(Thời sự Thần học – Số 5, tháng 8/1996, tr.39–43)
Thảo Phương.
Trong bài trước, chúng ta đã điểm qua các đường lối tâm nguyện
dựa theo thánh I-nha-xi-ô Loyota. Thánh I-nha-xi-ô sinh năm 1491 tại Loyota, Tây Ban nha; qua đời tại Rôma năm 1556. Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày hai phương pháp khác của hai tác giả đồng thời là đồng hương của I-nha-xi-ô. Đó là cha Luis de Granada, dòng Đa Minh (1504-1588) và thánh Tê-rê-xa A-vi-la (1515-1582).
dựa theo thánh I-nha-xi-ô Loyota. Thánh I-nha-xi-ô sinh năm 1491 tại Loyota, Tây Ban nha; qua đời tại Rôma năm 1556. Trong bài này, chúng tôi sẽ trình bày hai phương pháp khác của hai tác giả đồng thời là đồng hương của I-nha-xi-ô. Đó là cha Luis de Granada, dòng Đa Minh (1504-1588) và thánh Tê-rê-xa A-vi-la (1515-1582).
Nói tới phương pháp của thánh I-nha-xi-ô Loyota hay của thánh Tê-rê-xa A-vi-la, có nghĩa là nói về phương pháp của Dòng tên và dòng Carmelô. Nhưng phương pháp của cha Luis de Granada thì không có đồng nghĩa với phương pháp của Dòng Đa Minh, bởi Dòng Đa Minh ra đời trước khi có phương pháp tâm nguyện, và, thời cận đại, Dòng cũng không đặt ra 1 phương pháp riêng cho các phần tử của mình: các tu sĩ Đa Minh hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn phương pháp để cầu nguyện tư, ngoài những giờ kinh phụng vụ chung.
Cha Luis de Granada đã trình bày phương pháp cầu nguyện trong tác phẩm “Libro de la oración yêu meditación”, xuất bản năm 1554. Tác giả mời gọi hết các tín hữu hãy thực hành tâm nguyện, vì coi đó như phương tiện rất hữu hiệu để phát triển đời sống nội tâm. Trong tác phẩm này, cha Luis de Granada bàn về bản chất của việc cầu nguyện, các công thức, thứ tự và cách thế cầu nguyện, cũng như những khó khăn, trở ngại. Kế đó cha chỉ dẫn cách thức suy gẫm, rút từ kinh nghiệm bản thân, chia thành 5 phần: chuẩn bị, đọc sách, suy gẫm, tạ ơn dâng hiến và cầu xin.
- Chuẩn bị: vào buổi tối, ấn định đề tài suy niệm cho ngày hôm sau. Trước khi bắt đầu suy gẫm, ta hãy đặt mình trước mặt Chúa, nhìn nhận các lỗi lầm của mình cũng như lòng nhân lành của Chúa; từ đó ta hãy xin Chúa tha thứ và ban ơn giúp sức để ta tiến tới.
- Đọc sách: cha Luis lấy lại tập tục của các đan tu cổ truyền, “lectio”, như bước đầu cho cuộc tâm nguyện. Và cha cũng dọn ra nhiều sách về những đề tài suy gẫm. Cách riêng, chính trong sách dạy về cầu nguyện mà chúng ta đang nghiên cứu, cha đã cung cấp 14 bài suy gẫm về cuộc đời Chúa cứu thế.
- Suy gẫm: đây là một tác động của trí tuệ, và nếu cần, có thể dùng óc tưởng tượng để hình dung ra màu nhiệm mà mình đang suy gẫm.
- Tạ ơn dâng hiến: tới đây ta bước sang phần tâm tình. Tạ ơn có nghĩa là cảm ơn Chúa vì bao nhiêu ơn lành Ngài đã ban, cách riêng vì những ơn đã ban cho bản thân trong lúc cầu nguyện. Lòng biết ơn đưa tới việc dâng lên Thiên Chúa Cha những công nghiệp và đau khổ của Đức Ki-tô mà bản thân cũng muốn kết góp phần.
- Sau cùng, buổi suy niệm kết thúc với việc cầu xin: xin cho vinh quang Chúa toả ra khắp nơi, xin cho hết mọi người nhìn biết Chúa thật, biết thờ lạy và yêu mến Ngài; cầu xin cho các nhu cầu của Giáo hội, cũng như xin cho mình biết trung thành với Chúa.
Phương pháp của cha Luis de Granada nói được là đơn giản. Tác giả cũng thêm rằng phương pháp này dành cho những người mới bắt đầu. Dần dần linh hồn hãy để cho Chúa Thánh thần dẫn dắt đến những cấp độ cao hơn, khi có thể bỏ qua phần lí luận ngõ hầu có thể gắn chặt lòng trí vào Chúa, để chiêm ngắm Sự Thiện duy nhất và tuyệt đối. Nói khác đi, cha Luis nhắn nhủ các linh hồn rằng đừng để mình bị ràng buộc với một phương pháp, nhưng hãy biết dần dần để cho Chúa Thánh thần dìu dắt. Chính Thánh thần mới là vị dạy cho chúng ta cách thức cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Chúa.
II. Thánh Tê-rê-xa A-vi-la.
Quyển sách của thánh Luis de Granada đã lọt vào tay thánh Tê-rê-xa A-vi-la. Tuy rằng suốt đời họ không bao giờ gặp nhau, nhưng đôi bên gần gũi qua thư từ và nhất là qua tinh thần. Thánh Tê-rê-xa đã ghi trong hiến pháp Dòng Carmelô cải tổ rằng, bề trên mỗi tu viện phải liệu sắm những sách của cha Luis de Granada và Pedro d’Alcantara. Cách riêng, về phương pháp cầu nguyện, từ năm 1591, Dòng Carmelô đã du nhập phương pháp của cha Luis de Granada với vài điểm bổ túc và nhận đó là phương pháp của Dòng Carmelô. Gồm có 7 phần: chuẩn bị, đọc sách, suy gẫm kèm theo việc đàm đạo, tạ ơn, dâng hiến và cầu xin.
1. Việc chuẩn bị gồm hai chặng: xa và gần.
a. Sự chuẩn bị xa nhằm giúp cho việc hồi tâm trước mặt Chúa, bằng cách loại bỏ khỏi lí trí và ý chí những trở ngại trên đường kết hợp với Chúa (ví dụ những lo ra, những quyến luyến) nhờ sự hãm mình khổ chế; đồng thời thực tập việc sống trước sự hiện diện của Chúa, năng hướng lòng lên cùng Chúa dù giữa bao công chuyện bận rộn trong ngày.
b. Còn sự chuẩn bị gần bao gồm việc ý thức về những yếu đuối, lầm lỗi của mình và tin tưởng nơi long Chúa lân ái, giống như người thu thuế trong dụ ngôn Phúc âm.
2. Đọc sách, về một đề tài có thể giúp ta trò chuyện với Chúa, qua việc suy nghĩ về một chân lý đức tin, soi sáng về một khía cạnh về tình thương của Chúa. Sau khi đã chọn lựa một đề tài, cần phải đọc sách cách khoan thai, chú ý. Ơ đây, sự đọc sách khác với đọc sách thiêng liêng, bởi vì đọc sách lúc cầu nguyện nhằm tìn chất liệu cho việc đàm thoại với Chúa, do đó có thể bỏ qua chặng đọc sách nếu tâm tình đã sẵn sàng rồi. Đổi lại, lúc gặp khô khan hoặc dễ lo ra, thì việc đọc sách chậm rãi (vừa đọc vừa suy) sẽ giúp cho việc tập trung tư tưởng cũng như hâm nóng tâm tình.
3. Trọng tâm của buổi tâm nguyện ở chỗ suy niệm kèm theo một cuộc đối thoại âu yếm. Các tác giả Dòng Carmelô không có đồng nhất khi mô tả chi tiết những yếu tố trong phần này. Đại cương, có 3 tác động chính yếu thuộc 3 tài năng : hình dung (trí tưởng tượng), suy gẫm (trí hiểu) và chiêm ngắm (ý chí).
- Sự hình dung là công tác của óc tưởng tượng được huy động để giúp cho lý trí hoạt động, thay vì để cho nó nhàn rỗi và đi lang thang. Sự hình dung được áp dụng cách riêng khi suy gẫm về cuộc đời của Đức Ki-tô. Tuy nhiên, các tác giả của Dòng Carmelô không quên lưu ý về sự thận trọng trong khi hình dung: đừng nên đi vào chi tiết quá làm gì, nhất là những người có óc tưởng tượng quá mạnh, e rằng sẽ dẫn tới các ảo ảnh. Dĩ nhien, không phải khi nào sự hình dung cũng cần thiết và hữu ích trong khi cầu nguyện.
- Sự suy gẫm là công tác của trí tuệ: dĩ nhiên việc suy gẫm không hệ tại lí luận tìm ra những tư tưởng mới cho bằng chuẩn bị kích thích tâm tình tiếp theo đó.
- Thực vậy, việc suy niệm phải dẫn tới việc chiêm ngắm. Nghĩa là, một cuộc đối thoại, tâm sự với Chúa, tác động của tâm tình và ý muốn. Ta muốn bày tỏ cho Chúa lòng mến yêu, hay ít là lòng ta muốn yêu mến Chúa. Tới chặng này, các cơ năng khác ngưng làm việc, nhường chỗ cho tâm tình yêu mến khi thưởng thức, chiêm ngắm Chúa. Ta có thể coi đây là đặc trưng của Dòng Carmelô, tức là đề cao vai trò của tâm tình và chiêm niệm. “Cầu nguyện không hệ tại suy nghĩ nhiều cho bằng yêu mến nhiều”. Tâm tình yêu mến có thể mang nhiều hình thức: thán phục, ngợi khen, biết ơn, hổ thẹn, đau đớn, hối hận, dốc quyết, thuận tuân,… Những tâm tình ấy có thể là phản ứng bộc phát, nhưng cũng có thể là ơn Chúa ban cho linh hồn như đáp trả lại cuộc tâm sự. Ở đây, cuộc đối thoại không có nghĩa là cuộc trao đổi lời lẽ (ta thưa chuyện với Chúa và ta lắng nghe Chúa trả lời), cho bằng trao đổi tâm tình. Học phái Carmelô định nghĩa chiệm niệm như là : “cái nhìn đơn giản thông suốt chân lí”.
4. Ba tác động kết thúc là tạ ơn, dâng mình và cầu xin.
- Sau khi đã nếm hưởng sự hiện diện của Chúa, linh hồn không thể nào không cảm tạ Chúa vì các ơn huệ đã nhận lãnh trong lúc cầu nguyện cũng như trong suốt cuộc đời; tạ ơn Ngài về công trình tạo dựng và cứu chuộc nơi Đức Ki-tô, tạ ơn vì các hồng ân mà Chúa không ngừng đổ tràn xuống trên thế giới.
- Đang khi tạ ơn, linh hồn cũng dâng hiến đời mình cho Chúa, quyết tâm làm hết mọi việc để phụng sự Ngài. Dĩ nhiên, các tư sĩ càng có lí hơn để lập lại ý chí tận hiến của mình. Sự dâng hiến cũng có thể là một điều dôc lòng cụ thể, thi hành một việc gì đó.
- Sau cùng, ta cầu xin Chúa những ơn cần thiết cho sự thánh hoá bản thân, cho gia đình, xã hội, Giáo hội và nhân loại.
Một điểm quan trọng không nên quên là phương pháp vừa nói được viết ra cho các tập sinh Dòng Carmelô. Trong các tác phẩm của mình, thánh Tê-rê-xa A-vi-la nói tới nhiều hình thức và cấp độ cầu nguyện. Cách thức vừa nói ở cấp thấp nhất, gọi là suy niệm (oraison discoursive), vì con người phải dùng sức lực của mình (đọc sách, suy nghĩ, giục giã tâm tình). Lên những cấp cao hơn, sức của con người sẽ dần dần nhường chỗ cho tác động của Thánh thần, thí dụ ở cấp mà Tê-rê-xa đặt tên là nguyện an tĩnh (oraison de quietude), thì Chúa Thánh thần sẽ bình định các hành vi và cố gắng của con người, cho chúng ta an nghĩ bình lặng; và do đó, con người dán chặt vào Chúa với một chuyển động đơn giản. Lên cấp cao hơn nữa, thì đến lượt tâm tình tràn đầy ơn thánh sẽ trào qua các tài năng khác.