Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014

BÀI SUY NIỆM TRƯỚC BỨC ẢNH CHÚA BA NGÔI

(Thời sự Thần học – Số 27, tháng 3/2002, tr .21-24)

LTS: Bài suy niệm trước bức họa “Ba Ngôi” của họa sư Rublev 
do Cha Jean Grangette OP. viết tại Crapone, vài tháng trước khi Cha qua đời (07.9.1980)
“Đức Chúa hiện ra với tổ phụ Áp-ra-ham tại cụm sồi Mam-rê… Ngước mắt lên, ông thấy có ba người đứng gần ông…” (St 18, 1-2)

Tổ phụ Áp-ra-ham đã đón tiếp ba người tại bàn ăn của mình. Các vị này đã hứa với ông là bà Xa-ra năm sau sẽ có một đứa con. Rồi Tổ phụ Áp-ra-ham đã can thiệp cho các thành phố mắc tội. Tôi đã nhờ ông xin hôn tôi.

Tổ phụ Áp-ra-ham bèn lại gần Đức Chúa và thưa: “Chúa sẽ làm cho hắn chết đi như một kẻ tội lỗi sao? Giả như hắn có trong đời hắn 50 năm tốt lành, chẳng lẽ Chúa sẽ không tha cho hắn vì 50 năm đó ru? Ngài làm như vậy chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử quang minh sao?”

- Nhẹ thôi, nhẹ thôi, ông Áp-ra-ham ơi! Xin đừng nói giọng đó! Hãy lạy van, nài nỉ, khẩn cầu, nhưng chớ đòi hỏi gì cả. Con đâu có 50 năm tốt lành để trình lên Qúi Khách!

Tổ phụ lại thưa: “Mặc dù con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin đánh bạo lên tiếng: Gỉa sử trong 50 năm tốt lành lại sót mất 5 năm, chẳng lẽ vì 5 năm đó Chúa sẽ làm hắn phải chết đi ru?”

- Ông ơi, xin ông bỏ đi, bỏ đi những yêu sách của ông. Con rất nghèo, ông ơi, nghèo hơn là ông tưởng!

Tổ phụ lại nói: “Giả như hắn chỉ có 40 năm… 30 năm… 20 năm…!”

- Tiếp nữa đi ông, van nài nữa đi ông!

Tổ phụ Áp-ra-ham liền nói: “Xin Đức Chúa đừng giận, cho con nói chỉ lần này nữa thôi: Giả như trong cuộc đời hắn có được 10 năm tốt lành!”

- Ông Áp-ra-ham ơi, sao ông ngừng lại ở đây? Lẽ ra ông phải tiếp tục nữa, tiếp tục mặc cả, cò kè với Đấng xem ông như bạn. Ông có dám chắc con được 10 năm tốt lành trong cuộc đời con không? Và ông để con trơ trọi trước ba Vị Khách. Rồi con biết nói gì với các Vị ấy? Các Vị sẽ nói gì với con?

* * *

Các Vị đều có ở đây, cả ba. Ngôi Cha chủ tọa, trên một ghế giữa bàn. Ngôi Con và Thánh Linh ngồi ở hai góc. Cả ba đều giống nhau, cùng một dung nhan, cùng một tuổi đời, cùn một thái độ. Cả ba Đấng không cần dùng lời lẽ để thông truyền, các Ngài trao đổi với nhau bằng cả bản thể mình, mỗi Vị lưu ý tới hai Vị kia một cách thần linh, vĩnh cửu. Còn bản thân tôi đứng trước các Ngài, đợi chờ bản án, mắt chẳng dám ngước lên nhìn. Thì đây, Chúa Cha nói:

- “Kể ra hắn cũng có được vài chốc lát tốt lành.”

- “Chính Con đã đun đẩy hắn”, Ngôi Hai nói.

- “Mình biết, mình có ở đó”, Ngôi Ba nói.

Rồi tiếp theo một trầm lặng dài. Các Ngài đang xét xử tôi. Các Ngài sẽ nói gì, quyết định gì đây?

- “Có lẽ phải cứu hắn”, Chúa Cha nói, vừa nói vừa quay sang phía Chúa Con, theo thái độ mà Rublev đã phác trên bức Icon bất hủ.

Ngôi Con nghe giọng nói của Chúa Cha; Ngài nhìn lên bàn thấy trên đó chiếc chén đầy máu Ngài, nhìn cây sồi Mam-rê: “Được lắm, đủ vật liệu để đóng một cây thập giá”.

- “Con sẽ đi”. Ngôi Hai nói,“nhưng Con cần một người mẹ”.

- “Mình sẽ lo”, Ngôi Ba nói.

Một người mẹ giống như mẹ tôi, dĩ nhiên là hơn nhiều. hơn vô cùng, nhưng cũng như mẹ tôi, một nữ tỳ khiêm hạ.

“Và Ngôi Lời đã thành xác phàm”.

* * *

Tôi vẫn ở đó, như bị đè khụy xuống bởi lòng nhân hậu vô hạn này. Và này, các Ngài ra hiệu cho tôi tiến tới khoảng trống đối diện với Chúa Cha. Căn lều Tổ phụ Áp-ra-ham đã thành một ngôi thánh đường, các bàn đã thành một bàn thánh, trên đó vẫn đặt chiếc chén, còn cây sồi Mam-rê đã thành một cây thập giá.

Ở một góc trong bóng mờ, tôi thấy quì hai người đàn bà: Ma-ri-a làng Na-da-rét, và mẹ tôi; người cúi về phía Đức Ma-ri-a nhắc đi nhắc lại như không biết mệt, và trên đủ mọi giọng: “Kính mừng Ma-ri-a… Thánh Ma-ri-a, Đức Mẹ Chúa Trời…”

Ngôi Con ra hiệu mời tôi, một kẻ còn kém hơn cả tro bụi, để nói lên sau Người: “Đây là Mình Ta… Này là Máu Ta…”. Quay về phía Ngôi Hai, tôi nói: “Nhờ Người, với Người và trong Người”. Quay về phía Ngôi Cha: “Xin dâng Cha là Thiên Chúa toàn năng”. Quay về Ngôi Ba: “Trong liên kết nhờ Chúa Thánh Thần”. Và cuối cùng, nhìn cả Ba Ngôi tôi kết thúc: “Mọi lời tôn vinh, chúc tụng, đến muôn thủa muôn đời. A-men”.

---------------------------

VỀ BỨC ẢNH CHÚA BA NGÔI

Trần Thái Hiệp

Đây là bức ảnh nổi tiếng của trường phái Icon Nga do tu sĩ Andrej Rublev (1370-1430) họa, quãng năm 1405, vào thời hoàng kim của nghệ thuật tôn giáo Nga. Bức họa này trước kia ở nhà thờ Chúa Ba Ngôi và thánh Serghêi tại Zagorsk, nay ở viện bảo tàng Trêtiakov (Maxcơva); năm 1988, nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm nước Nga theo đạo, Giáo hội Chính thống Nga đã phong thánh Andrei Rublev.

Họa sĩ vẽ một đề tài được dùng nhiều lần trong các Icon. Ba người khách đến thăm lều ông Áp-ra-ham tại cây sồi Mambrê (St 18,1-8). Trong các Icon khác cùng đề tài, còn thấy ông Áp-ra-ham và bà Sara xuất hiện ở chỗ trống giữa ba vị khách; ở đây không thấy ông bà chỉ còn ngôi nhà phía sau tượng trưng lều ông Áp-ra-ham và cây nhỏ tượng trưng cây sồi Mambrê. Theo các thánh Giáo phụ giải thích, ba vị khách tượng trưng Thiên Chúa Ba Ngôi, vì thế bức họa này mang tên là Icôn Chúa Ba Ngôi (Chúa Con ở giữa, Chúa Cha bên trái, Chúa Thánh Thần bên phải; theo một ý kiến khác, Chúa Cha ở giữa, Chúa Con bên trái, Chúa Thánh Thần bên phải).

Ba vị khách ngồi chung quanh một bàn thấp, khoảng cách giữa chân của hai vị ngồi hai bên có hình cái chén, tượng trưng bữa tiệc ông Áp-ra-ham đãi khách. Toàn bộ thân hình ba vị được vẽ trong một vòng tròn, chỉ sự hoàn hảo, cái vĩnh cửu. Các đường nét mềm mại, không gẫy góc, thân thể nhẹ nhàng như không khí, cánh cụp xuống như nghỉ ngơi sau một chuyến đi mầu nhiệm. Mặt ba vị hơi buồn, nghiêng nhìn nhau, dáng trầm ngâm như nói lên tình yêu thắm thiết, sự hiệp nhất bền chặt và hạnh phúc vĩnh cửu. Về màu sắc, nổi lên ba màu xanh lam, xanh lục và vàng, nổi nhất là màu xanh lam. Màu sắc ba vị đậm hơn bối cảnh, nhưng vẫn sáng sủa, nhẹ nhàng.