Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO

Thời sự Thần học – Số 2 – tháng 11/1994, tr. 90-109

LTS: Bài viết dưới đây của cha Thomas Aykara, CMI, Nguyên Tổng Quyền dòng Carmelites of Mary Immaculate, Giám Đốc Giáo Hoàng Thần Học Viện Dharmaram tại Bangalore, Ấn Độ. 

Cha phát biểu đề tài này trong Hội Nghị về HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO dành cho các Bề trên cao cấp và các Nhà đào tạo Dòng Đa Minh, vùng Châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức tại Nagpur-Varanasi, Ấn Độ, từ 19 đến 27-10-1993. Hai bài viết khác cùng chủ đề này là của đức Cha Leobard D'Souza, và cha Timothy Radcliffe đăng ở số báo trước, và Bải của Nữ tu Vandana Mataji, RSCJ, ở số báo sau.__________

Suy tư và hội nhập là hai chiều kích song đôi của đời người. Bằng hình thức "mắt thấy tai nghe", con người cố gắng diễn tả một AI đó trong những kinh nghiệm và lối diễn tả đa dạng của mình. Chúng ta không ngừng lớn lên và khám phá căn tính của mình qua những biến đổi sáng tạo của "cái cụ thể", trong đó chúng ta được sinh ra và hoàn thành đời mình. Thực tại cụ thể này là một quà tặng kỳ diệu và là một công trình lớn lao. Thực tại đó liên hệ tới thần linh và con người, tôn giáo và văn hóa, bình an nội tâm và đấu tranh không ngừng để được hoàn thành. Do đó đời sống chúng ta là một tiến trình liên tục và là một sự chuyển biến không gián đoạn cả bên trong lẫn bên ngoài.

Lời Thiên Chúa chiếm vị trí trung tâm trong đời sống Ki-tô hữu chúng ta, đồng thời hướng dẫn sự chuyển biến và đẩy sự chuyển biến tới chỗ hoàn thành. Ngôi Lời Nhập Thể và Thánh Thần của Người cư ngụ trong chúng ta vừa siêu việt vừa thông dự, là một sức mạnh bên trong chính thực tại cụ thể là chúng ta. Lời này vẫn là văn tự chết nếu không làm biến đổi những ý thức, những thái độ, cách ứng xử của cộng đồng nhân loại và những cố gắng đa dạng phong phú nơi con người. Lời này vẫn còn xa lạ và khô cằn, nếu không nhập thể vào một nền văn hóa. Hội nhập văn hóa và giao lưu văn hóa là điều cực kỳ quan trọng đối với chức năng của Lời Chúa là biến đổi một đời sống Ki-tô giáo đích thực. 

Như thế, theo lối nói của Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, Hội nhập văn hóa được xem "như trọng tâm, phương tiện và mục đích của công cuộc Tin Mừng hóa mới" (26-9-1992). Ki-tô hữu chúng ta đang dần dần ý thức xác tín căn bản này. Do đó vấn đề Hội nhập văn hóa của đức tin Ki-tô giáo hiện nay đã trở thành ưu tiên mục vụ. 

Hơn bao giờ hết, Giáo Hội hôm nay phải đối đầu với những thách đố mới phát sinh từ những chuyển biến của thế giới và bước đột phá của những chân trời địa dư và văn hóa khác nhau. Mối tương quan giữa Tin Mừng và văn hóa đã được đề cập đến một cách minh nhiên trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, mặc dầu vẫn hàm chứa trong tất cả các tài liệu khác của Công Đồng. 

Chúng ta được mời gọi để đem Tin Mừng vào tận trung tâm của các nền văn hóa đó, nghĩa là chúng ta phải nhận biết và phân định những niềm hy vọng và nhu cầu của các nền văn hóa. Đời tu và việc đào tạo trong đời tu có cùng một thách đố như thế, vì người tu sĩ chúng ta chia sẻ Tin Mừng bằng cách trở thành Tin Mừng hơn là chỉ rao giảng suông. 

Như vậy Hội nhập văn hóa là một thách đố lớn đối với Giáo Hội, đối với công cuộc Tin Mừng hóa, đối với đời tu và với việc đào tạo tu sĩ hôm nay. Phải, đó là một thách đố lớn đối với người tu sĩ chúng ta. Chúng ta hãy biến nó thành một cơ hội đầy sáng tạo để tăng trưởng. 

Theo ý tôi, hội nghị này là một cuộc phân định tâm linh và cùng tìm kiếm một cách chân thành. Hãy để hội nghị này mang lại những thay đổi thực sự, dù có bao hàm những nguy hiểm tại những miền thuộc Châu Á - Thái Bình Dương này, đồng thời đòi hỏi nhiều can đảm và chuyển biến đích thực. 

Nguyện xin Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng hướng dẫn những cuộc hội thảo này, hết lòng giúp đỡ chúng ta. Đó là lời cầu nguyện đơn sơ của tôi ngay từ khi khai mạc hội nghị này. 

I. THẦN HỌC VỀ HỘI NHẬP VĂN HÓA


Hội nhập văn hóa không chỉ là thích ứng bên ngoài, nhưng là biến đổi thâm sâu những giá trị văn hóa chân thực, bằng cách hội nhập vào Ki-tô giáo và làm cho Ki-tô giáo bám rễ vào những nền văn hóa khác nhau của nhân loại. Đó là một tiến trình sáng tạo, qua đó mỗi người hay mỗi cộng đoàn lớn lên trong căn tính và thực tính văn hóa của mình. 

Năm 1974, trong tuyên ngôn kết thúc, Hiệp Hội các Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã sử dụng từ ngữ Hội nhập văn hóa trong tương quan với quyết nghị của Giáo Hội địa phương. Tuyên ngôn nói: "Giáo Hội địa phương là một Giáo Hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo Hội bản xứ và Hội nhập văn hóa. Cụ thể điều này có nghĩa là một Giáo Hội đối thoại liên tục, khiêm tốn và yêu mến đối với những truyền thống sống động, những nền văn hóa, những tôn giáo, nói tóm lại, với tất cả những thực tại sống của dân tộc mà Giáo Hội cắm rễ sâu xa ở đó, đồng thời vui vẻ đón nhận lấy lịch sử và đời sống của dân tộc đó làm của mình. 

Giáo Hội phải tìm cách để chia sẻ bất cứ những gì thực sự thuộc về dân tộc đó, những ý nghĩa, những giá trị, những khát vọng, tư tưởng và ngôn ngữ, ca nhạc và nghệ thuật của dân tộc, ngay cả những mỏng manh và thất bại mà dân tộc phải gánh chịu, để hàn gắn lại. Vì, Con Thiên Chúa đã đảm nhận toàn bộ thân phận nhân loại sa ngã của chúng ta (chỉ trừ tội lỗi), nhờ đó Người đã có thể biến thân phận ấy trở nên thân phận của mình, và cứu độ nó trong mầu nhiệm vượt qua của Người. 

Sứ điệp Ki-tô giáo phải cắm rễ trong nền văn hóa nhân loại, đồng thời phải làm biến đổi nền văn hoá đó. Hội nhập văn hóa là hệ quả tất yếu của việc Thiên Chúa đi vào trong cái cụ thể. 

1. Những động lực trong mạc khải của Thiên Chúa và nhu cầu Hội nhập văn hóa của nhân loại: 


Thiên Chúa vô biên và khôn tả đã mạc khải chính mình trong thời gian và trong lịch sử. Vĩnh cửu thâm nhập vào thời gian đã làm cho lịch sử có tính thần linh và hướng lên trời, nhưng làm cho Thiên Chúa hướng về trái đất và những lối diễn tả thần linh bị chi phối bởi những giới hạn của thời và không gian. Vô hình thể và vô danh tánh đã nhận lấy hình thể và danh tánh. 

Cấu trúc giới hạn bao quanh mọi tiến trình mạc khải là một thực tại tất nhiên mà chúng ta phải đối đầu để hiểu Thiên Chúa và sự vĩ đại khôn dò của Người. Khi cái vô hình trở nên hữu hình, và cái hữu hình chìm ngập trong lịch sử, thì những chiều kích của thời gian và không gian sẽ xác định và giới hạn những lối diễn tả, và như thể sẽ giới hạn tiến trình mạc khải của cái khôn tả này. Do đó, tất cả mạc khải vừa che giấu lại vừa tỏ bày. 

Cách thế duy nhất để vượt qua giới hạn này là giữ cho mình luôn mở ra với những cách thế mạc khải tiên tiến và đồng thời khác hẳn với cách thế chúng ta cảm nghiệm. Chính ở đây, chúng ta đối đầu với nhu cầu Hội nhập văn hóa. Vị Thiên Chúa mà chúng ta cảm nghiệm dù có phong phú và chân thật đến đâu, vẫn còn có những giới hạn mà cuối cùng phải bị vượt qua. 

Một nền văn hóa khác có thể vẫn còn che dấu một khía cạnh nào đó của Thiên Chúa, mà nền văn hóa của chúng ta đã không thể hoặc quên làm cho sáng tỏ. Đức tin thật sự có thể nhận ra phản ảnh của Thiên Chúa trong nền văn hóa lân cận và rút ra hứng khởi từ đó, và như thế vượt qua giới hạn bên trong của cảm nghiệm Thiên Chúa riêng tư này, tuy vẫn là một cảm nghiệm độc đáo và đáng tin cậy. "Điều gì Thiên Chúa đã tương đối hóa, chúng ta đừng nên tuyệt đối hóa". 

2. Những hệ lụy của hội nhập văn hóa 


Theo quan điểm đức tin Ki-tô giáo, hành động tự mạc khải quan trọng nhất của Thiên Chúa đã diễn ra nơi Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời mặc xác phàm nhân. Biến cố nhập thể này tự nó là khuôn mẫu hoàn hảo nhất của tiến trình Hội nhập văn hóa. Lời vô biên và khôn tả, sinh từ cung lòng Cha từ đời đời, đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta. 

Đức Giê-su là một người Do Thái, như bất cứ một người Do Thái nào khác ở Palestin. Người ăn mặc như họ, nói ngôn ngữ của họ, sống đời sống của một người Do Thái Palestin. Nhưng đồng thời Người mang trong mình ý thức vĩnh cửu về Chúa Cha và truyền đạt ý thức đó cho dân Người. Vì mục đích này Người đã sử dụng những dấu chỉ và những biểu tượng vẫn còn sống động trong dân Người để họ có thể hiểu và nhận ra chúng. Người cũng cho thấy quyền năng siêu việt của mình vượt thắng những giới hạn trong nền văn hóa riêng của dân tộc và những thực hành tôn giáo vào thời Người, từ chối đồng hóa mình với họ và nghiêm khắc phê bình họ. 

Tuy nhiên Người đã không loại bỏ tất cả những thực hành đó, để thay thế bằng một số những thực hành khác. Là Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Ma-ri-a, một thiếu nữ Do Thái, đã sinh hạ một trẻ bé Do Thái là Đấng thần linh, nhờ đó Người muốn thần trí Người được nhập thể vào nền văn hóa Do Thái và làm phát sinh một nền văn hóa Do Thái canh tân, vừa có đặc tính thần linh vừa có đặc tính Do Thái. 

Do đó, kiểu sống Người đảm nhận vừa là thần linh vừa là Do Thái. Tính chất thần thiêng và phổ quát của Ngôi Lời đã không bị giới hạn bởi thời gian và không gian, và như thế không nên giới hạn bởi một văn hóa đặc thù nào. 

3. Giáo Hội và nhu cầu hội nhập văn hóa 


Giáo Hội truyền giáo di chuyển từ nơi này đến nơi khác như người lữ hành mang Lời Chúa ra đi. Giáo Hội là Lời Thiên Chúa được trồng trong cung lòng văn hoá nhân loại. Vì thế Giáo Hội tăng trưởng với hai yếu tố cấu thành là: Lời (Word), là Thần Khí từ trên cao, và thế giới (World), là chiều kích vật thể của cuộc hiện sinh từ bên dưới. Giáo Hội đích thực là tổng hợp thật sự của hai chiều kích này, và dĩ nhiên, làm phát sinh ra một nền văn hóa mới, không hoàn toàn theo nghĩa mọi tạo thành đều mới, nhưng mới theo nghĩa là được hình thành bởi linh hứng mới, thần khí của Đức Ki-tô. 

Sắc lệnh Truyền Giáo được tưới gội bằng sương sa thần linh. Từ mảnh đất này, hạt giống đã hút được những chất dinh dưỡng để chuyển hóa và hấp thụ nơi chính mình. Cuối cùng, hạt giống mang lại nhiều hoa trái. 

Vì điều này có lẽ thực sự đã xảy ra, nên Giáo Hội truyền giáo cần trải qua một tiến trình chết và phục sinh, tương tự như điều đã xảy ra trong cuộc đời Đấng Cứu Thế. Mỗi một Giáo Hội đặc thù, khi được trồng vào một mảnh đất khác, đều được mời gọi chết đi và phục sinh trong Đấng Cứu Thế. Giáo Hội đó đem Lời Chúa trồng vào mảnh đất phì nhiêu của miền đất mới. 

Tất nhiên Giáo Hội cảm nghiệm điều đó không phải cách trừu tượng nhưng một cách cụ thể trong nền văn hóa riêng của mình. Giáo Hội đó cũng ban tặng một điều cụ thể, đó là Lời Chúa được du nhập vào một nền văn hóa, phong tục và ngôn ngữ riêng biệt. Nhưng Giáo Hội đó không nên khước từ quyền của một Giáo Hội mới khai sinh để phát huy cung cách diễn tả đức tin của mình, bằng cách rút ra niềm hứng khởi từ nền văn hóa riêng của dân tộc. 

Tất nhiên, một Giáo Hội mới khai sinh khiêm tốn nhận ra mối tương quan của mình với Giáo Hội mẹ, và qua Giáo Hội này mà nhận ra mối tương quan với Giáo Hội của Đức Ki-tô. Nhờ cách này, các nghi lễ hay các Giáo Hội đặc thù nảy sinh trong Giáo Hội Công Giáo rộng lớn, và Giáo Hội vẫn là Công Giáo, chính xác là vì Giáo Hội nhận lấy mọi tính chất đặc thù và đồng thời thăng hoa những tính chất ấy. 

Bất chấp mọi hình thức văn hóa đa dạng, hạt giống vẫn là một, hạt giống đích thực của vương quốc Thiên Chúa trên trần gian, đang nảy sinh và phát triển thành một cây to lớn, mang lại bóng mát và nơi ẩn trú cho mọi loài. 

4. Hội nhập văn hóa và sự hiểu biết Đức Ki-tô toàn thể 


Sự hiểu biết Đức Ki-tô bị giới hạn rất nhiều và luôn luôn bị điều kiện hóa bởi nền văn hóa trong đó chúng ta sinh ra và lớn lên. Những nhóm văn hóa trong Giáo Hội diễn đạt các chiều kích của Đức Ki-tô. 

Như thế, cùng một lễ hội được cử hành trong các quốc gia khác nhau, dưới những hình thức khác nhau, bộc lộ một số chiều kích mới trong thực thể Đức Ki-tô, những chiều kích này thu hút các quốc gia và tương hợp với truyền thống văn hóa của các quốc gia. Một đất nước Nga tuyết phủ trắng xoá hẳn sẽ cử hành lễ Giáng sinh với những kinh nguyện và những chương trình khác hẳn một xứ nhiệt đới Đn Độ hay Châu Phi. Khi các nước Tây Phương tưởng nhớ việc Ba Vua Đông Phương đến chầu Chúa vào ngày lễ Hiển Linh, thì Đông Phương lại hành lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa. Giáo Hội Đông Phương kính nhớ ngày Ngôi Sao xuất hiện ở trời đông, Ngôi Sao được Chúa Cha tuyên bố như là người Con yêu dấu và là Đấng Cứu Thế. 

Những cử hành như thế có thể rút ra được những hứng khới và những cách diễn tả từ nền văn hóa của một đất nước, trong khi luôn luôn đề cao sự hiểu biết điều căn bản trong chân lý mà họ cử hành. Cùng một đạo lý đức tin, nhưng dễ dàng nhận thấy nơi mọi hình thức nghệ thuật như kiến trúc, âm nhạc, hội họa và điêu khắc. Như thế, chúng ta có nhiều trường phái nghệ thuật, mỗi trường phái nhấn mạnh đến điểm này hay điểm khác. 

5. Những tài liệu mới đây về Hội nhập văn hóa 


Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II công bố những văn kiện quan trọng đánh dấu ý thức ngày càng tăng về mối liên hệ nội tại giữa Hội nhập văn hóa của Tin Mừng và việc Tin Mừng hóa các nền văn hóa. 

Định nghĩa trong thông điệp Slavorum Apostoli (1985) nhân kỷ niệm 1100 năm hai thánh Xi-ri-lô và Mê-thô-đi-ô, nhấn mạnh và làm sáng tỏ mối liên hệ thần học giữa nhập thể và Hội nhập văn hóa cũng như sự hỗ tương giữa đức tin và văn hóa. Hội nhập văn hóa là "nhập thể Tin Mừng vào nền văn hóa bản xứ và cũng là du nhập những nền văn hóa này vào đời sống Giáo Hội" (Số 21). Tài liệu này rất quan trọng để hiểu biết sâu xa hơn về ý nghĩa việc Tin Mừng hóa các nền văn hóa và hội nhập văn hóa vào trong một viễn cảnh lịch sử. 

Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Missio 1990) đánh dấu 25 năm sắc lệnh Truyền Giáo (Ad Gentes) đã mở ra những chân trời rộng lớn hơn. "Sứ Vụ của Đức Ki-tô Đấng Cứu Chuộc, được trao phó cho Giáo Hội, còn rất lâu nữa mới hoàn tất". Đức Ki-tô Cứu Thế đã mạc khải chính mình cho nhân loại. Vì thế, trong khi "không làm phương hại chút nào đến tự do của con người, đến sự tôn trọng mỗi nền văn hóa" (RM 3), thì nhiệt tâm truyền giáo là công tác phục vụ hàng đầu mà Giáo Hội có thể mang lại cho mỗi dân tộc cũng như toàn thể nhân loại. 

Sau khi nhắc lại những động lực thúc đẩy đức tin, Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định những lãnh vực của sứ vụ Ad gentes - đến với muôn dân, đó là các miền và các khu vực văn hóa còn xa lạ với Tin mừng, những bầu khí và những hiện tượng mới (như đô thị hóa, thế giới thứ ba đông dân cư, ưu thế của người trẻ, nạn di cư và tỵ nạn, sự nghèo đói), những khu vực văn hóa hiện tại bao gồm thế giới truyền thống, nền văn hóa toàn cầu mới với những ngôn ngữ mới, các quyền cá nhân và dân tộc, sự thăng tiến phụ nữ và trẻ em, sự bảo tồn tạo vật v.v... 

Chương bàn về "Những nẻo đường sứ vụ" có một phần dành cho vấn đề Hội nhập văn hóa (Các số 52-54) mang tựa đề "Làm cho Tin Mừng nhập thể vào Giáo Hội các dân tộc". "Thông điệp này triển khai định nghĩa của Thượng Hội Đồng Giám Mục 1985, cho rằng Hội nhập văn hóa là một tiến trình bao quát toàn diện, gắn liền với sứ điệp Ki-tô giáo cũng như suy tư và thực hành của Giáo Hội" (RM 52). Hội nhập văn hóa làm cho Giáo Hội trở thành dấu chỉ để hiểu hơn và là khí cụ truyền giáo hữu hiệu hơn. Qua việc "Hội nhập văn hóa vào các Giáo Hội địa phương, chính Giáo Hội toàn cầu trở nên phong phú nhờ những lối diễn tả và những giá trị ... Giáo Hội đi tới chỗ hiểu biết và diễn tả mầu nhiệm Đức Ki-tô hoàn hảo hơn, trong khi được kêu mời canh tân liên tục" (ibid). 

Hội nhập văn hóa giả thiết một sự phân định, được hướng dẫn bởi hai nguyên lý: tương hợp với Tin Mừng và hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu. Hội nhập văn hóa cần có thời gian cũng như bất cứ cái gì có liên hệ đến cuộc sống. Đó là lối diễn tả của đời sống cộng đoàn chứ không phải là sản phẩm độc quyền của việc nghiên cứu trường lớp. Hội nhập văn hóa là thành phần toàn vẹn trong sứ vụ của Giáo Hội. 

Mặc dầu sứ vụ Ad gentes không hề mất đi một chút tầm mức quan trọng nào, nhưng toàn thể Giáo Hội được mời gọi phải truyền giáo, trên khắp thế giới và trong mọi lãnh vực của cuộc sống. Đức Gio-an Phao-lô II đã khẳng định Hội nhập văn hóa là một nhu cầu, vẫn tồn tại trong suốt dòng lịch sử và ngày nay mỗi lúc mỗi trở nên thúc bách hơn. 

Thông điệp Bách chu niên (Centesimus Annus) do Đức Giáo Hoàng công bố tháng 5.1991 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum), có một chương riêng bàn về Quốc gia và văn hóa (số 44-52). Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng việc Tin Mừng hóa tự nó phải thâm nhập vào nền văn hóa các quốc gia, tự nó có đặc tính là một cuộc tìm kiếm mở ra với chân lý, một cuộc tìm kiếm được canh tân với sự trao đổi tự do và sự đương đầu của mỗi thế hệ. "Mọi hoạt động nhân loại đều diễn ra trong một nền văn hóa và tương tác với văn hóa... Nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất thực hiện nơi tâm hồn con người. Cách thế con người dấn thân để kiến tạo tương lai của mình tùy thuộc quan niệm họ có về chính mình và về định mệnh của mình. Giáo Hội góp phần đặc biệt và quyết định vào nền văn hóa đích thực chính trên bình diện này" (CA 51). 

Những biến cố xảy ra tại Đông Âu năm 1989 với ảnh hưởng lan ra khắp thế giới năm rõ ràng đã làm sáng tỏ "những điều mới mẻ", đặt con người vào trung tâm của một xã hội trần thế đang trên đà tiến, trong đó, trước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội đang đồng hành với nhân loại hướng tới định mệnh vĩnh cửu của mình. 

Như thế, sự tương hợp giữa việc nhập thể và truyền thống Ki-tô giáo trong bối cảnh lịch sử, văn hóa và xã hội của các dân tộc tạo thành nền tảng của thần học nhập thể. Sự Hội nhập văn hóa này là một tiến trình khởi đi từ Tin Mừng và đi tới mỗi dân tộc, mỗi cộng đoàn tự bên trong, qua trung gian của ngôn ngữ và những biểu tượng khả tri. 


II. HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ ĐỜI TU


Sự thánh hiến trong đời tu thiết yếu có tính Giáo Hội và Tin Mừng. Như Tin Mừng và Giáo Hội luôn luôn cần Hội nhập văn hóa mỗi ngày thế nào, thì đời thánh hiến trong Giáo Hội tự bản chất cũng cần Hội nhập văn hóa như vậy. Tháng 10.1985 người ta công bố bản tường trình về cuộc thăm dò của các hội nghị tu sỉ nam nữ trên khắp thế giới. 

Trên thế giới có một cảm thức mới về khủng hoảng và về nhu cầu hy vọng, người tu sĩ thiết tha dâng hiến đời mình cho một nỗ lực mới để hiểu biết các nền văn hóa ngõ hầu lời Đức Ki-tô Giê-su được mọi người lắng nghe. Người tu sĩ sống giữa những thay đổi của xã hội, cố gắng nắm bắt ý nghĩa cuộc sống của Giáo Hội và Hội Dòng của mình. Họ cũng ý thức cần phải đầu tư tâm linh và trí thức một khi Tin Mừng được hội nhập vào trong những nền văn hóa đang thành hình, và sự phát triển của các dân tộc được phục vụ trong công bằng và bác ái. 

Trong những năm gần đây, nhiều dòng tu đã làm văn hóa và Hội nhập văn hóa được xem như một mục tiêu đặc biệt của lòng nhiệt thành tông đồ như trong lá thư nổi tiếng của Cha Arrupe về Hội nhập văn hóa. Nhiều hội dòng đã chú trọng đến văn hóa và việc Tin Mừng hóa mới, và cũng đã có nhiều chương trình quan tâm tới Hội nhập văn hóa. 

Trong bối cảnh Châu Á Thái Bình Dương, ít nhất, có 3 nhân tố quan trọng đó là sự đa nguyên tôn giáo, thực tại xã hội đang được chú ý tới nhiều và tiến trình hiện đại hóa nhanh chóng. Hội nhập văn hóa phải lưu tâm đến hoàn cảnh cụ thể này. 

1/ Những hệ lụy của đa nguyên tôn giáo đối với đời sống Ki-tô giáo nói chung và đời tu nói riêng trong bối cảnh Á Châu, là rất đáng kể (những tôn giáo thế giới như Phật giáo, Đn giáo, Khổng giáo, Hồi giáo ...). Chiều kích liên tôn giáo là chiều kích quan trọng hơn cả đối với đời tu hôm nay. Khi nói tới Hội nhập văn hóa trong đời tu, chúng ta cần lưu ý tới sự thay đổi đang diễn ra trong suy tư thần học hiện tại. 

Ngày nay các Ki-tô hữu chỉ chiếm gần 1/3 nhân loại (32,4 %) trong khi hơn 2/3 là thuộc các tôn giáo khác như Phật giáo, Đn giáo, Khổng giáo, Hồi giáo hoặc không thuộc về tôn giáo nào. Điều này có nghĩa là phần đa số lớn dân số thế giới được hướng dẫn tới các quan điểm tôn giáo và những giá trị không phải là Ki-tô giáo. Vì thế, đa nguyên tôn giáo đã trở thành một vấn đề trung tâm trong những thảo luận về thần học và đời tu. 

Hơn bao giờ hết, ngày nay dân chúng thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau đang đến với nhau nhờ những phát triển và tiến bộ mới trong thế giới và trong lịch sử. Do đó, đa nguyên tôn giáo không còn là vấn đề dành cho một thành phần nào trên thế giới, nhưng đã trở thành vấn đề toàn cầu, như Harold Coward nói. Như vậy, có sự thay đổi quan trọng về cách nhấn mạnh lối tiếp cận "rất thần học" với một tôn giáo khác, khởi đi từ câu hỏi đâu là tương quan giữa đời tu Ki-tô giáo và không Ki-tô giáo, cho đến câu hỏi đâu là vị trí của Ki-tô giáo trong thế giới đa nguyên tôn giáo. Trong bối cảnh những thách đố như thế, chúng ta phải đặt ra vấn đề Hội nhập văn hóa trong đời tu. 

Bởi đó, người tín hữu tương lai sẽ là một người liên tôn giáo. Linh đạo tương lai sẽ là linh đạo liên tôn giáo và người tu sĩ tương lai sẽ là người cởi mở triệt để với Thần Khí của Đức Giê-su nơi chúng ta và nơi mọi tôn giáo. Chúng ta phải thoát ra khỏi thứ linh đạo tuyệt đối và khép kín để bước sang linh đạo liên tôn giáo. 

2/ Vị thế ưu thắng và sức mạnh của Thánh Thần trong và chung quanh chúng ta, phải khơi dậy nơi chúng ta việc theo Đức Giê-su một cách triệt để. Bản chất của đời tu là trở nên môn sinh triệt để. Bốn Tin Mừng đều nói về nếp sống môn sinh này theo 4 góc cạnh khác nhau. 

Đối với Mat-thêu (Mt 5) đó là thực hành sự công chính hoàn hảo hơn (Dharma). Đối với Mác-cô, môn đồ là người chịu đau khổ và sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa trợ giúp (Mc 2,8). Đối với Lu-ca, đó là người môn sinh lữ hành (Lc 9). Còn Gio-an đưa ra hình ảnh một người môn sinh phải từ bỏ tất cả và theo thầy triệt để (Ga 6). 

Trở nên môn sinh chính yếu là công trình của Chúa Thánh Thần. Như thế, trong đời tu của chúng ta, Thánh Thần chiếm vị trí ưu tiên. Người soi sáng và giúp chúng ta nhận ra những hoàn cảnh văn hóa, tái giải thích quá khứ, xua trừ những thành kiến và kiến tạo sự cởi mở đối với các tôn giáo và các nền văn hóa khác. 

Thông thường, tất cả chúng ta đều là tù nhân của những quan điểm, những cơ chế chúng ta đã tạo ra, những lề luật của chúng ta đã thiết định, và những đoàn sủng chúng ta đã thừa hưởng. Một khi sự hiện diện của Thánh Thần chiếm ưu thế nơi chúng ta, nơi công đoàn tu trì chúng ta, nơi Dòng chúng ta, thì tự nhiên chúng ta trở thành người "Giác ngộ". Đây là điều chúng ta phải theo đuổi trong đời tu của mình. 

3/ Tính triệt để của đời tu là tinh thần nghèo khó và lệ thuộc Thiên Chúa hoàn toàn. Đời tu chủ yếu phải là một đời sống chứng tá dựa trên cảm nghiệm Thiên Chúa và nội tâm. Trên hết, tu sĩ là người thuộc về Thiên Chúa. Chúng ta phải suy nghĩ xem đâu là những hình thức chứng tá mới tập trung vào nội tâm hơn là những an toàn cơ chế? Chúng ta có thể nghĩ tới những hình thức chứng tá triệt để nào trong vùng Châu Á Thái Bình Dương của chúng ta? 

4/ Đời tu là đời sống liên đới với người nghèo. Người tu sĩ Á Châu phải thốt lên những tiếng rên rỉ của Thánh Thần nơi người nghèo hôm nay. Các Hội Dòng phải cố gắng trở nên những phong trào phản kháng chống lại những cơ chế áp bức và biến đổi mọi sự trong Thần Khí của Đức Giê-su. 

5/ Lấy hứng khởi từ lý tưởng vị Tôn sư Giê-su và từ lối tu trì của các truyền thống Á Châu, chúng ta phải khám phá ra những lối sống mới trong đời tu. Theo ý tôi, đây là điều hết sức quan trọng đối với đời tu trong bối cảnh của chúng ta. Anh em Đa Minh phải khám phá, kiến tạo và làm tiến triển hình ảnh duy nhất của Đức Giê-su, vị Tôn sư là Đấng chúng ta phải thường xuyên lắng nghe, phải suy niệm sâu xa lời của Người, và phải hết lòng trở nên giống như Người. Điều chúng ta không ngừng ngưỡng mộ sùng bái và khao khát, dần dần rồi sẽ trở thành hiện thực nơi chúng ta. 

Chúng ta cần phải có bầu khí tu trì (Ashram) nơi các cộng đoàn. Những đặc trưng quan trọng của lối tu Ashram như cầu nguyện, chiêm niệm, chăm chỉ làm việc, chuyên tâm nghiên cứu, thinh lặng, đơn giản... phải trở nên thành phần cốt yếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ tới vấn đề tiếp thụ những lý tưởng này vào giai đoạn nào? 

6/ Các biểu tượng tôn giáo có khuynh hướng trở nên những ngẫu tượng, theo nghĩa là mất dần sự tinh ròng trong những thực tại sâu thẳm của Thiên Chúa và kinh nghiệm trung thực về Thiên Chúa. Như thế tôn giáo sẽ thoái hóa thành duy nghi lễ, giáo điều, cơ chế và bảo thủ. Trong hiện trạng của chủ nghĩa bảo thủ và những nhóm tu sĩ đấu tranh, người tu sĩ hôm nay phải là những con người được giải thoát thực sự và không ngừng giải thoát tất cả. 

Lấy hứng khởi từ Đức Giê-su, Đấng trở nên lời của Thiên Chúa được lắng nghe qua những người nghèo của thời ấy, đời tu Đa Minh hôm nay phải thốt lên rõ ràng bằng những tiếng rên rỉ của Thánh Thần nơi người nghèo hôm nay. Điều này có lẽ đòi hỏi những giai đoạn không thoả hiệp bước cương quyết, không khoan nhượng nơi những cộng đoàn và nơi những người thân chúng ta đang thi hành sứ vụ. Chúng ta có thể làm cho cộng đoàn Đa Minh của chúng ta được giải thoát như thế nào? 

7/ Chúng ta phải cố gắng hấp thụ những hình thức cầu nguyện thích hợp với văn hóa hơn, những thích ứng phụng vụ và những kiểu sống trung thực hơn. Trước tiên, chúng ta hãy nhận ra những phong tục đích thực và những truyền thống của các dân tộc. Trên hết, hãy thừa nhận, kính trọng và thành tâm qúy chuộng những phong tục và truyền thống ấy. Tất cả đều có thể bổ túc cho nhau, không có cơ cấu trên dưới. 

Hội nhập văn hóa phải thể hiện trong thái độ hơn là nơi bề ngoài hời hợt. Do đó, thay đổi thái độ là điều kiện tiên quyết đối với bất cứ một hành động Hội nhập văn hóa nào, trong hình thức cầu nguyện và những khía cạnh khác của đời tu. Làm thế nào để tiếp thu những hình thức suy niệm của Đn Độ và của Á Châu? 

8/ Chúng ta phải phát huy một hình thức đời tu đích thực bằng cách nối kết việc chiêm niệm sâu xa với ai dấn thân xã hội thực sự. Chúng tôi đã nói đến hai yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến HòI Hội nhập văn hóa là: đa nguyên tôn giáo và tình trạng xã hội của Châu Á - Thái Bình Dương. Bởi đó Hội Nghị Châu Á - Thái Bình Dương phải phác thảo những kế hoạch mới để nối kết hai yếu tố này trong đời tu của chúng ta. 

9/ Đời tu là một lối hoàn thành đời mình qua vị thế môn sinh của Lời Chúa. Đời tu phải đảm nhận Lời Chúa. Bằng cách lắng nghe, suy niệm và hấp thụ Lời Chúa, các nhà giảng thuyết đích thực, trước hết, phải trở nên những người thờ phượng Lời. Lời chúng ta rao giảng phải thường xuyên thanh tẩy chúng ta, làm cho chúng ta trở nên trong suốt và biến đổi thật sự. Việc hoàn thành đời mình qua vị thế môn sinh của Lời Chúa là lý tưởng của đời tu mà chúng ta phải theo đuổi tại Á Châu. 


III. HỘI NHẬP VĂN HÓA VÀ ĐÀO TẠO TU SĨ


Trong viễn ảnh về đời tu tại Châu Á vừa nói ở trên, chúng ta cần xúc tiến một chương trình đào tạo thích hợp với văn hóa và tâm hồn Á Châu. Kín múc từ kho tàng đề cao tâm linh trong các tôn giáo Á Châu, đồng thời nối kết việc chiêm niệm dấn thân xã hội, chúng ta phải hiểu rằng việc đào tạo trong đời tu là một lời đáp trả dứt khoát, và hoàn toàn cởi mở với Thần Khí: đó là ý thức chiêm ngắm về sự hiện diện đầy sức biến đổi của Thần Khí Thiên Chúa nơi chúng ta và chung quanh chúng ta, đồng thời tham dự tích cực vào công trình sáng tạo của Thần Khí. 

Như thế, đào tạo là hội nhập qua việc tự định hướng, đồng thời tạo nên sự thức tỉnh đối với Thần Khí và tiến đến sự hoàn thành toàn diện. Việc đào tạo trong đời tu tại Á Châu phải nhắm đến những vấn đề sau: 

1/ Đào tạo là một tiến trình hòa nhập. Điều này rất quan trọng nên chúng ta cần phải hiểu đào tạo như là một sự hòa nhập nhân cách. Mục tiêu của các tôn giáo là hòa nhập. Giáo Hội cổ võ việc hòa nhập. 

Chính C.G Jung đã nói rằng toàn bộ tâm lý học có thể tóm kết trong 2 chữ hòa nhập. Cả bộ Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita), bộ Kinh Thánh Đn Giáo phổ thông nhất, có lẽ chỉ là sự hòa nhập. Thiền chính là mang lại sự hòa nhập. Dhyana, sự chiêm niệm, tạo nên sự hòa nhập. Sự hòa nhập phải diễn ra bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta có thể đưa vào trong việc đào tạo của chúng ta phương pháp hội nhập văn hóa nào theo quan điểm hòa nhập? 

2/ Dõi theo lý tưởng Vị Tôn Sư, sự hoàn thành đời mình là mục tiêu của việc đào tạo. Lý tưởng lớn lao của đời tu là thể hiện Thiên Chúa trong chính bản thân chúng ta. Điều này được hoàn tất qua một marga (con đường) ba mặt : Karma - Hành động (Thờ phượng và những hành động dấn thân vào hoàn cảnh sống), Jnana - Tri thức (sự soi sáng của Thiên Chúa tự bên trong), và Bhakti - Sùng ái (hiến thân cho Thiên Chúa một cách bền bỉ và cảm nghiệm Thiên Chúa). 

Người tu sĩ dấn thân vào thế giới thuần khiết và vô tỳ vết bằng cách biến đổi những hành động của mình thành Karma-yoga (từ bỏ thực sự và tự do hoàn toàn), bằng lời khấn thanh bần; được Lời soi sáng, luôn tìm kiếm Lời qua lời khấn vâng phục (Jnana-yoga); luôn sống trong hiệp nhất với Thiên Chúa qua lời khấn khiết tịnh (Bhakti-yoga). Lý tưởng việc đào tạo của chúng ta là thực hiện Đức Ki-tô, hăng say chiêm ngắm dung mạo Đức Giê-su độc nhất của đoàn sủng Đa Minh và không ngừng ngợi ca Tin Mừng. 

3/ Đào tạo là một tiến trình thức tỉnh tâm linh toàn vẹn cả bên trong lẫn chung quanh chúng ta. Đó là sự tự hướng dẫn nhờ Thần Khí khơi dậy bên trong. Thần Khí này vừa siêu việt vừa thông dự. Thần Khí khơi dậy này vừa là Thánh Thần vừa là tinh thần con người. Thần Khí bên trong này được thức tỉnh nhờ thinh lặng và chiêm niệm. 

Vai trò của các nhà đào tạo là phải thức tỉnh Thần Khí nơi những người thụ huấn, giúp họ khám phá và phân định cũng một Thánh Thần đang hoạt động trong thế giới. Nghệ thuật thinh lặng và tập trung rất quan trọng đối với tiến trình thức tỉnh Thần Khí này. Chúng ta có thể tính đến việc đưa phương pháp thức tỉnh này vào chương trình đào tạo của chúng ta không? 

4/ Một lý tưởng đào tạo khác trong bối cảnh Linh đạo Đn Độ là Astanga-Yoga (tám nề phép chiêm niệm). Hệ thống Yoga Đn Độ có phương pháp đào tạo Yama-Niyama (Sự kiềm chế - Kỷ luật). Yama và Niyama là những lý tưởng cao để đào tạo tu sĩ. Chúng là những nguyên lý kỷ luật xã hội và cá nhân. 

Yama (những kỷ luật xã hội): bước đầu tiên trong kinh nghiệm tâm linh là điều chỉnh đời sống xã hội của một người. Đó là hệ thống huấn luyện 5 nhân đức xã hội, được gọi là: 
a) Ahimsa (bất bạo động) 
b) Satya (trung thực) 
c) Asteya (không trộm cắp) 
d) Brahmacarya (tiết chế) 
e) Aparigraha (không thèm muốn những gì của người khác) 

Niyama (kỷ luật cá nhân): trong khi Yamas thiên về kiềm chế những tính tự nhiên trong luân lý xã hội, Niyama lại xây dựng những thái độ tích cực. Niyama quy chiếu về luân lý và sự toàn thiện cá nhân, cũng gồm 5 điều: 
a) Saucha (trong sạch) 
b) Santosha (an lạc) 
c) Tapas (khổ chế) 
d) Swadhyaya (cá nhân nghiên cứu Kinh Thánh) 
e) Iswara pranidhna (mộ đạo) 

Các ứng sinh sẽ vun đắp tinh thần Ahimsa, không là gì khác hơn là tôn trọng sự sống và từ chối gây tổn thương cho người khác, đi đôi với lòng can đảm sống trung thực trong mọi hoàn cảnh (Satya-graha). Họ phải yêu chuộng sống đơn giản, không tích lũy vật dụng làm sở hữu cho mình (Asteya, Aparigraha), tìm niềm vui và sự an lạc (Santosha) trong việc ở với Đức Chúa (Iswara Pranidhana) và tự xác định đi theo đường lối của Đức Chúa suốt đời mình (Brahmacarya). Họ cần có trực giác về trong sạch (saucha) và tự chế (tapas) và hằng ngày thỉnh thoảng cần chú tâm nghiên cứu Kinh Thánh trong cầu nguyện (Swadhyaya). Như vậy việc đào tạo phải quan tâm đến kỷ luật bên trong lẫn kỷ luật bên ngoài. 

5/ Một lý tưởng khác nữa trong việc đào tạo là Stitaprajna. Nghệ thuật cầu nguyện miệt mài và tĩnh lặng, là điều mà người tu sĩ Ki-tô thường thiếu, trong khi nhiều tu sĩ Đn giáo tương đối tốt hơn. Loại cầu nguyện này nên được bổ túc bằng tinh thần phục vụ của Ki-tô giáo. Nhưng để phục vụ trong tình trạng thanh tịnh và an bình (Stitaprajna như Gita đã ấn định), chúng ta cần thực hành trong chiêm niệm và miệt mài cầu nguyện với tinh thần của ekagrata (tập trung chú ý vào một điểm). 

6/ Đường hướng liên tôn giáo trong việc đào tạo hết sức quan trọng trong bối cảnh Châu Á. Những người thụ huấn cũng nên tiếp xúc một cách nào đó với Kinh Thánh của các niềm tin khác, nhưng không đánh mất căn rễ của mình là niềm tin Ki-tô giáo. 

Tuy nhiên, nếu họ được dẫn vào tìm kiếm Thiên Chúa và kinh nghiệm Thiên Chúa theo Áo Nghĩa Thư (Upanishad) và Chí Tôn Ca (Gita), thì thật là tốt đẹp. Tính sáng tạo nơi tâm hồn người tu sĩ Ki-tô giáo Á Châu là một tính sáng tạo của sự hoà trộn tinh thần một người Ki-tô hữu thực sự và tinh thần người Á Châu thực sự. 

Các giám sư tập sinh phải tổng hợp hai yếu tố này nơi mình chia sẻ cho các tập sinh của mình, và các tập sinh đón nhận điều đó trong tinh thần Ki-tô giáo đích thực và trung thực. Vì mục đích này khuyên các giám sư tập sinh hay những giám sư tương lai nên sống một thời gian đáng kể nơi một tu viện Ki-tô giáo Á Châu đích thực (hoặc ngay cả một tu viện Đn giáo) để hấp thụ được tinh thần thực sự của linh đạo Đn Độ và lối sống phát xuất từ đó. 

7/ Đào tạo bằng cách tham dự vào các cuộc đấu tranh của dân tộc là điều rất quan trọng trong bối cảnh xã hội chúng ta. Từ bỏ và siêu thoát mọi lo toan vật chất được coi là một lý tưởng vĩ đại hàm chứa trong lời khấn thanh bần. Điều này đã và vẫn là như thế trong đời tu đích thực tại Á Châu, và theo tôi, cũng tại bất cứ ở nơi đâu khác, nơi người ta hăng say tìm kiếm Thiên Chúa. 

Sự từ bỏ và siêu thoát này được thể hiện ra bên ngoài, nhất là tại Đn Độ, nơi hơn phân nửa dân chúng đang sống dưới mức nghèo khổ. Việc thực hành đức thanh bần phải được nối kết với Asteya (tinh thần không có của tư hữu), và aparigraha (tinh thần chia sẻ). Đời sống thanh bần xét như liên hệ với Karma yoga (con đường hành động), làm cho mọi sự và mọi dấn thân trở thành hành vi thờ phượng, hoàn toàn từ bỏ, nhưng miệt mài dấn thân để thiết lập vương quốc Đức Ki-tô, vương quốc bình an và yêu thương trên trái đất. Ở điểm này, tôi khám phá ra vai trò của Thần học giải phóng đích thực và sứ vụ ngôn sứ của người tu sĩ đang hành động. 

Trong một đất nước nghèo, chứng từ nghèo khó tập thể cũng được xem là điều rất quan trọng. Như thế, chỉ cần nơi ở đơn giản, cách trang phục, những đồ dùng và những tiếng nhi tối thiểu... Ít ra, chúng ta hãy bắt đầu sống đơn giản nơi những cơ sở mới thành lập. 

8/ Lối sống tu trì Đn Độ (Ashram) và bầu khí nơi các cơ sở đào tạo sẽ đóng góp nhiều cho việc đào tạo tinh thần Hội nhập văn hóa. Chỉ có một Tôn sư - Guru - hoàn hảo là Đức Giê-su, Cứu Chúa. Còn các nhà đào tạo là Upagurus, tức những phụ giáo. Cơ sở thật sự của các Ashram không phải là những mảnh đất với túp lều tồi tàn, nhưng ở nơi tâm hồn người thầy (guru) sống nơi đó, và do gặp gỡ cá vị với Đấng đang cư ngụ bên trong đó. Bầu khí Ashram và lý tưởng Guru rất hữu ích cho việc đào tạo của chúng ta. 

9/ Sau cùng, việc đào tạo Hội nhập văn hóa phải làm phát triển linh đạo cá vị, bao gồm chiêm niệm và dấn thân xã hội, luôn luôn là người tôn thờ đích thực Lời Chúa. 

KẾT LUẬN


Trong và qua Giáo Hội, Đức Ki-tô vô hình hiện diện nơi thế giới mỗi ngày. Á Châu phải hình thành một cái nhìn về Đức Ki-tô vốn phong phú nơi kho tàng tâm linh của mình và trung thành với sứ điệp Tin Mừng. Khuôn mặt vô hình của Đức Ki-tô phải được bày tỏ, sớm bao nhiêu có thể, không phải chỉ vì tính tự phát và tính bản nhiên của đời sống Ki-tô giáo Á Châu, nhưng còn vì sự mạc khải toàn vẹn Đức Ki-tô cho thế giới. Đó là một đóng góp của Giáo Hội Á Châu cho Giáo Hội phổ quát. 

Chắc chắn chúng ta đã làm như thế từ lâu rồi, có lẽ có nhiều người trẻ phương Tây tâm đắc với linh đạo Đông phương trong những Ashram hôm nay, và chắc là họ đã khám phá ra điều đó trong những Giáo Hội anh em tại Á Châu. Trong tiến trình bày tỏ khuôn mặt Á Châu của Đức Giê-su người tu sĩ Á Châu phải giữ một vai trò vô cùng quan trọng. Đúng là như vậy, vì linh đạo Á Châu đặt nền và được nuôi dưỡng liên tục nhờ cảm nghiệm Thiên Chúa sâu và dấn thân hết mình vào đời sống, cả hai yếu tố đều hợp nhất trong cách đời tu Đa Minh tôn thờ Lời Chúa. 
Nguyễn Văn chuyển ngữ