Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

HỘI NHẬP VĂN HOÁ TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO

(Thời sự Thần học - Số 3 - Tháng 2/1995, tr.129-147)

LTS : Nữ tu Vandana Mataji, RSCJ từng là một Parsee, theo đạo Công Giáo, vào dòng Thánh Tâm, nguyên Tập Sư, nguyên Giám Tỉnh dòng Thánh Tâm, nhiều năm là Giám Đốc trường Trung Học nổi tiếng ở Bombay, Ấn Độ. Ở tuổi 50 được phép các Bề Trên, đã sống đời một Ashram Hindu tại chân núi Himalayas, từng giảng tĩnh tâm và giảng dạy nhiều nơi ở Ấn Độ và nước ngoài. (Qua đời tháng 2.2013).

Tác giả trình bày chủ đề này trong Hội Nghị về HỘI NHẬP VĂN HÓA TRONG ĐỜI SỐNG TU TRÌ VÀ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO dành cho các Bề trên cao cấp và các Nhà đào tạo Dòng Đa Minh, vùng Châu Á - Thái Bình Dương, được tổ chức tại Nagpur-Varanasi, Ấn Độ, từ 19 đến 27-10-1993. 

Hai bài viết khác cùng chủ đề này của đức Cha Leobard D'Souza và cha Timothy Radcliffe đăng ở Tsth–số 1 và Bài của cha Thomas Aykara, CMI, ở Tsth-số 2.

NHẬP ĐỀ


Cách đây gần 30 năm, Công đồng Va-ti-ca-nô II đã kêu gọi chúng ta phải thích ứng đời tu với nền văn hóa "bản địa". Về sau, tiến trình đó mang tên là hội nhập văn hóa. Với nhiệt tình khác nhau, nhiều Hội Dòng đã xúc tiến công cuộc thích nghi nếp sống tùy theo đặc tính văn hóa riêng của họ. Tôi thấy thật là hữu ích khi lượng định xem trong thực tế chúng ta đã tiến được bao xa trên con đường "Hội nhập văn hóa", trong công việc và trong sự thực, nhìn thẳng vào một số điều kiện tiên quyết nhằm đạt tới sự tiến bộ thực sự và mơ ước một cách có căn cơ về việc đời tu phải định hình ra sao trong thế kỷ sắp tới. Chúng ta chỉ còn 7 năm nữa để chuẩn bị thôi. Chúa từng bảo chúng ta : "Hãy tỉnh thức", còn Kinh Áo nghĩa thư (Upani-shad) thì dạy : "Hãy thức dậy và tìm đến một vị minh sư". Theo thiển ý, đoàn sủng Đa Minh hình như rất phù hợp với cha Tổng quyền. Nhận xét của tôi dựa vào bài giảng khai mạc tuyệt vời của cha. Tôi không thể không cảm thấy các bạn thật có phúc vì hiện có một vị Đại Sư nêu gương sống giản dị và tinh thần sáng kiến sâu sắc trong suy tư và giảng dạy. Nếu cứ thành thực với lòng mình để kiểm điểm xem từ thời Va-ti-ca-nô II đến nay, dù đã có nhiều trợ lực, chúng ta đã hội nhập văn hóa tới mức nào, thì phải nhìn nhận rằng, mặc dù có thiện ý của mình, nhưng một cách nào đó, chúng ta đã trải qua kinh nghiệm "tinh thần hăng hái, xác thịt ươn hèn". Bởi lẽ, để hội nhập văn hóa thực sự, đòi hỏi phải có một số hy sinh cốt yếu nào đó. Chúng ta có sẵn sàng hy sinh không? 


I. NHỮNG ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC TIẾN BỘ THỰC SỰ


a) Tinh thần rộng mở của các bề trên và dũng khí của chính chúng ta. 

Đúng như đã nói, điều kiện tiên quyết thứ nhất đối với tu sĩ là sự cởi mở của các bề trên: Giám Tỉnh, Tổng quyền, Bề trên địa phương - dám và sẵn lòng tín nhiệm anh em là những người có thể chấp nhận mạo hiểm. Tôi được biết có những vị hết sức lo sợ - thậm chí không đồng ý - để tu sĩ thuộc quyền ra ngoài sống với những người khác tín ngưỡng, học tập ở họ và làm cho Đức Ki-tô hiện diện bằng chính sự có mặt của mình. Các vị e là chị em (nếu không muốn nói là cả anh em nữa) có thể "mất đức tin"! Thử hỏi người ta đã huấn luyện thần học và tâm linh theo kiểu nào khiến cho đức tin trở thành mỏng dòn như thế ? 

Nhưng cho dù có được những vị bề trên rất cởi mở và đáng tin cậy, chính chúng ta cũng cần can đảm và kiên trì cả trong những nguyện vọng và nỗ lực của mình. Chắc chắn, các tu sĩ Dòng Thánh Tâm chúng tôi sẽ không thể đạt được thành tựu nào trong những gì chúng tôi thi hành từ cuối thập niên 60 đến nay, khởi từ sự thôi thúc mạnh mẽ của Swami Abhishiktananda tại "Hội nghị Quốc gia về Hội thánh ở Đn Độ" tổ chức tại Bangalore, nhằm khởi sự sống đời tu theo kiểu sống Ashram, nếu không nhờ có lòng tin tưởng kiên bền và sự trợ giúp tinh thần dành cho chúng tôi (cho đồng nghiệp của tôi là chị Eshpriya và tôi) để sống suốt 5-6 năm trong những cộng đoàn Ashram của Đn giáo, trước khi chúng tôi thấy sẵn sàng thành lập những cộng đoàn Ashram riêng trong dãy Hy Mã Lạp Sơn. Xin quý bạn miễn thứ cho nếu như các thí dụ của tôi phần nhiều đều được rút ra từ kinh nghiệm của người Đn chúng tôi. Dù đã từng thăm viếng hầu hết các cộng đoàn có anh chị em đại diện ở đây (trong những buổi tình tâm đã qua), tự nhiên tôi vẫn thấy rất thân quen với truyền thống Đn giáo. 

b) Một đích điểm rõ rệt trong việc "tầm sư học đạo": 

Ekagrata hay Mục tiêu là một trong những đặc điểm quan trọng của đời sống tâm linh người Đn và tôi dám chắc là của mọi linh đạo Đông phương nữa. Thật quá dễ dàng khi bắt đầu học một cái gì đó - dù là ngôn ngữ, âm nhạc, múa, hoặc một lối sống bó buộc thực sự giữa những người cùng khổ - nhưng rồi lại bỏ cuộc khi công việc trở nên khó khăn. Chúng ta quá dễ dãi cảm thấy chúng ta không có thời giờ, có quá nhiều việc khác phải làm, "sức khỏe của tôi sắp nguy rồi đây!" tôi không thể cầm cự suốt 6 tới 10 năm để tầm sư học đạo (hoặc bất kỳ điều gì khác). Nhưng trong tất cả mọi truyền thống tôn giáo Á châu (kể cả truyền thống đan tu Ki-tô giáo sơ khai) sống và học hỏi lâu năm (theo lệ là 12 năm đối với Đn giáo) chính là điều kiện tiên quyết. Nhiều người muốn trở thành "Sư phụ" (vị linh hướng theo nghĩa tốt đẹp nhất) hơn là học làm "đệ tử" trước đã. Tôi từng bắt đầu việc tầm sư vào độ tuổi cuối tứ tuần sang ngũ tuần, sau khi đã làm giáo tập và Giám Tỉnh. Nếu như được tiếp xúc với truyền thống của sư phụ Shishya sớm hơn, có lẽ tôi đã ít gây ra thiệt hại hơn. Cá nhân tôi nghĩ rằng trở thành hoặc luyện tập làm Guru (sư phụ) là điều không thích hợp với truyền thống Đông phương. Đúng hơn tôi phải học thi hành như Đức Giê-su truyền cho bất kỳ ai muốn làm môn đệ ngài : "hãy từ bỏ chính mình; hãy vác lấy thập giá hàng ngày của tôi và theo tôi". Đích điểm rõ ràng này chẳng hề ngụ ý muốn chuẩn bị lập một cộng đoàn Ashram nào cả. 

Một cộng đoàn Ashram không giống như một Hội Dòng. Theo truyền thống Á châu của chúng tôi, cộng đoàn Ashram khai sinh khi có một (hay nhiều) người nào đó tìm đến xin theo bạn, sống với bạn để học hỏi đời tâm linh, học "Brahma Vidya" (Thần Tri) không chỉ ở trường lớp, mà nhờ sống với một vị Sư phụ đích thị là Guru, vì dù sao trong hầu hết mọi trường hợp, vị ấy đã từng là một môn sinh và hiện nay đã đạt tới mức độ "Brahmanishtha" tức là một người đã an cư trong Chúa, một Shrotriya : người thông hiểu Kinh Thánh, nghĩa là đã "nghe" được lời trong cõi lòng mình - chứ không phải chỉ thông thạo theo nghĩa sách vở. Nhiều vị Guru, ngay cả những vị đương thời, vốn mù chữ hoặc được học hành rất ít, vậy mà các vị ấy có tới hàng ngàn môn sinh từ khắp hoàn cầu. Đến lượt môn sinh lại cần các vị để uốn nắn, được chuẩn bị học tập. Người đệ tử đến với Thầy với "dầu đèn cầm tay" - sẵn sàng phục vụ Thầy. Thời xưa, đệ tử được giao bổ củi, làm bếp và chăm sóc Thầy v.v... Ngày nay đôi khi cũng vẫn còn thực hành như vậy. 

c) Sẵn sàng hiến thân: 

Đối với chúng ta là những tu sĩ đã từng có kinh nghiệm thâm niên trong việc giảng dạy và hướng dẫn người khác, không phải lúc nào cũng dễ mà chịu làm môn sinh tập sự. Nó đòi phải ngồi dưới chân người khác, lắng nghe, học hỏi và điều chỉnh nhiều điều đã thành nếp trong đầu óc và những khuôn mẫu suy tư đã bị Tây phương hóa. Rõ ràng phải liên tục chết đi với cái tôi nhỏ nhen của mình. Thật quá dễ khi tự sát bằng cách làm việc vất vả trong những công tác còn bội phần gian khó hơn trong bối cảnh văn hóa quen thuộc. Thế nhưng cái chết lại xảy ra ngay trong chính tiến trình thực hiện những hy sinh ấy. Khi cái chết được đón nhận một cách chủ ý và hoan hỉ (không phải dễ!) thì sự thánh thiện của Đấng Duy nhất Thánh mới bộc lộ ra, tuy chỉ thoáng qua. 

d) Dẹp bỏ nỗi sợ đánh mất căn tính: 

Trao đổi với chúng tôi với tư cách là một người Đn giáo, Tiến sĩ Pawar đã đề cập đến khả năng chúng tôi có thể bị thu hút vào Đn giáo. Tất nhiên ý thức căn tính của mình là điều quan trọng. Nhưng tôi không cho rằng điều đó chỉ liên quan đến văn hóa hay đức tin, hoặc chỉ ảnh hưởng tới nỗi lo sợ của tôi với tính cách là Ki-tô hữu, hoặc của tất cả chúng ta như một cộng đoàn là sẽ bị lôi cuốn theo Đn giáo, Hồi giáo, hoặc Phật giáo, hoặc bất kỳ tôn giáo nào được coi như đạo giáo ưu việt của xứ sở chúng tôi đang sống và đang phục vụ. 

Thiết nghĩ, cách thức để biết căn tính thực sự của tôi, xem thực sự tôi là ai, có liên quan nhiều hơn đến bản chất của tôi trước Đấng ở trong tôi. Đức Giê-su không chỉ nói : "Cha-trong-Con và Con-trong-Cha", nhưng truyền thống Advaida vĩ đại về : "Phi-Nhị nguyên" trong Đn giáo cũng lôi kéo Ki-tô hữu chúng ta càng lúc càng mạnh; chậm mà chắc, đến chỗ nhận ra rằng cái ngã thật của tôi là Chúa Thánh Thần. Chính ý thức đang tăng trưởng này sẽ giải thoát tôi khỏi nỗi lo sợ bị đánh mất căn tính và mọi thứ sợ hãi khác. Sách Katha Upanishad dạy : "khi ý thức của Atman (Tiểu hồn) tự bộc lộ, con người được giải thoát khỏi nanh vuốt tử thần". Đây chính là sự giải thoát toàn diện mà mọi người chúng ta tìm kiếm. 

Điều này đòi hỏi: 

e) Loại trừ khía cạnh phàm tục: 

Dù có nghĩ và tin là mình thực sự đang sống và làm việc chỉ vì vinh quang Thiên Chúa, nhiều người chúng ta chưa từng có một nền tảng vững chắc trong "Nishkam Karma" mà linh đạo Đn giáo xem như căn bản của việc huấn luyện, tức là làm việc mà không hề ước muốn gì cho bản thân; chẳng vì lời khen, chẳng lo thăng quan tiến chức, chẳng màng ơn nghĩa, chẳng nệ thành công : tinh thần này đòi hỏi nhiều năm khổ luyện dưới sự hướng dẫn của một vị Guru ân cần và nhân ái đủ sức tín nhiệm chúng ta để thúc bách chúng ta tìm kiếm và không khao khát điều gì khác ngoại trừ Thiên Chúa. Không có Thần Khí này, chúng ta không sao thoát ra khỏi khía cạnh phàm tục được, mặc dù chúng ta sẵn lòng vất vả (mà quả thực nhiều tu sĩ chúng ta sẵn sàng tự hủy với chuyện ấy, đến độ trở thành "bị công việc ám ảnh"). Rồi sẽ có lúc chúng ta bị tê liệt trước những gì người ta nghĩ hoặc nói về chúng ta khiến chúng ta bỏ mất ý hướng chỉ lo tôn vinh một mình Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su từng dạy điều đó cho người Do thái : "Các ông tôn vinh lẫn nhau và không cầu mong được Thiên Chúa độc nhất tôn vinh thì làm sao các ông có thể tin được?" (Ga 5, 44). Lần khác, người nhấn mạnh hơn "... Các ông không chịu nghe (Lời Thiên Chúa nói) vì các ông không thuộc về Thiên Chúa" (Ga 8, 47). Nếu không được giải thoát khỏi khía cạnh phàm tục, chúng ta không thể làm công việc của Chúa hoặc để "Thiên Chúa là Thiên Chúa" trong ta, như tôn sư Eckhart thường dạy. 

Chúng ta cũng không thể có được sức sáng tạo thực sự, nếu cứ lo bị chỉ trích, bị khiển trách vì lời nói và hành vi của mình. Việc hội nhập văn hóa ngày nay đòi phải có tính sáng tạo. Nhiều thế kỷ qua, chúng ta đã quá quen với mỗi một kiểu đời tu - kiểu phương Tây - đến độ không thể quan niệm nổi một kiểu đời tu nào khác nữa. Thật khó mà hiểu nổi tại sao một số nữ tu chúng ta không tin rằng họ vẫn có thể nêu cao chứng tá của những người yêu kính Thiên Chúa thực lòng khi mặc bộ quốc phục của mình để rồi cứ tiếp tục mang những bộ áo vốn là của giới nông dân châu Âu thời Trung Cổ, về sau là của giới tu hành. 

Một người yêu kính Chúa nổi tiếng, bà Meerabai, người ca hát, nhảy múa trên đường phố, với những bài bhajans vẫn còn được lưu truyền tới nay, thường hát rằng: "Tôi chỉ quan tâm đến Danh Thiên Chúa mà thôi; tôi không tìm kiếm một ai khác. Tôi đã bỏ cha, mẹ, thân nhân và đã đánh mất thanh danh mình vì nhập bọn với những kẻ cùng đinh (sadhus). Dù vậy tôi vẫn chỉ thao thức vì một mình Chúa". Bà còn thêm: "Dù nhìn vào hoặc ngó ra, dù quay về bất kỳ phía nào, tôi cũng chỉ nhìn thấy một mình Thiên Chúa; ngay cả trong giấc mơ, hay khi thức dậy, tôi cũng chỉ thấy một mình Chúa". Việc hoàn toàn loại trừ khía cạnh phàm nhân như thế khiến bà được tự do thực sự - để yêu mến, để "ngợi khen, chúc tụng và rao truyền" (laudare, benedicere, praedicare, như châm ngôn của các bạn). 

f) Tính đa dạng của thực tại toàn cầu thời đại chúng ta hiện nay: 

Chúng ta phải ý thức rằng thực tại toàn câu không ngừng đổi thay nhanh chóng này có tính đa dạng, đa văn hóa, đa chủng, đa ngữ, đa tín ngưỡng. Ở Đn độ, chúng tôi cần thêm tính đa cộng đoàn, chồng chất giai cấp, và hôm nay còn bị chính chính trị hóa cao độ. Trong những quốc gia như thế, dù Đông hay Tây, không thể nào tưởng tượng là chỉ có một nền văn hóa duy nhất. Nhiều nước châu Á, châu Phi, châu [c, và châu Mỹ cũng có tính bộ tộc, các nền văn hóa của họ phải dần dần tiến đến chỗ là của riêng họ. 

Thêm vào đó, tu sĩ của các Hội Dòng quốc tế là những người không những đến từ những nền văn hóa rất khác biệt nhau, mà còn từ những quốc gia thuộc thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba, từ những nước thực dân và những nước thuộc địa, một số làm việc ngay trong các Hội Dòng của mình, số khác làm việc ở ngoài cùng với những kẻ bị loại ra bên lề, những người bần cũng ở nông thôn, hay những người cư trú trong những khu ổ chuột, những sinh viên khá giả hoặc những con người bị chà đạp dưới đáy xã hội. 

Sự đa dạng lớn lao này có thể là một hiện tượng thực sự phong phú, xong cũng đưa ra những thách đố những vấn đề. Có một số ít những cái "phải" quan trọng nếu chúng ta muốn học cách sống hòa hợp! Tôi chỉ xin gợi ra một vài điểm sau: 

- đừng bao giờ nghĩ hoặc nói gì tiêu cực về một người không thuộc về văn hóa, giai cấp, cộng đoàn, tín ngưỡng hoặc xứ sở của tôi, nhưng tốt hơn. 

- luôn nói và nghĩ tích cực, và kính trọng vì nhận thấy cái tốt, cái thật, cái đẹp nơi người khác, tức là "cởi giày" (theo nghĩa tinh thần) trước khi bước vào "thực tại" văn hóa hay tôn giáo của người khác; 

- cố gắng học hỏi nghiêm túc niềm tin và văn hóa của chính mình; thực sự bám rễ vào tín ngưỡng của mình sẽ giúp ta bước vào được niềm tin và văn hóa của người khác. Câu tục ngữ Trung Quốc: "Hãy tìm về cội rễ, anh sẽ được chắp cánh" quả thực là đúng. Càng bám rễ và vững chắc trong chính cội nguồn của mình, tôi càng thấy dễ đi vào chiều sâu thẳm nhất của chính lòng mình "gốc rễ của cội nguồn tôi" (Eckhart) và trong chiều kích đó, không những tôi có thể ung dung học hỏi mà còn góp phần làm phong phú những niềm tin và văn hóa khác nữa. Đây là sự hài hòa và kết hợp - Samanvay và Samatvam - rất cần đối với thế giới phân hoá, vỡ vụn và hoảng loạn của chúng ta hôm nay. Chúng ta đang chuẩn bị thế nào cho chính mình và cho những người được ủy thác cho chúng ta trước nhu cầu nói trên? Chúng ta phải chuẩn bị thế nào cho tốt nhất đây? 

g) Việc đào tạo nhờ chung sống với những người khác niềm tin 

Trong cõi lòng nhiều tu sĩ hình như có một nỗi lo sợ và do dự giống như nỗi lo sợ của một vị Thầy (Guru) phàm tục khi gia nhập vào mối tương quan Sư phụ - Đệ tử, như thường thấy trong các truyền thống tôn giáo Đông phương khác : Đn giáo, Sufi, Phật giáo, Jain, Sikh. Cũng như chỉ có Ki-tô hữu chúng ta là những người duy nhất không cởi giày dép trước khi bước vào thánh đường, chúng ta cũng là những người độc nhất nhấn mạnh rằng chỉ có niềm tin của mình mới là chân lý trọn vẹn, và Đấng Cứu Thế của mình là độc nhất cho tất cả mọi dân tộc. Dù có giả thiết mình là "phổ quát" hay "công giáo" dường như chúng ta thường thực sự muốn sống trong một thế giới khép kín với một não trạng ghetto như "chỉ có chúng tôi...". Tôi thấy những nỗi sợ của ta, nếu không phải là tất cả, có lẽ phát sinh từ sự dốt nát. Chúng ta thực sự không biết đến niềm tin của những người khác. Trao tặng bánh kẹo vào các dịp lễ lạc của nhau và sống tình bạn bè hàng xóm với nhau vẫn chưa đủ : "Dân ngoại chẳng làm như vậy sao?" Chúng ta phải chấp nhận vất vả để đọc và nghiên cứu niềm tin của nhau. Chúng ta phải có kiến thức căn bản về tôn giáo của riêng mình đến mức hoan hỉ nhận ra những chân lý, tương đồng và dị biệt, nơi những niềm tin khác. Đấng Thiên Chúa xinh đẹp muôn vẻ hẳn có thể tỏ lộ Thánh Nhan Người bằng nhiều cách khác nhau cho những dân tộc khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. 

Tôi nhớ lại một người bạn Sikh, anh thường có mặt trong những cuộc gặp gỡ đối thoại liên tôn. Tôi có ấn tượng đặc biệt về anh, vì chẳng những anh có thể trích dẫn lời dạy của Sư phụ Granth Sahib của anh, mà còn thông thạo cả những Kinh Thánh khác nữa. Vào cuối một buổi gặp gỡ như thế, khi bàn về việc cần chọn một giải pháp rõ rệt, anh đã gợi ý - như anh có thể, nhờ gương mẫu của anh - là tất cả chúng ta phải chịu khó đọc các kinh sách của nhau. Người ta chỉ cần đọc Swami Abhishik- tananda trong cuốn "Điểm gặp gỡ giữa Đn giáo và Ki-tô giáo" (tiểu đề của tác phẩm thật ý nghĩa: "Trong đáy sâu của con tim") để nhận thấy những nét phong phú huy hoàng đang chờ đón chúng ta nếu chúng ta thực tâm tìm kiếm "viên ngọc vô giá". 

Nhưng, chẳng có mớ sách hay nghiên cứu nào thay thế được vốn sống lâu dài trong các Ashram của Đn giáo, Muths của Phật giáo và các đan viện v.v..., ở Đông cũng như Tây phương ngày nay. Chỉ nhờ sống đêm ngày với những người khác niềm tin, chen vai thích cánh với họ, suy niệm, cầu nguyện, cười nói, ăn uống, lo âu, ca hát với họ, chúng ta mới có thể thực sự nhìn thấy niềm tin khác và hiểu được nét đẹp từ bên trong. Chỉ khi ấy, chúng ta mới không sợ đối diện với những khía cạnh khác của chân lý và yêu mến chúng. "Tình yêu sẽ dẹp tan sợ hãi". Chúng ta không thể yêu những gì chúng ta không hiểu biết thấu đáo. Và chúng ta phải lo sợ gì? Chúng ta chỉ có lý do để vui mừng khi thấy chân lý mà chúng ta cứ tưởng là sở hữu riêng của mình, đôi khi thuộc về hàng bao thế kỷ trước chúng ta, thực ra cũng thuộc về các niềm tin khác nữa. Một thí dụ thường được trích dẫn tại Hội đồng Tôn giáo Thế giới, tháng 9.1993 là: "Thực tại hay Hiện hữu chỉ là Một. Bậc thông tuệ gọi người bằng nhiều danh xưng khác nhau", trích kinh Rig Veda, quyển Kinh Thánh kỳ cựu nhất thế giới. Đây là điều mà ngày nay chúng ta phải tin tưởng. 

i) Kinh thánh của các tín ngưỡng khác : 

Tham dự một Satsangs (họp mặt những người tìm kiếm chân lý) hoặc Akhand path (đọc, hát hoặc ngâm liên tục từ đầu đến cuối quyển Thánh Kinh); cùng suy niệm và học hỏi Kinh Thánh với người khác, chúng ta thường nhận ra những chân lý còn xa lạ đối với hầu hết Ki-tô hữu chúng ta. Tôi nhận thấy, nhờ học cách đi vào tĩnh mặc để suy niệm bằng trực giác nhiều hơn, tôi được thêm phong phú và thấu triệt Tin Mừng. Đây là một trong những hình thức chiêm niệm trong Jnana Yoga - tức là sau khi nghe hoặc đọc lời Chúa (shravonam) và suy tư về ý nghĩa và những gì Chúa phán dạy tôi trong hoàn cảnh hôm nay (mananam). Đây cũng là cách chúng ta thực hiện trong phương pháp suy ngắm đầu tiên theo thánh I-nha-xi-ô Lô-yô-la. Nhưng bây giờ chúng ta đi vào lối suy niệm theo ý nghĩa Đông phương - trong sự tĩnh mặc của trí tuệ và tâm hồn. Bước thứ ba này (Nididhyasanam) là bước quan trọng nhất. Trong suốt giai đoạn này, tôi không còn cố gắng nắm giữ Lời ở trình độ ý niệm nữa, nhưng chính Lời nắm bắt tôi ở mức độ tâm tình, ở đây chỉ một mình Thần Khí có thể biến đổi tôi thôi. 

ii) Vai trò của thân thể trong việc cầu nguyện : 

Một chân lý tinh thần khác càng lúc càng được Ki-tô hữu, đặc biệt bên phương Tây suốt trên 25 năm qua, và hiện nay, kể cả một số Ki-tô hữu ở Đn Độ, bắt đầu học hỏi, đó là : "Vai trò của thân thể trong việc cầu nguyện". Yoga asanas (cử điệu thân thể) chẳng những có thể là việc tôn thờ Chúa tuyệt đẹp qua hoặc với thân thể - "Bằng thân thể con, con thờ phượng ngài", như lời đọc trong leê cưới của anh em Thệ Phản - mà còn hữu ích để chuẩn bị ngồi "suy niệm" (theo nghĩa Đông phương là cầu nguyện chiêm niệm). Nó giúp cho thân thể được an ổn, một điều kiện tiên quyết để trí và tâm được an ổn. Câu thánh vịnh sau đây mô tả hết sức đạt hình thức suy niệm này: "Hãy tĩnh lặng và nhận biết cái Tôi Là". Và một lần nữa, như Tôn Sư Eckhart Dòng Đa Minh nói : "Không có gì giống với Thiên Chúa cho bằng sự Tĩnh Mặc". 


II. CHUẨN BỊ CHO ĐỜI TU VÀO THẾ KỶ TỚI


Một trong những câu hỏi lý thú do tu sĩ Aykara gợi ý thảo luận hôm qua là : "Bạn có những đề nghị nào để giúp cho các nhà đào tạo và những người thụ huấn của chúng ta kết hợp chiều kích dấn thân chiêm niệm và hoạt động xã hội của đời tu một cách tốt đẹp hơn trong bối cảnh châu Á ?" Tôi xin đề cập đến chủ đề quan trọng và hấp dẫn này theo 3 tiêu đề sau đây: 

a) Đối thoại liên tôn. 
b) Tầm quan trọng của một linh đạo mang nữ tính về Chúa Thánh Thần. 
c) Đào tạo tu sĩ Á châu sống với các thực tại Á châu dưới sự soi sáng của: 
i) Lối sống Kinh nguyện và Phụng vụ của chúng ta (như tôi đã nói đến)
ii) Một số vấn nạn cần thảo luận do tu sĩ Aykara đề xướng.
iii) Đời sống và gương mẫu của thánh Đa Minh. 
a) Đối thoại liên tôn: 

Đối thoại liên tôn như đang diễn ra hiện nay, và đối với những thời đại sắp tới hẳn phải là, như đã là, bối cảnh và trợ lực thiết yếu cho nỗ lực của chúng ta đối với việc Hội nhập Văn hóa. Không thể nào quan niệm nổi sự dốt nát về thực tại đối thoại liên tôn ở bên Đông hay bên Tây. Tôi không đề cập tới những việc gặp gỡ đối thoại thỉnh thoảng được tổ chức nhằm những cuộc thảo luận có tính hàn lâm, mà chỉ xin đề cập tới: 

i) cuộc đối thoại hàng ngày qua những giao tiếp trong đời sống thường nhật vốn rất tự nhiên và tốt đẹp, 

ii) cuộc đối thoại qua lối làm việc chung với người Đn giáo, Hồi giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Jains hoặc Sikhs, Bái hỏa giáo hoặc Bà Hai giáo - làm việc trong bất kỳ dự án xã hội, kinh tế, chính trị hay văn hóa nào nhằm cải thiện con người. 

iii) cuộc đối thoại sâu xa nhất và kết quả nhất : qua việc cùng ngồi với nhau trong thinh lặng, trong chiêm niệm : "Trong khi cầu nguyện, hồn phát ra tiếng nói. Nhưng lúc Thánh Thần đã đến, bạn phải hoàn toàn lặng thinh" (Swami Abhishiktananda). Và như một nhà văn Chính Thống giáo đã nói : "Ngôn ngữ của thế kỷ sẽ là sự thinh lặng". Thông tri xuyên qua thinh lặng là moết lối thực hành có ở Đn Độ từ thời cổ xưa cho tới tận thời chúng ta hôm nay. Sri Ramanna Maharishi (suốt năm 1950) là một điển hình tuyệt vời của lối giảng dạy và giải quyết các vấn đề hoặc giải đáp các câu hỏi của các người sùng mộ trong sự thinh lặng. Ki-tô hữu khó lòng nhận thức được lối giao lưu bằng sự tĩnh mặc này. Thực thì chúng ta rất cần học hỏi từ tha nhân thông qua đối thoại. Bởi đó việc Học hỏi trước hết bao gồm Lắng nghe, và rồi Yêu mến. Trong 3 yếu tố đó, Lắng nghe đòi hỏi thinh lặng, Yêu mến đòi hỏi sẵn sàng trao tặng, nhường nhịn, hy sinh. Ba yếu tố trên cần được hoàn tất bằng yếu tố thứ tư, đó là sống với. 

Như vậy, đối thoại với những người khác đức tin là mội đòi hỏi. Cần có thời gian và đặc biệt là cần chuẩn bị lâu dài. Hầu hết chúng ta đều cho rằng mình đã bận bịu với bao nhiêu công tác tông đồ rồi thì còn thời giờ đâu cho việc đối thoại. Nhưng nếu không có chuẩn bị thì làm sao chúng ta sẵn lòng dấn thân một cách nghiêm chỉnh cho công cuộc Hội nhập văn hóa ?

Đối thoại đòi phải có Kenosis (tự hủy) của Đức Ki-tô để nhận lấy huyết nhục và hình hài giữa lòng những nền văn hóa khác. Chỉ có như thế, các nền văn hóa khác nhau mới hướng tới được Katholike, tính phổ cập trong đa dạng, giúp cho mỗi Hội Thánh địa phương tìm gặp căn tính của mình và góp phần riêng biệt của mình cho công cuộc đối thoại của Hội Thánh - qua Koinonia (hiệp thông) thực sự. Đã từ lâu, Buhlmann nói : "Ki-tô hóa Đn Độ, Phi châu, Trung quốc chưa đủ. Bây giờ chúng ta còn phải Đn hóa, Phi hóa ... Ki-tô giáo nữa" ("Hướng tới Hội thánh", nhà xuất bản St. Paul 1977, trang 48). Và lời rao giảng của chúng ta phải là "Nước Thiên Chúa (chứ không phải Hội thánh) đã đến gần". Chậm mà chắc, chúng ta đang bắt đầu nhận ra rằng ơn cứu độ là hồng ân của Thiên Chúa, Đấng không chỉ hành động thông qua Hội Thánh1 - Chính Hội Thánh cũng ý thức mình là nữ tì của Chân Lý và cảm nhận rằng chính mình cũng cần phải hoán cải. Với lòng khiêm tốn, hy vọng đang tiến vào ! Thế nhưng để đạt tới điều này, chúng ta chẳng cần ai và bất cứ thứ gì ngoại trừ quyền năng của Thánh Thần. 

b) Một linh đạo mang nữ tính về Chúa Thánh Thần: 

Theo tôi, yếu tố quan trọng thứ hai, đối với thế kỷ sắp đến, đó là nhận ra rằng: "Toàn bộ cứu cánh đời sống Ki-tô là nhằm thủ đắc được Thánh Thần", như vị thánh Chính Thống giáo Nga Seraphin Savor đã nói. Thế kỷ này, hoặc có thể là nghìn năm này, sẽ là và dường như đã là của Thánh Linh rồi. 

Trong truyền thống Đn giáo, trong kinh Vedanta - (phần kết của kinh Vedas mà chúng ta thường gọi là Áo Nghĩa thư) có cả một kho tàng khổng lồ nói với chúng ta về Thần Khí hoặc Atman này. 

"Ẩn náu trong cõi lòng của mọi sinh linh là Đấng Atman, Thần Khí, là Ngã, nhỏ hơn cả một nguyên tử nhỏ nhất, vĩ đãi hơn những khoảng không mênh mông. Ai dâng hiến cho Người ý chí phàm tục của mình sẽ dẹp bỏ được ưu sầu, được nhìn ngắm vinh quang của Đấng Atman nhờ ân sủng của Đấng Sáng Tạo... nào có phải là ai khác, ngoài Ngã của tôi, biết được Đấng Thiên Chúa của niềm vui và nỗi buồn ấy ?" (Katha Up. II. 20.22). 

Thần Khí ấy là tình yêu giữa Cha và Con, Người là nữ tính trong Thiên Chúa - Đấng đã sáng tạo chúng ta "theo hình ảnh Người và giống như Người", Đấng đã tạo nên chúng ta "có nam có nữ" (St 1,27). Vài năm trước đây, tôi vui mừng biết bao khi nhìn thấy trên TV bức tranh Chúa Ba Ngôi trong một ngôi giáo đường nhỏ bé bên [c, mô tả Chúa Thánh Linh ở giữa Chúa Cha và Chúa Con không như chúng ta quen thấy trong hình tượng chim câu, nhưng như một phụ nữ đang đứng giữa hai Vị kia. Đây là một điều hết sức hệ trọng cần được các thần học gia tìm hiểu thêm nữa. Từ bao đời nay ở Đn độ, Thiên Chúa vốn được gọi là "Mẹ" , dù là Đấng Durga hay Devi, Kali hay Parvati, Saraswati hay Lascmi. Trẻ con Đn giáo vẫn được dạy hát "Ngài là Mẹ và là Cha của con. Mẹ luôn là Người đến trước tiên" - và những "nữ thần" khác nhau thường bị Ki-tô hữu cho là "các thần ngoại đạo" ấy thực ra là những các thức khác nhau để xác quyết về mẫu tính của Thiên Chúa và có thể hướng tới "một viễn tượng nữ tính trong những xã hội đa nguyên". Một nhãn giới như thế hàm ẩn một ý thức về những tương quan giới tính trong mọi lãnh vực đời sống - ở nhà cũng như ở nơi làm việc. Một linh đạo mang nữ tính được bắt nguồn trong kinh nghiệm của nữ giới về việc giải quyền (dispowerment) và chấp quyền (empower-ment) trong các nền văn hóa đặc thù. 

Thần Khí chấp quyền : Đấng Shakti 

Có phải hoàn toàn là tình cờ khi nghĩ rằng Thần Khí là "Đấng chấp quyền" ? Vị thiên sứ trong Tin Mừng chẳng nói với bà Ma-ri-a đang lúng túng trước "tin vui" đó sao : "Quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ đậu xuống trên bà" đó sao ? Từ ngàn xưa ở Đn độ, quyền năng ấy vốn được tôn thờ như là Đấng Shakti. Đấng Thượng Trí (Para Vidya) cũng chính là Đấng Quyền Năng tối cao (Para Shakti). Đấng Sarasvati là quyền năng của Đấng Brahman, cũng như Đấng Parvati là uy lực của Đấng Siva. Kinh Shakta Upanisshads và kinh Tantras mô tả Người như là Thiên Mẫu của Đấng Đại Tuệ (Jnana Shakti), Đấng dắt chúng ta vượt qua biển u minh để đến với Đấng Brahman. Từ đó kinh Devi Purama gọi Đấng Para Shakti này là Đấng Trayi (Phù Trợ). Chính nhờ Thần Khí quyền năng và Trí tuệ ấy, nữ quyền ở mỗi quốc gia phải được triển nở xán lạn, vững mạnh và hòa hợp với nền văn hóa riêng của quốc gia ấy. 

c) Đào tạo tu sĩ Á Châu sống với những thực tại Châu Á: 

i) Các thực tại Châu Á gồm hai loại là:  1/Văn hóa và tôn giáo và 2/ Xã hội-Kinh tế-Chính trị. 

Việc đào tạo tu sĩ Á Châu cần chú ý đến cả hai loại thực tại. Về mặt lý tưởng, cả hai phải bổ túc cho nhau. Trong thực hành, chúng có vẻ xung khắc nhau. Chiều kích tâm linh / thần bí không thể là chiều kích cá nhân. Các nhà thần bí chính danh của mọi tôn giáo luôn ý thức về nhu cầu của người nghèo và người bị chà đạp dưới đáy xã hội, và ước mong được phụng sự cả nhân loại. Có những người nhận thấy điểm nhập cuộc của việc Hội nhập Văn hóa ở Á Châu, hay ít ra ở Đn Độ đã được khai thông. 

Chiều kích văn hóa / tâm linh / thần bí. 

- Có một công cụ rất phổ biến và có lẽ là độc nhất được hầu hết mọi tôn giáo áp dụng, đó là âm nhạc dành cho phụng tự (bhajans, Kirtans, trống cơm và các nhạc khí khác). Một số vấn đề cần được khai triển : 

- Nghiên cứu Kinh Thánh của anh em tôn giáo khác, các huyền thoại của họ : việc Á Châu yêu chuộng các huyền thoại có thể đem lại một môi trường phong phú cho phụng tự, nếu rút ra từ một nền Ki-tô giáo đã được sống, thì có thể phát sinh một nền thần học mới, chuyên sâu về chiêm niệm cũng như hướng đến hoạt động. 

- Thông thạo ngôn ngữ : thạo ngôn ngữ của miền và quốc gia. Giao thiếp với văn hóa thế giới và sự hiệp nhất xã hội và chính trị ngày nay cũng đòi hỏi thông thạo Anh ngữ. Nhiều người thấy rằng nếu chỉ biết một ngôn ngữ miền, sẽ thường trở thành : "nạn nhân của sự phiến diện". 

Thần học các tôn giáo, một linh đạo đặt nền trên kinh nghiệm (Anubhava) phải là những yếu tố cốt lõi trong các kế hoạch đào tạo của chúng ta ở Á Châu, phát xuất từ những thực tại của đời sống hằng ngày và một lối sống đơn giản: nhà cửa đơn giản, đồ trang trí, hình ảnh, âm nhạc đơn giản, gây hứng thú và có thẩm mỹ, phục sức đơn giản, ẩm thực đơn giản - đó là tất cả dấu chỉ của một cuộc sống có tính "tu trì" như người dân quan niệm, và một tình trạng kinh tế như hạng dân nghèo - chứ không hẳn là bần cùng. Thường thực đơn bữa ăn của chúng ta giống của thế giới thứ nhất hơn thế giới thứ ba - cả về phẩm lẫn về lượng. Có Hội Dòng nào đã thử sống bằng một bữa ăn chính mỗi ngày không? Nhưng lối sống của người tập yoga cho thấy điều đó chẳng những có thể thực hiện được, mà còn đáng mong ước để có tiến bộ về cả hai phương diện sức khỏe thể lý lẫn tâm linh. 

Một đường hướng chân thực và thành tâm trong tất cả những vấn đề này hẳn sẽ giúp cho mọi tầng lớp quần chúng cảm thấy thoải mái với chúng ta, và giúp chúng ta khiêm tốn thực lòng, chân thành, một đức khoan dung Ki-tô giáo sâu xa, và một ước vọng hi sinh bản thân cho những anh chị em chúng ta ít được giáo dục. Chúng ta sẽ biện minh thế nào khi không để cho những người giúp việc cùng ngồi ăn với chúng ta? Cho dù họ vẫn được trả lương tương xứng (vậy mà đôi khi không được như vậy), sao họ lại không có thể được đối xử như anh chị em của chúng ta? 

Một số người nghĩ rằng tốt hơn hết, điểm nhập cuộc Hội nhập Văn hóa phải thực hiện thông qua cuộc đấu tranh thực thụ trong đời sống của người dân, trong tình hình xã hội - kinh tế - chính trị của dân tộc - mà đại đa số là nghèo túng, bị kẹt trong những xung đột giai cấp, tầng lớp, nhưng những người này cuối cùng sẽ tiến vào lòng đạo của họ, và về sau càng đi sâu hơn vào các truyền thống thần bí của họ - truyền thống bộ tộc hay những truyền thống khác - mà chỉ có những yếu tố ấy mới thực sự giải quyết được các vấn đề của nhân loại. 

Những đường hướng có tính "định chế" và "thần bí" hình như xung khắc nhau, nhưng thực thì không cần phải như thế. Đường hướng trước (với khía cạnh nam tính) không hòa hợp với đường hướng thần bí và có khuynh hướng lên án đường hướng sau - và thông thường lên án luôn mọi tôn giáo. Đường hướng sau, với dáng dấp nữ tính hơn, thường không biết đến những ai dấn mình vào phần thực hành của công cuộc "giải phóng", và cho rằng những yếu tố quan yếu đang bị xao lãng. Thế nhưng trong đường hướng thực tế tiến đến việc Hội nhập Văn hóa, thì cả hai yếu tố trên đều thiết yếu, dù không mấy ai trong chúng ta được phú bẩm khả năng dung hợp cả hai đường hướng ấy. Các ân huệ thì khác biệt nên chúng ta cần tôn trọng ơn gọi, khả năng và tài khéo của nhau, vì biết rằng cả hai khuynh hướng phải bổ sung cho nhau, chẳng những để Huyền Thể Đức Ki-tô được tăng trưởng mà còn vì sự thành toàn của "Thân Mình Thiên Chúa" nữa - như cách Ramanujia gọi toàn thể vũ trụ. 

ii) Lối sống, việc cầu nguyện và phụng vụ. 

Dưới ánh sáng của những thực tại và hoàn cảnh Châu Á nêu trên, nơi mọi nền văn hóa đều có nền tảng tôn giáo, tâm linh, và ở một lục địa mà hầu hết các quốc gia đều thuộc về thế giới thứ ba, có lẽ hiển nhiên là lối sống, kinh nghiệm và việc phụng tự của chúng ta phát xuất từ đó nên hoặc phải phù hợp, tương thích, có ý nghĩa đối với người dân hay với hạng người chúng ta đang chung sống và phục vụ. Và, tràn đầy hi vọng, chúng ta đã bắt đầu nhận ra là việc phục vụ của chúng ta cho thế kỷ sắp tới phải khởi sự "bao gồm" mọi dân tộc, mọi niềm tin, người giàu hoặc nghèo đang sống chung quanh ta. 

Lối sống:

Do đó chúng ta có bổn phận sống đơn giản ở nơi mà mọi người có niềm tin hay không, được giáo dục hay không, giàu hoặc nghèo, đều dễ dàng tìm đến. Nhưng như thế không có nghĩa là một lối sống đầy thoả hiệp - như một số Hội Dòng từng làm trước đây - phòng ốc, ấm tách, phục dịch, đồ ăn thức uống đặc biệt cho Giám mục, Linh mục, người giàu; còn những thứ thấp hơn dành cho những người "mạt vận", nghèo hèn và thất học. Điều này nên coi là, và thường là hết sức phản Ki-tô giáo, có tính cách kỳ thị và do đó, đáng bị lên án. Nhà ở của chúng ta nên giống như các Ashram:

- Những cộng đoàn mở: như ở Tây phương hôm nay, nơi người nam và người nữ tiến đến chỗ không còn phân biệt giai cấp, màu da, tín ngưỡng, văn hoá, ngôn ngữ hay chủng tộc - để cùng ưu tiên tìm kiếm "Đấng", mà chúng ta thấy rất thích hợp, có khả năng, sung sướng trao tặng cho họ - là Thiên Chúa; và những bí quyết tìm kiếm và khám phá tình yêu, niềm vui và bình an mà mọi tâm hồn thuộc bất kỳ nền văn hoá hay thể chế nào đều đang kiếm tìm. Điều này đòi hỏi sự hiện diện của một ai đó, hoặc những vị Guru, tức là những người đã cảm nghiệm được Thiên Chúa và sẵn sàng truyền thông Đức Chúa. "Praedicare" - Giảng cho họ? Vâng ! Nhưng không phải bằng các bài giảng, vì những bài giảng thì chỉ hạn chế trong một số dịp. Đường hướng đơn giản, ưu ái và ân cần của chúng ta là sẵn sàng trao ban Lời cho họ, nhưng là Verbum Spirans Amorem (Lời khơi dậy tình yêu). Nếu Lời không thở ra tình yêu (Thánh Linh), thì đó là Lời cằn cỗi. Chúng ta vốn đã có quá nhiều những "nhà thuyết pháp", những người uyên bác, triết gia, thần học gia. Nếu họ không phải là những người biết cầu nguyện và có Chúa, thì lời giảng của họ sẽ vô bổ.

Những cộng đoàn mở như thế bao hàm nét đơn giản trong đời sống, sẵn sàng đón nhận tất cả những người giàu có lẫn những người giáo sĩ cổ áo trắng, mang ủng cao, dịu dàng nhắc nhở họ cởi giày dép ra khi họ bước vào đền thờ hoặc nguyện đường, cũng như người phụ nữ nghèo chân đất với tấm sari rách rưới dơ bẩn. Trong những đức tính căn bản, nền tảng của hệ thống yoga, có hai đức tính xã hội (Yama) là không chiếm hữu và không tích trữ (Asteya và Aparigraha). Nếu chúng ta chất đống trong phòng mình nhiều đồ đạc hơn mức cần dùng, thì chúng ta tự tách mình ra khỏi dòng sống của đồng bào chúng ta. Cũng thế, hầu hết người dân trong các nước nghèo không có đủ thịt, cá trứng. Chế độ ăn uống với rau quả chẳng xúc phạm đến ai mà lại có ích cho những người muốn có sức khoẻ tốt. Nếu những người Công giáo, đăc biệt các tu sĩ, không thể kiêng cử thịt, rượu, thuốc lá - những thứ không tốt cho sức khoẻ, dù họ giàu hay nghèo - thì liệu họ còn sẵn lòng dâng hy sinh nào nhân danh Chúa được? Và Hôị nhập Văn hoá làm sao? Hạng người chuyên tìm kiếm tiện nghi ấy là một trở ngại cho sự thăng tiến nội tâm lẫn chứng tá của chúng ta, như Đức Hồng y Newman thường nói. Loại ưa tìm kiếm bản thân ấy hình như không ngừng sinh sôi nảy nở trong nhiều cộng đoàn tu trì khác nhau. Khi hai hay ba người quyết định hoặc đề nghị một lối sống giản dị, người ta liền bảo vắn tắt: "Các vị muốn sống như thế ư? Cứ tiến lên phía trước mà làm đi. Đừng đòi hỏi chúng tôi phải hạ thấp mức sống". Đây là trở ngại thứ nhất đối với đời sống chúng ta là những người được coi là hoàn toàn siêu thoát, đã khấn "từ khước" thế gian và những tài sản cũng như giá trị của nó. Kiểu sống ấy khiến người ta phải hỏi: chúng ta phải nghiêm chỉnh đến mức độ nào cả trong việc "tìm kiếm Chúa" lẫn "cứu vớt" hoặc giải thoát người khác? Và trong việc Hội nhập Văn hoá?

Trở ngại thứ hai đối với việc Hội nhập Văn hoá trong lối sống phát xuất từ sự ức chế trong quá khứ và vì avidya - vô minh. Do đó, nếp sống của chúng ta trong các cộng đoàn phải có khoảng không gian - để nghiêm chỉnh nghiên cứu, đọc, thinh lặng, nhằm tự giáo dục mình về niềm tin và văn hoá của người khác - luôn giả thiết rằng chúng ta đã quá quen và bám rễ sâu trong những thứ của riêng mình. Lối hiểu biết mới này, đặc biệt nếu được thực hiện chung với nhau như một dự án của cộng đoàn, cho dù mỗi tuần chỉ có một lần kéo dài vài giờ - sẽ tháo gỡ được nhiều trở ngại tâm lý, nhất là đối với những ai đến từ những môi trường hết sức khép kín, nơi mọi người cùng nghĩ như nhau, cùng nói một ngôn ngữ như nhau, cùng sống trong một thứ ghetto Ki-tô giáo - đúng hơn là Công giáo với nhau. Nếu muốn thay đổi nếp sống cộng đoàn một cách triệt để, việc trước tiên phải thực hiện là cởi mở não trạng ghetto của những người chưa bao giờ rời bỏ hiện trạng của mình, Trong thời kỳ đào tạo, nhiều người trẻ được tiếp cận với những kinh nghiệm khác nhau, nhưng không phải lúc nào cũng có những suy tư phù hợp về các kinh nghiệm ấy để noi theo.

Một trong những dịp tiếp cận thiết yếu cho các tu sĩ thuộc mọi lứa tuổi, đó là cảm nghiệm về những thời kỳ khá dài, thỉnh thoảng được sống với các tu sĩ nam nữ của Phật giáo, Jain, Ấn giáo. Nói một cách tương đối, không có gì mở được mắt chúng ta để nhận ra những tiêu chuẩn sống cao đến mức nào. Tôi không muốn nói đến những cộng đoàn Ashram kiểu mới, hiện đại do những người trở về từ nước ngoài tự xưng là Guru xây dựng lên, giống hệt những khách sạn ba sao, nhưng tôi muốn đề cập đến những cộng đoàn Ashram thực thụ với những vị thầy chính danh.

Y phục của chúng ta cũng là biểu tượng cho thấy chúng ta là ai. Nó nói lên những gì chúng ta chủ trương, những giá trị chúng ta trình bày. Chúng ta có cần tới ba bốn bộ áo không? Hơn một hoặc hai đôi giày, dép không? Bộ quốc phục của chúng ta không còn phù hợp nữa sao? Không thích hợp với chúng ta bằng những loại y phục nước ngoài sao? Ở Ấn độ, các linh mục thường chế nhạo các nữ tu mặc áo dòng, và trêu chọc các chị vì không chịu mặc sari. Thế thì tại sao các vị cũng không thường xuyên mặc y phục Ấn độ đi? Sao chỉ để dành đến những dịp đặc biệt - khi cử hành "phụng tự Ấn độ" vào các dịp đặc biệt để hấp dẫn khách từ xa đến thăm? Chúng ta cần phải học sống chân thành và trước sau như một. Những khuynh hướng tục hoá du nhập vào từ Va-ti-ca-nô II thực sự có giúp gì cho chúng ta ở đây không? Chúng ta có cần kiểm tra những gì chúng ta gọi là "nhu cầu" của mình không? Những nhu cầu đó có thường là những cái chúng ta "muốn" không? Trong Hiến pháp Nguyên thủy, thánh Đa Minh ước mong anh em Thuyết Giáo của mình hành động ra sao khi họ rời khung cảnh tu viện ra đi tìm kiếm phần rỗi của chính mình và của tha nhân: " ... Sau khi đã lãnh phép lành, anh em sẽ ra đi, và đâu đâu anh em cũng phải cư xử như những người đang tìm kiếm ơn cứu độ cho chính mình và cho tha nhân ... Khi ra đi giảng thuyết, anh em sẽ không nhận cũng như sẽ không mang theo vàng bạc, tiền nong, quà cáp, trừ những nhu yếu giản dị về thực phẩm và quần áo, cùng với nhu cầu y phục và sách vở " (Trích Marie - Humbert Vicaire, O.P : "Thiên tài của thánh Đa Minh", trang 98, nhà xuất bản Đa Minh, Nagpur). Thật giống như các vị Sadhu và Sannyasi của Ấn giáo, hay như các vị Bhiklu của Phật giáo, hoặc các vị Muni của đạo Jain. Chuẩn mực khó nghèo của chúng ta cũng phải giống như thế.

Dù tu sĩ Biển Đức và Đa Minh không tuyên khấn gì ngoài tuân phục, họ vẫn cam kết sống độc thân. Việc Hội nhập Văn hoá dung hợp thế nào với lời khấn độc thân? Đây quả là một vấn đề rất tư riêng . Tuy vậy, chúng ta thường gây "sốc" cho đồng bào chúng ta thuộc các tôn giáo khác khi du nhập những cách xử sự của Tây phương. Khi đến một quốc gia nào, hẳn chúng ta phải tôn trọng những khuôn khổ ứng xử của quốc gia ấy. Ở bên Tây, việc một linh mục hôn tạm biệt một nữ tu là chuyện bình thường. Nhưng làm như thế ở các quốc gia Châu Á có thích hợp không? Cử chỉ này không được hiểu là lời chào huynh đệ, mà rất thường bị hiểu lầm là có những giá trị sai lạc đối với những người được coi là đã thánh hiến cho Thiên Chúa như những người khấn giữ Brahmacharya (độc thân: nghĩa đen là "theo một mình Thiên Chúa"). Thánh Đa Minh nói về anh em Thuyết giáo của Người là những người "phải hết sức đoan trang trong tư cách của một tu sĩ thực thụ, giảng thuyết Tin Mừng thực sự, chỉ nói với Chúa hoặc nói về Chúa hay vì lợi ích tha nhân, phải tránh kết thân với những người có tư cách đáng ngờ vực ..." (trích Hiến pháp Nguyên thủy, II, 131).

Đời sống cầu nguyện và phụng vụ:

Hai yếu tố này đương nhiên nối tiếp đời sống đơn giản cúa chúng ta. Chúng ta sống sao, chúng ta cầu nguyện như vậy và ngược lại. Câu châm ngôn "Contemplata aliis tradere" của thánh Tô-ma trở thành trạng thái tuôn trào tự nhiên của một ý thức sáng suốt về Chúa mà chúng ta rút ra được từ Thánh Tâm Đấng Cứu Thế trong giờ cầu nguyện.

Thinh lặng

Lối giảng dạy trong thinh lặng của vị Guru và một bầu khí tĩnh mạc trong đời sống cộng đoàn đem lại những trợ giúp quí báu cho việc cầu nguyện. Yoga, Thiền và những hình thức suy niệm khác có thể dẫn chúng ta vào lối cầu nguyện chiêm niệm của Đông phương. Những gì chúng ta thực hành và cảm nghiệm, chúng ta có thể dạy cho người khác. Khá nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân khao khát được khai tâm vào một đời sống cầu nguyện riêng tư thâm sâu hơn. Thế nhưng, hầu hết các linh mục và tu sĩ hiện còn đang theo lối chiêm ngắm gần như suy lý. Chúng ta có nhiều kho tàng phong phú để học hỏi của Ấn giáo, Phật giáo, Sikh, đạo Jain, đạo Sufi. Nếu chúng ta sẵn lòng học, những kho báu ấy cũng có thể trở thành tài sản của chúng ta.

Về phụng vụ, tôi xin nói đôi chút. Phụng vụ cũng phải tuôn trào một cách hồn nhiên từ nếp sống và kinh nguyện riêng của chúng ta. Phụng vụ phải phù hợp với cộng đoàn cử hành và với văn hoá của chúng ta.Tôi không được rõ về các phụng tự Á châu khác - không biết đến nay đã có chưa. Nghi thức Ấn độ không đồng nghĩa với việc chúng tôi phải bám víu một cách nô lệ vào những gì chúng tôi đã phác ra từ hai mươi năm trước, nhưng là biến đổi thành của riêng chúng tôi, tùy theo nhu cầu của chúng tôi. Những chú thích ở cuối quyển Nghi thức Thánh lễ Ấn độ cung cấp cho chúng tôi những lời giải thích phong phú và những tham chiếu Kinh Thánh tiếng Ấn độ.

Các biểu tượng cũng phải được sử dụng một cách thông minh để biết chúng biểu thị cho cái gì và được sử dụng ra sao, chẳng hạn như những mudras (ngón tay) nào và tại sao lại thế. Bắt chước một cách nô lệ những gì người ta làm trong các việc phụng tự tôn giáo khác không phải là ý nghĩa của những người đã sáng kiến ra hai hoặc ba "Thánh lễ Ấn độ" vào những năm 1970. Tất cả chúng ta phải có tinh thần sáng tạo và phát xuất từ Dhyana (chiêm nghiệm) riêng tư của mình và từ Svadhyaya (nghiên cứu của cá nhân về các kinh sách khác nhau), chính Thánh Linh sẽ giúp chúng ta làm cho phụng tự của chúng ta được hội nhập văn hoá thực sự.

Dù kinh nguyện là tư riêng hay cộng đoàn, thì kinh nguyện chiêm niệm vẫn là bí quyết để tổng hợp cầu nguyện và đời sống. Chính vì thế mà thánh Tô-ma nói đến "tập trung linh hồn mình và linh hồn tha nhân vào chiêm niệm". Đó không phải là cách thức giảng thuyết tuyệt với nhất sao? - Bằng cách nhìn linh hồn trong Thiên Chúa.


KẾT LUẬN


Hội nhập Văn hoá, cũng như đối thoại liên tôn, phải là thành phần cốt yếu trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Chỉ khi nào nó đi vào mọi lựa chọn của tôi, một cách vui tươi, hồn nhiên và yêu mến, nghĩa là không còn tính toán hơn thiệt, dù khi dậy sớm hay ngồi trên sàn nhà hoặc sống đơn độc với người nghèo, khi đó và chỉ khi đó chúng ta mới nói được mình là người Châu Á đã hội nhập văn hoá. Hiện thời chúng ta còn đang cố gắng bắt đầu những gì Va-ti-ca-nô II đòi hỏi. Nhưng dũng cảm lên ! Đông phương vốn chậm chuyển dịch. "Đừng vội làm gì ngay, cứ ngồi đấy !". Như Mẹ Hội Thánh, Đông phương ăn nói chậm rãi, với sự khôn ngoan, nhưng cũng giống như Mẹ Hội Thánh, Đông phương đang chuyển dịch. "Procedamus in pace": Chúng ta hãy tiến bước trong bình an, vững tin vào tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa. Om Shanti ! 

Nguyễn Văn chuyển ngữ