Thời sự Thần học – Số 27, tháng 3/2002, tr. 69-80.
Hugo Rahner
Vì vậy chúng ta phải tìm hiểu cách sâu xa hơn mối tương quan này, nó đặt nền trên tước vị làm Mẹ Thiên Chúa được dành cho Đức Maria; đồng thời nơi người tín hữu, mối tương quan đó nối kết Mẹ Thiên Chúa với Mẹ Giáo Hội, những tư tưởng này vẫn còn thuộc về kho tàng giáo huấn của những thời kỳ đầu Kitô giáo. Đức Maria đúng như một “hình bóng” tinh tuyền và duy nhất của Giáo Hội qua thiên chức làm Mẹ của Đức Maria đối với những người được cứu chuộc, người ta thấy sự thâu tóm của năng lực biến đổi thế giới, nhờ đó, qua bao thế kỷ, Mẹ Giáo Hội tiếp nhận các dân ngoại vào lòng và đã sinh họ vào đời sống mới trong Chúa Kitô. Trong tập dụ ngôn thu thập những ý tưởng của các giáo phụ về ý nghĩa tiên trưng của những hình bóng Thánh Kinh, Isidoro de Sevilla đã nói với chúng ta: “Đức Maria, biểu thị Giáo Hội, thực vậy, Giáo Hội là hiền thê của Chúa Kitô, Giáo Hội đồng trinh đã cưu mang bởi Chúa Thánh Thần và đã sinh ra chúng ta mà vẫn còn đồng trinh.” Và trong kinh tiền tụng của phụng vụ Ambrosia về lễ cung hiến, xuất hiện vào thế kỷ V, người ta đã ca tụng Giáo Hội bằng bài ca này: “Giáo Hội là Mẹ của mọi sinh linh, là người nữ diễm phúc trong sự viên mãn của con mình. Mỗi ngày Giáo Hội hạ sinh những người con cho Thiên Chúa trong Thánh Linh.”
Chúng ta sẽ hiểu thấu đáo hơn những ý tưởng thần học của những thế kỷ đầu, liên quan đến Đức Maria và Giáo Hội, nếu chúng ta suy niệm ba biến cố lịch sử cứu độ trong đời sống Đức Maria, qua đó kiểu mẫu song đối giữa Đức Maria và Giáo Hội là đáng chú ý hơn cả. Đó là những lúc Đức Maria hoàn toàn là người nữ, là người đàn bà trong lịch sử cứu độ của Đấng Thiên Sai: tức là việc cưu mang và sinh con, tiệc cưới Cana, và sau cùng là giờ Đức Kitô chết trên cây thập tự.
Khởi nguồn ơn cứu độ của chúng ta được ẩn giấu trong ý định khôn dò của Chúa Cha hằng hữu, đó là việc sai con duy nhất của Người đến với chúng ta mặc hình nhân loại. Trong ý định ban ân sủng của Thiên Chúa bao hàm một quyết định tự do của người thiếu nữ nhân loại, đã được tiền định để làm Mẹ của Con của Người. Mặt khác, sự quyết định này chỉ thực hiện được do cũng một ân sủng Thiên Chúa. Trong tiếng “xin vâng” của Trinh Nữ thực sự là lời đầu tiên của Giáo Hội. Thánh Augustine đã diễn tả điều đó bằng một câu nổi tiếng: “Đức Maria thực là Mẹ các chi thể của Chúa Kitô, tức chúng ta, vì nhờ lòng mến, Mẹ đã cộng tác vào việc sinh ra các tín hữu trong Giáo Hội. Họ là những chi thể trong cùng một đầu mà Đức Maria là Mẹ do huyết nhục.”
Sự cộng tác trong lòng mến này, trước tiên đó là tiếng “xin vâng” của Mẹ có thể đem lại ân sủng tràn đầy cho toàn thể nhân loại qua việc Thiên Chúa nhập thể. Như thế, chính trong cung lòng Đức Maria đã bắt đầu sự hiện hữu của Giáo Hội như các giáo phụ thường nói: Do sự phối hiệp giữa thần tính và nhân tính trong ngôi vị độc nhất của Đức Kitô, đã bảo đảm và khơi mào ý định cứu chuộc cũng như biến đổi thế giới của Thiên Chúa Cha. Kể từ đây, tức là từ thập giá cứu chuộc của Con Người, sinh bởi Đức Maria để chịu hiến tế, cho đến ngày hoàn tất việc cứu chuộc bằng cuộc trở lại vinh quang của Thiên Chúa làm người; nói tóm, toàn bộ lịch sử Giáo Hội thì bất kỳ điều gì xảy ra đều là do một cuộc triển khai mầu nhiệm đã được hoàn tất trong cung lòng Đức Maria. Đó là mầu nhiệm riêng của Giáo Hội, và đặc biệt bài thánh ca tuyệt mỹ của thế kỷ thứ III cũng nói lên điều đó: “Chúng con muốn ca tụng mầu nhiệm của Giáo Hội bằng một bài ca dâng lên Chúa Kitô, Ngôi Lời của Chúa Cha, mà Mẹ đã hạ sinh. Cao cả thay mầu nhiệm đã được ủy thác cho Mẹ Maria.” Chúng ta thầm hiểu rằng mầu nhiệm cao cả mà thánh Phaolô đã đề cập đến khi bàn về Giáo Hội, khởi đầu từ cung lòng Đức Maria. Đó cũng là điều Paulin di Nole đã nghĩ tới trong bài thơ chúc hôn, khi ông ca tụng mầu nhiệm hợp nhất của Ngôi Lời với bản tính nhân loại trong cung lòng Đức Nữ Trinh, và khi ông cho đó là một bức tranh thật huyền nhiệm về tiệc cưới của Giáo Hội với Chúa Kitô.” Vì bản chất sâu xa của Giáo Hội, Mẹ của những người được cứu chuộc, đó là tiếp tục mầu nhiệm nhập thể: “Như người Mẹ, Giáo Hội sinh ra dòng dõi của Ngôi Lời vĩnh cửu – các dân tộc đã được Giáo Hội cưu mang trong lòng và hạ sinh vào nguồn Ánh Sáng.”
Qua ngôn ngữ thần học cổ điển, Đức Thánh Cha Leo đã khai triển học thuyết về Giáo Hội bằng một trong số những bài giảng lễ Giáng Sinh: “Trong khi tôn thờ việc giáng sinh của Chúa Cứu Thế, chúng ta cũng mừng những bước khởi đầu của đời sống riêng chúng ta. Vì sự giáng sinh của Chúa Kitô là nguồn gốc của dân Kitô giáo. Ngày sinh của Đầu cũng là ngày sinh của thân thể. Mỗi người được gọi có một định mệnh riêng, tất cả các con cái của Giáo Hội cũng có thể sống tách biệt nhau trong thời gian. Tuy nhiên, toàn thể các tín hữu đã chịu phép thanh tẩy vẫn được sinh ra cùng với Đức Kitô khi Người giáng sinh.” Đối với Giáo Hội xưa, lễ Giáng Sinh là một đại lễ, còn Đức Maria là nơi “thâu tóm” tất cả các mầu nhiệm đã hoàn thành trong chính chúng ta khi chúng ta được tái sinh. Qua sự giáng sinh của Chúa Kitô từ lòng Đức Mẹ, nền thần học của các giáo phụ đã thấy sự trở về từng đoàn đông đảo của các dân nước được tái sinh từ cung lòng của Giáo Hội đồng trinh. Đó là bài ca kinh Tiền Tụng rất cổ xưa: “Giáo Hội hân hoan khi ngắm nhìn thấy các con cái mình sinh ra.” Tôi không thể trích dẫn một đoạn văn rút từ nền thần học của Giáo Hội cổ thời, khả dĩ tạo nên một tổng hợp hoàn hảo về những ý tưởng thần bí đó cho bằng câu nói sau đây trích từ bài giảng về Đức Maria của Ildephonse de Tolède: “Đây là trinh nữ có những bước khởi đầu của toàn Giáo Hội, chúng ta tin rằng ở đó, Giáo Hội liên kết với Thiên Chúa bằng mối dây vĩnh cửu.”
Mầu nhiệm hôn nhân về sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính trong cung lòng Mẹ Thiên Chúa cũng làm thỏa nguyện lòng tôn sùng Đức Maria thời Trung Cổ, và đây chính là điều khi giải thích những luận đề thần học cổ điển, người ta đã áp dụng trước hết cho Giáo Hội, bằng cách hoán chuyển những luận đề đó và lấy Đức Maria làm đối tượng. Đây là điều tối quan trọng và được khẳng định trong bộ chú giải sách Nhã Ca: “Thính giả là người thế nào, xin hãy đón nhận tác phẩm này cách rộng lượng, trong tác phẩm đó, tôi chú giải bản văn Nhã Ca bằng cách áp dụng nó vào Đức Maria, thính giả chớ vội cho đó là trái nghịch với đạo lý của các giáo phụ cổ thời, vốn ưa giải thích một cách rộng rãi bản văn đó như một sự biểu lộ tình yêu của Giáo Hội, nhưng thính giả hãy coi nó như một phần bổ túc cho đạo lý của các giáo phụ, trong đó, tôi đã liên kết và thu thập những đường nét rất lớn và rất bao quát mà Giáo Hội, trong tâm hồn độc nhất của Đức Maria, chỉ mình Người được Đức Kitô yêu mến; vì không có điều gì trong những điều mà người ta có thể coi hoặc ca tụng tình yêu cao đẹp và thánh thiện của Giáo Hội, bạn trăm năm của Chúa Kitô mà không được áp dụng cho Đức Maria.”
Mầu nhiệm thiên chức làm Mẹ của Đức Maria đối với tất cả các tín hữu còn được tiếp diễn trong mọi biến cố của đời Người. Vì chỉ hạn chế trong dòng lịch sử cứu độ, Tin Mừng chỉ thuật lại cho chúng ta những biến cố đó theo mức độ chúng nói lên công việc cứu độ được dành cho Đức Maria trong chương trình Thiên Chúa. Mầu nhiệm hôn nhân của việc nhập thể qua đó khai mào công cuộc cứu chuộc sẽ được tỏ lộ một lần nữa khi bắt đầu đời hoạt động cứu chuộc của Chúa, lúc xảy ra phép lạ đầu tiên minh chứng thần tính của Người tại tiệc cưới Cana. Khi thuật lại sự kiện này, thánh Gioan không hề có ý định dừng lại ở chỗ tường thuật một đám cưới tầm thường của ngôi làng; trái lại, tác giả cao sâu nhất về hình trưng thiên sai luận là Gioan lại coi biến cố này, một cách nào đó như một bức màn che phủ những mầu nhiệm cứu độ còn ẩn chìm sau đó. Phép lạ biến nước thành rượu phải là sự kiện do lời cầu bầu của Đức Maria mà thoạt tien Chúa Giêsu tỏ ra không chấp thuận bằng cách từ chối khéo qua lời ám chỉ về “giờ” của Người chưa đến; tất cả những sự đó cho chúng ta một cái nhìn về điều phải được tỏ lộ: Đức Maria mà ở đây Chúa Kitô đã nói với Người một cách trịnh trọng bằng tiếng “thưa bà”, tiếng này đã được dùng trong mạc khải khởi thủy, lúc con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Còn Đức Maria lại là người đàn bà khi giờ đã đến, nghĩa là khi Đức Kitô kết thúc công cuộc cứu chuộc của Người thì Bà lãnh lấy sứ mạng làm Mẹ và làm trạng sư của tất cả các tín hữu. Chính lúc đó, Người vĩnh viễn trở thành “người nữ,” thực sự là Mẹ của mọi sinh linh, và “Eva của một dòng giống mới,” là “người sinh ra thân xác Đức Kitô chiến thắng ác thần.”
Nếu sự việc đã diễn ra ở tiệc cưới Cana như thế, thì có thể giải thích ý nghĩa sâu xa và thiêng liêng nhất của câu Kinh Thánh “và Mẹ Đức Giêsu cũng có mặt ở đó” như thế này: Đức Maria vừa là Mẹ của những khách dự tiệc mà vì họ Thiên Chúa làm người đã biến nước là bản tính nhân loại thành rượu là ân sủng Thiên Chúa, đồng thời cũng là Mẹ của bàn tiệc cộng đồng mà Đức Giêsu đã lưu lại qua bao thời đại – trong Mẹ, tiếp diễn mầu nhiệm nhập thể, nhờ lời cầu bầu của Mẹ Đồng Trinh Maria, những người được chọn trở thành khách dự tiệc, Chúa Giêsu sau khi đã chịu biến đổi cách mầu nhiệm. Thánh Ephrem Syrien đã ca ngợi điều đó bằng một bài ca trong số những bản thánh ca trình bày các mầu nhiệm của Chúa.
Người đáng được Cana tôn vinh, vì Người đã mang lại niềm vui cho bữa tiệc. Qua vị hôn thê, Người đã ám chỉ Giáo Hội Người; qua những khách dự tiệc, Người loan báo những người được tuyển chọn, và qua phép lạ hiển thắng đó, Người đã giới thiệu trước sự xuất hiện vinh quang của Người...
Như thế, lời giải thích sâu xa về tiệc cưới Cana bao hàm toàn bộ bước triển khai của lịch sử ơn cứu chuộc, kể từ ngày Chúa xuất hiện lần đầu tiên trong mầu nhiệm nhập thể, cho đến ngày Người trở lại trong vinh quang khi thời giờ đã mãn. Trong suốt quá trình biến đổi dòng lịch sử, qua đó nhân loại được biến đổi thành rượu mang sức sống siêu nhiên luôn có Đức Maria hiện diện. Một người Mẹ ân cần và luôn sẵn sàng cầu nguyện, Đức Maria quả là “nơi thâu tóm” toàn bộ mầu nhiệm diễn ra trong cuộc nhập thể của Chúa, được tiếp diễn nơi nhân loại thuộc dòng dõi Eva. Đức Maria là Mẹ của tất cả những ai được thánh hóa do niềm tin vào việc Chúa đến. Tất cả những tư tưởng thần học sâu sắc trên của các giáo phụ liên quan đến tiệc cưới Cana còn được tìm thấy nơi một tu sĩ dòng Biển Đức là Rugert de Deutz vào buổi đầu của thời kỳ Trung Cổ; ông viết: “Có một tiệc cưới diễn ra tại Cana xứ Galilê... Đó là cuộc lễ của mọi nhà và chính là Giáo Hội... Mẹ của Đức Giêsu cũng có mặt trong ngày hôn lễ. Vì thực ra, niềm tin đích thực vào việc nhập thể của Đức Kitô không hề thiéu cho bất cứ ai đáng được gọi là con hay khách dự tiệc cưới. Nhưng những người Marcion, Cerinthe hay Ebionites và các lạc thuyết khác vì có các nguyện đường cô lập, nên không phải là con cái trên bàn tiệc: Mẹ Chúa Giêsu không phải là Mẹ của họ bởi vì dù có sự bất đồng trong những chủ trương sai lầm giữa họ, tuy nhiên với một tâm trí vạy vọ mà họ đã loại trừ niềm tin vào mầu nhiệm nhập thể. Chỉ những nơi nào có mặt Mẹ Đức Giêsu, nghĩa là có sự hiện diện của Mẹ Giáo Hội và ở đâu niềm tin chân thực vào cuộc nhập thể của Đức Kitô được tuyên xưng, thì nơi đó tiệc cưới mới diễn ra thật trang trọng...”
Nhìn lại quá khứ, chúng ta sẽ thấy hiện lên rất rõ lý do sâu xa của một sự kiện đã được lịch sử xác định dứt khoát, tuy nhiên luôn mới mẻ và cá biệt: đó là bất kỳ lạc giáo nào chống lại mầu nhiệm nhập thể của Chúa Giêsu, luôn bắt đầu bằng việc phản đối lòng sùng kính Mẹ thánh Chúa – cũng như mầu nhiệm về Đức Nữ Đồng Trinh trong Giáo Hội: nơi nào không có thân mẫu Đức Giêsu hiện diện, nơi đó cũng không có các hôn lễ. Thực ra, Đức Maria là người “phụ nữ” duy nhất chiến thắng các lạc giáo, bởi vì Người là hình ảnh tinh tuyền và là hiền mẫu của Giáo Hội, một Giáo Hội nhờ Thánh Linh mà luôn trung thành với toàn bộ mạc khải của Đức Kitô, sẽ không bao giờ đánh mất sự trinh trắng của mình cho dù Giáo Hội như người Mẹ sản sinh biết bao dân tộc mà Giáo Hội mang trong lòng. Với thiên chức làm Mẹ, Đức Maria khôn ngừng can thiệp cho mọi dân tộc. Người nói: “Này con, họ hết rượu rồi...” Và Người không thôi cử hành hôn lễ đó giữa các dân nước sinh ra từ lòng dạ Eva. Bởi vì Mẹ Giáo Hội, Mẹ của mọi tín hữu, Mẹ của Chúa Giêsu, luôn có mặt ở trần gian.
Như thế, chúng ta đi tới tác động trung tâm của công trình cứu chuộc mà mầu nhiệm nhập thể đã hướng về đó (bởi vì sinh ra là đã chứa mầm sự chết), cái tác động mà trong tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã nói về nó như “giờ” của Người, đó là cái chết của Chúa trên thập giá, nơi đó, máu xưa đã được Đức Maria chuẩn bị, giờ đổ ra để cứu chuộc mọi người, đó là cuộc biến đổi nhân loại thành rượu mang thần tính. Cũng trong giờ này, Đức Giêsu một lần nữa cho chúng ta biết rằng: Đức Maria thật là người “phụ nữ” thống trị trên lịch sử thế giới, là Mẹ của mọi tín hữu, và qua đó Người là mẫu mực của Mẹ Giáo Hội. Khi hấp hối Chúa đã nói với Mẹ Người: “Thưa Bà, đây là con Bà,” và với Gioan tông đồ: “Này là Mẹ con.” Đàng sau bức màn bề ngoài trong sự bộc lộ tình cảm ân cần của Chúa Giêsu đối với Mẹ Người, ẩn giấu cả một mầu nhiệm về Giáo Hội mà Gioan đã hiểu (Ga 19,26–27). Trong Gioan gồm cả nhân loại, tức Giáo Hội của những người được chọn. Chính Giáo Hội này đã được ban tặng Đức Maria làm Mẹ: Giáo Hội đã được phó thác cho “người phụ nữ” như một đứa con huyền nhiệm. Khoa chú giải nào đó công nhận ý nghĩa thiêng liêng của những mầu nhiệm đó, bất cứ thời nào đều giải thích những lời của Đức Giêsu hấp hối như thế cả.
Chắc hẳn, để hiểu sâu xa những mầu nhiệm trên như thánh Giêrôm đã nói, phải có một “tấm lòng Thiên Chúa.” Trong phần dẫn nhập của bộ chú giải thánh Gioan, Origène đã viết rằng: “Người duy nhất có thể thấu suốt mầu nhiệm đó là người đã ngả vào lòng Chúa Giêsu cũng như đã tiếp nhận từ Chúa Đức Maria làm Mẹ.” Sau đó ông tiếp: “Không ai làm con Đức Maria nếu không phải một mình Đức Giêsu. Vậy nếu Chúa Giêsu đã nói với Mẹ Người: “Đây là con Bà,” thì cũng hoàn toàn giống như Người nói: “Này đây, người này chính là Giêsu mà Bà đã sinh ra”; thực vậy, phàm ai đã nhận được sự trong lành qua phép rửa, không còn sống trong họ nên có thể nói với Đức Maria về họ rằng: “Đây là con Bà, người được xức dầu của Chúa Kitô.”
Như vậy, mầu nhiệm phép rửa soi sáng ý nghĩa sâu xa trong lời trăng trối của Đấng bị đóng đinh: nhân loại thâu họp trong Chúa Kitô sẽ đón nhận với lời tuyên bố long trọng người nữ “thâu tóm” nơi Bà sự hiệp nhất giữa thiên tính và nhân tính hoàn tất trên thập giá chính là Mẹ mình. Ở đây, Đức Maria hoàn toàn là Mẹ của Giáo Hội, Ephrem de Syrien đã viết về đề tài này bằng những lời thật cô đọng: “Chúa Giêsu đã trao Đức Maria cho Gioan như trao ban Giáo Hội cho Người.” Thánh Ambrosio cũng chứng tỏ điều đó cách vắn gọn khi Người nghĩ rằng “mầu nhiệm Giáo Hội đã hoàn tất trong lời của Chúa Giêsu hấp hối.” Và người đã triển khai ý tưởng đó cách rộng rãi hơn trong một đoạn văn mời gọi các tín hữu hãy nên như Gioan “con của sấm sét.” “Cả anh nữa, Phêrô, anh hãy nên con của sấm sét. Anh sẽ nói với ta, làm sao mà tôi có thể là con sấm sét được. Có thể lắm chứ, nếu anh đừng an nghỉ ở trần gian này, nhưng nơi lòng Chúa Kitô... Anh sẽ thành con sấm sét nếu anh là con Giáo Hội. Ước gì Đức Kitô trên đỉnh thập tự cũng nói với anh nữa: “Này là Mẹ con!” (Ga 19,26–27). Bởi vì anh bắt đầu trở thành con Giáo Hội ngay khi anh chiêm ngưỡng Đức Kitô, Đấng chiến thắng trên thập giá. Như chúng ta thấy đó, Đức Maria và Giáo Hội được chiêm ngưỡng trong cùng một cái nhìn duy nhất; người nữ đứng dưới chân thập tự, cũng chính là người “phụ nữ” được hứa sẽ chiến thắng Satan. Trên cây thập giá, hoàn tất những gì đã được loan báo từ xưa khi con người bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng: miêu duệ người nữ sẽ đạp nát đầu con rắn. Giáo Hội là người Mẹ huy hoàng của những đứa con sấm sét, những đứa con đã cùng với Mẹ Đức Kitô chiến thắng. Vì lẽ đó, nghệ thuật chạm trổ trên ngà của thời Carolingien có thể nói đã không ngần ngại trình bày Đức Maria dưới hai khuôn mặt, một của Đức Nữ Trinh Maria đứng đối diện với Gioan dưới chân thập tự, bên cạnh đó là khuôn mặt mẹ Giáo Hội với cùng một đường nét như thế: ý định của các nhà điêu khắc là muốn chứng tỏ mầu nhiệm đã hoàn tất nơi đây. Dưới cây thập giá vinh quang của vị Thiên Chúa lâm chung vươn lên Giáo Hội thánh bách chiến bách thắng trong mọi trận chiến của Chúa: trong Giáo Hội đó, Đức Maria đã được thành toàn. Khi chiêm ngưỡng quang cảnh hùng vĩ, trình bày Người Đàn Bà dưới chân thập tự, Hildegarde de Bingen đã nghe thấy những lời của Chúa: và tôi nghe như có tiếng từ trời phán: Hỡi con, đây là người sẽ trở thành hiền thê của con để cứu chuộc dân ta. Bà là Mẹ của chúng, tái sinh các linh hồn bằng thần khi và mạch nước cứu độ.
Chúng ta hãy nghe tư tưởng sâu sắc của Gerhoh de Reichrsberg về mầu nhiệm này: “Đức Maria đứng kề bên con, như thế đã trở thành bước khởi đầu mới của Hội Thánh. Bởi vì Người là Mẹ của các tông đồ, mà duy một người trong nhóm đã được Chúa phán: “Này là Mẹ con!” Nhưng điều đã nói với một người thì cũng có thể nói với tất cả các tông đồ, những tổ phụ của Giáo Hội mới. Hơn nữa, Đức Kitô đã cầu nguyện cho những ai nhờ lời giảng của các tông đồ mà tin, ngõ hầu tất cả nên một; như thế, lời đã được nói với duy một người, tức vị tông đồ yêu mến Đức Kitô và được Đức Kitô đặc biệt yêu thương hơn mọi người, lời đó cũng được nói với tất cả các tín hữu yêu mến Chúa Kitô hết tình. Đức Giáo hoàng Leo XIII tóm tắt lời giải thích của các giáo phụ về mầu nhiệm thiên chức làm Mẹ của Đức Maria và của Giáo Hội, được mạc khải do Đấng bị đóng đinh như một lời trăng trối từ tận đáy lòng; Người nói: theo ý kiến xưa nay của Giáo Hội, trong con người Gioan, Đức Kitô đã ám chỉ cả nhân loại. Đức Maria thực là Mẹ của Giáo Hội, tôn sư và nữ vương các tông đồ. Như thế trong một lời giải thích những luận đề thiên sai luận liên quan với nhau, mở ra một con đường rực rỡ, độc nhất của mạc khải Thiên Chúa ngang qua sách thánh. Mạc khải về người “phụ nữ” chiến thắng đã được hứa ban. Mạc khải về người “phụ nữ” trong tiệc cưới Cana. Mạc khải về người “phụ nữ” dưới chân thập giá. Eva đã được thành toàn trong Maria và cả hai trở thành hình bóng của những gì sẽ được thực hiện trong “người Mẹ” của mọi dân tộc sinh bởi Chúa Kitô, Mẹ Giáo Hội.
Tại sao chúng ta há lại không yêu quý Mẹ của mình nhỉ? Làm sao chúng ta có thể không cảm tạ Chúa Cha và Chúa Kitô, người anh của chúng ta, vì Người đã cho chúng ta được làm con Đức Maria, Mẹ chúng ta, làm con Giáo Hội, Mẹ chúng ta? Tưởng cũng cần nhắc lại những gì chúng tôi đã viết ở đầu bài này: Không, không thể có mâu thuẫn nào giữa lòng tôn sùng Đức Maria và niềm hiếu kính sâu xa đối với Giáo Hội thánh. Chúng ta hãy làm như thánh Ambrosio, trong một cơn ngây ngất linh thánh, khi suy về ơn gọi của chúng ta trong Giáo Hội đã la to lên rằng: có người Mẹ nào đông con như Giáo Hội thánh, người nữ đồng trinh trong các mầu nhiệm, Mẹ của các dân tộc; và sự phong nhiêu của Giáo Hội đã được chính sách thánh nhìn nhận: “Con cái của người nữ bị bỏ rơi đông hơn con cái của người có chồng” (Is 54,1). Mầu nhiệm rất thâm sâu về hôn lễ của Giáo Hội được hoàn tất trong chức làm Mẹ của Giáo Hội đối với các tín hữu. Những lời từ trời đến với Đức Maria Nữ Trinh Mẹ Thiên Chúa xưa đã hóa thân làm người trong Người, nay lại được nói với Mẹ đồng trinh trong mọi thời đại, Giáo Hội: “Bà được chúc phúc giữa mọi người nữ.” Vậy cả ta nữa, những tín hữu hôm nay ta hãy lặp lại với hết tâm tình những lời tuyệt diệu do một thầy núi Sinai viết vào thế kỷ VII: “Tôi còn kêu thêm nữa: Người được chúc phúc giữa các người phụ nữ, chỉ một mình Người, hới Giáo Hội thánh, Giáo Hội của Thiên Chúa và của Đức Kitô, rực rỡ với muôn nghìn tia sáng trong bộ trang phục ngày hôn lễ, giữa những lời chúc tụng của các con cái. Người được chúc phúc giữa mọi người nữ, Người chứ không phải ai khác.”