Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

LÒNG THƯƠNG XÓT: KINH THÁNH VÀ THẦN HỌC

Thời sự Thần học - Số 71, tháng 02/2016, tr. 11-44

LTS: Để giúp cho quý độc giả có thêm chất liệu suy tư và sống Năm thánh Lòng Thương Xót, đặc biệt trong mùa Chay này, chúng tôi sẽ lần lượt đăng các bài của Thời sự Thần học số 71, cùng với báo giấy vừa mới phát hành.

Dàn bài


Nhập đề: Misericordia dịch sang tiếng Việt, và chuyển từ tiếng Hípri và Hy Lạp. 
I. Kinh Thánh
  A. Cựu Ước: 1/ Khởi nguyên, 2/ Cuộc xuất hành, 3/ Các thánh vịnh, 4/ Các ngôn sứ.
  B. Tân Ước: 1/ Các sách Tin Mừng, 2/ Các thư Phaolô
II. Suy tư thần học: Misericordia, một hình thức của caritas.
  A. Lòng thương xót nơi Thiên Chúa
    1/ Lòng thương xót biểu lộ sức mạnh chứ không nhu nhược
    2/ Thương xót với công bình 
 B. Thực hành thương xót
    1/ Công bình và thương xót, yêu thương và chân lý
    2/ Những công việc thương xót 
Kết luận. Mater misericordiae
Viết tắt: DM = Dives in Misericordia ; MV = Misericordiae Vultus

Phan Tấn Thành


NHẬP ĐỀ


Để mở đầu cho các suy tư thần học về lòng thương xót của Chúa, chúng ta hãy đọc lại các bản văn Kinh Thánh liên quan đến đề tài này. Tuy nhiên, một khó khăn lập tức được đặt ra dưới khía cạnh phương pháp luận: phải hiểu thế nào về các bản văn Kinh Thánh bàn về lòng thương xót của Chúa? Phải chăng chúng ta chỉ chọn lựa những bản văn chứa đựng từ “thương xót”? Thế nhưng Kinh Thánh được viết bằng tiếng Hípri và Hy Lạp chứ đâu phải bằng tiếng Việt? Hoặc là ta sẽ khởi đi bằng cách tra cứu từ misericordia trong tiếng Latinh? Không thiếu những vấn nạn được nêu lên: một đàng về từ ngữ, và một đàng về tư tưởng. Xét về từ ngữ, danh từ misericordia (tiếng Latinh) được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau, và cũng tương đương với nhiều từ ngữ khác nhau trong tiếng Hípri và Hy Lạp. Xét về tư tưởng, những tác phẩm của thánh Gioan tông đồ nói rất nhiều về tình yêu Thiên Chúa, thậm chí tác giả còn định nghĩa Thiên Chúa là Tình yêu (Deus caritas est) nhưng lại không sử dụng từ misericordia trong tác phẩm của mình; như vậy, chúng ta sẽ bỏ qua thánh Gioan hay sao?

Ý thức những vấn nạn ấy, chúng tôi đành chấp nhận một sự lựa chọn với những giới hạn của nó, đó là chỉ tập trung vào những bản văn hàm chứa danh từ misericordia, và đối chiếu với những dang từ tương đương trong tiếng Hípri và Hy Lạp. Đó là phần thứ nhất. Sang phần thứ hai, suy tư thần học, chúng ta sẽ có dịp đối chiếu với những ý tưởng gần gũi với nó cũng như với những ý tưởng đối nghịch.

Chúng ta bắt đầu với câu chuyện từ ngữ. Như vừa nói, thương xót được dịch từ misericordia trong tiếng Latinh (mercy tiếng Anh); nhưng misericordia có thể chuyển dịch ra nhiều từ ngữ khác nhau; đàng khác, tiếng Latinh misericordia bắt nguồn từ nhiều từ ngữ khác nhau trong tiếng Hípri của Cựu Ước và tiếng Hy Lạp của Tân Ước. Như vậy là chúng ta gặp phải ba điểm khó khăn khi dịch thuật: từ tiếng Latinh sang tiếng Việt, và từ hai ngôn ngữ của Kinh Thánh sang tiếng Latinh.

1/ Trước hết, từ tiếng Latinh sang tiếng Việt


Chúng ta hãy lấy vài thí dụ từ bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ kinh Phụng vụ. Thánh vịnh 136  là một bài ca ngợi các kỳ công của Thiên Chúa trong lịch sử; sau mỗi câu xướng, cộng đoàn lặp lại điệp khúc: “Quoniam in aeternum misericordia eius”, được dịch là: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Thánh vịnh 89 mở đầu bằng lời “misericordias Domini in aeternum cantabo”, được dịch là: “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng”. Ở thánh vịnh 103, câu 8 “Miserator et misericors Dominus: longanimis, et multum misericors”, được dịch là: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Trong thánh vịnh 130 (kinh Vực sâu), “quia apud Dominum misericordia et copiosa eius redemptio”, được dịch là: “bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa”. Thánh vịnh 51 mở đầu với lời cầu: “Miserere mei Deus, secundum misericordiam tuam”: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con”. Câu 11 nổi tiếng của thánh vịnh 85: “Misericordia et veritas obviaverunt sibi: justitia et pax sese osculentur” được dịch là: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên”.

Trong Tin Mừng nhất lãm, khi nói về các mối phúc, thì câu nói của Mt 5,7 (Beati misericordes, qui ipsi misericordiam consequuntur) được dịch là “phúc thay ai xót thương người, họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”, còn câu nói Lc 6,36 (Estote misericordes sicut et Pater misericors est) được dịch là: “Anh em hãy tỏ lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Mt 9,12 “Ta muốn lòng nhân chứ không thích hy tế” (misericordiam volui et non sacrificium).

Mỗi ngày, phụng vụ ca tụng misericordia của Thiên Chúa qua hai bài thánh ca Tin Mừng Benedictus và Magnificat. Trong thánh ca giờ Kinh Sáng, từ misericordia được dịch hai cách khác nhau: “ad faciendam misericordiam cum patribus nostris”: sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên; “per viscera misericordiae Dei nostri nos visitavit Oriens ex alto”, được dịch là: “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông từ chốn cao vời viếng thăm ta”. Trong thánh ca giờ Kinh chiều, cả hai lần misericordia đều được dịch là thương xót (Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người... Chúa nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Abraham).

Một thí dụ khác để kết thúc: Trong kinh Lạy Nữ Vương, Đức Maria được kêu cầu như là mater misericordiae. Bản dịch cổ truyền là “Lạy Nữ Vương, Mẹ nhân lành”; bản dịch của Nhóm Các Giờ kinh Phụng vụ là “Kính chào Đức Nữ Vương, Bà là mẹ xót thương”; bài ca quen thuộc của Kim Long là “Chúng con kính chào Nữ Vương Mẹ nhân ái”. Cùng một từ misericordia mà có ba cách dịch khác nhau: “nhân lành, xót thương, nhân ái”, và dĩ nhiên cũng có thể dịch là Mẹ từ bi, đầu đề của một số bài ca. Sau cùng, mười bốn thương người được gọi là “các việc từ thiện” (bản dịch Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo của Uỷ ban Giáo lý Đức tin 2010, số 2447), đang khi nguyên bản Latinh là “opera misericordiae”.

Tóm lại, tuy misericordia quen dịch là “thương xót”, nhưng cũng có thể dịch là: “từ bi, từ ái, từ thiện, nhân hậu, nhân từ, nhân ái, tình thương, trắc ẩn, lân tuất, khoan nhân”. Phải chăng các từ này đồng nghĩa với nhau? Nếu chỉ dựa theo tầm nguyên, xem ra các ý nghĩa của các từ này không khác nhau cho lắm . Nhưng đó mới chỉ là khái niệm sơ lược. Một câu hỏi được đặt ra: “thương xót” khác với “tình thương” ở chỗ nào? Chúng ta sẽ trở lại với vấn đề này khi phân tích các bản văn Kinh Thánh.

2/ Tiếng Latinh


Misericordia, thường được giải thích theo tầm nguyên là ghép bởi miserum và cor: trái tim xúc động trước nỗi khổ của người khác (xc. Thánh Tôma, Summa Theol. II-II, q.30, a.1). Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, misericordia được dùng để dịch nhiều từ ngữ với ý nghĩa khác nhau trong tiếng Hípri và Hy Lạp.

a) Tiếng Hípri, có hai từ chính: hesed và rachamim. Hesed bao hàm tình thương mang theo sự trung tín dựa trên một lời hứa, ra như có suy xét. Rachamim, trắc ẩn, cảm thông, dịu dàng, âu yếm, gắn với rechem (bụng dạ, lòng ruột) ra như muốn nêu bật tình cảm tự nhiên phát xuất từ liên hệ ruột thịt. Có thể ví hai từ này với hai thứ tình cảm, một bên là của cha, một bên là của mẹ; một bên căn cứ trên nghĩa vụ, một bên xuất phát từ bản tính .

b) Tiếng Hy lạp có ba từ: i/ éleos: diễn tả thái độ cảm thông (động từ elein, tỏ lòng thương xót; tính từ eleêmon, biết thương xót; eleêmosyne việc từ thiện), được dùng để dịch hesed; ii/ splanchna, gắn liền với lòng dạ, nơi xảy ra thái độ ấy (tương đương với rehamim trong Hípri) và động từ splanchnízomai (tỏ ra cảm thông); iii/ oiktirmos (danh từ) và oiktimôn (tính từ) diễn tả sự xúc động trước nỗi khổ của tha nhân, trắc ẩn (ít thông dụng).


3/ Misericordia là gì?


Trong tiếng Latinh, dựa theo sự phân tích tầm nguyên của thánh Augustinô (misericordia ghép bởi cor miserum), thánh Tôma định nghĩa như là sự thông cảm (compassio) đứng trước nỗi khổ của tha nhân (compassio super miseria aliena) . Lòng thương xót chỉ là một hình thái của tình yêu, chứ không đồng nghĩa với tình yêu: tình yêu dành cho người đau khổ, thiếu thốn. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,8), nhưng tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau không gọi là “thương xót”; lòng thương xót được bày tỏ đối với nhân loại, và chính xác hơn nữa, lòng thương xót được gắn liền với sự tha thứ tội lỗi. Giả như loài người không phạm tội thì có lẽ Chúa sẽ không có cơ hội thể hiện lòng thương xót. Hiểu như thế có đúng không? Dù đúng hay không đi nữa, một cách thức để hiểu rõ bản chất của lòng thương xót, là đối chiếu với những hình thức tương tự hoặc tương phản với nó, cũng như những hiệu quả của nó: thương xót với tình thương, thương xót với công bình. Đó là con đường mà chúng ta sẽ khảo sát nơi các bản văn của Kinh Thánh (phần thứ nhất) và truyền thống thần học (phần thứ hai).


I. KINH THÁNH


Đức thánh cha Gioan Phaolô II (thông điệp Dives in misericordia) cũng như Đức thánh cha Phanxicô (sắc chiếu Misericordiae vultus) đã cung cấp cho ta một chìa khoá để đọc các bản văn Kinh Thánh: trước khi áp dụng vào tương quan giữa con người với nhau, tiên vàn misericordia là một đặc tính của Thiên Chúa , biểu lộ bản tính của Thiên Chúa (DM 2), là một ưu phẩm tuyệt vời nhất của Ngài (DM 13). Nói khác đi, lòng thương xót không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng gắn liền với một chủ thể: Thiên Chúa giàu lòng thương xót; trong Tân Ước, lòng thương xót mang một khuôn mặt cụ thể nơi Đức Giêsu.

Lòng thương xót của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ và lịch sử cứu độ. Đôi khi người ta đối chọi giữa “Thiên Chúa công bình” của Cựu Ước với “Thiên Chúa thương xót” của Tân Ước, nhưng điều đó không đúng. Cựu Ước đã tuyên xưng “Lòng thương xót Chúa bao trùm mặt đất” (misericordia Domini plena est terra: Tv 33,5; 119, 64). “Mọi đường lối Chúa đều là thương xót và chân lý” (Tv 25,10). Tất cả công trình cứu độ bày tỏ lòng thương xót của Chúa: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).

Dù vậy, có thể nói đến một sự tiệm tiến trong việc biểu lộ lòng thương xót, trải qua nhiều chặng trong Cựu Ước và đạt tới tột đỉnh trong Tân Ước.


A. Cựu Ước


Để mở đầu, một nhận xét về từ ngữ. Trong Cựu Ước, từ hesed được dùng 245 lần, và rahamim 38 lần. Đôi khi hai từ ấy đi đôi với nhau (x. Tv 103,4: in misericordia et miserationibus). Hơn thế nữa, nhiều lần hesed được dùng sánh đôi với emeth (hésed we émeth: misericordia et veritas / fidelitas): trung thành, chân lý. Những cặp sánh đôi khác là: mispat (iudicium, công lý: Hs 12,7; Mk 6,8; Gr 9,23; Tv 101,1; Kn 7,9), sédaqáh (iustitia, công chính: Gr 9,23; Tv 36,11; 40, 11; 85,11; 143,11tt; Cn 21,21), yésu'áh (salutare, cứu độ: Tv 13,6; 40,11; 85,8; 119,41...), shalom (pax, hoà bình: Gr 16,5; Tv 85,11), ahábáh (caritas, tình yêu: Gr 2,2; 31,3), emúnáh (veritas, trung tín: Ps 89,25; 98,3), tob (benignitas, lòng nhân hậu, lòng tốt: Tv 23,6).

Một cách tổng quát, Cựu Ước đã mở rộng tầm nhìn về misericordia: từ tình yêu dành cho dân tộc Israel đến tình yêu dành cho toàn thể nhân loại và tất cả muôn loài thụ tạo. Chúng ta thử ghi nhận những bước tiến từ những trang đầu của sách Sáng thế, rồi đến lịch sử của Israel (từ lúc được cứu thoát khỏi Ai Cập và xuất hành cho đến các ngôn sứ và sách Khôn ngoan.

1. Khởi nguyên

Thiên Chúa đã tạo dựng vạn vật do tình yêu; nhưng lòng lân tuất được biểu lộ cách riêng khi con người phạm tội. Đối với nguyên tổ, sau khi đã phạm tội, Thiên Chúa đã tuyên phạt, nhưng đồng thời Ngài cũng hứa ban ơn cứu độ (St 3,14: protoevangelium). Một cách tương tự như vậy, Chúa phạt Cain vì đã giết em mình, nhưng Ngài hứa sẽ che chở ông trên đường lưu lạc (St 4,15). Vào thời Noe, Chúa trừng phạt nhân loại tội lỗi, nhưng Chúa không tận diệt nhân loại: ngài đã cứu ông Noe để bảo tồn nhân loại; hơn thế nữa, Ngài ân hận và thề sẽ không bao giờ gây cảnh tàn phá như thế nữa (St 9, 8-17). Ngài không phải là vị Thần tàn sát. Trong cuộc đối thoại với ông Abraham, Thiên Chúa cho biết là Ngài sẽ không huỷ diệt thành phố Sodoma nếu tìm được mười người công chính (St 18).

2. Cuộc xuất hành

Biến cố xuất hành là một bằng chứng của lòng thương xót. Thiên Chúa đã nghe tiếng kêu than của dân Israel và nhớ lại lời hứa với các tổ phụ, cho nên ngài đã ra thay can thiệp để giải thoát khỏi cảnh áp bức nô lệ: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob... Ta thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập, và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn” (Xh 3,6-8). Ta có thể coi đây như là bước thứ nhất của kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa: Ngài đau xót trước nỗi khổ của dân mà Ngài đã hứa sẽ bảo vệ.

Lòng thương xót của Thiên Chúa còn được biểu lộ rõ rệt hơn nữa trên cuộc lữ hành tiến về Đất hứa. Dân Israel chóng quên những ân huệ đã nhận được, quên đi giao ước, và muốn quay về thờ lạy các thần linh khác. Thiên Chúa “nổi giận”; điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng chính lúc sắp thi thố sự công bình thì cũng là lúc ngài nhớ lại tình thương và đã tha thứ. Qua đó ông Môsê đã khám phá ra bản tính đích thực của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng ta thường dừng lại ở đoạn văn Xuất hành 3,13-15, khi Chúa nói với Môsê “Ta là Đấng hiện hữu”, nhưng chúng ta bỏ qua đoạn văn Xuất hành 34,6-7: “Đức Chúa, Đức Chúa (Giavê, Giavê), Thiên Chúa nhân hậu và từ bi (misericors et clemens), hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín (patiens et multae miserationis et verax), giữ lòng nhân nghĩa (custodit misericordiam) với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông”. Đây là một đoạn văn căn bản của sự mặc khải về các ưu phẩm của Thiên Chúa. Có người đếm được 13 đặc tính (trong đó 11 nói đến lòng thương xót – nhân hậu, và chỉ có hai đặc tính đả động đến sự công bình).

Đến đây ta có thể gọi là cấp thứ hai của cảm nghiệm về lòng thương xót: lòng thương xót đối chiếu với đức công bình: lòng thương xót vượt xa đức công bình, bởi vì ai có tội thì sẽ bị phạt cho đến ba bốn đời; nhưng lòng nhân nghĩa thì lâu bền hơn, vì kéo dài đến muôn ngàn thế hệ. Lòng thương xót được biểu lộ qua sự tha thứ lỗi lẫm (xt. Xh 34, 9; Ds 14,19-21). Dù sao đi nữa, chúng ta cần ghi nhận điều mặc khải này, như Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo đã làm. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa không chỉ mặc khải như là “Đấng Tự hữu” mà còn như là “nhân hậu và từ bi” (misericors et clemens: số 210).

Chặng thứ ba của cảm nghiệm này có thể đọc thấy nơi những lời trối của ông Môsê vào lúc cuối đời, ở sách Đệ Nhị Luật 4,30-31: “Khi anh gặp cảnh ngặt nghèo, khi tất cả những điều ấy xảy ra cho anh sau này, anh sẽ trở lại với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh và sẽ nghe tiếng Người. Thiên Chúa của anh là Thiên Chúa từ bi: Người sẽ không bỏ mặc anh, sẽ không tiêu diệt anh, sẽ không quên giao ước Người đã thề với cha ông của anh”. Sự tiến triển của quan niệm về lòng thương xót không chỉ nằm ở chỗ nó lớn hơn đức công bình, nhưng là nó được biểu lộ qua đức công bình. Thiên Chúa trừng phạt tội lỗi của dân để bày tỏ lòng thương xót của mình. Hình phạt nhằm cho họ quay trở về với Ngài để lãnh nhận các phúc lành.

3. Các thánh vịnh

Các thánh vịnh quảng diễn lòng thương xót của Thiên Chúa cách bao quát hơn, không chỉ giới hạn vào kinh nghiệm của lịch sử Israel. Lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa. Chúng ta tạm phân chia các thánh vịnh vào ba loại: thứ nhất, những thánh vịnh ca ngợi lòng thương xót; thứ hai, những thánh vịnh mặc khải bản tính Thiên Chúa là Đấng thương xót; thứ ba, những thánh vịnh dạy chúng ta những bài học thực hành nhờ cảm nghiệm về lòng thương xót.

a) Trước hết, chúng ta hãy điểm qua những thánh vịnh ca ngợi lòng thương xót của Thiên Chúa. Những thánh vịnh này khá nhiều, duy có điều là khi chuyển sang tiếng Việt, danh từ misericordia được dịch bằng nhiều từ khác nhau, như đã nói ở đầu. Lòng thương xót là một ưu phẩm của Thiên Chúa. Lòng thương xót bao trùm khắp mặt đất, như thánh vịnh 57,11 ca ngợi: “Tình thương của Ngài cao ngất trời xanh, và lòng thành tín vượt ngàn mây thẳm” (quoniam magnificata est usque ad caelos misericordia tua, et usque ad nubes veritas tua). Chúng ta hãy trưng dẫn vài thí dụ. Thánh vịnh 136 là một bài ca ngợi các kỳ công của Thiên Chúa biểu lộ qua việc tạo dựng và cứu chuộc, với điệp khúc: “muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” (quoniam in aetenum misericordia eius, hesed). Điệp khúc ấy được lặp lại ở nhiều thánh vịnh: “Hãy ca tụng Chúa vì Người nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Confitemini Domino quoniam bonus, quoniam in aeternum misericordia eius), chẳng hạn như ở đầu các thánh vịnh 106 và 107 (ôn lại lịch sử Israel), thánh vịnh 118 (tạ ơn sau khi giải thoát khỏi cơn hoạn nạn), hoặc cuối thánh vịnh 100: “Bởi vì Chúa nhân hậu (suavis), muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (misericordia), qua bao thế hệ vẫn một niềm thành tín (veritas)”.

b) Nhóm thứ hai gồm những thánh vịnh ca tụng Thiên Chúa về lòng thương xót của Ngài được diễn tả qua việc tha thứ tội lỗi. Ta có thể lấy hai thánh vịnh điển hình: 103 và 145. “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương (miserator et misericors Dominus, longanimis et multae misericordiae). Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,8-9). “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người... Chúa là Đấng từ bi nhân hậu (miserator et misericors Dominus), Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm... Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn. Người quá biết ta được nhồi nắn bằng gì, hẳn Người nhớ, ta chỉ là cát bụi” (Tv 103,8-10.13).

c) Nhóm thứ ba đưa ra những kết luận thực hành. Khi biết rằng Chúa là đấng từ bi nhân hậu, ta hãy tín thác vào lòng thương xót, đặc biệt là tin tưởng rằng các tội lỗi của chúng ta sẽ được ngài tha thứ. Tâm tình này được bộc lộ đặc biệt nơi các thánh vịnh thống hối, thánh vịnh 51: Miserere mei Deus, secundun magnam misericordiam tuam: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm”; hoặc thánh vịnh 130: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài... Trông cậy Chúa đi, Israel hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” (quia apud Dominum misericordia et copiosa apud eum redemptio).

4. Các ngôn sứ

Nơi các ngôn sứ, những tư tưởng trên đây được lặp lại, chẳng hạn như những lời chúc tụng lòng thương xót của Thiên Chúa qua các công trình cứu độ (xc. Is 63,7-9). Các ngôn sứ không ngần ngại ví tình thương của Ngài như người cha, người chồng, người mẹ. Người mẹ không thể nào quên đứa con mình đã cưu mang (Is 49,15). Người chồng chung thuỷ không bỏ rơi người vợ thất tín (Hs 2,16-25; Gr 2,2; 3,1; 31,20; Ed chương 16 và 23); Hôsê cũng có lúc mô tả Thiên Chúa như người cha âu yếm đã từng nuôi dưỡng đức con thơ (Hs 11,1-8). Tất cả đều nhằm kêu gọi Israel trở về với giao ước, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Ngài sẽ bỏ qua tất cả mọi lỗi lầm (Is 38,10; 43,25; Ge 2,12-13).

Một sự tiến triển về chiều rộng của lòng thương xót có thể nhận thấy nơi câu chuyện ông Giona, khi ông nhìn nhận rằng lòng thương xót của Chúa không chỉ giới hạn vào dân tộc Israel mà còn mở rộng đến mọi dân tộc.

Đó cũng là kết luận của Sách Khôn ngoan. Thiên Chúa muốn tỏ lòng thương xót đối với mọi loài, bởi vì muôn loài đều do Chúa dựng nên: “Trước Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi trên mặt đất, Nhưng Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải. Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên... Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,22-26).

Tóm lại, chúng ta có thể tóm lại “thần học về Thiên Chúa thương xót” của Cựu Ước như sau:

 Thiên Chúa là “Đấng từ bi và hay thương xót” (hanán wé-rahztm:misericors et miserator, 11 lần), “từ bi và chính trực”(misericors et miserator et iustus 2 lần: Tv 112,4 y 116,5), “nhân hậu và từ bi, chậm giận, giàu lòng thương xót” (miserator et misericors, longanimis et multae misericordiae, x. Ds 14,18; Gl 2,13; Gn 4,2; Tv 86,15; 103,8; 145,8; Nkm 9,17; Cn 14,29; 15,18; 16,32).

– “Lòng thương xót của ngài hằng cửu” (aeterna est misericordia: Tv 118; 136; 2 Sbn 5,13; 7,6; 20,21; Et 3,11)”. Câu này có thể giải thích hai cách: a) lòng thương xót của Thiên Chúa thì hằng cửu, không bao giờ chấm dứt (x. Tv 23,6; 89,3; 103,17; 138,8); b) Đấng Hằng Cửu (Thiên Chúa) là Đấng thương xót: bản tính của Ngài là thương xót. Cùng với tính hằng cửu, ta cũng nói đến tính phổ quát, bao trùm hết mọi người (Xh 34,7; Tv 103,8-14; Hs 11,9; Gn 4,2-11; Kn 11,24; Hc 18,13); bao la, không giới hạn không gian và thời gian (Tv 5,8; 51,3; 69,14; 86,5.15; 106,7.45; Hc 2,23; 17,28; 35,26; vv).
– Lòng thương xót của Chúa bao trùm tất cả những nhu cầu của con người, xét như tập đoàn của như cá nhân. Thiên Chúa cảm thông với những nổi khổ của nhân loại, và đến cứu giúp họ. Ngài cam kết sẽ cứu giúp Israel, vì thế Ngài cảm thông những đau khổ của họ, như đã thấy trên đây. Nhưng các cá nhân cũng tin tưởng vào lòng nhân từ của Chúa, nên họ chạy đến với Ngài trong mỗi cơn nguy khốn, chẳng hạn như: bệnh tật (Tv 6,3; 41,11), nghèo túng (Tv 25,16), xao xuyến (Tv 10,18; 41,11; 57,2; 118,4 tt.), bị bách hại (Tv 56,2). Đặc biệt, con người van nài lòng thương xót của Chúa khi đã phạm tội với Ngài như chúng ta đã nói trên đây.

B. Tân Ước


Nhận xét về từ ngữ: éleos (và các từ ngữ cùng gốc) được dùng 78 lần: nhiều nhất là Phaolô (26 lần), Lc và Cv (20 lần), Mt (15 lần), nhưng vắng bóng trong các tác phẩm của Gioan; splanchna (dưới hình thức động từ trong nhất lãm ám chỉ lòng trắc ẩn của Đức Giêsu; danh từ được dùng cho con người); oiktirmos danh từ 4 lần nơi Phaolô (2Cr 1,3; Rm 12,1; Pl 2,1, Cl 3,12).

Những đề tài về lòng thương xót của Thiên Chúa trong Cựu Ước được lặp lại trong Tân Ước. Điều mới mẻ của Tân Ước ở chỗ lòng thương xót ấy được biểu lộ nơi bản thân của Đức Giêsu, Lời Nhập thể (hoặc “Lòng thương xót nhập thể”). Nói đúng hơn, Tân Ước nói đến hai chủ thể của lòng thương xót: lòng thương xót của Chúa Cha, và lòng thương xót của Đức Giêsu.

Chúng ta tạm phân chia các bản văn thành hai khối chính để nghiên cứu: 1/ các sách Tin Mừng mang tính mô tả: Đức Giêsu thể hiện tình yêu của Thiên Chúa bằng lời nói và việc làm; 2/ các bản văn của thánh Phaolô mang tính suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa Cha và của Đức Giêsu.

1. Các sách Tin Mừng

Các sách Tin Mừng cho ta thấy Đức Giêsu là hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa, nơi chính bản thân cũng như bằng lời nói việc làm.

a) Một từ ngữ ra như biểu lộ cá tính của Đức Kitô trong lãnh vực đang bàn là “lòng trắc ẩn” (compassio: đồng cảm, cảm thông). Người động lòng trắc ẩn khi thấy đám đông như đàn chiên lạc không kẻ chăn dắt (Mc 6,34). Người động lòng trắc ẩn khi thấy đám đông đi theo Người đã ba ngày mà không có gì ăn (Mt 7,13). Người động lòng trắc ẩn khi thấy đám tang của người con một của bà goá thành Nai-im (Lc 7,13). Người động lòng trắc ẩn khi thấy những người bệnh tật kêu cứu và xin chữa lành: người phong (Mc 1,40), người mù ở Giêrikhô (Mt 20,34). Người thổn thức và khóc trước cái chết của người bạn Ladarô (Ga 11,35), cũng như khi trông thấy trước cảnh tàn phá của Giêrusalem (Lc 19, 41-42).

b) Thánh Mátthêu đã ghi lại nhiều lời giảng của Đức Giêsu về lòng thương xót. Dĩ nhiên, tiên vàn Người nói đến lòng thương xót của Cha trên trời, Đấng quan phòng cho vạn vật, chim trên trời, hoa ngoài đồng... (Mt 6,25-34). Việc cảm nhận lòng thương xót của Cha dẫn chúng ta đến chỗ tín thác vào Cha, cũng như tỏ thái độ đại lượng giống như Cha: yêu thương kẻ thù (Mt 5,45), tha thứ cho kẻ mắc nợ (dụ ngôn hai con nợ: “Ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao?”: Mt 18,33). “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7). Mátthêu cũng hai lần (Mt 9,12-13; 12,7) trích dẫn đoạn văn Hôsê: “Ta muốn lòng thương xót chứ đâu muốn lễ tế” (misericordiam volui et non sacrificium: 6,4-6) để giải thích thái độ của Đức Giêsu đối với kẻ bệnh tật và người tội lỗi. Tất cả lề luật được tóm lại trong ba danh từ: công lý, thương xót và thành tín” (iudicium, misericordia, fides: Mt 23,23).

c) Tác phẩm của thánh Luca được đặt tên là “Tin Mừng của lòng thương xót”. Đặc trưng của tác phẩm này có thể thấy qua ba điểm: sứ điệp thương xót được giới thiệu ngay từ những chương đầu và đạt cao điểm nơi các dụ ngôn về lòng thương xót ở chương 15;

– Ngay từ chương đầu, từ “lòng thương xót” đã xuất hiện nơi các bài ca Magnificat và Benedictus. Kinh Magnificat là bài ca tạ ơn Thiên Chúa của lòng thương xót. Danh Thiên Chúa là Đấng Thánh và trải qua bao thế hệ, Ngài đã bày tỏ lòng thương xót cho những kẻ kính sợ Ngài (et sanctum nomen eius, et misericordia eius in progenies timentibus eum: Lc 1, 49-50), những kẻ đói nghèo thấp kém. Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ vì nhớ lại lòng thương xót đã dành cho tổ tiên (câu 54). Tư tưởng này cũng được lặp lại trong thánh ca Benedictus, ông Dacaria chúc tụng Thiên Chúa vì đã đến thăm viếng Dân và nhớ lại lòng thương xót với các tổ tiên (ad faciendam misericordiam cum patribus nostris et memorari testamenti sui sancti: Lc 1,72); đồng thời ông tiên báo sứ mạng của Gioan dọn đường cho Đấng cứu tinh, Đấng sẽ ban ơn tha thứ do lòng từ bi (per viscera misericordiae Dei nostri: Lc 1,78). Như thế trong hai bài thánh ca, từ “lòng thương xót” được nhắc đến 4 lần (câu 50; 54; 72; 78).

– Khi xuất hiện tại hội đường Nadarét, Đức Giêsu đã tuyên bố sứ mạng của mình là mang tin mừng cho những người nghèo, sự giải thoát cho những người bị giam cầm (Lc 4,18-19). Điều này được thể hiện qua những việc chữa lành bệnh nhân (xc. Lc 7,21-23), và đặc biệt là qua việc tha thứ tội lỗi. Điều này giải thích vì sao Người gần gũi các tội nhân thay vì trừng phạt họ, khác với cách hình dung của ông Gioan Tiền hô (Lc 3,7). Qua ba dụ ngôn ở chương 15, Đức Giêsu cho thấy rằng Thiên Chúa bày tỏ lòng thương xót khi Ngài đi tìm những người lầm lạc, và Ngài vui mừng khi họ trở về. Nên lưu ý là Thiên Chúa không những sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi khi họ ăn năn, nhưng Ngài còn đi tìm người tội lỗi để đưa họ trở về nhà. Đức Giêsu muốn chứng tỏ điều ấy bằng chính cuộc đời của mình, khi đi tìm những người tội lỗi.

Từ những dụ ngôn này, ta có thể kết luận rằng bản tính của Thiên Chúa là Đấng thương xót. Vì thế, các môn đệ được mời gọi: “hãy thương xót như Cha thương xót” (Estote misericordes, sicut et Pater vester misericors est: Lc 6,36).

2. Các thư Phaolô

Các sách Tin Mừng ra như chú trọng đến Đức Giêsu như là kẻ mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói và việc làm. Các thư thánh Phaolô suy tư về lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ ở nơi Đức Kitô.

Trước hết, chúng ta đọc thấy tước hiệu của Thiên Chúa ở hai đoạn văn: 2Cr 2,1: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là cha giàu lòng từ bi lân ái (Pater misericordiarum: ho pater tôn oiktirmôn), và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an ta”; và Ep 2,4: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót (giàu trong sự thương xót: plousios ôn en éléei) và rất mực yêu mến chúng ta” (Deus, qui dives in misericordia, propter nimiam caritatem suam qua dilexit nos). Dĩ nhiên, đây không phải là mỹ từ. Thánh Tông đồ nhắc đến lòng thương xót của Thiên Chúa trong bối cảnh của lịch sử cứu độ: khi loài người còn ở trong tình trạng tội lỗi, thì Thiên Chúa đã ban ơn giao hoà nhờ Đức Giêsu. Nhờ thập giá và cuộc phục sinh của Đức Giêsu, nhân loại được phục hồi sự sống, hơn thế nữa, được trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa. Tư tưởng then chốt này nằm trong toàn bộ giáo lý của thánh Phaolô, chứ không chỉ nằm lẻ tẻ trong vài đoạn văn. Công trình cứu chuộc là kết quả của lòng thương xót. Vì thế mà công cuộc cứu độ được đặt tên là “thương xót”, bởi vì qua đó Thiên Chúa thể hiện lòng thương xót (x. Rm 11,31; 15,9). Loài người, đối tượng của lòng thương xót, được gọi là “bình thương xót” (vasa misericordiae: Rm 9,23; Cv 9,15; 2 Tm 2,20). Để nêu bật điều ấy, thánh tông đồ dùng những lối nói gây “sốc”: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11,32; xc. Rm 10,22-23).

Nên biết là động lực thúc đẩy Thiên Chúa ban ơn cứu độ được diễn tả không chỉ qua phạm trù “thương xót” (misericordia) mà còn qua các phạm trù khác nữa, chẳng hạn: tình yêu (agape), ân huệ (kharis) . Công trình cứu chuộc là kết quả của tình yêu của Chúa Cha, và cũng là kết quả của tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta nữa (Ep 5,3).

Thánh Phaolô nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại, và không quên thuật lại cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho bản thân: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót (misericordiam consecutus sum)... Đây là lời đáng tin cậy và đáng mọi người đón nhận: Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian, để cứu những người tội lỗi, mà người đầu tiên là tôi. Sở dĩ tôi được thương xót, là vì Đức Giêsu Kitô muốn tỏ bày tất cả lòng đại lượng của Người nơi tôi là kẻ đầu tiên, mà đặt tôi làm gương cho những ai sẽ tin vào Người, để được sống muôn đời” (1Tm 1,13-16).

Khỏi nói ai cũng biết, một khi chúng ta đã được Chúa yêu thương tha thứ, thì đến lượt chúng ta cũng phải biết yêu thương tha thứ cho nhau (x. Ep 4,31-32), tỏ lòng thương xót cho nhau (“hãy mặc lấy lòng thương cảm”: induite viscera misericordiae Cl 3,12).

Tuy ngày nay thư gửi Hípri không còn được coi như tác phẩm của thánh Phaolô, nhưng nó cũng được xếp gần các thư của thánh Tông đồ. Một tư tưởng then chốt chính của bức thư này là Đức Kitô là vị Thượng tế đã dâng hiến mình làm của lễ xá tội cho nhân loại, và Đức Kitô được giới thiệu như là vị “Thượng tế đầy cảm thông” (misericors pontifex), bởi vì Người đã từng trải qua những đau khổ của kiếp nhân sinh (x. Dt 2, 17). Thiết tưởng nên đọc đoạn văn này trong bối cảnh lịch sử của nó. Khi chú giải câu 11 của thánh vịnh 85 (“lòng thương xót và chân lý gặp nhau, công lý và hoà bình hôn nhau”), truyền thống của các rabbi đối chọi giữa một bên là chân lý và công lý (tượng trưng nơi ông Môsê), một bên là lòng thương xót và hoà bình (tượng trưng nơi ông Aharon; một người thông cảm với sự yếu đuối của nhân dân và tìm kiếm hoà bình đến nỗi trở thành đồng loã với tội lỗi của họ, theo Xh 32, 1-5). Sự hoà hợp giữa bốn điều kể trên chỉ xảy đến vào thời cánh chung. Tác giả thư Hípri trình bày Đức Giêsu như trung gian của Giao ước mới, nghĩa là của luật mới được ghi khắc trong tim (Dt 8,6): Đức Giêsu là ông Môsê mới; đồng thời, Người cũng là tư tế biết cảm thông những yếu đuối của nhân loại (Dt 4,14-15), nghĩa là ông Aharon mới. Nơi Đức Kitô, đã thực hiện lời sấm “tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hoà bình công lý đã giao duyên”.

Chúng ta không nói nhiều về thánh Gioan. Thánh nhân không sử dụng từ ngữ misericordia, nhưng những ý tưởng mà chúng ta đã phân tích trên đây đều được gói ghém trong quan niệm agape, được xem như bản tính của Thiên Chúa (1Ga 4,8). Thiên Chúa đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một để cho họ được sống muôn đời (x. Ga 3,16). Thiên Chúa đến tìm con người, chứ không phải con người đi tìm Thiên Chúa (x. 1Ga 4,10). Nơi Tin Mừng thứ bốn, Đức Giêsu xuất hiện không chỉ như là “dấu chỉ” của tình yêu Thiên Chúa, nhưng chính ngài là Thiên Chúa. Trong Luca, Đức Giêsu dùng dụ ngôn vị mục tử nhân lành để nói về Chúa Cha trên trời (Lc 15,7); trong Tin Mừng thứ bốn, Đức Giêsu tuyên bố: “Tôi là người mục tử nhân lành” (Ga 10,11). Cách riêng, nhờ Đức Kitô, nhân loại nhận được đầy tràn “ân sủng và chân lý” (Ga 1,17), đặc trưng của Thiên Chúa lân tuất.

II. SUY TƯ THẦN HỌC


Chúng ta không có nhiều thời giờ để rảo qua thần học về misericordia trong lịch sử thần học. Trong phần suy tư dưới đây, chúng ta dựa theo thánh Tôma Aquinô, cùng với những gợi ý từ hai văn kiện của Huấn quyền cận đại: thông điệp Dives in misericordia của thánh Gioan Phaolô II (30/11/1980) và sắc chiếu Misericordiae vultus của Đức thánh cha Phanxicô (11/4/2015).

Trước khi đi vào vấn đề, xin được lưu ý về từ ngữ. Ở đầu bài, chúng ta thấy rằng misericordia được dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ ngữ: thương xót, từ bi, nhân hậu, vv., và tất cả xem ra đồng nghĩa. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ của thánh Tôma, thì mỗi từ ấy có một đặc tính riêng: misericordia là một nhân đức thành phần của caritas (đức mến), khiến cho ta cảm thông với nỗi khổ của tha nhân . Ngoài ra trong hệ trật các nhân đức, chúng ta thấy có nhiều từ ngữ lân cận, được thánh Tôma trình bày ở những phần khác nhau của sách Tổng luận thần học, chẳng hạn như:

– Liên quan đến nhân đức công bình: vindicatio (nghiêm trị, nhằm tái lập trật tự xã hội qua việc trừng phạt đích đáng: II-II, q.108), liberalitas (hào phóng hoặc quảng đại trong việc ban phát: II-II, q.117); aequitas (công minh, tìm cách thực hiện công bình vượt trên pháp luật: II-II, q.120).

– Liên quan đến nhân đức can đảm: magnanimitas (độ lượng, nhắm đến việc đại sự: II-II, q.129), magnificentia (hào hiệp: điều hành lòng ham mê tiền bạc: II-II, q.134);

– Liên quan đến nhân đức tiết độ: clementia (nhân từ, giảm bớt hình phạt cho kẻ phạm pháp: II-II, q.157), với các nết xấu đối nghịch là khắc nghiệt, tàn nhẫn, khinh xuất (q.158-159).

Ở đây, chúng ta chỉ giới hạn vào những đoạn văn mà thánh Tôma bàn về misericordia, để phân tích những suy tư của ngài, cùng với những đóng góp của Huấn quyền và tư tưởng thần học cận đại, mở đầu với những suy tư liên quan đến Thiên Chúa, kế đến liên quan đến phía chúng ta.

A. Lòng thương xót nơi Thiên Chúa


Theo thánh Tôma, lòng thương xót là một ưu phẩm của Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên rằng theo thánh nhân, bản tính Thiên Chúa thì đơn nhất, không có sự phân biệt giữa bản tính và các ưu phẩm (Summa Theologica I, q.3). Các ưu phẩm là những đặc tính mà chúng ta cảm nghiệm được về Thiên Chúa, dựa trên những hoạt động của ngài trong vũ trụ.

Việc phát biểu bản tính và các ưu phẩm của Thiên Chúa thay đổi trải qua thời đại. Chúng ta đã quá quen với việc trình bày Thiên Chúa như là Đấng Tự hữu, dựa theo lời mặc khải cho ông Môsê: “Ego sum qui sum” (Xh 3,14-15). Ngày nay các nhà chú giải Kinh Thánh không nghĩ rằng đó là ý nghĩa nguyên thuỷ của lời mặc khải: dân du mục chẳng có ý niệm gì về hữu và vô hữu! Dù sao, một đoạn văn quan trọng không kém về sự mặc khải bản tính Thiên Chúa là lời tuyên xưng của ông Môsê ở Sách Xuất hành 34,6: “Đức Chúa, Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín”. Như đã thấy trong phần thứ nhất, lời tuyên xưng này được lặp lại nhiều lần trong Cựu Ước, cách riêng là trong các Thánh vịnh. Danh xưng của Thiên Chúa là “Đấng Thương xót” (hoặc Đức Từ bi: Deus meus, misericordia mea: bản dịch của CGKPV: Lạy Thiên Chúa, Đấng đầy lòng yêu mến). Misericordia là danh xưng của Đấng Vĩnh cửu.

1. Lòng thương xót biểu lộ sức mạnh chứ không nhu nhược

Trong sắc chiếu Misericordiae vultus (số 6), Đức thánh cha Phanxicô trưng dẫn tư tưởng vừa nói của thánh Tôma (Summa Theologica II-II, q.30,4 ). Đúng ra đây không phải là điều độc đáo của thánh nhân, bởi vì đã được tuyên xưng trong phụng vụ từ thế kỷ VIII, được trích lại trong Chúa nhật XXVI Thường niên.

Để nắm bắt tầm quan trọng của tư tưởng này, cần đối chiếu với tư tưởng triết học Hy Lạp. Phái khắc kỷ coi lòng trắc ẩn như là một nhược điểm. Lòng thương xót  đồng hoá với sự buồn phiền vì ghen tương, hay ít là sự thiếu cương quyết (chẳng hạn nơi một thẩm phán). Tuy nhiên, nơi Thiên Chúa thì khác: lòng thương xót không phải là dấu hiệu của nhu nhược, mà là của sức mạnh.

Thánh Tôma phân biệt hai khía cạnh trong sự thương xót (hoặc thương hại, thông cảm): a) khía cạnh cảm xúc (affective), xót xa trước cảnh khổ của tha nhân, mà mình coi như của chính mình; b) khía cạnh hữu hiệu (effective), là hành động nhằm giúp đỡ tha nhân thoát khỏi cảnh khổ đó. Để lòng thương cảm trở thành nhân đức, nó phải bao gồm cả hai khía cạnh; ngoài ra nó còn phải dựa trên một điều tốt khách quan (tôi thương xót ông A vì kho thuốc phiện của ông bị cháy thì không phải là nhân đức), và cần được diễn ra bằng hành động tuỳ theo khả năng (chứ đừng thương nhau bằng đầu môi chót lưỡi) (S.Th. II-II, q.30, a.3).

Chúng ta áp dụng quan niệm “ thương xót ” cho Thiên Chúa một cách loại suy: Ngài không có mủi lòng xúc động (theo cảm xúc: secundum affectum) giống như chúng ta, nhưng Ngài có quyền năng để giúp đỡ những cảnh cùng khốn của nhân loại (secundum effectum). Mọi việc Ngài làm đều bày tỏ lòng quảng đại, thi ân giáng phúc: Ngài trao tặng không vì công lênh của chúng ta (S.Th. I, q.21, a.3)
Đặc biệt, Ngài bày tỏ quyền năng của lòng thương xót khi tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Ở đây, quyền năng được bày tỏ không phải bởi vì Ngài nén được cơn giận, không trừng phạt chúng ta xứng với lỗi lầm, nhưng bởi vì Ngài đổi mới tâm hồn chúng ta: từ kẻ thù địch trở thành con cái, và đáng hưởng gia nghiệp thiên quốc. Đối với Thánh Tôma, việc thương xót và tha thứ cho tội nhân thì còn lớn lao hơn là tạo dựng đất trời , bởi vì trời đất sẽ qua đi, còn người công chính sẽ được ở bên Chúa mãi mãi.

2. Thương xót với công bình và chân lý.

Đề tài công bình và thương xót được đề cập trong thông điệp Dives in misericordia (các số 4, 7, 12, 14) cũng như sắc chiếu Misericordia vultus (số 20).

Thiết tưởng có nhiều cách đặt vấn đề khác nhau, từ đó cũng có nhiều giải đáp khác nhau. Trước tiên, chúng ta hãy xem cách đặt vấn đề của thánh Tôma, rồi chúng ta hãy đối chiếu với cách đặt vấn đề trong Kinh Thánh.

 a) Cách đặt vấn đề dựa theo thánh Tôma: “Công bình và thương xót” (iustitia et misericordia) nơi Thiên Chúa.

Trong sách Tổng luận thần học, phần thứ Nhất, thánh Tôma đã dành câu hỏi 21 (I. q.21) để bàn về công bình và thương xót nơi Thiên Chúa.

– Thiên Chúa là Đấng Công bình (a.1). Có hai thứ công bình: công bình giao hoán và công bình phân phối. Nơi Thiên Chúa chỉ có công bình phân phối. Nơi Thiên Chúa có sự công bình vì Ngài đã phân phối mọi sự theo trật tự hài hoà và khôn ngoan.

– Nơi Thiên Chúa, công bình và thương xót trùng hợp với nhau, bởi vì bản tính của Thiên Chúa là đơn thuần (a. 3). Thiên Chúa luôn luôn công bình và lân tuất, cùng một lúc. Công bình giả thiết lân tuất và dựa trên lân tuất. Khi Thiên Chúa hành xử theo lòng lân tuất thì Ngài không đi ngược lại công bình nhưng làm một điều vượt qua giới hạn của công bình; cũng tương tự như ta khi xoá một món nợ cho ai thì ta không lỗi công bình nhưng ta tỏ ra đại lượng với họ, đó là một quà tặng (I, q.21, a.3, ad 2m). Kể cả khi trừng phạt kẻ bất lương, Thiên Chúa vẫn tỏ lòng lân tuất bởi vì Ngài không phạt nó hoàn toàn xứng với tội trạng (I, q.21, a.4, ad 1).

b) Thử đặt lại vấn đề dựa theo quan điểm Kinh Thánh

Ngay từ nhập đề, chúng tôi đã lưu ý đến vấn đề từ ngữ trong tiếng Việt. Misericordia có thể dịch bằng nhiều từ khác nhau: thương xót, từ bi, tình thương, trắc ẩn, nhân từ, khoan hồng, v.v.. Những từ này không hoàn toàn đồng nghĩa với nhau. Một cách tương tự như vậy iustitia (hoặc iustus) có thể dịch là: công bình, công minh, công chính, công thẳng, chính trực, thanh liêm, ngay chính, v.v.. Nói rằng Thiên Chúa công minh thì nghe được, nhưng nếu Thiên Chúa công thẳng thì chúng ta khiếp!
Đó mới là chuyện dịch thuật. Vấn đề ý tưởng còn quan trọng hơn. Tư tưởng của người Do Thái không giống như tư tưởng của người Hy Lạp (hoặc Latinh).

– Misericordia. Đối với thánh Tôma, misericordia chỉ là một dạng của caritas chứ không đồng nghĩa. Nhưng trong tiếng Hípri thì hesed bao gồm cả hai ý nghĩa ấy. Hơn thế nữa, chúng ta thường liên tưởng đến misericordia khi nghĩ đến tội lỗi của chúng ta, để xin Chúa dủ lòng tha thứ. Nhưng misericordia của Kinh Thánh thì rộng hơn nhiều: nó bao trùm tất cả mọi công trình của Thiên Chúa, kể cả việc tạo dựng. Chúng ta có một chứng tích nơi thánh vịnh 136: “Hãy chúc tụng Thiên Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Thiên Chúa tỏ bày misericordia khi tạo dựng đất trời, trăng sao,.. mặc dù chẳng đả động gì đến tội lỗi con người.

– Iustitia của Thiên Chúa tiên vàn nói đến sự cứu độ trước khi đả động đến sự trừng phạt. Trong Cựu Ước, con người kêu van iustitia của Thiên Chúa (nghĩa là công lý), để giải thoát họ khỏi cảnh bất công, áp bức. Trong Tân Ước, thánh Phaolô nói đến ơn “công chính hoá” (iustificatio), tức là con người được trở nên công chính trước mặt Chúa. Vì tội lỗi, con người trở thành “bất chính” (bất lương) trước mặt Chúa, nhưng Thiên Chúa là Đấng công chính đã ban ơn công chính cho loài người nhờ Đức Kitô. Như vậy, ta đừng nên quan niệm sự công chính của Thiên Chúa như là công lý pháp đình (xét xử công minh, công bình khi luận tội); không, Thiên Chúa bày tỏ sự công bình qua việc ban ơn cứu độ: đó là hồng ân công chính cứu độ. Sự công chính này không do công trạng con người đạt được (Rm 3, 26-28; Gl 2, 16), trái với quan niệm của người Pharisêu (x. Mt 5,20; Lc 18,14).

- Đặc biệt, trong Kinh Thánh, cặp đôi “công bình và thương xót” (emet – hesed) xuất hiện đến 30 lần trong Cựu Ước. Hai đặc tính này được diễn tả dưới nhiều hình thức tương đương trong bản dịch Việt ngữ: “tín thành – ân nghĩa; tín nghĩa - ân tình; nhân hậu - thành tín; nhân từ - chính trực” được sử dụng khá nhiều trong các thánh vịnh: “Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa, ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người. Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm” (Tv 117; xc. Tv 25,10; 40,11-12; 85,12; 86,15; 89,15; Is 55,3; Gn 4,4; Hs 6,6; Ac 3,22; 2Sm 2,6; 15,20; Mk 7,20). Trong Tân Ước, chúng ta sẽ gặp lại cặp đôi “ân sủng và chân lý” nơi Ga 1,14.17.

Cả hai đều nói lên sự gần gũi âu yếm của Thiên Chúa: - emet không chỉ có nghĩa là công bình chính trực, mà còn là trung tín với lời hứa bất chấp sự bội tín của con người (Tv 30,10; 31,6; 71,22; 91,4; Is 38,18; 61,8; Gr 32,41);- còn hesed là lòng thương xót, khoan nhân, và cũng dựa trên lời hứa hoặc giao ước. Như vậy, cả hai đặc tính đều dựa trên lòng đại lượng của Thiên Chúa, Ngài tự ý ràng buộc mình với con người.

Có thể nào dung hợp quan điểm misericordia theo thánh Tôma với quan điểm hesed của Kinh Thánh không ? Thiết tưởng có thể nói như sau. Hesed rộng hơn misericordia, ra như đồng nghĩa với caritas của Tân Ước. Thánh Gioan định nghĩa Thiên Chúa là caritas (agape): bản tính của Thiên Chúa là yêu thương, và sự yêu thương diễn ra ngay trong nội tại của Ba Ngôi qua sự trao ban hỗ tương. Misericordia bắt nguồn từ sự sung mãn của tình yêu trao ban ấy, khi nó được bộc lộ ra bên ngoài qua việc tạo dựng. Sự tạo dựng là khởi đầu của misericordia, cách riêng khi tạo dựng loài người: Thiên Chúa tạo dựng loài người theo hình ảnh của Ngài, để mời gọi con người chia sẻ sự sống với Ngài. Ngài vẫn duy trì kế hoạch nguyên khởi ấy mặc dù con người phạm tội. Đúng ra, chính vì con người phạm tội mà Thiên Chúa càng tỏ lộ misericordia hơn nữa khi trao ban Con của Ngài đến cứu chuộc chúng ta: O felix culpa !


B. Thực hành thương xót


Sau khi đã hiểu biết lòng thương xót của Thiên Chúa, đến lượt chúng ta được mời gọi thực hành lòng thương xót đối với tha nhân. Tôi chỉ giới hạn vào hai điểm: 1/ công bình và thương xót trong Giáo hội; 2/ thực hành những công việc thương xót.

1. Công bình và thương xót trong Giáo hội

Những cuộc tranh luận trong Thượng Hội đồng Giám mục về hôn nhân cho thấy rằng thời nào Giáo hội cũng gặp khó khăn trong việc dung hoà giữa công bình và thương xót. Thiết tưởng một chìa khoá để giải quyết vấn đề là nhìn lại tương quan ấy dưới lăng kính của chân lý và thương yêu (veritas / caritas), đã được Đức thánh cha Bênêđictô XVI nêu lên trong thông điệp Caritas in veritate (29/6/2009): chúng ta hãy nhìn vấn đề từ hai góc độ: veritas in caritate và caritas in veritate.

a) Veritas in caritate

Cụm từ này, trích từ thư gửi Ephêsô (4,15): “veritatem facientes in caritate”, đã được trưng dẫn hơn một lần để Giáo hội tự vấn về vài biện pháp cứng rắn khi bảo vệ chân lý: có thể cưỡng bách người khác phải chấp nhận chân lý không? Công đồng Vaticanô II trả lời rằng: không được! Chân lý chỉ có thể ràng buộc bằng chính sức mạnh của mình, chứ không bằng vũ lực bên ngoài.

– Phải thú nhận rằng đôi khi thực tế đặt ra những trường hợp nan giải. Yêu nhau là nói sự thật cho nhau, cho dù “nói thật mất lòng”? Hay là vì yêu thương mà ta không được dùng biện pháp cứng rắn? Giả như một người cha có đứa con bỏ nhà đi hoang, thì thử hỏi: thế nào là yêu thương nó? Yêu thương là đi tìm kiếm nó (kể cả nhờ đến lực lượng công an), dẫn nó về nhà, và nếu nó còn muốn trốn đi thì hãy xích nó lại? Hay là thương yêu đứa con có nghĩa tôn trọng tự do của nó, chỉ biết ra cửa sổ ngồi khóc chờ ngày nó hối hận trở về?

– Tuy nhiên chúng ta cũng có thể áp dụng cụm từ “veritas in caritate” vào một bối cảnh khác, đó là: hãy trình bày chân lý trong sự kính trọng tha nhân, trong thái độ hoà nhã (1Pr 3,15-16). Chúng ta chia sẻ niềm tin của mình cho tha nhân vì yêu thương họ, chứ không phải với tư cách trịch thượng của kẻ đã nắm chắc chân lý trong tay, muốn lên mặt dạy đời!

b) Caritas in veritate

Tân Ước chỉ có cụm từ veritas in caritate (Ep 4,15) vừa trưng dẫn trên đây, chứ không nói đến caritas in veritate. Đức thánh cha đảo ngược lại thứ tự để rồi đưa về tư tưởng nguyên thuỷ.

Ngay ở phần nhập đề (số 1-9), thông điệp Caritas in Veritate đã đối chiếu giữa caritas với veritas như sau: Nơi Thiên Chúa, caritas và veritas đồng nhất với nhau (số 1). Dĩ nhiên ở đây, caritas phải hiểu là “Tình yêu”. Thiên Chúa là Tình yêu vĩnh cửu và Chân lý tuyệt đối. Nơi Thiên Chúa, tất cả mọi sự đều là tương quan và ban phát Tình yêu trong Chân lý, trước hết là nơi Đức Giêsu Kitô, kế đến là nơi mỗi nhân sinh, và sau cùng là nơi toàn thể vũ trụ (xt. số 52 và 54). Vì thế không thể nào tách rời tình yêu với chân lý. Con người mang trong mình sự khao khát tình yêu và chân lý. Chân lý cần được tìm kiếm và diễn tả trong bầu khí của tình yêu; đối lại, tình yêu cần được hiểu biết và thực hành dưới ánh sáng của chân lý. Khi trình bày chân lý là chúng ta phục vụ tình yêu, và việc thực hành yêu thương tăng cường sức khả tín của chân lý. Nếu không có chân lý, thì tình yêu chỉ là tình cảm rỗng tuếch và dễ bị lệch lạc do đủ thứ ý kiến xu thời. Nhờ chân lý, chúng ta có khả năng vượt lên những ý kiến, ấn tượng, giới hạn văn hoá, để thiết lập những giá trị nền tảng chung.

Trong chương trình mục vụ, Giáo hội cần phải rao giảng chân lý, chân lý của lòng thương xót. Khi tiếp xúc với con người cụ thể, cần phải để ý đến mỗi tình trạng: Giáo hội lên án tội lỗi, nhưng yêu thương con người lỗi lầm (x. Ga 8,11). Chúng ta được khuyên nhủ đừng nghiêm khắc khi xét đoán tha nhân, bởi vì chỉ có Thiên Chúa biết được cõi lòng của mỗi người. Dù sao, vào ngày cánh chung, tất cả chúng ta sẽ bị xét đoán dựa theo lòng thương xót (hoặc được phán xét do Đấng thương xót).

2. Những công việc thương xót.

Sau những suy tư lý thuyết, thông điệp Dives in misericordia và sắc chiếu Misericordiae vultus mời gọi chúng ta diễn tả cảm nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa ra các hành động cụ thể giúp đỡ tha nhân.

Truyền thống Kitô Giáo từ thời Trung cổ quen tóm lại các hành động ấy vào 14 mối thương người, được gọi là những công việc thương xót (opera misericordiae), được thánh Tôma Aquinô tóm lại qua động từ: visito, poto, cibo, redimo, tego, colligo, condo; tiếp đến: consule, carpe, doce / solare, remitte, fer, ora. Ngài đã giải thích rằng chúng tương ứng thực sự với các nhu cầu thực tế của tha nhân . Xét về thân thể, con người cần được giúp đỡ về các nhu cầu luôn luôn cần thiết. Những nhu cầu này có thể là bên trong (đồ ăn đồ uống) hay là bên ngoài (áo mặc, nhà ở). Ngoài ra con người cần được giúp đỡ về các nhu cầu xảy đến bất ưng, hoặc là bên trong (thuốc thang chữa bệnh tật) hoặc bên ngoài (thăm viếng lúc bị giam cầm, an táng khi qua đời). Như thế 7 công tác thực sự bao gồm các nhu cầu về thân xác của cuộc sống. Bước sang lãnh vực tinh thần, thánh Tôma Aquinô nói rằng con người có thể lâm vào cảnh cơ cực về đường thiêng liêng, mà ta có thể giúp đỡ bằng cách cầu khẩn xin Chúa đến cứu giúp (tức là cầu nguyện cho họ). Tha nhân có thể túng thiếu về trí tuệ hay về khôn ngoan (ta có thể giúp bằng sự dạy dỗ, khuyên lơn). Tha nhân có thể yếu ớt về tình cảm, thì ta đến giúp đỡ bằng sự ủi an. Tha nhân có thể sai lạc về cách ăn nết ở, thì ta giúp họ bằng việc sửa bảo, tha thứ và chịu đựng. Như vậy, 14 công tác bác ái (14 mối thương người) đã bao trùm tất cả mọi nhu cầu tinh thần và thể chất của con người rồi (II-II, q.32, a.2).

Vì trong số báo này, đã có những bài khác viết về khía cạnh thực hành lòng thương xót, cho nên tôi kết thúc phần suy tư ở đây. Tôi chỉ muốn thêm đôi lời về Đức Maria.

KẾT LUẬN


Cũng như thông điệp Dives in misericordia (số 9), sắc chiếu Misericordiae vultus kết thúc với một tư tưởng hướng về Đức Maria, Mater misericordiae. Đây là một tước hiệu đã lưu hành tại đan viện Cluny từ giữa thế kỷ X, và sau đó được đưa vào kinh Salve Regina.

Thiết tưởng có hai cách giải thích thuật ngữ này, hoặc dựa theo thần học bình dân, hoặc dựa theo thần học của hai văn kiện vừa kể.

1/ Theo quan niệm bình dân, chúng ta hình dung người mẹ như là biểu tượng của sự hiền hậu. Vì thế mỗi khi phạm lỗi, chúng ta chạy đến với Mẹ để năn nỉ nhờ bà làm “trạng sư” (advocata) can thiệp để khỏi bị trừng phạt. Vô tình, người ta hình dung Thiên Chúa như là Thẩm phán công thẳng khắc nghiệt!

2/ Nhưng một khi ý thức rằng Thiên Chúa là Cha giàu lòng lân tuất, thì vai trò của Mẹ Maria sẽ như thế nào? Có hai cách trả lời.

a) Đức Maria là người mẹ của Đấng khoan nhân thương xót. Trong Kitô giáo, lòng thương xót không còn là một danh từ trừu tượng nữa, nhưng đã có một dung nhan, đó là Đức Giêsu Kitô, hiện thân của Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Đức Maria là Thân Mẫu của Vị ấy: người Mẹ của Đấng Từ bi thương xót, chứ không chỉ là Mẹ của lòng từ bi thương xót, hay là Mẹ từ bi.

b) Chính vì là Thân Mẫu của Đấng Từ bi, nên Đức Maria là người đầu tiên cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đối với bản thân và đối với nhân loại. Mẹ cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa khi đã đoái nhìn một nữ tì thấp hèn để uỷ thác một sứ mạng cao cả có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại. Mẹ cảm nhận lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại khi chứng kiến việc Con Thiên Chúa đến giữa trần gian để chia sẻ tình thương của Thiên Chúa cho loài người: điều này được chứng tỏ trong mầu nhiệm Nhập thể và nhất là trong mầu nhiệm Thập giá. Vì đã cảm nhận lòng thương xót ấy cách đặc biệt nên Mẹ đã cất lời chúc khen tạ ơn trong bài ca Magnificat và đã thi hành sứ mạng mà Chúa uỷ thác, đó là làm Mẹ của các môn đệ của Chúa, làm chứng nhân cho lòng thương xót. Mẹ đã thi hành điều đó khi đi thăm viếng bà Elisabét, khi trỏ Hài nhi cho các mục đồng và các hiền sĩ, khi tỏ bày sự lúng túng của thân nhân ở Cana cũng như hướng các gia nhân tuân hành lời Chúa dạy (Ga 2,5). Các tín hữu đã ý thức điều ấy, cho nên họ đến với Mẹ để học hỏi cách thức kín múc tận nguồn mạch thương xót cũng như thực hành lòng thương xót đối với tha nhân.


SÁCH THAM KHẢO


- Del Cerro Calderón, G., "Misericordia de Dios," Gran Diccionario Rialp, Madrid 1991
- Doglio, C., Teologia della misericordia, http://www.symbolon.net/Temi%20biblici/Misericordia/index.html
- Esser, H.H., Misericordia, “Dizionario dei concetti biblici del NT”, EDB, Bologna 1976, 1013-1023.
- Romaniuk, K., La salvezza dell'uomo come opera dell'amore del Padre e del Figlio, http://www.collevalenza.it/Cesdim/Cesdim.asp?Id=08 
- Sisti, A., "Misericordia, Nuovo Dizionario di Teologia Biblica”, Paoline, Cinisello Balsamo 1988, 978-984.
- Saward, J., "Saint Thomas on Mercy," The Canadian Catholic Review, March 1990
Stackpole, R. Divine Mercy: http://thedivinemercy.org/library/dm101.php