Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

ĐẠO LÍ VỀ CHIẾC CẦU THEO THÁNH CATHARINA SIENA

(Thời sự Thần học – Số 5, tháng 8/1996, tr .79–84

Hoa Trang 


Trong bài trước, chúng tôi giới thiệu vài điểm căn bản của học thuyết thánh Catharina Siena về đường trọn lành. Nó dựa trên chân lý nền tảng là “biết mình biết Chúa”. Từ đó, một đàng linh hồn hạ mình khiêm tốn và khước từ sự yêu mình; đàng khác, linh hồn đón nhận tình yêu lân tuất của Chúa, và vươn lên tới sự kết hợp với Chúa bằng đức ái. Trong bài này, chúng tôi trình bày cuộc hành trình tiến tới sự trọn lành được tác giả diễn tả với hình ảnh chiếc cầu. Đạo lí về chiếc cầu được phác hoạ trong thư số 272 và chiếm phần chính của sách Đối thoại (từ chương 26 đến 86). 

Qua hình ảnh này, tác giả trình bày con đường thiêng liêng với những sắc thái sau đây: 

- Chiếc cầu là chính Đức Ki-tô, ngôi Lời nhập thể, Đấng kết nối trời và đất. Đức Ki-tô là Đường, Sự thật, Sự sống: cần phải qua Ngài để đến với Chúa Cha. 

- Chiếc cầu dựng thẳng từ đất lên trời chứ không chỉ bắt ngang hai bờ sông. Đường trọn lành đòi hỏi phải luôn vươn lên: ai mà không tiến lên thì bị thụt lùi (ĐT 49, 99). 
- Chính trong cuộc “leo thang” (hay leo cầu) mà thánh Catharina trình bày ba chặng của đường trọn lành, tương ứng với ba cấp độ của việc thực hành đức ái. 
  • Cấp 1: tình yêu tôi tớ. Giai đoạn thanh tẩy tội lỗi. 
  • Cấp 2: tình yêu bằng hữu. Giai đoạn trang bị nhân đức. 
  • Cấp 3: tình yêu con cái. Giai đoạn kết hợp hoàn hảo. 

Mặt khác, xét vì chiếc cầu là Đức Ki-tô, nên đôi khi ba cấp bậc cũng được ví với chân, cạnh sườn và miệng Đức Ki-tô. Chúng ta hãy cùng nhau theo dõi các cấp bậc đó. 

I. Bậc thứ nhất: tình yêu nô lệ. 

Trước khi nói tới các bậc cầu, thiết tưởng, nên nói qua tình trạng của con người tội lỗi: hắn bị té xuống nước và bị cuốn tới vực thẳm sự chết. Làm cách nào mà ngoi lên được? Cần phải biết mình, nghĩa là nhận thức tình trạng nguy ngập mà tội lỗi gây ra. Thường thì, bởi lo sợ các tai hoạ có thể xảy đến ở đời này, hoặc sợ các hình phạt đời sau, mà linh hồn quay về với Chúa. Nhưng nếu chỉ vì sợ hãi “nô lệ” mà quay về với Chúa thì sự trở lại ấy sẽ không bền. Chừng nào mà cơn nguy đã qua thì họ lại rơi vào tật cũ. Vì thế, sự sợ hãi “nô lệ”cần được thấm nhuần với sự sợ hãi của tình yêu, nghĩa là không sợ hình phạt cho bằng sợ mất lòng Chúa. Từ đó, con người sẽ thống hối ăn năn. Lòng thống hối được ví như cái phao vớt con người ra khỏi cảnh chìm đắm: họ được vớt lên cầu, tức là Đức Ki-tô. Ngài không những muốn vớt ta cho khỏi giòng nước cuốn, nhưng còn muốn đưa ta lên những bậc cao hơn. 

Thiết tưởng cũng nên biết là tinh thần thống hối đền tội cần phải được duy trì suốt đời, chứ không phải chỉ vào giai đoạn khởi đầu của đường tu đức. Mặt khác, tinh thần đền tội cũng tiến triển theo đà tiến của đường trọn lành. Thánh Catharina đã dành các chương 87-96 của sách Đối thoại để nói về nước mắt dọctheo các chặng đường thiêng liêng. Chia thành 5 loại: 

- Nước mắt của thế gian, đưa tới sự tuyệt vọng (ĐT 93-94)
- Nước mắt của sự sợ hãi (khóc vì sợ hình phạt), chặng đầu của sự cải hoán (ĐT 95);
- Nước mắt của sự thông cảm;
- Nước mắt của sự dịu ngọt;
- Nước mắt của tình yêu. 

Sau khi đã được vớt lên cầu, con người cần phải rút chân ra khỏi dòng sông, (nghĩa là dốc quyết dứt bỏ mọi quyến luyến tội lỗi) để bắt đầu cuộc đời mới. Chặng khởi đầu thường được gọi là giai đoạn thanh lọc (purificatio), loại trừ các nết xấu. Thực ra linh hồn chỉ có thể rút chân ra khỏi các đam mê tội lỗi nhờ có tình yêu Chúa thu hút. Dù vậy, ở giai đoạn này, tình yêu vẫn còn bất toàn, được Catharina ví như tình yêu của người làm công. Người công nhân làm việc vì mong lãnh được đồng lương và tiền thưởng chứ không phải vì quí mến ông chủ. Một cách tương tự như vậy, trong giai đoạn này, linh hồn làm việc hi sinh vì mong được Chúa ban cho phần thưởng lợi lộc (ít ra là sự an ủi sung sướng trong tâm hồn). Thứ tình yêu như vậy sẽ không bền vững khi gặp thử thách! Vì thế, nó cần được thanh lọc cho khỏi tính yêu mình, tiến dần từ tình trạng làm công tới tình trạng gia nhân. Đàng khác, chính Thiên Chúa cũng can thiệp để thanh luyện linh hồn bằng cách rút dần những an ủi: linh hồn phải trải qua những khô khan về giác quan, tựa như không còn được bú sữa mà phải dùng tới lương thực cứng. Đôi khi linh hồn cảm thấy rỗng tuếch ví sự vắng mặt của Chúa và chịu nhiều thứ cám dỗ tấn công (thí dụ cám dỗ về chán nản tuyệt vọng, với cảm giác là các việc lành trở nên vô ích). Mục tiêu của sự thanh lọc là nhằm giúp ta ý thức hơn về sự bất lực của mình, tiêu diệt sự quyến luyến với cái tôi, vững tin vào Chúa quan phòng. Đêm tối thanh luyện sẽ qua đi, nhường chỗ cho bình minh quang đãng (ĐT 63). 

II. Bậc thứ hai : tình yêu bạn hữu 

Sau khi lột bỏ các tội lỗi, nết xấu, trong giai đoạn này, (được các nhà tu đức học gọi là soi sáng: illuminativa), linh hồn lo trang điểm các nhân đức, nhất là Đức ái. Thực ra trước đây linh hồn đã thực tập các nhân đức đó rồi; nhưng đó là để trừ khử các nết xấu. Còn bây giờ, linh hồn thực hành các nhân đức là vì yêu chuộng vẻ đẹp của nó. Thánh Catharina dùng hai hình ảnh để diễn tả giai đoạn này: 

- Tiến tới cạnh sườn của Chúa. 
- Tình yêu bạn hữu. 

Trong giai đoạn đầu, con người được dẫn tới chân Chúa, còn trong giai đoạn 2, con người được dẫn tới cạnh sườn của Chúa. 

Trong các tác phẩm của thánh Catharina, cạnh sườn của Chúa được mô tả như: 

a. máng xối, chuyển thông Máu của ơn sủng. 
b. Cửa sổ nhờ đó chúng ta khám phá ra bí mật của tình thương Chúa. 
c. Hang đá, nơi mà chúng ta tìm nơi trú ẩn khỏi quân thù và là nơi nghỉ ngơi bồi dưỡng (T47; 308). 

Khi tới gần cạnh sườn của Chúa, linh hồn được kề với lòng của Chúa và được thổ lộ tâm sự như bạn hữu (ĐT 60; x. Ga 15, 15). 

Vì thế, tình yêu trong giai đoạn này được ví như tình bạn hữu. Linh hồn làm việc lành chỉ vì sự mến Chúa. Nhờ được Chúa tỏ lộ màu nhiệm về sự hiện diện của Ba Ngôi trong tâm hồn, con người tiến tới bậc cầu nguyện liên tục (ĐT 63). Mặt khác, tình yêu đối với Chúa càng hoàn hảo bao nhiêu thì tình yêu với tha nhân càng hoàn bị bấy nhiêu: tình yêu tha nhân trở thành vô vị lợi, bởi vì bắt nguồn từ tình yêu Chúa chứ không trông mong được người đời đền đáp. 

III. bậc thứ 3: tình yêu con cái 

Theo thánh Catharina. “nhiều người đã đặt chân lên cầu… nhiều người đã theo tiếng gọi bước lên cấp thứ nhất, tiến tới cấp thứ hai; nhưng ít người tới được cấp thứ ba” (ĐT 57). Tuy dù có ít người đạt tới cấp này, nhưng chúng ta cũng nên biết tới những đặc điểm của nó ngõ hầu cố gắng phát triển lòng ước ao muốn tiến tới sự sung mãn của tình yêu. Thực ra, sự phân biệt giữa cấp hai và cấp ba không rõ ràng lắm. Một vài đặc điểm của cấp hai đã là khởi đầu của cấp ba rồi: sự tiến triển có tính cách liên tục chứ không nhảy vọt. Trên lý thuyết, tác giả nêu bật vài đặc điểm của bậc thứ ba như sau: 

- từ cạnh sườn đến miệng Chúa. 
- Từ tình yêu bạn hữu đến tình yêu con cái. 
- Sự kết hợp hoàn hảo đến độ dường như đã tới ngưỡng cửa nước trời. 

1. Từ cạnh sườn tới miệng Chúa: 

Từ cạnh sườn của Chúa, linh hồn khám phá ra tình yêu vô biên của Ngài và khao khát kết hợp trọn vẹn với Ngài: do đó mà tác giả nói rằng ai đã tiến tới cấp thứ hai thì liền chạy ngay tới cấp thứ ba (ĐT 76). Sự phân biệt giữa hai cấp có lẽ chỉ muốn nói rằng đường trọn lành không có cùng tận (ĐT145). Thực ra, chính Chúa Quan phòng nắm vai trò chủ động trong tiến trình ấy: một đàng, bằng những cuộc tẩy luyện; đàng khác, bằng những ơn thôi thúc lôi kéo. Sự thanh tẩy ví như sự cắt tỉa cho cây được vươn lên (Ga 15, 1-5), qua những thử thách bên ngoài (gian nan, nhục nhã) hay bên trong ( tấn công của ma quỉ); nhờ đó linh hồn sẽ trở nên khiêm nhường hơn, nhẫn nại hơn, thông cảm với những ai bị thử thách. Sự thôi thúc tiến tới cũng mang nhiều dạng khác nhau: khao khát làm việc việc tông đồ, nhiệt thành với phần rỗi của tha nhân. Dù sao tư tưởng mà tác giả muốn nêu bật khi đem linh hồn áp kề miệng của Chúa là cái hôn bình an : linh hồn hoà hợp ý muốn của mình với Chúa, chứ không theo ý riêng mình nữa. 

2. Từ tình bạn tới tình con: 

Nói tới tình bạn là đã nói tới thân mật thắm thiết lắm rồi; thế thì còn mong gì hơn? Thực ra, sự phân biệt giữa tình bạn với tình con muốn nêu bật hai điểm sau: 

- liên hệ tới phần thưởng mai hậu. 
- Về sự hoàn hảo. 

· Tình bạn chỉ mới nhận được sự thổ lộ tâm sự, còn tình con thì nắm chắc thừa kế nước trời. Tình bạn có thể mất, chứ tình con thì không mất được. 

· Xét về sự hoàn hảo, tình con không dựa trên tâm tình, nhưng hoàn toàn thuận theo ý Chúa: linh hồn gắn chặt với Chúa, không còn bị lung lay trước cơn thử thách. Linh hồn hoàn toàn chìm đắm trong Chúa: yêu điều Chúa yêu và ghét điều Chúa ghét; mở rộng cõi lòng đến hết mọi loài Chúa yêu và phục vụ Ngài theo cách thức mà Ngài muốn chứ không theo ý mình. 

3. Trước ngưỡng cửa nước trời: 

Khi đã đạt tới sự hoà hợp với Chúa như vậy, con người dường như tới cửa thiên đàng. Tội lỗi và nết xấu đã chết đi, báo hiệu cuộc toàn thắng của Thiên Chúa. Họ chắc chắn sẽ không mất Chúa nữa: tình yêu đã đến mức hoàn hảo đến nỗi không có đau khổ hoặc thử thách nào có thề làm họ xa cách Ngài. Ý chí của họ hoàn toàn hợp với ý Chúa, khiến cho họ được hưởng an bình khôn tả (ĐT 76). Thiên Chúa cũng có thể ban cho họ những ơn đặc biệt để đánh dấu sự gắn bó khằng khít: hiểu biết chân lý (ĐT 80:89), ghi ấn thương tích của Chúa (ĐT 78), ngây ngất khi cầu nguyện (ĐT 79), nước mắt kết hợp (ĐT 89 : 91). 

Khỏi nói ai cũng đoán được rằng một khi đã tới điểm này, linh hồn khao khát mong cho chóng tới ngày kết hiệp vĩnh viễn với Chúa trện Thiên Đàng (ĐT 84).