(Thời sự Thần học – số 18 – Tháng 12/1999, tr. 27-47)
Phan Cường
Có thể nói, qua lịch sử 20 thế kỷ của Kitô giáo, là lịch sử công tác truyền giáo. Không thiếu những tác phẩm viết về lịch sử Giáo hội, nhưng có lẽ còn hiếm những tác phẩm nghiên cứu cách riêng lịch sử Truyền bá Tin mừng. Vấn đề không phải chỉ là ghi chép những niên hiệu, nhưng còn phải nghiên cứu những đường lối, phương tiện truyền giáo, cũng như những trở ngại, nghịch cảnh. Một khía cạnh khác cũng cần được lưu ý là những nhà truyền giáo đã gặp những tôn giáo nào, những tâm thức nào trên bước đường mang đức Kitô cho các dân tộc. Đó là chủ đích mà cha Alberto Doneda đã đặt ra khi soạn cuốn sách tựa đề: “Giáo hội trên đường lữ hành. 2000 năm lịch sử truyền giáo” (Chiesa in Cammino. 2000 anni di storia della missione), xuất bản tại Bologna năm 1993. Tác giả chia thành 7 chặng như sau:
- Cuộc truyền giáo của Chúa Giêsu.
- Cuộc truyền giáo của các thánh tông đồ và Giáo hội tiên khởi (từ năm 30-100).
- Cuộc truyền giáo trong Đế quốc Rôma (từ năm 100-650).
- Cuộc truyền giáo cho châu Âu thời Trung cổ (400-1300).
- Cuộc truyền giáo ra ngoài Âu châu trong thời cận đại (1250-1750).
- Cuộc truyền giáo trong thế kỷ 19-20.
- Giai đoạn 7 hướng về tương lai: ôn cố tri tân.
Giai đoạn này ngắn ngủi nhất bởi vì chỉ kéo dài hơn kém 3 năm, và trong địa bàn thu hẹp của vùng Giuđêa, Samaria, Galilêa. Tuy nhiên, đó là giai đoạn khai mào, đặt nền tảng cho các giai đoạn kế tiếp: đức Kitô chính là Tin mừng, bởi vì Ngài mang lại ơn cứu độ cho nhân loại.
Phương thế chính mà đức Kitô sử dụng là giảng dạy: trong các hội đường cũng như giữa làng mạc phố xá, trong các cuộc gặp gỡ tư gia cũng như trước đám đông tụ tập. Ngài sử dụng các tài liệu Kinh thánh mà dân chúng đã thuộc, hoặc thuật dụ ngôn. Ngoài lời giảng, Ngài cũng còn bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa qua những cuộc tiếp xúc với những thành phần sống bên lề xã hội, chẳng hạn những hạng người thu thuế, các cô gái trắc nết, và nhất là những người đau ốm bệnh tật. Mặt khác, Ngài cũng không quên đào tạo một số môn đệ cùng chia sẻ kiếp sống với mình, để mai ngày tiếp nối sứ mạng.
Thành thực mà nói, hoạt động của Chúa Giêsu không thu hoạch được nhiều kết quả cho lắm. Các cấp lãnh đạo tôn giáo và chính trị chống đối Ngài, tố cáo Ngài đủ điều, và sau cùng đã xử tử Ngài. Các môn đồ của Ngài thì mong tìm danh cầu lợi, hơn là uốn nắn tâm thần theo tinh thần của Ngài. Họ đã bỏ rơi Thầy mình khi gặp hoạn nạn. Thế nhưng từ sau cái chết của Chúa Giêsu trên Thập tự, một kỷ nguyên mới đã bắt đầu. Đức Kitô phục sinh đã ban Thánh Thần cho các môn đệ, đựơc tụ họp thành một Giáo hội, để mang Tin mừng cứu rỗi đến cho muôn dân. Ngài hứa sẽ ở với Giáo hội cho đến tận thế. Ngày lễ Ngũ tuần có thể được coi như là ngày ra mắt của Giáo hội. Các tông đồ lãnh nhận sức mạnh của Thánh Thần, hiên ngang rao giảng đức Kitô bị treo trên Thập giá nhưng đã Phục sinh.
II. Công cuộc Truyền giáo của các thánh Tông đồ
Giai đoạn này kéo dài từ khoảng năm 30 cho tới năm 100. Tin mừng từ Giêrusalem được loan báo ra Palestina, rồi tới các thị trấn lớn ở Siria Antiokia, Thổ nhĩ kỳ, Hy lạp, dọc theo Địa Trung hải và tới Rôma. Các tông đồ nhắm tới các người Do thái trong nước hay kiều bào sống rải rắc đây đó. Ngoài các tông đồ còn có những nhân viên “lưu động” được cộng đoàn sai đi. Phương thế truyền giáo là giảng thuyết tại các hội đường hay nơi mà dân chúng tụ họp; tuy nhiên không bỏ qua những cuộc tiếp xúc riêng tư, tại các gia đình, các nơi làm việc.
Vào thời này, ngoài những bản văn Kinh thánh (nay gọi là Cựu ước), Giáo hội còn có những tài liệu huấn giáo mới, dần dần sẽ trở thành Tân ước. Tân ước không phải chỉ thuật lại cho chúng ta cuộc đời của Chúa Giêsu và của các tông đồ; nhưng còn để lại cho chúng ta những giáo huấn về kế hoạch tình thương của Chúa, về thái độ cần có để đón nhận ơn cứu rỗi. Dĩ nhiên, các nhà truyền giáo cần được thấm nhiễm tinh thần của Phúc âm, tinh thần của bát phúc trước khi ra đi rao giảng Tin mừng. Ngoài lời giảng, Giáo hội không bỏ qua việc cử hành phụng vụ và những công tác bác ái từ thiện để làm chứng cho đức Kitô, trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.
Công cuộc truyền giáo gặp nhiều trở ngại không những vì những gian khổ của những chuyến hành trình xa xôi, nhưng còn vì những cuộc bách hại về phía những nhà lãnh đạo Do thái lẫn nhà cầm quyền Rôma. Văn hóa và tôn giáo của người Hy lạp và Rôma để lại vài dấu vết tiêu cực nơi các tân tòng, đưa tới khuynh hướng ngộ đạo và những thói tục ma thuật.
Vào cuối thế kỷ, Giáo hội đã đặt rễ trong một số gia đình và cộng đoàn, gồm cả người Do thái lẫn Hy lạp và các dân khác. Họ thuộc đủ thành phần xã hội: nam nữ, giàu nghèo, tự do và nô lệ. Vài cơ cấu và tác vụ đã thành hình, để lo việc điều hành cộng đoàn cũng như để tham gia vào công cuộc truyền giáo. Thêm vào đó, đã có nhiều người chết vì đức tin: những chứng nhân quen gọi là các thánh tử đạo.
III. Công cuộc truyền giáo trong đế quốc Rôma
Công cuộc truyền giáo trong hai giai đoạn đầu trùng với thời các thánh Tông đồ, với những chứng tích còn ghi lại trong các tác phẩm Tân ước. Giai đoạn ba kéo dài cho tới thế kỷ thứ 7, quen gọi là thời các giáo phụ. Tin mừng được truyền bá trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma, nhờ hệ thống giao thông thuận lợi: len tới mạn Bắc (Anh, Đức) mở tới phía Đông, chạm Đại Tây dương (Pháp, Tây ban nha), miền Bắc phi; thậm chí có những người vượt qua biên cương ở mạn Đông Bắc, tới đế quốc Ba tư.
Nhân sự truyền giáo không những chỉ bao gồm các Giám mục và linh mục, mà còn có các gia đình và tín hữu thuộc mọi giai tầng (thương gia, binh sĩ, công chức, cũng như các tù nhân, những người bị phát lưu, các nô lệ...). Những phương tiện truyền giáo có thể là những lời giảng công khai, nhưng cũng có thể là những buổi tiếp xúc cá nhân do thời cơ đưa đến. Đặc biệt, do hoàn cảnh lịch sử của cuộc bành trướng của Đế quốc Rôma, mà nhiều công dân tự do của Rôma hay các binh sĩ, tù binh nô lệ có dịp trà trộn, để mang Tin mừng cho các sắc dân trong lãnh thổ của Đế quốc. Ngoài những phương thế truyền thông tự nhiên ấy, chính đời sống chứng tá của các cộng đoàn đã thu hút nhiều người đi tìm hiểu đạo mới.
Giáo hội đã được tổ chức về nhiều mặt. Về cơ cấu, thì dần dần các tác vụ đã mang tính cách bền vững, với phần nhân sự chuyên biệt: giám mục đứng đầu các giáo đoàn, với sự cộng tác của các linh mục và tác viên. Việc gia nhập đạo phải theo một kỷ luật về dự tòng. Phụng vụ và bí tích cũng dần dần được cử hành theo những khuôn khổ nhất định, bằng tiếng Hy lạp và Latinh, và đôi khi bằng thổ ngữ. Một số văn hào đã viết tác phẩm trình bày lý lẽ đức tin, bắt đầu cho văn học Kitô giáo. Một số trường giáo lý đã thành hình tại Giêrusalem, Antiokia, Alexandria.
Trở ngại lớn lao nhất của công tác truyền giáo là những cuộc bách hại, kéo dài từ năm 64 cho tới năm 311, tuy không phải lúc nào cũng dữ dội như nhau. Nhiều tín hữu bị giết, hay bị giam tù, lưu đày, tịch biên tài sản. Hàng giáo phẩm bị truy nã cách riêng. Sách thánh bị đốt. Giáo hội đã chứng kiến nhiều chứng nhân anh dũng, cũng như những người bỏ đạo. Mặt khác, trong nội bộ của Giáo hội cũng nảy sinh nhiều bè phái, lạc giáo. Sau khi những cơn bách hại đã chấm dứt, các lạc giáo bùng nổ mạnh hơn nữa chung quanh bản tính của đức Kitô. Những khó khăn nội bộ như thế đã làm trì trệ công cuộc truyền bá Tin mừng.
Việc mở rộng biên cương địa lý và văn hóa của Giáo hội, kèm theo những lạc giáo, đã khiến cho các nhà lãnh đạo lưu tâm đến vấn đề duy trì đức tin duy nhất giữa những ngôn ngữ đa dạng. Thực vậy, không thiếu lần nguồn gốc của các lạc giáo phát xuất do sự thiếu sót của ngôn ngữ khi diễn tả các mầu nhiệm đức tin. Chúng ta có thể lấy một thí dụ từ những cuộc tranh luận về Kitô học giữa hai trường phái Antiokia và Alexandria. Trường phái Alexandria, chịu ảnh hưởng của triết thuyết Plato, chú trọng thiên giới; vì thế họ đề cao thiên tính nơi đức Kitô, với nguy cơ là coi rẻ nhân tính nơi Ngài. Đối lại trường phái Antiokia, chịu ảnh hưởng của Aristote, chú trọng đến lịch sử và thực tại vật chất; vì vậy mà họ đề cao nhân tính của đức Kitô (đức Kitô là con người thực), đưa đến sự lúng túng khi phải dung hòa với thiên tính. Dù sao, không ai có thể chối được ảnh hưởng của triết học Hy lạp đối với tư tưởng của các giáo phụ, cũng như ảnh hưởng của luân lý, pháp luật, kiến trúc Rôma trong cách tổ chức Giáo hội. Mặt khác, trong đời sống đạo, không dễ gì mà một sớm một chiều các tân tòng có thể từ bỏ dứt khoát các tập tục tín ngưỡng của cha ông; bởi thế đức tin Kitô giáo vẫn còn trà trộn với những tập tục mê tín dị đoan cổ truyền.
Trong giai đoạn ba, lịch sử truyền giáo giới hạn trong biên cương của Đế quốc Rôma: lúc đầu bị Đế quốc bách hại, nhưng sau đó đã trở thành quốc giáo. Sự gắn bó với Đế quốc không phải lúc nào cũng lợi cho Giáo hội: không những có những dân tộc khước từ gia nhập Kitô giáo vì e sợ bị lôi cuốn vào tròng đế quốc, nhưng thậm chí có những giáo đoàn đứng ra lập Giáo hội tự trị (như Armenia, Ba tư) để khỏi bị Constantinopoli chi phối.
IV. Thời Trung cổ (400-1300)
Nên ghi nhận là sự phân chia các giai đoạn không có tính cách liên tục. Trong giai đoạn thứ ba, chúng ta đã nghiên cứu việc rao giảng Tin mừng trong lãnh thổ của Đế quốc Rôma. Từ khi Constantinô dời thủ đô từ Rôma sang Constantinôpôli, các hoàng đế chỉ để ý tới mạn Đông của Đế quốc hơn là mạn Tây. Những dấu hiệu rạn nứt bắt đầu với việc tấn công của người Hung vào năm 395; kế đó vào năm 410 Alaricô dẫn đầu nhóm Visigothô từ bắc Ý tràn vào Rôma; đến năm 455 thì Gensêricô với nhóm Vanđali từ Phi châu đổ bộ lên Sicilia và tiến quân cướp phá Rôma, mở màn cho những cuộc xâm lăng gọi là của dân Mandi. Dĩ nhiên, “mandi” là một từ ngữ khinh bỉ mà người Rôma đặt cho tất cả các dân ở ngoài ảnh hưởng của văn hóa Hylạp Rôma. Kỳ thực họ cũng có những văn hóa riêng: Celte, Germanic, Baltic, Slavic, v.v... Trong khi quân đội Rôma thua chạy, thì các Giám mục vẫn ở lại nhiệm sở; các ngài không những bảo vệ gia tài văn minh cổ điển nhưng còn tính chuyện cải hoán cho những sắc dân đang làm bá chủ Âu châu.
Vì thế, có thể nói được là công cuộc truyền giáo vào thời Trung cổ còn bị giới hạn trong lãnh thổ Âu châu, trước đây ở dưới ảnh hưởng của Đế quốc Rôma nhưng nay đã bị đổi chủ. Dù vậy, cũng có những phái đoàn truyền giáo đi xa hơn, tới tận thủ đô Trung quốc.
Như vừa nói trên đây, đặc điểm chính của giai đoạn này là công cuộc truyền giáo dành cho dân man di. Thực ra, khó mà biết được gốc gác của họ, bởi vì bao gồm rất nhiều sắc tộc (Visigôt, Alaman, Burgunđô, Francô, Vanđalô, Longobarđô, Vikinh, Norman...), chiếm đóng suốt vùng Đông Âu và phần lớn châu Á. Họ là những toán người du thực, đã nhiều lần mở những đợt xung kích xuống Ấn độ, và tới Trung hoa nữa. Từ thế kỷ thứ 5, họ tràn vào lãnh thổ của Đế quốc Rôma, đang suy yếu ở mạn Tây; và họ đã chiếm đóng những vùng mà ngày nay thuộc về các nước Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây ban nha, Bồ đào nha, Bắc Phi. Sau những phút kinh hoàng lúc đầu, nhất là khi thấy các cơ quan hành chánh và quân sự của Rôma sụp đổ, Giáo hội đã ra tiếp đón những toán người bị coi là man di, để truyền giảng Phúc âm cho họ. Dần dần, Giáo hội cũng nhận thấy chương trình quan phòng của Thiên Chúa, khi mà Tin mừng không những đã được rao giảng cho những sắc dân mới, mà nhờ họ, địa bàn truyền giáo được mở rộng ra toàn cõi Âu châu, xa hơn biên cương của Đế quốc Rôma trước đây.
Sánh với những giai đoạn trước, công cuộc truyền giáo vào thời Trung cổ có nhiều sắc thái mới. Thực vậy, khi Tin mừng được loan truyền ra ngoài biên cương của Palestine, Kitô giáo đã gặp phải một nền văn hóa cố cựu của Hy lạp và Rôma. Dần dần, nhờ các giáo phụ, Kitô giáo đã tạo ra cho mình một nền triết học, một hệ thống tư tưởng cũng như một hệ thống tổ chức. Đến khi người mandi tràn vào Đế quốc Rôma, thì Giáo hội đi gặp gỡ họ không phải chỉ cầm quyển Kinh thánh trên tay, nhưng còn mang cả gia sản văn hóa cổ điển để truyền thụ lại cho họ.
Công cuộc truyền giáo dần dần mang tính chất quy mô, không để tùy thuộc lòng nhiệt thành hăng hái của cá nhân nhưng được xếp đặt từ đầu não. Có thể coi đức Grêgôriô I (590-604) như vị Giáo hoàng mở đầu cho kỷ nguyên mới, khi Ngài đích thân sai một phái đoàn do Augustinô lãnh đạo, sang truyền giáo bên Anh quốc. Cử chỉ đó cũng làm thay đổi bộ mặt nhân sự của các nhà truyền giáo. Trong những thế kỷ đầu, chúng ta thấy có đủ các khuôn mặt: các tông đồ và các trợ tá, các giáo sĩ và giáo dân nam nữ thuộc đủ thành phần xã hội và nghề nghiệp. Sang thời Trung cổ, thì các nhân viên truyền giáo ra như bị thu hẹp vào hàng giám mục và các đan sĩ. Đặc biệt nữ giới hầu như vắng mặt, chỉ trừ các hoàng hậu, công chúa, tìm cách quyến dũ chồng mình trở lại đạo, lôi kéo luôn toàn thể quốc dân vào Kitô giáo, như: Clotilde với Clovis (bên Pháp năm 496), hoặc Olga bên Nga năm 970.
Trong thư đề ngày 18-7-601 gửi cho Augustinô trước khi lên đường truyền giáo, đức Grêgôriô Cả viết rằng: “Cha đừng phá hủy các đền miếu của dân ngoại, nhưng hãy thánh hóa chúng bằng nước thánh, cất bàn thờ lên đó và đặt hài cốt các thánh tử đạo. Đâu đã có tục dâng lễ tế cho các bụt thần, thì cha phải tìm cách cử hành các lễ hội Kitô giáo cũng trùng vào ngày đó; thí dụ trong ngày lễ các thánh Tử đạo, cha hãy cho họ dựng sạp và mở tiệc tùng. Khi được hoan hỉ bên ngoài, dân chúng sẽ đạt được sự hoan hỉ nội tâm nữa. Đừng hủy bỏ tức khắc các tục lệ của người ngoại. Không thể nào trong chớp mắt có thể nhảy lên núi cao được, nhưng phải leo từ từ từng nấc một”. Hai thế kỷ sau (từ năm 863), khi đi giảng đạo cho người Slavic, hai anh em đan sĩ Cirillo và Mêtôđiô cũng tìm cách hòa hợp Tin mừng với các gia sản văn hóa cổ truyền.
Tuy nhiên, thời nào cũng có những nét son và những chấm đen của nó. Những toán quân man di, bản tính vốn hiếu chiến, không lập tức trở thành chiên hiền liền sau khi trở lại đạo. Họ tiếp tục công cuộc xâm lăng. Và rồi không thiếu lần, cũng có những nhà truyền giáo đi theo các cuộc viễn chinh ấy để đặt thêm một điều kiện cho người bại trận là họ phải chấp nhận trở lại đạo Kitô. Dĩ nhiên, chúng ta không nên xét đoán việc người xưa hoàn toàn dựa theo những tiêu chuẩn của thời nay; nhưng ai cũng có thể nhận rằng những cuộc trở lại đạo một cách ồ ạt, tập thể không thể nào được chuẩn bị kỹ lưỡng như các dự tòng trong những thế kỷ đầu. Mặt khác, chúng ta cũng không nên quên rằng công tác huấn giáo không phải chỉ giới hạn vào việc giảng dạy đạo lý, nhưng còn qua những nghi lễ phụng vụ trang nghiêm, kèm theo âm nhạc, tranh ảnh, văn nghệ nữa. Đặc biệt, các đan viện trở thành trung tâm phụng vụ, lẫn trung tâm văn hóa qua các sinh hoạt chép sách, dạy nghề.
Sang tới năm 1000, thì nói được là Tin mừng đã được loan truyền sang khắp cả Âu châu, từ bờ biển Đại Tây dương cho tới nước Nga. Thế nhưng, ở một mạn khác, bản đồ của lãnh thổ Kitô giáo bị thu hẹp lại. Từ thế kỷ thứ 7, Hồi giáo bắt đầu bành trướng từ Ả rập, lan san Siria, Batư, Đất thánh. Chẳng bao lâu, họ đã chiếm tất cả miền Bắc phi và miền Nam nước Tây ban nha năm 711.
Lịch sử truyền giáo khi bước sang ngàn năm thứ hai được đánh dấu với những đặc điểm sau đây:
1) Từ thế kỷ thứ 11, bắt đầu những chiến dịch để chiếm lại những vùng đất rơi vào tay người Hồi giáo, cách riêng ở Tây ban nha và Thánh địa. Những chiến dịch này quen gọi là “Thập tự quân”, quy tụ các ông hoàng và binh lính thuộc nhiều nước khác nhau. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người tham gia các chiến dịch ấy đều được thúc đẩy bởi tinh thần đức tin! Nhiều người đăng ký vì tư lợi, vì lòng tham lam muốn đi vơ vét tài sản; thậm chí có lần thay vì đi giải phóng thánh địa thì họ lại quay sang cướp bóc Constantinôpoli (1204).
2) Sự tuyệt thông giữa hai tòa Rôma và Constantinôpoli vào năm 1054 đã làm suy yếu không nhỏ công cuộc truyền giáo. Không thiếu lần, thay vì hợp nhất để rao giảng Tin mừng cho dân ngoại hoặc để đề phòng trước sự tấn công của lực lượng Hồi giáo, thì chính các anh em Kitô giáo lại quay ra chống nhau, hoặc bỏ rơi mặc cho bên kia chết. Constantinopoli bị Hồi giáo chiếm đóng năm 1453.
3) Sự xuất hiện của những Dòng tu tông đồ từ thế kỷ 13: Đaminh, Phanxicô. Họ thiết lập những cộng đồng lưu động để đi truyền giáo. Tòa thánh có thể sử dụng họ, sai đi tới các vùng xa xăm, như các phái đoàn đi sứ nước Mông cổ. Năm 1394, tu sĩ Gioan Montecorvinô (dòng Phanxicô) đã tới Khambaliq (nay là Bắc kinh), và đựơc Tòa thánh đặt làm Tổng giám mục năm 1310. Cách riêng, đối với Hồi giáo, các Dòng này đã mở ra những đường hướng mới: qua việc nghiên cứu tư tưởng các triết gia Ả rập, qua việc mở trường học sinh ngữ, và qua việc đối thoại. Thánh Phanxicô và các đồng bạn đi gặp gỡ các nhà lãnh đạo Hồi giáo với Phúc âm chứ không bằng gươm giáo. Một số tu sĩ Dòng Phanxicô đã bị giết. Ngoài hai dòng Đaminh và Phanxicô, cũng cần thêm những dòng được lập ra để chuộc những Kitô hữu bị người Hồi giáo bắt làm nô lệ.
4) Sang thế kỷ 14, đà truyền giáo bị suy giảm do một vết thương nội bộ của Giáo hội, tiếp theo việc Đức Giáo hoàng sang Avignon bên Pháp (1309-1377) là những cuộc phân ly (1378-1418), đến nỗi có lúc có ba Giáo hoàng một trật. Thêm vào đó, cơn dịch đen hoành hành trong 2 năm (1348-1350) đã gây tổn thất lớn cho nhân sự Giáo hội.
5) Riêng đối với công cuộc truyền giáo tại Á châu, thì đừng kể những phái đoàn của Dòng Đaminh và Dòng Phanxicô do Tòa thánh sai đi hồi thế kỷ 13, chúng ta cũng cần nhắc tới các Giáo hội Nestoriano đã mang Tin mừng tới Tây tạng, Mông cổ và Bắc Trung hoa từ những thế kỷ 6-7. Tiếc rằng chúng ta chỉ còn thấy vài dấu vết, nhưng thiếu tài liệu lịch sử. Ngoài ra, cũng nên biết là những giáo đoàn được thành lập tại Trung quốc cạnh hoàng triều Mông cổ vào thế kỷ 13 cũng tan tành theo số phận của Đế quốc này; và như vậy chỉ tồn tại trên dưới 150 năm. Bên Ấn độ, vẫn có lưu truyền là thánh Tôma đã đặt chân đến đây; nhưng tài liệu chính xác hơn ghi nhận việc thiết lập các giáo đoàn tại Ấn độ do Giáo hội Calđêa từ Batư hồi thế kỷ 6.
V. Thời cận đại: việc truyền giảng Tin mừng sang Á, Phi, Mỹ (tk 15-17).
Công cuộc truyền giáo trở thành phức tạp hơn, bởi vì mở rộng địa bàn hơn, với những hoàn cảnh nhân văn mới. Mặc dù đã có kinh nghiệm của hàng chục thế kỷ lịch sử, nhưng về khía cạnh truyền giáo, Giáo hội vẫn ở giai đoạn lớp vỡ lòng, nhất là khi phải tiếp xúc với những lớp người mới. Trong quá khứ, các nhà truyền giáo đã phải nếm cảnh thất bại khi đương đầu với Do thái giáo và Hồi giáo. Tuy nhiên, bù lại, Giáo hội đã chinh phục được người Hy lạp, Rôma cũng như các dân man di. Bước sang thời cận đại, khi bắt đầu giai đoạn mới của cuộc truyền giáo, phần lớn các nhà thừa sai chỉ nghĩ tới những thắng lợi của Kitô giáo trên các tôn giáo tại Âu châu, mà không phân tích những lý do gì đã làm cản trở công cuộc truyền giáo ở miền Hồi giáo. Vì thế họ lên đường với não trạng có thể đem Tin mừng và văn hóa Âu châu để chinh phục các dân khác, giống như những thế hệ trước đây đã cải hóa dân man di. Thế nhưng, bộ mặt thế giới không đơn giản như vậy. Chúng ta hãy lượt qua những nét chính của công tác truyền giáo theo từng lục địa.
A. Tại Á châu
Á châu là một lục địa mênh mông, với những nền văn hóa và tôn giáo cổ kính. Cũng cần thêm rằng, lịch sử chính trị của lục địa này cũng rất phức tạp. Chỉ cần lấy Trung Hoa làm một tỉ dụ thì đủ rõ. Trong lịch sử, dân Việt đã nhiều lần phải đương đầu với những cuộc xâm lăng từ phương Bắc; chúng ta gọi tất cả là Trung hoa (hay người Tàu), nhưng thực sự không phải như vậy, bởi vì người Hán thì khác với người Nguyên, Minh, Thanh. Nói khác đi, chính người Tàu cũng bị những dân tộc khác xâm lăng, và họ cũng phải nổi dậy để dành độc lập. Vì lý do đó mà như chúng ta đã thấy, vào đầu thế kỷ 14, tuy một Tòa Tổng giám mục được thiết lập tại Bắc kinh và đã có nhiều hoàng thân Mông cổ trở lại, thế nhưng khi đế quốc Mông cổ suy tàn, thì các giáo đoàn cũng mang cùng một số phận.
Dù sao thì sau khi Đế quốc Mông cổ sụp đổ, các quốc gia tại Á châu tăng cường sự phòng thủ chống ngoại xâm. Nhận xét này áp dụng cho Trung hoa, cũng như Nhật bản, Ấn độ. Họ rất dè dặt trong việc giao du với ngoại bang. Tuy nhiên, đó là nói về mạn Đông của châu Á. Ở phía Tây thì khác: tiếp theo Đế quốc Mông cổ là đế quốc Thổ nhĩ kỳ theo Hồi giáo bá chủ suốt bờ biển Địa Trung hải, lan sang vịnh Ba tư và xâm nhập vào Ấn độ. Con đường giao thông giữa Âu châu với Á châu đã bị cắt đứt.
Trong bối cảnh ấy, việc truyền giảng Tin mừng tại Á châu không dễ dàng gì: không thể tổ chức cách đại quy mô hay ồ ạt được. Các nhà cầm quyền địa phương, dù tại Trung hoa, Nhật bản hay Việt nam, cũng đều tỏ thái độ nghi ngờ với các thừa sai, e rằng họ đang do thám chuẩn bị cho những cuộc xâm lăng của ngoại quốc. Các thừa sai cũng mò mẫm trong đường lối thực hành. Một số vị đã chăm chú nghiên cứu ngôn ngữ và kinh điển của người địa phương để dễ đối thoại với họ (tưởng nên biết là việc học tiếng Phạn hay tiếng Trung hoa không phải là trò chơi); có vị ăn mặc theo y phục địa phương; có vị lui tới các dinh trấn của vua quan. Nhưng có lẽ các phương thế này có giá trị ở Âu châu trước đây, chứ bây giờ không xài được nữa. Thí dụ như trước đây một số giáo phụ tổ chức đấu lý với các triết gia Hy lạp để thuyết phục họ về chân lý Kitô giáo; còn tại Á châu, con đường dẫn đến đạo thật không phải là tranh luận cho bằng tâm linh. Cũng vậy, trước đây tại Âu châu, khi nhà vua hay lãnh chúa theo đạo thì lôi kéo cả nước theo đạo; nhưng điều đó không xảy ở Á châu. Dù sao, thực là khó khi phải tìm ra những phương thế truyền giáo mới tương ứng với hoàn cảnh mới. Cho đến nay vẫn còn có tác giả nghĩ rằng giả như Tòa thánh không ngăn cấm thờ cúng tổ tiên thì người Trung hoa đã theo đạo từ lâu rồi. Trên thực tế thì từ khi không còn cấm kính bái tổ tiên nữa, con số tín hữu cũng chẳng tăng thêm gì hơn! Vấn đề chấp nhận đức tin Kitô giáo không phải chỉ tùy thuộc vào phương pháp của các nhà truyền giáo, nhưng còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác nữa. Tin mừng của đức Kitô, tuy thăng tiến và giải phóng con người, nhưng cũng đòi hỏi con người phải hy sinh không ít. Một ông chồng năm thê bảy thiếp có lẽ sẽ không nghĩ rằng Tin mừng của đức Kitô sẽ mang lại hạnh phúc cho mình khi buộc mình theo luật nhất phu nhất phụ! Họa chăng các cô vợ bé mới khám phá ra tính chất giải phóng của Tin mừng.
Không rõ Tin mừng đã tới Việt nam từ thời nào. Nhưng điều chắc là vào thế kỷ 17, công cuộc truyền giáo được tổ chức cách quy mô hơn với những ảnh hưởng còn duy trì cho tới nay. Đừng kể những tổ chức nội bộ Giáo hội (thí dụ Nhà Đức Chúa Trời, Dòng Mến thánh Giá), một kết quả còn lưu lại là chữ quốc ngữ. Xét vì đã có nhiều người viết về lịch sử truyền giáo ở Việt nam, nên chúng tôi không cần đi sâu thêm.
B. Phi châu
Phi châu đã được lãnh nhận Tin mừng ngay từ thế kỷ đầu của Kitô giáo, và tiếp đó, đã chứng kiến những giáo đoàn phồn thịnh tại Alexandria, Cartagine, Etiopia. Thế nhưng, khi Hồi giáo nổi lên, thì tất cả các vết tích Kitô giáo đã bị quét sạch. Những đoàn thương gia Ai cập còn tiến xuống sâu hơn, tới miền Congo. Tại đây, họ gặp những đoàn thương gia Bồ đào nha vào thế kỷ 15.
Vào giai đoạn này, việc truyền giáo tại Phi châu không có gì nổi bật. Một số tu sĩ đi theo các thương gia Bồ đào nha, dừng lại ở một vài cảng ở Phi châu, xây cất vài nhà nguyện dành cho người đồng hương, rồi từ đó giảng đạo cho những vùng lân cận, chứ chưa có những dự án tiến sâu hơn vào nội địa.
C. Mỹ châu
Theo một số nhà nhân chủng thì tổ tiên những dân cư của miền Bắc Mỹ là những đám du mục từ phía Bắc và Đông Á tràn sang. Dù sao thì sang thế kỷ 15, tại Mỹ châu đã có những đế quốc với nền văn minh huy hoàng, thí dụ Azteca ở Messico, Inca ở Peru. Thế nhưng đó là kết luận của các nhà khảo cổ ngày nay. Khi các nhà thám hiểm Âu châu mới đặt chân tới đây, họ coi vùng này như miền hoang rợ, nơi để khai thác của ngon vật lạ, để làm giàu. Họ không cần đếm xỉa tới các nền văn hóa cổ truyền của các thổ dân; bọn người thất trận chỉ đáng làm công nhân và nô lệ.
Vào buổi đầu, công cuộc truyền giáo tại Mỹ châu do các Dòng tu thực hiện. Họ đi theo các tàu của đoàn viễn chinh, vừa để lo chuyện mục vụ cho những người đồng hương đến lập nghiệp ở Tân thế giới, vừa để truyền giáo cho các thổ dân. Các nhà truyền giáo mang theo các tập tục từ Âu châu sang đây, từ các thể chế giáo luật cho tới các kiểu kiến trúc nhà thờ. Vì thế các Tòa Giám mục cùng với kinh sĩ đoàn, các tỉnh dòng, cũng như Đại học công giáo sớm được thành lập tại châu Mỹ dành cho lớp di dân từ Âu chứ không phải là dành cho các thổ dân. Nhiều sử gia cho rằng đó là lý do vì sao ngày nay tại Nam Mỹ ít ơn kêu gọi: bởi lẽ từ đầu các thổ dân không được chấp nhận gia nhập hàng giáo sĩ và tu sĩ; tình trạng đó cứ kéo dài mãi và làm họ quên luôn chuyện đi tu.
Một đặc điểm của công cuộc truyền giáo tại Mỹ châu là trách nhiệm được ủy thác cho hoàng triều Tây ban nha (Padronado). Thực ra, vào năm 1494 Đức Giáo hoàng Alexandro VI đã phân chia những lục địa mới khám phá thành hai phần: hoàng triều Tây ban nha đảm trách Mỹ châu và Phi luật tân; hoàng triều Bồ đào nha lãnh Phi châu, Á châu và Ba tây (như thế Trung hoa và Việt nam thuộc quyền của Bồ đào nha, với những tòa Giám mục tại Goa 1533, và Macao 1576). Trong khu vực được ủy thác, hoàng triều phải lo đôn đốc việc truyền giáo, thiết lập các cơ sở Giáo hội. Thành thực mà nói, Tây ban nha quan tâm hơn đến vấn đề truyền giáo, còn nước Bồ thì mải lo chuyện buôn bán. Không thiếu người đã tố cáo người Tây ban nha vì đã nhân danh đức tin để tuyên chiến với các thổ dân, cưỡng bách họ: một là theo đạo hai là mất đầu. Nhân dịp kỷ niệm 500 năm Colombo đặt chân lên lục địa, nhiều tài liệu văn khố đã được khui ra. Và dĩ nhiên trên đời này không phải chỉ có thiên thần hay chỉ có quỷ sứ, nhưng là những con người vừa nhân đức vừa tội lỗi. Nếu lịch sử xâm chiếm Mỹ châu mang nhiều vết máu thì cũng không thiếu những bông hoa thơm ngát của những nhà truyền giáo bênh vực quyền lợi của thổ dân, bảo vệ và thăng tiến nhân phẩm của họ (Pedro de Gand, Bartolomé de las Casas, Pedro Claver). Cũng như trong các giai đoạn trước, nhân sự truyền giáo gồm bởi các Dòng tu: ngoài những Dòng ra đời thời Trung cổ (Đaminh, Phanxicô, Augustinô), từ năm 1550 còn thêm các tu sĩ Dòng Tên. Một dụng cụ đắc lực cho việc truyền giáo là các sách giáo lý bằng tiếng bản quốc.
Trên đây, chúng tôi đã nói đến một vài trở ngại cho công cuộc truyền giáo ở giai đoạn này, khi Giáo hội phải đương đầu với những hoàn cảnh mới, tiếp xúc với những thế giới hoàn toàn mới lạ. Thiết tưởng không nên bỏ qua một trở ngại nữa trong giai đoạn này, đó là sự ly khai trong nội bộ Giáo hội tiếp theo phong trào Cải cách (Lutêrô 1517, Zwingli 1522, Henri VIII 1531, Calvinô 1541). Những cuộc phân rẽ ấy không những đã gây nhiều tổn hại cho thành phần nhân sự truyền giáo, nhưng còn gây ra hậu quả tai hại khác nữa: đó là tuy cùng rao giảng Tin mừng của đức Kitô, nhưng các thừa sai lại bài xích lẫn nhau, và các cộng đoàn Kitô hữu trẻ trung cũng bị chia năm xẻ bảy giống như ở Âu châu! Chưa hết, xét vì Tòa thánh đã ủy thác việc tuyển mộ nhân sự truyền giáo cho hoàng triều Tây ban nha và Bồ đào nha, cho nên không những các nhà truyền giáo nào không thuộc hai nước đó phải gặp khó khăn trong việc phục vụ Tin mừng, nhưng các quốc gia ngả theo Tin lành (như Anh quốc, Hòa lan) cũng tóm cổ các thừa sai công giáo vì bị nghi ngờ là nhân viên của Tây ban nha và Bồ đào nha.
Giai đoạn này được chấm dứt với sự thiết lập Bộ Truyền giáo vào năm 1640, mở màn cho một giai đoạn mới. Việc thiết lập Bộ Truyền giáo muốn nói lên rằng Giáo hội (cách riêng Tòa thánh) phải nắm chủ động trong công cuộc truyền giáo, chứ không thể khoán trắng cho các Hoàng đế Tây ban nha và Bồ đào nha; đồng thời các thừa sai cũng phải ý thức rằng bổn phận của họ là giảng Tin mừng của đức Kitô chứ không phải là làm một công chức phục vụ cho một cường quốc nào hết, kể cả chính tổ quốc của mình. Đó là lý tưởng mà bộ Truyền giáo muốn nhắm tới, nhưng không phải tất cả mọi người đều chấp thuận dự án đó.
VI. Thế kỷ 19-20
Đặc điểm của giai đoạn này là Tin mừng được mang đến khắp 5 châu, không những chỉ tới những thị trấn thương mại ven biển như xưa, nhưng mãi tận những nơi cheo leo của non cao trên dãy Hi mã lạp sơn cũng như những hòn đảo chơ vơ giữa Thái bình dương.
Công tác truyền giảng Tin mừng không phải chỉ là độc quyền của Giáo hội công giáo nữa, nhưng rất nhiều Hội Truyền giáo thuộc các Giáo hội Tin lành cũng đã được thành lập và đã hoạt động hăng say. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ giới hạn vào những hoạt động của Giáo hội công giáo.
Như chúng ta đã biết, công cuộc truyền giáo được điều hợp bởi Bộ Truyền giáo. Bộ đã nhận được sự hỗ trợ đặc biệt của rất nhiều Dòng tu ra đời trong hai thế kỷ 19-20, gồm những thừa sai nam nữ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Các Hội dòng thừa sai không những chuyên lo việc rao giảng Lời Chúa, nhưng còn để tâm đến việc thăng tiến nhân phẩm, qua những dịch vụ như nhà trường, trạm phát thuốc, nhà thương, trại phong, trung tâm hướng nghiệp. Các giáo dân cũng được cổ động tham gia vào công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, sự đóng góp vật chất. Việc cổ động tinh thần là một công lao đáng kể của các Hội Giáo hoàng Truyền giáo.
Đó mới chỉ là nhận xét đại cương. Khi đi vào chi tiết, chúng ta sẽ thấy công cuộc truyền giáo trong hai thế kỷ 19-20 mang nhiều sắc thái trước một bối cảnh xã hội, lịch sử, địa lý rất là phức tạp.
+ Về mặt văn hóa tôn giáo, các nhà truyền giáo đã gặp những tôn giáo cổ kính tại Á châu cũng như những tôn giáo nói được là sơ khai ở Phi châu và các đảo trong vùng Thái bình dương và Đại dương châu. Dĩ nhiên, các ngôn ngữ lại còn đa dạng hơn nữa. Thái độ của các thừa sai cũng đa dạng: đa số các thừa sai kiên nhẫn học thổ ngữ để tiếp xúc với người địa phương; nhưng có lẽ ít người tôn trọng các tôn giáo và tập tục của họ, thường bị đánh giá là lạc hậu, mê tín.
+ Dưới khía cạnh chính trị và xã hội, vấn đề lại còn phức tạp hơn nữa. Thế kỷ 19 là thời bành trướng thuộc địa của các nước Âu Mỹ trên lãnh thổ Á, Phi và Đại dương châu. Chúng ta không thể kết tội cho tất cả các nước đó đều mang đầu óc thực dân, chỉ nghĩ đến chuyện xâm lăng chiếm đất, để thống trị, khai thác và bóc lột. Khi đọc lại các tác phẩm văn chương triết học viết vào thời này, chúng ta thấy còn có những động lực khác nữa. Một động lực được nhắc tới nhiều lần là “khai hóa”, đem nền văn minh Âu Tây đến soi sáng cho những vùng bán khai. Nên biết là văn minh Tây phương không phải chỉ giới hạn vào khía cạnh khoa học kỹ thuật mà còn kèm theo những tư tưởng chính trị rất quyến rũ như bình đẳng, tự do, dân chủ. (Để cho công minh hơn, cần phải thêm rằng cũng không thiếu triết gia Âu Tây có quan điểm ngược lại: chính những anh mọi sống trong rừng như vậy mới duy trì bản chất con người cách trong sáng, còn dân thành thị đã suy đồi do bao nhiêu phép tắc luật lệ. Quan điểm “bon sauvage” phản ánh trong những khảo luận cũng như những tiểu thuyết như Robinson Crusoe, Jules Verne, Ruyard Kipling).
Những tư tưởng đó không thể không ảnh hưởng tới công tác truyền giáo. Các thừa sai xuất phát từ Âu châu mang trong đầu nhiều tư tưởng khác nhau. Dĩ nhiên, động lực chính là giảng đạo; nhưng động lực đó không khỏi pha phôi với những động lực khác. Chẳng hạn như có người thích phiêu lưu mạo hiểm nơi miền đất mới; có người thâm tín là mình đi khai hóa cho đám người lạc hậu. Thật khó mà đọc được hết tất cả các ý nghĩ trong đầu óc của hàng ngàn thừa sai vào hồi thế kỷ 19. Một điều dễ kiểm chứng hơn cả là họ thường đi kèm theo các phái đoàn viễn chinh thuộc địa. Hai bên nhờ vả lẫn nhau. Nhà nước cần các thừa sai trong công cuộc khai hóa, nhờ vậy chính sách thuộc địa sẽ có bộ mặt nhân đạo hơn. Các thừa sai lại cần tới sự hỗ trợ của nhà nước không những để bảo đảm an ninh tính mạng mà còn để xây cất những cơ sở tôn giáo (nhà thờ, trường học). Vô tình hay hữu ý, nảy ra một thứ liên minh giữa các nhà thừa sai với nhà nước: nhà nước thường chỉ chấp nhận cho các thừa sai thuộc quốc gia của mình tới làm việc tại xứ bảo hộ; đối lại, các thừa sai thường chỉ đi làm việc tại xứ mà chính quyền mình bảo hộ. Thí dụ: chính phủ Pháp sẽ cấp giấy dễ dàng cho các thừa sai Pháp đến Việt nam, chứ không có thiện cảm mấy với các thừa sai Tây ban nha, Đức; và các thừa sai người Pháp thích đến Việt nam hơn là đi Ấn độ hay Indonesia.
Về phía Bộ Truyền giáo, vào buổi đầu Bộ cũng muốn có những thừa sai thuộc nhiều quốc tịch khác nhau và nhiều Dòng khác nhau đến làm việc tại một địa điểm. Chúng ta đừng nên quên là một trong những lý do Tòa thánh lập Bộ Truyền giáo là để tránh độc quyền của Tây ban nha và Bồ đào nha của những thế kỷ trước. Thế nhưng, sang thế kỷ 19, tình hình lại rơi vào như cũ. Các thừa sai vẫn là những con người, không thể nào gột rửa hết những đố kị của tính con người: từ đó nảy ra những tranh chấp giữa Dòng này với Dòng khác, và thậm chí giữa những tu sĩ cùng Dòng nhưng khác quốc tịch. Dần dần để cho công việc được đắc lực hơn, bộ Truyền giáo quyết định giao hẳn một vùng lãnh thổ cho một Dòng (jus commissionis), thường gồm những phần tử cùng một quốc tịch với nhau và cùng quốc tịch với chính quyền bảo hộ.
Tuy nhiên nhận xét vừa nói cần được bổ túc với nhận xét khác. Việc trao công tác truyền giáo cho những Dòng tu khác nhau, thuộc nhiều quốc tịch khác nhau có nguy cơ sẽ đưa tới việc phân mảnh đức tin và đời sống đạo. Sự thực không phải như vậy. Những thế kỷ 19-20 trùng với thời kỳ hậu công đồng Trentô, thời kỳ củng cố sự đồng nhất về đức tin, phụng vụ cũng như đường lối quản trị trong Giáo hội. Thánh lễ cử hành ở Paris, Calcutta hay Sàigòn cũng giống như nhau, không những bằng tiếng latinh mà cả trong những tiểu tiết (gọi là chữ đỏ). Vào giai đoạn này, xem ra chuyện hội nhập văn hóa chưa thành vấn đề, hay ít là chưa có đủ nhân sự để lo chuyện đó.
Sau những nhận xét tổng quát, chúng ta hãy ghi lại vài niên biểu đáng ghi nhận.
1) Về phía Tòa thánh, trong những vị Giáo hoàng đã đẩy mạnh công cuộc truyền giáo trong hai thế kỷ 19-20, ta phải kể tới: đức Grêgôriô XVI, nguyên Tổng Trưởng bộ Truyền giáo, mạnh mẽ lên án chế độ buôn bán nô lệ trong tông thư “In Supremo” (3-12-1839) và lôi kéo toàn Giáo hội tham gia phong trào bãi bỏ chế độ đó. Ngài cũng nhắn nhủ các thừa sai đừng rơi vào óc quốc gia thực dân, và hãy cố gắng cổ võ hàng giáo sĩ bản quốc. Đức Piô IX, trong thời gian họp công đồng Vaticano I, đã có cơ hội gặp gỡ các Giám mục từ các vùng truyền giáo, và nhờ vậy đã có cái nhìn bao quát hơn về đường lối truyền giáo. Đức Lêo XIII cổ động mạnh mẽ việc truyền giáo ở Phi châu; đồng thời cũng tuyên bố chấm dứt chế độ ủy thác cho Bồ đào nha tại Á châu. Một mối quan tâm đặc biệt của các Giáo hoàng là tiến tới việc thiết lập hàng giáo phẩm địa phương. Nhưng chương trình tiến hành chậm chạp vì chính đức Grêgôriô XVI than phiền là các chỉ thị ra cho các thừa sai đã không được chấp hành. Lý do có lẽ tại vì nhiều thừa sai đòi hỏi người bản xứ cũng phải đạt được trình độ học vấn như các ngài, đang khi mà hệ thống giáo dục tại địa phương còn non nớt. Sau cùng chính các Giáo hoàng phải mạnh tay, đích thân tấn phong các Giám mục bản quốc: 1923, Giám mục đầu tiên của Ấn độ; 1926 Trung hoa, 1927 Nhật bản, còn Việt nam thì phải chờ tới 1933. Sang thế kỷ XX, các Giáo hoàng còn đẩy mạnh công cuộc truyền giáo bằng giáo huấn qua những thông điệp như Maximum illud của đức Beneđictô XV (1919), Rerum Ecclesiae của đức Piô XI (1926), Evangelii Praecones (1951) và Fidei Donum (1957), của đức Piô XII, Princeps Pastorum (1959) của đức Gioan XXIII
2) Về nhân sự truyền giáo, hai thế kỷ 19 và 20 đã chớm nở rất nhiều Dòng tu nam nữ lo việc tông đồ; thậm chí có những Dòng lập ra chuyên về truyền giáo.
3) Những phương pháp truyền giáo cũng thay đổi nhiều so với những giai đoạn trước. Việc giảng đạo đi kèm theo việc thăng tiến con người: trường học dạy chữ cũng như dạy nghề ở đủ các cấp; nhà thương, trại phong, cô nhi viện, viện dưỡng lão, v.v... nhờ công lao hy sinh tận tụy của bao nữ tu, sư huynh sát cánh với các linh mục. Sự đóng góp của các thầy giảng cũng không phải là nhỏ. Ngành ấn loát sách báo cũng trở thành một phương tiện giảng đạo, vừa truyền bá Tin mừng cho người địa phương vừa giới thiệu văn hóa tập tục của người địa phương cho người Âu châu.
4) Ngoại trừ những vùng Hồi giáo, việc giảng đạo tại Phi châu tiến triển mau lẹ trong hậu bán thế kỷ 19. Nhưng công tác truyền giáo ở Á châu trong thời gian ấy thì khó khăn hơn, với những sắc lệnh cấm đạo, khiến cho nhiều thừa sai và người bản xứ phải chết vì đạo. Như đã nói trên đây, một lý do không nhỏ đưa tới những cuộc bách hại là việc lẫn lộn giữa chính sách thực dân với công tác giảng đạo. Tại Mỹ châu và Úc châu, con số tín hữu tăng gia nhờ những đợt sóng di cư của người da trắng từ Âu châu, rồi tứ đó tiếp xúc với các thổ dân.
5) Sang thế kỷ 20, tình hình chính trị thế giới biến chuyển, với những biến cố có tác dụng không nhỏ tới công cuộc truyền giáo: hai trận thế chiến 1914-1918 và 1939-1945; các cuộc cách mạng cộng sản tại Nga, rồi lan sang Đông Âu, và phần lớn của Á châu; những cuộc khởi nghĩa dành độc lập của các nước Phi và Á châu thoát khỏi chế độ thuộc địa.
Về phía Giáo hội, một biến cố đáng ghi nhớ là công đồng Vaticano II, với sự tham dự không những là của các Giám mục đến từ xứ truyền giáo nhưng là con đẻ của những Giáo hội trẻ. Thực vậy, vào thập niên 60, tại nhiều nơi hàng giáo phẩm địa phương đã được thành lập. Trong văn kiện về Truyền giáo, công đồng đề ra thần học về Giáo hội địa phương, trao cho họ trách nhiệm không những tìm cách diễn tả Kitô giáo với ngôn ngữ của nền văn hóa địa phương, nhưng còn phải đảm nhận trọng trách chủ động trong việc giảng Tin mừng cho đồng bào cũng như ở nước ngoài nữa.
Trong vài trang ngắn ngủi, chắc chắn không thể nào nói hết tất cả các khía cạnh của công cuộc truyền giáo được. Ngày nay, có lẽ chúng ta chú ý nhiều tới việc hội nhập đức tin vào văn hóa: Tin mừng được lan rộng không phải qua thống kê những người xin rửa tội, nhưng còn phải để cho Tin mừng thâm nhập vào đường lối suy tư hành động nữa. Tuy nhiên, đó chỉ là một tiêu chuẩn do thời đại chúng ta đặt ra. Chắc chắn là còn nhiều tiêu chuẩn khác nữa. Dù sao thì chúng ta chỉ là những dụng cụ thiếu sót, và như người ta thường nói, Chúa có thể viết hàng chữ ngay đẹp với những ngòi bút rè và gãy.
Vào cuối thế kỷ 20, Giáo hội phải đương đầu với những thách đố mới. Những lục địa vốn được coi là Kitô giáo (Âu châu, Mỹ châu) nay đã bị “tục hóa” chẳng còn giữ đạo nghĩa gì nữa; đó là chưa kể những làn sóng di cư của những người ngoài Kitô giáo từ Phi châu, Á châu sang, mang theo tôn giáo của họ: nhiều đền thờ Hồi giáo mọc lên đó đây tại Âu châu, những giáo phái tâm linh của Ấn giáo và Phật giáo cũng lôi cuốn các người Âu mỹ không ít. Đang khi đó, công cuộc truyền giáo ở các lục địa khác bị đình trệ vì thiếu nhân sự hoặc vì bị nhà cầm quyền địa phương ngăn trở.
Tuy nhiên, không phải tương lai hoàn toàn mù mịt. Vào thời nào cũng có những thách đố và hứa hẹn. Đức Thánh Cha kêu gọi chiến dịch “tái truyền giảng Phúc âm”, với những tâm thức mới, tinh thần mới.