Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

ĐỐI THOẠI VÀ CHÂN LÝ

Thời sự Thần học - Số 23, tháng 3/2001, tr.

Donald J. Goergen, O.P.

Tham luận tại Hội nghị Đối thoại Liên tôn,
Tổ chức tại Bangkok, từ ngày 7 đến ngày 12/02/2001.

Mới hơn một năm trước, Kitô hữu Công giáo chúng ta còn đang chuẩn bị cử hành Năm Toàn Xá và bắt đầu một thiên niên kỷ mới. Đôi lúc tôi tự hỏi Giáo hội sẽ ở chỗ nào khi khởi đầu ngàn năm tới đây. Nhìn lại một ngàn năm trước, không riêng Giáo hội, mà cả những giáo huấn của Giáo hội cũng có vẻ như khác hẳn. Sự chia cắt dứt khoát giữa Đông và Tây đã không xảy ra. Không có Thomas Aquinas. Giáo hội thậm chí còn tập trung vào châu Âu hơn cả ngày nay. Các miền truyền giáo ở Mỹ châu, Phi châu và Á châu vẫn còn là một tương lai chưa được biết đến. Không có học thuyết Kinh Viện, không có Thệ Phản, không có Công đồng Trent.
Các đại diện tôn giáo cùng cầu nguyện cho hoà bình, tại Assisi
Một hình thức đối thoại liên tôn

Tương tự như thế, thật là thú vị khi hướng về một ngàn năm sắp tới xem khi ấy Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội sẽ ở vị trí nào. Nếu một vị Giám mục hay một người giáo dân vào năm 1000 không thể mường tượng được Kitô giáo sau Vatican II và Giáo hội cuối thế kỷ XX cũng như một số giáo huấn của Giáo hội sẽ như thế nào, thì chúng ta cũng không hy vọng thấy được những gì ở phía trước. Nhưng với vấn đề đa nguyên tôn giáo và đối thoại liên tôn, chúng ta đang nói về một tiến trình kéo dài hàng thế kỷ và cuộc tranh đấu về phương diện thần học để tuyên xưng đức tin mà chúng ta xác tín và những kinh nghiệm mà chúng ta phải trung tín. Vấn đề đa nguyên tông giáo là một trong những thách đố hàng đầu đối với Giáo hội trong thế kỷ XXI này.

Nếu như có một cuộc tập họp của các nhà giảng thuyết vào năm 300, có lẽ họ sẽ nói về việc làm thế nào để giảng thuyết về Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Linh. Những ngày này là thời điểm của “Hạ phục thuyết” (Subordinationism = cho là Chúa Con phụ thuộc Chúa Cha) hậu Origene – chẳng bao lâu sau phát sinh thành học thuyết Arianism, một học thuyết về Ba Ngôi tiền Công đồng Nicea, khi ấy vẫn chưa tìm được ngôn ngữ để nói lên điều Giáo hội tin tưởng, tức là một Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Linh. Nếu nhìn vào lịch sử giáo thuyết Kitô học, theo một nghĩa nào đó, Giáo hội đang chờ Công đồng Chalcedon để tuyên bố rằng Chúa Giêsu là hai mà một, nhưng hai gì, một gì, và ngôn ngữ chung nào có thể nói về đức tin qua các nền văn hóa, các quốc gia và ngôn ngữ? Mỗi nền đạo lý này đã trải qua hàng thế kỷ thành hình. Đạo lý sau cùng của Giáo hội liên quan đến tính ưu việt của Đức Kitô và giá trị của các tôn giáo cũng tương tự như thế.

Thông thường, chúng ta cố gắng đứng giữa hai xác tín, tìm một giá trị trung dung giữa hai cực. Một mặt, Giáo hội tin vào ưu việt tính của Đức Kitô, một duy nhất tính riêng biệt, một vai trò đặc biệt đối với Đức Giêsu Kitô trong ước mơ của Thiên Chúa đối với vũ trụ. Đó là niềm tin cốt lõi của truyền thống Kitô và của Tân ước. Đồng thời chúng ta ý thức, và càng ý thức hơn bao giờ hết, về sự hiện diện và hành động của Thánh Linh trong các tôn giáo lớn khác, rằng Thiên Chúa hiện diện ở đó, và rằng các tôn giáo ấy cũng là công trình của Ngôi Lời. Ở đâu có Thánh Linh, ở đó có ba trong một, có sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Mỗi truyền thống tôn giáo là một sự khác biệt. Như vậy thách đố chính là làm thế nào để diễn tả lòng tin vào Đức Giêsu Kitô, đồng thời vẫn bày tỏ lòng kính trọng đối với những công trình huy hoàng và nhiều mặt của Thiên Chúa ở ngoài phạm vi Kitô giáo hữu hình. Bạn và tôi đều là thành phần tham dự vào giáo huấn đang thành hình này. Chúng ta đã tìm được công thức chính xác để diễn tả chúng ta tin cái gì chưa? Chúng ta biết những gì là chân thật trong tâm hồn chúng ta chưa? Chưa đâu, nhưng chính việc tìm kiếm chân lý này đòi hỏi phải có đối thoại. Chúng ta cần có thêm kinh nghiệm về những gì Thiên Chúa đang làm ở nơi khác, nhờ đó mà hiểu được những gì Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô thực sự đang làm và quả thực Người là Đấng vẫn hiện hữu.

Chân lý đòi phải có đối thoại, và như vậy có nhiều cách đến với chân lý hơn là chỉ có đối thoại.[1] Nhưng việc tìm kiếm chân lý, chân lý tôn giáo, tìm kiếm sự viên mãn của chân lý không thể bỏ qua chân lý hiện diện trong các hệ thống tôn giáo khác với chúng ta. Chúng ta không thể nói trước được rằng chân lý đó tương tự như chân lý của chúng ta, chẳng qua được diễn tả một cách khác, hoặc tương thích với chân lý của chúng ta, hoặc không biết có xuất phát từ Cha, qua Con, trong Thánh Linh, có bổ túc cho hiểu biết của chúng ta không, hay chỉ giúp chúng ta hiểu biết sâu xa hơn những gì chúng ta đã tuyên xưng. Việc tìm kiếm chân lý đòi phải có tâm hồn rộng mở để đối thoại với những người mà chân lý của họ thoạt tiên có vẻ khác với chân lý của chúng ta, với những người thuộc các tôn giáo khác, niềm tin của họ có thể là lạ lẫm đối với chúng ta. Chúng ta cần có một tinh thần cởi mở của Tin Mừng, sự cởi mở mà chúng ta thấy nơi Đức Giêsu Nazareth, Đấng đã nhìn nhận sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa nơi người khác, nơi những người mà Người biết (chẳng hạn, Mt 8: 10–11; 15: 21–28; Ga 4: 1–15).

Chân lý là gì?[2] Chắc chắn không phải là cái được cất giấu như cất giữ trong nhà băng, từ đó khi nào cần thì chúng ta có thể rút ra để sử dụng. Đúng hơn, chân lý giống như một vật thu hút, điểm Omega lôi kéo chúng ta lại với nó. Chân lý, chúng ta hãy gọi đó là một Ai, chúng ta không bao giờ có thể nắm bắt, đạt được hoàn toàn, nhưng chúng ta ở trong cuộc hành trình hướng tới đấng ấy. Và có nhiều loại chân lý, loại kiến thức khác nhau: kiến thức khách quan, kiến thức cá nhân, kiến thức biểu trưng, và chân lý tôn giáo gồm chứa tất cả ba thứ đó.[3] Cuối cùng, chân lý tôn giáo là một lời mời gọi đi vào vũ trụ biểu tượng, một vũ trụ của ý nghĩa, một ý nghĩa – ở trong thế giới chúng ta hôm nay – phải liên đới với những cơ cấu và những vũ trụ khác.

Có nhiều điều chúng ta phải học biết. Theo giáo huấn Công giáo, sự toàn vẹn của chân lý nằm trong truyền thống. Nhưng điuè này không có nghĩa là chân lý ấy đã có sẵn để chúng ta nắm bắt. Nó chỉ đơn giản có nghĩa là Đức Kitô ở đó, và ở đó trong sự toàn vẹn của Người. Giáo hội không thiếu sự hiện diện của Đức Kitô trong Lời và trong bí tích. Nhưng nói rằng chúng ta có Lời Chúa và có các bí tích không có nghĩa là, xét theo cá nhân cũng như tập thể, chúng ta đã hiểu biết đầy đủ về tất cả chân lý. Thái độ của người tìm kiếm luôn luôn là thái độ cởi mở, thái độ của một môn sinh. Giáo hội lữ hành vừa là Giáo hội, vừa là lữ khách. Trên đường đi, chúng ta không thể loại trừ những lữ khách khác, dù là những cá nhân hay những truyền thống. Thiên Chúa cũng ở đó, và là Đấng Thiên Chúa mà chúng ta tìm kiếm. Là Giáo hội, chúng ta đã phạm những sai lầm. Hồi năm ngoái, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi cử hành ngày sám hối, một cách rất sống động và rất khiêm tốn, đã nhắc nhở chúng ta về việc Giáo hội có thể sai lầm và xin tha thứ những tội lỗi của chúng ta, tội lỗi của dân Chúa nhưng cũng là tội lỗi của một cơ chế. Bất cứ ai thực sự biết chân lý đều không thể không thấy nhục nhã. Không có chỗ cho sự cao ngạo. Chân lý kết án chúng ta vì tội lụy của chúng ta đồng thời mạc khải ân sủng của Thiên Chúa (Gioan Phaolô II, Dominum et vivifidantem, #35–41).

Chân lý đòi phải có đối thoại như là một trong những phương pháp để tìm hiểu chân lý, cũng như đòi hỏi sự khiêm tốn trước mầu nhiệm thần thiêng. Đối thoại không là gì khác hơn là việc tìm kiếm chân lý, tìm kiếm Đức Kitô toàn thể, tìm kiếm chính Chân Lý mà người Kitô hữu gọi là Thiên Chúa và nhìn nhận là Chúa của Đức Giêsu Kitô. Chúng ta không bao giờ được bỏ phần đóng góp của chúng ta vào công cuộc đối thoại, nhưng cũng không bao giờ được tránh né gặp gỡ trước hết với những gì có vẻ như là “ở ngoài Đức Kitô”. Bởi vì thực sự thì có cái gì đó gọi là “ở ngoài Đức Kitô” không? Khi suy nghĩ như vậy có thể có nghĩa là chúng ta vẫn chưa biết Đức Kitô. Hoặc cũng có thể có nghĩa là có nhiều thứ ở ngoài Đức Kitô, tức là tội lỗi, nhưng Đức Kitô khi ấy lại là Đấng ở trong Giáo Hội. Chính chúng ta cũng chẳng thanh sạch gì, đầy tội lỗi, ngu dốt, sai lầm và hiểu lầm. Có lẽ chỉ trong đối thoại chúng ta mới biết mình và biết chấn lý mà chúng ta gắn bó, thứ chân lý làm cho chúng ta được tự do (Ga 8,32).

Đối thoại là việc tìm kiếm chân lý, và chân lý cần phải có đối thoại vì luôn luôn có nhiều con đường dẫn tới chân lý, dẫn đến Tin Mừng, dẫn đến Đức Kitô Giêsu, vượt mức hiểu biết hiện tại của cá nhân, của tập thể hay của Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa và không đồng nghĩa với việc chúng ta nắm bắt chân lý hay đồng nghĩa với Giáo Hội Chúa Kitô.

Chẳng có gì mới mẻ khi nói rằng Giáo Hội từ sau Công đồng Vatican II đang học cách bước đi với hai chân, một chân là nhìn nhận giá trị nơi các tôn giáo khác, một chân là công bố tính ưu việt của Đức Kitô Giêsu. Đây là hai cực mà tài liệu “Đối thoại và Rao truyền”, một tài liệu liên kết giữa Hội đồng Giáo hoàng Đối thoại Liên tôn với Bộ Phúc Âm hóa các dân tộc.[4] Làm sao chúng ta có thể cùng lúc vừa khẳng định các tôn giáo và các nền văn hóa khác vừa đồng thời loan báo chân lý về Đức Kitô? Đối thoại và rao truyền có thể cùng là những chiều kích đích thực của sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội không? Tận sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta, có niềm hy vọng đối thoại liên tôn dẫn tới sự hoán cải không? Đó có phải là những công việc còn được giấu kín không?

Chắc chăn đây là nỗi sợ hãi, một nỗi sợ hãi có thể hiểu được và có lý, ở giữa nhiều anh chị em ngoài Kitô giáo. Lịch sử của chúng ta xét như là Giáo Hội không phải là kỷ niệm của lòng khoan dung. Chúng ta là những người mạnh mẽ đề xướng tự do tôn giáo trên khắp thế giới. Đó là giáo huấn của Giáo Hội, của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, của Công đồng Vatican II. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận rằng đó là một giáo huấn mới có đây. Một ngàn năm trước, thậm chí một thế kỷ trước, người Công giáo có lẽ ngạc nhiên khi nghe biết điều đó, bất ngờ khi đón nhận điều đó. Có phải chỉ có chúng ta là những người ủng hộ tự do tôn giáo ở các đất nước và các lục địa, nơi tôn giáo chúng ta là thiểu số, hoặc nơi những chế độ chuyên chế ngăn cản việc thực hành đức tin Công giáo? Tự do tôn giáo có nghĩa là gì ở những nơi chúng ta không phải là thiểu số, hoặc điều gì có thể xảy ra nếu một mai chúng ta trở nên mạnh hơn? Liệu giáo huấn hiện nay của Giáo Hội có tồn tại không? Liệu cố gắng loan báo Chúa Kitô và ước vọng làm cho người ta trở lại có xung khắc với lòng kính trọng các tôn giáo khác vốn cũng là giáo huấn của Giáo Hội không? Đây có phải là những vấn nạn hợp pháp không? Đâu là những ý tưởng, những niềm hy vọng và những mơ ước cuối cùng của chúng ta danh cho thế giới? Sống với nhau một cách đạo đức, đa nguyên, hòa hợp, có phải là khát vọng thâm sâu nhất của chúng ta hay chỉ là để thích ứng với thực tại? Chuyện này đưa chúng ta tới vấn đề chưa trả lời được về chuyện đa nguyên tôn giáo tồn tại trên khắp pháp lý (de jure) hay chỉ trên thực tế (de facto)?

Nhưng chúng ta hãy trở lại với đề tài đối thoại liên tôn và hoán cải. Trong Giáo Hội, sự hiểu biết hiện thời về đối thoại, xét như một yếu tố Phúc Âm hóa, không xem sự hoán cải là mục tiêu của đối thoại.[5] Điều đó đã rõ ràng. Mục đích của đối thoại là tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, người ta có thể nói với Kitô hữu rằng đối thoại là đức tin tìm kiếm sự hiểu biết. Chính đức tin là cái chúng ta đem đến với cuộc đối thoại, nhưng cũng chính đức tin là cái mà chúng ta tìm cách thâm nhập sâu xa hơn cùng với việc phân định chân thành hơn ân sủng và chân lý hiện diện trong các truyền thống tôn giáo khác. Như vậy xét theo một quan điểm, có thể gọi ad extra, hướng đến người khác trong đối thoại, mục đích của chúng ta không phải là sự hoán cải của họ, nhưng đồng thời, xét ad intra, đối với chính chúng ta, đối với đức tin và đời sống Công giáo, mục tiêu là sự hoán cải, sự hoán cải của chúng ta đểhiểu biết sâu xa hơn về sứ mạng và sứ điệp của Đức Giêsu Kitô. Theo kiểu nói của Raimon Panikkar, không thể có đối thoại liên tôn (interreligious) nếu không có đối thoại nội tôn (intrareligious).[6] Thứ đối thoại sau cũng quan trọng như thứ đối thoại trước, và có lẽ là thứ đối thoại mà chúng ta đối khi sợ, vì thứ đối thoại ấy cần phải xảy ra không những ở bình diện cá nhân mà cả ở bình diện Giáo Hội nữa. Đó chính là sự hoán cải không ngừng của chính Giáo Hội hướng về sứ mạng của Đức Kitô.[7]

Việc làm cho người khác trở lại – không phải trở về với Tin Mừng xét như là Tin Mừng, mà là với Giáo Hội – đầy dẫy nguy cơ Tây phương hóa, vốn bị các nền văn hóa lo ngại một cách chính đáng và còn có khả năng chống cự lại. Có thể có Phúc Âm hóa hoàn toàn và trọn vẹn mà không cần sự thống trị về văn hóa không? Có, một khi có sự kính trọng sâu xa đối với việc hội nhập văn hóa, điều mà Giáo Hội thời hiện đại cũng chưa có thành tích lớn lao gì. Chủ thuyết bảo thủ tôn giáo ở Tây phương sợ những hiệu quả gần như đảo ngược của phong trào thế tục hóa của Tây phương.[8] Nhưng ở Á châu, nỗi sợ của chủ thuyết bảo thủ tôn giáo là phong trào Kitô hóa và biểu hiện của phong trào ấy trong Giáo Hội Tây phương. Đồng thời, chúng ta phải nhìn nhận những hành động gây hấn, độc đoán, phi đa nguyên tôn giáo của chủ thuyết bảo thủ. Chúng ta trở lại vấn đề chủ thuyết đa nguyên tôn giáo thực sự có đáng ao ước không, hoặc thậm chí có khả năng tồn tại hòa hợp với các tôn giáo hay không? Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta phải tìm lời đáp cho những câu hỏi này trong Tin Mừng và trong Đức Giêsu Kitô. Đức tin của chúng ta phải nói gì, khi nhận ra tính mới mẻ trong câu hỏi này, hay ít nhất là nhận ra bối cảnh của câu hỏi đó ngày hôm nay. Rượu mới không hợp với bầu da cũ (mc 2,22), và một nền thần học mới không hợp với não trạng cũ.[9] Vì thế một trong những mục đích của đối thoại là hoán cải, nhưng là chúng ta hoán cải. Thánh Linh nói gì với Giáo Hội hôm nay (Kh 2,7.11.17.29; 3,6.13.22)?

Có thể có tôn giáo nào đó cũng cho mình có quyền tuyên xưng về Thiên Chúa không? Thiên Chúa có thiên vị không (Cv 10,34: “Ông Phêrô mở miệng nói: tôi thành thật nhìn nhận rằng Thiên Chúa không thiên vị...”). Ở đây tôi đang nói về Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa của Đức Giêsu có từ khước những truyền thống tôn giáo khác không? Thiên Chúa hiểu họ như thế nào? Họ là những hậu quả của tội trong thế giới, hay là công việc của Thánh Linh, Thần Khí của Đức Kitô phục sinh, cũng một Thánh Linh, Đấng mà, nhờ Người, Đức Giêsu được thụ thai và chỗi dậy từ kẻ chết?

Tất cả những tôn giáo lớn trên thế giới phải được xem như là những truyền thống sống động, tràn đầy sự sống, và trong khi hình thành, phải được xem như truyền thống của chúng ta. Tất cả những lịch sử tôn giáo cụ thể đều là nguồn thất vọng và đáng xấu hổ. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo lại là một hồng ân, một sự tạo dựng của Thiên Chúa, mà những ý định của Người ở mỗi thời điểm trong mạc khải giấu ẩn có thể không hiển nhiên. Điều rõ ràng là Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người tôn giáo, nam cũng như nữ, Thiên Chúa chọn lựa tất cả những truyền thống tôn giáo lớn, và không có gì như là một dân không được chọn, ít nhất là được Thiên Chúa chọn lựa. Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người, như chúng ta đã biết rõ ( 1Tm 2,4). Mối tương liên giữa các tôn giáo phải nhường lại cho mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhưng tạm thời, điều chúng ta biết, và đã từng luôn luôn biết, điều trọng tâm của giáo huấn Tin Mừng, là Thiên Chúa – Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô – là tình yêu, là agape. Nói về phương diện tôn giáo, những người khác đều là bạn hữu của Thiên Chúa. Và chính để làm bạn với họ mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta và khích lệ chúng ta. Họ là những người bạn của chúng ta trong cuộc tìm kiếm của nhân loại, chứ không phải là những đối thủ của chúng ta.

Mục đích đối thoại liên tôn là học hỏi, tôn trọng, hiểu biết chắc chắn, nhưng cũng là kiến thức sâu xa về Đức Giêsu Kitô và về Thiên Chúa của Đức Kitô, nói cách khác, đó là sự hoán cải của chúng ta. Lời kêu gọi hoán cải này là lời kêu gọi không ngừng, liên tục, vừa là lời kêu gọi mỗi người xét như là cá nhân đồng thời là lời kêu gọi Giáo Hội xét như là tập thể. Đối thoại là điều khẩn thiết vì Giáo Hội cũng như vì Tin Mừng (1 Cr 9,23).

Như vậy đối thoại đặt ra cho chúng ta vấn nạn: Đức Giêsu Kitô là ai? Không chỉ là câu hỏi, Đức Giêsu là ai (Mc 8,29), mà còn là câu trả lời của Phêrô, câu trả lời của chúng ta, chúng ta nói “Đấng Kitô” nghĩa là gì? Từ ngữ “Giêsu Kitô” đối với chúng ta nghĩa là gì? Trước hết kiểu nói ấy là một lời tuyên xưng đức tin, rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Đấng duy nhất, Đấng thiên sai của Thiên Chúa, là sứ giả độc nhất và là Đấng trung gian ơn cứu độ. Thế nhưng, những từ “Giêsu Kitô” nghĩa là gì? Ở đây chúng ta không đề cập tới ngôn ngữ thông thường, tới nghĩa đen, cũng không phải kiến thức phân tích hay kiến thức khách quan. “Giêsu Kitô” không phải là những từ ngữ đơn giản, những dấu chỉ đơn giản, những dấu chỉ quy ước mà chúng ta dùng để nói lên một ý nghĩa. Đúng hơn, “Giêsu Kitô” nằm trong trật tự của cái mà chúng ta gọi là ngôn ngữ biểu tượng.[10] Một cách cơ bản, chính Đức Giêsu Kitô là biểu tượng của Thiên Chúa, không phải là “một biểu tượng thuần túy,” nhưng đó chính là Đấng mà Đức Giêsu thực sự là.

Tất nhiên, Đức Giêsu Kitô đây là Giêsu người Nazareth, một Đức Giêsu lịch sử ở trần gian, cuộc sống, sứ mạng, sứ vụ và cái chết của Người đã là đối tượng của nghiên cứu của lịch sử từ hai thế kỷ nay. “Giêsu Kitô” là Đức Giêsu Kitô đó, Đấng đã sống, đi lại, nói năng giữa chúng ta. Nhưng “Giêsu Kitô” cũng chỉ về Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Cv 2,36; Pl 2,11).[11] Đây cũng chính là cùng một Đức Giêsu đích thực. Chỉ có một Đức Giêsu Kitô, đã bị đóng đinh và đã sống lại. Nhưng biểu thị, điểm quy chiếu, ý nghĩa thì không luôn luôn như nhau. Chúng ta sẽ nói nhiều hơn khi bàn tới “Đức Kitô sống lại” hơn là khi nói về “Đức Giêsu Nazareth”.

“Giêsu Kitô” lại cũng có nghĩa là Đức Giêsu nhập thể. Đức Giêsu Kitô là Lời nhập thể. Thế nhưng Đức Kitô cũng có thể quy chiếu về Lời tiền nhập thể, người Con vĩnh cửu hằng ở với Chúa Cha ngay từ ban đầu. Chúng ta rất quen thuộc với tự ngôn trong Tin Mừng Gioan (Ga 1,1–18), nhưng Côlosê lại gợi đến một Đức Kitô tiền hữu (1,15–20). Như chúng ta thấy, từ ngữ “Giêsu Kitô” là từ đa giá trị, đa cấp độ, bao hàm nhiều tầng ý nghĩa, phong phú và gợi mở: Đức Giêsu Kitô, Đấng hôm qua, hôm nay, và sẽ đến, alpha và omega (Kh 1,8). Không chỉ là Đấng tiền hữu, Đức Kitô còn là Đấng phải đến. Nhưng ngay cả ở đây, với tất cả ý nghĩa này, chúng ta vẫn chưa nhắc đến Đức Kitô toàn thể, totum Christum (Phaolô, Augustine), vì lẽ Đức Kitô là gì nếu không có các chi thể của Người? Đức Giêsu không phải là Đấng chỉ có một mình. Độc nhất tính của Người không phải là một cá thể bị cô lập, bị đứt mạch liên kết. Trong Người, tất cả chúng ta được làm thành toàn thể, được nên một. Đức Giêsu Kitô cũng quy chiếu về Đức Kitô toàn thể này, Đức Kitô vũ trụ, Đức Kitô tạo dựng, Đức Kitô phổ quát, trong Người và qua Người mà Thiên Chúa sẽ là tất cả trong mọi sự, Người sẽ trao mọi sự cho Cha (1 Cr 15,24–28), Người hoàn toàn không tách rời khỏi các chi thể của mình,[12] Đấng mà phổ quát tính của Người còn có thể mở rộng hơn nữa.

Như theo cách nhìn của Teilhard de Chardin, thân mình Đức Kitô không chỉ là huyết nhục, không chỉ là một phần của vũ trụ mà Người sở hữu trọn vẹn, mà còn là trọn vẹn vũ trụ mà Người sở hữu một phần.[13] “Giêsu Kitô” không chỉ là những từ ngữ, những từ ngữ có một ý nghĩa. Những từ ngữ ấy không chỉ có nghĩa là Đức Kitô, Đức Giêsu Nazareth, mà còn là Đức Kitô toàn thể, gồm có đầu và các chi thể, một Đức Kitô chưa trọn vẹn vẫn còn đang trong tiến trình hoàn thành vì thân mình Người chưa được hình thành đầy đủ, một Đức Kitô mà trong Người những ai không phải là Kitô hữu minh thị cũng đều có chỗ, một Đức Kitô huyền nhiệm, mysterium Christi, Đấng mà đứng trước Người, đứng trước mầu nhiệm, chúng ta run sựo, Đấng mời gọi chúng ta đi vào trong chính mầu nhiệm của Thiên Chúa, làm cho chúng ta được chia sẻ sự sống Thiên Chúa. Không chỉ có Đấng là Đức Giêsu, nhưng cả Đấng là Đức Kitô, cũng là vấn đề của chúng ta.

Đôi khi Đức Kitô của người Kitô hữu có thẻ là quá nhỏ bé. Có nhiều con đường để đến với Đức Kitô hơn những cách từ trước tới nay chúng ta vẫn quy gán cho Người. Tiến trình Kitô hóa, tiến trình hoán cải của chúng ta chưa hoàn tất. Chúng ta biết Đức Kitô trong tinh thần và chân lý, nhưng vẫn còn nhiều cách nữa. Không đơn giản, tôi tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng Đức Kitô mà tôi tin là ai? “Giêsu Kitô” là một ngôn ngữ gây sự căng thẳng, một ngôn ngữ biểu tượng, vì chính Đức Giêsu đã là và đang là một biểu tượng siêu cá vị, như Đức Phật, Bồ Đà Tất Đạt Đa.[14] Mỗi vị mời gọi người ta đi vào một vũ trụ biểu tượng, một thế giới của ý nghĩa, và những thế giới này không nhất thiết loại trừ nhau. Đồng thời không có thế giới nào ở dưới bề mặt của cùng một thực tại trong một bộ áo khác nhau. “Giêsu Kitô” là một ngôn ngữ biểu tượng, và các từ ngữ không độc quyền cũng không giới hạn. Những từ ấy đưa chúng ta vào một thế giới rộng lớn hơn chúng ta có thể tưởng. chúng ta tưởng là mình đã nắm chắc vấn đề. Chúng ta được đưa ra khỏi chính mình, vượt quá hiểu biết tri thức để tới sự chiêm ngắm, thậm chí là một sự chiêm ngắm phú bẩm – mà tách rời khỏi sự chiêm ngắm đó thì chúng ta thực sự không còn nhận biết Đức Kitô nữa.

Chân lý không chỉ là tri thức khách quan và ngôn ngữ đức tin không chỉ có nghĩa đen. Chúng ta đang nói về việc tiếp cận mầu nhiệm duy nhất, tối hậu, thánh thiêng, “mầu nhiệm thứ nhất mà không có mầu nhiệm thứ hai” của Upanishads (Mandukya, Chadogya, Swetasvatara, Upanishads trong số những cái khác). Trong nhà Cha tôi có nhiều chỗ ở. Theo Tin Mừng Gioan, biết Đức Giêsu Kitô trong chân lý là trở thành môn đệ của Người. Tôi tin điều đó. Nhưng biết Đức Giêsu Kitô trong tinh thần và chân lý cũng có nghĩa là biết rằng Đức Giêsu không bao giờ mà cũng không hề độc quyền. Đức Giêsu không giam hãm Thiên Chúa.

Đức Kitô không giam hãm Thiên Chúa, trái lại, Đức Kitô mạc khải Thiên Chúa. Đức Kitô tỏ lộ Thiên Chúa, nhưng không giới hạn Thiên Chúa. Đức Kitô là hình ảnh của Đấng vô hình (Cl 1,15). Đức Kitô thuộc về tất cả mọi người, chứ không phải của riêng Kitô hữu, cho dù Kitô hữu có đường lối độc đáo duy nhất để tiếp cận với Đức Kitô qua Giáo Hội và các bí tích. Đức Kitô là Logos nhập thể, nhưng theo truyền thống Công giáo, và theo thần học của các giáo phụ, Logos này không bị giới hạn nơi sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu. Có nhiều cách để đến với Logos chứ không phải các duy nhất là Đức Giêsu. Logos đã hiện diện và hành động trong việc tạo dựng và trong lịch sử trước khi Đức Giêsu nhập thai. Hạt giống về Logos đã có ở đó, và chính Logos cũng đã có ở đó. Không có gì hiện hữu mà không nhờ Logos (Ga 1,1–14).

Lời nhập thể là Lời, và Lời cũng là Lời nhập thể. Nhưng sự hiện diện và hành động của Lời rộng lớn hơn sự hiện diện và hành động của Đức Giêsu Nazareth trong lịch sử. Kitô hữu tin rằng Đức Giêsu là sự hiện diện sâu đậm nhất của Lời trong lịch sử, không bị vượt qua và không thể vượt qua được, nhưng không phải là sự hiện diện duy nhất và độc quyền của Lời, mà là sự biểu lộ tuyệt đích của cái hiện diện ở nơi khác. Đức Giêsu không làm tan biến Lời nhưng hàm chứa Lời một cách trọn vẹn. Đó là Đấng mà Đức Giêsu là, và đó là Đấng mà Lời là, nhưng sự hiện diện của Thiên Chúa trong Đức Kitô không hạn chế sự hiện diện của Thiên Chúa, mà mạc khải sự hiện diện ấy. Lời mạc khải. Đó là điều mà Lời làm như là việc tự truyền thông, tự mạc khải của Thiên Chúa. Lời ở với Thiên Chúa, Lời là Thiên Chúa, Lời là Thiên Chúa tự truyền thông, tự tỏ bày, vươn ra, đến gần, gần gũi, ở giữa chúng ta, là Đấng Emmanuel (Is 7,14; Ga 1,1–18). Lời là nền tảng cho tất cả chân lý tôn giáo và là mối dây nền tảng nối kết các tôn giáo trên thế giới.

Như vậy có nhiều cách để đến với Lời hơn là sự hiện diện nhập thể trong Đức Giêsu và tự đồng hóa với Đức Giêsu, và có nhiều cách đến với Thánh Linh hơn là hoạt động của Thánh Linh nơi Đức Giêsu và trong Giáo Hội. Lời và Thánh Linh hiện diện và hoạt động trong tất cả các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới – cũng một Lời là Đức Giêsu, một Thánh Linh duy nhất, nguồn mạch sự duy nhất và sự đa dạng trên thế giới và nơi các tôn giáo trên thế giới. Thánh Linh và Người Con duy nhất được sinh ra không giam hãm Thiên Chúa. Các Ngài không phải là Thiên Chúa bị giam hãm nhưng là Thiên Chúa được mở ra, nguồn mạch tự tại và hiện diện của Thiên Chúa. Các Ngài là Thiên Chúa mạc khải chính mình và trao ban chính mình.

Ở nơi sâu thảm nhất của linh hồn chúng ta, ở trong tinh thần hay thần trí của con người, ở trong hồn của linh hồn chúng ta, hay là như Upanishads nói, ở trong chốn hoan lạc của tâm thần (Katha, Prasna, Mundaka, Brihadaranyaka, Swetasvatara Upanishads), có Thánh Linh ngự trị, và chính nơi đó Thiên Chúa và tôi trở nên một, nơi đó Thánh Linh và thần trí con người trở nên một. Con và Thánh Linh là Thiên Chúa mở ra ngoài, là nền tảng sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa, là nguyên ủy sự thần hóa của chúng ta. Các Ngài không bao giờ giới hạn sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chúng ta.

Ý thức về tự do, quyền năng và vẻ huy hoàng của Thiên Chúa là điều trọng yếu đối với tất cả nền thần học Công giáo và cách riêng nền thần học Đa Minh. Chúng ta đã quen với một ý kiến khá muộn của thánh Tôma Aquino trong bộ Tổng luận Thần học về mục đích của mầu nhiệm Nhập thể và vấn đề liệu Thiên Chúa có nhập thể nếu như loài người không phạm tội không (III,1,2). Ý kiến được giải trình trong bộ Tổng luận thì khác với ý kiến của sư phụ là thánh Albert. Thánh Albert cho rằng có lẽ Thiên Chúa nhập thể cho dù Adam không phạm tội, mặc dù thánh nhân chủ trương rằng chúng ta không thể chắc chắn về điều này.[15] Ý kiến của thánh Albert dựa trên sự tự do của Thiên Chúa và như thế là dựa trên việc không thể thấu hiểu được Người; sự tự do của Thiên Chúa xác định chúng ta và đến với chúng ta như ân sủng. Quyền năng của Thiên Chúa cũng không thể bị giới hạn. Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, và chúng ta phải để cho Thiên Chúa là Thiên Chúa, và bất cứ khi nào chúng ta hạn chết hay thậm chí xác định Thiên Chúa, thì đó không phải là Thiên Chúa, Chúa của Đức Giêsu Kitô, Đấng mà chúng ta nói đến. Chúng ta đang nói về mình hơn là nói về Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng mà Thiên Chúa là (Xh 3,14) và khôngt ùy thuộc vào những quy định của chúng ta.

Chính thánh Tôma đã tỏ ra ý thức rất rõ về tự do và quyền năng của Thiên Chúa. Người nói với tư cách là một nhà thần học biết Thiên Chúa một cách chân thật, đã gặp Thiên Chúa, đã cảm nghiệm Thiên Chúa. Trong phần thứ ba của bộ Tổng luận (III 3,7), khi nêu câu hỏi Thiên Chúa có lẽ đã nhập thể hay có thể trở thành xác phàm trong một bản tính nhân loại khác nào nữa không, thì hơn một lần, thánh nhân trả lời là có. Bây giờ thì trong bộ Tổng luận, thánh Tôma ý thức hơn về độc nhất tính của Đức Kitô, mà về sau người giải quyết một cách rất thỏa đáng trong bộ Tổng luận ở vấn đề 17 thời danh, phần thứ ba, nhưng thánh nhân hoàn toàn biết rằng không gì có thể giới hạn được Thiên Chúa, rằng Thiên Chúa có thể trở thành nhục thể, nhập thể thực sự theo cách Kitô hữu chúng ta hiểu về sự nhập thể, hơn trước kia. Điều này có thể khó lãnh hội, nhưng đối với thánh Tôma, đó chính là thực tại mà trước đây chúng ta đã biết về Thiên Chúa. Điểm mấu chốt của những ví dụ này là chế độ Kitô giáo, là mạc khải, hoàn toàn không giới hạn tự do và quyền năng của Thiên Chúa. Trái lại, chúng còn tỏ lộ tự do và quyền năng ấy.

Trở lại vấn đề đối thoại và chân lý. Đây là hai người bạn đồng hành, chứ không phải hai đối thủ. Chúng ta có thể có cái này mà không có cái kia được không? Chân lý là gì? là vấn đề muôn thuở. Đó không phải là cái chúng ta chiếm hữu, nhưng là cái chiếm hữu chúng ta. Có nhiều loại chân lý và có những tầng chân lý. Có thứ chân lý trong kiến thức do sự tương đồng với thực tại. Có thứ chân lý nằm dưới những thực tại và kinh nghiệm tương phản. Có thứ chân lý của cá nhân tôi, của bản ngã tôi. Nhưng việc tìm kiếm chân lý bao hàm đối thoại, với chính tôi, với những người khác, với các học giả, với người nghèo, với cả người nam lẫn người nữ, với những người có niềm xác tín tôn giáo khác, với Thiên Chúa. Nói một cách đơn giản, đối thoại là sự tìm kiếm chân lý. Cuối cùng, đối thoại là truy tầm Thiên Chúa, là con đường của kẻ kiếm tìm. Hãy đề phòng những kẻ nói rằng họ yêu mến những người họ không trông thấy, nhưng lại không yêu mến những người họ có thể trông thấy (1 Ga 4,20). Cũng thế, hãy đề phòng những kẻ nói rằng họ có chân lý và không cần tìm kiếm chân lý nữa. Chân lý mời gọi chúng ta lên đường và có rất nhiều bạn đồng hành với chúng ta trên lộ trình. Phải cẩn thận để đừng nghĩ rằng chúng ta không cần đến họ. Đối thoại là cố gắng để hiểu sâu xa hơn về Đức Kitô mà chúng ta loan báo. Mục tiêu của đối thoại là chân lý, là lý do hiện hữu, là nguyên cớ cuối cùng của chân lý.

Có nhiều cấp độ, nhiều loại hay hình thức đối thoại:[16] đối thoại giữa sự sống và chứng từ, trong đó chúng ta tương tác với nhau, đối thoại của sự tương tác nhân loại để tìm kiếm một thế giới công bình và nhân đạo hơn, đối thoại giữa trái tim và tâm hồn trong đó chúng ta đến với nhau trong kinh nguyện, và đối thoại giữa các tâm trí nhằm tìm kiếm sự hiểu biết tri thức không bao giờ là một lần cho tất cả, cũng như một cuộc đối thoại thiêng liêng sâu xa trong đó chúng ta đến với nhau như cá nhân với cá nhân và cố gắng thấy những gì người khác thấy.[17] Mỗi thể thức đối thoại đều góp phần vào việc tìm kiếm chân lý. Nền thần học giải phóng giúp chúng ta ý thức rằng chân lý không chỉ là cùng chúng một tâm trí mà còn là thăng tiến con người, và những nền thần học bối cảnh cảnh giác chúng ta để đừng chủ trương rằng chúng ta đến với chân lý hoặc diễn tả chân lý một cách xa rời mọi người. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của mọi người. Cuối cùng, có lẽ người chiêm niệm là người gần chân lý nhất khi biết điều chúng ta không biết. Khổng Tử nói, biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết, đó mới là biết vậy.

Chúng ta có thể biết Thiên Chúa thực sự không? Thiên Chúa có thể là Đấng được chúng ta biết không? Nếu tôi cho rằng tôi biết Thiên Chúa, có thực đó là Đấng Thiên Chúa mà tôi biết không? Ông Gióp lại không nghĩ là mình biết Thiên Chúa sao? Sau khi tranh luận với Thiên Chúa, ông có biết Thiên Chúa không? Hay ông chỉ biết Thiên Chúa khi ông hiểu được câu hỏi, “Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền cho trái đất?” (G 38,4). Cả chân lý lẫn đối thoại đều dựa trên sự khiêm tốn. Càng khiêm tốn, chúng ta càng gần chân lý.

Điều này đưa tôi đến vấn đề cuối cùng. Đối thoại có phải là con đường đưa đến tương lai, con đường đưa tới thiên niên kỷ mới, trong công cuộc chung của nhân loại là tìm kiếm chân lý, tìm kiếm chân lý tối hậu, tìm kiếm Thiên Chúa không? Đối thoại có thích hợp hơn với những gì mà những khoa học mới về sự phức hợp cho chúng ta biết không? Nếu chân lý bao hàm sự tương hợp với thực tại, thì những khám phá mới trong khoa học sẽ cho chúng ta biết đôi điều về tính phức hợp của vũ trụ. Điều đó cho biết vũ trụ là như thế nào.[18] Khoa học hiện đại đã tiến đến khoa vũ trụ học mới, lý thuyết hỗn mang, và các khoa học về sự phức hợp. Khoa học dạy chúng ta về tính chất không thể nói trước được của vũ trụ, thứ trật tự kiên bền trong cái hỗn độn của vũ trụ, cái tính chất liên kết của tất cả thực tại, không phải là hỗn mang, nhưng đan cài vào nhau, những hệ thống phức hợp phát triển trong một khu vực giữa họa tính (trật tự quá) và tình trạng hỗn loạn (mất trật tự quá). Ở mỗi cấp độ phức hợp có cái mới nào đó nảy sinh, không thấy trước được, không tiên đoán được, tựa như một tiến trình cách mạng chào đời, đưa đến một cuộc đời có suy tư, một cuộc đời con người, một cuộc đời tôn giáo. Ở một ngưỡng nào đó, sự phức hợp có tính cách sáng tạo và do vậy là một cái mới trong vũ trụ. Những giai đoạn “quá độ” này bao gồm cả trật tự lẫn hỗn mang. Ta có thể nói đó là nơi mà Thánh Linh sống động và hoạt động một cách đặc biệt.

Phẩm trật đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng này, bởi đó hỗn loạn quá hoặc kiếm soát quá đều không phải là điều đáng ước mơ.[19] Phải có thứ bậc khi kiếm soát để hệ thống không trở thành hỗn loạn, nhưng đồng thời những cơ cấu phẩm trật phải cởi mở kẻo kiểm soát nhiều quá sẽ khiến cho hệ thống trở thành ù lì hoặc chết. Cần có thông tin xuyên suốt từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Cơ cấu cần phải dựa trên sự phản hồi. Những điều này liên quan đến những hệ thống phức hợp có khả năng thích nghi, và ta có thể mô tả Giáo Hội theo cách này: một mạng lưới nhiều tác nhân hoạt động chung với nhau, với nhiều cập độ tổ chức, luôn luôn trong giai đoạn quá độ và không ở trong thế cân bằng, vì cân bằng có nghĩa là chết và không pahri là mục tiêu của hệ thống, bởi lẽ chúng ta không tìm kiếm sự ổn định mà tìm kiếm sự sống, không tìm kiếm sự hoàn hảo, mà tìm kiếm khả năng thích nghi. Là Giáo Hội, chúng ta đứng ở ngưỡng cửa trong cuộc đối thoại với các tôn giáo, một giai đoạn đầy tiềm năng, nơi đó nỗi sợ sự hỗn mang là có thực, và như vậy ước vọng kiểm soát trở nên mạnh mẽ, thế nhưng chính sự phức hợp đem lại cơ hội quan trọng và có tính cách sáng tạo trong việc cộng tác...

Trong việc đối thoại giữa các tôn giáo và trong việc tìm kiếm chân lý, chúng ta trở lại với Thánh Linh, nguồn mạch sự hiệp nhất và sự đa dạng, nguồn mạch sự ổn định và sự canh tân. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Cùng một Thánh Linh luôn luôn là nguyên lý năng động của sự đa dạng và hiệp nhất trong Giáo Hội.”[20] Và triết gia Ernst Cassirer khi phân tích về văn hóa cũng nhận xét: “Trong mọi hoạt động của con người, chúng ta đều thấy có một cực nền tảng, được diễn tả bằng nhiều cách khác nhau. Chúng ta có thể nói đến một sự căng thẳng giữa ổn định và sự tiến hóa, giữa một khuynh hướng muốn cố định và vững chắc với một khuynh hướng muốn phá vỡ bộ khung cứng ngắc, một khuynh hướng bảo thủ và một khuynh hướng canh tân. Tuy nhiên, hiếm khi chúng ta nói tới sự đối lập giữa hai khuynh hướng nói trên. Tất cả đều ở trong tình trạng cân bằng hoàn hảo...”[21]

Chúng ta hãy tiếp tục mở ra với đối thoại. Có nhiều điều phải học hỏi. Chúng ta đừng tự nhốt mình. Vì như thế chúng ta sẽ không biết Thánh Linh đưa chúng ta đi đâu. Thần Khí học mà tách rời khỏi Kitô học thì sẽ giản lược thành hình thức trước đây của Kitô học. Và Thánh Linh, khi tác rời khỏi Lời, không thể bị hạn chế vào những công trình mà Lời đã hoàn thành trong lịch sử. Như cha Teilhard de Chardin đã nhận thấy, một khoa vũ trụ học mới cần có một khoa Kitô học mới và ngược lại, và cả hai cùng với Giáo Hội học được đặt nền trên Thần Khí học. Cũng như điều này có thể là khó hiểu, hoặc nguy hiểm, thánh Tôma Aquinô cũng vậy, sự khám phá một thế giới mới, một loại thuốc mới cũng có thể là nguy hiểm cho anh chị em của chúng ta hồi năm 1000. Nhưng Thánh Linh không thể bị giới hạn bởi hiện tại; Thánh Linh là nguồn mạch hy vọng trong tương lai, tương lai này hoàn toàn không được xác định trước bởi quá khứ. Đối thoại và chân lý phải dẫn bước chúng ta nắm tay nhau đi trong tương lai chung của nhân loại.

TAM CHUNG tóm lược 
_______
[1] x. Gioan Phaolô II, Dives in Misericodia, #3, Đối thoại và Loan truyền, #9, Văn phòng Thư ký Những người ngoài Kitô giáo, Thái độ của Giáo hội đối với Những người theo các tôn giáo khác, Những suy tư và Định hướng để đối thoại và Truyền giáo, #3. 
[2] Về chân lý, xin xem Vatican II, “Phẩm giá con người”, tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, số 3. 
[3] x. Donald J. Goergen, Sự chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu (Wilmington, Del: Michael Glazier, 1988). 

[4] Đối thoại và Rao truyền, #81. 
[5] Xem chú thích 1. 
[6] x. Raimon Panikkar, Đối thoại nội tôn, ấn bản hiệu đính (New York: Paulist Press, 1999) 
[7] Về sự hoán cải, xem Thái độ của Giáo Hội... #37, và Đối thoại và Rao truyền, #41. 
[8] x. Karen Amstrong, The Battle for God (New York: Alfred A. Knopf, 2000). Cũng xem Gioan Phaolô II, Đối thoại giữa các nền văn hóa vì một nền văn minh tình thương và hòa bình, #9. 
[9] Xem chú thích 6. 
[10] Donald J. Goergen, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Con Đức Maria, Đấng Emmanuel, pp.184–220. 
[11] Nghiên cứu bình luận của Raimon Ranikkar, “... một cách cơ bản, Đức Kitô thực không phải là kerygma của Đức Chúa, mà là chính Đức Chúa. Nguyên Đức Kitô cũng có nghĩa là ‘Đức Kitô đã bị dekerygmatized’.” Đối thoại nội tôn, 88. 
[12] “Nhưng, cũng phải nói thật là kỳ diệu dù có lẽ là Đức Kitô cần đến các chi thể của Người.” Piô XII, Mystici Corporis, #44. 
[13] Teilhard de Chardin, “CƠ thể con người chính xác là gì?” trong Khoa học và Đức Kitô (New York: Harper and Row, 1968): 11–13. 
[14] Donald Goergen, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, Con bà Maria, Đấng Emmanuel, pp.199–200. 
[15] Donald Goergen, “Thánh Albert cả và thánh Thomas Aquinas bàn về động lực của sự Nhập thể.” The Thomist 44 (1980): 523–38. 
[16] x. Đối thoại và Rao truyền, #42, dựa trên Thái độ của Giáo Hội...#28–35. 
[17] Về thứ đối thoại sau này, xc. Panikkar, Đối thoại nội tôn, 37–39, 47–50, 61–63, 73–75. 
[18] x. Mitchell Waldrop, Phức hợp, khoa học nổi lên từ bên bờ trật tự và hỗn mang (New York: Simon and Shuster, 1992). Xin cũng xem Teihard de Chardin cũng như Ken Wilber và Sri Aurobindo về sự hòa nhập khoa học và thần bí học. 
[19] x. Ken Wilber, Tính dục, Sinh thái, Tâm linh (Boston: Shambhala, 1995), pp.43–78. 
[20] Gioan Phaolô II, Kitô hữu giáo dân, #20. 
[21] Ernst Cassirer, Khảo luận về con người, Nhập môn triết học về văn hóa nhân loại (Yale university Press, 1944): 224, 226.