Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

KẾT LUẬN VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN

(Thời sự Thần học – Số 5, tháng 8/1996, tr.50–54)

Tấn Anh

Trong lịch sử tu đức học, có nhiều phương pháp tâm nguyện. Trong những bài trước, chúng ta đã mô tả vài phương pháp nổi danh. Trong bài này, chúng ta tổng hợp, đối chiếu, cũng như bổ túc thêm về những cách thức cầu nguyện khác.

I. Tổng hợp đối chiếu các phương pháp cầu nguyện


Chúng ta nhận thấy rằng nói chung, các tác giả đều chia buổi cầu nguyện thành 3 phần: chuẩn bị, thân bài và kết luận. Nhưng trước đó, họ cũng không quên nói tới những hoàn cảnh ngoại tại có liên quan tới việc cầu nguyện, ví dụ như: thời khắc (ít là nửa tiếng mỗi ngày); thời gian (tốt nhất là ban sáng, khi mới thức dậy, đừng kể với những người hay ngủ gục ban sáng hay đầu óc đã bị ám ảnh bởi những công tác phải làm trong ngày);không gian (nhà thờ hoặc trong phòng, hoặc ngoài trời; nơi nào mà ta dễ cầm trí hơn cả); tư thế cung kính (thường nên quì gối, tuy nhiên đây không phải là buổi thực tập khổ chế thân xác, vì thế nên chọn tư thế nào giúp cho trí lòng thanh thản hơn cả).

A. Sự chuẩn bị:

Gồm có chuẩn bị xa và chuẩn bị gần. Sự chuẩn bị xa tóm lại trong 4 sự thanh luyện.

§ Thanh luyện lương tâm khỏi tội lỗi;
§ Thanh luyện con tim khỏi những quyến luyến vật chất;
§ Thanh luyện tâm trí khỏi những tư tưởng, hình ảnh viễn vông;
§ Thanh luyện ý chí, sẵn sàng làm theo ý Chúa muốn.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng đạt tới sự thanh luyện ấy trước khi cầu nguyện; nói đúng ra, việc cầu nguyện nhằm giúp ta đạt tới sự Thanh luyện, nghĩa là nhằm tới việc dành tất cả tâm tư ý muốn để phục vụ Chúa. Tuy nhiên, để chuẩn bị cầu nguyện cần phải cố gắng cất xa những chướng ngại qua việc cẩn thủ các giác quan, yêu mến thinh lặng và hồi tâm. Sự chuẩn bị gần bao gồm việc chọn lựa đề tài, chất liệu (thí dụ, nhờ việc đọc sách Kinh thánh, phụng vụ hay tác phẩm đạo đức). Kế đó, đặt mình trước mặt Chúa, cùng với những tâm tình tương ứng: tin, thờ lạy ,thống hối; và xin Chúa ban ơn để cầu nguyện. Một vài tác giả còn đặt thêm tác động chuẩn bị cuối cùng là sự “hình dung ra cảnh tượng”; nhưng đây chỉ là một phương thế hữu ích chứ không cần thiết bởi vì không phải khi nào cũng có thể áp dụng được.

B. Thân bài.

Phần thân bài có hai tác động chính : suy nghĩ (tác động của trí tuệ) và tâm tình (tác động của ý chí). Tất cả các tác giả đều đồng ý rằng sự suy nghĩ chỉ nhằm cung cấp chất liệu cho tâm tình, vì vậy mà khi tâm tình đã được kích động đủ rồi, thì không cần phải tiếp tục tác động suy tư nữa. Việc cầu nguyện không hệ tại suy nghĩ nhiều cho bằng mến yêu nhiều.

1) Sự suy nghĩ nhằm đưa ta đến chỗ thâm tín trong con tim và dốc quyết trong thực hành, chứ không phải để tìm ra lí lẽ biện bác thần học. Dù vậy, nhằm giúp cho việc suy nghĩ được dễ dàng hơn, ta có thể dùng phương pháp đã được sử dụng trong các lớp học để truy tầm chân lý qua những câu hỏi: ai? Cái gì? Ở đâu? Bằng phương tiện nào? Tại sao? Thế nào? Lúc nào? Bên cạnh sự suy luận của lí trí, ta không được bỏ qua Đức tin để có thể đi vào nội dung của chân lý cứu độ. Ngoài ra, sự suy nghĩ không dừng lại ở lý thuyết, nhưng cần dẫn đến sự áp dụng thực hành trong đời sống: tôi đã sống điều đang suy như thế nào? Tôi phải làm gì để hợp đời tôi với chân lý? Có những trở ngại nào đã làm ngăn trở việc thực hành?

2) Những tâm tình của ý chí thì rất đa dạng: tâm tình mến yêu Chúa sẽ kéo theo biết bao nhiêu tâm tình khác nữa: thống hối, khiêm tốn, biết ơn, tin tưởng, phó thác, dâng hiến. Cũng từ những tâm tình đó mà chúng ta bước vào cuộc hàn huyên, tâm sự với Chúa; cũng như cầu xin những ơn cần thiết. Việc đối thoại với Chúa là trung tâm của buổi cầu nguyện. Một tác động nữa của ý chí là dốc quyết thực hành một vài điều cụ thể, để sửa đổi và cải tiến đời sống họa theo chân lý đã suy.

C. Kết luận.

Buổi cầu nguyện kết thúc với việc tạ ơn, dâng hiến, cầu xin; hoặc với việc đọc một kinh nào đó (Lạy Cha, Kính Mừng, Trông Cậy,…). Sau đó, vài tác giả còn khuyên thu lượm vài tư tưởng làm bó hoa thiêng liêng, để nhắc nhớ trong ngày. Có tác giả khác thì còn thêm sự xét mình đã suy gẫm như thế nào, hoặc viết ra những điều đã suy gẫm cho cha linh hướng.

II. Những khi khó suy gẫm


Các tác giả tu đức cũng biết rằng không phải ai cũng có thể áp dụng phương pháp vừa kể. Kể cả các linh mục, tu sĩ cũng có nhiều khi cảm thấy khô khan, không thể cầm trí suy nghĩ cũng chẳng có thể đánh động tâm tình một chút nào nữa. Vì thế, bên cạnh phương pháp chính, cón có những phương pháp dự phòng. Chúng tôi lược qua một vài cách thức thông thường.

§ Suy gẫm khi đọc sách. Đây là cách thế cổ điển của các đan sĩ “lectio divina”. Đọc sách trong tư thế cầu nguyện, đặt mình trước mặt Chúa, đọc chậm rãi, thỉnh thoảng dừng lại để suy nghĩ, đối chiếu với cuộc sống mình, hoặc than thở với Chúa và dốc quyết thực hành điều nào đó.

§ Suy gẫm từ cuộc đời Chúa Cứu thế, Đức Maria, các thánh (thí dụ trong màu nhiệm Mân côi, đàng Thánh giá), để gây ra lòng mộ mến các nhân đức và quyết tâm thực hành. Một cách tương tự như vậy, có thể suy gẫm từ những kinh đọc hàng ngày: Lạy Cha, Kính Mừng, Tin kính,…

§ Một phương thế cầu nguyện nữa là qua những lời nguyện vắn tắt, bộc phát. Ví dụ: lạy Chúa, con tin, xin giúp đỡ sự hèn tin của con! Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Xin vâng theo ý cha!,…


III. Giá trị của phương pháp


Cha Marmuon, viện phụ Maredsous (1858-1917) đã viết trong “Le Christ, vie de L’ âme” như sau: phương pháp là một chuyện, sự cầu nguyện là chuyện khác; phương pháp cần phải thích nghi theo nhu cầu và khả năng của từng người, nhưng mà cốt cách của sự cầu nguyện thì khi nào cũng như nhau, đó là một cuộc đàm đạo với Chúa, họa theo Đức Ki-tô – Người đã mở tấm lòng ra trước mặt Cha trên trời, lắng nghe tiếng Cha để làm đẹp lòng Cha (chương 10). Chúng tôi đã nói rằng có tác giả ví phương pháp như cái nạng: ta cần tới nó để chống khi tập đi, nhưng khi đã biết đi rồi thì không cần phải dùng nạng nữa. Vấn đề phương pháp tâm nguyện rất cần cho những ai mới bắt đầu vào đường cầu nguyện; nhưng dần dần họ hãy để cho Thánh thần hướng dẫn tới những nẻo đường mới. Khi trình bày những phương pháp khác nhau, chúng tôi muốn rằng không phải hết mọi người đều phải đi theo một con đường như nhau. Mỗi người thấy mình thích hợp một phương pháp riêng, và thậm chí cần phải tạo cho mình một phương pháp riêng hợp với tầm kích của riêng mình. Nếu có thể, nên bàn hỏi với vị linh hướng về điểm này.

Thực ra, trong tiếng việt, những từ “suy gẫm, suy niệm” có thể gây hiểu lầm, vì đặt nặng phần suy tư lí luận. Trong khi các nhà tu đức chú trọng hơn tới những tác động của ý chí, tâm tình. Chúng tôi đã có dịp nói tới các học thuyết của thánh Tê-rê-xa A-vi-la về các cấp độ cầu nguyện. Thánh Tê-rê-xa đặt việc suy niệm (oraison discoursive) ở cấp thấp nhất. Càng lên cao thì càng giảm thiểu tác động lí luận, cũng như các tác động nói chung. Trong giai đoạn đầu, khi con người còn nắm vai trò chủ động trong khi cầu nguyện, thì nó phải loay hoay với rất nhiều động tác. Nhưng nếu nó biết ngoan ngoãn để cho Chúa Thánh thần tác động, thì dần dần, sự cầu nguyện trở nên đơn giản, dưới hình thức chiệm niệm. Các tác giả dòng Carmelô định nghĩa sự chiêm niệm như là “cái nhìn âu yếm, cắm thẳng vào chân lý” (simplex intuitus veritatis sub influxu amoris). Sách Giáo lý Hội thánh công giáo, số 2715, nhằm giải thích ý niệm về sự chiêm niệm, đã trưng dẫn lời của một bác nông dân nói với cha Gioan Vianney “Con nhìn thấy Chúa và Chúa nhìn thấy con”. Câu nói đơn sơ đó cho thấy rằng kể cả người vô học cũng có thể đạt tới cấp độ cao của sự cầu nguyện. Dù sao, ta đừng bao giờ quên rằng sự cầu nguyện không phải là kết quả của một phương pháp, nhưng là hồng ân của Chúa Thánh thần. Hơn nữa, câu nói của bác nông dân cũng lưu ý chúng ta rằng cần làm sao để không chỉ giới hạn sự cầu nguyện vào đôi ba chục phút mỗi ngày, nhưng là luôn sống dưới sự hiện diện của Chúa: hai bên luôn nhớ nhau, nhìn nhau.

Luôn tiện, thiết tưởng, nên lưu ý về vấn đề từ ngữ trong các ngôn ngữ Au châu về cầu nguyện. Trong tiếng latin, sự cầu nguyện gọi là “oratio”, và dĩ nhiên nó bao gồm nhiều hình thức thờ lạy, ngợi khen và cầu xin. Tuy nhiên, vào thời Trung cổ, tiếng oraito được giới hạn vào lời cầu xin (chứ không bao gồm cả những hình thức khác), nhất là từ khi các đan sĩ áp dụng lược đồ lectio/ meditatio/ oratio/ contemplatio. Vào thời Cận đại, ở Tây ban nha, Pháp và Italia, người ta còn phân biệt prière với oraison. Prière (vocale) được dùng để gọi kinh nguyện đọc ngoài miệng, còn oraison (mentale) thì dành cho tâm nguyện. Với sự phân biệt các cấp độ của thánh Tê-rê-xa A-vi-la, thì người ta lại còn tách rời oraison khỏi méditation. Méditation chỉ việc suy gẫm (hay cũng gọi là oraison discousive, do tiếng latin “dis - currere” – nghĩa là lí trí chạy ngang chạy dọc); còn oraison 9hay oraison effective, contemplation) để chỉ cấp độ cao hơn của sự chiêm niệm. Đó cũng là sự phân biệt mà ta thấy trong Sách Giáo lý Hội thánh công giáo ở các số 2700-2719.