Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2013

SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG

Thời sự Thần học – số 19 – Tháng 03/2000, tr. 60-63

Tư Cù


Trong Máccô, lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giêsu là lời giảng sám hối và tin vào Tin mừng. Chúng ta có thể tìm thấy nơi đây hai yếu tố cơ bản của đời sống Kitô hữu: sám hối là thay đổi đời sống, là chê ghét, từ bỏ tội lỗi; đồng thời tin vào Tin mừng Cứu độ của Thiên Chúa, hay tin vào tình yêu thương mang lại ơn Cứu độ là Cha chúng ta. Sứ điệp của Chúa Giêsu tất đơn giản; tuy thế, việc hiểu ra hai yếu tố căn bản này hình như cũng có nhiều trục trặc.

1. Sám hối

Ý nghĩa sám hối bao gồm việc từ bỏ nếp sống cũ, chê ghét và ăn năn vì tội lỗi của mình. Tình trạng thường hay xảy ra là người ta chê ghét hành vi tội lỗi vì đó là điều Chúa cấm; hoặc vì bỏ không làm một điều Chúa truyền. Người Kitô hữu thường dừng lại ở chỗ bị buộc phải chê ghét tội lỗi, với lý do chính là vì luật của Chúa. Như thế, việc chê ghét tội lỗi luôn bao hàm một tính chất ép buộc của Chúa; vì nếu như không có Chúa thì không có tội lỗi; nếu như Chúa không cấm thì không bị phạm tội. Có lẽ chính vì tâm tình đề cao uy quyền tuyệt đối, “tự do” tuyệt đối của Chúa mà người ta thấy không cần tìm lý do nào khác nữa để giải thích việc chê ghét tội lỗi; và như thế, vô tình người ta rơi vào chủ thuyết duy ý muốn (voluntarisme) của Duns Scotus. Việc chê ghét tội lỗi như thế thường kéo theo cách ngấm ngầm, là ghét Chúa.

Thực sự, chắc chắn Thiên Chúa không ra luật chỉ vì một sự bốc đồng hay vì muốn tìm một trò chơi tinh quái nào. Thiên Chúa ra luật, luật truyền hay luật cấm, là vì bản chất của chính những điều mà Ngài truyền hay cấm. Nếu Thiên Chúa ra luật truyền, thì chỉ vì điều đó mang lại lợi ích cho con người; và nếu Thiên Chúa ra luật cấm, thì đó là vì tính chất nguy hại của điều cấm. Như thế, điều quan trọng để có thể chê ghét tội lỗi thực sự là khám phá ra tính hủy hoại của tội lỗi.

Có lẽ người ta quá chú trọng đến hành vi phạm tội mà quên đi gốc rễ của tội, là tính ích kỷ. Mọi tội lỗi đều là ích kỷ và đều mang tính hủy hoại chính bản chất con người, phản bội căn tính là tình yêu được Thiên Chúa ghi khắc trong con người. Chúa Giêsu đã từng khẳng định “Vì tự lòng phát xuất” những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống…” (Mt 15, 18b); hoặc khi nói với những người Do thái đang muốn ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình rằng “ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8, 7b). Chúa Giêsu đã cho thấy một thứ tội sâu xa hơn là những hành vi phạm tội cụ thể đối với luật lệ xã hội…

Thực tế căn nguyên của tội lỗi không phải là một hành vi được biểu hiện ra, đó không phải chỉ là một hành vi “lỡ” xảy ra một vài lần và ta chỉ cần tìm cách sửa chữa lại hậu quả của hành vi ấy. Tội lỗi không phải là một vết bẩn bám trên da, nhưng nó mọc ra từ chính trái tim ích kỷ của con người. Có lẽ chúng ta có thể thấy rõ hơn căn nguyên ích kỷ được biểu hiện trong những thái độ, hành vi mà xưa nay ta không cho là tội trước mặt Chúa. Những thái độ và hành vi ấy, thường rất nhỏ, nhưng cũng tỏ bày sức mạnh phá hủy của nó, chẳng hạn những lời bào chữa, chẳng hạn việc lựa chọn những gì tốt hơn cho bản thân mình mà không biết nhường cho những anh chị em khác cần thiết hơn, chẳng hạn việc nói về mình quá nhiều và thường là lố bịch… Chính những hành vi nho nhỏ như thế cho thấy sức mạnh của bệnh ích kỷ vẫn đang hoạt động trong con người và có thể chúng là lý do chính yếu chi phối mọi hoạt động trong con người…

Như thế, không nên “giấu” đằng sau tội lỗi, như thế chính Ngài là kẻ rình chộp bắt những lỡ lầm; vì Thiên Chúa ấy sẽ trở nên một vị Thiên Chúa đe dọa. Thiên Chúa không ở dinh cơ của mình như một lô cốt bất khả xâm phạm; và ai phạm đến dinh cơ ấy là mang tội với Ngài. Thiên Chúa ở cùng với ta và kêu gọi (giới răn) ta đừng dấn vào nơi lô cốt của sự chết ấy.

2. Tin vào Tin Mừng

Cũng thế, trong sự nhập nhằng nói trên, nếu như người ta “thành công” được trong việc công bố lòng quảng đại và thương xót của Thiên Chúa, thì điều này lại thường dẫn đến một thái cực ngược lại:Thiên Chúa nhân từ, thương xót, nên ta đừng quá bận tâm đến tội lỗi; đừng quan trọng hóa quá đáng mọi tội lỗi của con người… Chúa chẳng chấp tội ta đâu mà! Như thế chẳng hóa ra Thiên Chúa lại ủng hộ việc con người tự phá hủy bản chất của mình?

Chúa Giêsu kêu gọi người Kitô hữu trở nên “hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48; xc 6, 36), và đó là lý tưởng của đời sống Kitô giáo. Lời ấy trước tiên cho thấy người Kitô hữu không được an tâm ở lỳ trong thế giới tội lỗi của mình; lời ấy kêu mời con người “siêu việt”, thăng tiến trên con đường theo Chúa Kitô.

Tuy nhiên, trong đời sống đạo hiện nay, lý tưởng nên hoàn thiện như Cha trên trời thường được quan niệm như một khuôn khổ vô ngã, thật tròn trịa, thật chuẩn mực, thật hoàn toàn; hoàn hảo đến mức trở thành một khuôn khổ chuẩn mực ấy để xác định đau là tội và đâu là nhân đức.

Cách thức theo đuổi một đời sống đạo như thế trở thành như một cuộc thi tuyển, trong đó, việc công bố Tin mừng Cứu độ chỉ còn là “đề bài”, Tin mừng trở thành “tài liệu học tập”, nỗ lực sống đạo giống như việc làm bài thi và hy vọng một số điểm vượt qua mức trung bình…

Tin mừng là lời công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa, loan báo sức mạnh giải thoát có khả năng giúp con người vượt qua được tội lỗi và vươn đến một đời sống hoàn thiện như Cha trên trời. Điều chính yếu trong lời rao giảng của Chúa Giêsu là Thiên Chúa là Tin mừng Cứu độ. Tin mừng về sự trợ giúp, nâng đỡ, đồng hành của Thiên Chúa với con người, để giúp con người vượt thắng được tội lỗi, hóa giải được sự hủy hoại của tính ích kỷ, hàn gắn những đổ vỡ do sự ghen ghét gây ra. Lý tưởng hoàn thiện Kitô giáo không phải là một khuôn khổ vô ngã và đòi buộc một cách “khách quan”, nhưng là lời hứa về một hạnh phúc cao vời mà ơn cứu độ ban tặng

Như thế, Tin mừng mới thực sự là lời yêu thương của Thiên Chúa ngỏ với loài người. Phương cách chính yếu của Thiên Chúa để xóa bỏ tội lỗi không phải là đứng ở ngoài mà đe dọa bằng những hình phạt nghiêm minh, nhưng chính là thực hiện nghĩa cử yêu thương của Ngài. Việc tha tội như thế không còn chỉ là xá tội, hay bỏ qua, không chấp đến một hành vi sai lầm nào, mà chính là một tình yêu thương lớn lao có thể dung chứa, chấp nhận và hóa giải tính ích kỷ trong trái tim con người.

Thiên Chúa cứu độ thực sự là Thiên Chúa đứng về phe con người, liên đới trong cùng một chiến tuyến với con người để chống lại thế lực tội lỗi của Satan. Thiên Chúa không xuất hiện như một người chủ đòi nợ khiến người ta phải sợ hãi, co rúm trước tôn nhan Ngài, nhưng Ngài muốn bộc lộ mình là Đấng có thể giúp ta trả món nợ hủy hoại của tội lỗi.

Kết

Sám hối là nhận ra sự hủy hoại của tội lỗi, là đau vì hậu quả của tội; nhưng sám hối cũng là biết “mỉm cười” vì tin vào Tin mừng cứu độ. Trong khi đau vì hậu quả của tội lỗi đang phá hủy cuộc sống, người Kitô hữu vẫn bình an nhờ tin vào tình yêu thương của Thiên Chúa và phải biết “cười khì” với Chúa. nếu không người ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng thất vọng của Giuđa.