CHỦ ĐỀ : HY VỌNG
LỜI GIỚI THIỆU
Lời giới thiệu PDF |
Số báo này muốn trình bày vài chuyện “thời sự thần học” liên quan đến hy vọng.
1. Kinh Thánh và Truyền thống. Mở đầu, linh mục Phan Tấn Thành ôn lại lối tiếp cận cổ điển về hy vọng như là một nhân đức hướng Chúa (virtus theologalis), với bài viết: Hy vọng: Thánh kinh và truyền thống thần học. Chúng ta sẽ rảo qua giáo huấn của Kinh Thánh về hy vọng, cũng như thần học về nhân đức này dựa theo đạo lý thánh Tôma Aquinô.
2. Thông điệp Spe salvi. Kế đó, chúng ta theo dõi những thách đố đặt ra cho hy vọng vào thời đại hôm nay được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đề cập trong thông điệp Spe salvi (30-11-2007), Theo sự phân tích của linh mục Domingo Garcia Guillén trong bài Hy vọng có một khuôn mặt, đặc điểm của văn kiện này ở chỗ nêu bật rằng Hy vọng Kitô giáo không phải là một ý niệm nhưng mang một khuôn mặt: “Đức Kitô Hy vọng nhập thể”. Đây là điểm khác biệt chính yếu giữa các Kitô giáo với các tôn giáo cổ điển ở Hy-lạp và Rôma (không có thần linh nào để cầu nguyện), cũng như với các chủ nghĩa tục hoá hy vọng vào thời cận đại (đặt hy vọng nơi khoa học, tự do, thế giới mới).
3. Thần học hy vọng. Thập niên 60 của thế kỷ trước đã chứng kiến một cuộc tranh luận thần học sôi nổi chung quanh tác phẩm “Thần học hy vọng” của Jürgen Moltmann. Linh mục Phêny Ngân Giang trình bày những ý tưởng căn bản của tác phẩm này, đồng thời đối chiếu với tư tưởng của Đức Bênêđictô XVI trong thông điệp Spe salvi.
4. Sống hy vọng giữa đau khổ và cái chết. Bác sĩ nữ tu Trần Ý Lan, trong bài Đức Hy Vọng: sứ mạng của người Công Giáo cho thế giới hôm nay, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dưỡng đức hy vọng trong môi trường bệnh viện, khi đương đầu hằng ngày với bệnh tật và cái chết.
5. Cánh chung và phụng vụ. Đối tượng của nhân đức hy vọng là hạnh phúc vĩnh cửu, một thực tại cánh chung. Đặc điểm của Kitô giáo là thực tại ấy đã hiện diện trong thế giới tuy sẽ hoàn tất trong tương lai. Người tín hữu cảm nghiệm điều này nhờ sự tham dự phụng vụ, nơi cử hành Đức Kitô phục sinh hiện diện trong bí tích, bảo chứng cho những thực tại sẽ thành tựu nơi cõi vĩnh hằng. Qua bài viết Cánh chung và phụng vụ, cha Jesús Castellano ôn lại những cuộc tranh luận về cánh chung luận trong thế kỷ XX, và cho thấy sự đóng góp của phụng vụ vào việc sáng tỏ vấn đề.
6. Đức Maria với hy vọng. Trong quá khứ, mối tương quan giữa Đức Maria với hy vọng Kitô giáo ít được nghiên cứu. Một khúc ngoặt được đánh dấu với số 68 của Hiến chế Lumen gentium, khi công đồng gọi Người là “Dấu chỉ của niềm hy vọng vững vàng” của Dân Thiên Chúa (LG 48). Linh mục Krzysztof Charamsa phân tích bản văn này và theo dõi sự tiến triển thần học sau công đồng, qua những tước hiệu được sử dụng trong các văn kiện của các Giáo hoàng: “Người phụ nữ hy vọng”, “Ngôi sao hy vọng”, “Mẹ hy vọng”.
7. Thông điệp Laudato si. Một vấn đề thời sự của Giáo hội trong những tháng vừa qua là việc ban hành thông điệp Laudato sì của Đức Phanxicô bàn về vấn đề môi sinh. Các cơ quan truyền thông đã phổ biến nhiều tóm lược và bình luận về văn kiện này. Ở đây chúng tôi muốn phân tích thông điệp dưới khía cạnh thần học, theo sự hướng dẫn của Đức cha Juan Antonio Reig Pla, giám mục Alcala de Henares (Tây Ban Nha). Với tựa đề trích từ số 118 của thông điệp: “Không có môi sinh luận nếu không có nhân-luận tương xứng”, tác giả cho rằng chìa khoá của thông điệp nằm ở việc chú trọng đến “môi trường toàn diện” và “môi trường nhân bản”.
8. Giáo huấn xã hội về môi trường. Để hiểu thêm vấn đề do thông điệp đặt ra, Đức cha Giampiero Crepaldi trình bày Vấn đề môi trường trong Giáo huấn xã hội của Giáo hội qua việc tóm tắt “Sách Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội” (do Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình xuất bản năm 2005) vào “thập điều”.
Tóm lại, có thể đặt tựa đề cho số báo 69 này là “Spes quaerens intellectum”, họp thành một bộ ba các nhân đức hướng Chúa với số 56 (tháng 5/2012) “Caritas quaerens intellectum” bàn về tình thương, và số 58 “Năm Đức tin”.
Trung tâm Học vấn Đa Minh
NỘI DUNG
- LỜI GIỚI THIỆU
- HY VỌNG : THÁNH KINH VÀ TRUYỀN THỐNG THẦN HỌC__Phan Tấn Thành
- KHUÔN MẶT HY VỌNG : THÔNG ĐIỆP SPE SALVI CỦA ĐỨC BÊNÊĐICTÔ XVI TRONG BỐI CẢNH THẦN HỌC HIỆN ĐẠI__Domingo García Guillén
- NHỮNG GÓC NHÌN VỀ “NIỀM HY VỌNG KITÔ GIÁO” QUA “THẦN HỌC HY VỌNG” CỦA MOLTMANN VÀ THÔNG ĐIỆP SPE SALVI CỦA ĐỨC THÁNH CHA BIỂN ĐỨC XVI__Phê Ny Ngân Giang
- ĐỨC HY VỌNG : SỨ MẠNG CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO CHO THẾ GIỚI HÔM NAY__Trần Như Ý Lan
- CÁNH CHUNG VÀ PHỤNG VỤ__Jesús Castellano Cervera
- ĐỨC MARIA : DẤU CHỈ CỦA HY VỌNG__Krzysztof Charamsa
- KHÔNG CÓ MÔI SINH LUẬN NẾU KHÔNG CÓ NHÂN LUẬN TƯƠNG XỨNG__ Juan Antonio Reig Pla
- VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG TRONG GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI__ Giampaolo Crepaldi