Thời sự Thần học – Số 4, Tháng 4/1996, tr. 41-67
Nghiên cứu về các linh đạo, chúng ta có dịp thấy qua dòng lịch sử, có trăm phương ngàn cách để sống niềm tin, để gặp gỡ Thiên Chúa và nên thánh. Bài viết này xin trình bày khái quát về các nền linh đạo, từ Giáo Hội tiên khởi cho tới Công Đồng Va-ti-ca-nô II, giúp chúng ta nhận ra bối cảnh phát sinh các nền linh đạo, giúp hiểu những động lực tâm linh trong các chọn lựa cung cách sống đó.
Chúng ta tạm chia ra thành ba giai đoạn lớn với những trào lưu khác nhau trong mỗi giai đoạn, đó là : "Thời các giáo phụ"; "Thời trung cổ" và "Thời cận kim". Sau đó, chúng ta sẽ xét qua những đường hướng chính của linh đạo hiện đại từ sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II.
I. Thời giáo phụ
A. Vài đặc trưng
Các Ki-tô hữu đầu tiên tìm sự trọn lành theo những giáo huấn của Kinh Thánh, cách riêng trong việc mang ra thực hành những lời nói và gương lành của Đức Ki-tô. Mặt khác, sách Tông Đồ Công Vụ cũng tả lại cho ta những nét chính về sinh hoạt của các cộng đồng Ki-tô hữu thời đó : cộng đồng là nơi tín hữu lắng nghe lời giảng, tham dự phụng vụ và cảm nghiệm tác động của Thánh Thần, thực hành bác ái yêu thương.
Dần dần, với thời gian, các văn gia Ki-tô giáo đã trình bày những khuôn mẫu áp dụng vào những hoàn cảnh thay đổi của từng thời, từng nơi. Bốn chủ đề đã được các vị khai triển cách đặc biệt, đó là : căn tính Ki-tô hữu; khát vọng tử đạo; sống khiết tịnh; và lòng thống hối.
Sống giữa thế giới có nhiều tín ngưỡng khác nhau, nhất là khi phải sống trong bối cảnh phong hóa đồi trụy, người tín hữu được kêu gọi bảo vệ căn tính Ki-tô hữu của mình. Nhờ bí tích rửa tội, họ đã trở thành con Chúa, qua Đức Ki-tô trong Thánh Thần, trở thành anh em với nhau, vì thế phải biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau như những phần tử của một Nhiệm Thể có Đức Ki-tô là đầu. Nếp sống của họ, tuy hòa mình giữa lòng đời, nhưng cũng gây chống đối với đời, nên không lạ gì khi đế quốc Rô-ma muốn bài trừ họ.
Những đố kị, hiểu lầm, bách hại mà các Ki-tô hữu phải gánh chịu đã trở thành một chủ đề mới trong các tác phẩm của các thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-ki-a, Cơ-lê-men-tê A-lê-xan-đơ-ri-a, Ô-ri-gien, Síp-ri-a-nô và của Téc-tu-li-a-nô là : được "chết vì đạo", hay muốn dịch cho sát nghĩa hơn từ "Martyr", muốn được làm "chứng tá". Tử đạo là cơ hội bày tỏ lòng mến yêu trung thành với Đức Ki-tô. Tử đạo là bằng chứng cao quý nhất cho lòng yêu mến kiên trung với Đức Ki-tô, vì không những họ chết cho Ngài, mà họ còn chết như Ngài để làm chứng cho sự thực, và chia sẻ hy sinh Thập Giá với Ngài trong niềm tin tưởng nơi quyền năng Thiên Chúa sẽ cho người tôi trung sống lại từ cõi chết.
Một hình thức khác bày tỏ lòng mến yêu Đức Ki-tô là đời sống khiết tịnh đã được một số tín hữu nam nữ thực hành từ thế kỷ thứ nhất công nguyên, như một chứng từ phản kháng lại tình trạng luân lý suy đồi của thời đó. Ta tìm thấy những trang ca ngợi sự trinh khiết nơi các thánh Am-rô-xi-ô, Giê-rô-ni-mô, Âu-tinh và Gio-an Kim Khẩu. Dĩ nhiên, bên cạnh những chứng tá anh hùng của các vị tử đạo hoặc đồng trinh, các tác giả cổ thời đã đề cập không ít tới những hình thức sống đạo thông thường, tỉ như : việc kết hợp với Chúa qua sự cầu nguyện, dù là suy gẫm riêng tư hay tham dự phụng vụ; việc thực hành khổ chế, mang nhiều hình thức khác nhau, tỉ như sự ăn chay vào các ngày thứ tư và thứ sáu và để chuẩn bị lễ Phục Sinh; việc đền tội dành cho những hối nhân công khai.
Riêng về sự cầu nguyện, thì nói được là không tác giả nào không nói tới. Tuy nhiên, tại A-lê-xan-đơ-ri-a, dần dần đã bắt đầu có những tác giả phân tích tâm lý về con đường dẫn tới việc sống kết hiệp với Thiên Chúa, từ những bước tập tễnh cho tới việc xuất thần. Trong các tác giả này, ta có thể kể tới Cơ-lê-men-tê, Ô-ri-gien, và nhất là một tác giả mạo danh Denis Areopagite, một môn đệ của thánh Phao-lô. Tác phẩm của ông đã ảnh hưởng rất nhiều tới văn chương thần bí của Ki-tô giáo trải qua nhiều thế kỷ.
Từ những nét họa phong phú vừa kể, chúng tôi chỉ muốn dừng lại ở một giáo phụ, thánh Âu-tinh; và một nếp sống Tin Mừng cách đặc biệt, đó là đời đan tu.
B. Thánh Âu-tinh Híp-pô-na (+430)
Thánh Âu-tinh, với trí khôn sắc sảo và cảm nghiệm bản thân về quyền năng ơn thánh đã kéo mình ra khỏi đường tội lỗi, đã trình bày cách hệ thống về bản chất của đời Ki-tô hữu. Đời sống Ki-tô hữu là một sự khát vọng không ngừng hướng về Thiên Chúa; nó được tựa trên đức ái, với động lực là tình thương của Chúa Ba Ngôi, và môi trường tác động là những tương giao với tha nhân.
Theo Âu-tinh, đức ái (tình yêu) là hồn và thước đo của sự hoàn thiện. Tình yêu khi biết lựa chọn thì gọi là khôn ngoan, khi không ngần ngại trước khó khăn thì gọi là can đảm, khi không để cho những đam mê lung lạc thì gọi là tiết độ, khi không để cho tham vọng và kiêu căng chi phối thì gọi là công bình. Chính tình yêu ấy đưa chúng ta đến kết hiệp với Thiên Chúa và liên kết ta với tha nhân. Tình yêu đối với tha nhân nhằm tới việc thông cho họ tình yêu của Chúa, qua mầu nhiệm của Hội Thánh, Nhiệm Thể của Đức Ki-tô. Để tăng trưởng trong tình yêu, ta cần phải biết cầu nguyện, khiêm nhường, tín thác nơi Thiên Chúa, trung tín và thanh luyện. Mặt khác, tình yêu cũng là hồng ân của Chúa ban cho ta, biểu lộ nơi việc Ngài ban Con, Ngôi Lời nhập thể cho thế gian, và sai Thánh Thần tình yêu xuống tâm hồn chúng ta. Thánh Thần là thầy linh hướng của chúng ta.
C. Đời đan tu
Liền sau khi Giáo Hội hân hoan vì được hưởng tự do tín ngưỡng sau hai thế kỷ bị bách hại, ta thấy nảy sinh phong trào đan tu. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ III, với hình thức ẩn tu điển hình như thánh Phao-lô Tê-bai-đa (+k.347), thánh An-tôn (+356), và hình thức cộng đồng, điển hình nơi thánh Pa-cô-mi-ô (+346) và thánh Ba-xi-li-ô (+379).
Phong trào đan tu không muốn thêm thắt gì hơn vào đời sống Ki-tô hữu, song chỉ muốn duy trì nếp sống của các thánh tông đồ (vita apostolica) của cộng đoàn nguyên thủy, cũng là lời phản đối lại những dấu hiệu suy thoái đang chớm nở sau những cuộc trở lại đạo hàng loạt, thường vì xu thời. Họ cũng muốn phản đối những giáo sĩ đang dần dần trở thành quan liêu, do những đặc ân mà Đế quốc Rô-ma dành cho Giáo Hội. Vì vậy, các đan sĩ chủ trương sống khắc khổ dựa theo tinh thần Tin Mừng, diễn tả qua nếp sống khó nghèo, tiết độ, cầu nguyện. Họ muốn sống hoàn toàn cho Chúa, chú trọng cách đặc biệt về việc chiêm niệm. Ta có thể nói rằng linh đạo của nếp sống đan tu chú trọng tới việc từ bỏ thế gian ngõ hầu kết hợp với Chúa qua đời sống trầm tĩnh, cầu nguyện và khổ chế.
Trong các bản luật đan tu nổi tiếng, nên nhắc tới những bản văn đã trở thành cổ điển, vì đã hướng dẫn bao thế hệ đan sĩ trên đường trọn lành, đó là : luật của Ba-xi-li-ô, Âu-tinh, Biển Đức.
Thánh Ba-xi-li-ô muốn các đan sĩ phải nổi bật về tinh thần siêu thoát khỏi thế gian, từ bỏ ý chí riêng tư, để hiến thân phục vụ Chúa và tha nhân.
Thánh Âu-tinh, qua bản luật cũng như những tác phẩm khác dành cho các tu sĩ, đã nêu bật vai trò của yêu thương trong đời đan tu. Tu viện phải họa lại đời sống thông hiệp của cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi ở Giê-ru-sa-lem, tiên báo sự thông hiệp của các thánh trên trời. Tình thương bác ái đã động lực cho việc thực hành các nhân đức khác trong tu viện : khiêm nhường, khó nghèo, thanh tịnh, cần lao và chiêm niệm. Âu-tinh cũng khuyến khích các đan sĩ học hành, nhất là khi nào được giáo quyền kêu vào hàng giáo sĩ.
Bản luật của thánh Biển Đức gồm 73 chương, đã phác họa đan viện như là một trường đào luyện cho biết phục vụ Thiên Chúa.
Các đan sĩ, dưới sự hướng dẫn của viện phụ, nghĩa là người cha của gia đình, sẽ tập tành đức bác ái, khiêm nhường, thinh lặng, vâng phục, tất cả nhắm tới mục tiêu là đặt tình yêu Đức Ki-tô lên trên hết (Nihil amori Christi praeponere). Thời khóa biểu của đan sĩ được phân phối giữa việc cầu nguyện chung hoặc riêng với việc lao động, ăn uống ngủ nghỉ, sao cho đạt tới lý tưởng làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Nhờ sự dung hợp giữa việc cầu nguyện và lao động (Ora et labora), luật thánh Biển Đức đã tạo ra sự tổng hợp giữa đời nội tâm với hoạt động tông đồ, đào nặn ra hàng bao thế hệ những chiến sĩ rao giảng Tin Mừng, khai khẩn đất đai cũng như mở mang dân trí cho phần lớn đại lục Âu châu.
‚nh hưởng của phong trào đan tu đối với lịch sử tu Đức Ki-tô giáo rất lớn. Nên biết là lúc đầu các đan sĩ là những giáo dân. Mãi về sau, một số mới lãnh chức thánh và trở thành giáo sĩ. Nếp sống của các đan sĩ dần dần trở thành tiêu chuẩn để nên thánh. Mặt trái của huy chương ở chỗ ai không từ bỏ thế gian như các đan sĩ thì coi như hết đường nên thánh ! Trên thực tế, những giáo dân sống ngoài đời dần dần chia thành hai hạng: một hạng tạm gọi là "tầm thường", chỉ biết chuyện làm ăn, chẳng bao giờ nghĩ tới việc nên thánh. Hạng thứ hai, tạm gọi là "đạo đức", nhưng tìm con đường nên thánh dựa theo nếp sống của các đan sĩ, như đọc kinh cầu nguyện, ăn chay hãm mình. Nói cách khác, vào giai đoạn này, chưa có một linh đạo dành cho giáo dân dấn thân giữa đời.
II. Thời Trung Cổ
Lịch sử linh đạo thời Trung cổ, kéo dài từ thế kỷ VI tới cuối thế kỷ XV, được thành hình do nhiều nhân tố.
• Nhân tố văn hóa : ngoài ảnh hưởng văn hóa Hy lạp và Rô-ma cổ truyền, Ki-tô giáo tiếp nhận văn hóa của Germanic (Bắc Âu), Byzantin (Đông Phương) và ‚ rập Hồi giáo.
• Nhân tố kinh tế xã hội : Âu châu biến chuyển từ xã hội nông nghiệp sang xã hội thương nghiệp, với sự thành hình các công xã, thị xã, đại học.
• Nhân tố tâm linh : những phong trào cải cách, nhiều lần do giáo dân khởi động, muốn Giáo Hội trở về đời sống Tin Mừng tinh ròng. Sự cải tổ này diễn ra trong các đan viện lẫn trong các giai tầng khác nhau trong Giáo Hội, từ đó nảy sinh ra những linh đạo mới.
A. Cải cách đời đan tu cổ truyền
Cuộc cải cách đời sống đan tu do thánh Bê-nê-đíc-tô A-ni-a-nô (+812) khởi xướng đã đưa tới việc áp dụng luật thánh Biển Đức trong hầu hết các đan viện Âu châu, đến nỗi có thể đồng hóa đời đan tu với Dòng Biển Đức.
Sang thế kỷ X, có thể nói được là chính luật Biển Đức cũng bị biến thái do những cải tổ xuất phát từ đan viện CLUNY. Cluny đặt nặng việc cử hành phụng vụ, với những thánh lễ trọng thể, kéo dài với những giờ kinh thần vụ chính kèm theo rất nhiều nghi thức tùy khác. Nhằm nêu bật vị trí của phụng vụ trong đời tu, các nhà thờ của Cluny được xây cất theo kiến trúc huy hoàng, đó là chưa kể những áo lễ kim tuyến lóng lánh, nến đèn rực rỡ giữa hương trầm nghi ngút trong các buổi cử hành phụng vụ : nói khác đi, những lễ nghi phụng vụ phải tạo ra quang cảnh của ca đoàn thần thánh trên Thiên quốc đang hát xướng ca khen Chúa. Việc đề cao lễ nghi phụng vụ trong đời sống đan tu, tuy không phải là không đúng, nhưng đã làm mất sự quân bình mà thánh Biển Đức đã đề ra : Cầu nguyện và lao động.
Ra như để phản ứng lại, vào cuối thế kỷ XI, ta thấy nảy sinh ra những phong trào muốn quay về với những hình thức đơn giản cổ truyền. Thí dụ như : hình thức ẩn tu, ở Ca-man-đô-li bên I-ta-li-a với thánh Rô-mu-an-đô (+1027), Chartreux bên Pháp với thánh Bơ-ru-nô (+1101). Họ muốn chú trọng hơn tới sự thinh lặng, tĩnh mịch, khó nghèo, nhiệm nhặt; họ sống cô tịch, tuy vẫn duy trì một hình thức cộng đồng.
Sang thế kỷ XII, thì có phong trào cải cách bắt nguồn từ đan viện XI-TÔ. Họ muốn trở về với lý tưởng của thánh Biển Đức, nghĩa là dung hòa cầu nguyện, lao động, và cả việc truyền giáo. Dù sao thì cũng nên biết là vào thời này, đa số các đan sĩ đã lãnh chức linh mục. Vì thế, đang khi mà vào hồi khai sinh các đan sĩ là những giáo dân thuần túy, thì tới thời này, các đan sĩ trở thành giáo sĩ, với hậu quả là trong đan viện các giáo dân không còn được gọi là đan sĩ nữa mà chỉ được coi là trợ sĩ (conversi), lo việc chân tay.
Một tác giả tu đức nổi tiếng của thời này là thánh BÊ-NA-ĐÔ (1090-1153), thuộc dòng Xi-tô, sau đó trở thành viện phụ Clairvaux. Bê-na-đô đã để lại nhiều tác phẩm về tu đức. Cuộc hành trình thiêng liêng bắt đầu với việc hiểu biết mình, và đích điểm là việc chiêm ngắm Thiên Chúa qua trung gian của Ngôi Lời nhập thể, nguồn suối của mọi ơn thiêng. Khi tới thụ giáo với Đức Ki-tô, con người sẽ nhận ra sự khốn khổ của mình; từ thái độ khiêm tốn ấy, con người bắt đầu tiến trên con đường kết hợp với Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong cuộc leo dốc ấy, con người không đơn thân độc mã : chính Ba Ngôi Thiên Chúa đến giúp đỡ họ nhờ hồng ân tình yêu, để dẫn họ tiến vào sự kết hợp giao duyên giữa linh hồn với Chúa. Tuy Bê-na-đô bị thu hút bởi sự kết hiệp với Thiên Chúa, nhưng thánh nhân không bỏ qua những việc khổ chế và thực tập các nhân đức, cách riêng là sự khiêm nhường. Lời lẽ của Bê-na-đô thấm nhuần tâm tình yêu mến đối với nhân tính của Đức Giê-su, trinh nữ Ma-ri-a.
B. Những hình thức tu trì mới
Ngoài việc chấn hưng nếp sống đan tu, thời Trung cổ đã chứng kiến những hình thức tu trì mới, nhờ đó không những Hội Thánh đã có thêm những cán bộ truyền giáo mới, nhưng nhất là những đường lối mới trong cách sống Tin Mừng. Trong các hình thức ấy, ta có thể kể
1) Hình thức các Kinh Sĩ Dòng (Canonici regulares). Nói cách khác, chính là các giáo sĩ sống chung với nhau, tuân giữ một luật dòng. Xét về các tác phẩm có ảnh hưởng tới lịch sử linh đạo, ta có thể thánh Nô-béc-tô, lập dòng Pơ-rê-môn-trê (+1134), và nhóm Saint Victor tại Pa-ri vào thế kỷ XII, với những tác giả Hugues (+1141) và Richard (+1188).
2) Hình thức các Dòng hiệp sĩ. Họ dung hòa đời tu với nghề nghiệp quân nhân của họ. Dưới lý tưởng là binh sĩ của Đức Ki-tô (milites Christi), họ muốn sống lại những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Cứu thế tại sinh quán của Ngài, khi họ tháp tùng để bảo vệ và cấp dưỡng cho những tín hữu hành hương thánh địa.
3) Hình thức Dòng hành khất. Những tu sĩ Dòng này dung hòa đời sống nội tâm với đời sống tông đồ. Một đàng họ sống trong cộng đồng, được thành lập giữa thành thị, sống chứng tá khó nghèo tập thể và tình huynh đệ; đàng khác, họ không còn bị ràng buộc với lời khấn vĩnh cư, nhưng sẵn sàng lên đường thi hành những sứ mạng khác nhau, đặc biệt là việc giảng dạy và truyền giáo. Đừng kể những công tác phục vụ Giáo Hội và xã hội của các Dòng này, lịch sử ghi nhận những Dòng này đã khởi xướng những trường phái linh đạo nổi tiếng, như Dòng Đa Minh, Phan Sinh và Cát Minh.
Thánh Đa Minh (+1221), được các sử gia mô tả như một con người "nói với Chúa và nói về Chúa để sinh hoa trái cho các lin hồn" (loqui cum Deo vel de Deo in animarum fructum), muốn cho các tu sĩ dòng mình chuyên về việc tông đồ phục vụ Lời Chúa. Việc thực hành lý tưởng đó sẽ được thánh Tô-ma đúc kết trong khẩu hiệu : "Truyền thông cho tha nhân những điều mình đã chiêm niệm" (Contemplari et contemplata aliis tradere), các tu sĩ Đa Minh chuyên chú học hỏi thần học cùng với việc cầu nguyện để thi hành sứ vụ tông đồ qua giảng thuyết, dạy học, viết sách, linh hướng hoặc truyền giáo. Linh đạo của Dòng Đa Minh dựa trên những học thuyết thần học về đời sống Ki-tô hữu được thánh Tô-ma trình bày, cũng như dựa trên hình thức tu trì phản ánh qua Hiến pháp, tuy không bỏ qua những thực hành đạo đức khác, như việc tôn sùng Đức Ma-ri-a qua việc đọc kinh Mân côi.
Thánh Phan-xi-cô Át-xi-di (+1226) hoạt động giảng đạo giữa lớp bình dân, với nếp sống bình dị, khiêm tốn, khó nghèo; với lòng sốt mến đối với Đức Ki-tô chịu đóng đinh và tâm tình hiền dịu với hết mọi tạo vật. Nhờ chú trọng vào việc suy niệm Thập Giá Đức Ki-tô, những việc thống hối hãm mình mất đi tính bi thảm, và trở nên biểu chứng của sự thông hiệp với Đức Ki-tô. Linh đạo của Phan-xi-cô mang đặc tính vui tươi, hồn nhiên, kể cả lúc gặp nghịch cảnh, khi túng cực và nhất là khi đối diện với cái chết. Theo sau Phan-xi-cô là cả một phong trào gồm những tín hữu nam nữ, ngày nay quy tụ trong bốn Dòng nam và không biết bao nhiêu Dòng nữ, cũng như những giáo dân quen gọi là Dòng Ba.
C. Những phong trào đạo đức
Nói đến các Dòng Ba, ta không thể bỏ qua nguồn gốc của nó. Dòng Ba phát sinh từ những phong trào đạo đức giáo dân ở thời Trung cổ. Trong số đó, một số đã xin đi tu dưới hình thức ẩn sĩ, đan sĩ, trợ sĩ, hiệp sĩ, tu sĩ v.v... Nhưng người ta còn ghi nhận những phong trào khác, hoặc sống đời giảng thuyết lưu động, hoặc thực hành những việc thống hối tập thể. Nhiều lần họ chống đối lại các giáo sĩ và đan sĩ vì nếp sống xa hoa trái với Tin Mừng.
Tiếc rằng, những cuộc tranh luận đả kích như vậy nhiều lần đưa tới sự đố kị, và làm cho hai bên xa cách nhau hơn, với hậu quả là những phong trào cải cách không giúp cho sự canh tân Giáo Hội, nhưng đưa họ tới chỗ ly khai khỏi Giáo Hội, như trường hợp các nhóm Vaudois, Cathares. Một số khác đã tìm đến núp bóng các Dòng lớn (Đa Minh, Phan Sinh, Cát Minh) để nhờ hướng dẫn : như thế họ có thể sống lý tưởng trọn lành, bằng việc cầu nguyện, hãm mình, thực thi bác ái, mà không cần phải trở thành tu sĩ. Đó là nguồn gốc của Dòng Ba, cũng gọi là Dòng đền tội, hay Dòng hãm mình (Ordo Poenitentium). Cũng nên thêm rằng vào cuối thế kỷ XIII, bên cạnh các hội viên Dòng Ba ngoài đời, còn có những người không kết bạn, từ bỏ tài sản và sống cộng đồng, dần dần đưa tới hình thức Dòng Ba Viện tu (Tertiarii Regulares).
Sang thế kỷ XIV và XV, xuất hiện những trường phái linh đạo dựa theo lãnh thổ, nổi tiếng hơn cả là Đức và Hòa lan, quen gọi trường phái sông Rhin. Ba nhân vật tiêu biểu nhất của học phái này là Eckhart (+1327), Gio-an Tauler (+1361), và chân phước Henri Suso (+1366); cả ba thuộc Dòng Đa Minh, tác giả của những tác phẩm nổi danh. Theo họ, không thể nào đạt tới chiêm niệm (hệ tại sự chìm đắm trong Thiên Chúa) nếu không từ bỏ bản thân và dứt bỏ khỏi tạo vật và thế gian. Con người cần phải lột bỏ mình, phải khoét rỗng bản thân, thì mới mong tìm thấy nơi đáy thâm sâu của tâm hồn mình hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trường phái này mang danh là "thần bí bản thể" (mystique de l'essence), được phổ biến không những nhờ các tác phẩm nhưng còn nhờ sự giảng thuyết và linh hướng của các tác giả vừa nói; đến nỗi đã gây ra một phong trào bình dân mang tên là "các bạn hữu của Chúa" (Amis de Dieu). Từ Đức, Bỉ, tư tưởng của học phái được truyền bá qua Pháp và Tây Ban Nha khi các tác phẩm của Gio-an Ruyssbroeck (+1381), cũng là một nhân vật tiêu biểu khác, được dịch ra tiếng địa phương.
Đang khi mà những vùng Bắc Âu nghiên về thần bí bản thể (mystique de l'essence), ở I-ta-li-a, các tác giả như Ca-ta-ri-na Xi-ê-na (+1380), Ca-ta-ri-na Bô-lô-nha (+1463), Ca-ta-ri-na Giê-nô-va (+1510) thiên về thần bí kết duyên (mystique nuptiale), chịu ảnh hưởng của thánh Bê-na-đô.
Giai đoạn chót của thời Trung cổ được đánh dấu với khuynh hướng gọi là Devotio moderna (Lòng Sùng kính Tân Thời), khởi đầu từ Hà lan vào cuối thế kỷ XIV, sau đó lan tràn qua Pháp, @, Tây Ban Nha. Những đặc trưng của linh đạo này tóm lại như sau: bắt chước lối sống và tâm tình của Đức Ki-tô đối với Chúa Cha và đối với nhân loại; suy niệm cá nhân; thi hành những việc đạo đức một cách đều đặn; xét mình hằng ngày; thường xuyên đọc Tin Mừng và các giáo phụ. Cách riêng, ra như để phản ứng lại trường phái sông Rhin, các tác giả này bài bác việc suy luận trừu trượng; họ nghiêng về những việc hãm mình khổ chế hơn là khía cạnh kết hợp; nhấn mạnh đến sự cố gắng của ý chí trong việc thực hành nhân đức. Hai nhân vật tiêu biểu của học phái này là : Thomas Kempis (+1471) và Jean Gerson (+1429). Tác phẩm phổ thông và đặc trưng của linh đạo này là cuốn "De imitatione Christi", ở Việt Nam quen gọi sách Gương Phúc.
III. Thời Cận kim
Thế kỷ XV và XVI tại Âu châu được dánh dấu bằng phong trào phục hưng và nhân bản. Gọi là "Phục hưng" theo nghĩa là phục hồi văn chương cổ điển Hy lạp - La tinh tiền Ki-tô giáo; gọi là "nhân bản" theo nghĩa là chú trọng đến con người, tới những giá trị vật chất trần thế. Tâm thức ấy dần dần gây ra sự đối chọi hay tách rời đạo với đời, đức tin và lý trí, thần học với khoa học. Tuy nhiên, bên cạnh những dấu hiệu của sự tục hóa đó, không thiếu tác giả đã biết ghi nhận những yêu sách chính đáng của thời đại, và cố gắng đáp ứng lại.
• Phong trào Phục hưng văn chương áp dụng vào đời sống Giáo Hội mang nhiều hậu quả khác nhau. Về văn chương, nó cổ võ khảo sát Kinh Thánh từ nguyên bản Do thái hay Hy lạp, thay vì dựa vào bản latinh Vun-ga-ta. Về đời sống đạo, có nghĩa là trở về nguồn, tìm về lối sống sát với Tin Mừng, xét lại những lối sống đạo bình dân ủy mị tình cảm hay rước sách phô trương.
• Phong trào nhân bản áp dụng vào đời sống đạo có nghĩa là sống đạo với tính cách cá nhân hơn, chú trọng đến tinh thần nội tâm hơn. Từ bối cảnh đó ta có thể hiểu được sự phát sinh của phong trào cải cách Lu-te. Về phía Giáo Hội Công giáo, hai thế kỷ XV và XVI cũng mang tính cách canh tân cải cách.
Những phong trào ấy đã để lại những dấu vết trên những trường phái linh đạo của thời đại. Đừng kể những chương trình cải cách xảy ra ở các Dòng tu cổ điển (Biển Đức, Xi-tô, Đa Minh, Phan Sinh, Âu-tinh, Cát Minh), ta thấy có những hình thức tu trì mới xuất hiện, tỉ như các giáo sĩ kỷ luật (Clerici regulares), điển hình nơi Dòng Tên do thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la sáng lập (1491-1556). Chúng ta sẽ dừng lại cách riêng nơi linh đạo I-nha-xi-ô và linh đạo Cát Minh, cả hai đều xuất phát từ Tây Ban Nha vào thế kỷ XVI, nhưng một bên thiên về hoạt động còn một bên thiên về thần bí.
A. Linh đạo I-nha-xi-ô
Các giáo sĩ kỷ luật gồm những giáo sĩ muốn theo đuổi đường trọn lành qua đời sống tu trì. Lý tưởng đó đã có từ các kinh sĩ Dòng từ thời Trung cổ. Nhưng trong khi mà các kinh sĩ nhấn mạnh tới kỷ luật, đời sống đan tu, thì các giáo sĩ kỷ luật nhấn mạnh tới công tác tông đồ như đường lối nên thánh. Vì thế không lạ gì mà họ đã giản lược nếu không nói là bãi bỏ những khuôn khổ của đời sống đan tu, điển hình là việc nguyện kinh Nhật tụng long trọng. Kinh thần vụ từ nay sẽ được đọc riêng. Họ chú ý đặc biệt tới sự suy gẫm cầu nguyện tư, được thực hành theo một phương pháp đã vạch ra, để ý phân tích và tìm hiểu nội tâm. Tuy rằng I-nha-xi-ô chỉ buộc suy gẫm mỗi ngày nửa giờ, nhưng Ngài đòi hỏi kéo dài sự cầu nguyện liên tục qua việc tìm Chúa trong hết mọi việc, lợi dụng tất cả mọi việc để hướng lên với Chúa. Khẩu hiệu của linh đạo I-nha-xi-ô là "contemplativus in actione" (trở thành người chiêm niệm trong hoạt động), dung hòa khổ chế, cầu nguyện và hoạt động tông đồ, tất cả nhằm tới vinh quang Thiên Chúa.
Tiếc rằng về sau, sự quân bình ấy nhiều lần bị mất, khi khía cạnh hoạt động tông đồ được đề cao hơn sự cầu nguyện; hoặc khi những phương pháp cầu nguyện được phân tích tỉ mỉ hướng tới những dốc quyết hành động, và đặt sự kết hợp với Chúa xuống hàng thứ yếu. Linh đạo của I-nha-xi-ô ảnh hưởng tới rất nhiều Dòng tu và phong trào tông đồ cận đại, cách riêng qua những phương pháp tĩnh tâm và cầu nguyện dựa trên sách Linh thao.
B. Linh đạo Cát Minh
Tuy Dòng Cát Minh đã xuất hiện từ thời Trung cổ, nhưng tới thời cận đại mới được nổi tiếng trong lịch sử linh đạo nhờ hai thánh Tê-rê-xa A-vi-la (1515-1582) và Gio-an Thánh Giá (1542-1591).
Thánh Tê-rê-xa cải tổ dòng nữ Cát Minh. Trong các đan viện này, Tê-rê-xa mong muốn cho các nữ tu vun trồng đức bác ái, sự hiểu biết mình, khiêm nhường, đền tội, hỗ trợ thiêng liêng cho các nhà truyền giáo. Tê-rê-xa cũng để lại cho các nữ tu những tác phẩm về đời cầu nguyện : tâm nguyện không hệ tại suy luận nhiều cho bằng yêu mến nhiều; chính khi thực tập yêu mến dưới sự dìu dắt của Chúa Thánh Thần mà con người đạt tới tình trạng chiêm niệm. Còn thánh Gio-an Thánh Giá thì mô tả những trạng thái thanh luyện mà linh hồn phải trải qua trên con đường tiến tới sự kết hợp thần bí với Chúa. Trong cuốn "Đường lên núi Carmel", thánh nhân nói tới sự thanh luyện về giác quan và các cơ năng của linh hồn (trí tuệ, ký ức, ý chí) do con người chủ động, qua việc dứt bỏ khỏi tạo vật và từ bỏ bản thân. Trong cuốn "Đêm tối tăm", thánh nhân bàn tới cũng sự thanh luyện cũng những cơ năng ấy, nhưng lần này do chính Chúa chủ động. Sau cùng, trong hai quyển "Bài ca thiêng liêng" và "Ngọn lửa tình yêu", thánh Gio-an nêu bật tác động của Thánh Thần trong linh hồn qua những cảm nghiệm thần bí.
Tóm lại, lý tưởng trọn lành theo linh đạo của hai vị thánh dòng Cát Minh hệ tại sự kết hợp âu yếm với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô và Thánh Thần, qua việc thực hành các nhân đức tin cậy mến. Để đạt tới mức độ thân tình ấy con người phải biết dứt bỏ khỏi quyến luyến bản thân và tạo vật, nhờ sự cầu nguyện, và việc tông đồ, noi theo gương của Đức Ki-tô và Mẹ Ma-ri-a.
C. Các trường phái bên Pháp thế kỷ XVII
Dù có chịu ảnh hưởng của I-nha-xi-ô hay Tê-rê-xa hay không, một sự kiện không thể chối cãi được là từ thế kỷ XVI trở đi, các sách tu đức dành rất nhiều chỗ cho việc suy gẫm, chú trọng đến phương pháp, phân tích các chặng đường nội tâm. Tuy nhiên, tu đức học cận đại nhấn mạnh tới việc suy gẫm cũng như các việc đạo đức (viếng Mình Thánh, các việc sùng kính Thánh Tâm, Đức Mẹ, các Thánh), còn phụng vụ thì bị lơ là, với hậu quả đáng tiếc là lòng đạo đức nhiều lần dựa trên tình cảm và thiếu căn bản đạo lý.
Sang thế kỷ XVII, tuy không thiếu những tác giả tu đức đây đó, cách riêng là tại I-ta-li-a, nhưng nổi bật hơn cả là trường phái bên Pháp do thánh Phan-xi-cô đờ Xan (1567-1622) đứng đầu. Công trạng chính của thánh nhân ở chỗ Ngài đã nhắc nhở rằng tất cả mọi người đều có thể nên thánh. Việc nên thánh không phải là một đặc ân dành riêng cho các linh mục tu sĩ, nhưng là bổn phận của tất cả các tín hữu. Việc nên thánh không hệ tại sự suy gẫm ngất trí, nhưng qua việc thực hành bác ái. Đức ái ấy được nuôi dưỡng nhờ cầu nguyện, lãnh nhận bí tích và thực hành các nhân đức. Thánh Phan-xi-cô chấp nhận con người cụ thể, tuy không thiếu khuyết điểm và tật xấu, nhưng đồng thời cũng đầy tràn đức tính, vì nó đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Con người tuy được nặn lên từ bùn đất nhưng có khả năng vươn lên tới Thiên Chúa, nhờ tình yêu được Thánh Thần trao ban cho ta. Chính khi đạt tới cứu cánh đó mà con người trở nên hoàn thiện.
Đang khi thánh Phan-xi-cô đờ Xan làm thức tỉnh các giáo dân về sự cần trau dồi đời sống nội tâm, thì học phái của Pháp vào thế kỷ XVII ghi nhận rất nhiều tác giả khác cổ động đời sống thánh thiện của các linh mục hay tu sĩ, tỉ như Phê-rô de Bérulle (+1629), Jean Olier (+1657) sáng lập hội Xuân Bích, th. Gio-an Ơ-đơ (+1680), và thánh Vinh Sơn Phao-lô (+1660).
Tuy nhiên ta cũng không nên bỏ qua hai lạc thuyết tu đức tương phản nhau tại Pháp vào thời này. Thứ nhất, phái Jansénisme, bắt nguồn từ tác phẩm của giám mục Jansen (+1638), chủ trương nền đạo đức khắc khổ, nhiệm nhặt, tương ứng với quan niệm bi quan về bản tính con người. Thứ hai, phái yên tĩnh (Quiétisme), bắt nguồn từ Miguel Molinos (+1696) bên Tây Ban Nha và bành trướng bên Pháp nhờ Madame Guyon (+1717) và đức cha Fénelon (+1715) : họ đề cao vai trò của ơn thánh và sự phó thác nơi Chúa đến nỗi coi thường các việc đạo đức hay khổ chế. Cả hai lạc thuyết bị Tòa Thánh kết án. Có lẽ do việc kết án ấy mà nhiều người không muốn bàn đến những thuyết cao siêu về thần bí gì nữa.
Cách riêng các giáo dân tìm con đường nào an toàn nhất để được rỗi linh hồn là đủ : tức là giữ các giới răn của Chúa, lãnh các bí tích, thực hành việc đạo đức kính Mình Thánh Chúa, Thánh Tâm, Đức Mẹ và các thánh.
D. Thế kỷ XIX và XX
Trong những thế kỷ gần đây, tuy không thiếu những vị đại thánh, nhưng không còn thấy xuất hiện những tác giả nổi tiếng khả dĩ tạo ra một trường phái mới. Từ thế kỷ XVIII, ta thấy xuất hiện rất nhiều Dòng tu nam nữ, chuyên lo các công cuộc tông đồ bác ái, từ việc săn sóc các người nghèo, người bệnh, cho tới việc dạy học truyền giáo. Họ cố gắng nên thánh qua các công tác tông đồ phục vụ tha nhân, tuy rằng phần dành cho việc đọc kinh cầu nguyện vẫn không thiếu. Nhiều vị lập dòng đã được tôn phong hiển thánh. Thư từ, bút tích, lề luật của các vị viết, trở thành những linh đạo hướng dẫn các thành viên trong đường tu đức cũng như trong hoạt động tông đồ.
Sang thế kỷ XX, chúng ta nên ghi nhận những dấu hiệu chuẩn bị cho công cuộc canh tân của Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Phong trào phụng vụ và Kinh Thánh muốn cho lòng đạo đức trở về với nguồn mạch của nó, tức là Lời Chúa và các bí tích, cũng như chiều kích cộng đồng Giáo Hội. @ thức về những giá trị trần thế dần dần phát triển một nền thần học về giáo dân cũng như về lao công. Sự khảo cứu lịch sử cho thấy sự đa diện của đường lối nên thánh. Tu đức học được trình bày cách có hệ thống mạch lạc, với ý thức về tính cách đa dạng của các trường phái.
Tuy nhiên, bên cạnh những trường phái cổ điển dựa theo các Dòng tu lớn, người ta cũng thấy xuất hiện những đường hướng mới, tỉ như từ linh đạo "đường thơ ấu" chịu ảnh hưởng của thánh Tê-rê-xa Hài đồng Giê-su (+1897), hoặc "mầu nhiệm Na-da-rét" của cha Charles de Foulcauld (+1916).
IV. Những chiều hướng tu-đức-học hiện đại
Sau khi đã điểm qua những linh đạo nổi bật trong lịch sử Giáo Hội trải qua các thời giáo phụ, trung cổ, cận kim, chúng ta bước sang những chiều hướng tu đức học hiện đại, bắt đầu với Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Thực ra vấn đề không đơn giản : lý do vì một đàng khó mà viết lịch sử với sự phê phán khách quan về những sự kiện còn đang diễn biến; đàng khác, môi trường hiện tại quá mênh mông. Trong quá khứ, lịch sử tu đức học thường chỉ giới hạn vào miền Âu châu, nhưng ngày nay tu đức học Ki-tô giáo cần phải mở rộng ra không những tới các lục địa khác, thậm chí tới các Giáo Hội ly khai nữa. Trong bài này, chúng tôi chỉ phác họa những nét chính, dựa trên các tác giả sống tại Âu châu.
Vào những thập niên 50-60, người ta nhận thấy có nhu cầu cần phải trình bày một linh đạo mới, thích hợp với thời đại khoa học kỹ thuật của thế kỷ XX, chứ không thể chỉ dựa trên các tác giả thuộc thời đại trước. Họ chỉ trích các đường lối tu đức cổ điển là cá nhân, tình cảm, xuất thế.
• Cá nhân, vì chỉ lo sự đạo đức, phần rỗi cá nhân mình.
• Tình cảm, vì chú trọng đến các việc đạo đức, cách thức nguyện gẫm, thiếu nền tảng đạo lý.
• Xuất thế, vì để ý đến hạnh phúc đời sau ở trên trời, chứ không màng tới công tác xây dựng đời này.
Công Đồng Va-ti-ca-nô II không có một văn kiện nào mang tựa đề là tu-đức-học cả. Tuy nhiên những văn kiện của công đồng đã cung cấp chất liệu cho sự canh tân tu đức học. Như đã nói, Công Đồng đã được chuẩn bị với những phong trào canh tân khởi sự từ đầu thế kỷ XX.
Phong trào phụng vụ, đã muốn đặt phụng vụ - đặc biệt là bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt qua - làm nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô hữu. Để được như vậy, cần cổ võ sự tham dự tích cực của các tín hữu vào phụng vụ nhờ việc cử hành bằng ngôn ngữ và dấu hiệu mà họ hiểu được.
Phong trào Kinh Thánh không những chỉ cổ võ việc học hỏi Sách thánh cách khoa học, nhưng còn muốn cho thần học và đời sống đức tin được nuôi dưỡng thường xuyên hơn từ sự tiếp xúc trực tiếp với Lời Chúa. Việc học hỏi Kinh Thánh và cử hành phụng vụ cũng làm nêu bật chiều kích lịch sử cứu độ với Đức Ki-tô làm trung tâm.
Sự canh tân Giáo Hội học đã giúp vượt lên hình ảnh pháp-chế phẩm-trật mà các sách thần học hộ giáo đã đặt nặng trước đây. Ngoài bộ mặt phẩm trật hữu hình, Hội Thánh tiên vàn là cộng đồng của các tín hữu hợp nhau trong đức tin cậy mến, họp nên một gia đình thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa.
Đặc biệt, Hiến chế về Hội Thánh đã nhấn mạnh đến sự bình đẳng về phẩm tính của tất cả các Ki-tô hữu trước khi có sự phân biệt vì chức phận, và nhất là đã nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh. Tất cả mọi người đều được gọi nên thánh, ở trong địa vị và chức phận của mình. Cách riêng các giáo dân có thể nên thánh qua việc xử dụng các thực tại trần thế, chứ không phải chỉ bằng cách bỏ thế gian đi tu. Các giáo dân được mời sống ơn gọi Ki-tô, như men trong bột, giữa gia đình, nghề nghiệp, cũng như giữa sự giàu sang hay cơ cực, vui mừng hay khổ đau.
Thêm vào đó, Hiến chế về Hội Thánh và Hiến chế về Hội Thánh trong thế giới hiện đại, cũng nói tới mối giây liên kết giữa mỗi người với cộng đồng. Nói khác đi, việc nên thánh diễn ra trong lòng cộng đồng Hội Thánh và nhân loại : chính trong mối tương quan với tha nhân và cộng đồng mà ta có dịp thực thi đức bác ái, cốt yếu của việc nên thánh; và ngược lại việc nên thánh sớm muộn gì cũng có tác dụng xây dựng tinh thần cho cộng đồng.
Cũng như những văn kiện của Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã thành hình từ những phong trào sống đạo trước đó thế nào, thì một cách tương tự, những năm sau Công Đồng, những tư tưởng tu đức học không phải chỉ là con đẻ của các thần học gia nhưng thường là những suy tư đi từ kinh nghiệm sống của Giáo Hội. Ta hãy ghi nhận ba hiện tượng chính : vai trò Thánh Linh; giá trị trần thế; chiều kích nhân bản.
1) Vai trò của Thánh Thần trong đời sống Kitô hữu
Tuy rằng trong quá khứ Thánh Thần được nhắc tới khi bàn tới bảy hồng ân của Ngài, nhưng nói chung, Ngài thường bị lãng quên. Nhờ sự đối thoại thần học với các Giáo Hội Đông phương, cũng như nhờ phong trào Thánh Linh mà gần đây người ta nhấn mạnh hơn tới tác động của Thánh Thần trong đời sống tín hữu và trong đời sống Hội Thánh.
Trong đời sống đạo của mỗi tín hữu, Thánh Thần là thày dạy chúng ta về đường trọn lành, thúc đẩy chúng ta muốn tiến lên trên đức ái, thúc giục ta ham mộ cầu nguyện cũng như thực hành bác ái phục vụ tha nhân và cộng đồng. Nói khác đi, sống đời thiêng liêng, sống đời nội tâm, sống theo linh đạo đồng nghĩa với sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Nói tới vai trò của Thánh Thần trong đời sống Hội Thánh có nghĩa là nói tới các đặc sủng. Ngài không những thôi thúc các tín hữu nên thánh, nhưng Ngài còn hướng dẫn họ theo những con đường khác nhau. Chính Ngài đã thổi lên những phong trào đạo đức trong Giáo Hội. Thực vậy, tuy bề ngoài xem ra thời đại này càng ngày càng duy vật, nhưng mặt khác, người ta cũng nhận thấy những hiện tượng ngược lại, cho thấy con người vẫn còn khao khát những giá trị tinh thần, tựa như đi tìm cảm nghiệm thần linh; nhưng tiếc rằng có lẽ vì thiếu người hướng dẫn nên họ đã ngả theo các giáo phái cuồng tín.
2) Sự chú ý đến các giá trị trần thế
Trong quá khứ, văn chương tu đức học, dưới ảnh hưởng của các đan sĩ, đã nhấn mạnh tới sự trốn tránh thế gian (fuga mundi) để lo phần rỗi linh hồn : ra như phần rỗi chỉ dành cho linh hồn không mà thôi. Do ảnh hưởng của Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, tu đức học ngày nay cố gắng trình bày đường lối nên thánh trong điều kiện lịch sử của con người. Con người không phải chỉ có linh hồn, nhưng còn có thể xác nữa, nghĩa là có cảm giác, tâm tình cũng như có cơ thể cần được luyện tập bằng thể dục và chăm sóc sức khỏe, tuy cũng có lúc đau ốm bệnh tật. Con người sống trong một khung cảnh lịch sử và địa lý, với nhà cửa, thiên nhiên với những điều kiện khí hậu mưa nắng, bão lụt, môi sinh ô nhiễm. Sau cùng con người sống trong xã hội với những tương giao khác nhau, từ tình yêu phái tính cho tới nghề nghiệp, chính trị. Cần phải bàn tới điều kiện nên thánh giữa những chiều kích ấy, chứ không phải chỉ trong đồng vắng hay giữa bốn bức tường tu viện. Làm sao cầu nguyện ngay giữa cảnh đô hội huyên náo ? Làm sao biến cả cuộc đời thành một bản ca cầu nguyện ?
Nên ghi nhận rằng, đừng kể các thần học gia chuyên nghiệp đã viết những tác phẩm tựa đề "thần học lao động" (như cha Chenu, từ năm 1941), ta thấy lý tưởng sống thánh giữa đời đã trở nên linh đạo cho những tu hội đời cũng như những phong trào Thanh Lao Công, và nhiều hội đoàn khác. Dĩ nhiên, cũng trong những chiều hướng này mà các giáo dân tìm thấy đường nên thánh của mình.
3) Lưu ý tới con người
Người ta nói rằng thần học sau Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã làm một khúc quặt nhân bản : nghĩa là nói tới con người nhiều hơn là nói về Thiên Chúa. Thực ra, như ta đã biết Thiên Chúa không phải là đối thủ của con người, xét vì Ngài đã dựng nên ta vì thương yêu ta và mong muốn cho ta được hạnh phúc đời đời; hạnh phúc ấy hệ tại chia sẻ chính hạnh phúc nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tuy nhiên, có nhiều cách thức khác nhau để diễn tả cũng một thực tại. Khúc quặt nhân bản cần được hiểu theo nghĩa đó. Một cách cụ thể, trong phạm vi tu-đức học, chiều kích nhân bản có thể được hiểu nhiều cách khác nhau.
Thứ nhất, về sự thánh thiện. Nhiều người hình dung thánh nhân như một bậc siêu phàm, xuất chúng, đầu óc luôn tưởng nghĩ tới những sự trên trời chứ không màng chi tới những chuyện thế sự nữa. Không hiểu quan niệm như vậy có trung thực với thánh nhân Ki-tô giáo hay chỉ là một hí họa! Nhưng ngày nay, người ta muốn trình bày chân dung thánh nhân cách khác. Thánh nhân là con người sống cái tính "người" hơn ai hết, nghĩa là con người trưởng thành, quân bình, vị tha, không bị ám ảnh đóng khung trong cái tôi của mình nhưng mở rộng lòng để phục vụ những người khác, mong cho họ cũng sống cho trọn cái tính người hơn.
Từ đó, ta có thể nhận thấy đặc điểm thứ hai của chiều kích nhân bản của tu đức học, đó là sự chú ý tới những người nghèo, xét vì phẩm giá của họ còn bị đè bẹp bởi đói kém, dốt nát, bóc lột. Thần học giải phóng ở Mỹ Châu La Tinh cũng tạo ra một linh đạo cho họ, theo khuôn mẫu của Đức Ki-tô, một con người sống cho người khác, giúp cho họ ý thức hơn về giá trị của con người.
Tạm kết
Sau khi tìm hiểu về các linh đạo Ki-tô giáo theo giòng lịch sử, ta có thể nhận thấy rằng tuy rằng Tin Mừng chỉ có một, nhưng những lối sống Tin Mừng thì có rất nhiều. Linh đạo Ki-tô giáo không những tiến triển theo chiều sâu, và còn phát triển theo chiều rộng nữa. Và không ai có thể nói trước được nó sẽ tiến ra sao trong tương lai, nhờ sự tiếp xúc với các văn hóa và tôn giáo khác nhau ở năm châu. Toàn thể cộng đồng Hội Thánh cũng như từng người tín hữu cần biết nhạy cảm để nhận biết dấu chỉ thời đại, những tiếng nói của Thánh Thần mời gọi chúng ta tiến xa hơn trên đường trọn lành. Mặt khác, tuy giữa tính chất đa diện của các linh đạo, ta vẫn nhận thấy một vài hằng tố chung.
- Xét về nền tảng : nó bắt nguồn từ kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi kêu gọi ta chia sẻ hạnh phúc với Ngài.
- Xét về nguồn mạch và khuôn mẫu : Đức Ki-tô, Thiên Chúa làm người, nhờ sự Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh, đã đưa con người về với Thiên Chúa. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập với Đức Ki-tô, để có thể sống nhờ / với / và trong Ngài.
- Chủ động chính : Chúa Thánh Thần.
- Trọng tâm : tình yêu liên kết ta với Chúa và với tha nhân là hình ảnh của Chúa.
- Hành trình : thực hành các nhân đức.
- Trường học : Hội Thánh, nơi mà chúng ta được tái sinh và tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng.
- Môi trường : trần thế này, nơi sinh sống và hoạt động.
Giữa những mẫu số chung ấy, Thánh Thần Chúa mở cho ta những nẻo đường khác nhau. Sự hủy bỏ tính đa dạng của linh đạo không những làm cho Giáo Hội nghèo đi, mà còn nghịch lại với Thánh Thần nữa. Do đó, sẽ là điều sai lầm nếu trước đây, các giáo dân cảm thấy mình chỉ có thể nên thánh bằng cách bỏ đời đi tu; thì ngày nay cũng sẽ sai lầm không kém nếu một chị dòng kín Cát Minh muốn lăn xả vào đời để chia sẻ kiếp lao động xí nghiệp với các công nhân.