Thời sự Thần học - Số 5, tháng 8/1996, tr.67–72
-----------------------------
Chữ viết tắt:
- M = Moradas (Những “căn” của lâu đài nội tâm)
- C = Camino de Perfección (Đường trọn lành)
- V = Vida (Tự thuật cuộc đời)
Tsth
Trong quá khứ, khi nghiên cứu những tác phẩm của thánh Tê-rê-xa A-vi-la về sự cầu nguyện, dường như các học giả đã chú trọng tới học thuyết về cấp độ của sự cầu nguyện mà bỏ qua thần học về sự thực hành cầu nguyện. Thế nhưng, có lẽ chính là dưới khía cạnh này mà thánh nữ đáng được tôn là tiến sĩ, nghĩa là thầy dạy về sự cầu nguyện. Chúng tôi xin tóm lại những tư tưởng chính của thánh Tê-rê-xa quanh hai quan điểm: 1/Cầu nguyện là gì? và 2/ Cách thức cầu nguyện.
I. Cầu nguyện là gì?
Thánh Tê-rê-xa không hề nặn đầu bóp trán để tìm ra một câu định nghĩa triết lí về sự cầu nguyện. Đặc biệt là trong các cuộc đàm đạo với chị em cùng Dòng, tác giả chỉ muốn tả lại những cách thức mà mình đã đi qua để siết chặt tình bạn với Chúa. Thực vậy, có lẽ khái niệm sơ đẳng nhất về sự cầu nguyện là tình bạn với Chúa. Vì thế mà trong đời cầu nguyện, điều quan trọng không phải là “nghĩ nhiều” cho bằng “mến nhiều” (M IV,1). Bất cứ cái gì tăng cường lòng mến thì cũng tăng cường đời cầu nguyện.
Đoạn văn quen được coi là tiêu biểu cho quan niệm của thánh Tê-rê-xa hơn cả, nằm trong chương 8 của quyển Tự thuật (được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trích ở số 2709). Tác giả viết như sau:
“Ai đã bắt đầu cầu nguyện rồi thì đừng bỏ nó, bởi vì đây là một phương thế giúp cho ta được sửa mình cải tiến… Còn đối với những ai chưa bắt đầu cầu nguyện thì, vì lòng mến Chúa, tôi van nài họ đừng để cho mình thiệt thòi vì thiếu điều tốt lành đó. Trong vấn đề này, bạn không có gì phải lo sợ cả; chỉ phải ước ao mà thôi. Cho dù bạn không thấy mình tiến bộ, hoặc không lãnh được những đặc ân mà Chúa dành cho những người trọn lành, nhưng sự cầu nguyện vẫn có ích lợi cho bạn bởi vì bạn đang học biết con đường về trời. Nếu bạn kiên trì trong việc cầu nguyện, thì tôi tin rằng Chúa khoan nhân sẽ không để cho người bạn của mình phải mất công, bởi vì theo tôi thì tâm nguyện không gì khác là một mối tương quan thân mật giữa bạn hữu, một cuộc hàn huyên tâm tình với Đấng mà ta biết rằng mình được Ngài yêu” (V 8)
Quan niệm về sự cầu nguyện như là “tình bạn với Chúa” (tratar de amistad) được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong các tác phẩm của thánh Tê-rê-xa. Có thể coi đó như ý tưởng căn bản mà tác giả sử dụng để giải thích về bản chất cũng như về cả những điều kiện của sự cầu nguyện.
Dĩ nhiên, xét vì sự cầu nguyện là một cuộc hàn huyên tâm sự giữa hai người bạn, cho nên không thể nào tiết lộ hoặc kể lại nội dung của cuộc gặp gỡ đó. Chuyện riêng của ai thì duy chỉ có người đó mới biết được mà thôi! Do đó mà không thể nào học cách cầu nguyện qua sách vở hay là dựa theo một phương pháp nào hết. Nói cách khác, ai muốn biết cầu nguyện là gì thì chỉ có cách là “nhào vô cầu nguyện”, rồi dần dần họ biết cách cầu nguyện. Điều kiện đầu tiên để cầu nguyện là ước ao cầu nguyện. Thực vậy, khi hai người trở thành bạn thân với nhau, thì điều gì mà họ mong hơn cả nếu không phải là được gặp mặt nhau, được ở bên nhau?
Tuy nhiên, sau những lời giáo đầu như vậy, dần dần thánh Tê-rê-xa cũng cảnh giác chúng ta, bởi không dễ gì mà chơi với Chúa đâu! Mình đâu có phải là hàng đồng vai đồng vế với Chúa? Vì thế, cần phải điều chỉnh tình bạn cho đúng chỗ nếu không muốn rơi vào ảo tưởng! Vả lại, đôi khi Chúa cũng thích giỡn nữa! Trên đây, chúng tôi đã nói rằng, theo thánh Tê-rê-xa, việc cầu nguyện hệ tại yêu mến nhiều chứ không phải tại rậm lời rậm ý. Nhưng cũng cần nói thêm rằng, khi nói tới việc yêu mến Chúa thì phải hiểu là ta tìm cách hoà hợp ý mình với ý Chúa chứ không phải là ngược lại. Nhiều người đánh giá sự cầu nguyện qua những ơn an ủi ngon ngọt mà Chúa ban. Nhưng mà họ đã lầm: “lòng mến Chúa được diễn ra không phải tại những giọt lệ dầm dề hoặc là những ơn an ủi, song là nơi ý muốn tìm cách làm đẹp lòng Chúa, dốc quyết không làm điều gì trái ý Chúa, khẩn nài cho danh Chúa được mọi người biết đến. Lòng mến Chúa được diễn ra qua việc trao phó mình cho Chúa để phụng sự Ngài trong công lý, ạnh bạo và khiêm nhường” (V 11; M IV 1).
Từ những nhận xét vừa nói, chúng ta dễ hiểu các hệ luận khác nữa về sự cầu nguyện. Một điểm được thánh Tê-rê-xa nêu bật là sự liên hệ mật thiết giữa sự cầu nguyện với đời tu đức. Sự liên hệ này có thể được giải thích dưới nhiều khía cạnh. Tiên vàn, sự cầu nguyện rất cần thiết cho đường tiến đức, nếu ai không cầu nguyện thì đừng trông mong gì sẽ nên trọn lành. Mặt khác, không thể tách rời sự cầu nguyện khỏi việc trừ khử các nết xấu và thực tập nhân đức: cả hai công tác đó (cầu nguyện và tu đức) đi đôi với nhau và ảnh hưởng lẫn nhau. Lý do là vì cả hai đều nhằm tới sự phát triển lòng mến Chúa. Vì thế, ta không thể trông mong tiến tới trên đường cầu nguyện bao lâu ta còn chưa dứt khoát tẩy trừ tội lỗi và các nết xấu, bao lâu mà ta còn dè dặt chưa trao phó mình hoàn toàn trong tay Chúa dẫn dắt. Đối lại, sự thăng tiến trên đường cầu nguyện cũng đồng nghĩa với sự thăng tiến trên đức ái: Thiên Chúa lôi kéo linh hồn kề sát với mình hơn, sẽ thông ban mình dào dạt hơn cho linh hồn. Cũng nhờ sự tăng trưởng trong lòng mến Chúa nhờ cầu nguyện mà linh hồn nhận được lửa mến thúc đẩy phục vụ tha nhân. Sự kết hiệp mật thiết với Chúa sớm muộn gì cũng mang tới những hoa trái là lòng nhiệt thành với công tác tông đồ truyền giáo.
Một mối liên hệ khác giữa sự cầu nguyện với đường nên trọn lành còn được thánh Tê-rê-xa nêu bật qua những cuộc tranh luận. Lúc đầu, linh hồn cần được thanh luyện để dứt bỏ khỏi tội lỗi và những đam mệ. Nhưng dần dần, chính Chúa sẽ ra tay để thanh luyện linh hồn, nhằm cho tình bạn được tinh tuyền hơn. Những tên thù địch nguy hại của đường tiến đức không còn phải là thế gian nữa mà là chính bản ngã (đứng đầu là tính kiêu ngạo, tự mãn). Những cuộc thanh luyện ấy trùng với những giai đoạn khô khan lúc cầu nguyện, hoặc nếu muốn, ta có thể ví như trò ú tim: Chúa giả vờ lánh mặt để cho thằng bé đi tìm, giữa cơn bồi hồi thổn thức! Chính Tê-rê-xa đã nếm cảnh khô khan trong vòng 18 năm trời! (V 4; C 17). Nhưng sau lúc mây mù thì trời sẽ quang đãng và rực rỡ hơn trước. Ai bền chí đi tìm Chúa thì Ngài sẽ không thể khước từ ơn cầu nguyện (V 11).
II. Cách thức cầu nguyện:
Như chúng ta đã thấy trong bài trước, thánh Tê-rê-xa đã mô tả rất nhiều cấp độ của sự cầu nguyện: có lúc thì nói tới 4 cấp, lúc thì nói có 7 cấp. Cách trình bày của thánh Tê-rê-xa có lúc đã gây ra sự hiểu lầm rằng ai đã lên cấp cao thì không cần tới hình thức cầu nguyện ở cấp dưới nữa. Nói cách khác, những ai đã tiến tới trong đường trọn lành thì không cần tới khẩu nguyện và tâm nguyện nữa (vì là hai hình thức dành cho hàng mới bắt đầu). Tuy nhiên, thiết tưởng đó không phải là điều mà tác giả muốn nói. Có lẽ, vấn đề ở đây là việc tác giả nêu bật lên rằng, linh hồn cần phải cố gắng tiến lên mãi, bởi vì kho tàng tình yêu của Chúa vô biên không bao giờ cạn. Hơn nữa, sự tiến triển tuỳ thuộc một phần vào sự cố gắng của ta, dù phần lớn tuỳ vào ơn thánh của Chúa. Không hẳn là tất cả các linh hồn muốn lên trọn lành đều phải trải qua 4 hay 7 cấp như đã nói.
Thực vậy, thánh Tê-rê-xa đã cho ta biết rằng cầu nguyện trong lâu đài nội tâm , có rất nhiều căn (C 20). Thiên Chúa có trăm ngàn cách khác nhau để dẫn con người tới mạch nước, không ai giống ai (C 17). Ngài ban ơn cho mỗi người theo mức độ và thời gian mà Ngài đã định (V 31). Dù sao đi nữa, ta có thể đạt tới tình trạng chiêm niệm qua việc đọc kinh “Lạy Cha, kính Mừng” (C 21). Dĩ nhiên, tác giả hiểu là chúng ta cầu nguyện (với chú ý và tâm tình) khi đọc lên những kinh ấy, chứ không phải là đọc như con vẹt (M 1). Hiểu như vậy, khẩu nguyện không thể tách khỏi tâm nguyện. Dần dà, khi tình bạn trở nên thắm thiết, cuộc đàm đạo sẽ không cần nhiều lời: hai người bạn chỉ muốn kề bên nhau, nhìn nhau và yêu nhau, chứ không cần thốt lên lời nào nữa (C 26; V 13,27). Tình bạn cần được duy trì cách liên lỉ. Nói thế có nghĩa là không thể chỉ dành một vài khoảnh khắc trong ngày cho việc cầu nguyện, nhưng phải làm sao để luôn luôn sống thân mật với Chúa, đồng hành với Chúa. Cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa lúc đầu diễn ra dưới ánh sáng đức tin, nhưng dần dần ra như nó thành ra như tự nhiên, tràn sang lãnh vực tâm lý nữa (C 26). Đối với thánh Tê-rê-xa, một phương thế để thực tập nhận biết sự hiện diện của Chúa là chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, cách riêng là màu nhiệm tử nạn (V 11). Từ đó, ta sẽ khám ra tình thương mà Thiên Chúa dành cho nhân loại khi ban chính con của mình (C 26). Chính nơi khuôn mặt của Đức Ki-tô mà ta khám phá ra Thiên Chúa như là người bạn, hôn phu, anh và cha (C 28, V 8).
Tóm lại, khi nói về bản chất và các cấp độ của cầu nguyện, dường như thánh Tê-rê-xa muốn nói rằng: “Chúa yêu ta, muốn trao ban trót mình cho ta. Vì vậy, chúng ta hãy mở cửa lòng để đón nhận tình yêu ấy, hãy mở toang cánh cửa lòng mình ra, để cho lửa mến của Chúa tràn ngập, chiếm ngự toàn thể lâu đài tâm hồn ta”.
Phụ thêm
1. Dọc theo hành trình đối thoại đó, thánh Tê-rê-xa không bỏ qua vài lời khuyên thực tiễn. Thí dụ như về ảnh hưởng của thân thể. Tác giả nhìn nhận rằng khi có những ngày mà thân xác mệt đừ hoặc đầu óc rối bời thì dĩ nhiên là không dễ gì mà cầu nguyện. Nói khác đi, sức khoẻ thể lí và tâm lí ảnh hưởng không nhỏ tới sự cầu nguyện. Khung cảnh thinh lặng trầm tĩnh cũng là một nhân tố khác cần phải để ý. Còn về những phương tiện giúp khởi đầu cuộc đối thoại với Chúa, thì có thể đi từ việc chiêm ngắm cảnh vật thiên nhiên, một bức ảnh đạo, suy gẫm một cảnh của Phúc âm, đọc một kinh đã quen, hoặc thậm chí kể cho Chúa những tâm tình vui tươi hoặc xao xuyến đang xảy ra với mình hoặc với tha nhân.
2. Chúa ưa giỡn với ta? Người ta thuật lại rằng có một lần thánh Tê-rê-xa đi đường mệt lử thì bị ngã xe, rơi vào vũng nước. Vừa ướt sũng vừa đau ê ẩm cả mình, thánh nữ thưa với Chúa: “Chúa ơi, bao nhiêu vất vả mệt nhọc con đã chịu chưa đủ hay sao mà Chúa còn để con phải khổ thêm thế này nữa?”. Chúa đáp: “Tê-rê-xa ơi, Cha đối xử với các bạn hữu của Cha vậy đó”. Thánh nữ buột miệng: “Hèn chi mà Chúa ít bạn!” (O. Rodriguez, Leyenda aurea teresiana, Madrid 1970, p. 40).