Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

THÁNH TÔMA AQUINÔ – GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG BÊNÊĐICTÔ XVI (Phần 2)


LTS: Chuẩn bị mừng Mừng Lễ Thánh Tôma Aquinô, 28/01, – Bổn Mạng Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, Thời sự Thần học đăng loạt bài về Thánh Tôma của các số 3 năm vừa qua.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI giáo huấn về chủ đề "Con người và tư tưởng thánh Tôma Aquinô" vào 3 buổi tiếp kiến chung thứ Tư hằng tuần tại quảng trường Thánh Phêrô:

Thời sự Thần học, Số 55 – tháng 01/2012, tr. 7-31.

Phần 1 : Thứ Tư, ngày 01.06.2010
Phần 2 : Thứ Tư, ngày 06.06.2010
Phần 3 : Thứ Tư, ngày 23.06.2010

----------------

Giuse Nguyễn Hữu Nghị, OP. chuyển ngữ

Thứ Tư, ngày 16.06.2010 

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn tiếp tục giới thiệu về thánh Tôma, một thần học gia có giá trị đến nỗi mà việc nghiên cứu tư tưởng của ngài đã được Công Đồng Chung Va-ti-ca-nô II khích lệ trong hai tài liệu : Optatam totius (sắc lệnh về Đạo tạo các linh mục) và Gravissimum educationis (tuyên ngôn về việc Giáo dục Kitô giáo). Vả lại, ngay từ những năm 1880, Đức Giáo hoàng Lê-ô XIII, người rất ngưỡng mộ và luôn cổ võ việc nghiên cứu thánh Tôma, đã muốn tuyên bố thánh nhân là Đấng bảo trợ các trường học và các đại học Công giáo.

Lý do chính yếu của việc đánh giá cao về thánh Tôma như thế, không chỉ được giải thích do nội dung các học thuyết của ngài, nhưng còn do phương pháp ngài đã sử dụng và nhất là những tổng hợp và phân biệt mới mẻ giữa triết học và thần học. Các Giáo phụ xưa đã phải đương đầu với những hệ thống triết học khác nhau kiểu Platon, trong đó người ta trình bày một nhãn quan toàn diện về thế giới và về cuộc đời, bao hàm cả những vấn nạn về Thiên Chúa và về tôn giáo. Khi đối chiếu với các hệ thống triết học này, chính các Giáo phụ cũng đã hình thành được một nhãn quan hoàn chỉnh về thực tại, khi khởi đi từ đức tin và sử dụng những yếu tố của hệ thống triết học Platon, nhằm trả lời cho những vấn nạn căn bản của con người. Các Giáo phụ gọi nhãn quan này, vốn được đặt nền tảng trên mạc khải Thánh Kinh và được hình thành với sự giúp đỡ của hệ thống triết học Platon, đã được điều chỉnh dưới ánh sáng đức tin, là “nền triết học của chúng ta.” Như vậy, hạn từ “triết học” không nhằm diễn tả về một hệ thống duy lý thuần túy và, xét trong tư cách là một hệ thống triết học, thì tách biệt hẳn với đức tin; nhưng nhằm biểu thị một nhãn quan toàn thể về thực tại, được xây dựng dưới ánh sáng đức tin, tất nhiên do chính lý trí vận dụng và quan niệm. Một nhãn quan toàn thể như thế, theo lẽ tự nhiên, chắc chắn vượt quá những khả năng riêng của lý trí, nhưng cũng chính một nhãn quan như thế mới có thể làm thỏa mãn lý trí.

Đối với thánh Tôma, cuộc giao ngộ với nền triết học tiền Kitô giáo của Aristote (+ 322 tr. CN) đã khai mở một viễn tượng mới mẻ. Hệ thống triết học Aristote hiển nhiên là một hệ thống triết học được hình thành mà không biết đến Cựu ước cũng chẳng biết Tân ước, một hệ thống triết học giải thích về thế giới mà không dựa trên mạc khải, nhưng chỉ thuần túy dựa vào lý trí mà thôi. Nhưng sự hợp lý nhất quán của hệ thống triết học này lại mang tính thuyết phục cao. Như vậy, công thức xưa kia của các Giáo phụ gọi là “nền triết học của chúng ta”, không còn có thể tiếp tục sử dụng được nữa. Cuộc hội ngộ giữa triết học và thần học, giữa đức tin và lý trí cần phải được suy tư lại. Trước tiên cần có một nền triết học hoàn chỉnh và có sực thuyết phục cao trong chính hệ thống ấy, một sự hợp lý đi trước đức tin, và theo sau hệ thống này là một “nền thần học”, một dạng thức tư duy cùng với đức tin và trong đức tin.

Một vấn nạn cấp thiết được đặt ra là : thế giới của sự hợp lý, một nền triết học được tư duy mà không có đức Kitô và thế giới đức tin, liệu chúng có thể tương hợp được với nhau không? Hay liệu chúng có loại trừ nhau không? Dẫu không thiếu những yếu tố có thể khẳng định sự bất tương hợp giữa hai thế giới này, nhưng thánh Tôma vẫn luôn vững tin vào một sự tương hợp thực sự giữa chúng, và cũng giống như hệ thống triết học được hình thành dù không biết đến Đức Kitô nhưng vẫn đợi chờ, một cách nào đó, ánh sáng của Đức Giêsu để được hoàn chỉnh. Chính sự ngạc nhiên vĩ đại này của thánh nhân đã quyết định cuộc hành trình suy tư của mình, trong tư cách là một nhà tư tưởng. Việc chứng tỏ cho thấy sự độc lập giữa triết học và thần học, và đồng thời cho thấy mối tương quan hỗ tương của chúng, đã là một sứ vụ lịch sử của vị đại tôn sư. Như vậy, chúng ta có thể hiểu được, vào thế kỷ XIX, đang khi mà người ta mạnh mẽ tuyên bố về sự bất khả tương hợp giữa lý trí hiện đại và đức tin, thì đức Giáo hoàng Lê-ô XIII đã chỉ định thánh Tôma làm người hướng đạo trong công cuộc đối thoại giữa lý trí và đức tin. Trong công tác nghiên cứu thần học của mình, thánh Tôma đã giả thiết và cụ thể hóa mối tương quan này. Đức tin củng cố, hoàn thiện và soi sáng cho di sản chân lý mà lý trí con người đã thủ đắc được. Sự vững tin mà thánh Tôma dành cho hai phương thế của việc nhận thức- đức tin và lý trí- có thể đưa đến niềm xác tín rằng cả hai đều phát xuất từ một nguồn mạch duy nhất của mọi chân lý, đó là Lời Thần Linh (Logos divin), Đấng đang hoạt động trong công trình sáng tạo cũng như trong công trình cứu chuộc.

Ngoài sự tương hợp giữa lý trí và đức tin, thì cũng cần phải nhìn nhận rằng, cả đức tin và lý trí đều cần đến những tiến trình khác nhau của sự nhận thức. Lý trí đón nhận một chân lý căn cứ vào chính sự hiển nhiên nội tại của nó, dù là gián tiếp hay trực tiếp; trái lại, đức tin đón nhận chân lý dựa trên nền tảng chính là uy thế của Lời Chúa được mạc khải. Thánh Tôma đã viết trong phần đầu của Tổng luận Thần học rằng : “Chúng ta phải công nhận rằng có hai loại khoa học. Một số ngành khoa học bắt nguồn từ những nguyên tắc được nhận thức thông qua ánh sáng tự nhiên của lý trí, như số học, hình học và các ngành khác tương tự; nhưng một số ngành khác lại bắt nguồn từ những nguyên tắc được nhận thức thông qua một khoa học cao hơn, và chính theo cách thế này mà thánh khoa cũng là một ngành khoa học. Thực vậy, thánh khoa bắt nguồn từ những nguyên lý được nhận thức theo ánh sáng của khoa học cao hơn, đó là khoa học của Thiên Chúa và của các thánh.” (Ia, q. 1, a. 2).

Sự phân biệt này bảo đảm tính độc lập giữa các ngành khoa học nhân văn và thánh khoa. Tất nhiên sự phân biệt này không đồng nghĩa với một sự tách biệt, nhưng đúng hơn là hàm chứa một sự bổ túc hỗ tương và đem lại lợi ích cho nhau. Thực vậy, đức tin bảo vệ cho chân lý khỏi những thứ cám dỗ vì thiếu tín nhiệm vào những khả năng riêng của mình, đức tin khích lệ lý trí mở ra với những chân trời luôn luôn rộng lớn hơn, đức tin gìn giữ cho công cuộc truy tìm những nền tảng luôn luôn sống động trong lý trí. Nhất là khi mà chính lý trí cố gắng thích ứng vào lãnh vực siêu nhiên của mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, đức tin giúp cho công việc của lý trí trở nên phong phú hơn nhiều. Chẳng hạn, theo thánh Tôma, lý trí con người có thể chắc chắn đạt đến khả năng xác quyết về sự hiện hữu của Một Thiên Chúa, nhưng chỉ có đức tin, khi đón nhận mạc khải thần linh, mới có đủ khả năng kín múc được huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa Duy nhất và Ba ngôi.

Đàng khác, không chỉ đức tin mới trợ giúp lý trí, nhưng chính lý trí, với những phương thế riêng của mình, cũng có thể mang lại điều gì đó quan trọng cho đức tin. Như trong phần lời tựa của tác phẩm chú giải về Ba Ngôi của Boèce (De Trinitate de Boèce), thánh Tôma đã chỉ ra ba sự phục vụ chính yếu mà lý trí mang lại cho đức tin : “chứng minh những nền tảng của đức tin, minh giải những chân lý đức tin thông qua những điểm tương đồng, đẩy lùi những phản bác chống lại đức tin.” (q. 2, a. 2). Thực ra, toàn thể lịch sử thần học chính là sự thi hành trách vụ dấn thân này của lý trí, khi chứng minh cho thấy tính khả tri của đức tin, sự ăn khớp cũng như sự hài hòa nội tại, tính chất hữu lý và khả năng cổ võ sự thiện hảo nơi con người của chính đức tin. Sự thích đáng của những suy luận thần học cũng như ý nghĩa đích thực của chúng trong vấn đề nhận thức được căn cứ trên giá trị của ngôn ngữ thần học, mà theo thánh Tôma, chủ yếu là ngôn ngữ loại suy. Khoảng cách giữa Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, và hữu thể của các thụ tạo là một khoảng cách vô biên. Sự khác biệt luôn luôn lớn hơn sự tương đồng (xc. DS 806). Dầu vậy, trong toàn thể những khác biệt giữa Đấng Tạo Hóa với thụ tạo, vẫn có một sự loại suy giữa hữu thể được tạo dựng với hữu thể của Đấng Sáng Tạo, chính điều này giúp chúng ta có thể nói về Thiên Chúa bằng chính ngôn ngữ của con người.

Thánh Tôma xây dựng học thuyết về thuyết loại suy không chỉ dựa trên những luận chứng triết học chuyên biệt, mà còn dựa trên sự kiện là thông qua Mạc khải, chính Thiên Chúa đã ngỏ lời với ta, và như vậy cho phép chúng ta cũng được quyền nói về Ngài. Tôi xét thấy rằng việc nhắc lại học thuyết này thực sự là điều quan trọng. Quả thực, học thuyết này có thể giúp chúng ta vượt qua được một số những phản bác của chủ thuyết vô thần thời đại. Bởi vì chủ thuyết này phủ nhận tính khách quan của ngôn ngữ tôn giáo, và chủ trương rằng ngôn ngữ tôn giáo chỉ có giá trị chủ quan hay chỉ thuần túy là một cảm xúc. Thái độ phản bác này bắt nguồn từ chủ thuyết thực chứng, một nền tư tưởng xác quyết rằng con người không thể nhận thức được chính hữu thể, mà chỉ nhận thức được những chức năng có thể trải nghiệm qua thực tế. Cùng với thánh Tôma và với truyền thống triết học vĩ đại, chúng ta xác tín rằng, trong thực tế, con người không chỉ nhận thức được những chức năng, đối tượng của các ngành khoa học tự nhiên, mà còn nhận thức được về chính hữu thể. Chẳng hạn con người có thể nhận thức được ngôi vị, cái tôi của người khác, chứ không chỉ dừng lại ở khía cạnh thể lý và sinh học của người ấy.

Dưới ánh sáng học thuyết của thánh Tôma, thần học quả quyết rằng, dầu mang tính giới hạn, nhưng ngôn ngữ tôn giáo vẫn có một giá trị nào đó, bởi lẽ chúng ta đụng chạm đến hữu thể, như thể một mũi tên bay về phía thực tại mà nó muốn biểu đạt. Sự hòa hợp căn bản giữa lý trí con người với đức tin Kitô giáo, được nhìn nhận theo một nguyên tắc căn bản khác trong tư tưởng của thánh Tôma : Ân sủng của Thiên Chúa không xóa bỏ nhưng giả thiết và kiện toàn bản tính con người. Thực vậy, bản tính con người, ngay cả sau khi tội lỗi, vẫn không bị hủy hoại hoàn toàn, mà chỉ bị tổn thương và bị suy yếu. Ân sủng mà Thiên Chúa tuôn đổ và thông ban qua mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, là một ân ban hoàn toàn nhưng không, giúp cho bản tính con người được chữa lành, được kiện cường và được nâng đỡ ; nhờ đó mà tiếp tục theo đuổi khát vọng thiên phú trong trái tim mỗi người, nam cũng như nữ : đó là hạnh phúc. Mọi quan năng của hữu thể con người được thanh tẩy, được biến đổi và được nâng lên trong ân sủng của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tìm thấy sự áp dụng quan trọng, về mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng trong thần học luân lý của thánh Tôma, một nền thần học mà cho đến ngày nay vẫn nổi bật về tính thời sự lớn lao. Thánh nhân đã đặt lề luật mới, luật của Thần Khí, vào trung tâm học thuyết của mình trong lãnh vực Thần học Luân lý. Với một nhãn quan bám chặt cách thâm sâu vào Tin Mừng, thánh Tôma nhấn mạnh đến sự kiện là luật mới này chính là ân sủng của Thần Khí, được ban tặng cho tất cả những ai tin vào Đức Kitô. Mọi giáo huấn được viết ra hay được truyền khẩu liên quan đến chân lý đức tin và luân lý mà Giáo hội truyền dạy, đều gắn liền với ân sủng này. Thánh nhân, khi nhấn mạnh đến vai trò nền tảng trong đời sống luân lý của tác động của Thánh Thần và ân sủng, từ đó phát sinh các nhân đức đối thần và các nhân đức luân lý, cho thấy rằng mỗi tín hữu đều có thể đạt tới những viễn tượng khác nhau của “Bài giảng trên núi”, một khi người ấy biết sống trong mối tương quan đích thực của niềm tin đặt nơi Đức Ki-tô, và luôn mở lòng đối với những tác động của Thánh Thần. Tuy nhiên, thánh Tôma thêm ngay rằng : “mặc dù ân sủng kiến hiệu hơn tự nhiên, nhưng tự nhiên vẫn là căn bản hơn đối với con người và do đó bền vững hơn”, (Ia – IIae, q. 94, a. 6, ad. 2). Đó là lý do tại sao, trong viễn tượng của nền luân lý Ki-tô giáo, luôn có một vị trí dành cho lý trí, vốn có khả năng biện phân luật luân lý tự nhiên. Lý trí có thể nhận biết được luật luân lý tự nhiên này, khi cân nhắc kỹ lưỡng những gì là tốt phải thực hiện và những gì cần phải tránh, ngõ hầu đạt đến hạnh phúc mà lòng người luôn khắc khoải hướng tới. Đồng thời, niềm hạnh phúc này cũng đòi buộc thái độ trách nhiệm đối với những người khác, và cùng nhau mưu tìm thiện ích chung. Nói cách khác, các nhân đức nơi con người, nhân đức đối thần và luân lý, đều ăn rễ sâu trong bản tính con người. Ân sủng của Thiên Chúa đồng hành, nâng đỡ và thúc đẩy sự dấn thân về phương diện luân lý, nhưng tự thân mỗi người, theo thánh Tôma, dù tin hay không tin, đều được mời gọi nhìn nhận những yêu sách của bản tính con người, được diễn tả trong luật tự nhiên, và đồng thời lấy luật tự nhiên này làm khởi hứng trong việc công thức hóa các luật thiết định, nghĩa là những luật phát xuất từ các quyền bính dân sự và chính trị, nhằm quy định sự cùng tồn tại của con người.

Một khi luật tự nhiên và trách nhiệm được hàm chứa trong luật này bị phủ nhận, thì theo một cách bi thảm nào đó, người ta đang mở đường cho chủ thuyết tương đối về luân lý trên bình diện cá nhân, và cho chủ nghĩa độc tài toàn trị của quốc gia trên bình diện chính trị. Việc bảo vệ những quyền phổ quát của con người, cũng như khẳng định về giá trị tuyệt đối của phẩm giá ngôi vị, phải giả thiết một nền tảng nào đó. Phải chăng nền tảng này chính là luật tự nhiên, cùng với những giá trị không thể phủ nhận mà luật tự nhiên này biểu thị ? Đức giáo hoàng Gio-an Phao-lô II khả kính đã viết trong Thông điệp Evangelicum vitae (Tin mừng sự sống), những lời hiện vẫn còn mang tính thời sự rất lớn : «Vì tương lai của xã hội và vì sự phát triển của một nền dân chủ lành mạnh, phải khẩn thiết tái khám phá sự hiện hữu của những giá trị cǎn bản và thiên phú về mặt nhân bản cũng như về mặt luân lý, được phát xuất từ chính chân lý về hữu thể con người. Những giá trị này vừa diễn tả vừa bảo vệ phẩm giá của ngôi vị. Bởi vì, đây là những giá trị mà không một ai, không một tổ chức nào, không một quốc gia nào có thể sáng tạo, thay đổi hay hủy bỏ, nhưng đòi buộc mọi người phải nhìn nhận, tôn trọng và cổ võ những giá trị đó.» (số 71).

Kết : Thánh Tôma giới thiệu cho chúng ta một khái niệm vừa rộng lớn vừa khả tín về lý trí con người. Rộng lớn, bởi lẽ khái niệm về lý trí con người không bị giới hạn vào những không gian của cái gọi là lý trí khoa học - duy nghiệm, nhưng nó mở ra với toàn thể hữu thể. Và như vậy, nó cũng mở ra với những vấn nạn căn bản cũng như với những vấn nạn mà người ta không thể phủ nhận đối với sự sống con người. Khả tín, bởi vì lý trí con người, đặc biệt là nếu nó đón nhận những khởi hứng từ đức tin Ki-tô giáo, sẽ là tác nhân cổ võ cho một nền văn minh có khả năng nhìn nhận phẩm giá của ngôi vị, cũng như tính bất khả xâm phạm của những quyền lợi và tính chất bó buộc của những bổn phận của ngôi vị con người. Chẳng có gì phải ngạc nhiên khi mà học thuyết về phẩm giá ngôi vị, nền tảng cho việc nhìn nhận đặc tính bất khả xâm phạm của con người, được khai triển trong nhiều lãnh vực tư tưởng đã đón nhận di sản từ thánh Tôma, vị thánh đã đưa ra một quan niệm cao quý về con người. Thánh nhân định nghĩa ngôi vị bằng ngôn ngữ triết học rất chính xác như sau : “Ngôi vị là cái hoàn hảo nhất có thể tìm thấy được trong toàn thể thiên nhiên, nghĩa là bản thể cá vị của một bản tính có lý trí.”(Ia, q. 29, a.3)

Chúng ta đừng bao giờ quên rằng, sự sâu sắc trong tư tưởng của thánh Tôma phát xuất từ chính đức tin sống động, cũng như từ lòng kính yêu sâu sắc mà thánh nhân diễn tả trong những lời kinh nguyện đầy linh hứng. Chẳng hạn như trong lời kinh nguyện ngài cầu xin Chúa : “Con cầu xin Chúa, hãy ban cho con một trái tim luôn tìm kiếm Chúa, một lý trí để hiểu biết Chúa, một sự minh triết để gặp được Chúa, một cuộc sống đức hạnh để làm Chúa vui, một sự kiên trung bền chí để chờ đợi Chúa, và một niềm hy vọng tin tưởng là sau cùng sẽ được ở bên Chúa.”

Đọc tiếp Phần 3