Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

GIỚI THIỆU THÔNG ĐIỆP LUMEN FIDEI

Thời sự Thần học - Số 61 - tháng 8/2013, tr. 206-215

_Tsth_

Trong Năm Đức tin, Thông điệp Lumen fidei hẳn là một vấn đề thời sự thần học số một. Bài này cũng chỉ giới hạn vào việc nêu bật vài điểm mang tính cách thời sự thần học. Thật vậy, khi vừa mới ban hành, câu hỏi đầu tiên mà nhiều người đã nêu là: tư tưởng của thông điệp là của đức Bênêdictô XVI hay của đức Phanxicô? Hầu hết các nhà bình luận đều nhận thấy giọng văn của đức Bênêđictô, qua những trích dẫn thánh Augustinô (nhiều hơn là thánh Tôma), các nhà tư tưởng cận đại (như J.J. Rousseau, F. Nietzsche, F.M. Dostoevskij, L. Wittgenstein, R. Guardini, T.S. Eliot), cũng như qua những vấn đề được thường nhắc đến trong các bài viết ngay từ khi còn làm giáo sư, chẳng hạn như: chân lý, tự do, hiệp thông[1]. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đi vào vấn đề nguồn gốc tư tưởng, nhưng chỉ muốn nêu bật một vài điểm nhấn khi bàn về bản chất của đức tin.

I. Tựa đề và dẫn nhập


Tựa đề của thông điệp Lumen fidei đã nói lên một lối tiếp cận vấn đề đức tin khá độc đáo. Đức tin là một thực tại đa diện, và đã được truyền thống thần học phân biệt ra nhiều khía cạnh để nghiên cứu, chẳng hạn như: fides quae (những đạo lý đức tin) và fides qua (nhìn từ phía chủ thể của người tin); hoặc những chiều kích của đức tin được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo tóm lại thành bốn: professio fidei (tuyên xưng đức tin), celebratio fidei (cử hành đức tin), vita fidei (đời sống đức tin), oratio (cầu nguyện)[2]. Đó là chưa kể một thuật ngữ rất quen thuộc mà chúng ta được nghe hằng ngày trong Thánh lễ: Mysterium fidei (mầu nhiệm đức tin). Một điểm chung cho tất cả những thuật ngữ vừa nói qua là nhìn đức tin từ phía con người: đức tin được quan niệm như sự đáp trả của con người đối với mạc khải của Thiên Chúa. Thuật ngữ porta fidei (cánh cửa đức tin), - được dùng làm tựa đề cho tự sắc công bố Năm đức tin -, cũng nằm trong viễn tượng đó: đức tin là cánh cửa mở cho con người đến tiếp xúc với Thiên Chúa. 

Ngược lại, tựa đề lumen fidei khởi đi từ phía Thiên Chúa hơn là từ phía con người: đức tin là ánh sáng Chúa ban cho con người để soi sáng hành trình lịch sử của cá nhân cũng như của toàn thể nhân loại. Trong truyền thống thần học[3] thuật ngữ lumen fidei được dùng để ám chỉ ơn thánh của Chúa hỗ trợ lý trí con người để chấp nhận những chân lý vượt quá khả năng trí tuệ; lumen fidei mở màn cho lumen gloriae sau này, khi chúng ta sẽ nhìn và thấy Thiên Chúa diện đối diện. Ánh sáng đức tin cho phép chúng ta thông dự vào sự hiểu biết của Thiên Chúa, nhìn mọi vật theo nhãn giới của Thiên Chúa. Như vậy, thông điệp bàn về khía cạnh chủ thể (fides qua) hơn là khía cạnh khách thể (fides quae) của đức tin. Thông điệp cũng giải thích các văn kiện của Vaticanô II theo chiều hướng ấy: công đồng được gọi là “công đồng về đức tin” (số 6) bởi vì đã trình bày một cái nhìn về các thực tại nhân sinh dưới ánh sáng đức tin.

Sau dẫn nhập giới thiệu đề tài (số 1-7), thông điệp được chia ra làm bốn chương, trình bày những khía cạnh của đức tin: tin và yêu (chương một), tin và chân lý (chương hai), tin và hiệp thông (chương ba), tin và xây dựng xã hội (chương bốn). Có thể nói: hai chương đầu vạch ra tính cách “cá vị” của đức tin; còn hai chương cuối nói đến tính cách “cộng đồng” của đức tin.

II. Chương Một


A. Nội dung


Chương thứ nhất (số 8-22) với tựa đề: “Chúng tôi đã tin vào tình yêu”, có thể xem như một thứ trình bày về bản chất đức tin dựa theo Kinh Thánh: tin gắn liền với hy vọng và tình yêu. Điều này được thấy nơi mẫu gương của Abraham, một người đặt niềm tin tưởng và hy vọng vào tình yêu hiền phụ của Thiên Chúa. Ngược lại, nơi lịch sử của dân Israel, ta đọc thấy âm bản của đức tin: một khi không còn can đảm tin tưởng vào Thiên Chúa, con người rơi vào tôn thờ ngẫu tượng.

Một chặng mới của đức tin được mở ra với Đức Giêsu. Người mạc khải tình yêu Thiên Chúa qua cuộc sống và cái chết của mình. Người trở thành chứng nhân đáng tin cậy cho tình yêu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Người không chỉ là một mẫu gương của kẻ có lòng tin, nhưng còn là điểm tựa của đức tin. Tin là nghe lời Người, tin tưởng vào Người, chia sẻ quan điểm của Người, lối nhìn của Người. Việc tin tưởng này hàm ngụ một mối dây tình yêu, tình yêu được trao ban do Thánh Linh. Tin là mở cửa lòng cho tình yêu của Thiên Chúa: đón nhận tình yêu và để cho tình yêu làm biến đổi cuộc đời. Nhờ đức tin, con người trở thành phần tử Hội thánh, tuyên xưng và loan báo đức tin trong sự hiệp thông với cộng đồng các tín hữu.

B. Nhận xét


Như vậy, khi ôn lại khái niệm về đức tin trong Kinh Thánh, chương Một cho thấy sự liên hệ giữa đức tin với hy vọng và yêu mến. Chúng ta thường tách ra thành ba “nhân đức đối thần”, nhưng chúng rất liên hệ chặt chẽ với nhau. Một hệ luận là chúng ta tiến tới đức tin không chỉ bằng con đường của suy luận lý trí mà còn bằng con đường của yêu thương. Trên thực tế, đàng sau những hàng ngắn ngủi, ta thấy thông điệp trả lời cho những vấn nạn về đức tin được nêu lên từ thời công đồng Vaticanô I:

– Con người khoa học phải dựa trên chứng cớ hiển nhiên: vì thế không thể nào chấp nhận một kết luận khi chưa được chứng minh. Trả lời: đó là nói trên nguyên tắc. Trên đời này, đâu có ai kiểm chứng nổi tất cả mọi mệnh đề. Mình phải dựa vào uy tín của những nhà chuyên môn nữa chứ (xc. số 18).

– Làm sao lý trí có thể chấp nhận những điều vượt qua khả năng hiểu biết của mình? Trả lời: đức tin vừa là hành vi của lý trí vừa là hành vi của ý chí. Ý chí thúc giục lý trí chấp nhận chân lý mạc khải vì tin tưởng vào Thiên Chúa là Chân lý, là Sự thiện. Mặt khác, tình yêu cũng là nguồn hiểu biết (đành rằng “vô tri bất mộ”, nhưng mà “vô mộ” thì cũng “bất tri”). Dù sao, tuy dù tin là hành vi của con người, nhưng đồng thời tin cũng là ân sủng của Thiên Chúa. Đây là vấn đề được thần học đặt tên là analysis fidei.

III. Chương Hai


Chương Hai (số 23-36): Nếu các ngươi không tin thì các người sẽ không hiểu (Is 7,9). Đề tài chính của chương này là mối liên hệ giữa đức tin với chân lý.

A. Nội dung


Chương này mở đầu bằng việc phân tích bản văn Isaia (7,9) theo nguyên bản Do-thái và theo bản dịch LXX. Theo nguyên bản, câu văn là “nếu các ngươi không tin thì các ngươi sẽ không đứng vững”, nhưng câu văn đã được dịch sang tiếng Hy-lạp thành “nếu các người không tin thì các người sẽ không hiểu”. Thánh Augustinô đã kết nối hai ý nghĩa ấy để nêu bật mối liên hệ giữa đức tin và chân lý.

Đề tài này được thông điệp nhấn mạnh do tính cách thời sự của nó, trước trào lưu hoài nghi đối với chân lý (chủ nghĩa tương đối), cũng như trước những khuynh hướng đề cao chiều kích cảm nghiệm tâm linh nơi đức tin hơn là chiều kích chân lý.

Đối lại, thông điệp cho thấy rằng: chân lý và tình yêu gắn liền với nhau. Tình yêu mà thiếu chân lý thì dễ thành nông nổi, tăng giảm tùy theo cảm hứng; chân lý giúp cho đức tin được khách quan. Mặt khác, vì chân lý gắn với tình yêu cho nên nó không muốn áp đặt lên người khác, nhưng tìm cách đối thoại. Chân lý là nền tảng cho cuộc đối thoại giữa đức tin với lý trí, giữa đức tin và khoa học, giữa Kitô giáo với các tôn giáo, giữa các Kitô hữu với những người vô tín ngưỡng nhưng đang tìm kiếm sự thật và sự thiện.

Sau cùng, nhờ liên hệ giữa đức tin và chân lý mà nảy sinh thần học. Tuy nhiên thần học không dừng lại ở chân lý như là một đối tượng, nhưng tiến tới gặp gỡ một Chủ thể, đó là Thiên Chúa là nguồn mạch mọi hiểu biết.

B. Nhận xét


Như vậy, nếu chương Một nhấn mạnh đến khía cạnh Tình yêu trong đức tin, thì chương Hai nêu bật khía cạnh Chân lý. Chân lý và Tình yêu gắn liền với nhau nơi Thiên Chúa. Sự liên hệ giữa tình yêu và chân lý trong đời thường cũng được phân tích ở số 27.

Mối liên hệ giữa đức tin và chân lý đã được huấn quyền đề cập từ công đồng Vaticanô I. Tuy nhiên, vào thời ấy, Giáo hội quan tâm đến tương quan giữa đức tin và lý trí (triết học và khoa học), thời nay, Giáo hội còn chú ý đến việc đối thoại với các tôn giáo khác. Có người muốn nêu bật khía cạnh cảm nghiệm tôn giáo hơn là chân lý. Người khác thì sợ rằng đụng đến chân lý thì sẽ gây ra tranh cãi (ai đúng ai sai), và như vậy làm ngăn trở cuộc đối thoại. Thông điệp trả lời rằng chân lý gắn với tình yêu thúc đẩy việc đối thoại, và sự tìm kiếm chân lý sẽ dẫn đến Đức Kitô, tương tự như ánh sáng soi dẫn các hiền sĩ đến Belem. Trong bối cảnh này, việc trích dẫn huấn thị Dominus Iesus không phải là tình cờ (xem chú thích số 31). 

IV. Chương Ba


A. Nội dung


Chương Ba (số 37-49): “Tôi truyền lại điều tôi đã lãnh nhận” (1Cr 15,3) bàn về chiều kích hiệp thông của đức tin.

Tình yêu liên kết tất cả những người có lòng tin nên một, bởi vì tất cả đều thông hiệp vào tình yêu của Thiên Chúa. Đức tin dẫn người tín hữu ra khỏi cái Tôi để gia nhập vào Chúng Tôi. Sự liên kết giữa những tín hữu được nhìn theo thời gian và không gian được trình bày dưới đề tài “thông truyền đức tin”. Đức tin được thông truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, điển hình qua việc cha mẹ giáo dục đức tin cho con cái. Đức tin được thông truyền, hôm qua cũng như hôm nay, nhờ lời giảng dạy, các bí tích (đặc biệt là bí tích Thánh tẩy và Thánh Thể), việc tuyên xưng đức tin trong Hội thánh, bao gồm không những các chân lý đức tin mà còn lời cầu nguyện cũng như những con đường để duy trì sự kết hợp với Thiên Chúa.

Đức tin tạo nên sự hợp nhất trong Hội thánh: một đức tin và một Hội thánh. Điều này nói lên khát vọng hiệp nhất giữa những người cùng tuyên xưng một đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như cho thấy sự cần thiết của cơ quan duy trì sự hợp nhất trong Hội thánh, đó là hàng ngũ các giám mục, thừa kế các thánh tông đồ.

B. Nhận xét


Chương này nói đến chiều kích Hội thánh của đức tin, được sách Giáo lý Hội thánh Công giáo diễn tả qua hai công thức của tín biểu: “Tôi tin” (tín biểu rửa tội) “Chúng tôi tin” (tín biểu công đồng). Đức tin vừa biểu lộ sự đáp trả cá nhân đối với Thiên Chúa mạc khải, vừa tạo ra dây liên kết giữa những người cùng chia sẻ một niềm tin. Trên thực tế, mỗi người chúng ta lãnh nhận đức tin qua trung gian của cộng đồng Hội thánh. Đức tin được truyền thông qua Hội thánh nhờ lời giảng và các bí tích.

Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói đến fides Ecclesiae (đức tin của Hội thánh). Thuật ngữ này không chỉ hiểu về toàn bộ những đạo lý đức tin (đức tin theo nghĩa khách thể) nhưng còn về đời sống đức tin của cộng đoàn (đức tin theo nghĩa chủ thể). Hội thánh là một cộng đoàn tuyên xưng đức tin. Dựa trên niềm thâm tín ấy mà Giáo hội ban bí tích rửa tội các nhi đồng (x. số 43). Tuy các em chưa có khả năng tuyên xưng đức tin cá nhân, nhưng Hội thánh là mẹ tuyên xưng thay cho các em: các em bé được rửa tội “trong đức tin của Hội thánh”; Hội thánh là mẹ sinh ra các em trong đức tin.[4]

V. Chương Bốn


Chương Bốn (số 50-60): Thiên Chúa chuẩn bị cho họ một đô thành (Dt 11,16), giải thích mối liên hệ giữa đức tin và công ích, dẫn tới việc thiết lập một nơi mà con người có thể sống chung với nhau.

A. Nội dung


Chương Ba đã nói đến mối dây liên kết các tín hữu thành một cộng đoàn Hội thánh. Chương Bốn mở rộng mối dây ấy đến cộng đoàn xã hội nhân loại. Đức tin, phát sinh từ tình yêu của Thiên Chúa, siết chặt những mối dây giữa con người với nhau, và dẫn đến việc phục vụ công lý và hòa bình. Như vậy, đức tin không chỉ liên quan đến mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa và thế giới vĩnh hằng, nhưng còn liên quan đến mối liên hệ giữa con người với con người và với thế giới trần thế. Đối lại, nếu thiếu đức tin vào Thiên Chúa, những mối tương quan xã hội sẽ không bền bỉ: người ta đến với nhau chỉ vì lợi ích tư riêng, chứ không vì tình yêu chân chính nhắm đến thiện ích chung.

Tiếp đến, thông điệp trưng dẫn vài lãnh vực xã hội mà đức tin có thể mang ánh sáng để định hướng: gia đình, tuổi thanh niên, việc xây dựng xã hội bình đẳng, sự phát triển, bảo vệ môi trường, chính trị. Sau cùng, ánh sáng đức tin chiếu soi vào lãnh vực đen tối nhất của nhân sinh, cho thấy ý nghĩa của sự đau khổ.

B. Nhận xét


Nghĩ đến đức tin, chúng ta thường liên tưởng đến việc chấp nhận những mầu nhiệm vượt quá tầm hiểu biết của lý trí: những mầu nhiệm ấy chẳng ăn nhập gì với cuộc sống hiện tại.

Khi trình bày đức tin như là “ánh sáng”, thông điệp cho thấy rằng đức tin có liên hệ chặt chẽ với cuộc sống trần thế: đức tin cho ta thấy ý nghĩa của cuộc đời cũng như giá trị chân chính của các thực tại xã hội (gia đình, chính trị, kinh tế). Đây là nền tảng của “học thuyết xã hội của Giáo hội” như chúng ta có thể đọc được trong hiến chế “Vui mừng và hy vọng” của công đồng Vaticanô II. Ngược lại, nếu gạt bỏ Thiên Chúa, chân lý, tình yêu ra khỏi đời sống xã hội, thì không hy vọng gì xây dựng một cộng đồng nhân loại huynh đệ bình đẳng.

Mặt khác, thông điệp cũng nhắc nhở các tín hữu rằng đức tin không cho phép chúng ta sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, nhưng đức tin mang theo một yêu sách xây dựng xã hội. Nói cho cùng, đấy cũng là yêu sách của tình yêu, liên kết chặt chẽ với đức tin.

Kết luận


Như đã nói ở đầu, tựa đề “ánh sáng đức tin” đã chọn lựa một lối tiếp cận trong nhiều lối tiếp cận đức tin. Đức tin được ví như ánh sáng: nhờ đức tin, con người được chia sẻ vào sự hiểu biết của Thiên Chúa, và nhìn mọi sự theo nhãn giới của Người. Thuật ngữ “ánh sáng đức tin” (lumen fidei), dựa theo Kinh Thánh (Mt 11,25; 16,17; Cv 16,14; 1Cr 1,10; 2Cr 4,4-6; Ep 1,17; 4,17-19; Cl 1,21; 3,9-10) cũng giống với nhiều thuật ngữ tương đương, chẳng hạn như “cặp mắt đức tin” (oculus fidei một thuật ngữ cũng dựa trên Kinh Thánh: 1Pr 1,8-9) hoặc “bản năng đức tin” (instinctus fidei) hay “cảm thức đức tin” (sensus fidei) được gặp thấy nơi nhiều nhà thần học, chẳng hạn như thánh Tôma Aquinô (Summa Theologica I-II, q.2, a.9, ad 3m).

Như vậy, đây là lối tiếp cận của thần học căn bản, suy tư về bản chất của đức tin, chứ không đi vào những vấn đề “mục vụ” của đức tin, chẳng hạn như: làm thế nào loan truyền đức tin cho thế giới hôm nay, các nghĩa vụ liên quan đến đức tin (tuyên xưng, học hỏi, loan truyền, chứng tá, v.v.), những thử thách cho đức tin trong thời buổi hôm nay. Những vấn đề này phần nào đã được đề cập trong tự sắc Porta fidei và chắc chắn sẽ được bàn rộng trong Tông huấn hậu thượng Hội đồng Giám mục về “Loan báo Tin Mừng cách mới mẻ.”
_____________

[1] Nên ghi nhận hai câu nói vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ của hai vị giáo hoáng: “Người tín hữu không bao giờ lẻ loi đơn độc” (số 39). “Chúng ta đừng để cho hy vọng bị đánh cắp” (số 57). 
[2] x. Phan Tấn Thành, “Đức tin trong thần học,” Thời sự thần học - Số 58, 
tr. 43. 
[3] Chẳng hạn như thánh Tôma Aquinô: Summa Theologica, I, q.12, aa.1.5.11. 
[4] x. Bộ Giáo lý đức tin, Huấn thị Pastoralis actio (20/10/1980).