Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

THỜI SỰ THẦN HỌC - SỐ 67 - THÁNG 02/2015

CHỦ ĐỀ: CON NGƯỜI

LỜI GIỚI THIỆU

Một trong những kỷ niệm quan trọng của đời sống Giáo hội trong năm 2015 là 50 năm bế mạc công đồng Vaticanô II. Công đồng này đã nhận được nhiều tên gọi, chẳng hạn như Công đồng về Giáo hội, bởi vì các văn kiện xoay quanh các vấn đề “Giáo hội đối nội – đối ngoại”; nhưng nếu đặt tên là Công đồng về con người thì cũng không sai. Trong bài giảng kết thúc công đồng (phiên họp long trọng lần thứ 9, ngày 7/12/1965), Đức thánh cha Phaolô VI nhìn nhận rằng công đồng Vaticanô II đã bàn về bản chất và sứ mạng của Giáo hội là nhằm phục vụ thế giới hôm nay, và nói cụ thể hơn nữa, nhằm phục vụ con người: “Tất cả kho tàng đạo lý nhằm đến một hướng duy nhất: phục vụ con người. Con người dưới hết mọi hoàn cảnh, dưới hết mọi yếu đuối, dưới hết mọi nhu cầu”. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22 cũng viết: “Đức Kitô đã mạc khải Thiên Chúa cho con người và mạc khải con người cho con người”.

Lời giới thiệu PDF
Vì lý do ấy, “con người” là một chủ đề quan trọng của thần học, và thậm chí trở thành một một môn chuyên ngành “anthropologia theologica” (nhân-luận thần-học).[1] Trong số này chúng tôi muốn trình bày vài khía cạnh thời sự của môn này, nhằm tìm hiểu những câu trả lời cho các vấn đề nhân sinh của thời đại : Thần học nói gì về con người? Con người gồm cả hồn và xác, có nam có nữ, con người hiện đại sống tại các đô thị, v.v..[2]

1. Những khoa học về con người. Bình Hoà điểm qua những ngành của các khoa học nhân văn (khoa học về con người: sciences de l’homme) và những khuynh hướng của môn nhân-học (anthropologie). Nhân luận triết học hoặc thần học chỉ là một ngành nhỏ trong toàn thể các bộ môn nhân học.

2. Nhân học của công đồng Vaticanô II. Giáo sư Francesco Scanziani phân tích những hướng đi của nhân-luận thần-học mà hiến chế Gaudium et spes đã mở ra, đặc biệt là đặt Đức Kitô làm trung tâm của nhân luận.

3. Nhân học của thánh Tôma Aquinô. Nếu công đồng Vaticanô II đã vạch ra chiều kích nhân học của mặc khải Kitô giáo, cha Mieczyslaw Albert Krapiec, O.P. cũng muốn cho thấy chiều kích nhân học trong bộ Tổng luận thần học của thánh Tôma Aquinô. Hẳn là một khám phá tuyệt vời, bởi vì ai cũng biết rằng tác phẩm “Tổng luận thần học” lấy Thiên Chúa làm trung tâm; tuy nhiên, ta có thể khám phá nơi tác phẩm này những đề tài chính yếu liên quan đến cơ cấu bản thể của con người, ý nghĩa đời người, những băn khoăn mà thuyết hiện sinh nêu lên.

4. Thần học thân xác. Con người là một hữu thể gồm bởi linh hồn và thân xác. Triết học và thần học đã bàn khá nhiều về linh hồn; nhưng “thần học về thân xác” là một chủ đề còn mới lạ, được Đức thánh cha Gioan Phaolô II khai triển trong loạt 129 bài huấn dụ vào dịp tiếp kiến chung các ngày thứ tư hằng tuần từ năm 1979 đến 1984. Những tư tưởng nổi bật được đức cha Jean Lafitte, tổng thư ký Hội đồng giáo hoàng về gia đình, giới thiệu trong một bài thuyết trình ngày 22/4/2010.

5. Phụ nữ. Cùng với giáo sư Maria Carmen Aparicio, chúng ta hãy điểm qua những văn kiện sau công đồng Vaticanô II bàn về Phụ nữ, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hội nghị thế giới về phụ nữ họp tại Bắc Kinh (1995), tại đây lần đầu tiên, một phụ nữ dẫn đầu đoàn đại biểu của Tòa thánh.[3] Tác giả phân tích những hoàn cảnh dưới thời Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II đưa đến những suy nghĩ và quyết định liên quan đến sứ mạng của phụ nữ trong Giáo hội và xã hội.

6. Văn hóa đô thị. Một hiện tượng xã hội của thời đại hôm nay là việc đô-thị-hoá, với sự xuất hiện của các đô thị đông đúc (siêu-đô-thị megapolis), mang theo nhiều thay đổi trong tư duy và nếp sống. Làm thế nào thực hiện việc loan báo Tin Mừng tại các đô thị ? Đó là câu hỏi mà các giám mục Mỹ Châu Latinh nêu lên vào đầu thế kỷ XXI. Không lạ gì mà tông huấn “Niềm vui Tin Mừng” của Đức thánh cha Phanxicô đã dành nhiều đoạn (số 71-75). Linh mục Carlos Maria Galli, người Argentina, nhìn lại các văn kiện của các Đức giáo hoàng và của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh từ công đồng Vaticanô II đến nay liên quan đến kế hoạch “mục vụ đô thị”.

7. Thời sự thần học. Nhằm góp phần vào chương trình mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho năm 2015 “Tân Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến”, trong số báo này, chúng tôi xin đóng góp hai bài viết : 

– “Giáo xứ: lịch sử và thần học” của linh mục Phan Tấn Thành. Chúng ta sẽ theo dõi sự tiến triển của các giáo xứ trong lịch sử Giáo hội, cũng như sự tiến triển thần học về giáo xứ từ sau công đồng Vaticanô II.

– “Những góc độ tiếp cận thần học về đời sống thánh hiến” của linh mục Mario Midali. Có nhiều thứ thần học về đời sống thánh hiến, tuỳ theo văn thể, các phạm trù giải thích, các nhãn quan tổng thể. Tông huấn Vita consecrata muốn tổng hợp tất cả những khuynh hướng ấy.

Trung tâm Học vấn Đa Minh

NỘI DUNG
------------
[1] Lưu ý về việc dịch thuật. Anthropologia (luận về con người) là một danh từ ghép bởi hai từ Hy-lạp anthropos (con người) và logos (lý luận, lời lẽ) và có thể dịch sang tiếng Việt bằng nhiều từ tương đương: nhân học, nhân luận, nhân loại học, nhân chủng học, nhân sinh quan, v.v.. 
[2] Nên biết là những câu hỏi liên quan đến Giáo huấn xã hội (đặc biệt là nhân quyền) đã được bàn trong số 60 (tháng 5/2013): “Đức tin và những vấn đề xã hội”. 
[3] Trước đây “Thời sự thần học” đã có những bài viết về phụ nữ, chẳng hạn như “Nữ thần học” (số 17, tháng 9/1999, trang 40-49); “Phụ nữ và bình đẳng trong nền văn hóa mới” (số 60, tháng 5/2013, trang 137-161).