Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

ẢNH THÁNH ICÔN DƯỚI CÁI NHÌN CỦA ANH EM CHÍNH THỐNG GIÁO

(Thời sự Thần học – Số 27, tháng 3/2002, tr .60-80)

Trong truyền thống Giáo hội phương Đông, không có sự tách biệt giữa giáo lý và phụng tự. Theo một nghĩa nào đó, phụng tự là cách diễn tả giáo lý, có liên hệ với những giá trị mạc khải. Thế nên “tín lý không phải là những ý tưởng trừu tượng, nhưng tự bản chất, tín lý được mạc khải như là những chân lý hoặc thực tại có tính cứu độ, dẫn con người đi vào mối thông hiệp thân tình với Thiên Chúa. Có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, dựa theo cách hiểu của Chính Thống giáo, người ta có thể nhận thấy sự viên mãn của suy tư thần học nơi cung cách thờ phượng của Giáo hội. Đó là lý do tại sao hạn từ “Chính Thống giáo” không đơn thuần được hiểu là “đạo lý chuẩn lực” như nhiều người vẫn thường nghĩ, nhưng là “cung cách thờ phượng xứng hợp”. Khi nói “cung cách thờ phưựong xứng hợp” cũng bao hàm luôn cả nghĩa “đạo lý chuẩn mực”.

Trong viễn cảnh tương quan chặt chẽ giữa giáo lý và phụng tự, theo thiển ý của tôi, cách tốt nhất để trình bày nền thần học toát yếu về Ảnh thánh Icôn là sử dụng những dữ liệu trong phụng vụ. Nghĩa là, để diễn tả giáo huấn của một cộng đoàn phụng tự. Thế nên, để đặt nền cho bài viết này, tôi dưa ra ba bài thánh thi ngày lễ chúa nhật của Chính Thống giáo. Ai cũng biết chúa nhật của Chính Thống giáo là ngày chúa nhật đầu tiên của mùa Chay, khi Giáo hội Chính Thống tưởng nhớ cuộc chiến thắng nạn bài trừ ảnh tượng và cuộc tái thiết Ảnh thánh Icon của nữ hoàng Theodora, hoàng hậu nhiếp chính dưới thời Micheal III dành cho các giáo hội. Cuộc phục hưng này đã diễn ra tại Công đồng Constantinople năm 843 với sắc lệnh là giáo hội Chính Thống hàng năm sẽ cử hành đại lễ ghi nhớ sự kiện lịch sử này.

Ba bài thánh thi tôi dùng trong bài viết này như là khuôn mẫu.

Lời vô hạn của Chúa Cha đã trở thành hữu hạn, mặc lấy xác phàm, lạy đấng Thần Linh, và Người đã phục hồi hình ảnh hư hoại trở nên vinh quang nguyên tuyền, đổ tràn nhục thể vẻ đẹp thần linh. Khi thể nghiệm ơn cứu độ này bằng lời nói và hành động, và chúng con mô tả ơn ấy qua cá bức họa thánh.

Ôi! kính lạy Đấng vô biên, dù mang bản tính thần linh, nhưng đến thời sau hết, Ngài đã vui lòng chấp nhận mặc lấy xác phàm và trở nên hữu hạn; và khi đón nhận nhục thể hạn hẹp này, Ngài nhận vào bản thân mình tất cả những gì là phàm hèn. Vì thế, chúng con đặc tả hình ảnh Ngài đúng với những gì Ngài đã lãnh nhận, tôn kính Ngài với lòng vinh dự tương xứng. Thế nên chúng con tán dương tình yêu cao cảo của Ngài, cùng với những truyền thống chúng con tiếp nhận từ các tông đồ, chúng con lãnh nhận ân sủng chữa lành từ hình ảnh của Ngài. Được nâng cao từ thân phận tôi lụy đến đức tin chân thật, và được tỏa sáng với ánh sáng của tri thức chúng ta hãy tung hô và lớn tiếng ngợi khen, dâng lời chúc tụng và cảm tạ Thiên Chúa; và với lòng tôn vinh xứng hợp, chúng ta hãy kính thờ Ảnh thánh Icon Chúa Kitô, của Đức Trinh nữ thanh khiết vẹn toàn và của các thánh, dù hình ảnh đó được đặc tả trên tường, trên các bức họa bằng gỗ, hoặc trên chén thánh, bất chấp những lời xuyên tạc bất kính của lạc giáo.

Như thánh Basiliô nói, các bức tượng Ảnh thánh icôn có sức diễn tả thực tại đạt tới mức nguyên tuyền, nhờ vậy mà Icôn chiếu tỏa lòng tôn kính. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ vô nhiễm và các thánh, chúng con xin Ngài là Đức Kitô, Chúa chúng con, tuôn đổ dư tràn lòng xót thương hải hà của Ngài trên chúng con.

“Lời vô hạn của Cha đã mặc lấy xác phàm, trở thành Lời hữu hạn”

Khi nghiên cứu về vấn đề ảnh thánh icôn, chúng ta có thể dễ dàng nhận thất rằng toàn bộ sự kiện này mang chiều kích Kitô học. Việc sử dụng ảnh thánh icôn góp phần vào tính tổng hợp của giáo lý Nhập thể. Câu hỏi căn bản nhất có thể được định hình như sau: Đức Kitô, Lời nhập thể của Chúa Cha bị giới hạn hay không giới hạn? Phái bài trừ Ảnh thánh icon tuyên bố rằng Đức Kitô không hề bị giới hạn, trong tư cách là Đấng – nhân – thần vì sự hiệp nhất giữa thần tính và nhân tính không cho phép diễn tả Người dưới bất kỳ hình thức nào. Theo trường phái thần học bài trừ Ảnh thánh Icon, như đã nói ở Công đồng Hieria (754), nghệ nhân phác họa hình ảnh Đức Kitô hoặc diễn tả nhân tính tách biệt với thần tính, hoặc diễn tả cả nhân tính lẫn thần tính của Lời nhập thể. Nghĩa thứ nhất cho thấy nghệ nhân thuộc phái Nestoriô, trong khi nghĩa thứ hai cho thấy ông nhầm lẫn giữa nhân tính và thần tính, tức là ngả theo phái duy - nhất - tính, nhìn nhận Đức Giêsu chỉ có một bản tính. Tệ hơn nữa, nghệ nhân còn thừa nhận thần tính vô biên đã bị hạn giới bởi nhân tính, và quả là hồ đồ khi nghĩ như vậy.

Dù những tranh luận này có vẻ hợp lý, nhưng đó lại là bằng chứng cho thấy phái bài trừ Ảnh thánh Icon khó có thể hiểu rằng Ảnh thánh Icon vừ không diễn tả một bản tính, vừa không diễn tả đồng thời hai bản tính của Đức Giêsu. Đúng hơn, Ảnh thánh Icon là sự diễn tả thực tại vô hình nhờ vào thực tại hữu hình. Khi ngỏ lời phản đối phái bài trừ Ảnh thánh Icon, thánh Gioan Đamát đã đưa ra một lập trường thần học rạch ròi như sau:

“Tôi không hề tôn thờ tạo vật, nhưng tôi chỉ tôn thờ Tạo hóa, Đấng đã trở nên người phàm giống như tôi, Đấng tuy đã hạ mình ngang hàng với tạo vật mà vẫn không hổ thẹn và cũng không bị mất phẩm cách. Qua đó, Người đã nâng cao bản tính cảu tôi và cho tôi được thông dự vào thần tính của Người. […] Vì bản tính xác thịt không thể trỏ thành thần linh, nhưng một khi Ngôi lời đã mặc lấy xác phàm mà không thay đổi, vẫn nguyên trạng như trước, thì xác thịt cũng trở thành lời như vậy, mà vẫn không đánh mất chính mình, hơn nuẵ còn đồng hóa với Ngôi lời một cách linh thánh. Vì thế có thể nói mà không sợ quá lời, tôi diễn tả Thiên Chúa là Đ ấng hữu hình, chứ không phải vô hình, bởi Người đã trở nên hữu hình bằng cách mang lấy nhục thể và máu huyết. Tôi không diễn tả một vị thần vô hình, nhưng diễn thân hình của một Thiên Chúa đã tự mạc khải.

Bên cạnh những tranh luận chống lại việc tôn thờ Ảnh thánh Icon, người ta có thể nhận thấy những thâm ý khác giữa phái bài trừ Ảnh thánh Icon và tôn kính Ảnh thánh Icon. Phái bài trừ Ảnh thánh Icon nhắm tới bản tính, trong khi phái tôn kính Ảnh thánh Icon nhắm tới sự chiếu tỏa của thần tính, tức ngôi vị của Lời nhập thể. Thánh Theodore đã trình bày lập trường Chính thống rất mạch lạc: “Mỗi Ảnh thánh Icon đều là sự chiếu tỏa thần tính, chứ không thể nào lại là bản tính. Từ viễn cảnh này, Ảnh thánh Icon là một bức hình có tính lịch sử. Vì thế, nghệ thuật thánh không diễn tả hình ảnh của các vị thần mơ hồ, siêu việt và thăm thẳm cõi trời, nhưng diễn tả những sự kiện cụ thể, những nhân cách gắn liền với lịch sử của công cuộc Nhập thể.

Ảnh thánh Icon được hiểu là quà tặng của mầu nhiệm nhập thể, xét như một khả năng mới để làm thần học, đặt nền trên ngôi vị của Lời nhập thể. Trong Cựu ước có thể có nhiều chỗ không cho phép diễn tả Thiên Chúa. Luật Môsê nghiêm cấm thờ ngẫu tượng: “ngươi không được tạc đẽo Ta dưới bất cứ hình ảnh nào” (Xh 20,4). Lúc bấy giờ việc tạc đẽo hình ảnh Thiên Chúa rất nguy hiểm cho lòng sùng mộ một Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Chưa hết, thánh Gioan Đamát còn tuyên bố;

“Trong quá khứ, Thiên Chúa chưa xuất hiện trong thân phận loài người, nên không thẻ diễn tả Người dưới dạng hình tượng. Hôm nay đây, kể từ khi Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm và sống giữa chúng ta, lẽ nào ta lại không thể diễn tả một Thiên Chúa hữu hình. Tôi không bao giờ tôn sùng tạo vật, nhưng tôi tôn thờ Đấng sáng tạo, Đấng ấy đã làm người vì tôi, Đấng đã cúi mình xuống phận người, nhờ phận người để thông ban ơn cứu độ. Và vì thế, tôi sẽ không ngớt kính trọng vật thể mà nhờ đó, ơn cứu độ của tôi được kiện toàn.

Trong Đức Kitô tạo vật được nâng cao và thánh hóa. Mầu nhiệm kế hoạch cứu độ hoàn toàn xóa bỏ quan niệm Nhị nguyên phân tách giữa xác và hồn. Nhờ ngôi vị Đức Kitô, chúng ta mới dám nhìn nhận xác phàm và coi đó là phương tiện trung gian để lĩnh hội ân sủng và sức mạnh thiêng liêng. Thế nên, xác phàm hẳn phải có một chức năng phụng vụ nào đó trong lịch sử cứu độ

Tù viễn cảnh này, chúng ta có thể hiểu được sự kết án của phái sùng bái ngẫu tượng chốn lại phái bái trừ ảnh tượng. Trong bối cảnh tôn giáo Hy lạp, ngẫu tượng là hình ảnh của những vật không hiện hữu trong thực tại cuộc sống. Đối với trường hợp này, chất liệu đã trở thành đối tượng của lòng sùng mộ. Trong Tân ước, Đức Giêsu đã giải phóng con người khỏi não trạng tôn thờ ngẫu tượng, không phải bằng cách tiêu cực là đập phá hình ảnh ngẫu tượng, nhưng bằng cách tích cực là tự mạc khải chính mình với tư cách là mạc khải trung thực của Thiên Chúa Cha (2 Cr 4,4; Cl 1,15; Ga 14,9). Nhờ thần linh, Ngôi lời Thiên Chúa đã trở thành hình-ảnh-đồng-bản-thể với Chúa Cha và qua nhân tính, Người là hình ảnh Chúa Cha. Trong nhân tính Người đã mạc khải ảnh đích thực về con người. Điều này thật là hiển nhiên, ngay cả khi chúng ta không thể tách rời hai bản tính nơi Đức Giêsu. Việc tách rời này có thẻ sa vào hoặc dị thuyết Nestoriô hoặc dị thuyết Nhất tính. Thực tại về ngôi hiệp, tức Ngôi vị của Đức Kitô hiệp nhất hai bản tính “mà không lẫn lộn, thay đổi, phân chia và tách biệt”. Thế nên khi nói về Đức Kitô. chúng ta đã ngắm giả định sự hiệp nhất hia bản tính nơi Người.

Bằng phương pháp loại suy, khi nói về hình ảnh của Đức Kitôm, chúng ta đã hiển nhiên nhìn nhận sự hiệp nhấy nơi Ảnh thánh Icon. Nói cách khác, nơi Ảnh thánh Icon, chúng ta không diễn tả nhân tính tách biệt với thần tính của Đức Kitô. Đúng hơn, chúng ta hiểu rằng Ảnh thánh Icon là sự diễn tả Ngôi lời nhập thể, Lời vô hạn của Chúa Cha. Lời ấy đã mặc xác phàm trở nên hữu hạn. Vì tự-tại-thể bảo đảm sự hiệp nhất cũng như sựu khác biệt giữa hia bản tính, nên hình ảnh Đức Kitô cũng minh chứng sự hiệp nhất này giữa hai bản tính và sự khác biệt giữa bản tính thụ tạo và bất thụ tạo. Để minh chứng tính khả hữu của hình ảnh Đức Kitô, các thượng phụ tại Công đồng đại kết thứ VII đã nhấn mạnh đến sự xuất hiện của Ảnh thánh Icon chính là để biểu lộ tự-tại-thể của Thiên Chúa là Ngôi lời nhập thể:

Hội thánh Công giáo khi diễn tả Đức Kitô dưới dạng hình ảnh con người, thì không hề có ý tách biệt Người khỏi thần tính vốn vẫn hiệp nhất nơi bản thân Người. Đúng hơn, Hội thánh coi hình ảnh đó như đã được thần hóa và diễn tả hình ảnh đó như một thực tại thống nhất với Thiên Chúa (omotheon), đúng như nhà thần học Gregoriô đã khẳng định. Và chính khi nghệ nhân diễn tả bức họa về một con người, thì ông ta không hề chỉ diễn tả phần xác người ấy. Đúng hơn, ông ta diễn tả cả phần hồn liền một trật. Cũng vậy, khi nói về hình ảnh Đức Kitô, chúng ta biểu dương bản tính nhân loại đã được thần hóa của Người và chúng ta hiểu Ảnh thánh Icon ấy không là gì khác hơn sự diễn tả mô phỏng nguyên mẫu.

“Người đã phục hồi vinh quang nguyên thủy và tuôn đổ vẻ đẹp thần linh trên hình ảnh rạn vỡ”.

Dựa vào Kinh thánh, Ảnh thánh Icon minh chứng việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Thật vậy, việc dựng nên con người giống hình nảh Thiên Chúa (St 1,26-27) hiển nhiên cho thấy có một sự tương đồng giữa hình ảnh Thiên Chúa và con người. Các giáo phụ Hy lạp hiểu sự tương đồng này chính là được thông dự vào vẻ đẹp thần linh. Tù viễn cảnh này, sự kiện con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa có ý nói Thiên Chúa đã làm cho bản tính con người có khả năng tiếp nhận mọi điều tốt đẹp. Tự bản tính, Thiên Chúa vốn là toàn thiện và toàn mỹ tuyệt đối. Thế nên, khi tạo dựng con người giống hình ảnh mình, Thiên Chúa đã thông ban cho nó sự thiện hảo của mình. Sự thiện hảo ấy được hiểu là tự do, khôn ngoan, công bình, yêu mến, bất tử. Nói cách khác, con người được tạo dựng để phản ánh vẻ đẹp thần linh. Lẽ dĩ nhiên. vẫn có sự khác biệt giữa Thiên Chúa nguyên mẫu và hình ảnh con người. Sự khác biệt ở chỗ con người là loài thụ tạo, còn Thiên Chúa là hữu thể bất thụ tạo. Cũng nên nói thêm rằng, việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa là một ơn gọi sống động. Con người sẽ “trải rộng” hình ảnh của riêng mình để nên giống Thiên Chúa. Tặng phẩm hình ảnh ban đầu của con người không phải là một trạng thể tĩnh. Đúng hơn, đó là hình ảnh nguyên khởi cho một tiến trình lịch sử thánh hóa bản thân. Vì là thực tại được tạo thành, hình ảnh Thiên Chúa vẫn mang đặc tính của một khả thể. Thế nên, con người vẫn có thể từ chối khả thể biến đổi từ hình ảnh cua rmình để nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Qủa thế, điều này hoàn toàn đúng với những gì đã từng xảy ra. Bởi ý chí tự do, con người đã sa ngã. Tội nguyên tổ được hiểu như là tình trạng tối tăm hoặc lu mờ hình ảnh thần linh. Thánh Gregoriô Nazi phát biểu rằng con người đã khoác lên mình một chiếc mặt nạ (prosopeion).

Nhờ việc Ngôi lời nhập thể mà con người được phục hồi vinh quang nguyên tuyền. Qua Đức Kitô, cuộc tạo dựng con người được thực hiện làn thứ hai. Hình ảnh Thiên Chúa bị lu mờ nơi thân phận con người trước đây nay được tái hiện. Nẻo đường đi từ hình ảnh tự nhiên của con người để nên giống Thiên Chúa nay đã được khai mở. Sự kiện Thiên Chúa trở nên người phàm đã tặng ban cho con người khả thế được thần hóa nhờ ân sủng. Khi so sánh công trình tạo dựng lần thứ nhất với lần thứ hai, cá nghị phụ trong Công đồng Đại kết VII đã quả quyết rằng công trình tạo dựng lần thứ hai được thực hiện bởi Ngôi lời Thiên Chúa, đã làm cho con người nên giống Thiên Chúa hơn, vì thế cuộc tái tạo này đem lại ý nghĩa tốt đẹp hơn cuộc tạo dựng ban đầu, và do đó ân huệ này tồn tại vĩnh hằng.”

“Ân sủng bất khả nhượng” này một lần nữa làm cho con người được thông dự sung mãn hơn vào vẻ đẹp thần linh. Từ nay con người lại được ban tặng khả năng để trở thành thần thánh (theophoros) một cách tự do và ý thức. Tất nhiên, địa hạt làm cho tiến trình thần hóa này diễn ra chính là Hội thánh. Nhờ bí tích thánh tẩy trong Hội thánh, con người có thể tìm thấy chân tính của mình. Nói cách khác, Hội thánh cung cấp phương dược cứu vớt và chữa lành, giúp con người quay về với bản tính nguyên tuyền của mình. Vì thế, khi ở trong Hội thánh, con người được thông dự đời sống thần linh, và chính bản thân đương sự lúc ấy trở thành một Ảnh thánh Icon. Thánh Điađôcô Phôtíc đã quả quyết, khi sống trong Hội thánh, nhờ những tác động nội tại và ân sủng của Thánh Thần, con người nhận được khả năng “tái họa hình ảnh của mình nên giống Thiên Chúa”.

Chiều kích Ảnh thánh Icon của con người rõ ràng hàm ngụ rất nhiều khía cạnh trong đời sống Giáo hội phương Đông. Trong mỗi hành vi tôn thờ công khai và mang tính phụng tự, vị linh mục xông hương trước tín hữu hoàn toàn giống như xông hương trước Ảnh thánh Icon. Trong giờ cử hành kinh phụng vụ. Các tín hữu khi hát vinh tụng ca để tôn vinh Chúa Ba Ngôi được xem như là hình ảnh của các thiên thần hộ giá. Là những Ảnh thánh Icon tề tựu trước Tôn nhan, họ kính thờ Đức Kitô tự trong chính bản thân mình, trong mọi người và cho muôn loài. Thế nên cử hành phụng vụ là một Ảnh thánh Icon sống động diễn tả màu nhiệm kỳ diệu của Nước Chúa. Đúng như thánh Simêon Thêxalônica phát biếu, tòa nhà Hội thánh là hình ảnh trọn vẹn của Giáo hội, đại diện cho toàn thể nhận loại, thần thiêng và trổi vượt chín tầng trời. Tiền đường của Giáo hội mở ra với cõi trần, dẫn vào chánh diện thiên quốc là thánh điện cao thẳm trên các tầng trời. Hơn nữa, Giáo hội tự thân là Ảnh thánh Icon của Chúa Ba ngôi. Sự hiệp thông giữa những người trong nhiệm thể Giáo hội chính là hình ảnh sự thôn ghiệp giữa Ba ngôi Thiên Chúa.

Với cách diễn tả như vậy, việc sử dụng Ảnh thánh Icon cho ta một ý nghĩa thần học sâu xa cũng là điều dễ hiểu. Có thể can đảm nói rằng, Ảnh thánh Icon tự nó có tính thần học, là Lời Thiên Chúa, có sức đưa con người tới diện kiến Thánh nhan, làm cho ngôn ngữ, quan niệm và hình ảnh mang tới chiều kích siêu việt. Phác họa Ảnh thánh Icon bao hàm một lối diễn tả hữu hình toàn bộ thực trạng lịch sử nhân loại. Việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, việc tái tạo trong Đức Kitô, sự biến hình trở nên vinh quang tối hậu, theo một nghĩa nào đó, tất cả những điều ấy đều phác họa hình Ảnh thánh Icon thánh thiện của Đức Kitô, của Đức Nữ trinh khiết vẹn toàn, của các thánh, dù vẽ trên tường, trên thảm len hay trên các chén thánh.

“Chúng tôi tuyên xưng ơn cứu độ qua lời nói cũng như hành động và diễn tả bằng các Ảnh thánh Icon.”

Thánh Gioan Đamát trong bài “De Imaginibus Oratio” nhắc chúng ta nhớ lại sự khác biệt mà thánh Basilliô Cả đã trình bày về đạo-lý-thành-văn và đạo-lý-bất-thành-văn, ngài nhấn mạnh rằng cả hai đều có giá trị đạo đức như nhau. Trong đoạn này, ngài cũng đề cập đến “phong tục bất thành văn” khi nhấn mạnh đến các lễ nghi của Giáo hội được truyền lại cho chúng ta không phải bằng chữ viết, nhưng bằng các truyền thống bất thành văn”.

Chúng ta hẳn phải thấy vai trò của Ảnh thánh Icon trong đời sống Giáo hội qua khuôn khổ bài viết này. Chúng ta đã khẳng định rằng, nhờ Ngôi lời nhập thể, con người trở nên tạo vật mới, tự mình trở thành Ảnh thánh Icon nhờ ân sủng thánh thần hoạt động bên trong. Chúng ta cũng đã thừa nhận rằng Ảnh thánh Icon theo một nghĩa nào đó cũng chính là một trong những phương cách trình bày thần học. Đoạn phân tích sau cùng này cho thấy rằng, trong Giáo hội, con người nhận được hai khả thể: trước là trở nên hình ảnh Thiên Chúa, nhờ vậy mà phục hòi hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình; kể đến loan báo ân sủng này cho tất cả những ai muốn theo Người. Như thế, việc làm thần học theo chiều kích Ảnh thánh Icon đạt được không chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng những hình ảnh sống động.

Ảnh thánh Icon chính là lời nói diễn tả qua tranh. Nó gợi lại lịch sử cứu độ và biểu dương kịch sử ấy qua những nhân vật cụ thể. Trong Giáo hội Chính Thống, Ảnh thánh Icon luôn được hiểu như là Tin mừng sống động, như là bằng chứng về những điều kỳ diệu Thiên Chúa tặng ban cho con người qua việc Nôi lời nhập thể. Cộng đồng 860 đã dạy rằng “tất cả những gì nói ra thành lời, viết ra bằng chữ cũng đều được loan báo bằng ngôn ngữ của màu sắc”.Từ viễn cảnh này, Ảnh thánh Icon và Kinh thánh được nối kết nhờ mối liên hệ nội tại; cả hai cũng tồn tại trong Giáo hội và loan báo những chân lý như nhau.” Có một sự bổ sung hỗ tương và nhất quán giữa lời nói và hình ảnh khả kiến. Thánh Gioan Đamát nói, Kinh thánh cũng chính là Ảnh thánh Icon theo một nghĩa nào đó, Ảnh thánh Icon cũng chính là Kinh thánh. Một lần nữa, tôi xin ghi nhận lại công thức này:

Nhờ Kinh thánh, chúng ta được lắng nghe lời Đức Kitô, nhờ vậy mà được thánh hóa. Cũng thế, nhờ Ảnh thánh Icon, khi chiêm ngưỡng hình ảnh con người, phép lạ, cuộc thương khó của Đức Kitô, chúng ta cũng được thánh hóa, lãnh nhận bảo chứng ơn cứu độ, thấm đẫm niềm vui, tràn đầy ân phúc. Vì thế chúng ta tôn kính, thờ lạy và ngợi khen hình ảnh con người của Đức Kitô. Và khi chiêm ngưỡng phàm thể Đức Kitô, chúng ta được đắm chìm trong chiêm niệm về thần tính vinh hiển của Người. Có điều, chúng ta chỉ có thể vươn tới thực thể phần thiêng nhờ vào phàm thể hữu hình này, vì chúng ta được dựng nên bởi hai phần: cả hồn lẫn xác. Nhờ vậy, hồn chúng ta không bị trần trụi, mà được bao bọc bởi một lớp màng. Thế nên chúng ta có thể nghe được những lời khả giác bằng tai phàm, rồi chiêm niệm những điều thiêng liêng. Như vậy qua hình ảnh phàm thể, chúng ta đạt tới thực tại thần thiêng.”

Chiều kích Kinh thánh của Ảnh thánh Icon và chiều kích Ảnh thánh Icon của Kinh thánh hoàn toàn tương hợp với nhau dưới cái nhìn của thần học Giáo hội phương Đông, đặc biệt là với giáo huấn liên quan đến mặc khải và tri thức về Thiên Chúa. Điều đáng nói là từ nhãn quan Chính thống giáo, lời lẽ trong Kinh thánh không phải là sự mạc khải chính mình, cho bằng là lời nhắm tới mạc khải.

Cũng thế, Ảnh thánh Icon tự nó không có nghĩa gì cả, vấn đề là nó dẫn chúng ta đến điều gì mới quan trọng chứ. Từ lối nhìn này, cả Kinh thánh lẫn Ảnh thánh Icon đều có chức năng giới thiệu và mô phạm. Cả hai đều hoặc là những nhân vật lịch sử trung gian. Ơn cứu độ được trình bày trong cả hai thực thể đó, một đàng nhờ chữ viết, đàng khác nhờ diễn tả qua tranh. Cả hai đều nhắm tới ơn cứu độ, chính mạc khải làm cho tất cả chữ viết lẫn Ảnh thánh Icon có tính siêu việt như nhau. Điều nổi bật là đức thượng phụ Nicephorus Contanstinô đã nhận định, tuy Ảnh thánh Icon có vẻ “phàm trần”, nhưng lại có tầm ảnh hưởng lớn lao với mọi người, cách riêng đối với những người không am tường Kinh thánh. Thật vậy, “trăm nghe không bằng một thấy”, những gì chúng ta nghe được thường dễ quên hơn là những gì chúng ta chứng kiến tận mắt. Đến lượt mình, các Thượng phụ Công đồng đại kết VII đã bàn về “nhãn quan Kinh thánh” và “thực thể khả họa” như là hai nẻo đường mở lối cho ta tiến đến những thực tại siêu cảm.

Tuy nhiên, đặc tính giới thiệu và hướng dẫn của cả Kinh thánh lẫn Ảnh thánh Icon đều cần đến một sự biện giải minh bạch hơn. Nói Kinh thánh và Ảnh thánh Icon là những nẻo đường mang báo hiệu (báo hiệu theo nguyên nghĩa của tiếng Hy lạp) chúng tôi chỉ đơn thuần có ý nói cả hai đều có những giới hạn, bởi mầu nhiệm Thiên Chúa, vinh quang của Dức Kitô biến hình đều là những kinh nghiệm không thể diễn tả bằng lời lẽ được. Bản thân thánh Phaolô khi cảm nhận những thực tại này cũng thế, người đã không thể diễn tả ra bằng lời lẽ, quan niệm, hình ảnh phàm trần được! Thánh Simêon, một thần học gia tân trào đã đề cập đến vấn đề này khi chú giải đoạn 34 thư Thesalonica II: “và tôi đã biết một con người như thế, dù trong thân xác hay ngoài thân xác, tôi không thể nói ra được, nhưng có Thiên Chúa biết! Lẽ nào thánh Tông đồ lại có thể được nâng lên tầng trời cao, nghe được những lời vô thanh mà không thể diễn tả được:

“Những lời không thể nói ra” là những thị kiến không thể nào tả được. Và đó là sự hiểu biết tối thượng về vinh quang và thần tính của Chúa Con là Lời Thiên Chúa, Đấng ngự trên ánh sáng siêu phàm và làm cho tri thức đạt tầm mức siêu việt. Thánh Tông đồ cảm nhận được sự mạc khải vinh quang Thiên Chúa(theo cách nói của thánh Simêon đó là sự lĩnh hội điều không thể thấu triệt trong tình trạng bất khả thấu đạt) là nhờ sự chiếu tỏa ánh sáng của Thánh Thần.

Vì thế các thánh nhờ ánh sáng thần linh có thể cảm nhận và nghe được những lời bất khả biểu đạt, vượt trên mọi giác quan, hiểu biết và tầm nhìn. Theo thánh Simêon, người nào nhận được ánh sáng siêu phàm sẽ được chiêm ngưỡng Thánh nhan, đồng thời ngũ quan cùng thống nhất quan chiêm một trật, vượt trên mọi cảm giác nhân loại. Nhờ sự chiếu sáng này, ta có thể hiểu đươc rằng tri thức khả tượng và khả thanh về Thiên Chúa được nâng cao đến siêu thức và siêu cảm về Thiên Chúa. Sức hiểu như thế được chứa đựng trong Kinh thánh và được diễn tả bằng Ảnh thánh Icon (bởi lẽ mọi Ảnh thánh Icon đều diễn tả những gì ẩn tàng) và như thế tri thức siêu phàm này vượt trên tất cả mọi phương thế diễn tả Thiên Chúa, dù là kinh thánh hay Ảnh thánh Icon.

“Chúng con mô tả chân dung của Ngài và kính thờ với một lòng tôn vinh xứng hợp”. Từ điểm này, chúng ta chạm tới một vấn nạn rất tế vi về việc tôn kính Ảnh thánh Icon. Đây là một trong những vấn đề căn bản giữa những người trước đây đã từng tranh luận với nhau về việc bài trừ Ảnh thánh Icon. Đây cũng là duyên cớ cho những hiểu lầm của Kitô giáo phương Tây. Ví dụ điển hình là trong tạp chí tôn giáo của Anh giáo số 22 viết về việc tôn thờ ảnh tượng bị kết án nghiêm ngặt. Do những hiểu lầm này ở tầm mức rộng lớn dẫn đến hậu quả khó khăn trong việc chuyển dịch, nên việc đưa ra những lời mình giải về một số hạn từ quả là cần thiết. Căn bản mà nói, có hai từ được dùng tron gtiếng Hy lạp: aspasmos và proskynesis. Ta có thể dịch từ thứ nhất là “kính chào” và từ thứ hai là “tôn thờ”. Cả hai hạn từ đều được định nghĩa trong Công đồng đại kết VII, thậm chí từ tôn thờ còn được hiểu là thờ lạy với lòng tôn vinh xứng hợp (timetike proskynesis):

Với sự chính xác và cẩn trọng, chúng tôi ấn định Ảnh thánh Icon phải được kính thờ ngang tầm với thánh giá, thế nên Ảnh thánh Icon cần phải được làm đúng màu sắc và chất liệu, và được trưng trong các thánh đường, chạm trên chén thánh, thêu trên lễ phục, trang hoàng trên các tấm bình phong trong nhà và tiền đường. Nội dung gồm có ảnh của Chúa Giêsu Kitô Đấng cứu độ, của Thánh mẫu Thiên Chúa không vương tì ố, của các vị thiên sứ đáng kính và của tất cả các thánh nhân. Các vị thánh càng được diễn tả bằng hình ảnh cụ thể bao nhiêu, thì khi chiêm ngắm các Ngài, chúng ta càng được thêm lòng khao khát nên giống các Ngài và tỏ lòng sùng mộ. Nhờ đức tin, ta có thể xác quyết rằng chẳng có lòng sùng mộ đích thực nào mà lại không xuất phát từ chính Thiên Chúa.

Dù định nghĩa của công đồng rất sáng sủa và đề cao mọi thể thức thờ phượng, thì việc tôn kính Ảnh thánh Icon vẫn mang nét đặc trưng của Kitô giáo phương Đông. Lẽ tất nhiên, hiểu như vậy là do cách dịch không đúng của từ prokynesis trong Hy ngữ (tôn kính) như là thờ lạy trong La ngữ, như trong bản văn La ngữ của Công đồng. Libri Carolini nổi tiếng đã sử dụng bản dịch này và bị từ chối, vì mục đích chính trị, bởi công đồng bài trừ Ảnh thánh Icon năm 754 và Công đồng Nicea II năm 787. Nicea II đã coi các sách Carolini như là ineplisimae Synodi. Đáng lưu ý là thánh Tôma Aquinô khi thừa nhận công đồng Nicea II đã nói về “sự tôn thờ tượng kính”. Dựa trên những diễn ngữ Hy lạp, những lập luận này có cơ hội tố cáo tội thờ ngẫu tượng được bàn đến trong Công đồng được triệu tập ở Sophia năm 1450.

Xét ở tầm mức nào đó, bất chấp những lời giải thích sai lầm, thần học Chính thống luôn minh định rằng việc tôn thờ Ảnh thánh Icon mang đặc nét tương kính. Các nghị phụ trong Công đồng đại kết thường lặp đi lặp lại: “Các tín hữu Kitô phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, được xưng tụng là Ba Ngôi, và chỉ vì chính Người mà ta tôn thờ”. Hơn nữa, khi đến với Ảnh thánh Icon, “họ tôn thờ với lòng ngưỡng mộ tương kính và không bao giờ coi Ảnh thánh Icon như là những vị thần”.

“Vinh quang tỏ rạng nơi Ảnh thánh Icon nhằm diễn tả nguyên mẫu”.

Quan niệm Platon về “nguyên mẫu” và “hình ảnh” được sử dụng rất nhiều trong các cuộc tranh cãi của phái bài trừ Ảnh thánh Icon. Vì sự đòng hóa giữa “hình ảnh” và “nguyên mẫu” của phái bài trừ Ảnh thánh Icon, những người biện hộ Ảnh thánh Icon đã trưng dẫn sự phân biệt rạch ròi giữa Ảnh thánh Icon và thần thể. Ảnh thánh Icon nhắc chúng ta nhớ lại nguyên mẫu và nâng cao tâm hồn. Ảnh thánh Icon tự chúng không phải là những thực tại, nhưng giá trị của nó xuất phát từ những thực tại nó diễn ra. Ảnh thánh Icon là những dấu chỉ cho sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa trong lịch sử. Nó gợi cho chúng ta có một cái nhìn về một lịch sử mới, cái nhìn về một vương quốc bao hàm cả dĩ vãng, hiện tại và tương lai. Ảnh thánh Icon là tiền đường dẫn ta vào một thế giới khác, nơi ấy sự thành toàn sẽ được hiển lộ trong ngày sau hết. Sự loại suy về “hình ảnh nguyên mẫu” đòi buộc phải nghiên cứu tỉ mỉ. Chúng ta có thể lấy công thức kinh điển của thánh Basiliô Cả làm nền tảng: “Vinh quang tỏa rạng nơi Ảnh thánh Icon nhằm diễn tả nguyên mẫu”.

Khi nói về Ảnh thánh Icon và nguyên mẫu, chúng ta không có ý đề cập đến mối liên hệ loại suy đối với ngôi vị thần thiêng. Duy chỉ Người Con là “bản tính và là hình ảnh vẹn toàn” của Chúa Cha, và chỉ Thánh Thần là “bản tính và hình ảnh nguyên tuyền” của Người con. Những hình ảnh khác diễn tả Thiên Chúa khác với nguyên mẫu thần tính đều chỉ là ngẫu tuợng. Dẫu Ảnh thánh Icon có sự khác biệt so với nguyên mẫu, nhưng vẫn có mối tương quan mật thiết giữa Ảnh thánh Icon và nguyên mẫu. Nói khác, Ảnh thánh Icon không chỉ là những bức hình gợi lại những khuôn mẫu trong dĩ vãng, nhưng là chứng từ về đời sống thánh thiện cho cuộc sống hôm nay. Thầy phó tế Têphanô Côntantinô trong “Vita Santi Stephani Junioris” chỉ ta rằng “Ảnh thánh Icon là cửa ngõ mở lòng chúng ta, cửa ấy được tạo dựng sau khi Thiên Chúa biến thành chân dung ẩn tàng của nguyên mẫu. Thánh Đamasô khi nói đến Ảnh thánh Icon, người nhấn mạnh thế này, suốt quãng đời các thánh, các vị được “thông hiệp” với Thánh Thần, và khi yên nghỉ, ân sủng của Thánh Thần vẫn lưu giữ nơi hồn xác các vị, trong huyệt mộ và nơi Ảnh thánh Icon, điều này có được không phải do bản tính, nhưng do ân sủng và quyền năng Thánh Thần. Vì thế, Ảnh thánh Icon biểu trưng cho sự thánh thiện của các Ngài. Theo đó, khi tôn kính Ảnh thánh Icon, ta không tôn kính bức hình, hoặc chén thánh, nhưng tôn kính sự thánh thiện của những con người cụ thể. Và khi tôn kính vị thánh, chúng ta tôn vinh Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự thiện hảo. Lúc nào cũng có một sự loại suy thần học, một tương hệ với Đức Kitô là trung tâm. Chúng ta diễn tả Ảnh thánh Icon Đức Kitô là Chúa và là Vua, thì không thể nào tách biệt vương vị của người ra khỏi quần thần. Các vị thánh là quần thần của Đức Kitô. Tôi kính thờ Ảnh thánh Icon Đức Kitô là Thiên Chúa nhập thể, Ảnh thánh Icon của đức Trinh nữ, Mẹ Thiên Chúa, Ảnh thánh Icon của các vị thánh như là những người bạn của Thiên Chúa.

Vinh quang chiếu tỏa nơi Ảnh thánh Icon hướng lòng chúng ta về nguyên ảnh, về Ngôi lời nhập thể, nhờ Người và trong Người, ta được đến với Ba Ngôi đồng bản thể và bất khả phân ly. Lời lẽ của thượng phụ Germanô Constantinô thật ý nghĩa trong mối liên kết này: “Khi một người thành thạo chiêm ngắm Ảnh thánh Icon, đương sự cất lời tôn vinh Thiên Chúa, như vậy, danh thánh Đức Giêsu được tôn vinh cả trong thực tại hữu hình lẫn vô hình”.

“Theo truyền thống thánh thiện, từ Ảnh thánh Icon của Ngài, chúng con nhận được ân sủng chữa lành”.

Qủa thực, khi nói về Ảnh thánh Icon, chúng ta đã chạm tới một chủ đề căn cốt của truyền thống tâm linh Chính thống giáo. Khi nói về Ảnh thánh Icon, thánh Germanô Constantino đã lặp lại lời thánh Gioan Kim Ngôn rằng toàn bộ vấn nạn về Ảnh thánh Icon được giải đáp bằng lòng sùng mộ. Trong truyền thống Chính thống giáo, ai nấy đều thừa nhận Ảnh thánh Icon là một ký ức sống động về thần lực và thậm chí còn là trun gian đón nhận ân sủng chữa lành. Chúng ta đã nhất trí với nhau rằng sự thánh thiện của các thánh không đơn thuần chỉ là một hiện tượng dĩ vãng, nhưng nhờ ân sủng, sự thánh thiện ấy vẫn hiện diện nơi Ảnh thánh Icon mà không hề suy giảm. Thế nên, Ảnh thánh Icon là những máng chuyển ơn thánh, là những phương dược trị liệu thân tâm và là khởi điểm cho cuộc biến hình chung cuộc của thế giới.

Để hiểu được chiều kích chữa lành và đặc sủng của Ảnh thánh Icon, chúng ta cần ghi nhớ những gì đã được bàn thảo toát lược về chất thể. Vì con người được tạo dựng có hồn có xác, thế nên ắt phải nhờ chất thể con người mới vươn tới chiều kích tâm linh. Vì vậy, chất thể có chức năng phụng vụ; chất thể không chỉ góp mặt trong sự hiện diện của Đức Kitô nơi trần thế, mà còn trong toàn bộ dời sống Giáo hội nữa, xét vì sự hiện diện của Đức Kitô hàm ngụ một sức thánh hóa liên lỉ cho chất thể. Thánh Gioan Đamasô nói: “Sở dĩ tôi không ngừng tôn kính chất thể là vì chất thể đã được thấm đẫm ân sủng và thần lực, âu cũng bởi đó mà ơn cứu độ của tôi được kiện toàn”. Trong cuộc thần hiện, chất thể đã đảm nhiệm vai trò của mình, lúc ấy nó được phục hồi và tôn vinh. Thánh giá gỗ, đồi Gôngôtha, mồ thánh, Kinh thánh, bàn thánh và cả Mình Máu Chhúa Kitô nữa, tất cả đều là thể chất. Tương tự như những vật vừa kể, Ảnh thánh Icon là đối vật mang tính chất thể, nhờ đó mà ân sủng được tuôn tràn.

Ân sủng chữa lành nhờ những đối vật thể vốn có truyền thống trong Giáo hội, có nền tảng Kinh thánh nơi những phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu và các tông đồ. Ví dụ như trường hợp người phụ nữ bị băng huyết 12 năm chạm vào áo Chúa Giêsu và được chữa lành (Mc 5,25-34). Thánh Giáo Phụ Germanus còn nhắc lại nhiều chuyện chữa lành khác trong Tông đồ Công vụ: bóng của thánh Phêrô (TĐCV 5,15-16), “khăn xéo, khăn xiên” của thánh Phaolô cũng là phương tiện chữa lành (TĐCV 19,11-12). Chẳng phải bất cứ bóng nào hay khăn nào, nhưng phải là bóng của thánh Phêrô và khăn của thánh Phaolô mới chữa lành được. Cũng vậy, không phải mọi Ảnh thánh Icon đều làm phép lạ, nhưng chỉ một số thôi. Ân sủng chữa lành không tự nhiên mà có, nhưng là quà tặng của Thiên Chúa cho người tín hữu trong một số điều kiện nào đó.

Như thế, Ảnh thánh Icon không phải là vật trang trí nhưng chính là vật phụng vụ. Do đó, không thể tách Ảnh thánh Icon khỏi cộng đoàn thờ phượng Thiên Chúa, nhưng nâng nó lên trở thành phương tiện đón nhận ơn thánh hóa và ơn chữa lành. Ơn chữa lành có nền tảng nơi Giáo hội. Chính trong Giáo hội, Ảnh thánh Icon trở thành liệu pháp tâm linh và thân xác, cũng hệt như, Kinh thánh trong Giáo hội trở thành Lời Thiên Chúa” nhanh nhẹn, quyền năng, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi”. Ngoài Giáo hội, Ảnh thánh Icon chỉ còn là một bức tranh tôn giáo, hệt như Kinh thánh là cuốn sách “được đóng dấu bằng bảy ấn dấu”

Như Phúc âm vượt quá những tiêu chuẩn thế gian thế nào, thì Ảnh thánh Icon cũng vậy. Phúc âm phá đổ sự khôn ngoan thế gian. Việc rao giảng thập giá là một sự điên rồ đối với thế gian (1 Cr 1,18):

Ta sẽ hủy diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái. Người khôn ngoan đâu? Người học thức đâu? Người lý sự của thời này đâu? Thiên Chúa lại đã không để cho sự khôn ngoan của thế gian ra điên rồ đó sao? Thật vậy, thế gian đã không dùng sự khôn ngoan mà nhận biết Thiên Chúa ở những nơi Thiên Chúa biểu lộ sự khôn ngoan của Người. Cho nên Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin” (1 Cr 1,19-21).

Như Phúc âm được tuyên bằng lời nói (oral Gospel) thế nào, thì Ảnh thánh Icon, Phúc âm cho con mắt (visual Gospel) – cũng là sự điên rồ và cớ vấp phạm cho thế gian thế ấy. Thế gian chỉ ưa xem những gì xuất hiện trước mắt, bề ngoài. Còn Ảnh thánh Icon là cửa sổ để nhìn xem những điều đích thực là vinh quang và biến hình.

Vân Hạ chuyển ngữ.