Thời sự Thần học – Số 11 – Tháng 3/1998, tr. 74-81
Vô Trú
Trên cầu đạo Bồ Đề, dưới phát nguyện hóa độ tất cả chúng sanh, đó là Đại Thừa. Nói kiểu khác, là Đạo Bồ Tát “tự giác, giác tha”. Thừa là cỗ xe, Đại Thừa tức cỗ xe lớn chuyên chở tất cả chúng sanh về biển lớn Chân Tâm Phật Tánh bất sanh bất diệt.
Bồ Tát, gọi tắt của Bồ Tát Đạo (Bodhisattva), nghĩa là “giác ngộ chúng sinh hữu tình”, tức kẻ phát tâm đại nguyện sâu xa rộng lớn, trên cầu đạo Bồ Đề (giác ngộ), dưới thề nguyện không bao giờ thể nhập vào chốn an vui tĩnh tịch Niết Bàn bao lâu còn một chúng sinh đau khổ. Bồ Tát sẵn sàng hóa thân hay thị hiện thành bất cứ người gì, để chỉ một niềm cung kính hiến dâng bố thí trọn vẹn thân mạng, hều tiếp dẫn chúng sinh từ bờ mê đến biển giác.
Trên cầu Đạo Bồ Đề, Bồ Tát thề nguyền thể nhập vào biển lớn Chân Như bất khả tư nghi, là Tánh Không siêu việt, là Pháp Thân Thường Trụ, vượt trên mọi hình tướng, ý niệm, ngôn từ, không gian, thời gian tương đối. Tức là, chỗ y cứ của Phật Giáo Đại Thừa là Tuyệt Đối Chân Không bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Như thế, cầu Đạo Bồ Đề thực sự, là vô cầu, vô đắc, vô tư, vô chứng. Bồ Tát giải thoát mình khỏi ngay cả sự ràng buộc tu chứng (có tu thì sẽ có chứng) theo nhân quả tương đối kiểu Tiểu Thừa. Theo những hình tướng sinh diệt nhân quả tương đối thế gian, thực sự cần phải bỏ có cầu, có tu, có tập, có đắc, có chứng. Theo thứ lớp, tu nhiều chứng nhiều, tu ít, chứng ít; cũng như, cần phải có xả ly, có xa lánh, có tách biệt, có khinh chê, có tĩnh lặng, thì mới đạt đến được quả vị Niết Bàn.
Trong Thể Tánh Chân Không Tuyệt Đối bất khả tư nghì (không thể suy nghĩ luận bàn), vượt trên mọi hình tướng, vượt trên mọi “định luật” của thế gian tương đối, thì làm gì có nhân và quả, đến và đi, thường và vô thường, ngã hay vô ngã, tu với chứng. Bồ Tát gieo mình vào trong Thể Tánh Siêu Việt, nên hoàn toàn vô phân biệt, thênh thang tự tại, an nhiên tung hoành, thần thông du hí, chẳng thấy có gì hơn hay kém, rất làm mà chẳng làm, rất tu mà chưa hề có tu, rất chứng mà chưa hề có chứng, rất khổ đau bệnh họan tật nguyền nhưng chưa hề có khổ đau bệnh hoạn tật nguyền, rất vô ngã mà thực sự tràn đầy ngã lạc. Dù “vùi mình vào đống phân trâu, tắm mình trong nước đái ngựa”, lăn xả vào tất cả những phiền não nhơ uế của trần gian, vẫn thực sự đang sống uy dũng bát ngát trong cõi Hoa Nghiêm vi diệu, cũng là cõi Tịnh Độ mầu nhiệm diệu quang.
Đó là “cầu đạo Bồ Đề” tức chẳng có gì để mong cầu nữa.
DƯỚI HÓA ĐỘ CHÚNG SANH
Trên cầu đạo Bồ Đề, dưới phát nguyện hóa độ chúng sanh, vì Đạo Bồ Đề Tuyệt Đối, cũng là Đạo Trí Huệ và Đạo Dũng Mãnh của Tâm Đại Từ Đại Bi vô lượng.
Dưới phát nguyện hóa độ muôn loài, Bồ Tát phát tâm đại nguyện không bao giờ thể nhập vào Vô Dư Y Niết Bàn (Niết Bàn Tuyệt Đối) bao lâu còn một chúng sanh, nhẫn đến con sâu cái kiến đang đắm chìm trong phiền não đau khổ. Bồ Tát sẵn sàng thị hiện (hóa thân) thành tất cả, thành kẻ ăn mày, thành cô gái điếm, thành người trộm cướp, thành quốc vương, thành ma, thành quỉ, thành đống phân trâu; nghĩa là Bồ Tát sẵn sàng luân lưu chìm nổi trong ba cõi và ngàn trùng thế giới, thể nhập vào ác đạo, ma đạo, nhân đạo, thiên đạo, kể cả trở thành a tu la, sức sanh hay ngạ quỉ, để làm tất cả mọi công việc, kể cả các việc phi Bồ Tát, hiện tướng thành những thứ “Bồ Tát nghịch hạnh” trong các cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, để cùng bệnh cái bệnh của chúng sanh, cùng phiền não vọng động với cái phiền não vọng động của chúng sanh, bị cưa xẻ tan xương nát thịt, bị đập đánh hành hạ hoặc chịu những sỉ nhục ghê gớm nhất, miễn là có thể tiếp dẫn hóa độ chúng sanh tới bến bờ Giải Thoát.
HẠNH BỐ THÍ VÀ ĐẠI BI TÂM
Hạnh Bồ Tát như vậy là Hạnh Bố Thí. Bố Thí với tất cả Trí Huệ, Dũng Lực và Đại Bi (Bi, Trí, Dũng). Bố Thí là xả ly để ban tặng dâng hiến tất cả, ban tặng dâng hiến trọn vẹn bản thân. Ban tặng các tài vật (bố thí thực), ban tặng sự an lạc không sợ hãi (bố thí vô úy), nhưng quí giá nhất, là ban tặng con đường giải thoát (bố thí pháp).
Như vậy, hạnh Bồ Tát hay hạnh Bố Thí đương nhiên là cốt tủy của Đạo Bồ Đề, và là một với Đạo Bồ Đề. Nói “trên cầu Đạo Bồ Đề, dưới phát nguyện hóa độ chúng sanh”, thực ra, cũng chỉ là tạm nói. Trong Đạo Bồ Đề, làm gì có trên và có dưới. Đạo Bồ Đề Vô Thượng chỉ có dụng lực vô tận là Đại Bi, Đại Trí, Đại Dũng. Đại Bi, nên yêu thương tất cả mà không còn phân biệt nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, cao thấp, thánh phàm… Đại Dũng, nên mới phát nguyện lớn lao và hành động và hóa thân trùng trùng đến vô cùng nhẫn nhục. Đại Trí, nên tất cả những việc Bố Thí đều được thực hiện giản dị hồn nhiên như mây bay hoa nở, không hề thấy có người bố thí và kẻ thọ nhận bố thí.
ĐẠI TRÍ HUỆ HAY TRÍ BÁT NHÃ, THẤY CÁC TƯỚNG SANH DIỆT THẾ GIAN ĐỀU NHƯ MỘNG HUYỀN
Bố thí ba la mật đến như thế, nhưng Bồ Tát vẫn hoàn toàn an nhiên tự tại (Thường, Lạc, Ngã, Tịnh), vì Bồ Tát không thấy có Bồ Tát là người bố thí, cũng không hề thấy có chúng sanh là người thọ nhận bố thí. Tay phải bố thí nhưng tay tría chẳng hay chẳng biết. Vì Bồ Tát không thấy có chính bản thân mình, không thấy có mình thực là Bồ Tát; đồng thời, Bồ Tát cũng không thấy có người, không thấy có chúng sinh nhân loại, không thấy có không gian và thời gian. An trụ trong Chân Tâm Thường Hằng Bất Sinh Bất Diệt, Bồ Tát thấy tất cả những điều thuộc về thế gian chỉ là những “tướng”: tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả (không gian thời gian). Các “tướng” đều như huyễn, như mộng, như nắng đợn, như chớp lóe, như sương móc, như hoa đốm hư không, như trò ảo thuật. Ngay cả Bồ Tát cũng không có thật.
“Tất cả các tướng đều là hư vọng”. Bồ Tát là kẻ lìa tướng, phi tướng, không chấp tướng, dù là tướng Phật, tướng Bồ Tát, tướng La Hán, huông chi, những tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Một khi “hành thâm Bát Nhã ba la mật đa” như vậy, Bồ Tát kiến chiếu tất cả đều là KHÔNG, đều là SIÊU VIỆT, đều là CHÂN NHƯ, đều là DIỆU HỮU. Vạn pháp, nhẫn đến vô vàn vô số vô biên chúng sanh, nhẫn đến ba cõi của ngàn trùng thế giới, tất cả cũng chỉ là những tâm niệm của CHÂN TÂM BẤT SINH BẤT DIỆT, cũng là MÌNH, là CHÂN NGÃ và cũng chẳng hề là mình là ngã. Mọi biên giới phân biệt ta người, mình nó, trong ngoài, trên đưới, tội phúc, thiện ác, thánh phàm, sống chết, hữu vô, ngã và phi ngã… đều bị xóa nhòa trong TÁNH KHÔNG NGÀN TRÙNG SIÊU VIỆT.
TỨ ĐẠI NGUYÊN CỦA ĐẠI BỒ TÁT
Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ,
Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học,
Phật Đạo vô thường, thệ nguyện thành.
KINH KIM CANG BẤT NHÃ THUYẾT VỀ ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG
Các Bồ Tát Ma Ha Tát nên hàng phục tâm như vầy:
“Tất cả các loài chúng sanh, hoặc hoãn sanh, hoặc thai sanh, hoặc thấp sanh, hoặc hữu sắc, hoặc vô sắc, hoặc hữu tướng, hoặc vô tướng, hoặc phi hữu tướng, hoặc phi vô tướng, ta đều khiến vào Vô Dư Niết Bàn mà diệt độ”.
“Diệt độ vô số chúng sanh như thế, mà thật ra, chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả”.
Tại sao? Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng, ắt chẳng phải Bồ Tát.
MỘT SỐ VỊ ĐẠI BỒ TÁT
QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT: Với lòng từ bi vô hạn, thần lực vô biên, Quán Thế Âm quán sát, xem xét, lắng nghe, thấu cảm cách sâu xa tất cả những âm thanh thống khổ của chúng sanh trong cõi Ta Bà (cõi trần). Ai niệm danh hiệu của Ngài “Nam Mô đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn, Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài bèn đến tận nơi cứu giúp.
Quan Thế Âm Bồ Tát ở vùng đất Á Đông mang tướng nữ, và được coi như người Mẹ dịu hiền thương xót và hằng cứu giúp. Tượng phổ biến về mẹ Quan Thế Âm thường có dung nghi đằm thắm hiền dịu, tay cầm bình tịnh thủy chứa nước thơm ngọt cam lồ, tay cầm cành dương, để rảy cam lồ xuống đâu, khiến dịu mát ngọt lành nơi đó. Chùa Bút Tháp Bắc Ninh nổi tiếng với tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay. Tượng Ngài bế con được gọi là Quân Âm Tống Tử, ai hiếm muộn đến Ngài cầu tự. Tượng Ngài đứng trên lưng rùa giữa biển được xưng tụng là Quan Âm Nam Hải, độ thoát cho những ai gặp sóng gió bão tố.
DI LẶC BỒ TÁT: Di Lặc có nghĩa là từ thị, “người yêu thương”. Ngài sẽ nối tiếp Đức Phật Thích Ca, từ cung trời Đâu Xuất hóa sinh xuống cõi ta bà mà giáo hóa. Ở VN, Đức Di Lặc được gọi là ông “Vô Lo”, tượng là một ông bụng phệ, ngồi ngả lưng, cười hớn hở. Đức Di Lặc là Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ, Ngài sẽ đến, trở thành vị Phật thời tương lai, tiếp nối và thay thế Phật hiện tại là Thích Ca Mâu Ni.
ĐỊA TẠNG BỒ TÁT: Ngài phát nguyện chịu thay mọi hình khổ cưa xẻ vạc dầu để độ thoát tất cả chúng sinh ra khỏi cảnh địa ngục. Các nghĩa trang thường có tượng Bồ Tát Địa Tạng.
VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT: Gọi tắt là Văn Thù, tượng trưng cho Trí Huệ Đại Thừa. Khi Đức Phật Thích Ca giảng kinh Đại Thừa. Đức Văn Thù Sư Lợi luôn đứng hàng đầu các vị Bồ Tát dự pháp dội. Trong các chùa, Tượng Đức Văn Thù thường đứng bên trái Phật Thích Ca, ngồi trên hoa sen trắng, tay cầm cuốn sách.
PHỔ HIỀN BỒ TÁT: Ngài có 10 hạnh nguyện lớn, bảo hộ cho tất cả những ai hoằng dương đạo pháp. Trong các chùa, Ngài cỡi voi trắng sáu ngà, tượng trưng cho sức mạnh của Trí Huệ thắng vượt tất cả, bên phải tượng Đức Phật.
THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT: Ngài luôn luôn không hề khinh dể bất cứ một ai (Thường Bất Khinh), gặp ai cũng thấy đó là một vị Phật, nên trân trọng cung kính đảnh lễ.
SONG TRÙNG HỘI NGỘ GIỮA BỒ TÁT ĐẠO VÀ KITÔ ĐẠO?
Trên cầu Đạo Bồ Đề, dưới hóa độ chúng sanh, là Bồ Tát Đạo. Trên, hết lòng mến Chúa, dưới vô tận yêu người, là Kitô Đạo.
Càng cầu Đạo Bồ Đề, càng thấy thiết tha hóa độ chúng sanh. Càng hóa độ chúng sanh, càng thống thiết thể hiện Chân Tâm Phật Tánh bất sinh bất diệt. Hai nhưng là một, không còn ranh giới, mỗi chúng sinh là Phật. Phật và chúng sinh cũng ở ngay trong từng tâm niêm của chính mình. Với Kitô Đạo, “ai đón tiếp anh em, là đón tiếp Thầy; ai đón tiếp Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”; “Ai dâng tặng cho một trong những người anh em nhỏ hèn này một chén nước lã, là dâng tặng cho chính Thầy”…
Trong ba thứ bố thí: bố thí thực, bố thí vô úy và bố thí Pháp. Bố thí Pháp vẫn là điều khẩn yếu thiết tha hơn hết. Với Đức Kitô, sau khi đã Khổ Nạn và Phục Sinh: “Anh em hãy đi đến tận cùng trái đất, làm phép rửa cho mọi người, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Cuộc ra đi thênh thang tự lại, không áo, không bạc tiền, để dâng tặng, loan báo và làm chứng Tin Vui. Để toàn thể nhân loại được sống một Tin Vui. Tin Vui gì? Thế nào là “Làm Phép Rửa”? Có phải Phép Rửa là để mỗi người đều trở thành “Bồ Tát Ma Ha Tát”, sống trọn vẹn “Kitô Tính” trong đáy lòng mình, mà hân hoan sống trong Thường, Lạc, Ngã, Tịnh với Cha (Tánh Không Siêu Việt, “ở khắp mọi nơi), Con (Chân Tâm, Ngôi Lời Nhập Thể), và Thánh Linh (Bi, Trí, Dũng), để cũng trở thành người Lên Đường, làm cho thế giới trùng trùng trong những kẻ Lên Đường, trùng trùng những Bồ Tát Ma Ha Tát Giêsu Kitô.
Đối chiếu như vậy có thể là gượng gạo và … nguy hiểm nữa. “Nguy hiểm” vì “quan niệm” về Tuyệt Đối giữa hai bên thật sự rất khác nhau. Cái nồng ấm gần gũi tình người của Kitô giáo ra như thật khác với cái siêu thoát vời vợi của Phật giáo ngay khi Bồ Tát hành đạo bố thí ba la mật.
Nhưng nếu thử tạm “vẹt” những “quan niệm” giáo thuyết độc đáo giữa hai bên, và nếu người Kitô hữu hết mình trung tín với đức Kitô mà đi sâu vào mầu nhiệm Kitô Đạo, nếu người Phật tử hết mình trở thành “Quán Tự Tại Bồ Tát (Quan Âm Bồ Tát) hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa”, có lẽ sẽ xảy ra một song trùng hội ngộ diệu kỳ…
Cuộc song trùng hội ngộ ấy, dường như xảy ra tận đáy sâu trong nơi thăm thẳm nào của Phật Đạo và Kitô Đạo. Riêng với Kitô Đạo, từ nơi song trùng hội ngộ ấy, người Kitô hữu càng sáng lên “mầu nhiệm Giáo Hội” là Bí Tích Cứu Độ của Đức Kitô, sáng lên “bản chất” và lẽ sống của Giáo hội chỉ là sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bấy giờ, Kitô hữu hân hoan thấy Giáo Hội và từng Kitô hữu là những Đại Bồ Tát Ma Ha Tát trong một Đại Bồ Tát duy nhất, đầy khiêm cung an nhẫn, mà cũng rất oai dũng tự tại như cây Thập Gía là “Tùng Địa Dũng Xuất” để cứu khổ cứu nạn cho đời.