Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

ĐỨC KITÔ NHÌN TỪ BÊN NGOÀI

(Thời sự Thần học - Số 16 -Tháng 06/1999, tr. 52-57)

Việt Nam

Bài này xin lược qua những đường hướng Kitô luận ở ngoài các trào lưu thần học và thậm chí kể cả ở ngoài Kitô giáo nữa. Thực vậy, từ 20 thế kỷ nay, đức Kitô không ngừng là "dấu hiệu mâu thuẫn", gây ra sự chống đối và tán thưởng nơi nhiều người. Chúng ta hãy chỉ giới hạn vào quan điểm vài tôn giáo và triết gia vô thần cận đại.
I. Các tôn giáo

1. Đứng đầu các tôn giáo bày tỏ thái độ của mình đối với đức Giêsu là Do thái giáo. Nhờ những cuộc đối thoại gần đây, chúng ta thấy có những bước tiến đáng kể về phía Do thái giáo lẫn về phía Kitô giáo. 

a- Về phía Do thái giáo, thái độ đối với đức Kitô đã trải qua ba chặng như sau:

· Chặng thứ nhất là vào thời buổi của đức Giêsu. Như chúng ta đã biết, có người thán phục ngài, coi ngài như sư phụ (Rabbi), có người đi theo làm môn sinh của ngài đến nỗi từ bỏ nhà cửa và cả mạng sống nữa. Đối lại, những kẻ chống đối ngài thì cũng không thiếu, và các đối thủ đã nhúng tay vào việc thủ tiêu ngài.

· Chặng thứ hai kể từ khi đức Giêsu bị ám hại. Các môn đệ theo ngài họp thành một nhóm riêng tách rời khỏi đạo Do thái; từ đó nảy ra những sự đố kị, chống đối, bôi nhọ lẫn nhau. Các Kitô hữu kết tội dân Do thái là những kẻ giết Chúa, và bị hình phạt lưu vong. Đối lại, các tác phẩm Do thái (Talmud) mạ lị đức Giêsu là con đẻ hoang.

· Chặng thứ ba mới bắt đầu từ thế kỷ 19. Vài học giả Do thái xét lại chỗ đứng của đức Giêsu trong lịch sử của dân tộc. Dù muốn dù không thì đức Kitô đã đi tuyên truyền không công cho dân Do thái: nhờ có đức Giêsu mà thiên hạ mới biết tới lịch sử tôn giáo và chính trị của dân tộc. Trong viễn ảnh đó, có những học giả đã không ngần ngại gọi đức Giêsu là anh em của mình (Martin Buber, Shalom Ben-Chorin, Pinchas Lapide), một tín đồ đồng đạo.

Người Do thái chưa thể nhìn nhận đức Giêsu là đấng Kitô, bởi vì Kitô có nghĩa là Messia; và dĩ nhiên lại càng không thể nào chấp nhận đức Giêsu là Con Thiên Chúa. (Đến mức đó thì họ thành Kitô hữu mất rồi!).

b- Về phía Kitô giáo

Trong quá khứ, đã hơn một lần, người ta đối chọi Tân ước với Cựu ước như là giữa sáng với tối, giữa tình yêu khoan dung với công lý báo oán. Công đồng Vaticano II đã muốn sửa lại não trạng đó, khi nhắc lại rằng đức Kitô đến không phải để xóa bỏ Cựu ước mà là để hoàn tất (xc. Hiến chế về Mặc khải số 15-16). "Tân ước được ẩn tàng trong Cựu ước và Cựu ước được sáng tỏ trong Tân ước" (Novum in Vetere latet, Vetus in Novo patet), theo như thánh Augustinô đã viết. Việc đào sâu Cựu ước cũng như văn chương Do thái vào thời đại của đức Giêsu giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa của các từ ngữ sử dụng trong Tân ước (chẳng hạn như: Kitô Messia, Đức Chúa), các kinh nguyện (chẳng hạn: chúc tụng, tạ ơn).

Cách riêng, công đồng đã tuyên bố rằng không thể nào quy trách cho toàn thể dân Do thái tội giết Chúa được! (Tuyên ngôn về tương quan với các tôn giáo Nostra Aetate, số 4). Thực vậy, đừng nên quên rằng đức Maria và các thánh tông đồ cũng là người Do thái; và gom họ vào số các người phạm tội giết Chúa thì quá oan! Sách Giáo lý Hội thánh công giáo nói rõ hơn về điểm này ở các số 595-597.

2. Chúng ta cũng có thể nghiên cứu thái độ của Hồi giáo đối với đức Giêsu. Ngài được nhắc tới nhiều lần trong sách Coran (Kinh thánh của Hồi giáo). Đi xa hơn nữa, chúng ta thấy một số các tín đồ thuộc các tôn giáo Á châu cũng bàn luận về đức Giêsu. Bên Ấn độ, có lẽ nhân vật dành nhiều thiện cảm cho ngài hơn hết là Mahatma Gandhi, nhà giải phóng dân tộc. Ông viết: "Đức Giêsu là kẻ luôn luôn và hoàn toàn gắn bó với chân lý. Chân lý là Thiên Chúa. Dù tôi không tự nhận là Kitô hữu (theo nghĩa là làm thành phần của một Giáo hội), nhưng tấm gương của đức Giêsu chịu đau khổ bởi vì đã gắn bó với chân lý để cứu thoát dân trung tín và toàn thể nhân loại là một điểm cốt yếu của niềm tin của tôi: niềm tin vào Ahimsa, tin vào bất bạo động, niềm tin vào sự tự do của tình thương, niềm tin hướng dẫn các hành động của tôi... Đức Giêsu sẽ sống và chết một cách vô ích nếu ngài không dạy chúng ta định hướng tất cả cuộc đời theo quy luật của tình thương".

Cuộc đối thoại giữa Kitô giáo với Phật giáo (cách riêng bên Nhật bản) đã đưa tới việc nghiên cứu về đức Giêsu nơi vài học giả, thí dụ thiền sư D.T.Suzuki, Keiji Níhitani..

II. Các triết gia

Một hiện tượng đáng gọi là mới mẻ trong lịch sử cận đại là phong trào vô thần. Trước đây, các triết gia cho dù có công kích các tôn giáo lịch sử đi nữa nhưng họ vẫn tin vào một Thực tại linh thiêng gì đó. Nhưng từ thế kỷ 19, bên Âu châu nảy lên một luồng tư tưởng "vô thần nhân bản", theo đó con người trưởng thành cần phải nắm lấy định mạng của mình chứ không cần phải cậy dựa vào thần thánh nào hết. Phong trào vô thần cận đại không những chỉ bài xích các thứ tôn giáo bằng bút mực mà còn bài trừ các tín ngưỡng tại nơi nào mà những người vô thần nắm chính quyền. Tuy vậy, công đồng Vaticano II, trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 21, đã khiêm tốn thú nhận rằng lắm lần chính các tín hữu đã là nguyên nhân đưa tới hiện tượng vô thần, bởi vì có những nhóm vô thần không chống đối Thiên Chúa (Đấng mà họ không thấy và không biết) cho bằng họ chống đối các hình ảnh méo mó của Thiên Chúa mà các tín đồ của các tôn giáo đã trình bày. Công đồng đã kêu gọi các tín hữu, cách riêng là các Kitô hữu, hãy cố gắng canh tân đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn, ngõ hầu khuôn mặt của Thiên Chúa được biểu lộ cách trong sáng hơn. Trong chiều hướng đó, những cuộc tiếp xúc, đối thoại đã diễn ra giữa các nhà thần học và các triết gia mác-xít để tìm hiểu nhau cũng như đánh tan những thành kiến ngộ nhận. Một điều đáng ghi nhận nơi đây là thái độ của một vài triết gia Mác-xít đối với đức Giêsu. Dĩ nhiên là thiên tính của đức Giêsu chẳng có gì hấp dẫn đối với họ (chuyện đó đã có các nhà thần học lo rồi). Điều mà họ thấy hấp dẫn ở nơi đức Giêsu là việc chia sẻ kiếp sống với lớp dân nghèo; và thậm chí đức Giêsu đã dạy con người một tôn giáo mới, không đặt nặng lễ bái cho bằng tình yêu tha nhân. 

Những lý thuyết gia của phong trào cộng sản đã để ý tới khuôn mặt của đức Giêsu như một nhà giải phóng xã hội. Friedrich Engels (1820-1895) và Karl Kautsky (1854-1939) đã đối chiếu khởi thủy của Kitô giáo và khởi thủy của phong trào mác-xít. Phong trào Kitô giáo ra đời trong khung cảnh của một cuộc khủng hoảng xã hội, đưa tới tình cảnh của lớp người nô lệ trong đế quốc Rôma. Kitô giáo được đề ra như đường lối giải phóng dân nghèo bằng đường lối tôn giáo. Tuy rằng khuynh hướng của Lênin đã không chấp nhận việc đối chiếu giữa Kitô giáo và phong trào mác-xít (thậm chí họ đặt nghi vấn về lịch sử tính của ông Giêsu), nhưng khuôn mặt của đức Giêsu vẫn có cái gì hấp dẫn đối với các triết gia chủ trương học thuyết nhân bản. Trong số những người này, phải kể đến ông Milan Machovéc, giáo sư tại Praha, Tiệp Khắc cho đến năm 1969. Ông đã cho xuất bản tại Bá-linh năm 1972 tác phẩm tựa đề "Ông Giêsu dành cho người vô thần" (Jesus fur Atheisten). Malachovéc muốn viết lại lịch sử của đức Giêsu theo những tiêu chuẩn của khoa học lịch sử đáng tin cậy, đối lại với những tác giả mác-xít cho đức Giêsu như huyền thoại. Điều mà Malachovéc muốn nêu bật trong sứ điệp của đức Giêsu là tình yêu thương dành cho thù địch, sự bất bạo động, tình liên đới với người nghèo, sự lật ngược bậc thang các giá trị. Đức Giêsu đã gây ra một phong trào xã hội, mà chủ nghĩa mác-xít coi như là thừa kế. Nếu Kitô giáo đã tách rời khỏi Do thái giáo, tự coi như "giao ước mới" trong việc cổ võ các giá trị nhân bản, thì phong trào mác-xít cũng có thể tự hào coi như là "giao ước thứ ba", bởi vì đã cố gắng đẩy mạnh cuộc giải phóng nhân bản, cách riêng là lớp nghèo. Vì lý do đó mà cần phải duy trì ký ức về đức Giêsu, để đừng bao giờ quên lý tưởng phục vụ nhân loại mà ngài đã khêu lên.

Đang khi Malachovéc nhìn về đức Giêsu trong bối cảnh của các phong trào giải phóng trong lịch sử, thì một triết gia khác, ông Ernst Bloch (1885-1977) lại nhìn ngài trong viễn tượng tương lai. Ông Bloch nêu bật chiều kích hy vọng trong chủ trương của mác-xít, và tìm thấy nơi đức Giêsu con đường mở ra hướng đi của hy vọng. Ông Bloch để lại lời tuyên bố bất hủ như sau: "Chỉ có người vô thần mới có thể là một kitô hữu tốt, và chỉ có người kitô hữu mới có thể là người vô thần tốt". Cuộc đời của đức Giêsu được giải thích như một cuộc xuất hành, và ngài vạch ra cho chúng ta một cuộc xuất hành liên lỉ hướng về tương lai. Một nét rõ rệt trong cuộc đời của đức Giêsu là mối ưu tư dành cho người nghèo. Ngài đã rao giảng nước trời cho họ. Tuy nhiên, ông Bloch lưu ý rằng đức Giêsu không ru ngủ dân nghèo với những mộng mị, nhưng đã kêu gọi họ dấn thân đảm nhiệm trách nhiệm trong lịch sử. Đức Giêsu không hứa hẹn hão huyền nơi những thiên đàng giả tạo. Cuộc đời của đức Giêsu diễn ra giữa cảnh sống bình dân lao động, chứ không phải trong cung điện. Ngài chấp nhận thân phận lam lũ của con người lao động nghèo nàn. Ngài không đặt hy vọng nơi những ước mơ giàu sang; hơn thế nữa, ngài cũng không tạo lập hạnh phúc trên thiên giới: ngài vào đền thờ xua đuổi hết bọn con buôn. Đức Giêsu để lại cho ta bài học về hy vọng, qua sự tin tưởng nơi khả năng của con người có thể xây dựng tương lai của mình. Niềm tin tưởng của đức Giêsu mãnh liệt đến nỗi ngài không sợ phải chết. Đến đây, Bloch mở ra chiều kích mới khi cho thấy rằng cuộc đời của đức Giêsu không kết liễu với cái chết. Mầu nhiệm Phục sinh của Tân ước được diễn tả lại như là việc Con người được ngự vào chỗ xưa nay vốn dành cho Chúa Giavê. Con người đó sẽ trở lại và mang lại sự giải thoát cho hết mọi kẻ bị áp bức.

Vài thí dụ trên đây cho thấy rằng đức Giêsu không còn phải là tài sản của Kitô giáo nhưng đã trở thành gia sản chung của nhân loại. Dĩ nhiên, người ta có thể tự hỏi: liệu có thể nào hiểu hết thân thế sự nghiệp của đức Giêsu nếu không coi ngài như từ Thiên Chúa mà đến, hoặc khi không đả động gì đến mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng có một khía cạnh được đề cao nơi cuộc sống của ngài là tình liên đới với người nghèo, với những thành phần bị xã hội ruồng bỏ. Bên cạnh nhưng lời tuyên xưng của các tín hữu: "Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, Đức Kitô là Chúa Cứu thế", một câu định nghĩa phổ thông về đức Giêsu là"một người sống cho người khác".