Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

CỘNG ĐOÀN TAIZÉ, NƠI GẶP GỠ CỦA GIỚI TRẺ

Thời sự Thần học – số 32, tháng 6/2003, tr. 142-154

Buổi cầu nguyện chung tại Nhà thờ Hoà giải, Taizé
Gần 100.000 thanh niên nam nữ thuộc các Giáo hội Công giáo, Thệ Phản và Chính Thống – trong đó có nhiều bạn trẻ đến từ các nước Đông Âu –quy tụ tại Paris từ ngày 28.12.2002 đến ngày đầu năm 2003 nhân cuộc gặp mặt truyền thống do Cộng đoàn Đại kết Taizé tổ chức. Mỗi ngày hai lần, vào giữa trưa và chiều tối, tất cả mọi người cùng cầu nguyện chung tại cửa ô Versailles. Buổi chiều, các giao lộ trở thành nơi hội thảo của những người có nhu cầu trao đổi về đức tin và việc dấn thân trong đời sống. Do đâu cộng đoàn Taizé có sức hấp dẫn lớn như vậy đối với giới trẻ ? Đó là câu hỏi đang được các nhà xã hội học quan tâm…

Gia Minh
(Theo Actualité des Religions, 12/2002)

Trên những ngọn đồi ở Taizé, thánh đường Hoà Giải chìm đắm trong ánh sáng mờ ảo và hơi nóng. Đó là giờ nguyện kinh chung buổi chiều, giờ cầu nguyện lần thứ ba và cũng là giờ kinh quan trọng nhất trong ngày. Các sư huynh cất cao tiếng hát với một chất giọng đầy trầm lắng, sau đó những người tham dự ngồi bệt trên mặt đất tiếp lời : “Lạy Đức Giê-su Ki-tô, Ngài là ánh sáng nội tâm, xin đừng để bóng đêm quyến rũ con. Lạy Đức Giê-su Ki-tô, Ngài là ánh sáng nội tâm, xin cho con biết đón nhận tình yêu của Ngài.” Những bài hát khác hoạ theo bằng tiếng Nga, tiếng La Tinh, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Anh,… tất cả đều lấy cảm hứng từ những truyền thống Ki-tô giáo khác nhau. Bài Tin mừng tiếp theo sau một khoảng thời gian thinh lặng dài. Giờ kinh kết thúc, các sư huynh tản ra trong thánh đường để sẵn sàng giúp đỡ những ai muốn lắng nghe Lời Chúa.

Andreas, một bạn trẻ 20 tuổi đến từ nước Đức cho biết : “Ở đây, tất cả mọi người đều chú tâm cầu nguyện. Tương quan với Thiên Chúa thật quá dễ dàng”. Andreas đến sống ở Taizé năm tuần lễ để suy nghĩ nên chọn con đường nào cho tương lai của mình. “Đây là một nơi rất tốt để suy nghĩ, tìm kiếm xem làm thế nào để sống tốt hơn”, Andreas giải thích như vậy trong khi anh đang sẵn sàng làm “nghĩa vụ dân sự” với tư cách là tình nguyện viên ở Taizé trong vòng một năm. Giống như Andreas, Boniface đến sống ở Taizé lần thứ hai. Lần trước anh cùng nhóm bạn trẻ Ouganda đến đây vào mùa hè năm 2001. Mặc dù đã có tấm bằng kinh tế trong túi nhưng Boniface muốn tìm kiếm “cuộc sống thanh bần ở Taizé, việc cầu nguyện và gặp gỡ những bạn trẻ khác” vì anh không chỉ muốn “bận tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền mà còn tìm cách sống tốt hơn đời sống tôn giáo” của mình.

Từ cuối thập niên 1950 đã có hàng trăm ngàn bạn trẻ như Andreas và Boniface đến sống ở đồi Taizé. Do đâu mà tiếng lành đồn xa từ Tây Âu sang Đông Âu và lan đến tận các lục địa khác như vậy ? Đó là câu hỏi mà người ta đặt ra nhiều nhất về Cộng đoàn Taizé. Hồi tưởng lại những tháng ngày gian khổ của một cộng đoàn tu trì, anh Hai Roger – người sáng lập cộng đoàn này – không khỏi lo nghĩ về số phận của cộng đoàn trong khi đạp xe đến Taizé vào tháng Tám năm 1940.

Bước khởi đầu của một thể chế


Là nơi gặp gỡ và cầu nguyện, vì vậy trước tiên Taizé là một cộng đoàn đại kết mang tính đan viện. Đó là cảm hứng đầu tiên thúc giục chàng sinh viên người Thuỵ Sĩ Roger Schutz-Marsauche (con trai một mục sư Tin Lành) lên đường dấn thân. Vào mùa xuân năm 1940, chàng sinh viên thần học này cảm thấy được thúc đẩy để “xây dựng một đời sống chung, trong đó việc hoà giải theo Tin mừng sẽ được thể hiện một cách cụ thể”. Những cuộc gặp gỡ tình cờ và những cuộc tìm kiếm đời sống đan tu đã dẫn anh đến Cluny thuộc miền Bourgonge của nước Pháp. Tại đây, một viên công chứng giới thiệu cho anh một tệ xá ở Taizé, ngôi làng nhỏ bé một phần đã bị bỏ hoang.

Đến năm 1942, anh Roger cho những người tị nạn trú ngụ tại đây và anh hoàn toàn đắm mình vào những buổi cầu nguyện thường nhật. Ít lâu trước lúc quân Đức xâm chiếm “Vùng tự do”, Roger bị kẹt tại Thuỵ Sĩ, khi anh cùng đi với một người tị nạn. Mùa thu năm 1944, anh trở về Taizé với ba người bạn đồng hành. Chẳng mấy chốc, cộng đoàn bé nhỏ này quan tâm đến những người hàng xóm thiếu thốn của mình. Vào Chúa nhật, họ được phép tiếp đón những tù nhân chiến tranh người Đức. Tại một ngôi nhà khác trong làng, họ đón nhận chừng hai chục trẻ mồ côi do một người em gái của anh Roger đảm nhận việc dạy dỗ bọn trẻ trong suốt nhiều năm liền.

Đối với anh Roger, tính chất đan viện của cộng đoàn không phải là chạy trốn khỏi thực tế, nhưng hoàn toàn ngược lại là dấn thân vào những nơi đau khổ nhất của kiếp người. Ngay từ lúc khởi đầu, việc suy tư về đời sống cộng đoàn được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và liên đới với những người nghèo khổ nhất. Năm 1949, bảy anh em trong cộng đoàn quyết định dấn thân vì sự sống còn của cộng đoàn mang tính đan viện này. Họ từ chối nhận quà biếu xén, của thừa kế và sống bằng chính sức lao động của mình trong thanh bần và ẩn dật. Mặc cho những khó khăn vật chất của thời đại cản trở, nhưng tự trong thâm tâm, anh Roger và những bạn đồng liêu đầu tiên không chút hoài nghi về ngày “lời cộng đoàn” sinh hoa kết trái.

Một sự năng động tạm thời


Chẳng ai hiểu tại sao và làm cách nào mà Cộng đoàn Taizé lại có khả năng thu hút nhiều người đến viếng thăm, trong đó số bạn trẻ rất đông. Vào những năm cuối thập niên năm mươi, vì để duy trì nếp sống cộng đoàn và đan viện, các sư huynh đã mở trung tâm tiếp đón đầu tiên cách Taizé bốn cây số. Việc này nảy sinh nhiều vấn đề nhưng chính cách thức tiếp đón này cho thấy “sức quyến rũ tâm linh” đến bất ngờ mà các sư huynh trong cộng đoàn Taizé là những người đầu tiên ngạc nhiên. “Không được chạy trốn nhưng phải chạy đến”, anh Roger nghĩ như vậy khi liều lĩnh quyết định đón nhận và gần gũi. Đối với anh, trên hết là lắng nghe những khát vọng của giới trẻ và từ chối không làm những bậc thầy tâm linh. Sau thời gian bén rễ, cộng đoàn Taizé bắt đầu mở rộng và đào sâu về đời sống chung.

Mang tính Đại kết ngay từ lúc mới ra đời, Cộng đoàn Taizé có mặt ngay từ lúc phong trào đại kết dấy lên khắp các Giáo hội Ki-tô giáo ở châu Âu. Thậm chí trước khi có những sư huynh Công giáo gia nhập (kể từ năm 1968), cộng đoàn đã tiếp đón rất nhiều bạn trẻ Công giáo đổ dồn về Taizé và gieo vào lòng họ những bận tâm đối với Giáo hội La Mã. Công đồng Vatican II do đức Gioan XXIII triệu tập vào năm 1962 củng cố thêm những mối tương quan [đại kết] này. Các sư huynh đều đồng ý với anh Roger về tuyên ngôn hoà giải Ki-tô giáo : “Chúng tôi không mở phiên toà lịch sử, chúng tôi không tìm hiểu xem ai quấy ai phải. Chúng tôi chỉ nói : ‘Chúng ta hãy hoà giải !’”

Thường xuyên có rất đông bạn trẻ quy tụ về Taizé nhưng cộng đoàn này không chút mảy may dự liệu sáng lập nên một phong trào mới và càng không hề có ý định hình thành một Giáo hội mới. Ngược lại, cộng đoàn chú tâm vào việc đưa các bạn trẻ về với trách nhiệm đối với xã hội ngay trong khu phố hay thành phố của họ và trách nhiệm với giáo xứ và Giáo hội địa phương. Vào cuối thập niên 1970, các sư huynh quyết định mỗi năm rời khỏi Taizé một lần để tổ chức những cuộc gặp gỡ châu Âu trong tương quan với các Giáo hội khác. Mục đích của họ là cùng với các Giáo hội khác ra đi gặp gỡ và nâng đỡ những Ki-tô hữu đang dấn thân trong sứ mạng hoà giải. Đó là công việc của họ và của cả cộng đồng nhân loại. Trong lĩnh vực này, cộng đoàn Taizé không hề có những công thức nhất định. Taizé ở trong “một sự năng động tạm thời” như anh Roger đã viết trong cuốn sách xuất bản từ năm 1965. Taizé luôn mong muốn lên đường, chứ không đóng khung trong những xác tín bất di bất dịch, để tiếp tục lắng nghe và tìm kiếm cùng những người tìm kiếm.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, những cuộc gặp gỡ châu Âu mang chiều kích bổ khuyết và thường xuyên ở Taizé có nhiều bạn trẻ đến từ Đông Âu, trong đó có rất đông tín hữu Chính Thống. Chính tại đây, hoa trái của nhữnng “cuộc thăm viếng” đều đặn được các anh em ở bên kia “bức màn lửa” thực hiện và nhiều cuộc tiếp xúc được nối kết từ đầu thập niên 60. Chính ở Taizé mà những bạn trẻ này hiểu được giá trị của những kho tàng đức tin Chính Thống giáo như những bức icône trong thánh đường Hoà Giải cùng những bài đọc và những bài ca được lặp lại trong những buổi cầu nguyện chung. “Ở đó họ được đón nhận, được tôn trọng và yêu thương, Olivier Clément, một tín hữu Chính Thống nhấn mạnh điều đó trong cuốn sách của ông viết về Taizé. Ở đó họ tìm thấy một phương Tây không tìm cách chinh phục họ, không tìm cách hoán cải họ (…) không tự xem như bề trên của họ nhưng lại chờ đợi những điều gì đó từ chứng từ của họ.”

Tinh thần của Taizé


Đời sống ở Taizé xoay quanh những từ ngữ mà việc thực hành đóng vai trò cơ bản trong đời sống tâm linh sống còn được là nhờ cộng đoàn và những bạn trẻ do cộng đoàn tiếp đón : “hoà giải”, “cầu nguyện”, nhưng cũng là “lắng nghe”, “tin tưởng” và “hy vọng”. Làm sao người Ki-tô hữu có thể trở thành men hoà giải trong gia đình nhân loại nếu ngay chính bản thân họ không sống hoà giải ? Vì hoà giải là một mệnh lệnh của Tin mừng và một đòi hỏi khẩn thiết đối với thế giới nên nó vẫn còn in đậm dấu ấn trong lòng Cộng đoàn Đại kết Taizé. Bước khởi động của công cuộc hoà giải này sẽ chẳng bao giờ tìm được mẫu số chung nhỏ nhất của các Giáo hội Ki-tô giáo. Công cuộc hoà giải chủ yếu hướng con người vào việc mở rộng những ơn huệ mà Thiên Chúa đã làm cho dân Người từ 2000 năm nay và giúp họ thực hiện việc hoà giải nội tâm bằng cách từ bỏ định kiến của mình. Đó là điều mà anh Roger muốn làm chứng khi tuyên bố : “Tôi đã tìm thấy nguyên tánh Ki-tô giáo trong khi tự hoà giải những căn nguyên Tin mừng của mình với đức tin của Giáo hội Công giáo.” Giới trẻ rất nhạy cảm với sự cởi mở này và với những trao đổi thẳng thắn nên họ tìm đến Taizé. Ở đó nhiều người vượt qua được những thành kiến của mình. Việc cùng chia sẻ những điều kiện sống, những buổi cầu nguyện chung đã thay đổi cái nhìn của họ về người khác dẫu cho những cuộc tranh cãi về tư tưởng có thể gia tăng chia rẽ. 

Nếu khả năng gặp gỡ những người trẻ thuộc mọi nguồn gốc là một trong những nét hấp dẫn của cộng đoàn Taizé thì việc cầu nguyện vẫn là một kinh nghiệm đáng chú ý đối với đa số. Trong một thế giới mà người ta đang cậy dựa vào trí tuệ, thú vui và khả năng thì những mãnh lực của trái tim vẫn còn là miền đất hoang hoá. Ở Taizé, người ta tìm thấy lời cầu nguyện bằng con tim. Chẳng có bài học nào về cầu nguyện nhưng mỗi buổi phụng vụ chuyển tải một tư tưởng vượt quá ngôn từ, hướng vào vẻ đẹp của đức tin. Những bài đọc dễ nắm bắt, những lời ca mộc mạc được lặp đi lặp lại xoa dịu tất cả. Tính mềm dẻo này giúp giới trẻ, thường hay dị ứng với những gì giả tạo và đang tìm kiếm cái chân thực, đi vào lời nguyện cầu. Lời ca giúp trái tim rộng mở và giúp con người thoát khỏi những gò bó thường gặp phải trong cầu nguyện. Nhiều người đến với Taizé thổ lộ : “Nơi đây, tôi cảm thấy như đang ở nhà mình.” Họ đã chạm đến nhiều vấn đề như “cái tôi sâu thẳm”, trái tim con người, theo Thánh kinh, thật sự là nơi hướng đến toàn bộ cuộc sống. 

Taizé còn là nơi để người ta suy nghĩ. Cầu nguyện đánh thức hiểu biết để hiểu rõ hơn về Đức Ki-tô và những suối nguồn của đức tin Ki-tô giáo. Những nhóm học hỏi Thánh kinh và những giao lộ trao đổi tư tưởng giúp giới trẻ suy nghĩ thêm về trách nhiệm của họ đối với xã hội và đối với Giáo hội. Vì vậy, Taizé là nơi lắng nghe và đồng hành trong niềm tin. Các sư huynh không phải là những bậc thầy tâm linh. Họ không hề che giấu những cuộc chiến mà tất cả chúng ta đều trải qua trên con đường đi từ nghi ngờ đến xác tín. Trong những xã hội mà điều kiện sống không ngừng khắc nghiệt, trong một thế giới dường như đảo lộn tất cả, dám tin là điều không dễ chút nào. Từ sự mạo hiểm kiếm tìm lối đi đến những suối nguồn của đức tin, từ việc thể hiện những dấu chỉ của niềm hy vọng, tất cả những điều ấy cho thấy không ai có thể sống ngoài những cuộc tranh luận. Anh Roger chỉ nói rất đơn giản rằng : “Bạn đừng mong hiểu tất cả. Hãy dám bắt đầu, ngay cả khi việc ấy không hoàn hảo. Hãy sống với những hiểu biết ít ỏi về Tin mừng của bạn, còn những cái khác sẽ theo sau.”

Một cộng đoàn đại kết và quốc tế


Đối với các sư huynh, chính tại Taizé đã nảy sinh những vấn đề về dấn thân như vậy. Tất cả những ai muốn gia nhập cộng đoàn này đều phải trải qua ít nhất là một năm làm công tác từ thiện và chia sẻ chiều sâu với một sư huynh trong cộng đoàn trước khi mặc tu phục. Sau bước khởi đầu này, họ phải trải qua bốn năm học hành. Nếu ơn gọi của họ thực sự gắn bó với cộng đoàn, họ sẽ quyết định dứt khoát dấn thân. Trở thành thành viên của cộng đoàn đan viện, các sư huynh cam kết sống thanh bần, khiết tịnh và vâng lời. Ngày nay Cộng đoàn Taizé có khoảng 100 sư huynh thuộc nhiều Giáo hội Ki-tô giáo khác nhau (Anh giáo, Công giáo và Thệ Phản) xuất thân từ 27 quốc gia nằm trên mọi lục địa. Một số sư huynh đang sống tại Brazil, Bangladesh, Hàn Quốc và Sénégal giữa những “huynh đoàn” được thành lập để liên đới những người nghèo khổ nhất. Họ sống và làm việc cùng với những người trong khu phố, bảo đảm sự hiện diện huynh đệ và đón tiếp những ai cần đến họ. Trước những nhu cầu khẩn thiết, như ở Dakar (Sénégal), họ đã lập một ngôi trường cho những trẻ em nghèo tại khu phố ổ chuột nơi họ đang sống. Các sư huynh còn khởi động những cuộc gặp gỡ giữa các Ki-tô hữu thể theo yêu cầu của các Giáo hội địa phương.
_____________

GIẢI THOÁT TẬN CÙNG CÁI THIỆN


Triết gia Paul Ricoeur tiếp xúc với cộng đoàn Taizé từ 50 năm qua. Đoạn văn dưới đây trích từ cuốn Taizé au vif de l’espérence (Taizé, niềm hy vọng sống động), một cuốn sách mới của ông do Nhà xuất bản Bayard vừa mới ấn hành vào tháng 12 năm 2002. 

Tôi đến tìm kiếm ở Taizé điều gì ? Xin thưa : một kinh nghiệm mà tôi tin là sâu thẳm nhất, là nhận thức được điều mà người ta thường gọi là “tôn giáo” là làm việc với cả thiện tâm. Các truyền thống Ki-tô giáo đã ít nhiều quên đi điều ấy. Đó là một thứ nhồi nhét, khép kín vào tội lỗi và cái ác. Không phải tôi hoàn toàn đánh giá thấp vấn đề đang làm tôi bận tâm từ nhiều thập niên qua. Nhưng tôi có nhu cầu kiểm chứng đức tin của mình, vốn căn bản như cái ác, nhưng lại không sâu sắc như cái thiện. Và nếu tôn giáo, các tôn giáo đều có một ý nghĩa, đó là giải thoát tận đáy cái thiện của con người và tìm kiếm nơi nó hoàn toàn bị vùi lấp. Nhưng tại đây, ở Taizé này, tôi thấy tràn ngập tình huynh đệ giữa các sư huynh, trong tính hiếu khách âm thầm, kín đáo của họ và trong lời cầu nguyện. Tôi thấy hàng ngàn bạn trẻ không biết diễn tả mạch lạc các khái niệm về cái thiện và cái ác, về Thiên Chúa, về ân sủng, về Đức Ki-tô nhưng lại có xu hướng cơ bản về cái thiện. 

Chúng ta bị đè nặng bởi những bài diễn văn, những cuộc bút chiến, những cuộc tấn công ảo ngày nay đang tạo ra như một vùng chắn sáng. Nhưng cái thiện sâu thẳm hơn cái ác sâu thẳm nhất. Chúng ta hãy giải thoát mình khỏi điều xác quyết này bằng cách gán cho nó một ngôn ngữ. Và thứ ngôn ngữ được ban tặng ở đây, tại Taizé này, không phải là triết học, cũng chẳng phải thần học mà là phụng vụ. Và đối với tôi, phụng vụ không đơn giản chỉ là những thực hành nhưng còn cả tư duy nữa. Có một loại thần học ẩn dấu, kín đáo nằm trong phụng vụ được đúc kết trong ý tưởng “luật của cầu nguyện, đó là luật của đức tin”.

Tôi sẽ nói với những con người thời nay rằng, vấn đề tội lỗi dường như đã mất vị trí trung tâm và được thay thế bằng một vấn đề khác còn nghiêm trọng hơn, đó là vấn đề về ý nghĩa và vô nghĩa, về sự phi lý. Chúng ta xuất thân từ một nền văn minh quả thực đã giết chết Thiên Chúa, có nghĩa là để cho phi lý và vô nghĩa thắng thế ý nghĩa, điều đó khơi dậy việc làm chứng (protestation) sâu sắc. Tôi sử dụng từ này rất gần nghĩa với từ chứng thực (attestation). Tôi muốn nói rằng trong chứng thực hàm chứa làm chứng mà hư vô, phi lý và cái chết không thể thắng thế. Điều này hợp nhất vấn nạn của tôi với cái thiện, vì cái thiện không chỉ là câu trả lời cho cái ác nhưng còn là câu trả lời cho cái vô nghĩa. Trong làm chứng còn có từ “chứng nhân”. Trong đời sống thường nhật, người ta làm-chứng trước khi có khả năng chứng-thực. Ở Taizé, người ta khởi đi từ làm chứng đến chứng thực và con đường này thông qua cầu nguyện, luật của đức tin. Việc làm chứng còn mang tính tiêu cực vì người ta nói “không” với không. Và điều đó phải đi đến có. Vì vậy có một chuyển động chạy từ làm chứng đến chứng thực. Và tôi nghĩ nó được thực hiện bằng lời cầu nguyện.



SỨC HẤP DẪN CỦA CỘNG ĐOÀN TAIZÉ


Bảo vệ luận văn tiến sĩ tại Trường Cao học Khoa học xã hội, Fabien Gaulué nghiên cứu về bước tiến triển của cộng đoàn Taizé dưới góc độ xã hội học. Dưới đây là những ý kiến của ông về sứ hấp dẫn của cộng đoàn Taizé qua cuộc trao đổi với nhà báo Serge Lafitte, Tạp chí Actualité des Religions.

Tại sao cộng đoàn đại kết của các sư huynh Taizé trở thành “đỉnh cao” tâm linh đối với các bạn trẻ ở châu Âu?

Bước ngoặt diễn ra vào giữa thập niên 1960. Mãi cho đến lúc đó, việc canh tân đại kết vẫn do những nhóm không chính thức đảm nhận, trong đó cộng đoàn Taizé chiếm một vị trí quan trọng. Kể từ khi được các Giáo hội Ki-tô giáo chính thức tiếp sức, việc thể chế hoá phong trào đại kết đã mở ra những mạng lưới và nhờ đó mà phong trào này phát triển thịnh vượng và vươn đến những hoạt động ngoài lề. Chính trong bối cảnh đó mà những thử nghiệm của việc mục vụ đại kết cho các bạn trẻ đến với Taizé đã cất cánh từ cuối thập niên 1950. Vì tính hợp pháp của phong trào đại kết tiên phong này với tư cách là nơi thuận tiện cho những cuộc đối thoại đã đem lại hoà giải, còn “dụ ngôn hiệp thông” mà cộng đoàn muốn hoá thân đã đạt được tiếng vang trong lòng quần chúng. Những cuộc gặp mặt lớn đầu tiên mang tính quốc tế được tổ chức từ năm 1966. Chẳng bao lâu sau, vào năm 1974, những cuộc hội họp này đạt đến tầm mức của một Công nghị giới trẻ quy tụ được hơn 30.000 thanh niên nam nữ đến ngọn đồi Taizé. Thành công này phải kể đến uy tín đặc biệt của anh Roger, người đã dành hẳn một khán đài cho giới trẻ vốn hay nôn nóng thời đó, dùng những từ ngữ đơn giản liên quan đến việc hoà giải của các Ki-tô hữu mà họ đang dấn thân trong thế giới.

Những nhân tố chính yếu nào vẫn luôn thu hút giới trẻ Ki-tô giáo ? 

Sức thu hút lâu bền này trước tiên xuất phát từ tính mềm dẻo của chương trình hoạt động của cộng đoàn và sự thay đổi những sắc thái của việc cộng đoàn hoá như tâm linh, tình cảm, hội nhập văn hoá, v.v được đặt ra ở Taizé. Điều không thể chối cãi, thời gian cầu nguyện chung là kinh nghiệm đáng nhớ nhất đối với đa số các bạn trẻ khi đến sống ở Taizé. Đây chính là những thời khắc đáng ghi nhớ và cảm động nhất của phụng vụ, vừa dễ chịu vừa tạo sự hiệp nhất nên thường lắng đọng trong họ những tình cảm lâu bền. Hơn nữa, chính khách thập phương ở Taizé cũng rất hấp dẫn. Ngoài những khác biệt về ngôn ngữ và văn hoá, những cuộc gặp gỡ cũng rất dễ dàng nhờ sự đồng nhất về xã hội, vì phần lớn các bạn trẻ này đều xuất thân từ tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Họ cũng nhạy cảm với tính chất tự chủ của nơi cho phép họ tham gia vào các hoạt động ở Taizé với một cộng đoàn huynh đệ mà họ rất thán phục.

Nhiều người nói về cảm nghiệm tự do ở Taizé, trong khi thời gian họ sống ở đây rất ngắn...

Ngay cả khi bị kiểm soát, Taizé vẫn là nơi tự do, nhất là đối với giới trẻ. Ở đó người ta tổ chức lễ lạt sau giờ cầu nguyện buổi chiều. Người ta tánh tỉnh nhau. Chương trình đặc sắc của Taizé là đề nghị họ thảo luận theo nhóm nhỏ xoay quanh những đoạn Thánh kinh được chọn lọc kỹ lưỡng về những vấn đề đụng chạm đến họ nhiều nhất nhưng không có mặt “cha tuyên uý”. Trái ngược với đời sống thường nhật mà họ luôn phải đối diện, bầu không khí thân mật đem lại cho họ cảm giác của con người tự do có khả năng lột bỏ mặt nạ và bày tỏ một vài vướng mắc sâu kín nhất. Giới trẻ rất nhạy cảm với không khí không nhuốm mùi tội lỗi ở Taizé. Hiểu rõ những mối nghi ngờ của họ nên cuộc “thảo luận” của các sư huynh chủ yếu trấn an hướng tìm kiếm tâm linh thường gây nhiều lo lắng cho họ. 

Từ khi được nhìn nhận vào thập niên 1970, Cộng đoàn Taizé trải qua những bước tiến nào ?

Về những gì liên quan đến cơ sở hạ tầng của việc đón tiếp như “chương trình tâm linh” được đặt ra cho giới trẻ, Taizé không ngừng tự xây dựng thêm. Vì vậy Taizé trở thành một trung tâm đặc biệt của châu Âu về mục vụ dành cho giới trẻ. Dưới phương diện xã hội học, sự chuyên môn hoá này đánh dấu một sự trung thành của đoàn sủng Taizé, nguyên nhân thành công của nó còn gia tăng theo tuổi tác của người sáng lập.