(Thời sự Thần học – Số 4 – Tháng 4/1996, tr. 106-110)
Vô Trú
Phật Giáo là con đường Im Lặng. đúng ra, Phật Giáo là nhìn thấy trong Im Lặng. Sự Im Lặng thăm thẳm của tâm hồn, sự Im Lặng nở nụ cười hồn nhiên thanh thản giữa một bầu trời nắng sáng tinh trong xanh ngát. đó là sự Im Lặng của Như Khứ Như Lai, tức là Im Lặng đến Và đi Như Thế, đến Và đi Như Áng Mây phiêu lãng trưa hè.
Giáo Lý Phật Giáo chỉ là phương tiện. Chưa hề có một thứ Giáo lý nào gọi là Phật Pháp. "Suốt 49 năm thuyết pháp, Như Lai chưa hề nói một lời". "Ai nói Như Lai có thuyết pháp, kẻ đó phỉ báng Như Lai". Vì đã Như Lai, thì làm sao mà "nói"; mà có nói, làm sao những kẻ đang cắm cổ cắm đầu trong ồn ào biện biệt suy nghĩ tính toán thông thái khôn ngoan có thể nghe ra.
Nhưng Như Lai đã nói, nói nhiều, nói dữ, nói quá trời quá đất, nói một lần, nói ngàn lần, nói miên man bất tận, nói như sóng ru, nói như thác gào, nói như gió thổi, nói như sét đánh, nói như chớp giật. Và nói như một lời mây khói, nói như một tiếng hát vi vu. Nói một lần mà mãi mãi ngàn năm đang nói. Nói muôn ngàn điều để chẳng bao giờ nói thực sự một điều gì.
"Kê thanh quảng thị Phật trường thiệt". A, tiếng suối reo. Có ai nghe thấy tiếng suối đang reo.
Thì ra, "Như Lai thuyết pháp, tức thuyết điều không thể thuyết, ấy mới gọi là thuyết pháp" .
Nói, Thuyết, vì cho rằng cuộc đời hỉ nộ ái ố này cần một "đại Sự Nhân Duyên", nên bèn hóa hiện một trận chơi, hóa hiện thành Thích Ca, thành Chư Phật, thành Chư Tổ, để chỉ trỏ, cau mặt, bứt tóc, vò đầu, la hét, đấm đá, giỡn đùa, múa may, lấy vợ, lấy chồng, sinh con, đẻ cái, và rũ áo, và lên đường, và tu, và chứng, và lang thang, và mỉm cười, để dấu, để vết, để lại một tăng đoàn, để lại một nền văn hóa, để lại này chùa, này chiền, này Giới này Luật, này Kinh này Luận, để lại đủ thứ phương thứ pháp tu thiền tu thiếc lung tung. để lại đủ thứ, tức là nói năng đủ thứ,. Nhưng, thực ra, Như Lai đã có hề để lại một điều gì, và chưa hề nói một chút gì.
Tất cả chỉ là "thuyết điều không thể thuyết"
Như Lai có để lại gì đâu. Như Lai có hề nói gì đâu. Như Lai từ vô lượng atăngkỳ kiếp đã có bóng dáng hay vết tích nào đâu. Suốt ngàn xuân, Như Lai vẫn là Nguyên Xuân lồng lộng, Như Lai mãi là Vĩnh Cửu tràn đầy trong Tích Tắc Phù Du. Như Lai vẫn là sự Im Lặng dạt dào miên viễn. Cái thăm thẳm của Như Lai, hay là của "bản lai diện mục", tức khuôn mặt ngàn đời nơi CON NGƯỜI, tự nó vốn đã là vô hình vô tượng, vô thanh vô xú, vô ngữ vô ngôn, vô tư vô tưởng, vô thời vô không, vô vô ... "chăm phần chăm" giữa cuộc hoan say thánh thiêng trinh bạch đầy Im Lặng của tâm hồn. Vì Như Lai là sự Im Lặng thăm thẳm ngàn trùng mà nhẹ tênh của hồn người; hay nói khác đi, Như Lai là "CON NGƯỜI" nguyên sơ, " CON NGƯỜI " thơ ngây trẻ nhỏ, " CON NGƯỜI " ở sâu trong mọi con người, " CON NGƯỜI " mà lòng thương yêu quá bát ngát thiết tha balamật, "CON NGƯỜI " thấy tất cả bằng một ánh mắt trong veo.
Không thể nói, nhưng sao lại nói ? Vậy thì, là gì cái Giáo lý nhà Phật ? Giáo lý ấy ngài nói thật hay nói chơi ? cuộc đời này và chính con người của ngài, ngài gọi là Không hay ngài cho là Có ? cái cõi người hỷ nộ ái ố trăm năm này, ngài nói là vui hay ngài cho là khổ ? Niết Bàn Tịch Diệt còn cái Tôi thù lù để tươi mát vui vẻ hay là Niết Bàn Tịch Diệt chỉ là sự rơi tòm vào trống rỗng hư vô ? Ồ, đức Phật, ngài làm ồn ào đảo điên nhiều người khôn ngoan thông thái lắm đấy. Như tất cả những gì thiêng liêng im lặng nhất của con người, đều được mổ, được xẻ, được phân, được tích, rồi suy ra thế này, bảo rằng thế nọ. Như vậy là có, như thế là không, thế này là tiêu, thế kia là cực. Trong khi, vì ngài muốn nói thật, nên ngài chưa từng có bao giờ thật nói. Có con người nào dám NGHE dám THĐY ? Ai có tai để nghe...?
Vậy Phật nói, là nói cái gì ? Cái gì trầm trọng thiết tha mà cũng là chơi là giỡn. Cái gì như một làn khói nhẹ bay vào ráng chiều lộng lẫy, như những lời thì thầm lặng lẽ của tiếng sông đêm và cũng như tiếng sét giữa một trời vần vũ. Nói để chơi, một cuộc chơi tan tành xương máu. Nhưng nói cái gì đó chứ ?
Vì đại Sự Nhân Duyên mà Phật ra đời. Vì đại Sự Nhân Duyên mà tu mà chứng rồi Thuyết Pháp rồi nhập Niết Bàn đủ thứ lung tung. đại Sự Nhân Duyên gì ? Có một cái gọi gì gọi được là đại Sự Nhân Duyên ru ? Sáng nay, một tia nắng sớm, một con chim hót, một bông hoa dại nở : cuộc đời vốn chẳng là chứa chan và tuyệt diệu quá chừng đó sao ? Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận, đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Ai bảo Xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua, nở trắng một cành mai.. Có ai Thấy đó chăng?
Chẳng hề có cái gì là Phật. Chẳng hề có cái gì là Như Lai, chẳng hề có cái gì là một đại Sự Nhân Duyên để giải quyết vấn đề sanh tử khổ vui của cái kiếp con người. Càng không có cái gì là Tứ Diệu đế, là Thập Nhị Nhân Duyên, và càng không có nữa, này tu, này chứng, này Luân Hồi, này Niết Bàn, này Tịnh độ. Tất cả đã đầy đủ nơi ngươi. Khi sáng nay, một tia nắng sớm, một bông mai trắng nở. đình tiền tạc dạ...
A, ta có THĐY được âm thanh nào trong im lặng vô ngần ?