Thời sự Thần học – số 9 – Tháng 9/1997, tr. 23-33
Hoa Trang_
Trong các văn kiện Tòa thánh. Từ ngữ : Gia đình là một Giáo hội gia thất (hay cũng có thể dịch là: Giáo hội tại gia. Giáo hội thu hẹp, nguyên ngữ latinh là : ecclesia domestica) thường được nhắc tới. Từ ngữ đó có ý nghĩa gì?
Theo các học giả, danh từ này được du nhập vào các văn kiện của Giáo hội kể từ công đồng Vaticanô II. Ở số 11 của “Hiến chế về Hội thánh”, khi nói về ý nghĩa của bí tích hôn phối, công đồng viết như sau.
Theo các học giả, danh từ này được du nhập vào các văn kiện của Giáo hội kể từ công đồng Vaticanô II. Ở số 11 của “Hiến chế về Hội thánh”, khi nói về ý nghĩa của bí tích hôn phối, công đồng viết như sau.
“Do sự kết hợp vợ chồng mà gia đình được hình thành, từ đó sinh ra những công dân của xã hội loài người; những con người ấy nhờ ơn của Thánh Thần được trở nên con cái của Chúa qua bí tích rửa tội ngõ hầu bành trướng Dân Chúa trải qua dòng thời gian. Ở trong gia đình, tựa như trong một Giáo hội gia thất (velut Ecclesia domestica), cha mẹ phải là những người tiên phong rao giảng đức tin, bằng lời nói cũng như bằng gương lành; cha mẹ cần phải cổ võ ơn gọi riêng của mỗi người con, đặc biệt là ơn gọi tận hiến”.
Như vậy, ta có thể nói rằng gia đình ví được như một tế bào của Giáo hội, nơi giúp cho Giáo hội được tăng trưởng và cũng là nơi hình thành Giáo hội qua việc rao truyền đức tin. Sau công đồng, đức Phaolo VI đã trở lại với ý tưởng “Giáo hội gia thất” đặc biệt vào buổi tiếp kiến phong trào “Équipes Notre Dame” hồi tháng 5 năm 1970. Ngài chú giải tư tưởng của công đồng Vaticano II, coi gia đình như một “tiểu Giáo hội” (petite Église), một tế bào của Giáo hội” (celluie d' Église), qua hai sắc thái sau đây.
a) cũng như Giáo hội có sứ mạng bày tỏ lòng khoan nhân của Thiên Chúa, thì gia đình Kitô giáo cũng cần bày tỏ khuôn mặt tươi cười hiền dịu của Giáo hội qua việc tiếp đón những tổ ấm khác đang gặp khó khăn;
b) gia đình phản ánh bộ mặt của Giáo hội lữ hành, gồm những lúc vui buồn, những lần sa ngã cũng như những lần được tha thứ và nên thánh.
Vào năm 1975, trong tông huấn “Rao giảng Tin mừng” (Evangelii Nuntiandi) số 70, đức Phaolo VI trình bày gia đình như là một Giáo hội gia thất, theo nghĩa là một môi trường ở đó Phúc âm được rao truyền, chuyển thông và tỏa rạng. Với đức Gioan Phaolo II, tư tưởng gia đình như Giáo hội gia thất được dùng thường xuyên hơn, đặc biệt là trong tông huấn “Đời sống gia đình” (Familiaris consortio). Từ ngữ này xuất hiện tới gần 10 lần (ở các số 21; 38; 48-52; 59; 65; 86). Trước khi phân tích tư tưởng của những đoạn văn vừa kể, thiết tưởng nên đi ngược giòng lịch sử để tìm hiểu lai lịch của nó.
I. Lai lịch
Tuy rằng từ ngữ “Hội thánh gia thất” mới được sử dụng trong các văn kiện gần đây của Tòa thánh, nhưng nó đã ra đời từ lâu rồi. Trong bài huấn từ dành cho “Equipes Notre Dame” năm 1970, đức Phaolô VI trích dẫn thánh Gioan Kim khẩu [1], người đã dùng từ ngữ “tiểu Giáo hội” trong khi chú giải đoạn văn của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Ephêsô chương 5. Nhưng các tác giả còn đi ngược lên cao hơn nữa, nghĩa là ngay từ trong chính Kinh thánh Tân ước, từ khi Giáo hội vừa mới ra đời. Thực vậy, ở sách Tông đồ công vụ (2.46), Luca cho ta biết rằng các Kitô hữu hằng ngày lên đền thờ cầu nguyện rồi sau đó họ cử hành lễ nghi bẻ bánh ở nhà. Trong những tháng năm đầu tiên, các Kitô hữu còn tham dự các buổi cầu nguyện cổ truyền với người Do thái ở đền thờ; nhưng sau đó, nghĩa là khi sang phần phụng vụ riêng của mình (gồm việc nghe lời giảng của các tông đồ và việc bẻ bánh), thì họ cử hành ở nhà (Kat oikon). Nên biết rằng không phải là ai về nhà nấy, nhưng tất cả tụ họp cầu nguyện trong một nhà (thánh Luca dùng tiếng “nhà” ở số ít, chứ không phải ở số nhiều) ; chính khi các tín hữu họp nhau cầu nguyện trong một nhà mà Giáo hội được thành hình. Trong Tân ước, ta còn thấy từ ngữ “ecclesia domestica” (mà bản dịch Vulgata dùng để chuyển ngữ “kat oikon ekklesia” tiếng Hy lạp) ở bốn đoạn của các thư thánh Phaolo” Rm 16,5; 1Cr 16,19; Cl 4,15; Plm 2. thánh Tông đồ dùng từ ngữ ấy để gọi cộng đồng giáo hội tụ họp tại một căn nhà nào đó (Gaio ở Roma. Prisca và Aquila ở Corintô, Nympas ở Laođixêa, Philêmôn). Giáo hội hồi đó chưa có nhà thờ : các tín hữu họp nhau tại các căn nhà tư, và căn nhà đó không những là nơi chứa nạp các tín hữu nhưng còn là nơi biểu hiện của Giáo hội, bởi vì là nơi gặp gỡ tiếp đón, nơi rao giảng Lời Chúa, nơi cầu nguyện. Thiết tưởng khi nói tới “cái nhà” thì chúng ta đừng hiểu “nhà” như là gia đình, tổ ấm (thí dụ Cv 10,1 và 18, 8 nói tới việc “cả nhà” trở lại đạo; 1Tm 1,5-9 đòi hỏi rằng vị lãnh đạo cộng đoàn tính hữu phải là người biết quản trị nhà mình trước đã).
Với dòng thời gian, các tín hữu đã có nơi chốn dành cho việc thờ tự, và nơi ấy được gọi là “giáo hội” (trong các tiếng Âu mỹ, chỉ có một từ để ám chỉ Giáo hội và thánh đường” ecclesia, eglise, church); tuy nhiên các giáo phụ không ngừng khuyên nhủ các đôi bạn hãy tiếp tục cốt gắng duy trì nhà mình, nghĩa là gia đình thành một “Giáo hội” (hoặc hội thánh, nhà thờ), bởi vì gia đình là một tế bào của Giáo hội: nơi thể hiện tình yêu của Đức Kitô đối với Hội thánh, nơi biểu hiện tình yêu thông hiệp giữa ba ngôi Thiên Chúa, nơi mà đức Kitô hiện diện khi có hai ba người ý hợp tâm đồng. Trong các giáo phụ, thánh Gioan Kim Khẩu là tác giả đã năng nhắc nhở các gia đình hãy biến căn nhà của mình thành Giáo hội, thánh thánh đường: bằng lời cầu nguyện, bằng việc nghe Lời Chúa, bằng việc thực thi bác ái không những giữa các phần tử trong nhà mà còn mở rộng tới đối với người ngoài nữa [2].
II. Nội dung tư tưởng qua tông huấn “Đời sống gia đình”
Đức Gioan Phaolo II đã nhiều lần nói tới gia đình “Giáo hội gia thất” (hay tế bào của Giáo hội, tiểu Giáo hội). Từ ngữ đó có ý nghĩa gì? Chúng ta cùng cố gắng khám phá nội dung tư tưởng của nó bằng cách rảo qua những đoạn văn của tông huấn “Đời sống gia đình”.
1. Số 21 gọi gia đình là Giáo hội gia thất bởi vì nó là nhiệm tích (dấu chỉ hữu hiệu) của sự thông hiệp của Giáo hội: nó bao gồm bởi các phần tử được liên kết với nhau trong bí tích rửa tội và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần.
2. Số 38 gọi gia đình là Giáo hội, bởi vì thi hành một sứ mạng mẫu tử như Giáo hội qua việc giáo dục con cái theo tinh thần Kitô giáo.
3. Số 48 so sánh gia đình với Giáo hội bởi vì cùng mang một thiên chức ở giữa trần thế, tức là dấu hiệu của sự hợp nhất và hòa bình.
4. Những đoạn văn súc tích hơn cả là từ số 49 trở đi, khi đức Gioan Phaolo II bàn tới sự tham gia của gia đình với đời sống và sứ mạng của Giáo hội. Gia đình là một Giáo hội thu gọn, bởi vì cùng thi hành những chức phận làm mẹ của Giáo hội Mẹ: sinh sản, dưỡng dục con cái (số 49); gia đình một môi trường cần được Phúc âm hóa (số 50) ngõ hầu trở thành môi trường truyền bá Phúc âm (số 51). Gia đình đôi khi là nơi duy nhất mà các thiếu nhi có thể lãnh nhận Tin mừng và được huấn giáo (số 52).
Qua số 54, Đức Thánh Cha không ngần ngại thúc đẩy các gia đình hãy ra khỏi bốn bức tường nhà để mang Tin mừng đi xa hơn, tới những người không biết Chúa hoặc tới những gia đình sống xa Chúa do đời sống không phù hợp với luân lý.
5. Từ số 55 trở đi, gia đình được gọi là Giáo hội gia thất dưới khía cạnh là cung điện cầu nguyện, nơi gặp gỡ đối thoại với Thiên Chúa : qua việc cầu nguyện, những hy sinh, những nhân đức (số 59). Gia đình là nơi sống bí tích hôn nhân, nơi chuẩn bị cho con em vào đời sống phụng vụ bí tích (số 61). Dĩ nhiên, dưới khía cạnh này, gia đình góp phần đắc lực vào việc kiến tạo Giáo hội thánh thiện (số 65).
6. Sau cùng, trong phần kết luận, Đức Maria Mẹ của Giáo hội được khẩn nài như là Mẹ của các Giáo hội gia thất, ngõ hầu họ phản ánh trung thực bản chất của Giáo hội :
- gia đình phản ánh sự thông hiệp của tình yêu;
- gia đình được quy tụ do ơn thánh và đức tin;
- gia đình thi hành chức vụ rao giảng Tin mừng, thực hiện chức phận làm mẹ;
- gia đình là nơi thánh hóa, nơi cầu nguyện kết hợp với Chúa
Sách Giáo Lý Hội thánh công giáo đã dành các số 1655-1658 (bí tích hôn phối) cho tựa đề “Giáo hội gia thất”. Nội dung được tóm lại ở số 1666 như sau :
Tổ ấm gia đình kitô giáo là nơi mà con cái lãnh nhận sự loan báo đức tin đầu tiên. Chính vì vậy mà thực là đúng nghĩa khi gọi gia đình là “Giáo hội gia thất”, cộng đồng ơn sủng và cầu nguyện, trường dạy các nhân đức nhân bản và đức ái Kitô giáo.
Dù sao, thần học về “Giáo hội gia thất” cho thấy rằng thần học về gia đình không thể nào chỉ giới hạn vào những bổn phận luân lý hay quy tắc giáo luật, nhưng còn bao gồm nhiều khía cạnh tu đức, thần bí và truyền giáo nữa. Hơn thể nữa, thần học về “Giáo hội gia thất” cũng giúp chúng ta có một quan niệm trung thực hơn về bản chất của Giáo hội: Giáo hội không phải chỉ là một cơ chế nhưng tiên vàn là một thực thể sống động, gồm những phần tử liên kết với nhau trong tình thông hiệp của đức tin cậy mến, dưới tác động của ơn thánh, để biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa ở giữa trần thế qua nếp sống, lời nói và việc làm.
B. VỀ HÔN NHÂN TAN VỠ
Phần trên cho thấy bộ mặt đẹp của hôn nhân, nghĩa là lý tưởng của hôn nhân theo chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng không phải lúc nào thực tế cũng trùng hợp với lý tưởng, và thần học không thể làm ngơ tới sự chênh lệch ấy. Thực ra, khi lật quyển sách Giáo Lý Hội thánh công giáo, chúng ta thấy tất cả hai bộ mặt đó. Nói đúng ra, ta không nên đối chọi giữa lý tưởng và thực tại, nhưng là xét cùng một thực tại dưới hai khía cạnh : một đàng là thế tĩnh (bản chất của nó : essentia), và một đàng là thế động (sinh hoạt : operatio). Sách Giáo lý Hội thánh công giáo nói đến trạng thái tĩnh của hôn nhân khi cắt nghĩa bí tích hôn phối [3], và trạng thái động khi cắt nghĩa điều răn thứ sáu [4] ; ta cũng có thể thêm những số 2197 – 2233 [5] trong khía cạnh động của đời sống gia đình.
I. Về bản chất hôn nhân, Sách Giáo Lý bàn tới 6 tiết sau đây:
- Hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa.
- Sự cử hành hôn nhân.
- Sự thoả thuận của hôn nhân.
- Công hiệu của bí tích hôn phối.
- Những thiện ích và yêu sách của hôn nhân.
- Hội thánh gia thất.
II. Về khía cạnh động, khi giải thích điều răn thứ sáu, Sách Giáo Lý đã bàn tới tình yêu vợ chồng, bao gồm sự chung thủy cũng như sự truyền sinh (số 2360 – 2379); kế đó là những sự xúc phạm tới phẩm giá hôn nhân : đứng đầu là ly dị (số 2382 – 2386); tiếp đó là : đa thê, loạn luân, ngoại hôn, ngoại tình, v.v… (số 2387-2391).
Như chúng ta đã thấy, sách Giáo lý đã đặt vấn đề ly dị ở hàng đầu của những sự xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân. Tiếc thay đây là một thực tại xã hội mà Giáo hội không thể nhắm mắt, khi mà tỉ lệ những cặp hôn nhân tan vỡ ngày càng gia tăng. Các chuyên viên về thần học, giáo luật, mục vụ cũng đã dành nhiều suy tư về vấn đề này. Chúng tôi chỉ xin giới hạn vào hai điểm:
Lý thuyết: Giáo hội có thể tháo gỡ dây hôn phối để cho những người ly dị làm lại cuộc đời hay không ?
Thực tế: Giáo hội phải đối xử thế nào với những người ly dị và tái hôn ?
1. Câu hỏi lý thuyết : hôn nhân có tuyệt đối bất khả ly hay không ?
Thoạt tiên câu trả lời đã quá rõ ràng: hôn nhân bất khả ly, bởi vì “con người không được tháo gỡ điều mà Thiên Chúa đã nối kết” (Mc 10,9; Mt 19,6). Nhưng khi giở lại lịch sử, ta thấy Giáo hội đã tháo gỡ nhiều đôi hôn phối. Thí dụ từ thế kỷ thứ 12, khi đức Alexandro III (1159 – 1181) tuyên bố rằng Giáo hoàng có thể tháo hôn phối thành nhận nhưng chưa hoàn hợp. Cũng từ thế kỷ thứ 12, đức Innocentê III (1199) bắt đầu tháo gỡ hôn nhân những người ngoại đạo do đặc ân của thánh Phaolô. Thế nhưng, đó mới là khởi điểm, xét rằng từ thế kỷ 12 tới nay học lý và án lệ đã tiến triển rất nhiều. Ta đã biết rằng đặc ân thánh Phaolô được mở rộng thành đặc ân thánh Phêrô (hay đặc ân đức tin nói chung), khi mà Tòa thánh tháo gỡ dây hôn phối chưa hoàn hợp cũng sẽ tăng, xét vì bộ giáo luật hiện hành đã đòi hỏi sự hoàn hợp phải có tính cách nhân linh (humano modo) chứ không áp dụng cho bất cứ sự giao hợp nào ! Đi từ những tiền đề lịch sử đó, ngay từ năm 1971, giáo sư Louis de Naurois đã đặt câu hỏi: tại sao Giáo hội không tiến thêm bước nữa để miễn chuẩn cả những hôn phối đã hoàn hợp ? Trước và sau sự hoàn hợp, bản chất của hôn phối (kể cả xét như là bí tích) có gì khác nhau đâu ?
Cũng không thiếu tác giả đề nghị một giải pháp khác ngoài việc tháo gỡ dây hôn phối. Theo họ, trong các giáo hội chính thông Đông phương, không có chuyện tháo dây bí tích hôn phối : dây hôn phối có tính cách vĩnh cửu. Nhưng họ áp dụng nguyên tắc “oikonomia”, nguyên tắc ân sủng trong giai đoạn lữ hành trong lịch sử cứu độ. Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào đường thánh thiện; nhưng Ngài vẫn còn nhẫn nại với chúng ta bao lâu chúng ta còn đang trên đường tiến về Ngài; Ngài chấp nhận những sa ngã của ta qua bí tích tha thứ. Giáo hội cũng phải bắt chước đường lối của Chúa: một đàng phải khẳng định về tính cách bất khả ly của hôn nhân trên bình diện đức tin và phong hóa bởi vì đó là một giá trị vĩnh cửu; tuy nhiên đàng khác, cần biết nhẫn nại, không nên khư khư áp dụng một biện pháp cho hết mọi hoàn cảnh; cần phải tìm ra một giải pháp cho mỗi hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, để chứng tỏ cho thấy rằng sự kết hôn lần thứ nhất mang tính chất vĩnh viễn, các cuộc tái hôn (kể cả khi người phối ngẫu đã qua đời) đều mang dấu thống hối.
2. Vấn đề thực hành
Trong khi chờ đợi những bước tiến pháp lý về phía nhà cầm quyền trong Giáo hội, các vị mục tử phải đương đầu với thực trạng của những người ly dị và tái hôn. Nếu xét theo lý, thì những người này sống trong tình trạng bất hợp pháp, hay là tội nhân công khai, với hậu quả là không được lãnh các bí tích thống hối và Mình Thánh Chúa. Thế nhưng, xét theo tình, thì không lẽ cứ để họ suốt đời sống xa Chúa và xa Giáo hội hay sao? Chúng ta biết rằng giải pháp quen được áp dụng cho tới nay là cố gắng tìm cách để tuyên bố giá thú thứ nhất vô hiệu (vì mắc ngăn trở tiêu hôn, vi hà ti ưng thuận, vi hà ti thể thức). Giải pháp khác là khuyên nhủ họ chấp nhận sống với nhau như anh em.
Nhiều Hội đồng Giám mục đã thảo ra những đường hướng mục vụ dành cho những người ly dị dù có tái hôn hay không. Những thí dụ điển hình gần đây là Hội đồng Giám mục Pháp [6] Hội đồng giám mục Italia [7]; các Giám mục miền Oberrhein [8] với lá thư mục vụ thánh bảy năm 1993. Đó cũng là cơ hội để các nhà thần học cũng như toàn thể cộng đồng Dân Chúa xét lại toàn thể vấn đề, và vượt qua nhiều thiên kiến. Một số thiên kiến thường gặp hơn cả có thể kê ra như sau:
- Những người ly dị không chấp nhận đạo lý về hôn nhân bất khả ly. Không hẳn như vậy : nhiều người vẫn còn thâm tín nơi tính cách bất khả ly, và họ cố gắng duy trì mối dây hôn phối. Họ tiếc xót về sự đổ vỡ không tránh được, và họ đau khổ do vết thương lòng đó.
- Những người ly dị bị tuyệt thông. Không đúng: không có vạ nào dự trù cho tội ly dị cả.
- Những người ly dị bị loại khỏi Giáo hội. Không phải như vậy : các người ly dị vẫn là phần tử của Giáo hội. Họ vẫn được mời gọi tham gia vào đời sống của Giáo hội, tỉ như qua các buổi cầu nguyện phụng vụ, các lớp huấn giáo. Thậm chí họ cũng được mời gọi tham gia tích cực vào những sinh hoạt của cộng đồng, thí dụ các hoạt động bác ái, xã hội. Dĩ nhiên, họ vẫn có trọng trách giáo dục đạo đức cho con em của mình như những phụ huynh khác.
Những đường hướng mục vụ mà các văn kiện muốn lưu ý có thể tóm lại như sau.
a. Các vị mục tử cần phân biệt từng trường hợp một, như đức Gioan Phaolo II đã viết trong tông huấn “Đời sống Gia đình” số 84 : có những người đã cố gắng hết sức để cứu vãn hôn phối nhưng họ đã bị bỏ rơi một cách bất công; có những người đã tái hôn cốt để dưỡng dục con cái; có người thâm tín trong lương tâm rằng hôn phối đầu tiên đã vỡ và cũng vô hiệu nhưng không có đủ chúng cớ để xuất trình ra tòa án.
b. Các phần tử trong cộng đoàn phải tỏ ra thông cảm với nỗi đau khổ của những đôi vợ chồng tan vỡ, và hãy nhớ lời của Phúc âm : đừng dành quyền xét đoán lương tâm của tha nhân.
c. Các vị mục tử hãy nâng đỡ những đôi bạn ly dị, để hướng dẫn họ khám phá ra sự thực của Phúc âm, chứ không khư khư bám theo quan điểm chủ quan của mình. Việc lắng nghe chân lý của Phúc âm dần dần mở đường cho việc cải hoán, một điều kiện cần thiết để lãnh nhận bí tích.
d. Tuy rằng các bí tích là những phương tiện thông thường để nhận lãnh ơn Chúa, song không phải là những con đường duy nhất. Chính sự đau khổ vì không được thông hiệp hoàn toàn vào các bí tích cũng có thể mang lại an bình trong tâm hồn một khi kết hợp với Thập giá của Đức Kitô.
e. Sau cùng, tuy khó lòng trong ngắn hạn có thể tìm ra một giải pháp mới, các văn kiện vừa nói không quên nhắc tới sức mạnh của ơn thánh Chúa : ơn thánh giúp đôi bạn vượt qua những thử thách của đời sống vợ chồng; ơn thánh giúp cho các người ly dị tái hôn có thể chấp nhận yêu sách về sự tiết chế hoàn toàn.
---------
[1] Hom. 20 in epist. ad Ephesios 5,22-24: PG 62, 135-140.
[2] Sẹmones ìn Genesim 6,2; 7,1: PG 54, 607; Homiliae in Matthaeum 48,7: PG 58,495: Homiliae in epist. ad Ephesios 20,6: PG 62, 143.
[3] Phần thứ hai, từ số 1601 – 1666.
[4] Phần thứ ba, số 2331 – 2400.
[5] Điều răn thứ 4.
[6] “Les divorcés remariés dans la communauté chrétienne” đăng ở: Documentation Catholique 19/7/1992, trang 699 – 710.
[7] Direttorio di pastorale familiare, Roma 1993, cap. 7: La pastorale delle famiglie in situazine difficile o irregolare..
[8] Tây Nam nước Đức.