, người ta đã sống và diễn tả mối tương giao với thần linh theo hình thức tương quan cha mẹ – con cái. 

Trong các tôn giáo theo kiểu phụ quyền, đặc biệt là nơi những người du mục, Thần linh tối cao là một người Cha tác sinh, còn trong các tôn giáo theo kiểu mẫu quyền, đặc biệt là nơi những người làm nông nghiệp, thì đó là một Nữ thần tác sinh, là Mẹ của thần linh và của loài người. 

Trong cả hai trường hợp, mối tương giao giữa con người với thần linh đều ở trong phạm vi sinh học : cho dù có là huyền thoại nguyên thủy đi chăng nữa, thì sự sống vẫn luôn được truyền bằng hình thức giới tính. 

Thiên Chúa của lương dân

THIÊN CHÚA - NGƯỜI CHA


Những lời cầu nguyện cổ xưa ở Cận Đông chứa đựng rất nhiều lời cầu khẩn Thiên Chúa như là Cha. 

Người cha là người tác sinh, người sở hữu mầm sự sống, người tác sinh về mặt sinh học. 

"Ôi lạy Đức Chúa (...) Ngài là Cha, 
vương triều Ngài thật hoàn mỹ. 
Ôi lạy Đức Chúa, Ngài là Cha 
Đấng tác sinh thần linh và con người". 
(Hymne suméro-akkadien cầu nguyện cùng thần Sin). 

Nơi những người Hy Lạp, ta chỉ cần trích một đoạn trong bản anh hùng ca Iliad kể chuyện Thétis khẩn cầu chúa tể đỉnh Olympic phù hộ cho Achille : "Ôi lạy thần Zeus, Ngài là Cha !" Và Homère gọi thần Zeus là "Cha của thần linh và của con người" (Iliad I, 501 và 544), và một đoạn văn của Aristote : "Lòng âu yếm của người cha dành cho con cái cũng giống như lòng âu yếm của Thượng đế dành cho con người" (Aristote, Giảng luân lý cho Eudème, VII, X, 8). 

Các Ngôn sứ 


Ở đầu sách Isaia, Đức Chúa phán : "Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn, nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta" (Is 1,2). Và ở cuối sách có lời chép : "Quả chính Ngài là Cha chúng con" (Is 63,16 và 64,7). 

Ngôn sứ Isaia đã nhiều lần nhắc đến hình ảnh một Thiên Chúa cư xử với Israel như người mẹ : "Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ" (Is 49,15). 

"Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy" (Is 66,12-13). 

Bản Vulgata thậm chí còn gán cho Thiên Chúa những quan năng của người phụ nữ. 

"Hãy lắng nghe Ta, hỡi nhà Giacóp cùng toàn thể phần còn lại của nhà Israel, Ta đã cưu mang ngươi trong lòng Ta và sinh hạ ngươi từ dạ Ta" (Is 49,1, Vulgata). 

Trong sách ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa phàn nàn về thái độ phụ bạc của dân : "Ta đã nói : ngươi sẽ gọi Ta "Cha ơi... Thế nhưng..." (Gr 3,19). 

"Épraim có phải là đứa con Ta yêu dấu, một đứa con Ta rất mực mến yêu ? Vì mỗi lần nhắc tới nó, Ta lại thấy nhớ thương, nên lòng Ta bồi hồi thổn thức, Ta thương nó, thương nó thật nhiều, sấm ngôn của Đức Chúa" (Gr 31,20). 

Ngôn sứ Hôsê diễn tả tình yêu của Thiên Chúa đối với Israel bằng cùng những từ ngữ như vậy : 

"Ta đã tập đi cho Épraim, đã đỡ cánh tay nó, nhưng chúng không hiểu là Ta chữa lành chúng. Ta lấy dây nhân nghĩa, lấy mối ân tình mà lôi kéo chúng. Ta xử với chúng như người nựng trẻ thơ, nâng lên áp vào má; Ta cúi xuống gần nó mà đút cho nó ăn" (Hs 11,3-4). 

Cũng cần ghi nhận rằng lòng "hiếu thảo" - nguyên thủy xác định mối tương quan giữa người con với cha mình (lòng hiếu thảo của đạo làm con) - về sau được áp dụng vào những mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa. 

THIÊN CHÚA LÀ CHA VÀ LÀ MẸ 


Ngay từ khởi thủy, nhân loại đã gán cho các thần linh của mình một giới tính. 

Các nam thần với tính cách hùng mạnh và nữ thần với tính cách người mẹ là những phản ảnh thánh thiêng của những nền văn minh phụ quyền hoặc mẫu quyền. Đôi khi, nhưng khá hiếm, cũng có các thần lưỡng tính, kiêm cả hai chức năng và hai phẩm tính này. 

Ở Cận Đông, người Hittít thường kêu cầu một vị thần tối cao vừa là cha vừa là mẹ : 

"Ôi lạy nữ thần Arinna, nhân loại qui mến ngài ; 
Cúi xin ngài thứ tha lỗi lầm của nhân loại, 
Ngài là ánh sáng bầu trời và cõi đất 
Ngài là Cha và là Mẹ của mọi xứ sở (...) 
Ngài là Cha là Mẹ 
của những kẻ bị áp bức và những kẻ khiêm cung". 
(Lời cầu nguyện của người Hittít) 

"Ôi lạy thượng đế của con, 
đối với con, ngài là cha và là mẹ của con. 
Ôi thượng đế của con, lòng con thiếu vắng ngài ! 
Cúi xin ngài, lạy thượng đế của con, 
xin lấy tình cha mà xử với tôi tớ này !" 
(Bài thi ca của người Hittít cầu nguyện với thần Shamash) 

"Phần con, con chẳng có người mẹ nào : 
Mẹ của con, chính là ngài đó. 
Phần con, con chẳng có người cha nào : 
Cha của con, đó chính là ngài" 
(Lagash cầu nguyện với thần linh) 

Một bộ tộc vùng Bắc Mỹ cũng sử dụng những ngôn từ như vậy để cầu nguyện với Thượng Đế : 

"Ôi Thượng Đế, Ngài là Mẹ con, 
Ngài cũng là Cha con. 
Ai là Mẹ con, ai là Cha con ? 
Ôi Thượng Đế, chỉ có mình Ngài mà thôi". 
(Lời cầu nguyện của một bộ tộc vùng Bắc Mỹ) 

Thiên Chúa mang mẫu tính trong truyền thống Do-thái - Kitô giáo 


Trong tiếng Hípri, những thực tại tinh thần lớn lao đều được xếp vào giống cái : 

  • Shekina (Thánh điện) 
  • Ruah (Tinh thần) 
  • Thorah (Lề luật) 
  • Hokhma (sự Khôn ngoan) 
Những thực tại này nhắc đến và diễn tả Thiên Chúa theo phương diện nữ tính. 

Sách Sáng thế

Trong bản văn nói về công cuộc sáng tạo, tác giả sách Sáng thế đã viết : "Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ" (St 1,27). 

Chắc chắn điều đó muốn cho thấy rằng : không phải chỉ có người nam, cũng không phải chỉ có người nữ là hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng cả hai đều là hình ảnh của Người. 

Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác, của Giacóp cũng chính là Thiên Chúa của Sara, của Rebécca, của Rakhen. 

"Thiên Chúa của những người cha" cũng chính là "Thiên Chúa của những người mẹ". 

Đức Chúa phán : "Con đầu lòng của Ta là Israel" (Xh 8,5). 

Sách Đệ nhị luật

"Trong sa mạc, nơi anh em thấy Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mang anh em như một người mang con mình" (Đnl 1,31). 

"Suy nghĩ lại, anh em phải nhận biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, giáo dục anh em như một người giáo dục con mình" (Đnl 8,5). 

"Anh em là những người con của Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em" (Đnl 14,1). 

Triết học: SUY TƯ CỦA PHONG TRÀO NỮ QUYỀN VÀ SUY TƯ BÌNH DÂN 


Thần học của phong trào nữ quyền 

Một nữ thần học gia châu Mỹ đã đưa ra một song luận : Thiên Chúa là người Cha, thợ thủ công hay là người Mẹ sinh thành ? Và bà đã giải quyết vấn đề theo sát theo đường hướng của phong trào nữ quyền : 
"Trong truyền thống Do-thái - Kitô giáo, công cuộc sáng tạo đã được miêu tả theo trí vẽ như một "hành vi" trí tuệ và thẩm mỹ của Thiên Chúa, một hành vi được viên toàn nhờ Lời của Người và được thực hiện bởi "tay của Người", tương tự một bức tranh được nghệ nhân sáng tác hoặc một hình thể được nhà điêu khắc sáng tạo ra. Nhưng mẫu thức Thiên Chúa là Mẹ lại nêu lên một hình thái sáng tạo khác hẳn, nhấn mạnh đến sự lệ thuộc triệt để của vạn hữu vào Thiên Chúa, nhưng theo cách nội tại hơn là ngoại tại. Khi đó, nếu chúng ta muốn hiểu thế giới như thể một cách nào đó đang "ở trong" Thiên Chúa, đúng hơn là Thiên Chúa đang "ở trong" thế giới, thì hiển nhiên chính hình ảnh Người mẹ sẽ đem lại nhiều cơ may giúp ta quan niệm được công cuộc sáng tạo phát xuất từ hữu thể thần linh. Bởi vì chính hình ảnh về một cuộc thai nghén, sinh hạ, cho bú mớm đã tạo nên một bức họa đầy hình ảnh về một cuộc sáng tạo phụ thuộc sâu xa vào sự sống thần linh, và được sự sống này chở che bao bọc. Tuy thật đơn giản, nhưng ta không có cách trình bày nào khác ngoài hình ảnh này, một hình ảnh có đủ sức để diễn tả tính tương thuộc, tương liên của bất kỳ sự sống nào với nguyên nhân của chính mình. Hết thảy chúng ta, dù khác nhau về giới tính, nhưng ai cũng đều có nơi trú ngụ đầu tiên là cung lòng của người mẹ. Tất cả chúng ta đều được sinh ra từ thân xác của thân mẫu chúng ta và phần lớn chúng ta được thân mẫu dưỡng nuôi, cho bú mớm. Liệu còn hình ảnh nào tuyệt trác hơn để có thể diễn tả một thực tại căn bản nhất của cuộc sống. Trên hành tinh của chúng ta và trong toàn thể vũ trụ vạn vật : tất cả chúng ta đang sống, đang hoạt động và đang ở trong Thiên Chúa.
Mẫu thức Thiên Chúa là Mẹ phá vỡ nhị nguyên luận có tính đẳng cấp của truyền thống và của trình thuật sáng tạo trong sách Sáng thế, trong đó Thiên Chúa phân biệt hẳn với thế giới và ở ngoài thế giới, Người đã sáng tạo thế giới với những bậc thang các hữu thể. Một cách trình bày tượng hình mới phát xuất từ mẫu thức Thiên Chúa là Mẹ. Hình thái sáng tạo này hợp với mẫu thức của một hình thái sáng tạo không phải là hành vi trí tuệ hay nghệ thuật, nhưng nó là một biến cố vật lý : vũ trụ vạn vật phát xuất từ Thiên Chúa, nó là sự diễn tả của chính hữu thể Thiên Chúa và như thế người ta có thể nhìn nhận vũ trụ vạn vật này là "thân mình" của Thiên Chúa. Đây không phải là cái gì xa lạ với Thiên Chúa, nhưng là cái khởi xuất từ "cung lòng" của Thiên Chúa, và được thành hình do "sự cưu mang", tiến trình này biểu trưng cho lịch sử tiến hóa lâu dài của vũ trụ vạn vật. Cách trình bày của chúng tôi chứa đựng nhiều hệ lụy quan trọng, nhưng trước tiên cần nhắc lại rằng : đây không phải là một kiểu trình bày bóng bẩy như mẫu thức mang tính nghệ thuật và tri thức của công cuộc sáng tạo. Chúng tôi không chủ trương Thiên Chúa sáng tạo bằng cách sinh ra vũ trụ vạn vật như thể sinh ra thân mình Người. Điều chúng tôi muốn gợi lên, đó chính là hình ảnh so sánh của việc sinh hạ này gần gũi với đức tin Kitô giáo, với bối cảnh của thuyết tiến hóa cũng như với khoa sinh thái học của thời đại hơn là một mẫu thức khác, mẫu thức người thợ thủ công.
Một hệ lụy có tính phê bình trong mẫu thức của chúng tôi đó là : nó phá đổ những nhị nguyên thuyết giữa tinh thần và vật chất, giữa thần khí và xác thịt, giữa con người và tự nhiên, giữa giống đực và giống cái" (Sallie Mac Fague, "Dieu Mère", trong Concilium 226, 1989, p. 168-170). 
Tôn giáo bình dân 

Robert Pannet đã thấy trong tôn giáo bình dân hai cách hiểu về Thiên Chúa khởi đi từ một mẫu thức gia đình đặc biệt của người Italia : "Đối với những người Công giáo Italia (những người nhập cư) thuộc giới bình dân, Thiên Chúa, Đức Kitô, Đức Mẹ, là những nhân vật rất quen thuộc. Quan niệm truyền thống về gia đình của dân chúng Italia đã phản ảnh trên hình thái mà từ đó các mẫu thức tôn giáo được trình bày. Thiên Chúa mang hơi hướng của thần Jupiter, theo hình ảnh của một người cha trong gia đình, coi uy quyền của mình là bất khả xâm phạm nhưng lại không thi hành uy quyền này. Trong tâm thức của những người di trú Italia, hình ảnh của Đức Mẹ rất gần gũi với hình ảnh "người mẹ" mà ảnh hưởng của bà - lúc nào cũng quan tâm để ý, âu yếm chở che - có tính cách quyết định trong việc điều hướng mái ấm gia đình" (Robert Pannet, Le Catholicisme populaire, Le Centurion, 1974, p. 181). 

NGUYÊN LÝ NỮ TÍNH NƠI THIÊN CHÚA 


Aphraate le Persan đã nhận thấy nơi Chúa Thánh Thần khuôn mặt người Mẹ của con người : "Khi một người con trai chưa lập gia đình, anh ta yêu mến, tôn kính Cha của anh và Thánh Thần, Mẹ của anh, ngoài ra anh ta không còn một tình yêu nào khác. 

Khi một người con trai lập gia đình, ta rời bỏ Cha của anh và Mẹ của anh... Và tư tưởng của anh ta bị thế giới này cuốn hút". (Aphraate le Sage Persan, Exposés 18 S.C. 359,1989,t. II p.761 ). 

Thần học chính thống, đặc biệt là chính thống Nga, đã nhận ra khía cạnh này khi lập luận về "sự khôn ngoan" của Thiên Chúa. 

Jean Guitton và Teilhard de Chardin đã nhận thấy nơi Đức Maria một cực nữ tính của Thiên Chúa : 
"Các dân tộc mới trở lại Kitô giáo có nhu cầu tìm gặp trong phạm vi Thiên Chúa một nguyên lý nữ tính có khả năng làm quân bình nguyên lý nam tính. Tôi thấy không có gì bất tiện khi nhìn nhận rằng mối bận tâm này đã tồn tại và vẫn còn tiếp tục tồn tại trong đại chúng. Tất cả vấn đề là xem người ta dành cho nó ý nghĩa nào. Nguyên lý nữ tính khi nhằm trình bày Thiên Chúa đã muốn rằng hai cực của hai yếu tố giới tính được thần tính đảm nhận, tuy nhiên chúng không được đồng hóa với thần tính : bản tính nhân loại của Đức Giêsu, ngôi vị nhân loại của Đức Maria. Quả Thiên Chúa sáng tạo thần thánh bằng cách phóng ra ngoài những điều ở nơi Người, còn các thần linh ngoại giáo luôn chỉ là sự khách thể hóa của một số khuynh hướng nào đó. Những thần linh này giống với vô thức của con người... Yếu tố nữ tính của bản tính nhân loại có thể tìm thấy hình thức loại suy của mình nơi Thiên Chúa.
Điều chúng tôi gọi là Phụ tính của Thiên Chúa có nghĩa là tình yêu tuyệt đối, dưới hình thức ưu việt, hàm chứa những đặc tính mà đối với chúng ta vừa là Cha vừa là Mẹ. Thiên Chúa không phải chỉ mang hình thức giống đực. Muốn hiểu rõ hơn tình yêu của Người, cần phải thu gọn làm một điều gì là sâu xa căn bản nhất trong tình yêu của một người nam với một người nữ. Khi ngôn ngữ buộc chúng ta phải gán cho Thiên Chúa hình thức giống đực, ta hiểu rằng ta sẵn sàng đón nhận một kiểu loại suy nữ tính, tất nhiên không phải nơi Thiên Chúa, nhưng trong những gì trực tiếp xung quanh Người, trong những chương trình tiên khởi của Người. Chắc chắn, ở trong đó sẽ có một nguyên lý tha hóa đối với tôn giáo, nếu khuynh hướng đề cao nữ tính này không dựa trên những luận cứ và những dữ kiện. Nếu việc đề cao tư tưởng về Đức Maria được thực hiện theo phương pháp hoang đường như thể là một ngẫu tượng về "người mẹ của các thần linh", thì việc đề cao này rất đáng nghi ngờ" (Jean Guitton, La Vierge Marie, Aubier, 1949, p. 100-101). 

"Về vấn đề Mông triệu thăng thiên, nhà tâm lý học Jung đã ủng hộ luận đề rằng : trong thần bí học của Giáo hội Công giáo, sự phát triển của khoa Thánh mẫu học là công trình của những phụ nữ ao ước thấy mình được "trình bày" rõ ràng hơn trong cấu trúc về Nước Trời. 

Nhưng trái lại, niềm xác tín của riêng tôi là : việc đề cao Đức Maria được đưa lên ngự bên cạnh Đức Kitô chủ yếu là công trình của những người nam (những người nam tận hiến sống bậc độc thân), trong khi đó những người có lòng sùng mộ hết mình đối với Đức Kitô-con người, tôi không nói về "Đức Kitô-hoàn vũ", đều là những người nữ. 

Nền tảng (và mối quan tâm) của vấn đề Đức Maria ("sự kiện Đức Maria"), theo ý kiến của tôi, điều đó làm bộc lộ một nhu cầu không thể cưỡng lại của Kitô giáo nhằm "nữ hóa" một Thiên Chúa Giavê đã được nam tính hóa một cách khủng khiếp. Đơn giản đây chỉ là một trong những khuôn mặt được trình bày về tính siêu việt của Thiên Chúa vượt trên những khám phá của con người. Thiên Chúa vừa được "hoàn vũ hóa" vừa được "nữ hóa" nhằm phản ứng lại một "chủ nghĩa gia trưởng thời kỳ đồ đá mới" nào đó rất thường được trình bày như là yếu tính chung cuộc của Tin mừng" (P. Teilhard de Chardin, "Lettre à Maryse Choisy", 1955, dans Psyché 99-100, p. 8). 

Một nữ thần học gia Mỹ châu đã nhận thấy trong việc đồng hóa Đức Kitô với Lời chứ không phải với Khôn ngoan một sự sai trật thực sự về mặt thần học. 

"Trong Kitô giáo, khả hữu tính nội tại của Thiên Chúa với tính cách là giống cái đã bị loại trừ. Kitô giáo đã chuyển đổi quan niệm về Khôn ngoan thành quan niệm yêu mến Lời, được định nghĩa là "Con Thiên Chúa". 

Kitô giáo đã đặt khuôn mặt trung gian mang diện mạo nam tính này vào trong mối tương quan với ngôi vị nhân loại của Đức Giêsu. Như thế, tính cách nam tính của Đức Giêsu với tư cách là một ngôi vị nhân loại được đặt vào trong mối tương liên với tính nam tính của Lời với tư cách là "Con Thiên Chúa". Khi đó tất cả mọi suy luận về tính khả hữu của yếu tố nữ tính trong Thiên Chúa nơi hình ảnh Ba Ngôi bị loại bỏ ngay lập tức". (Rosemary Radford Ruether, "La Féminité de Dieu", trong Concilium 163,1981, p. 96). 

NGUY CƠ CỦA VIỆC NỮ HÓA THIÊN CHÚA 


Nhận ra chiều kích nữ tính nơi Thiên Chúa sẽ tránh được nguy cơ nhìn Thiên Chúa dưới khía cạnh quá thiên về nam tính. Nhưng như thế không phải là không nguy hiểm, bởi vì khi đó việc tiến đến Thiên Chúa có thể lại trở thành một cuộc trở về lòng mẹ với tất cả những triệu chứng thoái hóa mà hình ảnh đó có thể gợi cho thấy. 

Thiên Chúa luôn luôn vượt hẳn những cách thế trình bày của chúng ta : giản lược Thiên Chúa vào những ảo ảnh của chúng ta, dù là nam tính hay là nữ tính, tức thị biến Người thành một ngẫu tượng.