CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC ĐẠI KẾT
Phát hành ngày 18/01/ 2014,
– Bắt đầu tuần lễ cầu nguyện cho Đại kết;
– Trung tâm Học vấn Đa Minh mừng Lễ thánh Bổn mạng Tôma Aquinô và trao bằng Cử nhân Thần học.
– Bắt đầu tuần lễ cầu nguyện cho Đại kết;
– Trung tâm Học vấn Đa Minh mừng Lễ thánh Bổn mạng Tôma Aquinô và trao bằng Cử nhân Thần học.
LỜI GIỚI THIỆU
Cách đây 2 năm, chúng ta đã mừng kỷ niệm 50 năm khai mạc công đồng Vaticanô II. Sau những bước dò dẫm của giai đoạn I (11/10-8/12/1962), giai đoạn II (29/9-4/12/1963) đã đem về vài thành quả cụ thể với việc ban hành Hiến chế về phụng vụ và Sắc lệnh về truyền thông xã hội. Giai đoạn III (14/9-21/11/1964) kết thúc với việc ban hành Hiến chế về Hội thánh, Sắc lệnh về các Giáo hội Đông phương, Sắc lệnh về đại kết. Đó là chưa kể thông điệp Ecclesiam suam của đức Phaolô VI về đối thoại (6/8/1964).
Lời giới thiệu PDF |
Tại Việt Nam, hoạt động đại kết không được quan tâm lắm. Uỷ ban đại kết chưa được thiết lập tại Hội đồng Giám mục và các giáo phận! Các chủng viện và học viện không có môn “thần học đại kết” tuy là một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo linh mục tại các chủng viện (x. Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis 1985, số 80)[1]. Chương trình học của Trung tâm Học vấn Đa Minh cũng không có môn này (mặc dù đã được dự kiến trong Chương trình học vấn của dòng, số 22).
Số báo này muốn cung cấp vài dữ liệu cho việc “đào tạo đại kết” tại Việt Nam, nơi mà ngoài Giáo hội Công giáo, còn có sự hiện diện của 30 tông phái Tin lành. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận hai điều : 1/ Không ai biết đích xác có bao nhiêu tông phái Tin lành trên thế giới (có người ước tính tới 20.000). 2/ Không phải tất cả các tông phái Tin lành đều tha thiết với sự hợp nhất các Kitô hữu, thậm chí có những phái còn chống đối phong trào đại kết nữa. Mặc dù vậy, Giáo hội Công giáo vẫn được thúc đẩy tiến tới sự hợp nhất giữa các môn đệ của Đức Kitô “ngõ hầu thế gian tin...” (Ga 17,21). Sự chia rẽ giữa các giáo hội Kitô là một phản chứng cho việc loan báo Tin Mừng.
Nội dung số này gồm ba phần: lịch sử, địa lý, không gian đại kết.
Phần thứ nhất mang tính “lịch sử”, với hai bài:
– Lịch sử những cuộc phân ly và hợp nhất: nhìn lại nguồn gốc những cuộc phân ly trong Hội thánh cũng như những nỗ lực hàn gắn qua phong trào đại kết thế kỷ XX.
– Giáo hội Công giáo với việc đại kết: so sánh thái độ của Giáo hội Công giáo trước và sau Vaticanô II đối với công cuộc đại kết. “Thần học đại kết” được bàn trong bối cảnh ấy (mục tiêu của công cuộc đại kết là gì? Các Kitô hữu tham gia hoạt động đại kết bằng cách nào? Mô hình hợp nhất các Kitô hữu sẽ như thế nào?)
Phần thứ hai được đặt tên là “địa lý đại kết”, tìm hiểu căn cước của các giáo hội và giáo đoàn ở ngoài Giáo hội Công giáo, gồm hai bài:
– Các Giáo hội Đông phương, với những khuôn mặt đa dạng.
– Đối với các Giáo hội Cải cách, với hàng ngàn tông phái, chúng ta chỉ có thể cố gắng phân tích những “đợt” tiến triển: theo các sử gia, từ thế kỷ XVI (bắt đầu cuộc Cải cách của Luther) đến nay, đã có bốn đợt chia rẽ trong lòng nội bộ! Bài này kết thúc với việc giới thiệu sơ lược các tông phái Tin lành Việt Nam, hầu hết xếp vào các đợt thứ ba và thứ bốn trong lịch sử cuộc Cải cách. Nên lưu ý tựa đề “Cải cách” (chứ không phải Tin lành) vì lý do sẽ giải thích dưới đây.
Phần thứ ba gọi là “không gian đại kết”, lấy từ hình ảnh một chuyến du hành trên phi cơ do hồng y Kurt Koch (chủ tịch Hội đồng Toà thánh cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu) sử dụng để điểm qua Tình hình đại kết hiện nay (2012) giữa Giáo hội Công giáo với Giáo hội khác.
Số báo kết thúc với bài viết của cha Giuse Nguyễn Văn Am, SDB Vài nét đặc trưng nơi diện mạo Đức Kitô theo Vatican II. Chính Đức Kitô mới là đích điểm của tất cả các hoạt động của Hội thánh. Chính Đức Kitô mới là “Ánh sáng muôn dân” (Lumen gentium). Nói cho cùng, hoạt động đại kết chỉ có thể thực hiện khi chúng ta “trở lại” với Đức Kitô.
Hy vọng rằng số báo sẽ cung cấp một ít dữ liệu cho lớp “thần học về đại kết”[2], cũng như giúp độc giả có một ý niệm về các tông phái “Tin lành” (một mẫu số với rất nhiều tổ chức khác nhau về đạo lý, phụng tự, cơ cấu).
Ngoài ra, nhờ việc truy tầm lịch sử, chúng ta sẽ nhận thấy rằng trong lãnh vực này, việc sử dụng từ ngữ còn khá nhiều điểm bất cập. Chỉ cần trưng ra một thí dụ thì đủ rõ: cùng một thuật ngữ (tiếng Việt) “Tin lành” được dùng để dịch ba ý tưởng khác biệt “evangelical, reformed, protestant”! Chúng ta cũng hãy khiêm tốn thú nhận rằng dịch “catholic” là “công giáo” thì cũng chưa chính xác! Vì thế chúng tôi thấy cần phải mở đầu với những nhận xét về từ ngữ.
TTHVĐM
TRONG SỐ NÀY_________
- LỜI GIỚI THIỆU
- DẪN NHẬP CÁC TỪ NGỮ [Phan Tấn Thành]
- LỊCH SỬ NHỮNG CUỘC PHÂN LY VÀ HỢP NHẤT [Bình Hoà]
- GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỚI VIỆC ĐẠI KẾT [Tấn Anh]
- CÁC GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG [Bình Hoà]
- CÁC GIÁO HỘI CẢI CÁCH [Phan Tấn Thành]
- TÌNH HÌNH ĐẠI KẾT HIỆN NAY [Hồng y Kurt Koch]
- VÀI NÉT ĐẶC TRƯNG NƠI DIỆN MẠO ĐỨC KITÔ THEO VATICANÔ II [Giuse Nguyễn Văn Am]
--------
[1] Pontifical Council for Promoting Christian Unity, The ecumenical dimension in the formation of those engaged in pastoral work (1998), n. 8.
[2] Có người phân biệt (x. văn kiện kể trên số 9): “thần học về đại kết” (theology of ecumenism) bàn về lịch sử và thần học của việc đại kết - và “thần học đại kết” (ecumenical theology) nghiên cứu thần học dưới lăng kính đại kết, trình bày những lối nhìn khác nhau về các vấn đề tín lý hoặc luân lý. Một thí dụ thần học đại kết có thể thấy nơi Peter Eicher (ed), Nouveau Dictionnaire de Théologie, Cerf Paris 1988: những mục từ chính được trình bày theo quan điểm của Công giáo và của Cải cách.