Phần I (Thời sự Thần học – Số 9 – Tháng 9/1997, tr. 68-73)
Phần II (Thời sự Thần học – Số 10 – Tháng 12/1997, tr. 74-86)
LTS: Dưới nhãn quan của một linh mục công giáo nhiều năm nghiên cứu Phật giáo, tác giả cố gắng cho thấy mối liên hệ giữa Thiền với đức tin Kitô giáo.
Vô trú
Thiền là “tâm ngôn, lộ tuyệt”. Ngôn ngữ Thiền là ngôn ngữ của tam, ngôn ngữ im lặng mà tràn đầy, chứ không phải thứ bàn bạc suy luận tách bạch của luận lý. Đường đi nước bước tứ hành trang của Thiền là không đường lối, không dấu vết, không linh đạo, không phương pháp. Tất cả mọi nẻo đường nhân loại đều bít chặt. Tất cả những gì là hành động, tình cảm, hiểu biết suy tư của “xác thịt máu huyết phàm nhân” phải mờ xoá đi, phải tan đi.
Thiền không phải là cuộc nói, cuộc nghĩ, mà là cuộc Lên Đường. Lên Đường, nhưng không phải mình lên đường, mà một Ai Khác lên đường. Đâm vào cõi Thiền, là để cho một Ai Khác qua mình, trong mình, nơi mình mà lên đường, lên đường tiến tới đỉnh cao của Cái Chết và Sự Sống. Sống một trận trọn vẹn đến rách cả trái tim và tan tác cả thịt máu, rồi chết một trận cho dữ dội đến độ chìm tắt, lặn sâu xuống tận “ngục tổ tông”, và Sống Lại một trận bát ngát thượng thừa ba la mật tới “bờ bên kia” mà “ngự bên hữu Chúa Cha”, là “nơi” chẳng còn thời gian, không gian, khái niệm, ngôn từ.
Cho nên kẻ “giác ngộ” thì không nói. Không, họ có nói, nói rất nhiều là khác, nhưng đó là nói bằng ngôn ngữ mây bay, ngôn ngữ của chớp loè sấm nổ, nói bằng lời Tình Yêu thầm thì kỳ diêu suốt mấy ngàn năm Lịch Sử Cứu Độ, và cuối cùng, nói bằng Tâm Hồn, bằng cả Tấm Lòng, bằng cả Thịt Máu, bằng cả Sự Chết quằn quaị, bằng cả Trái Tim bị đâm thâu rộng hoác, bằng cả sự Sống Lại để thấm đầy, thấm sâu Vinh Quang vào lòng đất.
Một khi ta không nhảy vào, không dám thưa tiếng Xin Vâng trọn vẹn, không dám đáp bằng tiếng Amen từ tận đáy hiện hữu của ta, hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, cho Ai Đó dạt dào sống chết và sống lại trong mình, thì ta vẩn là kẻ đứng ngoài, bàn bạc tứ tung, nghị luận om sòm, mà kỳ thực, chưa bao giờ đụng đến cái cõi chớp loè sấm giật trong thầm thì thinh lặng dữ dội của Thiền.
Nói đông, nói tây, nói nam, nói bắc, xoay kiểu này, diễn kiểu kia, thì tất cả cũng chỉ giống như người mù phùng mang trợn mắt, dơ chân huơ tay, dùng những ồn ào hời hợt để diễn tả cánh chim nhạn vút bay trong ráng chiều rực rỡ.
Những dòng chữ này, của một kẻ mù như thế. Chẳng làm sao tự mình mở mắt mà thấy mà đi cho được. Nên biếng nhác đã quen, ngồi lâu thành tật, thu lu ôm manh áo choàng rách bên vệ đường, xin nhặt từng hạt cơm rơi đã bao đời thành nếp. Nhưng vì thế mà cũng chẳng hay thèm nói phét, tuy phét chẳng ra trò. Càng nói càng hư càng trật.
Nên xin nói, như một chờ mong, như một niềm khắc khoải. Chờ mong khắc khoải có một Ai đang lên đường, đang trên đường, đi qua, hành hương về đỉnh cao nào của sự chết và sự sống, hành hương để tiến tới đỉnh cao nào mà Tế Lễ Phụng Thờ, và cũng là để Tình Yêu Đại Từ Đại Bi được tràn ngập khắp càn khôn vũ trụ.
Bao giờ Ai Đó, trên đường hành hương, Ngài sẽ dừng lại và vẫy gọi mình chăng, để cả cuộc đời chỉ còn là cuộc Lên Đường, cùng với Ngài, cử hành “mầu nhiệm đức tin” trên Đỉnh Cao Cuộc Sống?
PHẦN I : TẠI SAO LẠI THIỀN ?
Vấn : Thiền là gì ?
Đáp : nấu dầu trên lửa hực.
Đáp : Buổi sáng nói lời chao mừng, buổi tối nói lời trân trọng.
Đáp : Có nghe tiếng suối reo ?
Ai là kẻ cô liêu, chẳng cùng muôn pháp làm bạn ?
Thế giới rộng lớn như vậy, sao nghe chuông lại mặc áo lễ ?
* Vân Phong và Thiện Hội, chùa Khai Quốc, Thăng Long.
Thiện Hội vấn : Sống chết là việc lớn, phải suy gẫm thấu đáo.
Vân Phong đáp: Khi sống chết đến, làm sao mà tránh?
- Nắm lấy chỗ không sống chết mà tránh.
* Thế nào là chỗ không sống chết ?
- Phải ở trong sống chết mới nhận biết được.
* Làm thế nào mà tìm ?
- Hãy đi đi, chiều muộn lại đến.
* Sư Viên Chiếu, chùa Cát Tường, Thăng Long.
Rỡ ràng giữa chốn sắc thân
Chói lọi ở trong tâm mục, là gì ?
Tại sao lại Thiền ? tại sao lại mê Thiền, muốn Thiền ?
là nghe một tiếng gọi tha tha thiết thiết, âm âm ỉ ỉ, rằng làm sao sống cho thâm sâu, sống hết mình chiều kích tâm linh, sống cho mãnh liệt thống nhất, sống cảm nghiệm thật sự chứ không ào ạt giả tạo hình thức, sống cho dồi dào tràn đầy trọn vẹn, sống cho đơn giản, hồn nhiên, thanh thoát, tự do, tự tại.
Nó có cái gì giống với sự “khóc lóc”, vì “đói khát sự công chính”.
Nó có cái gì là chính tiếng gọi về Sự Sống và Sự Sống Thật.
Nên, Thiền khởi đi từ tình trạng tinh thần của một kẻ bỗng nhiên, chợt thấy những gì mình đang sống đang nghĩ đang cảm như không còn đủ nữa, không phải là cái thật nữa, không quan trọng nữa, quay đầu nhìn lại, tỉnh ngộ với những lao xao quan tâm, yêu ghét, sống chết, hoặc dữ dội hoặc nhạt nhoà mòn mỏi hình thức hằng ngày của mình. Và từ đó, từ một cuộc “sám hối và tin vào…”, tin vào gì ? có thể chưa biết, có thể chưa rõ, nhưng vẩn phải làm một cuộc lên đường mới, mà khóc lóc, khao khát, mà tìm, gõ, xin. Muốn thấy, muốn sống, muốt lật ngược tất cả đời mình lại, muốn thể nhập thực sự và trọn vẹn vào Chân lý.
Không thể sống vừa tưng tửng chẳng ra nóng chẳng ra lạnh nữa. Không thể hời hợt màu mè được nữa. Sống một trận cho hết mình. “Tận kỳ Tinh”, hỡi ôi ! Dù lắm khi, ngay ban đầu, chưa biết sống làm sao là hết mình, chưa biết đi con đường nào. Nhưng ít ra là có xin, tìm, cầu, gõ, và đối mặt với thách đố gớm ghê.
Giống như Tổ Đạt Ma quay mặt chín năm vào vách đá, trừng trừng đối diện với sự mời gọi thách thức im lặng của Tuyệt Đối. Giống như nhị Tổ Huệ Khả, tìm cầu Tuyệt Đối, bức xúc thiết tha, nên chặt luôn cả cánh tay cúng dường cho việc tìm cầu thể hiện Chân Lý.
Một Thiền sư nói : “Thiền là nấu dầu trên lửa hực”.
Một ông tăng xin cùng Mã Tổ : “Bạch Thầy, cho con về chôn cất cha”. Mã Tổ nói : “Để mai chôn cả hai”.
***
Dù sao thì dù, Chân Lý và cái Sống Thật cho hết mình đó, vẫn phải là cái ở ngay đây, ngay nơi mặt mũi chân tay này, ngay trong hơi thở phì phèo này, ngay ở hạt cây bụi cát này. Chân Lý là gì? Tuyệt Đối ở đâu ? Phương trời viễn mộng nào để được thật sống, sống thật và sống dồi dào ? Hay là, chính đáy lòng tôi là cả một bầu trời rực rỡ ? Có khi chưa giải đáp được, nhưng ít ra, có nhận ra cái nghèo khó, rồi đói, rồi khát “sự công chính”, thì tôi đã sống, tôi đã bắt đầu có lửa.
Như vậy đó, Thiền, là sống với “lửa”. “Lửa trong cây có sẵn, dù tắt lửa lại bùng ngay, nếu bảo cây không lửa, xát mạnh sao cháy cây ?” KhuôngViệt Đại Sư triều Lý.
***
Người Á Đông, máu mê Thiền còn là niềm vương vấn gần gụi với Thiên Nhiên và cái Đẹp. Cái ông Lão ông Trang “chui” vào Thiền.
Thiền là “Có nghe tiếng suối reo ?”, “Có thấy hoa anh đào nở rộ ?”
Thiền là “Ly hạ trùng dương cúc, chi đầu thục khí oanh”. (Cúc trùng dương dưới dậu, Oanh xuân ấm đầu cành) Viên Chiếu.
Thiền là “Thuý trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh, bạch vân minh nguyệt lộ Toàn Chân” (Trúc biếc hoa vàng đâu ngoại cảnh, Trăng trong, mây trắng rõ Toàn Chân). Thiên Lão.
Gia phong của Thiền là : “Một khoen vút trời lạnh” (khoen trăng).
Gia phong của Thiền là “Trên không viên ngói lợp, dưới không đất cắm dùi. Người cải dạng đến học, kẻ chống gậy vào chơi. Khi chuyển động tiếp xúc, như rồng nhảy nuốt mồi” Tịnh Không.
Cảnh của Thiền là : “Trên ngàn đỉnh núi, một gian nhà; một nửa cho mây, một nửa ta; đêm qua gió thổi mây bay hết…”
Cảnh của Thiền là : “Ngày qua vầng ô chiếu, đêm đến bóng thỏ soi” Viên Chiếu.
Cảnh của Thiền là : “Thôn trước thôn sau tựa khói lồng, bóng chiều dường có lại dường không, sao vắng mục đồng trâu về hết, có trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Tổ Điều Ngự Trần Nhân Tông.
Các cụ Thiền sư mà nghe Bài Giảng Trên Núi của Thầy Giêsu thì khoái chí phải biết, nhất là bài Hiến Chương Bát Phúc Nước Trời, và sau đó những câu như : “Hãy xem chim sẻ, hoa huệ ngoài đồng”.
Lãng mạn, thơ mộng tan hoà làm một trong thiên nhiên là khí hậu, gia phong, cảnh trạng của Thiền Á Đông. Nhưng coi chừng. Như vậy mà chẳng là như vậy. Còn thơ mộng, còn đắm đuối, thì chẳng là thiên nhiên, là cái Đẹp trong mãnh liệt mà thầm thì và thênh thang hồn nhiên của Thiên Nhiên và Sự Sống.
Thiền, trong hồn người Á Đông, là bắt đầu từ chỗ đó. Làm sao hết mình mà vẫn là hồn nhiên thơ dại, với mình, với người, với trời, với đất.
Nhưng, đã khao khát và mê Thiền, Mê và “mê”, thì vẫn còn là chính cái tôi cái ngã thù lù của mình đang sống. Và đó không là Thiền.
Đùng đùng mà Sống, chứ không mê mà Sống. Nhưng Ai là kẻ thực sự sống, để sống như không hề mê ? Sự Sống chăng ?
Không thể mê. Vì cuộc lên đường vạn dặm dữ dội này là cuộc lên đường sống chết. Và nếu cái sống cũ kỹ của mình èo èo uột uột ì xèo, thì phải làm sao “phát ra” mãnh liệt hoặc phải chờ đợi một cái gì “Khác” đến, để cái “Khác” đó Sống trong mình, và làm lật ngược tất cả đời mình lại, trời kinh đất chuyển, trăng sao rạng rỡ, mặt trời mặt trăng tắt sáng, và con người mới mọc lên, Phục Sinh.
Chứ không phải là “con người cũ” của mình sống nữa.
Sư Triệu Châu Tòng Thẩm thăng toà nói pháp :
“Phật thứ thiệt ngồi ên trong ông. Bồ đề và Niệt bàn, Chân như và Phật tánh, tất cả là chiếc áo ngoài buộc siết thân thể… trong giới hạn của Thực Tại, trong căn cơ của Chân Lý Tuyệt Đối, không có gì cả để cho các ngài bám vào… Khi ta còn ở với Thạch Đầu, mỗi khi có ai hỏi, ngài thường nói : “câm mồm lại, đừng sủa như chó”. Ta theo gương đó, và cũng nói “câm mồm lại, đừng sủa như chó”. Hễ thấy ngã là có phiền não; không chấp là thanh tịnh. Đó la đập tan hết mê đắm vào cái Ngã, dù mê Thiền, mê Phật.
Một hôm, sư đăng đàn thuyết pháp. Sau một đỗi, vẫn im lặng. Cuối cùng, sư nói :
- Tất cả có ở đây hay không ?
- Bẩm, tất cả ở đây.
- Ta vẫn không nói pháp cho đến khi có một Kẻ Khac đến. Đó là mỗi người chỉ thực sự ở đây khi đang cùng ở với Một Kẻ Khác.
Cái Kẻ Khác đó, thâm sâu quá, mãnh liệt quá, tràn đầy quá, gần quá, nhưng cũng “thiêng liêng, vô ngã” quá phải không ? Nếu có một “Kẻ Khác” rất Khác, nhưng lại là Anh, là Thầy, là Bạn, là Người yêu, là Chúa, cùng đi cùng đứng cùng mặc áo ăn cơm với tôi thì sao nhỉ?
PHẦN II: THIỀN?
Như ngôi nhà khéo lợp,
nước mưa không thấm vào,
Tâm khéo tu cũng vậy,
tham dục khó lọt vào.
Chân thực, biết chân thực.
Phi chân, biết phi chân.
Ai nuôi dưỡng chánh niệm,
ắt hẳn đạt được Chân. (Kinh Pháp Cú)
I. THIỀN TRONG TƯƠNG QUAN VỚI PHẬT PHÁP
Thiền, còn gọi là Thiền Định, Thiền Quán, là con đường giải thoát của Phật giáo, để thể nhập Chân lý.
1. Thiền là cốt tủy của Phật giáo. Vào Thiền, là vào trong “linh hồn” trong sức sống của Phật giáo.
Giáo lý của Phật chỉ có một mục đích, một tinh thần, một “vị” Giải Thoát. Nhưng, để Giải Thoát, phải tìm sống và sống Chân Lý. Vì chỉ có Chân Lý mới Giải Thoát.
Đức Phật, khao khát sự Giải Thoát, sau khi đã từ bỏ tất cả hoàng tộc, ngôi vua, trở thành sa môn tinh cần khổ hạnh để mong đạt tới Chân Lý Giải Thoát. Cuối cùng, Ngài khám phá ra con đường Thiền Định để đạt Chân Lý của toàn thể vũ trụ.
2. Thiền là con đường thực sự thực hành nghiệm Chân Lý của Phật pháp.
Giáo lý tìm cầu Giải Thoát trong Chân Lý của Phật được gồm tóm trong 4 sự thật, gọi là Tứ diệu đế:
- Khổ đế: sự thật về cuộc đời là giới hạn, tương đối, khổ đau.
- Tập đế: sự thật về nguyên nhân của khổ đau: Con người khổ đau vì tham lam ái dục; tham lam ái dục vì con người sống bằng tâm vô minh, tức mê mờ với Chân Lý.
- Diệt đế: sự thật về tự do, hạnh phúc trong Chân Lý, đó là sự sáng suốt, vắng lặng, tích diệt của cõi tâm.
- Đạo đế: sự thật về con đường thực hành, đi đến vắng lặng, tịch diệt, sáng suốt, tự do.
3. Thiền, chính là cốt lõi của Đạo Đế này
Đạo là con đường thực hành. Đạo đế gồm có “Bát Chánh Đạo”, tức tám con đường sống theo Chân Lý.
Chánh Kiến, thấy nhìn đúng Chân Lý.
Chánh Tư Duy, nghĩ suy đúng Chân Lý.
Chánh Ngữ, nói năng đúng Chân Lý.
Chánh Nghiệp, làm lụng đúng Chân Lý.
Chánh Mệnh, sống cả cuộc đời đúng Chân Lý.
Chánh Tinh Tấn, bền bỉ, miên mật, nhiệt tình theo Chân Lý.
Chánh Niệm, chú tâm, chú ý, khởi niệm đúng theo Chân Lý.
Chánh Định, tập trung thống nhất đúng theo Chân Lý.
Bát Chánh Đạo còn được gọi là Trung Đạo. Trung Đạo, là không tìm Chân Lý theo con đường lợi dưỡng hoặc khổ hạnh, cũng không phải là hữu ngã hay vô ngã, hữu thần hay vô thần.
4. Tính chất của Thiền và Phật pháp
Là rất thực tế, thực nghiệm, không mơ hồ xa xôi, không quên lãnh Thực Tại Chân Lý, cũng không lý luận lý thuyết viển vông tạo ảo tưởng mình đã nắm bắt Chân Lý bằng khái niệm, ngôn từ, hoặc lối sống giả tạo.
Chân Lý càng siêu việt, thì càng rất gần, rất thực, rất giản dị, có thể cảm nghiệm được ngay nơi thân và tâm của mình. Và ngược lại, cái gì rất thực, rất gần, rất giản dị, cảm nghiệm thực sự nơi thâm tâm mình, mới đích thực là Chân Lý siêu việt.
“Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo”. Chân Lý chẳng xa con người , không thể thực sự là sống Chân Lý”. Đức Khổng.
II. THIỀN LÀ GIỚI, ĐỊNH, TUỆ
Chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, là Giới.
Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, là Định.
Chánh kiến, là Huệ hay Tuệ.
1. Giới
Là giữ Thân, Khẩu, Ý không buông lung phong túng để hỗ trợ cho việc sống tập trung, thống nhất, và giác ngộ Chân Lý.
2. Định
Hay Tam Muội (dịch âm chữ Samadhi) là sự tập trung thống nhất.
Con người khi sống bằng lý luận, khôn ngoan, tính toán, “hữu ngã”, thì luôn bị sự loạn tâm, vọng tưởng, mâu thuẫn, giả tạo chi phối. Vì thế, con người bé nhỏ, hèn yếu, xung đột, nô lệ, đau khổ.
Càng tập trung, thống nhất, nơi con người càng phát ra có những năng lực mãnh liệt “vô ngã” dào dạt như năng lực của cả vũ trụ nơi chính thân và tâm của mình. Bấy giờ, sức sống thật ở tận chiều sâu “vô ngã” trào dâng, phát tác.
Nhập định, con người có thể phát ra “thần thông biến hóa”. Nhưng thần thông biến hóa dù có ghê gớm kỳ diệu đến đâu, cũng không phải là mục đích của Thiền. Vì thế, chẳng những phải coi thường các thần thông biến hóa, mà còn phải ngăn ngừa các loại tà định.
3. Tuệ
Hay HUỆ, là sự giác ngộ chân lý, là mục đích tối hậu của Thiền và Phật pháp. Giác ngộ Chân Lý, không thể bằng lý trí óc não thần kinh, mà bằng Trí Huệ Vô Ngã.
Khi sự tập trung thống nhất lên đến đỉnh điểm, trọn vẹn toàn vẹn, gọi là thể nhập Đại Định, hay “nhất hạnh tam muội’, bấy giờ, con người đi vào tình trạng như rơi vào cõi chết, và từ chỗ đó, có thể bỗng chốc, phục sinh, tức đảo ngược tất cả cái nhìn, cái thấy, lối sống cũ kỹ của mình. Chết và Phục sinh, họ thể nhập vào Chân Lý, là hiện thân của Chân Lý.
Tuệ, Huệ, Ngộ, Giác, là sự phục sinh của tâm hồn, trong Chân Lý.
* Là con đường thực hành hay thể nghiệm Chân Lý cách rất thực, rất gần, rất cụ thể, thì Thiền là Giới, Định, Tuệ. Và Giới Định Tuệ lại chính là:
- Chánh tinh tấn: miên mật, bền bỉ, kiên trì, nhiệt tâm.
- Chánh niệm: khởi niệm, chú tâm, quan sát kỹ càng, thường tập trung vào một đối tượng và chỉ một đối tượng rất gần, rất thực, rất cụ thể.
Thiền, chính là luôn sống miên mật trong Chánh Niệm, bất chấp tình trần, thức vọng có lăng xăng náo động như thế nào.
Chánh Niệm cho miên mật lặng thầm bền bỉ, là tính yếu của pháp hành thiền. Chánh niệm, chính là sống TỈNH THỨC từng giây phút trong Chân Lý, đến khi, không cần cố gắng hay gò ép nữa.
Chư Tổ thường nói: “Kiên trì chánh giác”, chẳng có việc gì mà không xong, và “ba ba què đi xa ngàn dặm”. Đó là sự kiên trì tinh tấn trong chánh niệm.
“Một niệm giác, là thành Phật. Một niệm mê, là phàm phu”.
III. THIỀN LÀ CHỈ VÀ QUÁN
Chỉ là dừng lại. Quán là xem xét kỹ càng.
Tinh túy cao sâu của Phật pháp là ở chỗ thực tế, thực nghiệm, thực hành, cách rất gần, rất thực, rất đơn giản. 5000 quyển kinh, vô vàn vô số quyển luận, 250 cho tới khoảng 500 giới luật, thực ra chỉ là Tứ Diệu Đế; Tứ Diệu Đế, thực ra chỉ là Bát Chánh Đạo; Bát Chánh Đạo thực ra chỉ là Giới Định Tuệ thực ra chỉ là Chánh Niệm. Chánh Niệm là Thiền.
Nói ngược lại, một chữ chánh niệm bền bỉ kiên trì, bao gồm đầy đủ cả Giới Định Tuệ, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế…
Nay, nói Chánh Niệm, nói Giới Định Tuệ, nói Bát Chánh Đạo theo kiểu khác, cho rõ ràng về sự thực hành Chân Lý Giải Thoát hơn; thì nói về Chỉ và Quán.
1. Chỉ
Tâm con người lăng xăng động đạc và bị nô lệ lôi kéo đến loạn tâm loạn tưởng với tình trần thức vọng (Thức vọng, là biết sai, biết những điều xa xôi không thực: Tôi thấy anh này là đẹp, giỏi, cao… Do thức vọng, tôi yêu, ghét, ghen, buồn, sợ, lo, giận, hờn, tham…, đó là tình trần). Càng nhiều thức vọng, càng lắm tình trần. Càng thức vọng tình trần, con người càng bị lôi kéo sai sử trong những tham, sân (giận dữ), si (đam mê), mạn (tự ti hay tự tôn, đều là lấy mình làm trung tâm), nghi (không biết rõ con đường Chân Lý).
Thức vọng, tình trần, loạn tâm, loạn tưởng, loạn động, chúng lôi kéo con người cứ đăm đăm mê đắm chạy đuổi theo những điều xa xôi không thực đó, khiến con ngưới sống tản mác u mê Chân Lý.
Ngay cả những học hỏi, kiến thức, thành kiến và nhiều sự tụ tập chăm sóc tích lũy cho mình được hay, được giỏi, được thánh thiện…, cũng có thể trở thành thức vọng, tình trần, khiến con người có ảo tưởng rằng mình sống Chân Lý, với một lô ý niệm vọng tưởng xa xôi.
Thực nghiệm Chân Lý, là biết dừng lại, bằng Chánh Niệm.
Chánh Niệm, vì khởi niệm chân chính đúng theo Chân Lý, thì đương nhiên Tỉnh Thức mà dừng lại những lao xao vọng tưởng với tình trần thức vọng.
Rất thực tế, cụ thể: Khi khởi Chánh Niệm, ta sẽ thấy bề mặt của tâm hồn chúng ta lao xao biết bao ý tưởng, bao tình cảm, bao “chia trí lo ra”. Đó là thức vọng, tình trần. Sau một thời gian miên mật tinh tấn với Chánh Niệm, những thức vọng tình trần lắng xuống, tan đi. Cụ thể, thường là ngủ ngon, vui vẻ, tươi trẻ, hoan hỉ, nhẹ nhàng, thanh thoát, giảm bớt sân hận nóng nảy đam mê…
2. Quán
U mê, vô minh, nên mỗi con người cứ tơn tơn đương nhiên cho rằng cái thấy, cái cảm (tình, thức) của mình là ngon lành, là đúng, là thật, là phải. Hoặc cứ bị chúng băng băng kéo đi, như thể chúng là sự thực tối hậu, rất quan trọng, rất đứng đắn, mình phải nghĩ, phải sống, phải đối xử y như thế, không thể khác hơn được. Giận thì cứ mãi phải giận vì lòng cứ xôn xao với cái tên dễ ghét đó quá…
Quán, là bây giờ, dám dừng lại những tình trần thức vọng, bằng cách nhìn xem cho thấu đáo, rõ ràng vào một đối tượng. Tôi đã nhìn đúng chưa? Tôi đã nhìn bằng con mắt nào? Có thực là “đối tượng”, “đối thủ” đó chỉ kà như vậy không? Họ thực sự là ai, là gì?
Quán, là xem thấy đúng Sự Thực. Và Sự Thực sẽ giải phóng.
Chánh niệm trên một đối tượng, tứclà xem xét kỹ càng đối tượng đó, nhìn thấy rõ Chân Lý nơi đối tượng đó.
Quán xét rõ ràng Chân Lý bằng một ánh mắt mới, nơi một đối tượng, để thấy Chân Lý trong tất cả. Quán, như vậy chính là Tỉnh Thức hay Chánh Niệm trước Chân Lý. Và đó là tất cả Phật Giáo. Đạo Giải Thoát trong Chân Lý, là con đường “Quán”, “Sát”, “Ngộ”, “Giác”, “Phật”, “Minh”, “Trí Huệ”…
IV. TÍNH THỰC NGHIỆM THỰC CHỨNG CỦA THIỀN
Một trong những độc đáo của Thiền Phật giáo là tính thực nghiệm, thực chứng chứ không xa xôi, viển vông, vọng tưởng. Đã sống Chân Lý, thì phải cảm nghiệm Chân Lý ngay trong từng niệm nghĩ, từng hơi thở, cho đến toàn thể con người mình. Người môn đệ Chúa Kitô rất cần “học” điều đó, một khi càng xác tín.
Với Bát Chánh Đạo, người tín hữu Kitô có nói năng, suy nghĩ, làm lụng, chọn lựa cả cuộc sống mình cho đúng như Thầy?
Giới Định Tuệ, và Chỉ Quán, người tín hữu Kitô có giữ “giới răn” của Thầy? có hết lòng, hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn, để Thầy sống chứ không phải mình sống (Định), và từ đó, chỉ nhìn, chỉ nghĩ, chỉ thấy bằng ánh mắt của Thầy, mang lấy những tâm tư của Thầy, đồng hình đồng dạng với Thầy, và thấy một thế giới như thấy Thầy (Tuệ)?
Và thực tế nhất, cụ thể nhất, trong thực hành của đức tin, mỗi giây phút, khi cử hành mầu nhiệm Lời Chúa, khi cử hành mầu nhiệm Đức tin, khi làm lụng phụng vụ, việc sống đức tin như thế có được khởi lênthành từng niềm tin sống động trong cuộc đời Chánh Niệm không?
THIỀN
miên mật
Chánh Niệm
Tỉnh Giác
Chỉ – Quán
Giới Định Huệ
Bát Chánh Đạo
Mở lòng,
tỉnh thức với Thực Tại
ở ngay đây, lúc nầy
III. THIỀN, VỚI NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
Thiền sư Bảo Giám, 1173, chùa Bảo Phúc, Hà Sơn Bình.
Mấy ai thành Phật ở tu hành,
chỉ trói cùm thêm trí óc mình,
Thấu lẽ hữu vi trong ngọc sáng,
là Vầng Dương hiện giữa trời xanh.
Thiền sư Viên Chiếu, 999-1090, chùa Cát Tưởng, Thăng Long:
Còn tu, còn chứng, sinh bốn bệnh.
Vươn đầu nào có thoát trần ai.
1. Trong Kitô giáo, “Đạo của người nghèo”, không có thiền như sự tu tập để tự mình tìm ra Chân Lý Giải Thoát.
Thiền, là cốt tủy, là sức sống, là con đường thực chứng thực nghiệm Chân Lý Giải thoát của Phật Giáo.
Phật pháp là con đường giải thoát. Muốn giải thoát, phải tìm Chân Lý. Chỉ có Chân Lý mới Giải thoát. Trên con đường đó, mỗi người ra như phải tự lực tự sức mà lên đường.
Kitô giáo là con đường Cứu Độ, nhờ Đức Giêsu Kitô, trong Đức Giêsu Kitô, với Đức Giêsu Kitô. Trong niềm tin của người môn đệ Chúa Kitô, dưới gầm trời này, không có bất cứ một danh hiệu nào, một con đường nào, một pháp môn nào, một nỗ lực nào, một đạo đức hay công phúc nào có thể đưa con người đến sự Giải Thoát, ngoài ơn Cứu độ do Chúa Giêsu Kitô, ngôi lời Nhập Thể đem đến. Chỉ có một Chúa Giêsu Kitô mới thực sự là Đường, là Chân Lý, là Sự Sống đích thực cho tất cả mọi người, dù kitô hữu hay không kitô hữu.
Khi môn đệ Chúa Kitô được trở nên một với Ngài,mặc lấy những tâm tư của Ngài, mặc lấy những tâm tư của Ngài, tham dụe vào sự chết và sự sống lại của Ngài, người Kitô hữu tham dự vào vinh quang của Ngài, sống bằng sức sống Thánh Linh Phục Sinh của Ngài, ở trong “thế giới” của Ngài, và nhờ Ngài, với Ngài, trong ngài, được gọi là Con của Thiên Chúa Cha.
Như vậy, có sự khác biệt thâm sâu căn bản giữa con đường Thiền Định Giải Thoát của Phật pháp và con đường Cứu Độ bằng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chết và phục sinh.
Đó là sự khác biệt giữa Chân Lý Giải Thoát với Chân Lý Cứu Độ. Nơi người môn đệ Chúa Giêsu Kitô, Đức Kitô là tất cả. Là sự sống, là Sự Sống lại, là Vinh Quang, là Nước Trời, là Tình Yêu, là Anh, là Thầy, là Bạn, là Chúa của mình, đến nỗi, người môn đệ nói lên: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.
2. Thiền là “tu vô tu tu, hành vô hành hành”.
Thiền, không phải là sự tu tập, hay nói đúng hơn, tu tập mà không tu tập mới thực sự là tu tập. Ở chót vót của Phật pháp tu tập thật sự là không còn tu tập nữa.
Còn chỉ để ý đến tu tập mà lo sự thanh tĩnh an vui cho chính mình, với Phật giáo, là tâm “tiểu thừa”. Giống như bên Kitô giáo, là tinh thần “Cựu ước”, tinh thần bám chấp vào luật lệ, công phúc.
Thiền và Phật pháp nguyên thủy của Đức Phật ra như khởi đi từ khát khao rất thực tế và sâu xa là làm sao thoát khỏi khổ não, phiền trược, nô lệ, tương đối. Nhưng, càng đi sâu vào con đường giải thoát, thì Thiền và Phật pháp lạic àng phải quên mình vì chúng sanh. Phật giáo Đại Thừa nói rõ rằng, phát tâm Bồ Đề, tức tâm mong cầu Giác ngộ Chân Lý, thì cũng phải phát tâm Bồ Tát, hành hạnh Bồ Tát, tức vì chúng sanh mà tu, vì chúng sanh mà chứng. Phát Tâm Bồ Tát, phải lập đại nguyện: tu vì chúng sanh, tu để cứu độ chung sanh đến nỗi sẵn sàng tan xương nát thịt.
Tu tập của Phật pháp chỉ là cách sống làm sao cho khế hợp với Chân Lý, hoặc mở rộng lòng ra để đón Chân Lý. Mà trong Chân Lý có sức thiêng là Yêu thương vô bờ, Sáng suốt vô hạn. Dũng lực vô biên. Chữ “không” của Phật pháp và của Thiền, chính là thái độ mở rộng tâm hồn. Như Đức Vua Trần Thái Tông của Đại Việt nói: “Tâm địa nhược không. Tuệ Nhật tự chiếu” (Đất lòng rỗng không, Mặt trời Chân Lý tự chiếu sáng tỏ lộ).
“Đức tin mà không có việc làm, là đức tin chết”. Dù sự công chính hóa là do đức Tin, tin vào Ân ban Cứu độ, nhưng mỗi người môn đệ Đức Kitô luôn được mời gọi thể hiện và sống đức tin, cử hành mầu nhiệm đức tin, người tín hữu sống thân phận nghèo hèn tội lỗi hư không của mình, và để chính Thánh Linh của Đức Kitô Phục sinh nói lên lời “Abba” mà tạ ơn, thờ lạy, tuyên xưng, loan báo… Một Thiền sư nói: “Thiền là buổi sáng nói lời chào mừng. buổi tối nói lời trân trọng”.
Nguyên lý củ tu Thiền là trở về tình trạng hư không của chính mình, từ bỏ cái tôi, cái ngã của mình, và ngay bấy giờ, khi thực sự chết con người cũ đi, thì Con Người Mới hiển lộ, trong Chân Lý.
Ai còn nghĩ mình có tu, có tập, có công đức, có công dụng, do sức mình, thì đó chưa phải là người tu Thiền. Tổ sư Đạt Ma khi gặp Lương Võ Đế, nói rằng nhà vua dù có xây Chùa, độ tăng, thì vẫn là “không công đức”. Tổ Lâm Tế nói về tọa Thiền: “Tọa cửu thành lao1” Ngồi lâu phát mệt. Tổ khác, khi thấy một ông sư kỳ khu chuyên tâm tọa thiền, bèn mài xoẹt xoẹt ồn ào miếng ngói bên cạnh, và bảo “Mài lâu như vậy thì ngói có biến thành vàng chăng?”
3. Nhưng Chân Lý của Phật pháp là giác ngộ cái “Không”?
Chưa bao giờ chư Phật chư Tổ, qua 5000 quyển kinh, qua vô vàn vô số quyển luận, qua 84000 pháp môn tu chứng nơi rất nhiều tông phái, mà đã xác định Chân Lý là thế này hay thế khác.
Phật pháp, như Đức Phật luôn luôn nhắc nhở, là ngón tay chỉ mặt trăng. Nghĩa là, Phật pháp luôn luôn chỉ là PHƯƠNG TIỆN DIỆU DỤNG để đón nhận Chân Lý, như chính chư Phật chư Tổ luôn nhắc nhở. Nhắc nhớ đến nỗi, các ngài cho rằng Phật pháp cũng phải bỏ.
Chữ “Không”, trước hết, có nghĩa là như thế: Phật pháp không là Chân Lý, Và Phật pháp không bao giờ xác định Châ Lý.
Nhưng Phật pháp nói rất rõ ràng, phải “từ bỏ chính mình”, hóa mình ra không, thì tức khắc, được Chân Lý tỏ lộ.
Chữ “Không”, vì thế, có nghĩa là từ bỏ tất cả những thành kiến ngã chấp của chính mình, về thân tâm mình, về ý tưởng, nghĩ suy, tham lam, mong ước, thành kiến, sợ hãi, thánh thiện, tội lỗi của mình.
Thấu đạt được chữ “Không” của Phật, không phải chỉ có thể nhờ đọc vài cuốn sách, biết lập trường của vài tông phái, có một số ý niệm nào về Phật pháp, thường qua thành kiến, qua văn hóa, qua lớp vỏ bọc ngôn từ.
Rất nhiều khi, ta đánh mất một chiều kích rất Tin mừng của Chúa Kitô trong Phật pháp, chỉ vì những kết luận vội vàng, hời hợt của mình về chữ “Không”.
4. Chẳng xác định Chân Lý, mà chỉ có con đường “Không” để đón Chân Lý. Vậy, làm sao biết mục đích để tới?
Điều kỳ diệu của Phật pháp và cũng như của nền văn hóa tâm linh Ấn Độ hoặc văn hóa nhân bản tâm linh của Á Đông là sự thực chứng, thực nghiệm Chân Lý cách rất thực, rất gần, rất đơn giản.
Chân Lý là Tuyệt Đối, nên không thể tự mình, bằng cái ồn ào vọng động mà thấy, mà nghĩ, mà suy, mà chiếm được, Chân Lý là siêu việt. Nên trước Chân Lý, con người phải im lặng. Lão Tử mở đầu Đạo Đức Kinh, nói: “ Đạo khả đạo, phi thường Đạo; Danh khả danh, phi Thường Danh”. Đức Khổng lãn xả vào đời, nhưng vẫn nói: “Dư dục vô ngôn”: Tôi muônd im lặng. Còn Thầy Giêsu, trước câu hỏi hời hợt của Philatô: “Chân Lý là gì?”. Thầy im lặng.
Chân Lý, phải tìm kiếm bằng sự đói khát thiết tha, phải xin, phải tìm, phải gõ. Và khi đứng trước cửa Chân Lý, thì phải im lặng. Im lặng ngay cả những nghĩ tưởng, hình ảnh, khái niệm, cảm xúc, công trạng, tu luyện. Tiếng “Không” của Phật là tiếng mời gọi đưa con người vào sự im lặng đến cùng đó.
Nhưng đồng thời, Chân Lý Siêu Việt. Thực Tại Tối Hậu, một khi con người không bao giờ có thể quan niệm, ý thức, đạt tới được bằng tình thức phàm nhân, thì mặt khác, Chân Lý ấy lại bao trùm tất cả, ở sâu trong tất cả. Chân Lý, là ở ngay đây, lúc này, trong tâm tưởng, trong xác thịt, trong máu huyết, trong cái nhìn, trong hơi thở, trong tất cả mọi sự. Chân Lý ở trong mỗi người và tự chiếu tỏa trong mỗi tâm hồn.
Vì thế, Phật giáo, một đàng, không bao giờ xác định Chân Lý bằng bất cứ một hình ảnh, một khái niệm nào, thì đồng thời, Phật giáo lại luôn nhấn mạnh rằng Chân Lý ở ngay trong đáy lòng mỗi người đó.
Chân Lý luôn hệ tại vào “Không”, nghĩa là, con người luôn cần MỞ RA với Chân Lý. Mở ra, là Kenosis, là trẻ thơ, là người nghèo.
“Không”, là một tác động, chứ không phải một thực tại. Phật giáo là Đạo Không, là con đường MỞ RA MÃI VỚI CHÂN LÝ.
5. Tại sao lại cần đến Thiền?
Trong niềm tin Kitô giáo, những người bé mọn nghèo hèn đó mới là những người chiếm chỗ hạng nhất nơi Con Tim của Thiên Chúa Nhập Thể. Trong đáy lòng họ, có Ơn Cứu độ, có Đức Giêsu Kitô, có Mầm Sống Mới của Thiên Chúa. Một tích tắc tin vào Đức Giêsu Kitô, là mỗi người đều trở về với Con Người Thật, Con người Mới, của chính mình.
Nhưng mặt khác, trong Mầu nhiệm Hội thánh, mỗi tín hữu cũng luôn được Đức Kitô mời gọi hết mình hoán cải cuộc sống, cởi bỏ chính mình, chôn táng đời mình trong Đức Kitô để cùng được Phục sinh với Ngài. Việc hoán cải cuộc sống, cởi bỏ chính mình, điều đó, là rất thiền ở ngay trong lòng Kitô giáo, miễn là hoán cải và cởi bỏ chính mình vì Đức Giêsu và Tin mừng của Ngài.
Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể không hề chê chối bất cứ điều gì tốt đẹp của con người. Ngài đã yêu nhân loại, và yêu đến cùng. Yêu đến nỗi mặc lấy tất cả những gì của con người, ngoại trừ tội lỗi.
Thiền sẽ cung cấp con đường cụ thể nhất, gần gũi nhất, thực nhất, để người Kitô hữu mở lòng ra, đón lấy Đức Giêsu Kitô là Đường, là Chân Lý, là Sự Sống.
Sống Thiền để đón Chúa Kitô, một đàng, chúng ta sẽ thanh luyện chính mình đến độ thinh lặng sâu xa rước sự Hiện Diện của Thầy; đàng khác, chúng ta đang cùng với Thầy “nói lên” sự trân trọng, sự kính mến yêu thương với một giá trị, một truyền thống tâm linh vĩ đại của nhân loại. Những giây phút “thiền” với Chúa Kitô, là những giây phút cùng Thầy mà Nhập Thể Văn Hóa hay Hội Nhập Văn Hóa, để rất là “Phật giáo”, thật sự thật lòng trở thành “Phật giáo” từ trong cốt tủy, và vì thế, cũng trở nên Kitô giáo trọn vẹn tha thiết hơn gấp bội, không phải bằng nghi lễ hình tượng bên ngoài, mà như Thầy, đi vào trong đáy hồn của nhau.
6. Hơn nữa, bóng dáng Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, vừa thầm lặng mà rất tràn đầy chứa chan trong lòng Phật giáo.
Phật pháp thì nói rằng: “Mọi pháp của thế gian đều là Phật pháp”. Điều đó rất đúng. Bằng cách trở về với thân tâm, cách sâu xa mà cụ thể, nên Phật pháp có thể đón được Chân Lý từ mọi hướng. Vì thế, ngày nay, người ta càng tìm được bóng dáng Phật pháp trong nhân học, tâm lý, giáo dục, y tế, toán học, các khoa nguyên tử, tương đối thuyết… Có thể tìm thấy Phật pháp chứa chan trong Kitô giáo, trong từng lời Kinh thánh, trong từng ngôn hành của Chúa Giêsu Kitô, trong cả Đạo lý tông truyền của Giáo hội, trong cả những cơ chế Bí tích của Giáo hội nữa, trừ một điều mà người Kitô hữu xác tín sâu xa căn bản nhất: chính bản thân Đức Giêsu Kitô mới là Lời, là con duy nhất của Thiên Chúa Cha, và vì thế, cũng chỉ có Ngài mới là Lời, là Con duy nhất của Thiên Chúa Cha, và vì thế, cũng chỉ có Ngài mới là Đấng duy nhất phát sinh Chân Lý Cứu Độ.
Ngược lại, cũng rất chính xác: tất cả những con đường Chân Lý dều qui về Đức Giêsu Kitô. Hành Thiền, chẳng những để “hóa mình ra Không” mà đón chờ Chân Lý, nhưng hơn nữa, hành Thiền Phật giáo, nhất là Phật giáo Đại Thừa, thì nguyên lý chính là Phật giáo Đại Thừa, thì nguyên lý chính là để cho “Chân Tâm” tức “Lời Nguyên Thủy” được phát tác trong mình. Chính với Chân Tâm, nhờ Chân Tâm, con người mới thực sự tìm lại “khuôn mặt ngàn đời” của mình, và thấy, sống trong Chân Lý Vô Biên Vô Tận.
Phật giáo không phải là đạo “mạc khải”, nhưng nếu đi sâu vào Phật pháp, ta sẽ thấy tu Phật là tu Tâm. Tâm là Lời. Nếu chỉ sống với “lời người”, là sống vọng tâm, sống “Lời Chúa”, là sống Chân Tâm. Phật pháp và Thiền là “tu” mà không tu, mà chỉ làm sao hóa mình ra Không, cho Chân Tâm tự thể hiện. Như vậy, là xây nhà trên đá. Như vậy, là không còn nghiệp chướng, tội lỗi. Như vậy, thì tất cả trần gian và thân tâm mình cũng là Thế Giới của Chúa, là Nước Chúa.
Thiền chỉ một lòng một dạ hết mình sống với Chân Tâm.
Xác tín kiên cố vào Đức Giêsu Kitô, giao tiếp với Ngài cách cụ thể mà sâu xa, luôn đi sâu vào “bí tích” của Ngài, để biết ngài là ai? Bấy giờ, Thiền như rọi sáng rất nhiều vào niềm tin và mối giao tiếp đó, giúp ta càng “ngộ” Đức Giêsu là ai, ở đâu, là gì, với chính mình, với Hội thánh, với nhân loại.