Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA THÁNH CATHARINA SIENA

(Thời sự Thần học,  Số 5, tháng 8/1996, tr.73–79)

Chữ viết tắt:
- ĐT: Đối thoại, chương… 
- T : Thư.
- R: tiểu sử do cha Raymundo viết (Legenda maior).
----------------
Tsth

Thánh Catharina Siena (1347-29/4/1384)


Chào đời vào mùa xuân năm 1347. Khấn giữ mình trinh khiết từ lúc 7 tuổi và gia nhập Dòng Ba Đa Minh khi lên 16 tuổi. Bên cạnh đời sống nội tâm rất sâu xa (với những hiện tượng như : kết hôn thần bí, thay đổi trái tim, in năm dấu thánh). Catharina nổi tiếng bởi những hoạt động bảo vệ Giáo hội (vận động cho Đức Thánh Cha từ Avignon về Rome, yêu cầu cải tổ Giáo hội) và về những công cuộc hoà giải giữa bao nhiêu phe lâm chiến thời đó. Những tác phẩm của Catharina ra đời trong bối cảnh đó, được chia thành 3 loại: thư, sách Đối Thoại và Lời nguyện.

1. Thư: còn giữ được 382 lá thư, gởi tới đủ hạng người: từ Giáo hoàng (13 lá) cho tới các nhà lãnh đạo quốc gia, hồng y, giám mục, tu sĩ, giáo dân. Nội dung thúc đẩy mọi người theo chân Chúa Giê-su, tuỳ theo bậc sống của mình.

2. Dialogo della Divina Provvidenza (Đối thoại về Chúa quan phòng): tác phẩm căn bản, viết vào những năm cuối đời (tháng 10 năm 1378). Nói đúng hơn, chính thánh nữ đọc cho 3 thư kí (Bardiccio Canigiani, Stefano Maconi, Neri di Landocia) viết đang lúc xuất thần. Tác phẩm đã mang nhiều tựa khác nhau: sách Mạc khải (Libro della divina rivelazione), Sách về giáo huấn của Chúa (Libro della divina dottrina).

3. Orazioni (Lời nguyện): gồm 26 lời than thở thốt lên lúc xuất thần.

Khi đọc các tác phẩm của thánh Catharina, chúng ta không mong tìm thấy một lối trình bày toàn bộ thần học Ki-tô giáo cách hệ thống mạch lạc như quyển “Tổng luận thần học” của thánh Tôma Aquino. Đừng kể các lá thư được viết ra tuỳ hoàn cảnh, ngay cả tác phẩm căn bản (sách Đối Thoại) cũng không dựa trên một sườn cố định; mãi về sau các môn đệ mới phân chia thành đề luận (tractatus) và chương (capitulum). Ngày nay, các học giả vẫn còn tranh luận để tìm ra những điểm mốc để vạch ra những chủ đề chính của quyển “Đối Thoại”. Nhiều tác giả cho rằng nó dựa theo bốn câu hỏi mà thánh Catharina đã nêu lên ở chương 1, đó là khẩn nài lòng Chúa khoan nhân:

- Cho chính bản thân (ch. 2-16).
- Cho thế giới (ch 17-109).
- Cho Hội thánh (ch. 110-134).
- Cho một trường hợp riêng (ch. 135-165).

Tuy nhiên, dường như tất cả bốn câu hỏi đã được giải đáp trong vòng 20 chương đầu (12; 13-15;16-18;19-20). Trong phần còn lại, cuộc đối thoại diễn ra xung quanh những chủ đề khác:
- Chiếc cầu (ch. 21-87);
- Nước mắt (ch. 86-97;
- Chân lí (ch.98-109);
- Hội thánh (ch.110-34);
- Chúa Quan Phòng (ch.135-153);
- Vâng lời (ch.154-65).

Khi muốn trình bày học thuyết của thánh Catharina, các học giả đã sử dụng những đường lối khác nhau. Một đường lối khá phổ thông là nghiên cứu những đề tài chính của thần học trong tác phẩm của thánh Catharina, thí dụ như xem thánh nhân đã nói gì về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Ki-tô, Hội thánh, Bí tích,… tuy nhiên, thiết tưởng, một đường hướng khá độc đáo của cha Giaxinto d’ Urso (Santa Caterina de Siena, Temi di Predi-cazione.n. 84, napoli, 1970) là theo sát những diễn từ và hình ảnh của Catharina hơn là dựa theo các khung tiền chế của các lớp thần học. Thực vậy, đang khi mà thánh Toma Aquino cố gằng diễn đạt nội dung Đức tin công giáo theo những phạm trù triết học, thì thánh Catharina dùng rất nhiều hình ảnh để nói tới hành trình của con người tới Thiên Chúa, đặc biệt là qua hình ảnh “cây cầu”. Chúng tôi cũng muốn dựa theo phương pháp này để giới thiệu những nét đặc sắc của học thuyết thánh Catharina. Mối tương giao giữa con người với Thiên Chúa mang tính cách năng động, từ tình trạng bất toàn tiến tới sự hoàn hảo. Cuộc hành trình bắt đầu bởi việc con người đối diện với Thiên Chúa, ý thức được sự hư không của mình trước mặt Đấng Tuyệt Đối. Từ đó, con người muốn vươn lên qua những cấp độ của tình yêu: từ tình yêu của tôi tớ, trải qua tình yêu của bạn hữu và tiến tới tình yêu con cái (ĐT 56-57). Ba cấp độ đó tương ứng với ba giai đoạn của đường trọn lành mà các nhà tu đức đã nói: thanh luyện, soi sáng và kết hợp (purgativa, illuminativa, unitiva), hay nói theo chính từ ngữ của tác giả thì đó là: bất toàn, hoàn hảo, tuyệt hảo (imperfecti, perfecti, perfectissimi: ĐT 26). Trong bài hôm nay, chúng tôi xin trình bày những nguyên tắc nền tảng của con đường trọn lành. Trong bài tới, chúng tôi sẽ lần lượt theo dõi những chặng của cuộc hành trình dựa theo hình ảnh cây cầu.

I. Biết Chúa biết mình


Nền tảng của đời sống thiêng liêng là biết mình và biết Chúa (DT 43, T 340). Cả hai sự hiểu biết đều quan trọng và có liên hệ với nhau. Nếu chỉ biết mình mà thôi (biết sự yếu hèn, khuyết điểm của mình)thì sẽ đâm ra tuyệt vọng (T 23). Ngược lại, nếu chỉ biết Chúa (biết lòng quảng đại nhân từ) thì ta sẽ đâm ra tự mãn (T23, 51; DT 73). Khi xây dựng nền tảng đời sống thiêng liêng, ta cần phải khởi sự với sự biết mình rối tới sự biết Chúa, tựa như đêm tối phải đi trước ánh sáng. Thực vậy, trước tiên cần phải ý thức sự hư vô của chúng ta, rồi kế đó mới ý thức rõ ràng hơn tình thương mà Chúa dành cho ta. Nhờ biết mình mà ta tập đức khiêm nhường; và nhờ biết Chúa ta thực hành đức ái: đó là hai trụ cột của toà nhà nhân đức.

Dĩ nhiên, sự biết không chỉ giới hạn vào lãnh vực triết học thuần lý, mà là cái biết dưới ánh sáng đức tin. Nhờ ánh sáng đức tin, chúng ta biết được con người là thụ tạo đã sa ngã và được cứu chuộc. Cũng nhờ ánh sáng đức tin mà chúng ta biết Chúa là Đấng tự hữu, khoan nhân.

Sự biết mình đưa ta tới thái độ khiêm nhường, nghĩa là nhận chân thực tại của mình. Cũng nhờ đó mà ta diệt được tính yêu mình (tự ái: tìm sở thích giác quan, danh lợi, tài sản; hoặc sự an vui thoả mãn cá nhân thay vì phục vụ tha nhân), cũng như tạo ra tinh thần đền tội.

Sự biết Chúa đưa ta tới việc nhận ra tình thương quan phòng của Chúa trong vũ trụ, cũng như sự hiện diện của Chúa Ba ngôi trong tâm hồn của ta. Tình thương lân tuất của Chúa được biểu lộ nơi màu nhiệm nhập thể và cứu chuộc của Chúa Ki-tô. Đặc biêt, khi nói về sự cứu chuộc, thánh Catharina nói rất nhiều đến máu của Đức Ki-tô. Các lá thư đều mở đầu với lời chào: “Tôi viết trong máu châu báu của Đức Ki-tô”.
- Máu của Đức Ki-tô mặc khải cho ta tình thương vô bờ bến của Chúa: Ngài muốn cho chúng ta được cứu rỗi bằng hết mọi giá. Điều này phải đưa chúng ta thâm tín rằng các nghịch cảnh xảy đến trên đời không phải tại vì Chúa bỏ rơi ta nhưng là để cứu rỗi ta.
- Máu của Đức Ki-tô mở ra cho chúng ta kho tàng ân sủng, đặc biệt là các bí tích.
- Máu của Đức Ki-tô dạy cho chúng ta bài học về con đường sự sống, tức là con đường của tình yêu.

II. Cây Đức Ái


Để mô tả vẻ đẹp của đời sống trọn lành, thánh Catharina dùng tới hình ảnh của một cây với hoa trái xum xuê của các nhân đức (DT 9-11; 44; T113 ). Nòng cốt của các nhân đức là đức ái, bởi vì các nhân đức đều có thể tóm lại trong tâm tình cơ bản mà Chúa đòi hỏi nơi ta, là “yêu mến” (ĐT 55). Bác ái là nhân đức trọn hảo hơn cả vì nó đưa ta sát lại gần Chúa, kết hợp ta với Chúa (T97). “Đức ái là sợi dây êm dịu và thánh thiện ràng buộc con người với Chúa và trói buộc Chúa với con người” (T7). Nguồn gốc của đức ái là Thiên Chúa, với hai chiều kích của nó là Thiên Chúa và tha nhân.

1. Nguyên uỷ của việc mến Chúa là chính Thiên Chúa. Thực vậy, Thiên Chúa đã nhen nhúm ngọn lửa tình yêu thiêu đốt tâm can chúng ta (ĐT 84); và Thánh thần tiếp tục hun nóng lửa ấy. Tuy vậy, chúng ta cũng phải đóng góp phần của mình vào việc tăng cường lòng mến Chúa bằng nhiều cách.
- khát khao yêu mến Chúa.
- Học biết tình yêu Chúa (vô tri bất mộ).

Ai càng biết nhiều thì càng yêu nhiều (ĐT 131). Sự khao khát kết hợp với Chúa được bộc lộ qua việc cầu nguyện. Sự cầu nguyện giúp linh hồn kết hợp ý muốn với ý Chúa (T353), giúp tín thác vào sức mạnh của Ngài (T150) cũng như giúp chống cự các tấn công của thù địch (ĐT 65). Có ba hình thức cầu nguyện, tương ứng với ba cấp độ (ĐT 66):
- Khẩu nguyện, đọc kinh ngoài miệng.
- Tâm nguyện, cầu nguyện bằng lòng trí, ý nghĩa và tâm tình.
- Cầu nguyện thường xuyên, nghĩa là trạng thái cầu nguyện liên lỉ, kéo dài tâm tình cầu nguyện ra hoạt động bác ái phục vụ tha nhân.

2. Lòng yêu tha nhân không phải là một thứ tình yêu khác với tình yêu dành cho Chúa: cả hai cùng là một tình yêu nhưng được diễn tả bằng những hành vi không giống nhau. Tình yêu dành cho Chúa được phát biểu qua việc thờ lạy, ngợi khen, khao khát kết hiệp. Còn tình yêu dành cho tha nhân thì được phát biểu qua những công tác giúp đỡ họ. Có sự tương quan mật thiết giữa hai chiều hướng của một mối tình: tình yêu dành cho tha nhân là bằng chứng rằng đức bác ái đang hoạt động trong linh hồn, và muốn báo đáp lại tình yêu mà Chúa dành cho ta. “Chúng ta yêu tha nhân bằng chính sự hoàn thiện mà ta yêu mến Thiên Chúa” (T263). “Trong Chúa, các nhân đức nảy mầm; nơi tha nhân chúng sinh hoa kết quả” (T50; 104). Ngoài ra thánh Catharina còn nêu ra ba động lực của việc yêu tha nhân như thế này:
- chúng ta không thể làm điều gì có ích lợi cho Chúa để mà đền đáp bao nhiêu hồng ân đã nhận lãnh, vì thế chỉ còn cách là làm điều lợi ích cho tha nhân (ĐT 7; T8; 50; 51;103; 151; 203; 226; 254,…)
- Chúa đã phân phát các hồng ân cho mỗi người một cách khác nhau, nhằm tạo cơ hội cho mỗi người biết giúp đỡ tương trợ lẫn nhau. Thực vậy, không ai có thể tự hào là mình đã có đủ hết mọi ân huệ rồi (ĐT 7; 148).
- Ta nên tốt hay xấu là nhờ tha nhân.

Trong chương 6 của sách Đối Thoại, ta đọc thấy lời Chúa nói với Catharina như sau: “Cha nói cho con biết nhé: chính nhờ tha nhân mà con làm được điều xấu hay điều tốt” (Te doceo nullam tieri virtutem, nullumque defectum, nisi per proximum). Câu nói này có lẽ muốn nhấn mạnh tới chiều kích liên đới của tất cả mọi hành vi của ta. Bất cứ điều gì tốt xấu mà ta làm (dù cho mình hay cho tha nhân) cũng đều là tốt hay xấu cho thế giới, xét vì nó làm tăng hay giảm lòng mến Chúa, nguồn gốc của mọi sự thiện. Mỗi khi ta làm điều xấu thì hoặc là ta làm hại cho chính mình (tha nhân số một), hoặc là làm hại cho tha nhân vì những hành vi bất công, hoặc là làm mất đi nhân đức siêu nhiên, gây ra tổn hại cho mình và tha nhân (ĐT145).

Nói tóm lại, không có ai lên thiên đàng hay xuống hoả ngục một mình: thế nào họ cũng lôi kéo nhiều người khác nữa (ĐT 6-8). Mối dây liên đới với tha nhân được áp dụng cách đặc biệt đối với Hội thánh “vườn nho của Chúa” (ĐT 23-24): chính qua Hội thánh mà chúng ta lãnh nhận ơn cứu rỗi do Máu của Đức Ki-tô. Đặc biệt các linh mục được gọi là các tác viên của Máu thánh (ĐT 117; T191). Catharina rất yêu mến Hội thánh và dốc hết tâm lực (bằng lời cầu nguyện van lơn, bằng nước mắt, bằng hi sinh gian nan) để giúp cho Hội thánh được biểu lộ gương mặt diễm lệ của mình là Hiền thê của Đức Ki-tô (ĐT 15; 86).