Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

LỜI THIÊN CHÚA, CÁC TÔN GIÁO VÀ NỀN VĂN HÓA THẾ GIỚI

Thời sự Thần học - Số 23, tháng 3/2001, tr.

Claude Geffré, O.P. - Văn Hạ chuyển ngữ


Khi đề cập tới một chủ đề rộng lớn như trên, thật khó có thể diễn tả rạch ròi vấn đề vừa đạt mức độ phổ quát, vừa tác động đến người lắng nghe Lời Thiên Chúa trong một hoàn cảnh cụ thể, tức trong bối cảnh văn hóa và lịch sử của chính họ. Thế nhưng, tôi nhận thấy cần phải lướt qua mức độ phổ quát của vấn đề và muốn đi vào chi tiết bằng Lời Thiên Chúa hoạch định Tin Mừng cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã trỗi dậy từ cõi chết.

Ở đây chúng tôi không chỉ có ý nói đến những tôn giáo lớn đang tồn tại song hành với Kitô giáo, nhưng bao hàm luôn cả những trào lưu và các khuynh hướng tôn giáo đa dạng đang rộ lên và thành tựu cách đặc biệt ở ác quốc gia thuộc thế giới thứ nhất. Vì liên quan đến các nền văn hóa, đề tài chính của hội thảo này đòi chúng ta phải duyệt xét tỉ mỉ mức độ đáng tin của ngôn ngữ Kinh Thánh, không chỉ nơi những nền văn minh và văn hóa khác biệt với hình thái bá quyền lịch sử của Kitô giáo, mà còn nơi các nhóm văn hóa mới đang xuất đầu lộ diện ngay trong lòng khung cảnh văn hóa Tây phương. 

Thiết nghĩ vấn đề này không thể được giải quyết rốt ráo trong một buổi hội thảo, mà cần phải được trình bày trong vài khóa học; tuy nhiên, tôi xin mạo muội chia sẻ với các bạn những xác quyết căn bản sau đây:
  1. Tin Mừng, vốn dĩ là tin vui về ơn cứu độ qua Đức Giêsu Kitô, trao gửi tới toàn thể nhân loại. chính xác hơn, Tin Mừng là lời phổ quát hoặc là sự chuyển trao văn hóa.
  2. Lời phổ quát này chỉ có thể được tiếp nhận qua trung gian một nền văn hóa đặc thù, và điều này là một sự thật kể từ lúc khai mở sứ điệp Kitô giáo, cũng chính là thời kỳ hình thành mạc khải.
  3. Không một nền văn hóa nào lại không tương hợp với mạc khải Kitô giáo, thế nên mạc khải Kitô giáo không co cụm vào trong bản thân mình nhưng trải rộng đến mức dư tràn sức sống cho cộng đồng nhân loại.
  4. Cuộc tương ngộ giữa Kitô giáo với một nền văn hóa đặc thù thường trùng hợp với sự phong phú hỗ tương cho cả đôi bên. Tuy nhiên, nó vẫn là cuộc gặp gỡ giữa hai nền văn hóa. Kitô giáo đã từng là kết quả của một tiến trình hội nhập văn hóa; cũng vậy, hầu hết các nền văn óa thế giới không thể nào tách rời khỏi một trong những truyền thống tôn giáo lớn. 
Sau khi đã hoạch định các tiền đề trên đây, tôi xin mạn phép triển khai chủ đề này thành ba giai đoạn. Tôi sẽ bắt đầu vắn gọn bằng việc suy tư về những điều mới mẻ rút từ kinh nghiệm lịch sử của Hội Thánh ở đầu thế kỷ XXI này. Kế đến, tôi muốn làm sáng tỏ những gì chúng ta vẫn gọi một cách mơ hồ là “Lời Thiên Chúa”. Lời này luôn làm trung gian cho ngôn ngữ nhân loại, dù đó là ngôn ngữ Kinh Thánh hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác diễn tả niềm tin của Hội Thánh, đều rơi vào điểm hẹn giữa các loại kinh điển và các ngôn ngữ văn hóa khác nhau, các ngôn ngữ này vẫn tồn tại nối tiếp nhau xuyên suốt chiều dài lịch sử. Sau cùng, chúng ta cần suy tư về sự hiện diện của Lời Thiên Chúa trong thế giới hôm nay, tính hiện thực của Lời ấy và sâu xa hơn nữa là sự chuyển dịch của Lời ấy vào trong các nền văn hóa, não trạng và con người khác nhau. Lối giải thích nào cần thiết để Lời Thiên Chúa trở nên hiện tại. Nói cách khác, các diễn nghĩa nào làm cho Lời Thiên Chúa trùng khớp với kinh nghiệm cứu độ con người cả nam lẫn nữ trong thiên niên kỷ thứ ba này?

Kinh nghiệm lịch sử mới của Hội Thánh


Việc lưu tâm đến kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta một ý tưởng về ký ức sống động. Chỉ có thể cảm nghiệm sức mạnh của hiện tại khi ta biết rút tỉa nó từ một điểm gặp gỡ giữa kinh nghiệm quá khứ và sự phóng chiếu hướng về tương lai. Một đàng, ký ức Hội Thánh được giàn trải giữa một không gian kinh nghiệm được tổng hợp từ tất cả các truyền thống đạo lý, phong hóa và văn hóa mà ngày nay vẫn tác động đến cuộc sống chúng ta; đàng khác, khung trời hy vọng hoặc là một Utopia (thế giới lý tưởng – ND) cho tương lai mà nó có thể giúp chúng ta vượt qua cú sốc của thời đại.  Hội Thánh nhất thiết phải nhập cuộc vào kinh nghiệm lịch sử này, giữa những âu lo và hy vọng của nhân loại trong từng thời đại ở bình diện toàn cầu. Nếu tôi dám cả lòng phân tích cái mới mẻ trong kinh nghiệm lịch sử Hội Thánh, thì tôi sẽ hạn định bài tham cứu của tôi vào ba thách đố tác động tới lương tâm Hội Thánh theo một cách thức rất đặc biệt: một là thách thức của tiến trình toàn cầu hóa; hai là thách thức của đa nguyên tôn giáo gần như không thể cưỡng lại được, và ba là thách thức của sự bấp bênh.
Những vận hội và nguy cơ của toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa được hiểu như là sự trải rộng nền kinh tế ở mức độ toàn cầu, những cột mốc kinh tế và văn hóa đời sống con người trùng khớp với những điều mà một số người không ngần ngại coi đây là thời đại thứ tư của nhân loại, hay còn goi là thời đại toàn cầu.  Thế nên, thời đại này vạch ra một cơ may không thể chối cãi được, nó lmà nổi bật sự thống nhất của tinh thần nhân loại và tăng cường ý thức cộng đồng về một gia đình nhân loại duy nhất trên làng thế giới vốnd dược gọi là “trái đất.” Nó đặc biệt ủng hộ sự xuất hiện một dân tộc toàn cầu vượt ra ngoài phạm vi chủ nghĩa đặc thù về dân tộc và văn hóa. Còn đối với Hội Thánh, sự kiện mạng lưới truyền thông mới đi kèm với việc toàn cầu hóa sẽ nảy sinh một thuận lợi đáng kể cho việc loan báo Tin Mừng tới mút cùng trái đất. Kinh Thánh đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác nhau và hiện vẫn được liệt vào loại văn phẩm bán chạy nhất. Nhờ cuộc cách mạng điện toán, sức điều phối của nó trên bình diện toàn cầu sẽ mở đường cho một kỷ nguyên mới.

Không thể nói về những cột mốc của việc toàn cầu hóa đối với đời sống Hội Thánh mà không nhắc mọi người nhớ rằng lần đầu tiên Hội Thánh kinh nghiệm về sự đoạn tuyệt với nền văn hóa thống trị mà Hội Thánh đã kết giao chặt chẽ qua nhiều thế kỷ, đó chính là nền văn hóa Tây phương. Công đồng Vatican II đã trình bày một sự chuyển mình từ quan điểm ôn hòa Âu châu đến quan điểm ôn hòa đa nguyên văn hóa xảy ra giữa lòng Hội Thánh. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận rằng, chính vào lúc Hội Thánh tự giải phóng mình khỏi sự lẩm cẩm của thời kỳ thực dân, chúng ta mới chứng kiến cảnh toàn cầu hóa của nền văn minh kỹ thuật dưới sự bảo hộ của tính lý luận phương Tây, tính lý luận này có xu hướng đòi khẳng định mình ở bất cứ nơi đâu. Điều này có ý nói rằng, chính vào lúc Hội Thánh tìm cách đối thoại với các nền văn minh lớn ngoài Tây phương và các truyền thống tôn giáo của họ, Hội Thánh cũng gặp phải một cú sốc do chủ nghĩa hiện đại khoa học kỹ thuật là tác giả. Chủ nghĩa hiện đại này vươn vượt qua mọi nền văn hóa và làm thay đổi tận căn những lối hành xử và não trạng của quần chúng trên khắp hoàn cầu.

Lý tưởng mà nói, toàn cầu hóa chắc chắn là một vận hội cho tương lai nhân loại. Nếu hiện thời toàn cầu hóa là đối tượng của vấn nạn chung, thì bởi đó mà nó là chủ thể của luật lệ chi phối thị trường toàn cầu và đem lại lợi nhuận cao nhất. Thật ra, hệ thống thị trường tự do của thế giới làm cho ba phần tư nhân loại đang lâm cảnh bần cùng. Ngoài những hậu quả tai ác của toàn cầu hóa trên mặt trận kinh tế, chúng ta còn nhận thấy hiểm họa của nó trong lãnh vực văn hóa và nhân học. nhờ mạng lưới thông tin được cải tiến ở mức tối ưu, toàn cầu hóa góp phần quảng bá cho nhân loại một mẫu người răm rắp đồng điệu mà trong đó con người được định nghĩa là sinh vật có tiềm năng tiêu dùng. Bởi đó, toàn cầu hóa bị vạch mặt bởi một vết nứt kép: một đàng, nó mạo hiểm bán đứng những căn tính tôn giáo và văn hóa quý giá nhất; đàng khác, nó cũng liều lĩnh kích động phân rẽ, dẫn đến những xung khắc tôn giáo và văn hóa, bởi chưng ai cũng muốn bảo tồn căn tính bản địa của mình.

Thách thức của chủ thuyết đa nguyên tôn giáo


Vấn đề ngày càng trở nên hiển nhiên rằng thách thức của sứ vụ truyền giáo của Hội Thánh ở buổi bình minh của thế kỷ XXI sẽ là đa nguyên tôn giáo.  Tuy nhiên, chúng ta cũng được khuyến cáo cần phải cẩn trọng phân biệt giữa đa nguyên tính của các thể thức tôn giáo mới và những trào lưu đang rộ lên đặc biệt ở các nước thế giới thứ nhất (châu Âu và Hoa Kỳ) và đa nguyên tính của các tôn giáo lớn thế giới vẫn đang thể nghiệm sức sống mới mẻ. Một điều chắc chắn là sự ý thức về lập trường đa nguyên được kết nối chặt chẽ với tiến trình toàn cầu hóa đang tác động mạnh mẽ tới các thể chế xã hội. Nhờ mạng lưới truyền thông đạt tới mức tiến bộ chưa từng có, chúng ta thấy xuất hiện siêu thị tôn giáo, trưng bày nhiều sản phẩm tôn giáo đích thực và các truyền thống bí nhiệm cho các lượt khách tiêu dùng ngày càng tăng nhanh; sản phẩm đó là những truyền thuyết, tín ngưỡng, cung cách hành đạo, những bí mật khởi nguyên, những phương pháp chữa lành thân xác và linh hồn. Sự mê đắm về tính “đạo đức” trong các thể thức tôn giáo trùng khớp với sự đánh mất tính khả tín mà các ý thức hệ và mô hình Utopia đã trải qua. Tình trạng kém văn hóa của thời đại chúng ta là nguyên cớ phát sinh những tín ngưỡng và lối hành đạo quái dị, chối bỏ nguồn gốc của mình. Những tín ngưỡng này rất hàm hồ và ranh giới giữa chúng không rõ ràng; chúng đồng tồn tại và thậm chí còn giao du với nhau mà không hề mảy may xét đến nguồn gốc ô tạp của chúng.

Đằng sau chủ nghĩa chiết trung này, người ta có thể dễ dàng khám phá ra một tiêu chuẩn dẫn độ: trước tiên cần phải duyệt xét tính xác thực của kinh nghiệm chủ quan trong việc tìm kiếm một giá trị cứu độ nào đó, vốn được hiểu như là sự thăng tiến hạnh phúc cho linh hồn, tinh thần và thể xác con người. Cám dỗ đòi thống nhất các hệ phái tư tưởng khác biệt (thuyết hổ lốn) phải được hiểu như là nỗ lực duy trì của việc tái diễn giải hầu hết các tín ngưỡng dưới góc độ giải phóng con người. Tính khả tín của tôn giáo này hay tín ngưỡng nọ là chuyện nhỏ và cũng không đòi nó phải nối kết với sự phong nhiêu mà tôi có thể đạt được nhờ những tiềm lực ẩn kín nơi bản thân. Kitô hữu không dễ gì tự mình thoát khỏi khuynh hướng của thuyết hổ lốn này.  Cám dỗ này không chỉ tồn tại ở phương Tây. Chúng ta thấy càng ngày ở châu Phi và châu Mỹ Latin những Giáo Hội mới hoặc ít là những cộng đồng tôn giáo ra đời ngay bên cạnh Hội Thánh Công giáo và Giáo Hội Tin Lành. Không thể đơn thuần coi các cộng đồng này như là những giáo phái; họ tụ tập lại mà không gặp khó khăn nào về mặt tín ngưỡng và thực hành đạo lý, dù những yếu tố này xuất phát từ nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau. Điểm khác biệt của những cộng đồng này so với các trào lưu tôn giáo phương Tây liên minh với phong trào Thời đại mới là: giới trí thức của những cộng đồng mới này không thiết tha cầu danh giành lợi. Họ là những người khá nghèo, sống bên lề xã hội, mong được chính phủ thừa nhận, tìm cầu sự chữa lành thể xác và tâm linh, cuối cùng là mong được chia sẻ một chút hạnh phúc nào đó với đồng loại.

Sự tìm cầu mang tính tôn giáo hổ lốn này thường không nhận được bất kỳ một câu trả lời nào từ phía các tổ chức Giáo Hội và sự kiện này đặt ra một câu hỏi nghiêm túc như là tính khả tín của một dạng thức Kitô giáo đang rất phổ cập ở phương Tây và các châu lục khác. Chúng ta phải tự vấn xem nếu như Kitô giáo bị đốn khỏi cội rễ Tin Mừng, lẽ nào lại không đánh mất tiềm năng dấu chỉ và chiều kích mầu nhiệm. Trong mọi biến cố, Kitô giáo đều đáp ứng một cách nghèo nàn trước những khát vọng tâm linh của nhiều người trong thời đại chún ta, họ vẫn tha thiết tìm lại “vẻ hấp dẫn” của thế giới, của nhân loại và của cả Thiên Chúa nữa đang khi phải đối chọi với một thế giới càng ngày càng tục hóa và máy móc.

Sự xuất hiện của những trào lưu tôn giáo mới sẽ không làm cho chúng ta quên được thách thức triền miên về niềm tin Kitô giáo đối với các tôn giáo lớn trong lịch sử: chẳng hạn như Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo, các tôn giáo này không chỉ duy trì ảnh hưởng với tín đồ của mình, mà còn có sức thu phục những nhà trí thức mới đến từ các quốc gia Kitô giáo cựu trào. Sức mạnh của phương tiện truyền thông, tính cấp thời của viễn thông và các trào lưu di dân mới đã làm thay đổi bản đồ truyền giáo của thế giới. Các nước Âu châu có đến 14 triệu tín đồ Hồi giáo; một quốc gia như Pháp lại có đến 500.000 Phật tử, và Bắc Mỹ đang trong quá trình khám phá minh triết các tôn giáo Đông phương với lòng thành kính ngưỡng mộ. Trong thời đại toàn cầu hóa, các thể chế xã hội sẽ ngày càng trở nên đa văn hóa và đa tôn giáo.

Chúng ta có thể nghi ngại về mô hình phổ quát mới cho các tôn giáo vốn đã từng bị lệ thuộc vào bản sắc văn hóa và dân tộc của mình. Tuy nhiên, nỗi e ngại này có thể dẫn chúng ta đến chỗ đánh giá sai vận hội mới mà đối thoại liên tôn đã mở ra cho chúng ta. Viễn tượng này tạo thành cuộc cách mạng chính đáng trong lịch sử tôn giáo thế giới. Và Hội Thánh Công giáo, trong quá khứ đã từng công khai nói đến lập trường tôn giáo độc lập bất khoan nhượng của mình, nay lại giữ vai trò tiên phong và rất mực quan trọng về mặt đối thoại liên tôn này. Công đồng Vatican II đã trình bày một sự thay đổi chưa từng có trong lịch sử, là lưu tâm đến những người vẫn bị kỳ thị và bị coi là “lương dân.” Từ đó về sau, tiếp tục triển khai những trực cảm của Công đồng, Hội Thánh cổ võ lòng kính trọng và yêu mến anh chi jem tôn giáo bạn, xây dựng nền thần học mới về tôn giáo để sẵn sàng nhìn nhận các truyền thống tôn giáo khác như là những trung gian khả dĩ dẫn đến ơn cứu độ. Như chúng ta sẽ thấy, sự kiện này làm thay đổi phong thái truyền giáo của Hội Thánh và cung cách loan báo Tin Mừng cho những dân tộc thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo.

Nền văn hóa bấp bênh

Tôi dùng thành ngữ trên để phác thảo sự kiện rằng chí ít trong thế giới thứ nhất, thách đố hiện nay đối với việc lưu tâm đến Lời Thiên Chúa không phải chủ yếu là phái vô thần, cũng không phải là sự thờ ơ sống đạo hoặc chủ thuyết chống Hội Thánh. Đúng hơn, đây là một não trạng mang dấu ấn của đa nguyên văn hóa và tôn giáo, xuất hiện dưới dấu chỉ của sự bấp bênh và sự trân trọng đố kỵ về tính đa dạng của các quan điểm tôn giáo, luân lý, xã hội và chính trị. Ở đây chúng ta có thể phải đương đầu với cái gọi là ý thức hệ của chủ nghĩa đa nguyên mà có lẽ nó rất khác biệt với tính đa nguyên hợp pháp. Dưới cái cớ tôn trọng tính độc đáo của mỗi cá nhân, tất cả mọi quan niệm đều có giá trị và như vậy chúng ta bị cám dỗ tương đối hóa tất cả mọi định chế và mọi bậc thang giá trị.

Nền văn hóa bấp bênh này là triệu chứng của cuộc khủng hoảng chung về sự thật. Nó lý giải sự bất bình của nhiều Kitô hữu đối với giáo huấn Hội Thánh, bởi họ muốn thâu thái tính phong phú của các truyền thống tôn giáo khác, giúp họ phương tiện cảm nhận kinh nghiệm tâm linh sung mãn hơn. Thay vì những hệ quả tích cực, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng đối thoại tôn giáo có thể làm nảy sinh một chủ nghĩa tương đối nào đó mà nó không còn cho phép khẳng định đâu là chân lý tuyệt đối trong các lãnh vực tôn giáo. Nếu chúng ta có được sự am tường sâu rộng hơn về nguồn mạch tâm linh của các tôn giáo khác, lẽ nào chúng ta có thể giả vờ cho rằng Kitô giáo mới là tôn giáo đích thực duy nhất? Sau cùng, tất cả mọi tôn giáo luôn là những nẻo đường dẫn tới Thiên Chúa, và thật khó hiểu được rằng chúng ta vẫn một mực duy trì trung gian cứu độ duy nhất là Đức Kitô.

Bên cạnh thái độ thờ ơ với tôn giáo đang tồn tại dưới dạng của phái bất khả tri, ngay từ đầu của thế kỷ mới này, Hội Thánh cần phải xem xét những dạng thờ ơ khác nữa. Chúng ta có thể gọi đó là “thờ ơ trách nhiệm” và loại thờ ơ này bắt nguồn từ cảm thức sâu xa về lỗ hổng đau thương giữa các ý thức hệ và các tôn giáo lớn, cũng như sự bất lực của họ trước tình cảnh đau thương của hàng triệu người đang là nạn nhân của một hệ thống thế giới bất công, nạn nhân của thiên tai và của những cuộc xung đột tôn giáo và dân tộc khôn cùng. Chủ nghĩa trung lập (thờ ow0 này chỉ là mặt trái của khát vọng thực sự cho tương lai của nhân loại và cho sự tôn trọng những gì đích thật là của con người.  Căn nguyên nhân đạo là nguồn gốc sản sinh ra nhiều ơn gọi hào hiệp, đặc biệt là nơi giới trẻ, căn nguyên đó cũng là một thách đố cho những tôn giáo như Kitô giáo mà đòi phải có những cảm hứng từ Tin Mừng.

Lời Thiên Chúa hoặc kinh nghiệm về ơn cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô


Trong phần trước, tôi đã rà lại nội dung của kinh nghiệm lịch sử về Hội Thánh bằng cách nhấn mạnh đến những thách đố cam go nhất có nguy cơ trở thành chướng ngại đối với việc tiếp nhận Lời Thiên Chúa. Chúng ta biết rằng Lời Thiên Chúa là phổ quát và không lệ thuộc bất kỳ nền văn hóa nào. Nhưng kẻ muốn nghe Lời Thiên Chúa luôn phải thuộc vè một bối cảnh văn hóa, tôn giáo hoặc kinh tế đặc thù đến mức bối cảnh đó điều kiện hóa những khả thể làm cho đương sự lắng nghe Lời Chúa. Và còn hơn thế nữa, Lời siêu việt của Thiên Chúa có sức bao trùm mọi bối cảnh văn hóa và lịch sử khác biệt, chúng ta phải khởi sự bằng cách nối kết Lời Thiên Chúa với nguồn gốc lịch sử của Lời ấy. Sứ điệp Kitô giáo không phải là một hệ ý thức trừa tượng. Sứ điệp ấy là bản dịch từ cuộc trải nghiệm sinh tử của một nhóm người sống cách đây 20 thế kỷ: cảm nghiệm Đức Giêsu Kitô là biến cố cứu độ đến từ Thiên Chúa. Việc hội nhập văn hóa tất yếu của sứ điệp Kitô giáo trong các nền văn hóa mang theo mô hình của sứ điệp ấy từ chiều kích tự mạc khải. Đây là ý tưởng mà tôi sẽ tập trung xoáy vào trong phần kế tiếp của bài chia sẻ này.

Lời Thiên Chúa và kinh nghiệm


Thật là viển vông khi thừa nhận khởi nguyên Kitô giáo bắt nguồn từ sứ điệp hoàn toàn mang tính hóa học nhưng thực tế lại phải trải qua một tiến trình hội nhập trong các nền văn hóa khác nhau. Đúng ra, chúng ta cần lưu ý hơn tới khái niệm về kinh nghiệm diễn giải của một biến cố xuất phát từ cộng đồng tông đồ tiên khởi của Đức Giêsu, để rồi biến cố ấy được chuyển dịch thành Kinh Thánh. Theo cách nói của Schillebeeckx, Kitô giáo không đơn thuần chỉ là một sứ điệp gởi tới tín hữu, nhưng là “một kinh nghiệm đã chuyển dịch thành sứ điệp.”  trong tiến trình hình thành Kinh Thánh, chúng tôi nhìn nhận một vài yếu tố văn hóa về tư tưởng và ngôn ngữ không thể tách ra khỏi sứ điệp Kitô giáo nền tảng. Điểm khởi phát của đức tin Kitô giáo là kinh nghiệm triệt để về ơn cứu độ đến từ Đức Giêsu Kitô. Và trong Đức Giêsu Kitô, đức tin này luôn là một niềm tin thông hiệp với các tông đồ. Bởi vậy, chính vì đức tin là một sự trải nghiệm liên tục từ các tông đồ mà chúng ta mới có cơ hội để kinh qua cùng một trải nghiệm với các ngài, nhưng lại diễn tiến trong bối cảnh văn hóa hoàn toàn khác biệt. Trong ánh sáng ngày lễ phục sinh, kinh nghiệm tông đồ tiên khởi này trưng dẫn tính đa nguyên của những lời chứng diễn giải nhiều lối nghĩ và mô hình văn hóa khác nhau, ấy là chưa nói tới những ưu tư đặc thù của Hội Thánh tiên khởi. Tất cả những yếu tố này làm nên văn thể của Tân Ước. Và nhiệm vụ của nhà chú giải cũng như các sử gia Kitô giáo là để phân biệt xem trong di sản văn hóa ấy, vai trò của Tân Ước tương ứng với tư tưởng Smit hay Hy Lạp, chịu tác động bởi chủ nghĩa khắc kỷ hay bởi minh triết Do Thái Hy Lạp cổ của Alexandria, ngõ hầu quyết định mô hình nào phù hợp với việc diễn giải.

Xuất phát từ những ý tưởng trên, ta có thể kết luận rằng Kitô giáo ngay từ thời sơ khai đúng là kết quả của một tiến trình hội nhập văn hóa. Theo nghĩa này, chúng ta có thể nhận thức rõ hơn mối nguy hiểm của hạn tử rất ư trừu tượng, hạn từ ấy muốn nói với tất cả mọi người về việc nhập thể của Kitô giáo hoặc của đức tin, rằng bản tính Kitô giáo vẫn đã tồn tại ở đâu đó và nó càng ngày càng thể nhập vào các nền văn hóa khác nhau.  Cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo với một nền văn hóa khác luôn là cuộc gặp gỡ của hai nền văn hóa. Trong bối cảnh này, chúng ta phải gợi lại thời kỳ văn hóa Kitô giáo. Chúng ta cần đặc biệt kể ra cuộc gặp gỡ giữa Kitô giáo và thế giới Hy Lạp mà đã có tính cách quyết định cho tương lai của Kitô giáo. Thật vậy, sự gộp chung các phạm trù Hy Lạp trong việc hoạch định các mầu nhiệm nền tảng về Chúa Ba Ngôi và về biến cố nhập thể đã hỗ trợ cho tính phổ quát của sứ điệp Kitô giáo. Nhưng đồng thời, tiến trình này cũng kéo theo nguy cơ đồng nhất sứ điệp Kitô giáo với toàn bộ những chân lý đức tin, khi mà những chân lý đức tin này không có một liên hệ trực tiếp nào với những nguồn gốc biểu tượng ngôn ngữ Tân Ước, cũng không liên hệ với cấu trúc trình thuật Tin Mừng nguyên thủy (Kerygma) của Hội Thánh sơ khai. Tuy nhiên, thành thật mà nói, sự mới mẻ do cuộc loan báo Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và đã trỗi dậy từ cõi chết, đã biến hóa nguồn nhận thức tư tưởng văn hóa Hy Lạp. Đây là lý do tại sao chúng ta không nên tố giác thời kỳ Hy Lạp hóa văn hóa Kitô giáo diễn ra quá gấp gáp trước khi nhìn nhận sự thật là đã có một cuộc Kitô hóa chủ nghĩa Hy Lạp. Như tôi sẽ lặp lại ở phần tiếp theo, chẳng hề có một cuộc hội nhập văn hóa Kitô giáo mà lại không đồng thời đòi buộc Kitô giáo phải mở lòng ra đối với nền văn hóa ấy.

Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, không thể tranh luận rằng bởi vì Kitô giới ra đời vào thế kỷ thứ IV, nên nền văn hóa bá quyền của Hội Thánh đã có mặt ở Tây Âu kể từ đó. Một cách tương đối, thử hỏi liệu có thể tìm ra một nền văn hóa thuần nhất chăng, ngay cả khi chúng ta phải phân biệt những thể thức khác của Kitô giáo (phương Đông, Latin, Slavonia, Anglo – Saxon), và nền văn hóa thuần nhất này có kèo dài cho tới Công đồng Vatican II chăng? Tôi đã nhắc tới một vận hội mới đó là sự chấm dứt của chủ nghĩa ôn hòa châu Âu và thời kỳ hậu thực dân mới của toàn cầu hóa, vận hội này tương ứng với nhiệm vụ Tin Mừng hóa. Nhưng kể từ khi Kitô giáo không bao giờ tồn tại dưới dạng thuần nhất và nguyên tuyền, hẳn có thể sai lầm khi mường tượng rằng việc hiện thực hóa tất yếu Lời Thiên Chúa nghĩa là Kitô giáo phải cởi bỏ bộ comple phương Tây và mặc lấy chiếc áo dài châu Phi hoặc áo thụng châu Á. Nghĩ như vậy hẳn sẽ thực tế hơn để hậu thuẫn cho một cuộc đàm đạo sáng tạo giữa các giá trị Kitô giáo phương Tây và các nguồn văn hóa đặc thù ngoài phương Tây mà tự bản thân chúng bị ràng buộc thâm thiết với các truyền thống tôn giáo. Đúng ra chúng ta cần hy vọng rằng tương lai của Kitô giáo sẽ mang tính chất của nhiều trung tâm văn hóa đã đạt tới một tổng hợp quân bình giữa Kinh Thánh, các truyền thống Âu châu và các truyền thống tôn giáo văn hóa Á Phi. Thật là quan trọng khi tương đối hóa một vài thành tố thứ yếu nào đó mà đức tin truyền thống đã tiếp nhận xuyên qua các thời đại. Thế nhưng đây có thể là chuyện viển vông nếu đòi phải trở lại nguồn cội Kitô giáo, bởi như thế sẽ làm cho sự tiến triển đức tin bị tụt dốc. Bất chấp đặc tính tiêu biểu của văn hóa cổ Hy lạp, những tiến triển này vẫn thuộc về một truyền thống sống động của Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Chúng ta không thể để cho những tiến triẻn này vụt khỏi tầm tay, thế nhưng chúng ta vẫn chưa bao giờ hoàn tất được việc tái diễn dịch những tiến triển đó dưới ánh sáng của một cuộc diễn giải Kinh Thánh mang tính phê bình hơn trong mối liên hệ với những địa hạt văn hóa mới đã được gieo vãi Tin Mừng.

Kinh Thánh Kitô giáo là Lời Thiên Chúa


Khi chống lại tất cả các hình thức trào lưu chính thống, chúng ta cần phải nhận ra sự khác biệt rạch ròi giữa Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước và Lời Thiên Chúa. Kitô giáo không phải là tôn giáo sách vở, và Lời Thiên Chúa cũng không tồn tại như vậy, tức bên ngoài lịch sử và tách biệt với cộng đoàn đức tin. Lời Thiên Chúa chỉ có thể tồn tại, nếu tôi được phép diễn tả, trong dạng thức nhập thể hay sẻ chia. Khi nói đến dạng thức nhập thể, tôi có ý nói rằng mạc khải đi vào lịch sử trước khi trở thành lời. Ở đây chúng ta phải kể ra tát cả những biến cố vĩ đại trong lịch sử Israel mà nó đã được biên dịch bởi lời các ngôn sứ và trở thành lời Thiên Chúa cho ta. Ta có thể nhận thấy các biến cố này được kiện toàn cứu cánh của chúng trong biến cố Đức Giêsu, Đấng là Lời đã mặc lấy xác phàm. Lời Thiên Chúa còn tồn tại trong dạng thức được chia sẻ mỗi khi Kinh Thánh được đọc len và công bố trong cộng đoàn đức tin. Hội Thánh là cộng đoàn được sinh ra vào ngày lễ Ngũ Tuần nhờ hồng ân Thánh Linh của Đấng phục sinh. Và khi loan truyền cuộc thương khó của Đức Giêsu “cho tới ngày Người lại đến” (1 Cr 11,26), Hội Thánh nhận ra Chúa của mình mỗi khi Lời Chúa được công bố. Vì thế, Hội Thánh là cộng đoàn được sinh ra đồng thời bởi hồng ân và bởi sự tiếp nhận Lời Thiên Chúa. Và các sách Kinh Thánh Kitô giáo là không gian mà nơi đó cộng đoàn Kitô hữu ngày càng ý thức hiện hữu thâm sâu của mình.

Khi ước muốn có một cuộc đối thoại chính thức và thuận tiện giữa các truyền thống văn hóa và tôn giáo không có liên hệ với lịch sử Israel, một số người có dự tính hướng về sứ điệp của Đức Giêsu, hướng về bài giảng trên núi, trong khi các truyền thống vẫn tiến bước bên nhau mà không cần phải trải qua một tiến trình giáo dục lâu dàu vè công trình của Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử thánh. Hỏi, nếu chúng ta cần một “quá trình chuẩn bị” dẫn đến cuộc canh tân của Kitô giáo, vậy thì tại sao ta không đề cao lịch sử đặc thù của dân Israel và đừng lưu tâm đến lịch sử của các tôn giáo và các nền văn hóa của các dân tộc khác trên hành tinh này? Thưa, những truyền thống tôn giáo và văn hóa đó có thể làm nên một bước chuẩn bị kỳ diệu trong lối nhìn đa diện của chân lý được tỏ hiện nơi Đức Giêsu Kitô.

Được dẫn dắt bởi những trực cảm cực kỳ chắc chắn, Hội Thánh luôn chống lại cám dỗ vẫn tái diễn của Marcion: khuynh hướng chối bỏ Lời Thiên Chúa mà Lề Luật và các ngôn sứ làm chứng để công bố rõ ràng hơn về tính cách mới mẻ của Giao ước mới đã được khai mạc bởi Đức Kitô. Kitô hữu lãnh nhận toàn thể tính của Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa và họ cũng biết rằng có một tương giao đáng kính giữa Giao ước thứ nhất và Giao ước mới. Theo cách nói của thánh Augustine, Novum Testamentum in vetere latex, Vetus in novo patet (Tân Ước được ẩn giấu trong Cựu Ước, và Cựu Ước được sáng tỏ nhờ Tân Ước). Như đã được chứng thực trong toàn bộ văn chương Giáo phụ, koa chú giải Kitô giáo được nối kết chặt chẽ với sự hiểu biết về tính thống nhất của hai Giao ước. Biến cố Đức Giêsu có liên hệ tương thích với Lề Luật và các ngôn sứ bởi biến cố ấy làm cho Lề Luật và các ngôn sứ nên sáng tỏ. Trước khi biến cố Đức Giêsu tự thân trở thành đối tượng đặc quyền cho việc giải thích của Hội Thánh, biến cố này giữ chức năng diễn giải toàn bộ Cựu Ước. Các Giáo phụ đã vận dụng tình trạng bức xúc của Phaolô giữa văn tự và tinh thần để giải thích khoảng cách này mà nó được định nghĩa như là mối liên hệ giữa lời hứa và kiện toàn. Đức Kitô đã mang lại sự biến đổi ý nghĩa của Cựu Ước: Người đã kiện toàn Cựu Ước. Chúng ta không thể coi Cựu Ước như là bản văn cách này hay cách khác thuộc về dĩ vãng hoặc như một tài liệu được thảo ra có chức năng như chiếc chìa khóa để có thể hiểu được Tân Ước. Mạc khải trong Giao ước thứ nhất sản sinh ra những chứng nhân, mạc khải ấy vẫn giữ vị trí đặc quyền vì nó giống như bảng mẫu tự của sứ điệp mà Thần Khí Thiên Chúa đã gửi tới toàn thể nhân loại và các dân tộc.

Quan niệm như vậy thì thật là đúng với cách hiểu Tin Mừng trong thời đại hôm nay, quan niệm ấy mời gọi chúng ta diễn giải các bản văn Tân Ước và đặc biệt là sứ điệp của các bản văn này trong ánh sáng của Cựu Ước. Chẳng hạn, đây là những gì xảy ra khi các nhà thần học giải phóng tái diễn giải chiều kích cánh chung của Tin Mừng trong ánh sáng lời hứa ban Đấng Thiên Sai của Cựu Ước.

Không thể hiểu chính xác sự khác biệt giữa Kinh Thánh Kitô giáo và Kinh Thánh Do Thái mà không đánh giá đủ phạm trù chính yếu chúng ta vẫn gọi là “kiện toàn”. Nền thần học mới về Do Thái giáo được soạn thảo rất công phu trong văn kiện hậu Công đồng Vatican II, Hội Thánh giúp chúng ta hiểu được mối liên hệ biện chứng giữa hai Giao ước.  Mối tương quan giữa Kitô giáo và Do Thái giáo bao gồm cả sự gián đoạn lẫn liên tục. Mỗi bên đều phải đón nhận chứ không mâu thuẫn với nhau về điểm này, rằng những lời hứa với Dân Chúa được kiện toàn nơi dân tộc của Giao ước mới và tuy vậy Hội Thánh vẫn không thể thế chỗ cho dân Israel. Kiểu suy nghĩ này mời gọi chúng ta tái diễn giải chuẩn xác khái niệm kiện toàn theo nghĩa không độc đoán.  Kitô hữu coi Tân Ước là sự kiện toàn của Cựu Ước. Nhưng điều này không bao giờ có ý nói rằng Cựu Ước vẫn còn thiếu ý nghĩa và đứng bên ngoài sự kiện toàn này. Mặt khác, chúng ta phải giải thích tính sinh động liên tục của thời hậu Do Thái Kitô giáo. Và nếu toàn bộ mạc khải của Cựu Ước có thể được tìm thấy trong Tân Ước, chúng ta phải tự hỏi tại sao Kitô giáo vẫn nhận Cựu Ước là Lời Thiên Chúa. Quả  thực, Tân Ước không thay thế Cựu Ước theo nghĩa rằng Cựu Ước bị hủy bỏ bởi Tân Ước. Đúng hơn, chúng ta cần hiểu tính cách mới mẻ của Tin Mừng là sự gián đoạn, sự gián đoạn này làm nên một ý nghĩa mới, ấy là nó không hủy bỏ nội dung tối giản của sách Luật và các ngôn sứ. Cũng thế, Hội Thánh kiện toàn lời hứa trong Cựu Ước, nhưng không xâm phạm vào chỗ đứng của dân Israel, âu cũng vì đó mà nền thần học đương đại tránh kiểu nói Hội Thánh là dân Israel mới.

Vì thế, mối liên hệ tất yếu và hỗ tương giữa hai giao ước thì không cản trở việc hiện thực hóa Lời Thiên Chúa giữa các dân tộc trên thế giới. Thậm chí chúng ta phải nguyện ước rằng cuộc gặp gỡ liên tục giữa Israel và Hội Thánh giúp ta hiểu sâu sắc hơn tính cội nguồn của Kitô giáo như là sự hoán chuyển mà nó không hủy bỏ, nhưng mở ra nẻo đường cho tương quan với cái ban đầu, và nhờ đó mà Hội Thánh nhận ra tính hợp pháp của mình. Dường như càng ngày mối tương quan giữa Hội Thánh sơ khai và Do Thái giáo có giá trị khuôn mẫu cho mối tương quan hiện thời giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Cũng theo cách thức này Hội Thánh vừa không hấp thự vừa không thay thế dân Israel, hoặc vừa không hấp thụ vừa không thay thế nội dung tối giản phát sinh từ các truyền thống tôn giáo khác.

Trình thuật như là trung gian cho việc trao đổi đối thoại văn hóa và tôn giáo


Người ta có thể bị cám dỗ nghĩ rằng tốt nhất để bảo đảm tính phổ quát của sứ điệp Kitô giáo bao trùm tính đa dạng của các dân tộc và lịch sử đặc thù của họ có thể sẽ nhấn mạnh giá trị đạo đức của Kitô giáo. Kitô giáo vốn được coi là một tôn giáo của đức ái thì thật phổ quát so với đạo lý về nhân quyền. Tuy nhiên nó có nguy cơ nhanh chóng bị trà trộn với một ý thức hệ. Một cách chính xác, điều này trở nên nguy hiểm khi đối diện với một Kitô giáo theo kiểu nào đó, dưới biểu ngữ của lý luận phương Tây, nó đánh mất mối quan hệ với Kinh Thánh và hạ giá chiều kích trình thuật của mạc khải Kinh Thánh.

Về phương diện lý thuyết, mọi nền văn hóa đều phổ quát tới mực nó có xu hướng nhân bản hóa nhân loại và nỗ lực vươn vượt khỏi những quan tâm trước mắt của mình. Nhưng kỳ thực, xét về khía cạnh lịch sử, chúng ta nhìn thấy mối tương quan loại trừ và xung khắc giữa các nền văn hóa. Một nền văn hóa đặc biệt trở nên xung khắc khi mà nó tham vọng đòi trở nên phổ quát. Chính xác mà nói điều này là một thảm kịch của Kitô giáo phương Tây trong thời kỳ chính phục thế giới mới và cuộc gặp gỡ của nó với các dân tộc bị coi là không có văn hóa. Một cách triệt để hơn, đây chính là vận mệnh của dân Israel vốn được hiểu là dân được chọn giữa các dân tộc. Đúng là khi Đức Giêsu đi vào cuộc khổ nạn, Người đã đập tan những thành trì ngăn cách giữa các dân tộc (x. Ep 2,14). Và cuộc thương khó của Đức Kitô có giá trị ngôn sứ mà qua đó nó tiết lộ tính xung khắc ẩn tàng trong các nền văn hóa.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nối kết giữa Tin Mừng và lịch sử Israel đối với tính phổ quát hơn của Lời Thiên Chúa trong thế giới hôm nay, theo dấu chân của cha Beauchamp, tôi muốn chứng tỏ rằng cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng và Cựu Ước là điểm then chốt cho mối liên hệ giữa Tin Mừng với các nền văn hóa. Người viết trong cuốn sách nhan đề Le Récit, La lettre et le corps: “Trong mối liên hệ kép với luật Do Thái, dù là kiện toàn hay gián đoạn, ngay từ đầu Tin Mừng đã định rõ đặc điểm liên hệ của nó với từng nền văn hóa.”  Chúng ta có thể nghĩ rằng cách tốt nhất để bảo đảm tính liên tục giữa lịch sử dân Israel với lịch sử các nền văn hóa khác sẽ giúp cho các tài liệu minh triết mang ý nghĩa phổ quát trong nền văn chương Kinh Thánh. Nhưng kỳ thực, sự hòa giải giữa các dân tộc và Israel lại không đi vào nẻo đường này. Đúng hơn, nó đi theo con đường thuật chuyện của dân Israel. Và chính nhờ cái chết của người thuật chuyện (như trường hợp Stephano) mà điều kiện của việc hòa giải hai dân tộc và hai nền văn hóa được thỏa mãn. Trong chiều hướng này, chúng tôi xác nhận là có một khoản luật rất quan trọng, có liên hệ tới cuộc gặp gỡ giữa các nền văn hóa. Đó chính là trình thuật của những nhân vật lịch sử – những câu chuyện lịch sử cá nhân – và sự thú nhận tính xung khắc ẩn tàng ổn cố trong mỗi chủ nghĩa đặc thù, chính yếu tố này trở thành điều kiện của cuộc đối thoại đích thực giữa các nền văn hóa. Cuộc thương khó của Đức Giêsu vừa cho thấy xung khắc ẩn tàng trong lịch sử dân Israel, vừa cho thấy xung khắc ẩn tàng trong các nền văn hóa. Bởi vậy, Tin Mừng nguyên thủy (Kerygma) của Kitô giáo kỳ thực là câu chuyện mạo hiểm của Đức Giêsu Nazareth  – Tin Mừng đó có ý nghĩa phổ quát đến mức: cuộc gặp gỡ của nó với các nền văn hóa khác sẽ trùng khớp với tính tương đối của chủ nghĩa đặc thù văn hóa được nối kết với Tin Mừng.

Tôi đã nói về mối liên hệ giữa tính liên tục và gián đoạn giữa giao ước cũ và mới. Ngay cả nếu Phaolô có tuyệt giao với luật Môsê, thì người cũng không tuyệt giao với trình thuật Kinh Thánh được, cũng như không thể đoạn tuyệt với ký ức dân Israel. Vì trách vụ loan báo Tin Mừng, điều quan trọng cần nhớ là sự từ bỏ mối liên hệ của Hội Thánh sơ khai đối với nền văn hóa Do Thái và chuyển sang văn hóa Hy Lạp là thí dụ điển hình cho mối liên hệ giữa Tin Mừng và các nền văn hóa. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu khi đã đóng ấn lên sự mới mẻ của trình thuật Tin Mừng, thì nó dẫn đến lối mở thông giao giữa dân Israel và các dân tộc khác, giữa cái được chọn và cái phổ quát, giữa cái đơn nhất và cái tổng thể. Nhưng chúng ta cũng cần nhớ đặc tính tiêu biểu của việc người Do Thái chối bỏ Tin Mừng. Cuộc thương khó của Đức Giêsu là lời diễn tả đầy kịch tính của sự từ bỏ này. Tin Mừng can thiệp như là sự phán quyết liên can tới những giới hạn của mỗi nền văn hóa. Ví dụ như dân Israel cho thấy rằng không chỉ có tội lỗi, mà cả chủ nghĩa đặc thù lẫn tính xung khắc cũng làm nên những rào cản Tin Mừng. Nói cho chính xác, dân Israel đã làm nên tính cao cả tâm linh và tôn giáo cho một nền văn hóa đặc thù và vì thế, yêu sách đòi trở nên phổ quát của nó lại trở thành chướng ngại đối với tính mới mẻ của Tin Mừng.

Khi lưu tâm đến những suy tư này, chúng ta có thể kết luận rằng hội nhập văn hóa Kitô giáo vào trong các nền văn hóa khác nhau sẽ không đạt được bằng việc loại trừ những điểm nền tảng trong trình thuật Kinh Thánh. Để đảm bảo tính phổ quát của mình, lời loan báo của Hội Thánh không thể tự mình giành lấy sự bảo tồn chiều kích khôn ngoan của Cựu Ước và ngụ ngôn của Tin Mừng. cần phải duy trì mối liên hệ tất yếu của sứ điệp Tin Mừng với trình thuật của dân Israel và với câu chuyện của người Galilê, Đức Giêsu Nazareth. Đúng hơn, chính nhờ trình thuật và cớ vấp phạm của dân Israel mà nó làm sáng tỏ trình thuật và cớ vấp phạm của các dân tộc khác. Bởi vậy, một cách cụ thể, trình thuật của Hội Thánh và cớ vấp phạm của nó rồi ra sẽ là hậu thuẫn cho trình thuật của các nền văn hóa và tôn giáo thế giới. Hành động sám hối của Hội Thánh vào đầu thế kỷ XXI mang ý nghĩa lịch sử cho tương lai của đối thoại liên tôn và cho tương lai sứ vụ Hội Thánh. Hội Thánh thú nhận sự xung khắc của mình trong quá khứ đối với các nền văn hóa khác và nhìn nhận tính bất bao dung của mình đối với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, tức thì tính tự mãn của các tôn giáo và văn hóa khác sẽ bị chất vấn.
Lời Thiên Chúa hôm nay.

Sau khi đã kể ra kinh nghiệm lịch sử của Hội Thánh, chúng ta cần nỗ lực làm sáng tỏ mọi khái niệm trừu tượng về Lời Thiên Chúa. Cho dù tình trạng nhập thể của Hội Thánh dừng ở mức sứ điệp hay đi vào thực tế, thì Lời vẫn phải đi vào lương tâm con người thời đại hôm nay, vượt qua những khác biệt văn hóa và tôn giáo. “Lời Thiên Chúa” mà không thực sự hiện tồn cho con người hôm nay lắng nghe thì chẳng còn là Lời Thiên Chúa nữa, tức không là “thần khí và sự sống.” Trong phần sau cùng của bài chia sẻ, tôi muốn chứng tỏ rằng không thể có sự đúng đắn của mạc khải nếu không chuyển dịch và diễn giải.

Chuyển dịch và diễn dịch


Chúng ta phải luôn luôn trở về với kinh nghiệm nền tảng của Kitô giáo, rằng ơn cứu độ đã đến qua Đức Giêsu Kitô. Tân Ước làm thành công vụ diễn giải cộng đoàn Kitô giáo tiên khởi. Bản văn này vẫn còn mang tính quy chuẩn cho lời chứng của Hội Thánh hôm nay, nhưng nó phải được chuyển dịch theo bối cảnh lịch sử mới, cũng theo cách thức mà người ta có thể cảm nghiệm ơn cứu độ như là sự giải phóng nhân loại và gặp gỡ Thiên Chúa. Có thể truy tìm sự tương đồng giữa Tân Ước và vai trò của nó nơi Hội Thánh sơ khai cũng như sự xuất hiện của chứng từ mới, bằng cả lời nói lẫn hành động, và vai trò của nó trong Hội Thánh và trong các thể chế xã hội đương đại. Với sự bảo đảm của Thần Khí, cũng chính là Thần Khí của Đức Kitô phục sinh, tính liên tục không được tìm thấy nơi sự lặp lại máy móc của cùng một sứ điệp thống nhất về mặt đạo lý, nhưng trong sự tương đồng giữa hai hành động của việc diễn giải. Xuyên qua lịch sử, việc tái diễn giải tất yếu của sứ điệp nền tảng đã diễn ra trong bối cảnh những nền văn hóa mới hoặc những tiến triển mới của tinh thần nhân loại, cũng phù hợp những nhu cầu của Hội Thánh. Việc tái diễn giải đã xuất hiện ngay từ đầu của những bản văn mới dưới dạng tuyên xưng đức tin, dưới dạng những lời công bố về thần học và tín lý và dưới hình thức giáo lý và kinh bổn. Theo cách này, chúng ta gặp một hiện tượng truyền thống và chúng ta biết rằng có thể không có một truyền thống sống động nào tồn tại bên ngoài phép biện chứng bất tận của tính liên tục và sự đổi mới. Ngày nay chúng ta không thể tái tạo chân lý nền tảng của Kitô giáo bằng việc chối bỏ truyền thống này, nhưng truyền thống này tự nó cần phải được tái diễn giải nếu Lời Thiên Chúa vẫn còn có ý nói cho con người thời đại hôm nay.

Rõ ràng là không có một sự chuyển giao sống động về đức tin mà không có sự diễn giải. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng người ta có thể canh tân ngôn ngữ truyền thống của đức tin bằng cách chỉ đơn thuần làm cho nó thích ứng với những não trạng mới mà không đụng chạm đến nội dung của nó.  Đây có thể là một phán đoán sai lầm nghiêm trọng về bản chất của ngôn ngữ và về những đòi hỏi của toàn bộ công trình chuyển dịch. Chúng ta phải biết làm cho sự phân định tất yếu có ảnh hưởng giữa nội dung của sứ điệp, theo từ ngữ chuyên môn là “cái được dấu chỉ hóa” và các phương tiện văn hóa của sứ điệp, tức “dấu chỉ,” mang tính tương đối của mọi vật có tính lịch sử và khả năng chuyên chở đối tượng vĩnh cửu của sứ điệp khi mà nó ý thức về tính bất tất của nó. Sự thật này đúng cho ngôn ngữ mạc khải của Kinh Thánh, cũng như ngôn ngữ đức tin của Hội Thánh. Chúng ta quan sát thấy hiện nay, một hố thẳm to lớn giữa ngôn ngữ Kitô giáo và ngôn ngữ thường ngày, dù đó là ngôn ngữ của thế giới hiện đại trong nền văn minh Tây phương hay là ngôn ngữ của các khu vực văn hóa ngoài phương Tây. Làm sao chúng ta có thể chuyển dịch ngôn ngữ Kitô giáo theo một cách thức mà nó có thể hội thoại với mạc khải? Có thể sẽ không có mạc khải theo nghĩa thực của từ ngữ nếu không có mạc khải nội tại trùng hợp với một khả thể mới của sự hiện hữu. Một bản dịch tốt không phải là chuyển dịch nghĩa đen của cùng một nội dung sang một ngôn ngữ có thể hiểu được. Đôi khi chúng ta phải trở nên bất trung với tính vật chất của bản văn nếu chúng ta muốn trung thành với ý nghĩa mà bản văn muốn thông đạt. Nỗi khao khát của một dịch giả thực thụ là sự truy tầm không ngơi nghỉ về những sự tương đồng giữa nét tinh túy đặc biệt của ngôn ngữ được chuyển dịch và của ngôn ngữ chuyển dịch. Để phấn khởi đi đến thành tựu trong nỗ lực này, người ta phải biết vận dụng khả năng sáng tạo có tính loại suy. 

Như chúng ta biết hiện nay, Kinh Thánh gần như được chuyển dịch sang hầu hết các ngôn ngữ đương đại và quả là một sự kiện toàn. Tôi không có khả năng phê bình chất lượng của những bản dịch. Và tôi mường tượng rằng khi không có khả năng tìm ra những diễn ngữ tương đương, dịch giả phải viện đến sự sáng tạo ra những từ mới. Tình trạng này cũng đồng cảnh ngộ với thời kỳ ban đầu khi tính mới mẻ của sứ điệp Kitô giáo phải được chuyển dịch sang ngôn ngữ Hy Lạp vốn có sẵn vào thời ấy. Có lẽ người ta vẫn muốn để cho các từ ngữ của Kinh Thánh hoặc của ngôn ngữ tín lý tự chúng hiển lộ kèm theo những lời chú giải xác thực hơn là để cho những từ ngữ đó bị hiểu lầm. Một tiêu chuẩn tuyệt vời cho một bản dịch tốt hoặc sự diễn dịch tốt là bản văn đảm nhiệm được vai trò diễn dịch đối với độc giả và thính giả. Tiếp đến chúng ta mới có thể nói về tính hiện thực hóa của Lời Thiên Chúa trong tất cả các ngôn ngữ và các nền văn hóa thế giới. Có thể so sánh với cách diễn giải âm nhạc làm bài học điển hình. Trong muôn ngàn cách diễn giải khác nhau, đâu là cách diễn giải tốt nhất? Không nhất thiết phải là sự bắt chước lệ thuộc của cách trình bày tấu ban đầu, được hướng dẫn bởi nhạc gia. Đúng hơn, đó là sự diễn giải trung thành nhất với khả năng tiết lộ vẻ đẹp được mô tả trong chính tác phẩm. Một cách tương tự, đây cũng chính là ngôn ngữ của niềm tin.

Dấu chỉ thời đại


Bởi vậy, không thể có sự chuyển dịch sứ điệp Kitô giáo mà không có sự tái chuyển dịch đầy sáng tạo. Chúng ta phải lập tức thêm rằng điều này nhắm tới sự chuẩn xác thực thục của sứ điệp trong sự hiện hữu của nhân loại theo những cái mà từ đầu tôi gọi là “kinh nghiệm lịch sử.” Ở giữa kinh nghiệm này, chúng ta có thể phân định “những dấu chỉ thời đại” đang thách thức cách đọc Kinh Thánh theo truyền thống của chúng ta. Bên cạnh Lời Thiên Chúa được diễn tả trong Kinh Thánh, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với chúng ta qua những lời kêu cứu của lương tâm con người và qua những sự kiện văn hóa và lịch sử chính yếu của mỗi thời đại. Ở đây tôi sẽ phân biệt tình trạng mới của lương tâm, những kinh nghiệm nhân loại cần được tiết lộ và một vài thể chế mang tính nô lệ.

Khi nói đến những trạng thái lương tâm, tôi không có ý đề cập đến tình trạng luân lý, nhưng tôi muốn nói tới sự tinh luyện tiến bộ của những khao khát chính đáng của lương tâm con người mà nó tìm thấy một bản dịch chính thức trong Hiến chương Nhân quyền. Bấy nhiêu cũng đủ để ghi nhận những nhu cầu không thể chối bỏ của xã hội hiện đại: sự bình đẳng nam nữ, giá trị tuyệt đối của sự sống con người trong thế giới hôm nay, tôn trọng tự do lương tâm, sự phân tách bản năng giới tính và chuyện sinh nở, quyền được sống hạnh phúc, và tôn trọng nền độc lập của các nhà nước và tôn giáo.

Chúng ta có thể đưa ra nhiều ví dụ về việc tái diễn giải các bản văn Kinh Thánh trong bối cảnh mới của những trạng thái lương tâm này. Chẳng hạn không thể chối cãi được rằng văn chương Kinh Thánh chứng thực nền văn hóa phụ hệ và thiên về nam tính. Chúng ta phải đọc lại Kinh Thánh từ viễn cảnh ý thức hiện đại về tính bình đẳng nam nữ. Và thay vào tính cách mới mẻ của Kitô giáo (“không còn đàn ông hay đàn bà”) bản văn Tân Ước tự nó đã bị ảnh hưởng bởi chế độ phụ hệ của văn hóa Hy Lạp. Chúng ta cũng phải tái diễn dịch một số bản văn chống Do Thái của Tân Ước trong khi lưu tâm đến kinh nghiệm của thế kỷ XX về tội diệt chủng Do Thái và tái lập nền thần học Kitô giáo về Do Thái giáo mà Vatican II đã khởi xướng. Sau cùng, làm sao chúng ta có thể tái diễn giải một số bản văn chiến tranh của Cựu Ước trong tinh thần của đồng tâm nhất trí, của sự bình đẳng chung cho toàn thể nhân loại? Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải chính mình trong Cựu Ước nhưng cũng tỏ mình trong Tân Ước là một Thiên Chúa thống nhất trong sự công chính và tình thương. Vì sự chọn lựa của một dân tộc và lời hứa về thánh địa, Thiên Chúa không thể cho phép sự chống đối và phá hoại của một dân tộc khác. Một luật chú giải lâu đời vẫn còn giá trị: một đoạn văn đặc thù phải được diễn giải trong toàn bộ bản văn và trong mối liên hệ với cốt lõi của sứ điệp. Đôi khi chúng ta phải cắt nghĩa chống lại một bản văn đặc thù về Luật trong Kinh Thánh để Lời Thiên Chúa có thể được công bố như là Tin Mừng cứu độ và giải phóng. Lời Thiên Chúa theo nghĩa đích thực của nó chỉ có thể trở nên hiện thực nếu nó trùng khớp với mạc khải trong cuộc sống con người về những khả thể mới của sự hiện tồn. Điều này có ý nói rằng lời loan báo của Hội Thánh phải vượt ra ngoài những kinh nghiệm cần được tiết lộ mà con người thời đại hôm nay có thể đạt được trong cuộc sống hằng ngày. Nhìn chung, những kinh nghiệm này xảy ra dưới dấu chỉ của ân sủng. Con người có thể mặc lấy những kinh nghiệm bức xúc về tình yêu bất ngờ xảy đến, hoặc dưới dạng kinh nghiệm cảm xúc dữ dội vì kinh hoàng trước vẻ đẹp của thế giới và tạo vật diệu kỳ. Con người cũng cảm thấy trong kinh nghiệm sự bất lực tuyệt vọng khi đối diện với tính hàm hồ của phương tiện truyền thông hiện đại, hoặc với nỗi đau của những nạn nhân vô tội. Ở đây tôi muốn nói tới kinh nghiệm nền tảng đã để lại dấu ấn nơi các dân tộc Tây phương và ngay cả nền văn hóa của họ cũng trở nên hững hờ với tôn giáo. Đó cũng là nhiệm vụ rất cam go khi muốn lưu tâm đến “những kinh nghiệm cần được tỏ lộ” của những người sống trong nền văn hóa và các truyền thống tôn giáo ngoài Tây phương. Dù chúng ta có nói gì đi nữa về tính đa dạng của các nền văn hóa và não trạng, tôi vẫn tin chắc vào tính phổ quát của toàn thể nhân loại ở mức căn bản nhất. Lời Thiên Chúa chỉ có thể thực sự được tiếp nhận nếu như nó chạm đến những vấn đề căn cốt của phận người. Để có thể hoàn thành điều này, lời giảng của Hội Thánh cần phải làm cho những giá trị vô tận của dấu chỉ Kitô giáo được áp dụng sâu rộng hơn. Chẳng hạn, khi nói về sự cần thiết của nước hằng sống, niềm phấn khởi khi lãnh nhận tặng phẩm nhưng không, nỗi khổ đau khi đối diện với cái chết, nhu cầu được tha thứ, tiếng rên siết của muôn loài thọ tạo, kiên tâm chờ đợi Chúa đến hoặc trời mới đất mới.

Lời Thiên Chúa phải đụng chạm tới từng ước vọng căn bản của con người ngay cả khi ước vọng ấy không được xác định rành mạch. Theo nghĩa này, Lời Chúa đóng vai trò như là lời cầu khẩn hơn là lời đáp trả cho những vấn nạn liên quan đến mầu nhiệm hiện hữu của ta. Trong đó, dưới khía cạnh cá nhân, chúng ta có thể khám phá ra Thiên Chúa hoặc kinh nghiệm về ơn cứu độ. Thế nhưng Tin Mừng, vốn là lời mời gọi hoán cải và là quà tặng nhưng không của sự giải thoát, phải luôn được loan báo trong một bối cảnh nhân sinh cụ thể. Bằng cách đó, tôi có ý nói rằng động lực của Tin Mừng phải vượt qua những chia rẽ do tội riêng của chúng ta gây ra và Tin Mừng phải được nhắm tới những gì tôi gọi là thể chế mang tính nô lệ đang đè nặng trên hàng triệu người mỗi ngày. Nhờ những khả năng của truyền thông hiện đại, lập tức chúng ta có thể biết được nỗi khát khao của hàng triệu con người nam nữ đang là nạn nhân của những thể chế áp bức này. Quả thực, những thể chế này là “cơ chế gây tội ác” bởi nó không phải là hậu quả không thể tránh của “bản chất sự vật” nhưng đúng hơn là hậu quả của mạng lưới phức tạp do lợi nhuận và tham nhũng cá nhân và tập thể. Thật dễ cảm nhận được sự thích đáng mang tính thời sự nóng bỏng khi mà Tin Mừng đồng thời vừa được loan báo và vừa được sống. Tin Mừng có một sức mạnh ngôn sứ chống văn hóa và sức mạng kháng cự nhân danh vương quốc công lý và hòa bình đã được khai mở nơi Đức Kitô. Quả thực, ơn cứu độ mà Hội Thánh có sứ mệnh làm chứng là ơn cứu độ dành cho toàn thể nhân loại, ơn cứu độ có ý nghĩa không chỉ giải phóng con người khỏi tội mà còn tặng ban ân huệ sự sống vĩnh cửu, và lập tức giải phóng người ta khỏi sự chia cắt đã làm biến dạng sự hiện tồn của con người.

Ơn gọi phổ quát của Tin Mừng


Lời giảng của Hội Thánh ở đầu thế kỷ XXI bị thách thức dữ dội từ nhiều tôn giáo lớn trên thế giới, và các nền văn hóa cựu trào, như văn hóa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin, những nền văn hóa này đã duy trì được sự độc lập đối với nền văn hóa Kitô giáo bá quyền trong suốt 20 thế kỷ qua. Thậm chí có ý thức sâu xa hơn về tính đặc thù của nền văn hóa Kitô giáo, chúng ta càng ngày càng tin chắc vào ơn gọi phổ quát và “Công giáo” của Tin Mừng: mỗi thiện nam tín nữ đều phải có khả năng tiếp nhận Tin Mừng theo cách thức của mình. Như tôi đã nói, quả thực trong nhiều thế kỷ qua sứ điệp Kitô giáo đã được cảm nhận và được cải biến dưới những dấu chỉ của sự căng thẳng giữa hai thành phố tiêu biểu là Jêrusalem và Athen. Càng ngày chúng ta càng phải là chứng nhân của sự tiến triển này – Hội Thánh của ngày lễ Ngũ Tuần cố gắng lưu tâm đến tertium quid: người khác, những người không thuộc văn hóa phương Tây, cũng không thuộc Do Thái hay Hy Lạp. Cũng trong đường lối này mà Tin Mừng, vì ơn gọi phổ quát của mình, đã bao trùm tính nhị nguyen Hy Lạp Do Thái, lúc này đây, Tin Mừng cần phải vượt ra ngoài tính nhị nguyên phương Tây và không phương Tây. Và cũng là lần đầu tiên trong thời đại toàn cầu hóa, nhân danh tính phổ quát của mình, Tin Mừng phải được thể nhập vào các nền văn hóa không đơn thuần trùng khớp với uy lực của nền văn hóa bá quyền.

Đức Giêsu Nazareth đã chết vì chủ thuyết đặc thù để tái sinh chủ thuyết ấy nhờ sự phục sinh của Người trong tư cách là một nhân vật tiêu biểu cho tính phổ quát. Một cách tương đồng, chúng ta có thể nghĩ rằng Hội Thánh chỉ có thể kiện toàn phổ quát tính của mình phù hợp với động lực của Chúa Thánh Thần bằng việc tương đối hóa các hình thái lịch sử đặc quyền mà Hội Thánh đã được ủy thác qua nhiều thế kỷ. Nhưng vì không thể tách rời mối liên hệ giữa văn hóa và tôn giáo, chúng ta phải nhận rằng vấn đề ngày càng trở nên khó khănd để hội nhập văn hóa sứ điệp Kitô giáo vào trong các nền văn minh ngoài phương Tây nếu không khởi xướng một cuộc đàm đạo giữa các truyền thống tôn giáo lớn. Chắc chắn đây cũng là trường hợp của vùng Đống Nam Á. Bởi thế, thật là thiển cận thái quá khi mường tượng rằng trách vụ Tin Mừng hóa bao hàm việc gom góp những giá trị tích cực của một nền văn hóa trong khi lại chối bỏ những thành tố tôn giáo của nền văn hóa ấy. Bên cạnh đó, về phương diện thần học, điều này có thể mâu thuẫn khi chúng ta đưa ra những đánh giá tích cực về tôn giáo thế giới. Lẽ dĩ nhiên, tính mới mẻ của Tin Mừng có thể xung khắc với những thành tố của truyền thống tôn giáo mà không đồng thuận suy phục Thiên Chúa. Nhưng truyền thống tôn giáo này cũng có thể trở thành một phương thế tôn giáo tối giản mà nó không nhất thiết phải bị hủy bỏ, nhưng đúng hơn nó là dạng biến thể của Thần Khí Đức Kitô.

Bởi thế, thật là khó khăn để thiết định sự khác biệt nghiêm ngặt giữa các thành tố văn hóa mà nó có thể được gộp lại và những thành tố tôn giáo cần phải loại trừ. Toàn bộ vấn nạn có thể được tóm lại theo cách này: chính Tin Mừng tự thân đã bị khước từ hoặc đúng hơn, có phương tiện văn hóa và tôn giáo nào mà hoàn toàn không tác động đến con người không khi mà họ được nghe biết Tin Mừng? Đối diện với những thách thức của các nền văn hóa và tôn giáo khác biệt, Hội Thánh chỉ có thể trung thành với phổ quát tính của Tin Mừng bằng cách chấp nhận vượt qua một quá trình tự mình hoán cải và phân biệt giữa thành tố nền tảng của sứ điệp và những thành tố bất tất dính vào các nền văn hóa đã được thấm nhập Tin Mừng. Sự thật là trong 20 thế kỷ qua, hình thái Kitô giáo đặc quyền mặc lấy văn hóa phương Tây đã không nói điều gì về sự phát triẻn của những hình thái Kitô giáo khác trong thiên niên kỷ thứ ba. Có lẽ sẽ rất là sáo rỗng khi đòi xác nhận rằng không có vấn đề gì khi trở thành Kitô hữu và đồng thời thuộc về một nền văn hóa khu biệt. Một người có thể vừa là một Kitô hữu trọn vẹn, vừa là một công dân Trung Quốc đúng nghĩa. Vấn nạn ở đây đề ra cho tương lai: làm sao có thể mường tượng ra sự sáp nhập tôn giáo kép theo nghĩa đồng nhất với Kitô giáo mà nó vẫn có thể gồm thâu các giá trị tích cực của một trong những truyền thống tôn giáo lớn?  

Tin Mừng sẽ bày tỏ tính phổ quát của mình khi nó có tác dụng trở thành lời cứu độ cho toàn thể nhân loại, bất chấp họ thuộc thành phần văn hóa và tôn giáo nào. Tuy nhiên, sứ vụ của Hội Thánh không kỳ vọng đưa ra một mô hình loan báo Tin Mừng cho hợp thời, nhưng là để làm cho trái đất này ngày càng trở thành nơi cư trú đầm ấm và an vui hơn. Thế nhưng, như tôi đã nói ở phần trước, Tin Mừng phải giữ vai trò chống văn hóa theo nghĩa là có vẻ làm giảm tính nhân bản của con người; hoặc có vai trò như một con chó săn theo nghĩa là vạch mặt tính bất công của các thể chế xã hội nấp bóng dưới biểu ngữ công bằng xã hội, phấn đấu vì lợi ích kinh tế quốc dân. Tin Mừng sản sinh ra những chứng nhân về niềm hy vọng mà có thể vươn vượt qua những giới hạn của lịch sử, nhưng nó cũng chịu trách nhiệm trước lịch sử khi đối mặt với thế giới này. Một cách cụ thể hơn, điều này cho thấy là Hội Thánh không thể biện bạch cho thái độ tự phụ của mình về tính phổ quát trừ phi Hội Thánh kết thân với những duyên cớ rất phổ cập của nhân loại hôm nay, đó là đấu tranh cho công lý, bảo vệ và thăng tiến nhân quyền, bảo vệ môi trường, tôn trọng sự sống, chọn lựa ưu tiên đứng về phía những người bị áp bức.

Hội Thánh không chỉ là bí tích của vương quốc đang đến, vương quốc ấy đã hiện diện trong trần gian này rồi, đó chính là “bí tích, tức là dấu chỉ và là dụng cụ của tính thống nhất nhân loại” (Ánh sáng muôn dân, số 1). Trong thời đại toàn cầu hóa hôm nay, Tin Mừng không thẻ trung thành với ơn gọi phổ quát của mình trừ khi Hội Thánh đưa ra một mô hình cho tính thống nhất của gia đình nhân loại. Hội Thánh phải thăng tiến định chế của một mô hình thống nhất; định chế ấy phải có chỗ cho tính đa nguyên về văn hóa và đa nguyên về những mô hình nhân học. Đây là nẻo đường duy nhất có thể thoát mối hiểm họa hai mặt: một đàng là chúng ta có nguy cơ tiêu chuẩn hóa tính phổ quát và đàng khác là sự bùng nổ tan tác ngang tầm với tháp Babel. Hội Thánh của ngày lễ Ngũ Tuần khi loan báo những kỳ công của Thiên Chúa trong sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ mới có thể cung cấp một mô hình xứng hợp cho tương lai nhân loại.