LTS: Chuẩn bị mừng Mừng Lễ Thánh Tôma Aquinô, 28/01, – Bổn Mạng Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Thời sự Thần học đăng loạt bài về Thánh Tôma của các số 3 năm vừa qua.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giáo huấn về chủ đề "Con người và tư tưởng thánh Tôma Aquinô" vào 3 buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô:
Thời sự Thần học, Số 55 – tháng 01/2012, tr. 7-31.
Thời sự Thần học, Số 55 – tháng 01/2012, tr. 7-31.
--------------
Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP. chuyển ngữ
Anh chị em thân mến,
Ngày hôm nay, qua phần thứ ba này, tôi muốn hoàn tất những bài giáo huấn về thánh Tôma Aquinô. Ngay cả khi thánh nhân đã qua đời được 700 năm, thế mà chúng ta vẫn có thể học hỏi được rất nhiều điều từ nơi ngài. Đấy chính là điều mà vị tiền nhiệm của tôi, đức Giáo hoàng Phao-lô VI, cũng đã đề cập tới. Trong một diễn văn đọc tại Fossanova ngày 14.09.1974, nhân dịp 700 ngày thánh Tôma qua đời, Đức Phao-lô VI đã đặt câu hỏi : “thưa thánh Tôma, vị tôn sư của chúng con, bài học nào ngài có thể chỉ dạy cho chúng con ?” và rồi ngài tự trả lời như thế này : “Niềm xác tín vào chân lý của nền tư tưởng Công giáo, như ngài đã từng bảo vệ, trình bày và mở toang chân lý ấy cho khả năng nhận thức của trí tuệ con người.” (Insegnamenti di Paolo VI, XII, 1974, tr.833-834). Cũng ngày hôm đó tại Aquinô, và vẫn luôn luôn quy chiếu về thánh Tôma, Đức Phao-lô VI khẳng định : “Tất cả chúng ta là những người con trung thành của Giáo hội, chúng ta có thể và phải là những môn sinh của ngài, ít ra là ở một mức độ nào đó.” (Insegnamenti di Paolo VI, XII, 1974, tr.836)
Bởi thế, chúng ta cùng được mời gọi học hỏi các học thuyết của thánh nhân, và nhất là kiệt tác của ngài, bộ Tổng luận Thần học. Dầu chưa hoàn thành, bộ Tổng luận này vẫn là một công trình đồ sộ, bao gồm 512 vấn nạn và 2669 điều khoản. Công trình này tạo thành một hệ thống lý luận chặt chẽ, trong đó việc áp dụng lý trí con người vào các mầu nhiệm đức tin được tiến hành cách sáng sủa và sâu sắc, kết hợp hài hòa giữa những vấn nạn và giải đáp mà thông qua đó, thánh nhân đã đào sâu giáo huấn phát xuất từ Thánh Kinh và các Giáo phụ, nhất là từ thánh Âu Tinh. Trong tiến trình suy tư này, thông qua cuộc gặp gỡ với những vấn nạn thực sự của thời đại ngài, vốn cũng là và thường là những vấn nạn của thời đại chúng ta, thánh Tôma, bằng cách sử dụng những phương pháp và tư tưởng của các triết gia thượng cổ, nhất là của Aristote, đã vươn tới những công thức chính xác, sáng suốt và thích đáng về các chân lý đức tin ; trong đó, chân lý là quà tặng của đức tin, chân lý chiếu tỏa rạng rỡ và giúp chúng ta có thể vươn tới chân lý này trong công cuộc suy tư của mình. Tuy nhiên, nỗ lực này của trí tuệ nhân loại – thánh Tôma nhắc nhở qua chính cuộc đời ngài – phải luôn cần đến sự soi sáng bằng lời cầu nguyện, bằng ánh sáng đến từ Trời Cao. Chỉ những ai sống trong Thiên Chúa và với các huyền nhiệm của Ngài, thì mới có thể lĩnh hội được những điều mà các huyền nhiệm ấy muốn nói với chúng ta.
Trong bộ Tổng Luận, thánh Tôma khởi đi từ sự kiện là có ba cách thức khác nhau để diễn đạt về sự hiện hữu và về yếu tính của Thiên Chúa : Thiên Chúa hiện hữu trong chính Ngài, Ngài là nguyên lý và là cùng đích của muôn loài muôn vật, chính vì vậy mà tất cả mọi thụ tạo đều xuất phát và tùy thuộc vào Thiên Chúa. Tiếp đến, Thiên Chúa hiện diện qua ân sủng của Ngài trong cuộc đời và trong hoạt động của người Ki-tô hữu, của các thánh. Và sau cùng, Thiên Chúa hiện diện theo một cách thế hoàn toàn đặc biệt trong Ngôi vị của Đức Ki-tô và trong các Bí tích, phát sinh từ công trình cứu chuộc của Người. Tuy nhiên, cấu trúc của công trình đồ sộ này (x. Jean-Pierre Torrell, La “Summa” di san Tommaso, Milan 2003, tr.29-75), cuộc truy tìm sự viên mãn của Thiên Chúa với «một nhãn quan thần học» (x. Ia, q. 1, a. 7), được phân chia thành ba phần, và được chính vị Tiến sĩ chung của Giáo hội, thánh Tôma, minh họa với những lời sau : “Mục đích chính yếu của khoa học thánh là nhằm truyền đạt tri thức về Thiên Chúa, không chỉ những điều Ngài là [1] trong chính bản thân Ngài, nhưng còn với tư cách là khởi nguyên và cùng đích của muôn loài muôn vật, và đặc biệt của thụ tạo có lý trí.... Khi trình bày học thuyết này, chúng tôi sẽ bàn (1) về Thiên Chúa ; (2) về hoạt động của thụ tạo có lý trí trên đường trở về với Thiên Chúa ; (3) về Đức Ki-tô, Đấng với tư cách là con người, là con đường dẫn đưa con người trở về cùng Thiên Chúa». (x. Ia, q. 2). Đây là một vòng tròn : Thiên Chúa trong chính bản thân Ngài, Thiên Chúa đi ra khỏi chính mình, Ngài nhận trách nhiệm thay cho chúng ta, để cùng với Đức Ki-tô, chúng ta trở về với Thiên Chúa, chúng ta được kết hợp với Thiên Chúa, Đấng là tất cả trong tất cả.
Phần thứ nhất của bộ Tổng luận Thần học truy tìm về Thiên Chúa trong chính bản thân Ngài, về mầu nhiệm Ba Ngôi và về hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa. Trong phần này, chúng ta cũng bắt gặp được một suy tư sâu sắc về thực tại đích thực của con người, với tư cách là một thực tại bước ra khỏi bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa, hoa trái tình yêu của Ngài. Một đàng, chúng ta là những hữu thể được tạo dựng và phụ thuộc, chúng ta không bắt nguồn từ chính mình ; nhưng đàng khác, chúng ta có một sự độc lập thực sự. Nghĩa là, chúng ta không chỉ là một điều gì đó có dáng vẻ bề ngoài mà thôi – như một số triết gia theo trường phái Platon vẫn thường nói – nhưng còn là một thực tại được chính Thiên Chúa muốn như thế, và thực tại đó có một giá trị trong chính bản thân nó.
Trong phần thứ hai, thánh Tôma cứu xét con người trong khát vọng nhận thức và yêu mến Thiên Chúa để được hạnh phúc trong thời gian và trong vĩnh cửu, khi được ân sủng thúc đẩy. Trước hết, thánh nhân trình bày những nguyên tắc thần học của hoạt động luân lý, khi nghiên cứu lý trí cũng như ý chí và các đam mê, đã được hòa nhập như thế nào trong sự chọn lựa tự do của con người, nhằm thực hiện những hành vi tốt lành. Thêm vào những yếu tố này, là sức mạnh mà ân sủng của Thiên Chúa ban tặng qua các nhân đức và các hồng ân của Thánh Thần, chẳng hạn sự trợ giúp cũng được tặng ban bởi luật luân lý. Như thế, con người là một hữu thể năng động luôn tìm kiếm chính mình, khát vọng để được là chính mình, và một cách nào đó, luôn tìm cách thực hiện những hành vi xây dựng chính mình, và làm cho mình thực sự trở thành người hơn. Ai có khả năng thông suốt được luật luân lý, thì cũng có khả năng hiểu được ân sủng, đồng thời cũng có khả năng đi sâu vào trong lý trí, ý chí cũng như những đam mê của mình. Dựa trên nền tảng này, thánh Tôma đã phác họa diện mạo của con người sống theo Thần Khí và như thế trở thành hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh nhân dừng lại ở đây để nghiên cứu ba nhân đức đối thần, đức tin – đức cậy – đức mến, tiếp theo sau là phần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn 50 nhân đức luân lý, được sắp đặt xoay quanh bốn nhân đức trụ, khôn ngoan – công bình – tiết độ và can đảm. Sau đó ngài kết thúc bằng một suy tư về những ơn gọi khác nhau trong Giáo hội.
Trong phần thứ ba của bộ Tổng luận, thánh Tôma nghiên cứu mầu nhiệm Đức Kitô, con đường và chân lý, để nhờ đó chúng ta có thể trở về đoàn tụ với Thiên Chúa là Cha. Trong phần này, thánh nhân hầu như chỉ viết những trang về mầu nhiệm Nhập Thể và về cuộc Khổ nạn của Đức Giêsu. Sau đó ngài thêm vào một phần suy tư phong phú về Bảy Bí tích, bởi lẽ chính trong Bảy Bí tích, Lời Thiên Chúa nhập thể trải rộng những ân lộc của mầu nhiệm Nhập Thể vì ơn cứu rỗi của con người, vì cuộc lữ hành đức tin của chúng ta trở về với Thiên Chúa, cũng như vì sự sống vĩnh cửu, và Thiên Chúa luôn hiện diện cách hữu hình với các thực tại của công trình sáng tạo, và Ngài đụng chạm đến chúng ta trong nơi sâu thẳm nhất của mỗi người.
Khi bàn về các Bí tích, thánh Tôma suy tư một cách đặc biệt về mầu nhiệm Thánh thể, vì lẽ thánh nhân có một lòng sùng kính đặc biệt đối với mầu nhiệm này, đến nỗi mà, theo các bản tiểu sử xưa kể lại, ngài có thói quen kề sát mặt mình gần nhà tạm như thể để cảm thấy nhịp đập của trái tim Chúa Giêsu, Thiên-Nhân. Qua một trong những tác phẩm chú giải Kinh thánh, thánh Tôma giúp chúng ta hiểu được sự tuyệt vời của Bí tích Thánh thể khi ngài viết : “Thánh Thể là bí tích của cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta. Thánh Thể hàm chứa trong mình Đức Giêsu Kitô chịu đau khổ vì chúng ta. Và như vậy, tất cả những gì là hiệu quả của cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta thì cũng là hiệu quả của Bí tích này. Bởi vì, Bí tích Thánh Thể không gì khác hơn, chính là sự áp dụng cuộc khổ nạn của Chúa đối với chúng ta.” (x. Chú giải thánh Gioan, ch. 6, bài đọc 6, số 963). Chúng ta hiểu rõ được lý do tại sao thánh Tôma và các vị thánh khác, khi cử hành thánh lễ thường hay rơi lệ vì cảm thương Đức Chúa, Đấng đã hiến dâng chính mình làm hy tế vì chúng ta, những giọt lệ của niềm vui và của lòng biết ơn.
Anh chị em thân mến, theo gương các thánh, chúng ta hãy say mê Bí tích Thánh Thể ! Chúng ta hãy tham dự thánh lễ với tâm hồn thanh tịnh, ngõ hầu kín múc được những hoa trái tâm linh. Chúng ta hãy siêng năng rước Mình và Máu Chúa, để không ngừng được ân sủng của Người nuôi dưỡng! Chúng ta hãy vui lòng trò chuyện cách thường xuyên và thân tình với Đức Giêsu nơi Bí Tích cực thánh này!
Những điều mà thánh Tôma diễn đạt trong các tác phẩm thần học chính yếu của ngài, với một sự chính xác mang tính khoa học cao, đích xác, như bộ Tổng luận Thần học (Summa Theologiae), và cả bộ Tổng luận chống Lương dân (Summa contra Gentiles), cũng đã được trình bày trong các bài giảng của ngài, được dành cho các sinh viên cũng như cho các tín hữu. Vào năm 1273, một năm trước khi thánh nhân qua đời, ngài đã giảng thuyết suốt cả Mùa chay tại nhà thời San Domenico Maggiore thành Napoli. Nội dung các bài giảng trong dịp này đã được thu thập và lưu giữ trong một tập sách gọi là Opuscules (tập sách nhỏ hay tiểu luận). Trong đó, ngài diễn giải về kinh Tin Kính của các Tông đồ, chú giải kinh Lạy Cha, trình bày về Mười Giới luật, và bình giải về kinh Kính Mừng. Nội dung các bài giảng của vị Tiến sĩ Thiên thần (Doctor Angelicus) hầu như tương ứng hoàn toàn với cấu trúc của sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Thực vậy, trong việc giảng dạy giáo lý và tác vụ giảng thuyết, ở một thời đại như thời chúng ta đây với việc dấn thân cách mới mẻ cho công cuộc phúc âm hóa, thì không bao giờ được phép bỏ qua những luận chứng nền tảng như thế : những điều chúng ta tin thì có kinh Tin Kính; những điều chúng ta cầu nguyện, thì có kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng ; những điều phải sống như Mạc khải đã dạy chúng ta, thì đã có luật mến Chúa và yêu tha nhân, và Mười Giới Luật như một sự giải thích về đòi buộc của Tình yêu.
Tôi xin được nêu lên một vài dẫn chứng về nội dung đơn giản, nhưng chính yếu và thuyết phục, trong giáo huấn của thánh Tôma. Trong tập Tiểu Luận của ngài về Kinh Tin Kính của các Tông đồ, ngài diễn giải giá trị của đức tin. Ngài nói rằng qua trung gian đức tin, linh hồn kết hiệp với Thiên Chúa, và sản sinh ra chồi non của sự sống vĩnh cửu. Cuộc sống tiếp nhận được một định hướng khả tín, và chúng ta có thể dễ dàng vượt qua những cám dỗ. Đối với những ai chê trách rằng đức tin là một sự ngốc nghếch, bởi vì nó khiến người ta tin vào những điều không thuộc về kinh nghiệm khả giác, thánh Tôma đã trao tặng một câu trả lời rất khúc triết và ngài nhắc lại rằng, đây là một sự hoài nghi không vững chắc. Bởi vì trí năng con người giới hạn và không thể nào nhận thức được tất cả. Chỉ khi nào chúng ta có khả năng nhận thức hoàn toàn được tất cả mọi sự hữu hình và vô hình, thì khi đó sẽ thực sự là ngu ngốc nếu chấp nhận các chân lý bằng một đức tin thuần túy. Đàng khác, thánh nhân cho thấy rằng, bất cứ nơi đâu mà lý trí con người không thể vươn tới được, thì người ta không thể sống nếu không tin tưởng vào kinh nghiệm của người khác. Như vậy, thật là hữu lý khi đặt niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng đã mạc khải chính mình, và vào chứng tá của các thánh Tông Đồ. Các Tông Đồ chỉ là một nhóm nhỏ, đơn sơ và nghèo hèn, bị đảo lộn vì Thầy mình bị đóng đinh vào thập giá, ấy thế mà có rất nhiều người khôn ngoan, quyền quý và giàu sang đã hoán cải, chỉ sau một thời gian vắn vỏi được nghe các Tông Đồ rao giảng. Quả thực, đây là một hiện tượng phi thường trong lịch sử, và người ta khó có thể đưa ra một câu trả lời hữu lý nào khác cho hiện tượng ngày, nếu đó không phải là cuộc hội ngộ giữa các Tông Đồ và Đức Kitô phục sinh.
Khi bình giải về việc Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa trong kinh Tin Kính, thánh Tôma đã đưa ra một số ghi nhận. Ngài quả quyết rằng đức tin Kitô giáo sẽ được kiện cường, nếu người ta biết chiêm ngắm mầu nhiệm Nhập Thể. Niềm hy vọng được gia tăng với niềm xác tín rằng Con Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta, như một người trong chúng ta, để thông truyền cho con người thần tính của Ngài. Niềm hy vọng được thổi bừng lên, bởi vì không có một dấu chỉ nào hiển nhiên hơn, về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta cho bằng thấy chính Đấng Sáng tạo vũ trụ đã trở nên như thụ tạo, một người giữa chúng ta. Cuối cùng, nếu chúng ta suy tư sâu xa về mầu nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy cháy bừng lên khát vọng gặp gỡ Đức Kitô trong vinh quang. Với một so sánh đơn giản nhưng sâu sắc, thánh nhân lập luận rằng : “Nếu một người anh em của đức vua ở đàng xa, chắc hẳn người ấy phải rất nóng lòng để được sống bên đức vua. Vậy mà Đức Kitô thực sự là người anh em của chúng ta, như thế chúng ta phải khao khát trở thành bạn đồng hành với Người, và trở nên cùng một trái tim với Người.” (Opuscoli tologico-spirituali, Rome, 1976, tr.64)
Khi trình bày về Kinh lạy Cha, thánh nhân chỉ ra rằng đó là một lời kinh nguyện tuyệt hảo, vì có năm đặc tính mà một lời cầu nguyện hoàn chỉnh cần phải có : đầy tin tưởng và bình tâm, một nội dung xứng hợp, vì – như thánh nhân lý giải – “thật khó để xác định đúng đắn và thích hợp về điều mình cần nguyện xin hay chưa cần thiết, về thời điểm cam go khi phải đối diện với những chọn lựa giữa các ước muốn”, thứ tự ưu tiên của những lời thỉnh cầu, nhiệt tâm yêu mến và lòng khiêm nhượng chân thành.
Như tất cả các thánh, thánh Tôma cũng có một lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Trinh Nữ Maria. Thánh nhân đã gọi Người bằng một cái tên rất tuyệt vời : Triclinium totius Trinitatis, triclinium - “Mẹ là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa tìm đến nghỉ ngơi”. Bởi vì trong công cuộc Nhập Thể, không nơi một thụ tạo nào được như nơi Mẹ, Ba Ngôi Thiên Chúa tìm được và cảm thấy vui thú và hoan hỷ khi cư ngụ trong tâm hồn đầy ân sủng của Mẹ. Vì thế, chúng ta có được mọi sự trợ giúp cần thiết nhờ sự bầu cử của Mẹ.
Với một lời cầu nguyện mà truyền thống vẫn cho là của thánh Tôma, và dù gì đi nữa, thì đó cũng là lời kinh nguyện phản ánh những yếu tố sâu sắc tâm tình kính mến Đức Maria; chúng ta cùng đọc lên lời kinh này : “Ôi Đức Nữ Trinh Maria diễm phúc và dịu hiền, Mẹ Thiên Chúa. Con xin phó trọn cuộc sống con nơi trái tim từ ái của Mẹ. Lạy mẹ rất dịu hiền của con, xin cho con có được một tình yêu thực sự, nhờ đó con có thể yêu mến trọn tâm hồn con trước hết là Con chí ái của Mẹ, sau Người và trên hết mọi sự là Mẹ, và thứ đến, để con yêu thương tha nhân trong Thiên Chúa và vì Ngài.”ª
[1] In nghiêng của ND.