Thời sự Thần học - Số 23, tháng 3/2001, tr.
“Việc đối thoại liên tôn trong một mức độ sâu xa hơn luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ, bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại.” (ĐTC Gioan Phaolô II)
Quốc Văn
Truyền giáo là căn tính của Giáo Hội. Có thể nói, lịch sử của Giáo Hội là một lịch sử truyền giáo. Theo lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ, còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,15–16).
Giáo Hội qua mọi thời đã nhiệt tâm thi hành lời dạy của Đức Giêsu. Sứ mạng loan báo Tin Mừng vẫn là điều cấp bách thôi thúc mọi người Kitô hữu ý thức sống vai trò chứng tá của mình. Tuy nhiên, Đức Kitô không đưa ra những đường hướng cụ thể để hướng dẫn việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội. Vì thế, trong quá khứ Giáo Hội đã không khỏi mắc phải những sai lầm chỉ vì “lòng nhiệt tâm rao giảng Lời Chúa.”
Trước viễn cảnh một thế giới đa phức tôn giáo và những nỗ lực đối thoại của Giáo Hội với các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo tại Á châu này, nơi mà Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đang hy vọng một “mùa gặt đức tin bội thu”,[1] thì việc loan báo Tin Mừng gặp không ít khó khăn về phương diện triết học, văn hóa và thần học, đặc biệt trong ánh sáng niềm tin của các tôn giáo lớn tại Á châu.[2] Trước những thách đố đó, Giáo Hội đang nỗ lực suy tư vạch ra những con đường để “đến với muôn dân” trong thái độ ôn hòa, trân trọng những giá trị truyền thống, văn hóa và tôn giáo của họ. Những nỗ lực của Giáo Hội đặt nền tảng trên niềm tin rằng:
1. Thần Khí Chúa tràn đầy thế giới (Kn 1,7)
Tin Thánh Thần đang hoạt động trong thế giới là một xác tín căn bản của việc đối thoại liên tôn. Chỉ trên nền tảng này chúng ta mới có thể chân nhận và tôn trọng thực sự những giá trị tinh túy nơi những truyền thống văn hóa và tôn giáo của họ. Giáo Hội xác tín rằng: “Sự hiện diện và sinh hoạt của Thần Khí ảnh hưởng đến không những từng cá nhân mà còn cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo... Lại nữa, chính Thần Khí, Đấng gieo “những hạt giống Lời” hiện diện trong các tập quán và văn hóa khác nhau, chuẩn bị chúng được trưởng thành đầy đủ trong Chúa Kitô.”[3]
Từ buổi nguyên sơ của vũ trụ đã có Thánh Thần sáng tạo (x. St 1,2). Sự hiện diện của Thánh Thần bộc lộ tình yêu của Chúa Ba Ngôi, và Ngài luôn hiện diện trong thế giới như là nguồn lực ban sự sống.[4] Như vậy, khởi đầu lịch sử, Thánh Thần đã tác động và Ngài vẫn âm thầm hiện diện, hoạt động và dẫn dắt lịch sử theo con đường chân lý và thiện hảo. Thánh Thần không chỉ đóng vai trò sáng tạo nhưng Ngài còn nuôi dưỡng và tái tạo nhân loại trong một trật tự hài hòa. Như thế, không thể đóng khung sự hiện diện của Thánh Thần chỉ trong Kitô giáo, nhưng phải thấy được rằng, Thánh Thần hiện diện và hoạt động ở mọi nơi, vượt quá những giới hạn về văn hóa và tôn giáo của con người. “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi về đâu” (Ga 3,8). Lẽ dĩ nhiên, là những người sống niềm tin, có lẽ chúng ta thấy được “gió” đã và đang thổi những luồng sinh khí nơi Giáo Hội, nói đó có sự sống, có phương tiện dẫn đưa con người đến chân lý cứu độ; thế nhưng không lẽ vì thế mà chúng ta không thấy được rằng Thiên Chúa có thể ban sự sống cho con người qua những phương thế khác hay sao? Hiến chế “Ánh sáng muôn dân” cho chúng ta thấy vai trò và sự cần thiết của Giáo Hội đối với ơn cứu độ, và cũng nhìn nhận giá trị của các tôn giáo khác trong tiến trình cứu độ của Thiên Chúa: “Tất cả những gì là chân lý và ân sủng tìm thấy nơi các dân tộc như một sự hiện diện thầm kín của Thiên Chúa... Bởi vậy, những giá trị tích cực đã được gieo vào trong tâm hồn con người hay trong các lễ nghi và văn hóa của các dân tộc, không những không bị hủy diệt mà phải được thanh tẩy, thăng tiến và hoàn tất để Thiên Chúa được tôn vinh, ma quỷ phải xấu hổ và con người được hạnh phúc.”[5]
Thực tế, một cách nào đó chúng ta có thể nhận ra muôn vàn “hoa trái của Thánh Thần” không chỉ trong Kitô giáo, mà cả nơi những tôn giáo khác đó là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22–23). Thiên Chúa có thể làm mọi sự tốt lành vượt quá mọi khả năng giới hạn của con người.
2. Sự hòa điệu giữa văn hóa và Tin Mừng
Tin Mừng và văn hóa tuy khác biệt nhưng không hề mâu thuẫn và cũng không thể tách rời nhau. Cá không thể sống thiếu nước, cũng vậy, không thể tách rời Tin Mừng ra khỏi văn hóa được. Tin Mừng phải được sống, được loan báo và bám rễ vào một nền văn hóa cụ thể. Đức Kitô được sinh ra trong một nền văn hóa nhất định. Ngài cũng có một quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” như tất cả mọi người. Người nói, suy nghĩ và ứng xử theo nền văn hóa của người Do Thái và cũng có thể nói, chính nền văn hóa đó đã làm nên một con người Giêsu, một phong cách Giêsu. Qua từng bài giảng, từng dụ ngôn của Đức Giêsu, ta thấy Người thấm đẫm nền văn hóa dân tộc mình.
Qua dòng thời gian, Giáo Hội đã không tránh khỏi cơn cám dỗ tách yếu tố văn hóa ra khỏi Tin Mừng hay là loan báo Tin Mừng mang tính cách rập khuôn theo một nền văn hóa Tây phương nhất định. Bài học quá khứ cho chúng ta nhận ra rõ ràng hơn rằng văn hóa là địa hạt sống còn qua đó con người gặp gỡ được Tin Mừng. Đúng như văn hóa là thành quả của sự sống và hoạt động của một nhóm người, thì người nào thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn với sự thăng trầm trong nền văn hóa của mình. Khi nền văn hóa đổi thay, thì con người và não trạng của họ cũng phải thay đổi, thích nghi và hòa nhập. Từ viễn cảnh này, ta thấy rõ mối tương quan mật thiết giữa văn hóa và Tin Mừng là điều tự nhiên và thiết thực. Văn hóa không phải là Tin Mừng, nhưng không thể đem Tin Mừng đến với con người mà không thông qua nền văn hóa của ho. Đức Phaolô VI nói, việc tách biệt Tin Mừng ra khỏi văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng lẫn nền văn hóa.[6] Việc rao giảng Tin Mừng luôn bao gồm cả hai yếu tố cho và nhận.
“Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hóa khác của thế giới, Giáo Hội cũng tiếp thu từ các nền văn hóa khác nhau những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hóa đó.”[7] Trước khi loan báo nước hằng sống cho người phụ nữ ngoại đạo bên giếng Giacob, Đức Giêsu đã xin bà nước uống tự nhiên. Và nói một cách rốt ráo hơn, khi Thiên Chúa cho con người làm con Thiên Chúa, thì Ngài cũng muốn Thiên Chúa làm con loài người.[8] Thiên Chúa làm người, Ngài tôn trọng tất cả những gì thuộc về con người, đụng chạm đến cái gì sâu xa nhất là sự sống và sự chết của họ, để rồi qua sự sống giới hạn của con người, Ngài loan báo cho họ một sự sống viên mãn, qua cái chết của họ, Ngài loan báo cho họ một sự phục sinh, một đời sống mới.
Trong vũ điệu của văn hóa và Tin Mừng, chúng ta phải trân trọng từng nốt nhạc, từng cử điệu là những giá trị tinh túy của nền văn hóa, truyền thống của các tôn giáo, từ đó mới có thể khởi đầu một cuộc đối thoại, cùng nhau nỗ lực tìm về chân thiện mỹ, tìm ra đâu là chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
3. Đối thoại là một cách thế rao giảng Tin Mừng
Tuyên ngôn Dominus Jesus xác định: “Đối thoại chắc chắn không thể thay thế, nhưng đúng hơn, đi kèm theo sứ vụ truyền giáo, hướng về ‘mầu nhiệm hiệp nhất’ từ đó mà tất cả người nam và nữ, những kẻ được cứu chuộc, chia sẻ dù cách khác nhau, cùng một mầu nhiệm cứu độ trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Thần Khí của Người.”[9] Như vậy, trong việc đối thoại, một mặt ta phải luôn trân trọng những gì là chân thiện mỹ nơi các tôn giáo, nhưng mặt khác ta không thể lãng quên hay đánh mất căn tính của mình là đem Tin Mừng cho các dân tộc. Công đồng Vatican II định hướng rõ ràng cho việc đối thoại liên tôn là cùng nhau khám phá và làm triển nở những yếu tố “chân lý và ân sủng do sự hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa nơi mọi tôn giáo.”[10] Việc đối thoại theo tinh thần của Công đồng Vatican II phải đặt nền tảng trên sự “logic” của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Do đó không có gì ngoài tình liên đới sốt sắng và một tinh thần vô vị lợi thúc giục Giáo Hội đối thoại với những người nam nữ Á châu, là những kẻ tìm kiếm chân lý trong tình yêu.[11] Trong viễn cảnh này, Đức Gioan Phaolô II đã ngỏ lời với các thành viên của Hội đồng Đối thoại liên tôn: “Việc đối thoại liên tôn trong một mức độ sâu xa hơn, luôn luôn là cuộc đối thoại cứu độ. Bởi vì chủ tâm của nó là khám phá, làm sáng tỏ và hiểu rõ hơn cuộc đối thoại vĩnh cửu mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện với nhân loại.”[12] Để đạt đến một cuộc đối thoại như thế, chúng ta gặp không ít những thách đố trên bình diện cá nhân cũng như tập thể vì đã đụng chạm đến những vấn đề thiêng thánh là xác tín và niềm tin. Đây còn là cả một hành trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực suy tư cũng như sự dấn thân thực tế.
Khởi điểm cho việc tìm kiếm và dấn thân trong việc đối thoại và rao giảng Tin Mừng, chúng ta có thể khởi đi từ một đường hướng:
Đối thoại bằng sự sống và con tim
Một điểm gặp gỡ chung nhất đối với tất cả mọi người, mọi dân tộc, mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo đó là yêu thương và tôn trọng sự sống. Một nền văn hóa tình thương có sức mạnh vượt qua những giới hạn của ngôn ngữ, văn hóa và phong tục. Không có yêu thương thực sự thì sẽ không có đối thoại. Lúc này đối thoại trở thành đối đầu, dè chừng nhau. Đức Gioan Phaolô II luôn ưu tư đẩy mạnh nền văn hóa tình thương, nền văn hóa sự sống cho nhân loại đẩy lùi nền văn hóa của sự chết, của hận thù, bạo lực... Tin Mừng về sự sống vượt qua mọi ranh giới tín ngưỡng và tôn giáo. Trong thông điệp Tin Mừng về sự sống, Đức Gioan Phaolô II nhắc lại lời của thánh Gioan: “Tất cả những điều này, chúng tôi viết cho anh em, để niềm vui của chúng ta được trọn vẹn” (1Ga 1,4). Mạc khải Tin Mừng về sự sống được ban cho chúng ta như một thiện hảo để thông chuyển cho tất cả mọi người, để cho tất cả được hiệp thông với ta và với Chúa Ba Ngôi (x. 1Ga 1,3); cũng vậy, chúng ta sẽ không thể ở trong niềm vui đầy đủ nếu chúng ta không thông truyền Tin Mừng này cho những người khác mà chỉ giữ cho mình. Tin Mừng về sự sống không chỉ dành riêng cho những người có tín ngưỡng, được dành cho tất cả mọi người. Vấn đề sự sống, vấn đề bảo vệ và thăng tiến sự sống, không chỉ là đặc quyền của người Kitô hữu.”[13] Khởi đi từ điểm chung này trong tinh thần cởi mở, khiêm tốn, những người đối thoại có thể bắt tay nhau, lắng nghe nhau, tôn trọng nhau trong những mối khác biệt và cùng nhau truy tìm chân lý.
Vì việc đối thoại đi đôi với việc rao giảng Tin Mừng, hai công việc này thường không dễ dàng ăn khớp với nhau, nên việc rao giảng Tin Mừng tố hơn vẫn qua nẻo đường:
Sống đức tin như một chứng tá
Đức Gioan Phaolô II thường nhắc nhở chúng ta, thời đại này người ta cần chứng nhân hơn là thầy dạy. Kinh nghiệm của cha ông cũng cho chúng ta thấy rõ điều đó: “Lời nói thoảng qua, gương lành lôi cuốn.” Cộng đồng Kitô hữu càng đâm rễ sâu trong kinh nghiệm về Thiên Chúa, phát xuất từ một đức tin sống động, một lòng mến dồi dào, thì tự đời sống đó đã có sức mạnh như một lời giảng. Việc truyền giáo đích thực được định nghĩa là “hành động chiêm niệm và là sự chiêm niệm hoạt động.”[14] Đặc biệt trong môi trường các tôn giáo tại Á châu, một người có lòng đạo đức chân chính thì dễ dàng được người khác kính nể và noi theo. Sự cầu nguyện, chay tịnh và những hình thức khổ hạnh khác được coi trọng. Sự hy sinh, bỏ mình, khiêm tốn, đơn sơ và tĩnh lặng là những giá trị được những người theo những tôn giáo khác rất trân trọng.”[15] Thiết nghĩ, việc đối thoại đii kèm với một đời sống chứng tá là một cách thế rao giảng Tin Mừng trong bối cảnh xã hội đa phức văn hóa, tôn giáo ngày nay: “Giáo Hội nhận thức rằng, một đời sống chứng tá thầm lặng vẫn là con đường duy nhất để loan báo Nước Thiên Chúa ở nhiều nơi tại Á châu, những nơi mà việc rao giảng công khai bị ngăn cấm, và sự tự do tôn giáo bị chối từ hay bị hạn chế.”[16]
Sống chứng tá thầm lặng không phải là đặc sủng dành riêng cho ai, cho một nhóm người nào, nhưng đó là lời mời gọi, một trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu. Kế đến, trong việc đối thoại và rao giảng Tin Mừng, chúng ta cũng phải lưu ý đến một yếu tố khác không kém phần quan trọng:
Việc cử hành phụng vụ
“Phụng vụ là nguồn gốc và là tuyệt đỉnh của tất cả đời sống Kitô hữu và của việc truyền giáo. Phụng vụ là một phương thế quyết định của việc rao giảng Tin Mừng, nhất là tại Á châu, nơi mà nhiều người theo những tôn giáo khác nhau, rất ưa thích việc tế tự, những ngày lễ tôn giáo và những việc tôn kính bình dân.”[17]
Nhiều “tôn giáo” lớn tại Á châu như Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo... tự bản chất không phải là một đời sống lễ nghi tế tự; thế nhưng trong thực hành, tất cả các “tôn giáo” này đều mang nặng mầu sắc cúng vái, tế tự, xin ơn... và những hình thức lễ nghi này phần nào đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của con người. Thế nhưng Giáo Hội nhận thấy rằng: “Trong lòng dân chúng, văn hóa và tôn giáo tại Á châu có một cơn khát ‘Nước Hằng Sống’ (x.Ga 4,10–15), một cơn khát chính Thần Khí đã tạo ra và chỉ có mình Chúa Giêsu Cứu Thế mới có thể thỏa mãn đầy đủ.”[18] Chúa Giêsu có thể lấp đầy những khát vọng của họ cách nào, điều ấy duy Thiên Chúa biết; thế nhưng chúng ta luôn thâm tín rằng, trong đời sống phụng vụ của Giáo Hội, nơi thánh lễ, nơi các bí tích, người Kitô hữu bốn mùa được nuôi sống nhờ nguồn suối dồi dào, nguồn suối nước trường sinh chảy vọt ra từ cạnh sườn của Đấng đã chết và phục sinh, “Đấng hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn thế” (Hr 13,8). Khi chúng ta sống trọn vẹn đời sống phụng vụ của Giáo Hội, đó cũng là một cách thế chúng ta rao giảng Tin Mừng, và từ đó chúng ta đối thoại với việc phụng tự của các tôn giáo khác; yếu tố thiêng thánh vẫn ngấm sâu trong tâm hồn và trong các tôn giáo của họ.
Giáo Hội thời nào cũng thế, lúc thanh bình hay lúc bị bách hại, cũng phải luôn luôn tìm cách thi hành lệnh truyền của Đức Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” Nội dung loan báo Tin Mừng thì thời nào cũng như nhau, thế nhưng cách thế thì khác nhau; và có lẽ trong thiên niên kỷ thứ ba này, cách thế rao giảng Tin Mừng phải đi qua nẻo đường của đối thoại liên tôn; việc đối thoại này bắt nguồn sâu xa từ cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, Thiên Chúa mong ước con người đáp trả lời mời gọi yêu thương của Ngài và Ngài ban cho họ ân huệ tuyệt vời là sự sống.
Những người rao giảng Tin Mừng, những người làm công tác đối thoại phải là những người Kitô giáo trưởng thành và xác tín, từ đó họ dấn thân sâu xa trong một lãnh vực đòi hỏi phỉa rất cương quyết (để không đánh mất chính mình) và cũng rất mềm dẻo (để thích ứng và hội nhập) trong thái độ khiêm tốn và chân thành; và như thế chúng ta mới hy vọng có được một “vụ mùa bội thu” như Đức Thánh Cha mong ước. Giáo Hội luôn nhận thấy rằng sứ vụ của mình cao cả và diệu vợi vô cùng, muôn thách đố đang đòi hỏi chúng ta thi thố lòng quảng đại, sự dấn thân và lòng tín thác vào sức mạnh của Thần Khí, Đấng tác tạo và hướng dẫn lịch sử nhân loại tới tình trạng viên mãn, trong Đức Giêsu Kitô.
_____________
[1] x. Ecclesia in Asia, số 1.
[2] Ibid, số 20.
[3] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemtoris Missio, 28. For the “seeds of the word.”
[4] x. Ecclesia in Asia, số 15.
[5] x. Công đồng Vatican II, Ad Gentes, số 9.
[6] x. Ecclesia in Asia, số 21.
[7] Ibid.
[8] Theo tư tưởng của thánh Leo Cả: “Thiên Chúa làm con loài người để con người được làm con Thiên Chúa.”
[9] Thánh Bộ Đức tin, Tuyên ngôn Dominus Jesus, số 2.
[10] Công đồng Vatican II, Ad Gentes, số 9.
[11] x. Ecclesia in Asia, số 29.
[12] Nguyễn Thái Hợp, Đường vào thần học về tôn giáo, tr.47.
[13] Gioan Phaolô II, Thông điệp về sự sống, số 101.
[14] x. Ecclesia in Asia, số 23.
[15] Ibid.
[16] Ibid.
[17] Ibid., số 22.
[18] Ibid., số 18.