(Thời sự Thần học – Số 5, tháng 8/1996, tr.55–59)
Các sách viết về tu đức học thường mang tên là “théologie ascétique et mystique”. Theo đó, mystique là tột điểm của tiến trình tu đức, trạng thái thần bí. Tuy nhiên, gần đây, quan điểm đó đã bị chỉ trích vì tiếng “mystique” theo nghĩa nguyên thuỷ Ki-tô giáo có nội dung phong phú hơn là tiếng mystique chịu ảnh hưởng của Denis Areopagite. Sự kết hợp với Thiên Chúa không phải là chuyện dành riêng cho một thiểu số, lại càng không thể đồng hoá với những hiện tượng ngất trí xuất thần. Không phải là như vậy. Đức Ki-tô đã thông cho ta sự sống của Thiên Chúa khi chúng ta tin vào Ngài và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là bí tích Rửa tội và bí tích Thánh Thể. Đức Ki-tô thúc giục chúng ta hãy ở lại trong Ngài, hãy kết hợp với Ngài như cành nho với cây nho. Bởi vậy, tất cả các Ki-tô hữu được kêu gọi sống thân mật với Chúa, kết hợp với Ngài qua việc cầu nguyện, thương yêu và tuân theo ý Chúa.
Tuy dù tất cả các Ki-tô hữu được gọi vào tình trạng thần bí, sự kết hợp với Thiên Chúa. Nhưng trên thực tế, chúng ta biết rằng không phải ai cũng đạt được lý tưởng đó. Vì thế mà vẫn có thể dành tiếng “thần bí” để chỉ giai đoạn cao cấp nhất của tiến trình nên trọn lành. Ngoài ra, các học giả cũng ghi nhận rằng hiện tượng thần bí là một lí tưởng được đề ra trong tất cả các tôn giáo lớn trên hoàn cầu. Vấn đề được đặt ra cho thần học là: có gì khác biệt giữa thần bí Ki-tô giáo với thần bí của các tôn giáo khác hay không?
Có hai dường lối để trả lời câu hỏi vừa nói:
- Có thể có thần bí ngoài Ki-tô giáo hay không?
- Đường lối thứ hai đi vào tận căn bản vấn đề thần học: liệu có thể nói tới thần bí chính nghĩa ở ngoài Ki-tô giáo hay không?
Chúng ta hãy khởi đầu với cách đặt vấn đề của thần học, rồi kế đến sẽ xem ra những thứ thần bí khác nhau của các tôn giáo.
I. Có thể có thần bí ngoài Ki-tô giáo hay không?
Lý do của vấn đề là tại vì , nếu chúng ta qua niệm thần bí như là sự kết hợp với Thiên Chúa Ba ngôi, thì thử hỏi liệu con người có thể đạt tới mức độ kết hiệp ấy ngoài Đức Ki-tô, ngoài ơn thánh hay không?
Các nhà thần học đã đưa ra những câu trả lời khác nhau.
Theo lập trường cổ truyền nhất, thì ngoài Ki-tô giáo không thể có thần bí đúng nghĩa, xét vì sự kết hợp với Thiên Chúa Ba ngôi là công hiệu của ơn thánh được ban qua Đức Ki-tô. Do đó, các tôn giáo khác chỉ có thể đạt tới một thứ thần bí theo nghĩa rộng, thần bí tự nhiên, lòng khao khát của con người đạt tới Chân – Thiện – Mỹ. Sự khao khát đó đôi khi cũng thấy xuất hiện lại nơi các triết gia, nghệ sĩ, thi sĩ. Sự kết hợp với Đấng Tối cao Tuyệt đối diễn ra trong bình diện tri thức hơn là tình cảm.
Một lập trường cởi mở hơn có thể nhận thấy nơi cha Henri de Lubac. Trước khi vào đề, cha de lubac nhận thấy cần phải phân biệt ba lãnh vực: thần bí,/ tôn giáo/ luân lí. Không phải lúc nào ba lãnh vực đó cũng gắn liền với nhau.
- Có thể có thần bí phi tôn giáo, đặc biệt khi thần bí không nhằm tới sự kết hợp với Thiên Chúa, nhưng là với một lí tưởng, một ý thức hệ, hay sự hư vô.
- Không phải tôn giáo nào cũng có nền thần bí: ví dụ như những tôn giáo chỉ đề cao lễ bái bên ngoài, hay nhấn mạnh tới thái độ tuân phục của con người hơn là thái độ yêu mến đối với Thiên Chúa.
- Không phải thần bí nào cũng hợp với luân lí : khi mà con người không đi tìm Thiên Chúa cho bằng tìm một thứ sảng khoái nào đó, kể cả thuốc phiện.
- Không phải luân lí nào cũng có tính cách tôn giáo; thực vậy, có những thứ luân lí học , đạo đức học thuộc phạm vi triết học, chứ không gắn với tôn giáo nào hết.
- Đối lại, không phải tôn giáo nào cũng gắn liền với luân lí: ví dụn như những tôn giáo chỉ giới hạn tới việc cúng tế lễ bái, mà không nhấn mạnh tới cách cư xử hàng ngày.
Những nhận xét sơ khởi đó nhằm lưu ý rằng, khi nói tới thần bí ngoài Ki-tô giáo, chúng ta đừng vội liên tưởng ngay đến các tôn giáo, xét vì có thể có thần bí kể cả ngoài khung cảnh của các tôn giáo nữa.
Theo cha De Lubac, nguồn gốc của thần bí nằm trong chính bản thân của con người. Con người được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa; vì thế không lạ gì mà con người khao khát được kết hợp với Ngài. Lòng khao khát ấy do chính Đấng Tạo Hoá đã in sâu vào tâm khảm của ta. Riêng người Ki-tô hữu thì họ biết thêm rằng sự kết hợp với Thiên Chúa từ khát vọng đã trở thành hiện thực nhờ sự nhập thể của Đức Ki-tô. Từ đó, cha Lubac kết luận như sau:
· Thần bí Ki-tô giáo tiến đến sự kết hợp với Thiên Chúa trong tâm tình đón nhận hồng ân mà Ngài ban. Các thứ thần bí khác chỉ hướng tới “hình ảnh của Chúa”, qua sự ý thức về bản ngã của mình.
· Thần bí Ki-tô giáo tiến triển trong màu nhiệm Ngôi lời Nhập thể, được mạc khải trong Kinh Thánh và lĩnh nhận qua Đức tin. Hậu nhiên, thần bí Ki-tô giáo hệ tại việc đào sâu thêm Đức tin và ý nghĩa của lời Mạc khải. Ngược lại, các thần bí khác thì đi tìm Thiên Chúa ẩn mình (Deus ignotus), hay Thiên Chúa cánh chung ở ngoài lịch sử cứu độ.
Tóm lại, dưới khía cạnh thần học, ta có thể nhìn nhận sự hiện hữu của thần bí ngoài Ki-tô giáo, tuy rằng nó không thể đưa tới sự kết hợp với Thiên Chúa Ba Ngôi mà Đức Ki-tô đã mạc khải cho ta. Mặt khác, chúng ta cũng nên khiêm tốn nhìn nhận rằng không ai có quyền hạn chế quyền năng của Thiên Chúa, không cho phép Ngài ban ơn thánh cho người sống ngoài Ki-tô giáo. Chúng tôi nghĩ rằng chính trong lãnh vực thần bí kết hợp với Chúa mà tính cách nhưng không của hồng ân Thiên Chúa được bộc lộ rõ ràng nhất.
II. Những đặc trưng của thần bí Ki-tô giáo sánh với các tôn giáo khác:
Dưới khía cạnh lịch sử và hiện tượng, không thiếu học giả đã đối chiếu so sánh giữa thần bí Ki-tô giáo với các tôn giáo khác.
Sự đối chiếu phổ thông hơn cả là giữa thần bí Ki-tô giáo với thần bí An độ. Thần bí Ki-tô giáo được gọi là “siêu việt” hay “thông hiệp”, còn thần bí An giáo thì gọi là “nội tại” hay “đồng hoá” (đồng nhất: immanence, identification). Thực vậy, thần bí Ki-tô giáo hướng tới việc đối thoại với Thiên Chúa (vì vậy gọi là siêu việt), và kết hợp với Ngài bằng tình yêu, tuy luôn duy trì sự phân biệt giữa Thiên Chúa với con người. Còn thần bí An giáo nhắm tới việc trở về với cái Ngã (nội tại), và tan hoà cái Tiểu Ngã trong cái Đại Ngã, như ngòi lạch hoà đồng tan biến trong biển cả.
Thực ra, hai khuynh hướng thần bí đồng hoá và thông hiệp hiện hữu trong nhiều tôn giáo khác nhau, chứ không phải chỉ tượng trưng qua Ki-tô giáo vá An giáo. Ngay trong An giáo, nt cũng nhận thấy có sự khác biệt giữa khuynh hướng Upanishad và khuynh hướng Bhakti. Cũng vậy, người ta cũng thấy không những có sự khác biệt giữa Phật giáo và An giáo, mà còn giữa Phật giáo Tiểu thừa và Đại thừa nữa.
Nhờ sự nghiên cứu và đối chiếu với các tôn giáo như vậy, mà các nhà học giả có dịp nhận thấy tính cách đa diện của các thần bí Ki-tô giáo. Dĩ nhiên, ta có thể nói rằng có bao nhiêu nhà thần bí thì có bấy nhiêu loại thần bí, xét vì không có cảm nghiệm nào giống như cảm nghiệm nào hết. Tuy nhiên, ta cũng có thể xếp loại dựa teo vài hằng số tương tự với nhau.
Chúng tôi xin trưng ra hai thí dụ phân loại như sau đây từ pho từ điển “Catholicisme”. Dựa vào các nhân vật nổi bật của Tân ước, người ta nói tới ba hình thức.
1. Thần bí của Gio-an: thông hiệp với Đức Ki-tô qua Tin Mừng và Thánh Thể, đặc biệt là ở các giáo hội Đông phương.
2. Thần bí của Phao-lô: kết hợp với Thiên Chúa trog cảm nghiệm Thánh Linh, đặc biệt của các Giáo hội cải cách.
3. Thần bí của Phê-rô: kết hợp với Thiên Chúa qua các buổi họp cộng đồng, đặc biệt của Giáo hội Công giáo.
Dựa theo các linh ân của Thánh thần, ta có thể nói tới 7 hình thức:
- Thần bí khổ hạnh (linh ơn mạnh bạo).
- Thần bí đời sống cộng đồng Tin mừng và bí tích (linh ơn kính sợ).
- Thần bí tâm tình (linh ơn thảo hiếu).
- Thần bí chiêm niệm (linh ơn thượng trí).
- Thần bí suy luận (linh ơn thông hiểu).
- Thần bí thế mạt (linh ơn tri thức).
- Thần bí tông đồ (linh ơn minh luận).
Dù sao, chúng ta thấy chính tại sự thần bí mà mỗi tôn giáo tìm ra căn cước của mình: tôn giáo là trường dạy đỗ con người tìm đến gặp gỡ Đấng Tối Cao Tuyệt Đối. Nếu ý thức như vậy, chắc chắc các tôn giáo sẽ tìm cách đối thoại với nhau, và những tranh chấp hay chiến tranh tôn giáo không có lí do gì tồn tại.