Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

MỘT LỐI VÀO CHO HỘI NHẬP VĂN HÓA

(Thời sự Thần học – Số 11 – Tháng 3/1998, tr. 82-94)

P.X Nhứt

Từ ngữ “Hội nhập văn hóa” không còn xa lạ gì đối với những ai từng quan tâm đến vấn đề văn hóa dân tộc. Chủ đề này đã có nhiều bài viết, nhiều cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông hoặc trong các hội nghị. Tất cả đã đóng góp thật đáng kể cho công trình nghiên cứu, bảo vệ và xây dựng nền văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, một công việc lớn lao như vậy vẫn còn mở ra nhiều cơ hội cho mọi thành phần trong cộng đồng dân tộc được cống hiến phần tốt nhất của mình. Với tư cách là một tín hữu Kitô Việt Nam, chúng tôi nhận thấy vấn đề văn hóa dân tộc nói chung và việc hội nhập văn hóa, văn hóa nói riêng có mối tương quan rất quan yếu đối với công cuộc truyền giảng Tin mừng trên đất nước này. Tương quan đó có thể được hình tượng hóa như tương quan giữa hạt giống và thửa ruộng theo một dụ ngôn của Phúc Âm. Hạt giống tốt, đất mầu mỡ là cơ sở vững chắc để có được một mùa gặt bội thu. Trái lại, dù có giống tốt, nhưng đất cằn cỗi, đầy gai góc, sỏi đá, thì quả đó là những thử thách ghê gớm cho nông gia. Vấn đề chúng tôi đặt ra ở đây, như thế, cũng liên quan tới vai trò và trách nhiệm của người gieo giống Lời Chúa hôm qua, hôm nay và sau này nữa.
Giáo xứ Konrờ Bàng. Kontum,  Dân tộc Bana

I. HỘI NHẬP VĂN HÓA LÀ GÌ?

A. Về mặt từ ngữ:

Hội nhập văn hóa (HNVH) là từ Hán – Việt được dùng để chuyển dịch từ Inculturation. Từ Inculturation gồm phần gốc Culture có nghĩa là một nỗ lực rèn luyện thể dục, trí dục hay đức dục, nhằm đạt đến một trình độ hiểu biết và nhận định tinh tế về văn học, nghệ thuật; hoặc là những tập tục nghệ thuật, định chế xã hội, làm thành một mô hình tri thức khu biệt của một cộng đồng, một nhóm người; và phần phụ tố in – nghĩa là trong, đi vào, kết nạp. Vậy, Inculturation, hội nhập văn hóa, có thể được hiểu là tiến trình đưa một con người, một hệ thống giá trị tư tưởng, đạo đức hòa nhập vào một hệ tư tưởng giá trị khác, để bổ sung, phong phú hòa lẫn nhau mà không gây tổn hại cho nhau, hoặc là một nỗ lực nhằm biến đổi cả một hệ thống giá trị khác. Dù nhìn theo chiều hướng nào, đỉnh cao lý tưởng của HNVH vẫn là một nền văn hóa đa dạng về sắc thái nhưng thuần nhứt trong định hướng.

Thế nhưng từ Inculturation thực tế lại không có mặt trong các từ điển ngoại ngữ, kể cả những quyển có uy tín như Larousse (1990), Webter (1990) và Oxford (1992). Trong khi đó, có thể gặp ngay từ inculture, nhưng ý nghĩa lại là vô văn hóa!

Hóa ra, đây là một từ “nhà đạo”, do các thần học gia sáng chế để đáp ứng nhu cầu trao đổi suy tư. Nhưng ngay cả trong môi trường Hội Thánh, từ HNVH cũng chỉ mới xuất hiện vào cuối thập niên 70 của thế kỷ này, tức thời kỳ hậu công đồng Vatican II, với tinh thần về nguồn, tôn trọng các nền văn hóa bản địa.

Tuy nhiên, công cuộc HNVH đã được Hội Thánh thực hiện ngay từ buổi sơ khai, khi hạt giống Tin Mừng bắt đầu bén rễ, nẩy mầm ngay trên mảnh đất Do Thái Giáo. Có thể nhận thấy mối quan hệ giữa HNVH và công cuộc truyền giảng Tin Mừng là rất lâu đời, sâu đậm, sống còn, mặc dầu không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Bài học lịch sử vẫn là điều thiết yếu đối với công cuộc HNVH.

B. Theo dòng lịch sử:

1. Thời Hội Thánh sơ khai:

Do điều kiện lịch sử và địa lý, Kitô giáo được sinh ra trong chính cái nôi Do Thái giáo. Hội Thánh đã chấp nhận chẳng những cơ sở phụng tự (Đền thờ Giêrusalem, các hội đường), mà còn cả các tập tục (thời biểu cầu nguyện kiêng thịt thú không cắt tiết) và nhất là “toàn bộ Lề Luật và các Ngôn sứ” của Do Thái giáo (Cv 2,46; 3,1; 15,29; 2Pr 1,20). Các sách Tân Ước đã được biên soạn bằng Hy ngữ phổ thông và sau đó được sử dụng trong các văn bản chính thức. Nhiều tập tục của người Rôma đã được đưa vào trong sinh họat Hội Thánh (phẩm phục giáo phẩm, nghi thức phụng vụ, lễ Giáng Sinh). Rồi thủ đô Rôma trở thành Giáo đô!

2. Các cuộc truyền giáo xuyên lục địa, nỗ lực Phúc Âm hóa các nền văn hóa dị biệt:

Sau khi đã ban Thánh Tẩy cho hầu hết các quốc gia Châu Âu trong Thiên Niên Kỷ đầu tiên, Hội Thánh tiếp tục ra khơi đến với các Châu lục xa xôi khác. Tại các lục địa này, đã có những nền văn hóa lâu đời, mang dấu ấn sâu đậm của các tôn giáo Phương Đông, hoàn toàn khác biệt với Kitô giáo, như Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo (Á Châu), Hồi giáo (Phi Châu). Nỗ lực HNVH của Hội Thánh, qua các vị thừa sai, đứng trước những thách đó mới, với những hướng giải quyết và những kết cục còn gây ra nhiêu tranh cãi, không những về mặt văn hóa, lịch sử, mà cả về phương diện đạo lý Tin Mừng.

Trước hết, các lần ra khơi này của Hội thánh trùng hợp với các mũi tiến công của chủ nghĩa thuộc địa từ các nước Châu Âu nhằm sang các nước Á, Phi và Mỹ Châu. Công cuộc “khai hóa” đồng nghĩa với gông ách thực dân, đế quốc chụp lên đầu các dân tộc bị trị. Ghê sợ hơn nữa, đó là việc văn minh Tây Âu hủy diệt và thay thế hẳn các nền văn hóa gốc của địa phương (trường hợp Mexico và nhiều nước ở Nam Mỹ). Trong bối cảnh đó, Hội Thánh phải thật chật vật để khỏi dính líu vào những hành động tàn ác của chủ nghĩa thực dân và nhất là về việc Phúc Âm hóa không biến thành một hình thức khác của chủ nghĩa đế quốc về mặt tôn giáo. Cần ghi nhận nỗ lực của các nhà truyền giáo, trong số đó nổi bật những danh tính như cha Matteo Ricci, đức giám mục Batôlômêô Las Casas và đức hồng y Lavigerie. Mỗi vị một hoàn cảnh thời gian và không gian khác nhau, nhưng cùng chia sẻ một tâm huyết giống nhau là tìm một con đường cho Tin mừng và văn hóa có thể gặp gỡ nhau một cách đầy phúc lợi cho con người. Nói cách khác, đó là thực hiện công cuộc HNVH để phục vụ Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô.

Thế kỷ 16, cha Matteo Ricci, thuộc Dòng Chúa Giêsu, tìm cách đem Tin Mừng đến cho dân tộc Trung Hoa. Là người thông tuệ về toán học, thiên văn học, cha được triều đình trọng dụng và giới trí thức kính nể. Cha học chữ Hán, biên soạn nhiều tác phẩm nổi tiếng bằng Hán văn, nhận danh tánh Trung Hoa là Lợi Mã Đậu, ăn mặc như người Trung Hoa. Cha nghiên cứu Khổng giáo, tìm kiếm những điểm tương đồng, hay chí ít không mâu thuẫn với Kitô giáo, để trình bày cho người Trung Quốc một nền thần học không tách lìa khỏi cốt lõi tinh túy của văn hóa bản xứ. Công cuộc của cha gặt hái được nhiều thành quả đáng kể: hàng ngàn người được lãnh Thánh Tẩy, trong số đó có những người thuộc hoàng gia. Lúc qua đời, cha đã được hưởng nghi lễ quốc táng. Các vị tu sĩ cùng Dòng tiếp tục đường hướng của cha.

Năm 1615, đức thánh cha Phaolô V ban phép cử hành thánh lễ bằng tiếng Trung Hoa. Đầu thế kỷ 18, Hội Thánh Trung Quốc có hơn 1 triệu tín hữu.

Năm 1645, Rôma lên án việc ứng dụng các tập tục Trung Hoa và năm 1742, đức Bênêđíctô XIV nghiêm cấm việc thích ứng với các truyền thống Trung Hoa. Công cuộc truyền giáo ở Trung Quốc kể từ đó lâm vào giai đoạn bế tắc khi triều đình ra lệnh đàn áp tổ chức Hội Thánh còn non trẻ. Hẳn là Tòa Thánh có cơ sở để đi đến quyết định như thế: đó là những sai sót , kể cả lệch hướng, không sao tránh khỏi của một sáng kiến đơn độc và có tính tiên phong. Nhưng một phần cũng do những yếu tố phàm tục chen vào: các thừa sai thuộc những dòng tu khác, hoặc vì ác cảm với các tu sĩ dòng Chúa Giêsu, hoặc dị ứng với các sáng kiến quá táo bạo của các vị này, nên đã tìm cách tác động vào quyết định của Rôma.

Ở Châu Mỹ, cũng vào thế kỷ 16, giữa lúc đế quốc Tây Ban Nha nhân danh chiêu bài khia hóa văn hóa và đạo giáo để cật lực bóc lột những người bản xứ trong các “encomienda” (tức các khu bảo hộ, thực chất là các trại tập trung), thì các thừa sai dòng Chúa Giêsu và Đa Minh cố gắng tìm cách bênh vực, bảo vệ những thổ dân đáng thương. Một vị thiên thần hộ mệnh nổi danh của dân bản xứ là đức giám mục Báctôlômêô Las Casas, dòng Đa Minh. Người đã dành trọn đời mình phục vụ quyền lợi của những người anh em thổ dân, trong đó một số đông là Kitô hữu. Người đã mạnh dạn tố giác tính phi nhân của chính sách cai trị và khai thác lao động do các quan chức thuộc địa thi hành ở đây. Người thuyết phục được triều đình Tây Ban Nha gởi một phái đoàn sang tận nơi điều tra. Trong các bài giảng, người không những chỉ trích đường lối cai trị tàn ác của chính quyền thực dân, mà còn phê phán những biện pháp cưỡng bách dân chúng theo đạo. Người liện tục nhấn mạnh: đức tin phải là một lựa chọn tự do. Dù bị các quan chức thuộc địa và các giáo sĩ chống đối, người đã tác động được hoàng đế Charles Quint, với bản tường trình “De la destruccion de las indias” tố giác hành động hủy diệt các dân tộc bản xứ. Kết quả một bộ Tân Pháp Chế ra đời năm 1542 nghiêm cấm chế độ nô lệ và ra lệnh rà soát lại hệ thống tổ chức các enconmienda.

Năm 1544, được bổ nhiệm làm giám mục Chiapas (Mexico), đức cha Las Cassas càng dốc hết sức để vận dụng bộ Tân Pháp Chế vào thực tế nhằm bênh vực dân bản xứ. Các quan chức thuộc địa phản công kịch liệt. Mặc dầu bị ép buộc phải trở về Tây Ban Nha, người vẫn tiếp tục lên tiếng bảo vệ các thổ dân. Nhờ công lao của người, dần dần ở Tây Ban Nha người ta mới bắt đầu ý thức về sự bình đẳng của tất cả mọi con người và mọi chủng tộc. Người còn giúp cho ai nấy nhìn nhận rằng: tình trạng ngoại đạo của các dân tộc không hề biện chính cho việc sử dụng bạo lực trong công cuộc truyền giáo.

Thật đáng tiếc khi tiếng nói của lương tri, của đạo lý không được lắng nghe bởi vì sau 5 thế kỷ gọi là “khai hóa” Tân lục địa, người Châu Âu đã xóa sổ cả một nền văn minh lâu đời của dân bản xứ Aztec, một nền văn minh có lẽ không thua kém các nền văn minh cổ xưa nhất ở những đại lục khác. Châu Mỹ hiện nay chỉ thuần là một bản sao trung thành của Tây Âu, từ văn hóa, chính trị, kinh tế, cho đến Kitô giáo!

Tại “Lục Địa Đen”, từ thế kỷ 19, công cuộc truyền giảng Tin Mừng được thúc đẩy mạnh mẽ với vị thừa sai đầy nhiệt huyết là đức hồng y Lavigerie. Xuất thân là giáo sư lịch sử Hội thánh tại đại học Sorbonne, người cặn kẽ nghiên cứu Hồi giáo và văn hóa Ả-rập. Năm 1867, người được bổ nhiệm chức giám mục Alger (Algeria). Người thành lập Hiệp Hội các thừa sai Châu Phi, quen gọi là Dòng Các Cha Áo Trắng và các Chị Áo Trắng, để thực hiện ước mơ thiết tha của người là tái lập một Châu Phi Kitô giáo như tình trạng trước kia của vùng đất này vào các thế kỷ đầu, nơi từng sản sinh ra bao vị thánh lừng danh như Atanaxiô, Cơlementê, Xirilô, Âu Tinh… Người thành lập cả hàng Kitô giáo, dựng vợ gả chồng cho các thanh niên, thiếu nữ mồ côi do các Cha, các Chị Áo Trắng nuôi dạy. Năm 1882, người được phong Hồng y, kiêm nhiệm tổng giáo phận Tunis (Tunisia), là đại diện Tông Tòa vùng Sahara và Sudan, đồng thời là Thượng Phụ toàn vùng Châu Phi. Kế hoạch truyền giảng Tin Mừng của người được xúc tiến bằng việc huấn luyện các thừa sai có khả năng thích nghi với các phong tục địa phương, ngôn ngữ thực phẩm, nhà ở, y phục của dân bản xứ. Mối quan tâm lớn nhất của người là dùng chính người Châu Phi để Châu Phi hóa Hội Thánh địa phương. Người cực lực chống lại chế độ nô lệ vẫn đè trên đầu trên cổ dân da đen. Măc cho bao khó khăn, chống đối của các chính quyền Hồi giáo, ngày nay công cuộc của người vẫn đang được tiếp tục với sự hiện diện của các Cha và các Chị Áo Trắng tại 25 nước khác nhau trên Lục Địa đen này.

3. Công đồng Vatican II: cuộc đối thoại giữa Tin Mừng với các nền văn hóa:

Trên tất cả mọi nỗ lực của cá nhân cũng như cộng đoàn trong Hội thánh nhằm thực hiện công cuộc HNVH phù hợp với tinh thần Tin Mừng phải kể đến những đóng góp có tính chủ đạo và quyết định của công đồng Vatican II, một hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho Hội thánh trong thế kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai này.

Với đường hướng canh tân nội tình để mở ra với thế giới bằng tinh thần đối thoại, Hội thánh nhìn nhậnvà tôn trọng mọi giá trị tích cực tiềm tàng trong các nền văn hóa, các tôn giáo (xc Hiến Chế Hội Thánh, số 16, và Sắc lệnh Truyền Giáo, số 9), mặc dầu không ngại trình bày các giá trị Tin Mừng như chân lý tuyệt đối, nền tảng của hạnh phúc thật sự và vĩnh hằng của loài người. Hiến chế tín lý về Hội Thánh mở đầu bằng cụm từ La ngữ Lumen Gentium nghĩa là Áng sáng các dân tộc, ngụ ý Đức Giêsu, Áng Sáng trần gian (xc. Ga 8,12), luôn hiện diện trong Hội Thánh, Thân Thể Mầu Nhiệm của Người, và Hội Thánh phải luôn chu toàn vai trò “đèn soi nó thế gian” (xc. Mt 5,14), tận tụy với sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các dân, các nước, sứ mạng Ad gentes, đến với muôn dân, như cụm từ La tinh dẫn vào sắc lệnh Truyền giáo, do chính Đức Kitô ủy thác trước lúc Người lên trời (xc. Mc 16,15). Hội thánh phải đi bước trước, tìm đường, mở lối để đến với (ad), bằng thái độ trọng thị, bằng tinh thần đối thoại, chứ không chống đối (ccontra), những người không cùng tuyên xưng niềm tin như mình, không miệt thị họ là kẻ ngoại đạo (gentiles), đúng như tinh thần của Đức Kitô, Đấng đến với con người để cứu vớt chứ không phải để kết án tiêu diệt (xc. Ga 3,17).

Tuy nhiên, có thể nói văn kiện liên quan đến vấn đề HNVH nhiều hơn lại là hiến chế về Phụng vụ, trong đó, đặc biệt nhất là các quy định cho sử dụng ngôn ngữ địa phương, áp dụng các đặc trưng văn hóa, nghệ thuật của mỗi dân tộc vào việc tôn thờ, chuc tụng Thiên Chúa (các số 36-40, 119 và 123).

Các đức thánh cha, đăc biệt là đức Phaolô VI và đức Gioan Phaolô II, không ngừng khích lệ các Hội thánh địa phương thúc đẩy tiến trình HNVH để tạo môi trường thuận lợi cho việc loan báo Tin Mừng. Trong Tông huấn Loan báo Tin mừng (Evangelii Nuntiandi), bna hành ngày 8.12.1975, đức Phaolô VI chủ trương rằng: truyền bá Tin Mừng chính là để canh tân toàn nhân loại, kể cả những người ngoài Kitô giáo, bởi vì Đức Kitô là ơn cứu độ của con người và của tất cả mọi người. Bởi đó, Hội Thánh phải mở ra với hết mọi người, mọi quốc gia, mọi giá trị, mọi nền văn hóa. Tuy nhiên, đức thánh cha cũng cho biết là ở thời điểm cuối thế kỷ này, có một sự đoạn giao giữa Tin mừng và văn hóa. Việc Hội nhập Tin mừng vào một nền văn hóa địa phương không phải đơn giản là tìm cách diễn đạt Tin Mừng trong cái khung, cái vỏ bọc của nền văn hóa ấy, mà phải là một nỗ lực thật lớ n lao để, nhờ việc truyền giảng Tin mừng, sức sống Thiên Chúa biến đổi, tái tạo và thúc đẩy văn hóa trở thành một nhân tố mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng các giá trị nhân bản (số 20).

Về nhân đức thánh cha Gioan Phaolô II, trong tông huấn Hội Thánh Châu Phi (Ecclesia in Africa), công bố ngày 4.9.1995, người đề cập đến việc Phúc Âm hóa công cuộc hội nhập văn hóa, coi đó như tiến trình để giáo lý trở nên có da có thịt trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Theo người, HNVH bao gồm hai chiều kích: một mặt là cuộc biến đổi sâu xa của các giá trị văn hóa chân chính nhờ việc hội nhập các giá trị đó vào Kitô giáo, mặt khác, đó là việc tháp nhập Kitô giáo vào những nền văn hóa của con người (số 59). Qủa thật, HNVH là một trách vụ khó khăn và tinh tế, bởi lẽ công việc này đòi hỏi phải trung thành với Tin Mừng và Truyền thống các Tông Đồ giữa bao nỗi thăng trầm của các nền văn hóa (số 62).

Như vậy, cụm từ HNVH dùng để chuyển nghĩa từ inculturation mặc nhiên bao hàm ngữ cảnh Kitô giáo, nghĩa là giữa HNVH và Tin Mừng hóa có mối quan hệ sâu sắc, thiết yếu với nhau: HNVH Kitô giáo là một thành tố quan yếu, hữu cơ, trong toàn bộ tiến trình Phúc âm hóa các dân tộc.

II. VẤN ĐỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA:

Sau 20 thế kỷ truyền giảng Tin Mừng cho thế giới, Hội Thánh đã hình thành được một nền văn hóa Kitô giáo, nhất là trên cực lục địa. Tại đây, Tin Mừng đã được chuyển hóa thánh máu huyết, thành linh hồn của các dân tộc sống ở châu lục này. Cso thể dễ dàng nhận ra nguồn cội Tin Mừng của những quan niệm về nhân quyền, bình đẳng, tương thân tương ái, bảo vệ môi trường… vốn rất được trọng thị trong xã hội Âu Mỹ.

Tuy nhiên, mô hình văn hóa đó lại mang đậm nét văn hóa la tinh, hay có thể nói là văn hóa của người Rôma, với tinh thần nệ luật và duy lý, với cách xử thế thực dụng đến mức thô lỗ.Những đặc trưng này hoàn toàn khuất phục và thuần hóa các bộ tộc dân du mục, tổ tiên của người Châu Âu, đến độ trở thành đặc tính, bản chất của họ. Người Châu Âu dễ tìm thấy nhiều nét tương đồng giữa họ về ngôn ngữ, văn hóa, văn minh, tư tưởng và nhất là tôn giáo. Song rõ ràng bao nhiêu bản sắc riêng của mỗi bộ tộc đã bị hủy diệt. Viễn ảnh một Châu Âu thống nhất sắp tới đây ít nhiều cũng gây quan ngại là các quốc gia trên đại lục này lại phải hy sinh thêm những sắc thái địa phương của mình. Mối lo âu đó đã qua muộn màng đối với các Tân lục địa như Châu Mỹ và Châu Úc. Nền văn hóa bản địa ở hai nơi này hoặc đã bị xóa sổ hoặc chỉ còn là thứ văn hóa pha trộn, lai căng. Đấy cũng là những gì được lặp lại tại các nước cựu thuộc địa của các đế quốc phương Tây. Văn hóa, văn minh Tây Âu, được hậu thuẫn của sự giàu có, tiện nghi, hàng hóa từ các quốc gia kỹ nghệ tiên tiến, ào ạt tràn vào các nước nghèo, đe dọa phá hủy bản sắc văn hóa lẫn các truyền thống đạo đức của họ.

Và điều tất nhiên phải xảy đến là phản ứng đề kháng, tự vệ của các dân tộc “nạn nhân”. Những phong trào đấu tranh dành độc lập, giải phóng dân tộc, chống các hình thức chủ nghĩa đế quốc chính trị, kinh tế, văn hóa và cả tôn giáo nữa, và đôi khi, cách này hay cách khác, tôn giáo bị coi như một công cụ của thực dân, hoặc tệ hơn đứng hẳn về phía lực lượng xâm lược, thống trị. Thái độ phản kháng rất thường dẫn óc bài ngoại âm ỉ, tạo hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa.

Trong bối cảnh đó, việc HNVH Kitô giáo tất nhiên trở thành một nan đề, nói riêng ở các nước từng là nạn nhân của văn minh Âu Mỹ. Và Việt Nam là một trường hợp điển hình.

Cùng chung số phận với nhiều quốc gia khác ở Châu Á, Việt Nam đã đón nhận văn minh phương Tây một cách chính yếu trong bối cảnh gần 100 năm đô hộ của người Pháp. Đã có những giai đoạn trong lịch sử, việc thích ứng, “hội nhập” với văn hóa phương Tây bị đồng hóa với tội danh “theo Tây”, nghĩa là “theo giặc”, là “phản quốc”.

Đáng tiếc hơn nữa, Kitô giáo bị coi như đã dính líu vào hành vi xâm lược của ngoại bang. Mặc dầu người Kitô hữu Việt Nam có đủ chứng cớ lịch sử để phản bác điều vu khống cho rằng Hội thánh Việt Nam là “con đẻ” của chế độ thực dân, song phải nhìn nhận thực tế này là cho đến nay, người Kitô hữu nói chung, và Hội thánh Công giáo nói riêng, vẫn bị coi như một thứ ngoại vật gây lo âu, khó chụ cho đa số còn lại của dân tộc, nhất là thành phần trí thức ngoài Kitô giáo.

Đã hẳn, không thể phủ nhận những đóng góp lớn lao của Hội thánh cho dân tộc Việt Nam về mặt văn hóa, giáo dục, xã hội, nhất là công trình hoàn chỉnh hệ thống chữ quốc ngữ, nhưng rõ ràng còn rất nhiều trở lực và chướng ngại trên con đường đưa sứ điệp Tin mừng đến với 90% đồng bào Việt Nam, khi mà bộ măt Hội thánh Việt Nam, ngôn từ và tâm tưởng của người Kitô hữu Việt Nam, cách diễn đạt niềm tin Kitô giáo của giáo sĩ, tu sĩ và tầng lớp trí thức Kitô hữu vẫn còn khá xa lạ với văn hóa, tình tự dân tộc, nói khác đi còn quá “Tây” hoặc hơn cả Tây!

Chính vì vậy, công cuộc HNVH trở nên vừa hết sức bức thiết, vừa vô cùng khó khăn. Đây quả là một thách đố lớn cho Hội Thánh Việt Nam. Một đàng, không thể thúc đẩy công cuộc Tin Mừng hóa nếu không hoàn thành việc HNVH. Đàng khác, không thể và không được phép sử dụng việc HNVH như một chiến thuật tư tưởng để biện minh, biện giáo, hoặc tệ hơn để chiêu dụ, “rửa tội” văn hóa dân tộc và các tôn giáo khác, hay chí ít để tuyên truyền tính ưu việt của Kitô giáo được đồng hóa với thế lực ghê gớm của một cơ chế tôn giáo có tính quốc tế.

Trong tính thần thật nghiêm túc, phải đặt vấn đề HNVH thành chủ trương của cấp lãnh đạo và của toàn thể Hội Thánh Việt Nam, để những ý tưởng tốt đẹp như “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, “đem đạo vào đời” không trở thành những khẩu hiệu suông.

Trước hết, thiết nghĩ cần có những công trình nghiên cứu thật sâu xa về văn hóa dân tộc cũng như về các tôn giáo lớn của Châu Á từng có ảnh hưởng đậm nét trên văn hóa Việt Nam. Qua việc nghiên cứu này, có thể phân biệt yếu tố nào thực sự là của dân tộc, là truyền thống của tổ tiên Lạc Hồng, yếu tố nào của các dân tộc, các tôn giáo ngoại nhập đã được thích nghi, được Việt hóa, hoặc được coi là truyền thống dân tộc. Đó sẽ là những tiền đề vững chắc cho một công cuộc HNVH đúng nghĩa, tranh được những ngộ nhận cho rằng Hội thánh chỉ làm một việc xu thời, vá víu với việc sử dụng bát nhang, lư hương, áo thụng, vài từ ngữ nhà Phật trong phụng vụ, uốn cong mái nhà thờ theo mái đình, áo dụng lối ngồi thiền trong khi nguyện gẫm… Trong tinh thần đối thoại và hợp tác, các công trình nghiên cứu này có thể mở rộng cho các nhà chuyên môn ngoài Kitô giáo, kể cả việc gởi người đến học hỏi nơi các trung tâm văn hóa và tôn giáo bạn.

Và một công cuộc dài hơn, tinh tế như việc HNVH, tất nhiên rất cần có chinh sách giáo dục cho mọi tầng lớp tín hữu, nhất là giáo sĩ, tu sĩ va giới trẻ. Không thể có HNVH nếu không có những con người, những Kitô hữu, yêu mến và am hiểu về HNVH. Thiết nghĩ nên đưa vấn đề HNVH vào chương trình huấn luyện đào tạo giáo sĩ, tu sĩ cũng như giới trí thức Kitô giáo Việt Nam.



Ước mong nỗ lực HNVH sẽ góp phần xây dựng một Hội Thánh Việt Nam không những nơi những gì có tính ngoại hình, mà còn có cả một hơi thở, một sức sống, một thần hồn thật sự là Việt Nam, trong khi vẫn hiệp thông trong nguồn lực Kitô giáo với Hội thánh phổ quát.